Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3588/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH THỂ LỆ GIẢI THƯỞNG “TÀI NĂNG KHOA HỌC TRẺ VIỆT NAM” DÀNH CHO SINH VIÊN TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, HỌC VIỆN

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19/3/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/ 4/ 2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Căn cứ Thông tư số 19/2012/TT-BGDĐT ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học;

Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính tại công văn số 14722/BTC-HCSN ngày 01 tháng 11 năm 2011 về mức thưởng Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Thể lệ Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho sinh viên trong các trường đại học, học viện.

Điều 2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường đại học, giám đốc các học viện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu VT, KHCNMT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quang Quý

 

THỂ LỆ

GIẢI THƯỞNG "TÀI NĂNG KHOA HỌC TRẺ VIỆT NAM" DÀNH CHO SINH VIÊN TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, HỌC VIỆN
(Theo Quyết định số 3588 /QĐ-BGDĐT ngày 11 tháng 9 năm 2012)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho sinh viên (sau đây gọi tắt là Giải thưởng) được tổ chức hàng năm nhằm biểu dương thành tích xuất sắc của sinh viên trong nghiên cứu khoa học, góp phần phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ, nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường.

Điều 2. Đối tượng tham gia

Đối tượng tham gia Giải thưởng là sinh viên (quốc tịch Việt Nam hoặc nước ngoài) đang theo học tại các trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là trường đại học) trên lãnh thổ Việt Nam tính đến thời điểm nộp hồ sơ của năm tổ chức Giải thưởng.

Điều 3. Lĩnh vực khoa học và công nghệ của Giải thưởng

Giải thưởng được xét và trao cho các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên thuộc 12 nhóm ngành sau:

1. Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ 1 (KT1)

a) Kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử: Kỹ thuật điện và điện tử; người máy và điều khiển tự động; tự động hóa (CAD/CAM,...); cơ điện tử, hệ vi cơ điện tử (MEMS),...; kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử khác.

b) Kỹ thuật cơ khí, chế tạo máy: Kỹ thuật cơ khí, chế tạo máy nói chung; chế tạo máy công cụ; chế tạo máy động lực; kỹ thuật cơ khí và chế tạo ô tô và các phương tiện giao thông, máy nông nghiệp, máy thủy lợi, máy xây dựng, thiết bị năng lượng, thiết bị khai khoáng; kỹ thuật và công nghệ hàng không, vũ trụ; kỹ thuật và công nghệ liên quan đến hạt nhân; kỹ thuật và công nghệ âm thanh; kỹ thuật cơ khí tàu thủy; kỹ thuật cơ khí và chế tạo máy khác.

c) Kỹ thuật vật liệu và luyện kim: Kỹ thuật nhiệt trong luyện kim, kỹ thuật và công nghệ sản xuất kim loại và hợp kim đen, kim loại và hợp kim màu; luyện kim bột; cán kim loại, kéo kim loại, sản xuất sản phẩm kim loại, sản xuất ống kim loại,...; luyện các chất bán dẫn; vật liệu xây dựng; vật liệu điện tử; vật liệu kim loại; gốm; màng mỏng, vật liệu sơn, vật liệu phủ; vật liệu composite; gỗ, giấy, bột giấy; vải, gồm cả sợi, màu và thuốc nhuộm tổng hợp; vật liệu tiên tiến; kỹ thuật vật liệu và luyện kim khác.

2. Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ 2 (KT2)

Kỹ thuật dân dụng: Kỹ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật kết cấu và đô thị, kỹ thuật giao thông vận tải, kỹ thuật thủy lợi, kỹ thuật địa chất công trình, kỹ thuật dân dụng khác.

3. Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ 3 (KT3)

a) Truyền thông và mạng máy tính, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin.

b) Các hệ thống điều khiển, giám sát, công nghệ điều khiển số bằng máy tính (CNC),...

c) Công nghệ thông tin và viễn thông; an toàn và an ninh thông tin.

d) Phần cứng và kiến trúc máy tính.

đ) Kỹ thuật thông tin khác.

4. Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ 4 (KT4)

a) Kỹ thuật hóa học: Sản xuất hóa học công nghệ nói chung, kỹ thuật quá trình hóa học nói chung, kỹ thuật hóa dược, kỹ thuật hóa vô cơ, kỹ thuật hóa hữu cơ, kỹ thuật hóa dầu, kỹ thuật hóa học khác.

b) Kỹ thuật y học: Kỹ thuật và thiết bị y học, kỹ thuật phân tích mẫu bệnh phẩm, kỹ thuật phân tích mẫu thuốc.

c) Kỹ thuật môi trường: Kỹ thuật môi trường và địa chất, địa kỹ thuật; kỹ thuật dầu khí; kỹ thuật năng lượng và nhiên liệu không phải dầu khí; viễn thám; khai thác mỏ và xử lý khoáng chất; kỹ thuật hàng hải, đóng tàu biển; kỹ thuật đại dương; kỹ thuật bờ biển; kỹ thuật môi trường khác.

d) Công nghệ sinh học môi trường: Công nghệ sinh học môi trường nói chung; xử lý môi trường bằng phương pháp sinh học, các công nghệ sinh học chẩn đoán (chip ADN và thiết bị cảm biến sinh học); đạo đức học trong công nghệ sinh học môi trường; công nghệ sinh học môi trường khác.

đ) Công nghệ sinh học công nghiệp: Các công nghệ xử lý sinh học, xúc tác sinh học, lên men; các công nghệ sản phẩm sinh học, vật liệu sinh học, chất dẻo sinh học, nhiên liệu sinh học, các hóa chất được chiết tách từ sinh học, các vật liệu mới có nguồn gốc sinh học; Công nghệ sinh học công nghiệp khác.

e) Công nghệ nano: Các vật liệu nano; các quy trình nano; công nghệ nano khác.

g) Kỹ thuật thực phẩm và đồ uống: Kỹ thuật thực phẩm; kỹ thuật đồ uống; kỹ thuật thực phẩm và đồ uống khác.

h) Kỹ thuật và công nghệ khác.

5. Kinh tế và Kinh doanh 1 (KD1): Kinh tế tài chính; kinh tế ngân hàng; kinh tế bảo hiểm; kế toán; kiểm toán.

6. Kinh tế và Kinh doanh 2 (KD2): Kinh tế học; kinh doanh và quản lý; kinh tế ngành; kinh tế chính trị; luật kinh tế và kinh tế khác.

7. Khoa học Xã hội (XH)

a) Tâm lý học: Tâm lý học nói chung; tâm lý học chuyên ngành (các vấn đề về tâm lý giáo dục xếp vào nhóm ngành GD); tâm lý học khác.

b) Xã hội học: Xã hội học nói chung; nhân khẩu học; nhân chủng học; dân tộc học; xã hội học chuyên đề, khoa học về giới và phụ nữ, các vấn đề xã hội nghiên cứu gia đình và xã hội, công tác xã hội; xã hội học khác.

c) Pháp luật: Luật học, tội phạm học, hình phạt học, các vấn đề pháp luật khác.

d) Khoa học chính trị: Chính trị học; hành chính công và quản lý hành chính; lý thuyết tổ chức, hệ thống chính trị, lý luận chính trị; khoa học chính trị khác.

đ) Địa lý kinh tế và xã hội: Khoa học môi trường - các khía cạnh xã hội; địa lý kinh tế và văn hóa; nghiên cứu quy hoạch, phát triển đô thị; quy hoạch giao thông và các khía cạnh xã hội của giao thông vận tải; địa lý kinh tế và xã hội khác.

e) Thông tin đại chúng và truyền thông: Báo chí; thông tin học (khoa học thông tin - các khía cạnh xã hội); khoa học thư viện; thông tin đại chúng và truyền thông văn hóa - xã hội; thông tin đại chúng và truyền thông khác.

g) Khoa học xã hội khác.

8. Khoa học Nhân văn (NV)

a) Lịch sử và khảo cổ học: Lịch sử Việt Nam; lịch sử thế giới, lịch sử từng nước, từng vùng, từng khu vực; khảo cổ học và tiền sử; các vấn đề lịch sử và khảo cổ học khác.

b) Ngôn ngữ và văn học: Nghiên cứu chung về ngôn ngữ; nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam và ngôn ngữ khác; lý luận văn học, nghiên cứu văn học nói chung; nghiên cứu văn học Việt Nam; nghiên cứu văn học từng dân tộc, từng nước, khu vực khác; lý luận văn hóa, nghiên cứu văn hóa nói chung; nghiên cứu văn hóa Việt Nam; nghiên cứu văn hóa từng dân tộc, từng nước, khu vực khác; ngôn ngữ học ứng dụng; nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa khác.

c) Triết học, đạo đức học và tôn giáo: Triết học; lịch sử triết học; đạo đức học; thần học; nghiên cứu tôn giáo; các vấn đề của triết học và tôn giáo khác.

d) Nghệ thuật: Nghệ thuật và lịch sử nghệ thuật; mỹ thuật; nghệ thuật kiến trúc; nghệ thuật trình diễn; nghệ thuật dân gian; nghệ thuật điện ảnh; nghệ thuật truyền thanh - truyền hình; các vấn đề nghiên cứu nghệ thuật khác.

đ) Khoa học nhân văn khác.

9. Khoa học Giáo dục (GD): Giáo dục học; quản lý giáo dục; phương pháp giảng dạy các môn học; nội dung và chương trình các môn học; thiết bị dạy học; tâm lý giáo dục; giáo dục chuyên biệt; các vấn đề khoa học giáo dục khác.

10. Khoa học Tự nhiên (TN)

a) Toán học và thống kê: Toán học cơ bản; toán học ứng dụng; thống kê.

b) Khoa học máy tính và thông tin: Khoa học máy tính; khoa học thông tin; sinh tin học; khoa học máy tính và khoa học thông tin khác (các vấn đề phát triển phần cứng xếp vào nhóm ngành KT3; các khía cạnh xã hội của khoa học tính toán và thông tin xếp vào nhóm ngành XH).

c) Vật lý: Vật lý nguyên tử, vật lý phân tử và vật lý hóa học; vật lý các chất cô đặc; vật lý hạt và trường; vật lý hạt nhân; vật lý plasma và chất lỏng; quang học; âm học; thiên văn học; khoa học vũ trụ; khoa học vật lý khác.

d) Hóa học: Hóa hữu cơ; hóa vô cơ và hạt nhân; hóa lý; hóa học cao phân tử (polyme); điện hóa; hóa keo; hóa phân tích; khoa học hóa học khác.

đ) Sinh học: Sinh học lý thuyết; tế bào học, mô - phôi học; vi sinh vật học; vi rút học; hóa sinh, phương pháp nghiên cứu hóa sinh; sinh học phân tử; nấm học; lý sinh; di truyền học; sinh học sinh sản; thực vật học; động vật học; sinh học biển và nước ngọt; sinh thái học; đa dạng sinh học; công nghệ sinh học; khoa học sinh học khác.

e) Các khoa học trái đất và môi trường liên quan: Địa chất học; khoáng vật học; cổ sinh học; địa vật lý; địa hóa học; địa lý tự nhiên; núi lửa học; trắc địa học và bản đồ học; các khoa học môi trường (các khía cạnh xã hội của khoa học môi trường xếp vào nhóm ngành XH); khí tượng học và các khoa học khí quyển; khí hậu học; hải dương học; thủy văn, tài nguyên nước; khoa học trái đất và khoa học môi trường liên quan khác.

g) Khoa học tự nhiên khác.

11. Khoa học Nông nghiệp (NN):

a) Trồng trọt: Nông hóa; thổ nhưỡng học; cây lương thực và cây thực phẩm; cây rau, cây hoa và cây ăn quả; cây công nghiệp và cây thuốc; bảo vệ thực vật; bảo quản và chế biến nông sản; khoa học công nghệ trồng trọt khác.

b) Chăn nuôi: Sinh lý và hóa sinh động vật nuôi; di truyền và nhân giống động vật nuôi; thức ăn và dinh dưỡng cho động vật nuôi; nuôi dưỡng động vật nuôi; bảo vệ động vật nuôi; sinh trưởng và phát triển của động vật nuôi; khoa học công nghệ chăn nuôi khác.

c) Thú y: Y học thú y; gây mê và điều trị tích cự thú y; dịch tễ học thú y; miễn dịch học thú y; giải phẫu học và sinh lý học thú y; bệnh học thú y; vi sinh vật học thú y, ký sinh trùng học thú y; sinh học phóng xạ và chụp ảnh; vi rút học thú y; phẫu thuật thú y, dược học thú y; khoa học công nghệ thú y khác.

d) Lâm nghiệp: Lâm sinh; tài nguyên rừng; quản lý và bảo vệ rừng; sinh thái và môi trường rừng; giống cây rừng; nông lâm kết hợp; bảo quản và chế biến lâm sản; khoa học công nghệ lâm nghiệp khác.

đ) Thủy sản: Sinh lý và dinh dưỡng thủy sản; di truyền học và nhân giống thủy sản; bệnh học thủy sản; nuôi trồng thủy sản; hệ sinh thái và đánh giá nguồn lợi thủy sản; quản lý và khai thác thủy sản; bảo quản và chế biến thủy sản; khoa học công nghệ thủy sản khác.

e) Công nghệ sinh học trong nông nghiệp: Công nghệ gen (cây trồng và động vật nuôi), nhân dòng vật nuôi; các công nghệ tế bào trong nông nghiệp; các công nghệ enzym và protein trong nông nghiệp; đạo đức học trong công nghệ sinh học nông nghiệp; công nghệ sinh học trong nông nghiệp khác.

g) Khoa học nông nghiệp khác.

12. Khoa học Y, Dược (YD): Y học cơ sở; y học lâm sàng; y tế; kỹ thuật chẩn đoán bệnh; dược học; công nghệ sinh học trong y học; y học thể dục thể thao; khoa học y dược khác.

Điều 4. Yêu cầu đối với đề tài tham gia xét Giải thưởng

Đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên tham gia xét Giải thưởng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Có giá trị khoa học và thực tiễn, ưu tiên các đề tài đã được áp dụng vào thực tế sản xuất và đời sống mang lại hiệu quả cao, đề tài có các công bố khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước.

2. Chưa được trao bất kỳ một giải thưởng nào khác tại thời điểm nộp hồ sơ. Luận văn và đồ án tốt nghiệp của sinh viên không được gửi tham gia xét Giải thưởng.

3. Được hội đồng đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên cấp trường xếp loại xuất sắc.

Điều 5. Số lượng đề tài gửi tham gia xét Giải thưởng

Căn cứ số lượng sinh viên đại học hệ chính quy của trường đại học (theo số liệu thống kê giáo dục và đào tạo của năm trước năm tổ chức Giải thưởng), số lượng đề tài gửi tham gia xét Giải thưởng được xác định như sau:

1. Cứ 3000 sinh viên đại học hệ chính quy, trường được gửi 01 đề tài.

2. Đối với trường đại học có đào tạo sinh viên theo chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao; trường đại học được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong năm trước năm tổ chức Giải thưởng: Cứ 2000 sinh viên đại học hệ chính quy, trường được gửi 01 đề tài.

3. Đối với trường đại học có đề tài đạt giải nhất trong năm trước năm tổ chức Giải thưởng: Cứ mỗi giải nhất, trường được gửi thêm 01 đề tài.

Chương II

QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ VÀ XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG

Điều 6. Đánh giá và xét giải ở trường đại học

1. Trường đại học tổ chức đánh giá và xét giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường theo quy định tại Thông tư số 19/2012/TT-BGDĐT ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học.

2. Trường đại học lựa chọn các đề tài gửi tham gia xét Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” trong số các đề tài đạt giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, theo số lượng được quy định tại Điều 5 của Thể lệ Giải thưởng này.

Điều 7. Hồ sơ tham gia xét Giải thưởng

Hồ sơ tham gia xét Giải thưởng bao gồm:

1. Báo cáo tổng kết đề tài (Phụ lục) kèm theo các tài liệu khoa học liên quan (nếu có): 10 bản / 01 đề tài.

2. Công văn của trường đại học gửi tham gia xét Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho sinh viên (Mẫu 6 - Phụ lục) kèm theo các minh chứng về công bố khoa học từ kết quả nghiên cứu của đề tài hoặc nhận xét, đánh giá của cơ sở đã áp dụng các kết quả nghiên cứu (nếu có).

3. Thông tin kết quả nghiên cứu của đề tài (Mẫu 3 - Phụ lục).

4. Thông tin về sinh viên chịu trách nhiệm chính thực hiện đề tài (Mẫu 4 - Phụ lục).

5. Đơn xin tham gia xét Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” (Mẫu 5 - Phụ lục).

6. Đĩa CD lưu giữ nội dung báo cáo tổng kết đề tài và thông tin về sinh viên thực hiện đề tài.

Điều 8. Tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ tham gia xét Giải thưởng

1. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ tham gia xét Giải thưởng và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.

2. Hồ sơ tham gia xét Giải thưởng là hợp lệ nếu đáp ứng bốn điều kiện sau:

a) Có đầy đủ các mục trong hồ sơ tham gia xét Giải thưởng theo quy định tại Điều 7 của Thể lệ Giải thưởng này.

b) Không ghi tên sinh viên thực hiện, tên người hướng dẫn, tên trường đại học trong báo cáo tổng kết đề tài và các tài liệu khoa học liên quan (nếu có). Trong trường hợp đặc biệt, tên trường đại học là một phần trong tên đề tài và nội dung nghiên cứu, hồ sơ được coi là hợp lệ.

c) Gửi đúng thời hạn quy định và gửi bản điện tử công văn của trường đại học (Mẫu 6 - Phụ lục) vào hộp thư của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

d) Đảm bảo các yêu cầu đối với đề tài tham gia xét Giải thưởng theo quy định tại Điều 4 của Thể lệ Giải thưởng này.

Điều 9. Thời hạn nhận, đánh giá đề tài và trao Giải thưởng

1. Thời hạn nhận đề tài: trước ngày 30 tháng 6 hàng năm.

2. Thời gian đánh giá đề tài và xét giải: Từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm.

3. Thời gian tổ chức lễ trao Giải thưởng: tháng 12 hàng năm.

Điều 10. Đánh giá và xét giải ở Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đề tài tham gia xét Giải thưởng được đánh giá và xét giải ở Bộ Giáo dục và Đào tạo qua hai vòng:

1. Vòng một

a) Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập các hội đồng đánh giá đề tài. Mỗi đề tài có hai chuyên gia nhận xét phản biện.

b) Đề tài có điểm đánh giá của hội đồng từ 90 điểm trở lên sẽ được tham gia xét chọn giải nhất, giải nhì ở vòng hai.

c) Trường hợp phát hiện hồ sơ không hợp lệ, hội đồng đề nghị không xét giải.

2. Vòng hai

a) Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập các hội đồng xét chọn đề tài đạt giải nhất, giải nhì. Mỗi đề tài có hai chuyên gia nhận xét phản biện, trong đó có một phản biện hoặc thành viên ở hội đồng đánh giá vòng một.

b) Sinh viên thực hiện đề tài trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu tại cuộc họp của hội đồng.

c) Hội đồng bỏ phiếu xét chọn một giải nhất và các giải nhì cho mỗi nhóm ngành. Đối với đề tài không được xét chọn giải nhất hoặc giải nhì, hội đồng đề nghị xét giải ba.

d) Trường hợp đề tài không có sinh viên trình bày báo cáo tại hội đồng hoặc phát hiện đề tài không phải do sinh viên thực hiện, hội đồng đề nghị không xét giải.

Điều 11. Nội dung đánh giá đề tài và xét giải ở vòng một

1. Nội dung đánh giá đề tài

a) Tổng quan tình hình nghiên cứu, lý do lựa chọn đề tài.

b) Mục tiêu đề tài.

c) Phương pháp nghiên cứu.

d) Nội dung khoa học.

đ) Đóng góp về mặt kinh tế - xã hội, giáo dục và đào tạo, an ninh, quốc phòng.

e) Hình thức trình bày báo cáo tổng kết đề tài.

g) Điểm thưởng (có công bố khoa học từ kết quả nghiên cứu của đề tài trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước).

2. Xét giải

a) Hội đồng đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên cho điểm xếp giải đề tài theo 5 mức: nhất, nhì, ba, khuyến khích và không đạt giải.

b) Các thành viên hội đồng đánh giá độc lập bằng cách cho điểm theo từng nội dung của phiếu đánh giá (mẫu 7 - Phụ lục). Căn cứ vào điểm trung bình cuối cùng của các thành viên hội đồng có mặt theo thang 100 điểm, đề tài được xem xét xếp giải nhất, giải nhì: từ 90 điểm trở lên; giải ba: từ 80 điểm đến dưới 90 điểm; giải khuyến khích: từ 70 điểm đến dưới 80 điểm; không đạt giải: dưới 70 điểm.

Điều 12. Nội dung đánh giá xét chọn giải nhất, giải nhì ở vòng hai

1. Nội dung đánh giá xét chọn giải nhất, giải nhì

a) Đánh giá đề tài theo các nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 11 của Thể lệ Giải thưởng này.

b) Đánh giá phần trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu của sinh viên thực hiện đề tài.

c) Nhận xét về những đóng góp khoa học của sinh viên thực hiện đề tài.

2. Xét chọn giải nhất

Hội đồng bỏ phiếu xét chọn một đề tài đạt giải nhất thuộc mỗi nhóm ngành theo các nội dung đánh giá được quy định tại khoản 1 Điều này (mẫu 8 - Phụ lục).

3. Xét chọn giải nhì

Đối với đề tài không đạt giải nhất, hội đồng bỏ phiếu xét chọn các giải nhì thuộc mỗi nhóm ngành (mẫu 9 - Phụ lục).

Chương III

TỔ CHỨC VÀ TRAO TẶNG GIẢI THƯỞNG

Điều 13. Ban Chỉ đạo xét tặng Giải thưởng

1. Ban Chỉ đạo xét tặng Giải thưởng do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan đồng tổ chức bao gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam – VIFOTEC), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ban Chỉ đạo xét tặng Giải thưởng trực tiếp chỉ đạo và điều hành các công việc của Giải thưởng.

2. Tổ Thư ký giúp việc cho Ban Chỉ đạo bao gồm đại diện một số cơ quan, đơn vị tham gia tổ chức Giải thưởng. Tổ Thư ký chịu trách nhiệm chuẩn bị nội dung và điều kiện cho các cuộc họp của Ban Chỉ đạo xét tặng Giải thưởng.

3. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực của Giải thưởng, chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo xét tặng Giải thưởng quy định, bao gồm: lập kế hoạch và hướng dẫn triển khai Giải thưởng; tiếp nhận và xử lý hồ sơ; dự trù kinh phí và báo cáo thanh quyết toán; thành lập các hội đồng đánh giá và xét giải; tổ chức họp Ban Chỉ đạo xét tặng Giải thưởng; trình ký quyết định khen thưởng; tổ chức lễ trao Giải thưởng; tuyên truyền, giới thiệu về Giải thưởng và các đề tài đạt giải; vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ cho Giải thưởng.

Điều 14. Cơ cấu giải và mức thưởng

1. Số lượng giải thưởng

Số lượng giải thưởng tối đa của mỗi nhóm ngành gồm: 01 giải nhất, 05 giải nhì, 9 giải ba và 15 giải khuyến khích.

2. Mức thưởng

a) Giải nhất: mỗi đề tài được thưởng 5.000.000 đông.

b) Giải nhì: mỗi đề tài được thưởng 3.000.000 đồng.

c) Giải ba: mỗi đề tài được thưởng 2.000.000 đồng.

d) Giải khuyến khích: mỗi đề tài được thưởng 1.000.000 đồng.

đ) Người hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài đạt giải nhất: mỗi đề tài được thưởng 2.000.000 đồng.

Điều 15. Khen thưởng cá nhân

1. Đề tài đạt giải nhất

a) Sinh viên tham gia thực hiện đề tài được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

b) Sinh viên chịu trách nhiệm chính thực hiện đề tài đạt giải nhất được ưu tiên xem xét khi đăng ký dự tuyển các loại học bổng sau:

- Chương trình học bổng Hiệp định và các chương trình học bổng khác đào tạo trình độ thạc sĩ trở lên do nước ngoài cấp được Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cục Đào tạo với nước ngoài) thông báo tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Cục Đào tạo với nước ngoài.

- Chương trình học bổng tiến sĩ theo Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng (Đề án 911) nếu sinh viên có nguyện vọng làm giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại thông báo tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c) Người hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài đạt giải nhất được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Đề tài đạt giải nhì

Sinh viên tham gia thực hiện đề tài được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

3. Đề tài đạt giải ba và giải khuyến khích

Sinh viên tham gia thực hiện đề tài được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 16. Khen thưởng trường đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo xét khen thưởng định kỳ trong năm tổ chức Giải thưởng nếu trường đại học đạt bốn tiêu chí sau:

1. Có nhiều sáng kiến trong công tác quản lý và tổ chức triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên.

2. Đã tổ chức hội nghị, hội thảo về nghiên cứu khoa học của sinh viên.

3. Có báo cáo đầy đủ về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên.

4. Có đề tài đạt giải nhất Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” hoặc có nhiều đề tài đạt từ giải ba trở lên.

Điều 17. Tài chính cho Giải thưởng

1. Kinh phí tổ chức Giải thưởng và tiền thưởng cho các sinh viên đạt giải, người hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài đạt giải nhất và trường đại học được khen thưởng, được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước (kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ) hàng năm giao về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Ban Chỉ đạo xét tặng Giải thưởng huy động các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cho Giải thưởng. Mọi hoạt động tài trợ được thực hiện theo quy định của pháp luật.

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3588/QĐ-BGDĐT năm 2012 về Thể lệ Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho sinh viên trong trường đại học, học viện do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 3588/QĐ-BGDĐT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/09/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Trần Quang Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/09/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 11/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản