Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3594/QĐ-BNN-KTHT

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN 15.000 HỢP TÁC XÃ, LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP HOẠT ĐỘNG CÓ HIỆU QUẢ ĐẾN NĂM 2020”

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”.

Căn cứ Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020” (có kế hoạch chi tiết kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ; Thủ trưởng các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, Trường, Trung tâm, cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, ngành: KH&ĐT, Tài chính, Công thương, Tài nguyên và MT, Khoa học CN, Ngân hàng NNVN;
- Ủy ban MTTQVN; Hội Nông dân VN; Hội Phụ nữ VN; Đoàn TNCSHCM; Liên minh HTXVN;
- UBND các tỉnh, TP thuộc TW;
- Sở NN&PTNT các tỉnh, TP thuộc TW;
- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường;
- Ban cán sự Đảng Bộ;
- Lưu: VT, KTHT (200b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Thanh Nam

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN 15.000 HỢP TÁC XÃ, LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP HOẠT ĐỘNG CÓ HIỆU QUẢ ĐẾN NĂM 2020”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3594/QĐ-BNN-KTHT ngày 13 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Quyết định số 461/QĐ-TTg và Đề án 15.000 hợp tác xã), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của trên 4.400 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả. Phấn đấu có trên 1.500 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Tăng tỷ lệ lên 30% hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng các công nghệ cao thuộc nhóm công nghệ tin học (4.0), công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa.

2. Nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp chưa hiệu quả để phấn đấu có trên 5.400 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả (trong tổng số hơn 6.400 hợp tác xã nông nghiệp trung bình và yếu).

3. Tạo điều kiện thành lập mới trên 5.200 hợp tác xã nông nghiệp trên các lĩnh vực có lợi thế ở các địa phương và hỗ trợ để hoạt động có hiệu quả.

II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Xử lý dứt điểm việc giải thể, chuyển đổi sang loại hình khác đối với các hợp tác xã yếu kém đã ngừng hoạt động

Đến hết tháng 6 năm 2018 cả nước còn 709 hợp tác xã yếu kém đã ngừng hoạt động cần giải thể, tập trung nhiều ở các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Phú Yên, Đắc Lắc, Bình Phước, Cần Thơ ... (phụ lục I kèm theo).

Các địa phương căn cứ vào Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ và Thông tư số 31/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý tài sản hình thành từ nhiều nguồn vốn khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, phá sản để lập phương án giải quyết những khó khăn và chỉ đạo sớm giải thể hoặc chuyển đổi sang loại hình khác đối với các hợp tác xã yếu kém đã ngừng hoạt động dứt điểm trong năm 2018.

2. Nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động chưa hiệu quả để đạt tiêu chí có hiệu quả.

Qua rà soát, đánh giá cả nước có 6.400 hợp tác xã nông nghiệp trung bình và yếu. Các địa phương cần rà soát tình hình hoạt động và những khó khăn, vướng mắc của các hợp tác xã, từ đó có các biện pháp cụ thể giúp các hợp tác xã này nâng cao chất lượng hoạt động nhằm đạt tiêu chí hiệu quả, theo hướng:

Hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, trong đó đẩy mạnh chuyển đổi phương thức hoạt động từ dịch vụ đầu vào sang sản xuất hàng hóa, đưa giống mới có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất theo theo tiêu chuẩn an toàn và kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ ổn định.

Tập trung chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị, sản xuất cho cán bộ quản lý hợp tác xã và thành viên thông qua đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo nghề, thí điểm đưa cán bộ hợp tác xã và thành viên hợp tác xã đi làm việc ở nước ngoài.

Kết nối với các doanh nghiệp thực hiện liên kết với hợp tác xã để đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Hỗ trợ để các hợp tác xã vay vốn tín dụng và tiếp cận được với các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước nhất là tiếp cận Quỹ phát triển hợp tác xã và Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế của Hội Nông dân để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tổ chức sản xuất.

Tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia hoạt động một số dịch vụ phục vụ sản xuất và xây dựng nông thôn mới như: Quản lý, khai thác công trình thủy lợi; nước sinh hoạt nông thôn, bảo vệ môi trường, chợ nông thôn, ngành nghề nông thôn để các hợp tác xã tăng thêm việc làm và thu nhập cho các thành viên.

3. Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã này, các địa phương cần có các biện pháp hỗ trợ phù hợp, như:

Hướng dẫn và hỗ trợ các hợp tác xã rà soát, nâng cao chất lượng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, trong đó tập trung vào các nội dung: Đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, công nghệ cao, sản xuất hữu cơ.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, sản xuất cho cán bộ và thành viên hợp tác xã (trong đó có thí điểm đưa cán bộ về hợp tác xã theo Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29/12/2016 của Bộ Tài chính và Kế hoạch của Bộ ban hành kèm theo Quyết định số 1801/QĐ-BNN-KTHT ngày 21/5/2018).

Tạo điều kiện cho các hợp tác xã vay vốn vay tín dụng và tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất.

Quan tâm hỗ trợ xây dựng các mô hình sơ chế, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu hàng hóa để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thị trường đầu ra ổn định, định hướng cho các hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản.

Đẩy mạnh thực hiện liên kết với doanh nghiệp. Phát huy vai trò đầu tàu của các hợp tác xã đang phát triển mạnh (doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm) để hỗ trợ các hợp tác xã khác cùng liên kết, hợp tác với doanh nghiệp và tiêu thụ nông sản có hiệu quả.

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh việc triển khai thực hiện thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới trong 03 lĩnh vực (lúa gạo, trái cây, thủy sản) theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh thực hiện theo dự án VnSAT về chuyển đổi ngành hàng lúa gạo, cà phê bền vững, xây dựng các hợp tác xã, tổ chức nông dân, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn.

4. Tạo điều kiện thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp và hỗ trợ để hoạt động có hiệu quả.

a) Lựa chọn các ngành hàng chủ lực của quốc gia và địa phương để thúc đẩy việc thành lập hợp tác xã:

- Ở Trung ương: Bộ Nông nghiệp và PTNT lựa chọn một số ngành hàng chủ lực để phối hợp cùng doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp vận động thành lập các hợp tác xã, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, phát triển các chuỗi liên kết với các doanh nghiệp.

+ Các ngành hàng lựa chọn gồm: Lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, trái cây, mía đường, bò sữa, nuôi trông thủy sản, trồng và chế biến các sản phẩm rừng.

+ Vận dụng hỗ trợ theo chính sách đã ban hành để thúc đẩy các hoạt động hợp tác xã và doanh nghiệp liên kết có hiệu quả, phát triển bền vững.

- Ở địa phương: Lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, vận động thành lập các hợp tác xã để phối hợp cùng các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

+ Các địa phương căn cứ vào định hướng phát triển hợp tác xã của Chính phủ để lập kế hoạch, xác định sản phẩm, xây dựng kế hoạch phát triển, có cơ chế, chính sách hỗ trợ và tổ chức cho nông dân phát triển các hợp tác xã; tổ chức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tập trung cho phát triển các sản phẩm có quy mô và diện tích tương đối lớn ở các địa phương.

+ Các hợp tác xã mới thành lập cần xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả có quy mô phù hợp với từng loại sản phẩm; huy động nguồn lực hợp tác xã, nguồn hỗ trợ của Nhà nước theo chính sách, nguồn tín dụng, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển hạ tầng cơ sở cho sản xuất và chế biến; tổ chức liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

b) Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với củng cố, hoàn thiện và xây dựng mới các hợp tác xã hoạt động hiệu quả:

Do các vùng sinh thái có điều kiện tự nhiên rất khác nhau, nên các sản phẩm nông sản ở các vùng miền rất đa dạng, phong phú, cần được quan tâm phát triển nâng cao quy mô chất lượng để trở thành những sản phẩm có giá trị kinh tế cao nhằm khai thác lợi thế của các vùng miền.

Trên cơ sở “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020” theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cấp tỉnh xây dựng Đề án, kế hoạch cụ thể để hỗ trợ triển khai theo hướng lựa chọn những sản phẩm đặc thù cho làng xã ở các vùng miền để vận động thành lập mới các hợp tác xã đưa vào danh mục hỗ trợ:

- Lựa chọn các tổ hợp tác đang hoạt động có hiệu quả để vận động nâng lên hợp tác xã hoạt động hiệu quả có sự hỗ trợ, định hướng của Nhà nước.

- Vận động những chủ trang trại có quy mô sản xuất tương đối lớn để tuyên truyền, vận động cùng nhau thành lập hợp tác xã.

- Đối với các sản phẩm sản xuất ở nhiều nông hộ cần tập trung vận động những người nông dân và người lao động sản xuất giỏi (có thể là các trưởng thôn, bản) có kinh nghiệm, uy tín đối với cộng đồng để đứng ra làm sáng lập viên thành lập hợp tác xã.

- Quy mô hợp tác xã phù hợp với quy mô sản xuất theo từng loại sản phẩm làng xã ở các vùng miền.

c) Củng cố, kiện toàn và hỗ trợ các tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả nâng cấp thành lập hợp tác xã

Hết năm 2017 cả nước có trên 29.734 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trên 5,0 % số tổ hợp tác có hợp đồng với doanh nghiệp để thực hiện tiêu thụ và chế biến nông sản; đa số duy trì tốt hoạt động phục vụ cho tổ viên, đây là lực lượng quan trọng để phát triển thành lập hợp tác xã. Các địa phương lựa chọn các tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả để tuyên truyền, vận động nâng cấp thành lập hợp tác xã.

5. Phát triển liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp

Kết nối với các doanh nghiệp đang thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã để xây dựng các mô hình liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên cơ sở quy mô sản xuất và nhu cầu liên kết của hợp tác xã. Hết năm 2017 cả nước có 30 liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2018 - 2020 cần thành lập thêm trên 20 liên hiệp hợp tác xã. Phấn đấu mỗi tỉnh có sản xuất nông sản hàng hóa phát triển có ít nhất 01 liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thực hiện việc thành lập liên hiệp hợp tác xã lúa gạo quy mô tỉnh, liên hiệp hợp tác xã lúa gạo, trái cây, thủy sản quy mô vùng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

6. Xây dựng các Đề án, Kế hoạch ưu tiên được Chính phủ giao

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và ban hành các Kế hoạch, Đề án ưu tiên gồm:

a) Kế hoạch Phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đến 2020 (số 6355/KH-BNN-KTHT ngày 17/8/2018):

- Mục đích: Đến năm 2020 có trên 1.500 hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao; tăng tỷ lệ lên 30% hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng các công nghệ cao phù hợp với điều kiện, khả năng đầu tư của các hợp tác xã nông nghiệp thuộc nhóm công nghệ tin học (4.0), công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa; mỗi tỉnh (thành phố) lớn hoặc các địa phương sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển, đến năm 2020 có ít nhất 30 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; các tỉnh, thành phố còn lại có tối thiểu có 15 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Về chất lượng: Nâng giá trị sản lượng của các sản phẩm nông nghiệp do ứng dụng công nghệ cao lên gấp hơn 2 lần so với sản xuất thông thường.

- Nội dung: Tập trung củng cố và nâng cao hiệu quả đối với các hợp tác xã nông nghiệp đang thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh và phát triển mới các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ ít đòi hỏi chi phí đầu tư cao.

b) Kế hoạch Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp đến năm 2020 (số 6390/KH-BNN-KTHT ngày 17/8/2018):

- Mục đích: Đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, trong đó hợp tác xã làm nòng cốt nhằm khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng và tiêu thụ nông sản khó khăn.

- Nhiệm vụ: Xây dựng khoảng 30 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị cho các ngành hàng nông sản chủ lực; mỗi tỉnh (thành phố) lựa chọn các sản phẩm chủ lực của địa phương để hỗ trợ phát triển liên kết, bảo đảm thành lập mới và huy động trên 50% hợp tác xã nông nghiệp tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị nông sản; phấn đấu cả nước củng cố và xây dựng mới 1.000 hợp tác xã nông nghiệp trở lên là đại diện sở hữu sản phẩm OCOP của các địa phương và số hợp tác xã nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp được đánh giá hoạt động khá, tốt đạt tỷ lệ từ 90% trở lên.

c) Đề án Nâng cao năng lực sản xuất, quản lý hợp tác xã nông nghiệp thông qua các hình thức đào tạo nghề ở nước ngoài bằng nguồn vốn xã hội hóa:

- Mục đích: Nâng cao năng lực sản xuất, quản lý cho hợp tác xã nông nghiệp thông qua việc đào tạo nghề ở nước ngoài, trong đó giai đoạn 2018 -2020 dự kiến thí điểm nâng cao năng lực sản xuất, quản lý ở Nhật Bản cho 1.500 lao động của hợp tác xã nông nghiệp các ngành nghề: trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và bảo quản sản phẩm.

- Đối tượng: Thành viên, cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp; cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc ở hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ lương có thời hạn và nguồn nhân lực cán bộ bổ sung cho các hợp tác xã (con em thành viên, cán bộ quản lý hợp tác xã; các chủ trang trại, nông dân sản xuất giỏi ở địa phương; sinh viên tốt nghiệp hoặc chưa tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo ngành nông nghiệp). Các đối tượng này cam kết làm việc lâu dài trong các hợp tác xã nông nghiệp sau khi hoàn thành khóa nâng cao năng lực trở về nước.

- Hình thức: Việc nâng cao năng lực theo hình thức kỹ thuật viên, liên kết đào tạo, thực tập sinh hoặc thực tập sinh kỹ năng.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về thực hiện Đề án 15.000 hợp tác xã

Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và nhiệm vụ của Đề án 15.000 hợp tác xã để nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ quản lý; cán bộ, thành viên hợp tác xã; người dân và triển khai các chương trình hành động cụ thể nhằm đạt được mục tiêu của Đề án đã đề ra.

Cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở từng cấp phải có Đề án, Kế hoạch hành động cụ thể để triển khai nhằm đạt được mục tiêu của địa phương.

Chú trọng tuyên truyền thông qua nhiều hình thức đa dạng, đặc biệt là thông qua các mô hình, các phong trào thi đua để vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ thành viên sản xuất, lực lượng sáng lập viên hợp tác xã (nông dân sản xuất giỏi, chủ trang trại, những người có kinh nghiệm, uy tín với cộng đồng và có tiềm lực kinh tế) tham gia thành lập và phát triển hợp tác xã.

2. Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách đối với hợp tác xã nông nghiệp

a) Về thể chế:

Xác định vai trò, trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp để tổ chức, kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ chuyên trách nhằm triển khai có hiệu quả Đề án 15.000 hợp tác xã.

Phối hợp giữa các đơn vị chức năng có liên quan để phân công cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án 15.000 hợp tác xã, trong đó làm rõ nhiệm vụ chủ trì và nhiệm vụ phối hợp để tránh trùng chéo trong tổ chức thực hiện.

Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách tham mưu quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp ở Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế) cấp huyện.

Phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của cán bộ chuyên môn cấp xã để trực tiếp tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp xã trong việc tham mưu quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp và hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp phát triển.

Bổ sung cán bộ tham mưu quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp trong bộ máy thuộc UBND các cấp và thực hiện việc đào tạo bồi dưỡng cập nhật kiến thức thường xuyên cho đội ngũ cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp đảm bảo thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả.

b) Về cơ chế, chính sách:

Căn cứ nội dung Đề án 15.000 hợp tác xã để tập trung triển khai thực hiện hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp theo cơ chế, chính sách của Chính phủ liên quan đến phát triển hợp tác xã đã ban hành; đồng thời tham mưu trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để ban hành bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Bố trí đủ nguồn lực của địa phương và tăng cường việc hướng dẫn tiếp cận chính sách để thực hiện hỗ trợ mạnh cho các hợp tác xã nông nghiệp,

3. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ hệ thống quản lý nhà nước, lực lượng hỗ trợ, lực lượng trực tiếp hoạt động ở các hợp tác xã và thành viên hợp tác xã

Tiếp tục triển khai, hướng dẫn thực hiện Luật Hợp tác xã và các văn bản dưới Luật để nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ trong hệ thống quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp nhằm thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả.

Xây dựng và hoàn thiện các tài liệu, giáo trình và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp ở các cấp và cán bộ, thành viên hợp tác xã nông nghiệp.

Xây dựng hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn có đủ kinh nghiệm thực tiễn để hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương nhằm củng cố, kiện toàn và phát triển mới các hợp tác xã nông nghiệp.

Tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ và thành viên hợp tác xã nông nghiệp, đặc biệt là nâng cao năng lực về quản trị, xây dựng và thực hiện có hiệu quả phương án sản xuất kinh doanh, kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, kiến thức tiếp cận thị trường.

Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng bố trí từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và một phần ngân sách của địa phương; huy động từ các nguồn xã hội hóa.

4. Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Liên minh Hợp tác xã, Hội Nông dân và các Ban, ngành, đoàn thể liên quan Trung ương đến địa phương trong thực hiện Đề án 15.000 hợp tác xã

Xây dựng Chương trình phối hợp liên tịch giữa 03 cơ quan (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - Hội Nông dân Việt Nam), trong đó có việc thực hiện nhiệm vụ phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt tập trung nguồn lực để xây dựng các mô hình điểm có huy động nguồn lực của cả 03 đơn vị, trên cơ sở đó thực hiện tổng kết và nhân rộng.

Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội khác trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tham gia tích cực trong phong trào phát triển hợp tác xã; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các hội viên là thành viên hợp tác xã; tổ chức xây dựng các mô hình hợp tác xã điển hình; có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã có thành viên là hội viên phát triển.

5. Huy động nguồn lực để hỗ trợ có hiệu quả cho hợp tác xã nông nghiệp

a) Kinh phí huy động từ hỗ trợ của Nhà nước theo chính sách:

- Nguồn hỗ trợ phát triển hợp tác xã tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 (thực hiện chính sách hỗ trợ tại Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013) để hỗ trợ: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; chế biến sản phẩm; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã và đưa cán bộ trẻ có trình độ về hợp tác xã; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; thành lập mới hợp tác xã.

- Nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 để hỗ trợ: Ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; liên kết chuỗi giá trị giữa hợp tác xã với doanh nghiệp (chính sách theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018); đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn (chính sách theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 và số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015; Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015).

- Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai và ổn định đời sống dân cư hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 28/6/2017.

- Chương trình khuyến nông quốc gia hỗ trợ cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thành viên hợp tác xã và xây dựng các mô hình khuyến nông ứng dụng công nghệ cao trong hợp tác xã nông nghiệp.

- Hỗ trợ thuê đất phục vụ hoạt động của hợp tác xã và hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để hợp tác xã thực hiện các dịch vụ công ích, tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi giá trị (Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017); hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018).

- Hỗ trợ thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để liên kết với hợp tác xã (Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 03/5/2018).

- Các Chương trình hỗ trợ theo chuyên ngành như: Thủy lợi phí (ưu tiên hợp tác xã tham gia hoạt động quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng theo quy định của Luật Thủy lợi và Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018); hỗ trợ đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng (theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ); hỗ trợ phát triển thủy sản (theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015).

b) Huy động các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế thông qua diễn đàn nông dân hợp tác và các chương trình tài trợ cho hợp tác xã nông nghiệp.

c) Nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ Hỗ trợ nông dân và các tổ chức tín dụng, trong đó có hỗ trợ theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn (Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015) để các hợp tác xã tiếp cận các nguồn hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

d) Vốn của doanh nghiệp tham gia liên kết, vốn đối ứng của các hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất và các nguồn vốn hợp pháp khác.

IV. TIẾN ĐỘ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công thực hiện:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trì xây dựng, triển khai Đề án 15.000 hợp tác xã; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các địa phương và kiểm tra thực hiện Đề án; sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện hàng năm và kết thúc giai đoạn. Chủ trì xây dựng và triển khai các Đề án, Kế hoạch ưu tiên trong Đề án 15.000 hợp tác xã được giao.

Phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng Chương trình phối hợp thống nhất từ Trung ương đến địa phương, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án 15.000 hợp tác xã.

b) Đề nghị các Bộ, ngành Trung ương liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ để triển khai các nhiệm vụ được giao trong Đề án 15.000 hợp tác xã và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan trực thuộc ngành dọc tại địa phương phối hợp chặt chẽ trong quá trình tham mưu và triển khai thực hiện Đề án.

c) Đề nghị Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Xây dựng và triển khai 02 Kế hoạch ưu tiên được giao trong Đề án 15.000 hợp tác xã: Tổ chức lại, tái cơ cấu các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả thấp ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ; Thành lập và tổ chức hoạt động của định chế tài chính.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai các nhiệm vụ được giao trong Đề án 15.000 hợp tác xã thuộc chức năng, nhiệm vụ của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Chỉ đạo Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh và Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Trung ương và địa phương tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ để phát triển sản xuất kinh doanh.

Chỉ đạo Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án và thường xuyên sơ, tổng kết rút kinh nghiệm tại địa phương.

d) Đề nghị Hội Nông dân Việt Nam

Chỉ đạo Hội Nông dân các cấp và các Quỹ Hỗ trợ nông dân để thực hiện ưu tiên hỗ trợ cho các thành viên hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ nhằm phát triển sản xuất kinh doanh.

Vận động các chủ trang trại, nông dân sản xuất giỏi là hội viên Hội Nông dân tham gia tích cực vào phong trào phát triển hợp tác xã; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ sản xuất cho thành viên hợp tác xã, chủ trang trại, nông dân sản xuất giỏi là hội viên của Hội Nông dân.

Chỉ đạo Hội Nông dân ở địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 15.000 hợp tác xã, thường xuyên sơ, tổng kết rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình tại địa phương.

đ) Đề nghị Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội khác

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ để tổ chức tuyên truyền đến các hội viên, đoàn viên tham gia xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả; vận động hội viên thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp; phát động những phong trào thi đua trong tổ chức hội, đoàn để phát triển hợp tác xã nông nghiệp.

Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội liên quan ở địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 15.000 hợp tác xã tại địa phương.

e) UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Căn cứ nhiệm vụ tại Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đề án 15.000 hợp tác xã và tình hình cụ thể của địa phương để xây dựng Đề án và Kế hoạch hành động cụ thể của địa phương. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp tác xã tại địa phương cho phù hợp.

Củng cố, kiện toàn các Ban chỉ đạo và cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp các cấp ở địa phương để đáp ứng yêu cầu trong việc tổ chức thực hiện Đề án 15.000 hợp tác xã và quản lý nhà nước, hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp phát triển.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để thành lập mới và củng cố, phát triển hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.

Bố trí nguồn kinh phí của địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để triển khai thực hiện Đề án 15.000 hợp tác xã và hỗ trợ hợp tác xã theo yêu cầu phát triển hợp tác xã ở địa phương.

Thực hiện sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án và tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thực hiện hàng năm và kết thúc giai đoạn.

2. Tiến độ thực hiện:

Căn cứ Kế hoạch này và các chỉ tiêu phân bổ về số lượng hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới giai đoạn 2018 - 2020 (phụ lục II kèm theo) và hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả năm 2020 (phụ lục III kèm theo), các địa phương xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể hàng năm để tập trung chỉ đạo đến năm 2020 đạt được mục tiêu đề ra./.

 

PHỤ LỤC I

SỐ LƯỢNG HTX NÔNG NGHIỆP NGỪNG HOẠT ĐỘNG CẦN XỬ LÝ GIẢI THỂ HOẶC CHUYỂN ĐỔI SANG LOẠI HÌNH KINH DOANH KHÁC ĐẾN 30/6/2018
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3594/QĐ-BNN-KTHT ngày 13 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Đơn vị tính: Hợp tác xã

Số TT

TÊN TỈNH, TP

HTX ngừng hoạt động phải giải thể

Số TT

TÊN TỈNH, TP

HTX ngừng hoạt động phải giải thể

 

Cả nước

709

 

DH Nam Trung Bộ

106

 

ĐB sông Hồng

147

32

Đà Nẵng

11

1

Hà Nội

48

33

Quảng Nam

11

2

Hải Phòng

48

34

Quảng Ngãi

12

3

Vĩnh Phúc

45

35

Bình Định

0

4

Bắc Ninh

0

36

Phú Yên

42

5

Hải Dương

1

37

Khánh Hòa

13

6

Hưng Yên

0

38

Ninh Thuận

13

7

Hà Nam

0

39

Bình Thuận

4

8

Nam Định

1

 

Tây Nguyên

77

9

Thái Bình

0

40

Kon Tum

0

10

Ninh Bình

4

41

Gia Lai

0

 

Bắc Trung Bộ

10

42

Đắc Lắc

45

11

Thanh Hóa

0

43

Đắc Nông

4

12

Nghệ An

0

44

Lâm Đồng

28

13

Hà Tĩnh

0

 

Đông Nam Bộ

68

14

Quảng Bình

1

45

Tp. Hồ Chí Minh

24

15

Quảng Trị

9

46

Bình Phước

40

16

Thừa Thiên Huế

0

47

Tây Ninh

0

 

Đông Bắc

175

48

Bình Dương

4

17

Hà Giang

8

49

Đồng Nai

0

18

Cao Bằng

7

50

Bà Rịa - Vũng Tàu

0

19

Lào Cai

47

 

ĐB Sông Cửu Long

91

20

Bắc Kạn

0

51

Long An

20

21

Lạng Sơn

12

52

Đồng Tháp

5

22

Tuyên Quang

0

53

An Giang

13

23

Yên Bái

31

54

Tiền Giang

0

24

Thái Nguyên

45

55

Vĩnh Long

3

25

Phú Thọ

0

56

Bến Tre

3

26

Bắc Giang

0

57

Kiên Giang

0

27

Quảng Ninh

25

58

Cần Thơ

32

 

Tây Bắc

35

59

Hậu Giang

7

28

Lai Châu

0

60

Trà Vinh

0

29

Điện Biên

35

61

Sóc Trăng

0

30

Sơn La

0

62

Bạc Liêu

8

31

Hòa Bình

0

63

Cà Mau

0

 

PHỤ LỤC II

SỐ LƯỢNG HTX NÔNG NGHIỆP THÀNH LẬP MỚI GIAI ĐOẠN 2018-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3594/QĐ-BNN-KTHT ngày 13 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Đơn vị tín:; Hợp tác xã

Số TT

TÊN TỈNH, TP

HTX thành lập mới năm 2018-2020

Số TT

TÊN TỈNH, TP

HTX thành lập mới năm 2018-2020

 

Cả nước

5.200

 

DH Nam Trung Bộ

620

 

ĐB sông Hồng

770

32

Đà Nẵng

70

1

Hà Nội

100

33

Quảng Nam

80

2

Hải Phòng

60

34

Quảng Ngãi

80

3

Vĩnh Phúc

80

35

Bình Định

80

4

Bắc Ninh

80

36

Phú Yên

70

5

Hải Dương

80

37

Khánh Hòa

80

6

Hưng Yên

80

38

Ninh Thuận

80

7

Hà Nam

80

39

Bình Thuận

80

8

Nam Định

70

 

Tây Nguyên

430

9

Thái Bình

70

40

Kon Tum

60

10

Ninh Bình

70

41

Gia Lai

80

 

Bắc Trung Bộ

540

42

Đắc Lắc

70

11

Thanh Hóa

80

43

Đắc Nông

80

12

Nghệ An

140

44

Lâm Đồng

140

13

Hà Tĩnh

90

 

Đông Nam Bộ

510

14

Quảng Bình

80

45

Tp. Hồ Chí Minh

90

15

Quảng Trị

80

46

Bình Phước

80

16

Thừa Thiên Huế

70

47

Tây Ninh

90

 

Đông Bắc

865

48

Bình Dương

80

17

Hà Giang

80

49

Đồng Nai

80

18

Cao Bằng

85

50

Bà Rịa - Vũng Tàu

90

19

Lào Cai

70

 

ĐB Sông Cửu Long

1.165

20

Bắc Kạn

80

51

Long An

90

21

Lạng Sơn

80

52

Đồng Tháp

90

22

Tuyên Quang

80

53

An Giang

90

23

Yên Bái

80

54

Tiền Giang

90

24

Thái Nguyên

80

55

Vĩnh Long

90

25

Phú Thọ

80

56

Bến Tre

90

26

Bắc Giang

70

57

Kiên Giang

80

27

Quảng Ninh

80

58

Cần Thơ

90

 

Tây Bắc

300

59

Hậu Giang

90

28

Lai Châu

60

60

Trà Vinh

90

29

Điện Biên

80

61

Sóc Trăng

90

30

Sơn La

80

62

Bạc Liêu

95

31

Hòa Bình

80

63

Cà Mau

90

 

PHỤ LỤC III

SỐ LƯỢNG HTX NÔNG NGHIỆP HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3594/QĐ-BNN-KTHT ngày 13 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Đơn vị tính: Hợp tác xã

Số TT

Tên tỉnh, thành phố

HTX hoạt động hiệu quả năm 2020

Số TT

Tên tỉnh, thành phố

HTX hoạt động hiệu quả năm 2020

 

Cả nước

15.000

 

DH Nam Trung Bộ

1.372

 

ĐB sông Hồng

3.646

32

Đà Nẵng

100

1

Hà Nội

908

33

Quảng Nam

232

2

Hải Phòng

225

34

Quảng Ngãi

228

3

Vĩnh Phúc

265

35

Bình Định

206

4

Bắc Ninh

473

36

Phú Yên

174

5

Hải Dương

348

37

Khánh Hòa

137

6

Hưng Yên

234

38

Ninh Thuận

131

7

Hà Nam

214

39

Bình Thuận

164

8

Nam Định

340

 

Tây Nguyên

850

9

Thái Bình

343

40

Kon Tum

88

10

Ninh Bình

296

41

Gia Lai

145

 

Bắc Trung Bộ

2.550

42

Đắc Lắc

229

11

Thanh Hóa

562

43

Đắc Nông

144

12

Nghệ An

492

44

Lâm Đồng

244

13

Hà Tĩnh

773

 

Đông Nam Bộ

858

14

Quảng Bình

207

45

Tp. Hồ Chí Minh

145

15

Quảng Trị

311

46

Bình Phước

157

16

Thừa Thiên Huế

205

47

Tây Ninh

126

 

Đông Bắc

2.666

48

Bình Dương

98

17

Hà Giang

288

49

Đồng Nai

194

18

Cao Bằng

107

50

Bà Rịa - Vũng Tàu

138

19

Lào Cai

193

 

ĐB Sông Cửu Long

2.237

20

Bắc Kạn

155

51

Long An

187

21

Lạng Sơn

150

52

Đồng Tháp

195

22

Tuyên Quang

238

53

An Giang

187

23

Yên Bái

225

54

Tiền Giang

150

24

Thái Nguyên

226

55

Vĩnh Long

133

25

Phú Thọ

338

56

Bến Tre

104

26

Bắc Giang

472

57

Kiên Giang

327

27

Quảng Ninh

274

58

Cần Thơ

178

 

Tây Bắc

821

59

Hậu Giang

195

28

Lai Châu

104

60

Trà Vinh

137

29

Điện Biên

179

61

Sóc Trăng

163

30

Sơn La

335

62

Bạc Liêu

139

31

Hòa Bình

203

63

Cà Mau

142

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3594/QĐ-BNN-KTHT năm 2018 về Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến 2020" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 3594/QĐ-BNN-KTHT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/09/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Trần Thanh Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/09/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản