Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3597/2004/QĐ-BTC | Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 3597/2004/QĐ-BTC NGÀY 04 THÁNG 11 NĂM 2004 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐỐI THOẠI VỚI ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ VÀ NGƯỜI KHAI HẢI QUAN
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: “Quy chế đối thoại với đối tượng nộp thuế và người khai hải quan” để áp dụng trong nội bộ ngành Tài chính.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Sinh Hùng (Đã ký) |
QUY CHẾ
ĐỐI THOẠI VỚI ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ VÀ NGƯỜI KHAI HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3597/QĐ-BTC ngày 4 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Điều 1.
Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung, phương thức, phạm vi và thời gian đối thoại với đối tượng nộp thuế và người khai hải quan về lĩnh vực thuế và hải quan (sau đây gọi tắt là đối thoại).
Quy chế này mang tính độc lập tương đối, không thay thế cho Quy chế giải quyết công việc hành chính hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực thuế và hải quan.
Điều 2.
Đối thoại là việc cơ quan Thuế, Hải quan tiếp xúc trực tiếp với đối tượng nộp thuế và người khai hải quan nhằm: tiếp nhận các thông tin về tình hình thực hiện các chính sách thuế, hải quan; phát hiện các vướng mắc trong tổ chức thực hiện; những sai phạm của cán bộ, công chức, cơ quan Thuế, Hải quan để giải quyết ngay các vướng mắc theo thẩm quyền; đề xuất với cấp trên sửa đổi, bổ sung chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, thiếu sót của cấp dưới nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hoá của doanh nghiệp, cho hoạt động xuất, nhập khẩu.
Thông qua đối thoại, cơ quan Thuế, Hải quan các cấp cung cấp kịp thời cho đối tượng nộp thuế và người khai hải quan các thông tin mới về chính sách, chế độ, về quy trình, thủ tục quản lý, kiểm tra, giám sát; về kết quả xử lý kiến nghị, giải quyết vướng mắc phát sinh,... nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp; tạo điều kiện hỗ trợ, phục vụ tích cực cho doanh nghiệp tự giác chấp hành, thực hiện đúng chính sách, pháp luật về thuế và hải quan.
Điều 3.
Đối thoại vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của đối tượng nộp thuế, người khai hải quan trong việc phản ánh tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn, tham gia đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, cải tiến quy trình, thủ tục quản lý thuế, hải quan.
Đối thoại là nhiệm vụ bắt buộc, thường xuyên của cơ quan Thuế, Hải quan các cấp; là một trong những nội dung trọng tâm của cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phù hợp với hướng chuyển từ cơ chế quản lý áp đặt sang cơ chế cung cấp thông tin, dịch vụ hỗ trợ, phục vụ tốt đối tượng nộp thuế và người khai hải quan.
Điều 4.
Việc tổ chức đối thoại phải đảm bảo thuận tiện, công khai, dân chủ, trên tinh thần hợp tác, xây dựng và có hiệu quả thiết thực. Tất cả các kiến nghị đều phải được ghi nhận, tổng hợp để trả lời và thông tin lại cho tổ chức, cá nhân nêu ý kiến tham gia đối thoại một cách kịp thời, đầy đủ, phù hợp với điều kiện trang thiết bị và phương tiện thông tin hiện có.
Thông qua công tác quản lý thu thuế và kiểm tra, giám sát hải quan; công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ đối tượng nộp thuế; công tác của Tổ giải quyết vướng mắc tại chỗ, cơ quan Thuế và Hải quan các cấp có biện pháp nắm bắt kịp thời, đầy đủ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn và nhu cầu hỗ trợ thông tin của doanh nghiệp để chủ động tổ chức các cuộc đối thoại.
Điều 5.
Căn cứ vào nhu cầu thực tế cần đối thoại và tính chất, nội dung đối thoại, cơ quan Thuế, Hải quan các cấp có thể tự tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan khác cùng tổ chức đối thoại với đối tượng nộp thuế và người khai hải quan trong phạm vi địa bàn.
Trong phạm vi, quyền hạn của mình, cơ quan Thuế, Hải quan các cấp có trách nhiệm trả lời, giải quyết dứt điểm, đúng thời hạn theo quy định những vấn đề được nêu ra trong và sau đối thoại. Những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của mình, những vướng mắc về chính sách, chế độ phải báo cáo kịp thời lên cấp trên để xin chủ trương giải quyết. Đối với những kiến nghị thuộc trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành khác thì phải chuyển đến cơ quan có chức năng giải quyết kiến nghị đó, đồng thời thông báo cho người nêu kiến nghị biết.
Điều 6.
Các hình thức đối thoại gồm có : Đối thoại thường xuyên và đối thoại định kỳ.
1. Đối thoại thường xuyên được thực hiện hàng ngày tại trụ sở cơ quan Thuế, Hải quan các cấp. Cơ quan Thuế, Hải quan các cấp phải bố trí cán bộ có đủ năng lực và thẩm quyền để tiếp nhận thông tin, giải thích thắc mắc, giải quyết theo thẩm quyền các vướng mắc, kiến nghị do đối tượng nộp thuế, người khai hải quan nêu ra. Các kiến nghị về vụ việc cụ thể thuộc trách nhiệm giải quyết của cấp mình phải được chuyển đến bộ phận liên quan để giải quyết kịp thời; các kiến nghị, đề xuất vượt quá thẩm quyền phải được ghi nhận và báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để giải quyết.
Việc tiếp nhận thông tin, kiến nghị trong đối thoại thường xuyên phải được ghi nhận bằng giấy tờ, văn bản, trong đó nêu rõ cấp giải quyết, thời hạn giải quyết (nếu thuộc trách nhiệm trực tiếp giải quyết của cơ quan mình) để người đối thoại được biết. Thông qua đối thoại thường xuyên, cơ quan Thuế, Hải quan thực hiện tổng hợp các thông tin cần thiết để chuẩn bị nội dung cho đối thoại định kỳ.
2. Đối thoại định kỳ thông qua việc tổ chức các Hội nghị đối thoại; Quy định cụ thể cho từng cấp như sau:
- Cục Thuế, Cục Hải quan, Chi cục thuế tổ chức hội nghị đối thoại mỗi quý một lần. Cơ quan thực hiện đối thoại quyết định địa điểm và thời gian đối thoại sau khi báo cáo cơ quan ngành dọc cấp trên trực tiếp. Riêng đối với các Chi cục Hải quan, tuỳ theo nhu cầu thực tế, có thể thực hiện đối thoại thường xuyên hoặc tổ chức hội nghị đối thoại để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, không bắt buộc phải tổ chức hội nghị đối thoại định kỳ.
- Tổng cục thuế, Tổng cục hải quan tổ chức hội nghị đối thoại định kỳ 6 tháng một lần. Mỗi ngành có thể tổ chức hội nghị riêng theo từng lĩnh vực hoặc phối hợp tổ chức chung với các lĩnh vực khác.
- Căn cứ vào chương trình công tác, Bộ Tài chính chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức hội nghị đối thoại trước khi diễn ra hội nghị Thủ tướng Chính phủ họp mặt doanh nghiệp.
Ngoài ra, căn cứ vào nhu cầu thực tế và tính chất cấp thiết của từng lĩnh vực, cơ quan Thuế, Hải quan có thể tổ chức các hội nghị đối thoại đột xuất.
Đối thoại thông qua việc tổ chức các Hội nghị đối thoại phải thực hiện đầy đủ các quy định cụ thể tại Mục II, III và IV của Quy chế này.
II. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ CHO ĐỐI THOẠI
Điều 7.
Cơ quan Thuế, Hải quan các cấp (dưới đây gọi chung là cơ quan tổ chức đối thoại) có trách nhiệm lập kế hoạch, xây dựng chương trình, nội dung đối thoại cho từng quý, năm; căn cứ kế hoạch và nhu cầu thực tế để xác định quy mô, thành phần tham dự cho từng lần đối thoại; quyết định việc tổ chức hội nghị độc lập hoặc phối hợp với các cơ quan khác có liên quan tổ chức đối thoại chung.
Điều 8.
Cơ quan tổ chức đối thoại phải chủ động chuẩn bị chu đáo các nội dung và tài liệu phục vụ đối thoại theo trình tự sau đây:
- Căn cứ vào kế hoạch, mục tiêu cụ thể của mỗi đợt đối thoại, tiến hành thu thập ý kiến tham gia đối thoại thông qua các hình thức: Thư mời; Phiếu thăm dò ý kiến; Trang điện tử trên Internet của ngành; Kiến nghị của đối tượng nộp thuế, người khai hải quan, các cơ quan, đơn vị gửi đến; các vấn đề được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Nghiên cứu, khai thác các ý kiến gửi đến để nắm bắt các vướng mắc phát sinh và yêu cầu của người đối thoại; Tổ chức phân loại theo từng chuyên đề, từng nội dung, theo mức độ cấp thiết của vấn đề kiến nghị,... trên cơ sở đó phân công cụ thể cho các đơn vị, bộ phận có liên quan chuẩn bị nội dung trả lời.
- Tổ chức thảo luận thống nhất về các vấn đề kiến nghị và dự kiến nội dung trả lời để báo cáo cấp trên trước khi in ấn tài liệu đối thoại. Đồng thời phân công giải quyết ngay các kiến nghị thuộc thẩm quyền của mình trước khi thực hiện đối thoại hoặc xin ý kiến cấp trên về hướng giải quyết những nội dung vượt quá thẩm quyền của cấp mình.
- Tất cả các ý kiến thu thập được và nội dung chuẩn bị trả lời đều phải tập hợp vào tài liệu đối thoại, trong đó nêu rõ: Tên tổ chức, cá nhân nêu kiến nghị; nội dung kiến nghị; nội dung trả lời, có chia ra kết quả đã giải quyết hoặc hướng sẽ giải quyết, thời gian giải quyết, cấp giải quyết. Tài liệu đối thoại cần sắp xếp phân loại theo chuyên đề, nội dung kết hợp với mức độ xử lý: những việc trả lời ngay tại hội nghị; những việc cần kiểm tra làm rõ, trả lời sau; những việc ghi nhận và báo cáo cấp trên.
Điều 9.
Trước khi tổ chức từng cuộc đối thoại, Thủ trưởng cơ quan tổ chức đối thoại quyết định nhân sự tham gia đối thoại, tổ thư ký và bộ phận tham mưu (gồm đại diện các đơn vị, bộ phận có liên quan thuộc phạm vi quản lý) giúp thủ trưởng điều hành chương trình hội nghị;
Thủ trưởng cơ quan tổ chức đối thoại giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, từng bộ phận đảm nhiệm trong các giai đoạn: chuẩn bị đối thoại, tiến hành đối thoại và xử lý công việc sau đối thoại.
Trường hợp phối hợp với các cơ quan khác cùng tiến hành đối thoại, cơ quan Thuế, Hải quan các cấp phải trao đổi thống nhất về chủ trương, nội dung, thời gian và thành phần tham gia đối thoại. Trên cơ sở đó phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị chuẩn bị trước nội dung, tài liệu và nhân sự tham gia đối thoại.
Điều 10.
Khi công tác chuẩn bị đã đạt yêu cầu, cơ quan tổ chức đối thoại phải gửi thư mời khách tham dự trong thời gian ít nhất là 10 ngày trước khi tiến hành đối thoại. Thư mời phải nêu rõ thời gian, địa điểm, thành phần, nội dung để khách tham dự nghiên cứu, chuẩn bị trước ý kiến tham gia. Kèm theo thư mời phải có Phiếu đăng ký nội dung phát biểu tại hội nghị để bố trí, sắp xếp chương trình.
Khách mời dự hội nghị đối thoại gồm có: đối tượng nộp thuế, người khai hải quan, đại diện lãnh đạo Bộ, ngành ở Trung ương (nếu đối thoại do Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan thực hiện), đại diện Sở, Ban, ngành ở địa phương (nếu đối thoại do Cục, Chi cục thực hiện), đại diện các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, đại diện các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.
III. THỰC HIỆN ĐỐI THOẠI
Điều 11.
Thủ trưởng (hoặc Phó Thủ trưởng) cơ quan chủ trì tổ chức đối thoại, cơ quan phối hợp tổ chức đối thoại điều hành chương trình hội nghị đối thoại. Bộ phận tham mưu, tổ thư ký hội nghị giúp Thủ trưởng điều hành chương trình hội nghị đối thoại.
Bộ phận tham mưu thực hiện các nhiệm vụ: phân loại ý kiến để sắp xếp chương trình; dự kiến đại biểu đối thoại; theo dõi, ghi chép đầy đủ các ý kiến của đại biểu; chuẩn bị các căn cứ pháp lý và nội dung chính giúp Thủ trưởng trả lời tại hội nghị hoặc ghi nhận trả lời sau; trực tiếp đối thoại với người nêu ý kiến đối thoại khi Thủ trưởng yêu cầu.
Tổ thư ký chịu trách nhiệm: tiếp nhận các phiếu đăng ký phát biểu từ đại biểu, phân loại sơ bộ các nhóm vấn đề đại biểu nêu ý kiến để chuyển cho bộ phận tham mưu sắp xếp chương trình, ghi chép đầy đủ các ý kiến của đại biểu và nội dung trả lời của Thủ trưởng, tổng hợp kết quả đối thoại.
Điều 12.
Hội nghị đối thoại là Diễn đàn mở, bảo đảm nguyên tắc Dân chủ - Thẳng thắn - Cầu thị - Xây dựng và Trách nhiệm. Tất cả các ý kiến nêu ra tại hội nghị đối thoại đều được đối xử bình đẳng, phải được cơ quan tổ chức đối thoại lắng nghe, ghi chép đầy đủ, trả lời kịp thời và tiếp thu nghiêm túc.
Người trả lời đối thoại trực tiếp phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Nhà nước giao của cơ quan mình, cấp mình để trả lời rõ ràng, cặn kẽ, chính xác, ngắn gọn và dễ hiểu các ý kiến nêu ra. Những vấn đề có tính chất phức tạp hoặc có hồ sơ, văn bản kèm theo thì phải trả lời bằng văn bản hoặc mời người nêu ý kiến đến làm việc cụ thể tại trụ sở cơ quan. Những vấn đề không thuộc trách nhiệm, thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền của cấp mình thì chỉ được phép ghi nhận để chuyển giao cho cơ quan có trách nhiệm hoặc báo cáo cấp trên để trả lời sau.
Thủ trưởng cơ quan tổ chức đối thoại chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan cấp trên về việc trả lời các ý kiến tham gia đối thoại, kể cả trong trường hợp chỉ định người khác trả lời thay.
IV. XỬ LÝ CÔNG VIỆC SAU ĐỐI THOẠI
Điều 13.
Sau hội nghị đối thoại, cơ quan Thuế, Hải quan phải tiến hành tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm nội bộ về mọi mặt và phân công các đơn vị, bộ phận chức năng khẩn trương giải quyết các công việc sau đây:
- Trả lời bằng văn bản cho người nêu kiến nghị về nội dung đã được Thủ trưởng ghi nhận, hứa trả lời sau khi đã kiểm tra, xác minh.
- Trình cơ quan cấp trên giải quyết các vấn đề vượt quá thẩm quyền đã được nêu ra và ghi nhận tại hội nghị đối thoại. Đề xuất, kiến nghị với các cơ quan cấp trên về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn.
- Chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với các kiến nghị thuộc trách nhiệm của cơ quan đó theo chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước phân công, đồng thời thông báo cho người nêu kiến nghị biết.
- Xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp sửa đổi, hoàn thiện hoặc ban hành các quy trình, thủ tục quản lý thuế và kiểm tra, giám sát hải quan.
Điều 14.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc sau khi kết thúc hội nghị đối thoại, cơ quan tổ chức đối thoại phải báo cáo kết quả hội nghị đối thoại với cơ quan cấp trên bằng văn bản. Báo cáo phải nêu rõ: nội dung tổ chức đối thoại, thành phần tham gia đối thoại, các kết quả đạt được qua đối thoại kèm theo tổng hợp các vấn đề đã được nêu ra trong quá trình chuẩn bị và trong thời gian đối thoại, kết quả giải quyết kiến nghị đã trả lời tại hội nghị; những vấn đề ghi nhận để trả lời sau và thời hạn giải quyết hoặc trả lời; những vấn đề cần tiếp thu, báo cáo cấp trên để trình xây dựng, sửa đổi chính sách chế độ hoặc quy trình thủ tục quản lý; những vấn đề phát sinh chưa giải quyết được và biện pháp xử lý tiếp những vấn đề sau hội nghị đối thoại.
Nội dung tổng hợp các vấn đề kiến nghị và kết quả trả lời đối thoại phải được gửi đến các đối tượng tham gia đối thoại thông qua các tổ chức hiệp hội kinh doanh hoặc các tổ chức mà người tham gia đối thoại là thành viên để họ theo dõi, giám sát việc thực hiện.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15.
Thủ trưởng cơ quan Thuế, Hải quan các cấp có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, quán triệt tới từng cán bộ, công chức đầy đủ nội dung của Quy chế này, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, trong phạm vi quyền hạn của mình chịu trách nhiệm: Tổ chức thực hiện Quy chế này trong toàn ngành; Cụ thể hoá các quy định của Quy chế cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện của ngành; Khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời áp dụng các hình thức kỷ luật đối với các trường hợp vi phạm Quy chế này./.
- 1Nghị định 86/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ
- 2Nghị định 77/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
- 3Nghị quyết 02/NQ-ĐCT năm 2015 về đẩy mạnh đối thoại tại cơ sở khu vực doanh nghiệp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
Quyết định 3597/2004/QĐ-BTC về Quy chế đối thoại với đối tượng nộp thuế và người khai hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 3597/2004/QĐ-BTC
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 04/11/2004
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/11/2004
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra