- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 3Nghị định 95/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3582/QĐ-BCT | Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYÊT “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÙNG ĐÔNG NAM BỘ ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030”
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu như sau:
a) Phát triển công nghiệp vùng Đông Nam Bộ phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển kinh tế-xã hội của Vùng, phát triển công nghiệp cả nước và phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Phát huy lợi thế của Vùng và của từng địa phương hỗ trợ lẫn nhau trên cơ sở phân bố hợp lý về không gian lãnh thổ, về cơ cấu các ngành công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng.
b) Tập trung nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp có các quá trình, quy trình công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn để thúc đẩy phát triển Vùng và các vùng khác.
c) Tận dụng tối đa các cơ hội quốc tế theo hướng hiện đại; tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực và thế giới; đẩy mạnh liên kết công nghiệp và hiệp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp, giữa các ngành, các vùng và với các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.
d) Huy động hiệu quả các nguồn lực của mọi khu vực kinh tế, trong đó động lực phát triển là khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài.
đ) Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, hài hòa với các ngành khác và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia.
2. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu chung: Trong giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành công nghiệp Vùng Đông Nam Bộ vẫn giữ vị trí đầu tàu của công nghiệp cả nước; đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng hiện đại; áp dụng các quá trình, quy trình công nghệ hiện đại, kỹ thuật cao với các sản phẩm chất lượng cao thân thiện với môi trường; sử dụng nguyên liệu, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh trong hội nhập, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt khoảng 2.584 ngàn tỷ đồng (giá 2010); năm 2020 đạt khoảng 4.374 ngàn tỷ đồng (giá 2010) và năm 2030 đạt khoảng 11.645 ngàn tỷ đồng (giá 2010). Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2015 là 11,5-12%/năm; giai đoạn 2016-2020 là 10,5-11%/năm; giai đoạn 2021-2030 là 10-10,5%/năm;
- Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 là 9,5-10%/năm; giai đoạn 2016-2020 là 9,0-9,5%/năm; giai đoạn 2021- 2030 là 8-8,5%/năm;
- Tỷ trọng công nghiệp-xây dựng trong GDP chiếm 53-54% năm 2015; 51-52% năm 2020 và 47-48% năm 2030;
- Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người đạt 4.200 USD năm 2015; 7.800 USD năm 2020 và 18.000-20.000 USD năm 2030;
- Tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20-25%/năm đến năm 2030;
- Giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và áp dụng công nghệ cao đạt khoảng 45-50% năm 2020 và 60-80% năm 2030.
3. Định hướng phát triển
- Ưu tiên phát triển nhanh các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tạo nhiều giá trị gia tăng.
- Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các nhóm sản phẩm cơ khí, nhựa-cao su, điện-điện tử có khả năng tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, cung ứng cho các ngành sản xuất trong nước.
- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như: Khai thác dầu khí; cơ khí chế tạo; hóa chất, hóa dầu; điện tử và sản xuất phần mềm; chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng tiêu dùng, dệt may, da, giầy, nhựa; sản xuất và phân phối điện; công nghiệp vật liệu xây dựng.
- Chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn và an ninh quốc phòng;
- Từng bước phát triển công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp công nghệ sinh học và công nghiệp môi trường;
- Điều chỉnh lại hướng phân bố công nghiệp trên địa bàn, trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên và dư địa của các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh. Đẩy mạnh phát triển liên kết công nghiệp, tạo thành các tổ hợp công nghiệp với quy mô lớn và liên kết hiệu quả. Hình thành vành đai công nghiệp - đô thị của Vùng, hạn chế phát triển thêm các khu công nghiệp trong khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào để phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ và đô thị theo mô hình đô thị công nghệ cao tại Long Thành, thành phố mới Phú Mỹ, Khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị Bình Dương, góp phần điều chỉnh phân bố công nghiệp, bảo đảm phát triển hợp lý giữa các địa phương.
- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, hoàn chỉnh các khu chức năng của các khu công nghệ cao trong Vùng để thu hút đầu tư làm hạt nhân chuyển giao, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đào tạo lao động chất lượng cao cho Vùng và cả nước.
4. Quy hoạch phát triển các chuyên ngành công nghiệp
4.1. Công nghiệp cơ khí
- Xây dựng công nghiệp cơ khí vùng Đông Nam Bộ trở thành trung lâm cơ khí lớn ở khu vực phía Nam, là động lực chính trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với các phân ngành sản phẩm chủ lực như: Đóng và sửa chữa tàu biển; sản xuất thiết bị điện; sản xuất các thiết bị, dụng cụ phục vụ gia đình; sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản; sản phẩm cơ khí phục vụ ngành khai thác và chế biến dầu khí; máy công cụ; phương tiện vận tải; máy nâng vận chuyển và các loại kết cấu thép và các thiết bị phi-tiêu chuẩn... Thay đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng dần những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, thiết bị máy móc, dụng cụ chính xác thay thế các sản phẩm nhập khẩu vả xuất khẩu ra nước ngoài. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ cho cơ khí trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hình thành mạng lưới các doanh nghiệp cơ khí vệ tinh, tạo điều kiện phát huy cao khả năng chuyên môn hóa, hợp tác hóa.
- Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp cơ khí của Vùng đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 18-19% và đến năm 2030 chiếm tỷ trọng 23-24% trong cơ cấu giá trị gia tăng công nghiệp của Vùng.
- Phân bố sản xuất theo từng địa phương như sau:
+ Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Cơ khí phục vụ công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí là chủ đạo như giàn khoan ngoài biển; các sản phẩm kết cấu thép, thiết bị phi tiêu chuẩn; chi tiết và phụ tùng tiêu chuẩn hóa; các loại ống thép chế tạo giàn khoan, ống dẫn dầu và khí, các loại ti khoan và ống chống thành lỗ khoan; đóng mới và sửa chữa tàu dịch vụ dầu khí, tàu cá, ... Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí với quy mô lớn phục vụ cho toàn ngành cơ khí và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Nhật Bản.
+ Tỉnh Bình Dương: Tập trung vào các lĩnh vực: Cơ khí chuyên dụng phục vụ các ngành công nghiệp, gia công, sản xuất phụ tùng, linh kiện, cụm chi tiết; cơ khí tiêu dùng; cơ khí chính xác, cơ khí lắp ráp, cơ khí sửa chữa; máy móc thiết bị phục vụ nông-lâm nghiệp (máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị chế biến nông-lâm sản...); đóng và sửa chữa toa xe; đóng, sửa chữa ô tô và các phương tiện vận tải; sản phẩm cơ khí tiêu dùng cao cấp.
+ Tỉnh Bình Phước: Đầu tư nhà máy cơ khí với quy mô thích hợp làm nòng cốt cho ngành cơ khí tỉnh, sản phẩm: Nông cụ, dụng cụ cầm tay; sửa chữa thiết bị phục vụ công nghiệp chế biến nông-lâm sản; sửa chữa, trùng tu ô tô, máy kéo và phương tiện vận tải; cơ khí hỗ trợ cho khai thác và chế biến khoáng sản.
+ Tỉnh Đồng Nai: Tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp hỗ trợ cơ khí ô tô, xe máy và phục vụ các ngành, lĩnh vực khác; cơ khí chế tạo; cơ khí xây dựng, tiêu dùng. Phát triển các sản phẩm: Động cơ điêzen, động cơ xăng chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; thiết bị điện, máy biến áp, động cơ điện loại nhỏ, công tơ điện 1 pha, dây và cáp điện; đóng và sửa chữa ô tô (kể cả ô tô khách, ô tô chuyên dụng phục vụ thị trường nội địa); xe máy và phụ tùng xe máy; sản phẩm cơ khí tiêu dùng cao cấp (tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, dụng cụ nhà bếp...).
+ Tỉnh Tây Ninh: Ưu tiên đầu tư một số ngành sản xuất cơ khí có lợi thế so sánh của địa phương gồm cơ khí nông nghiệp, cơ khí giao thông vận tải, cơ khí xây dựng. Xây dựng một doanh nghiệp cơ khí đầu đàn làm trung tâm cơ khí chế tạo của Tỉnh; thúc đẩy, khuyến khích phát triển các cụm cơ khí nhỏ theo địa bàn để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; phát triển các sản phẩm cơ khí hỗ trợ; đón đầu xu thế chuyển dịch sản xuất từ thành phố Hồ Chí Minh.
+ Thành phố Hồ Chí Minh: Ngành cơ khí phải được đặt ở vị trí là công nghiệp mũi nhọn của thành phố, đồng thời là đầu tàu lôi kéo, hỗ trợ ngành cơ khí các địa phương phía Nam phát triển. Hình thành các trung tâm mới về đúc, nhiệt luyện, chế tạo khuôn... của ngành cơ khí ở phía Nam, trên cơ sở bố trí hợp lý vào các khu công nghiệp. Tập trung nghiên cứu chế tạo các sản phẩm có độ phức tạp cao, hàm lượng chất xám cao. Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ lệ máy móc thiết bị, tư liệu sản xuất, sản phẩm cơ khí tiêu dùng cao cấp. Các sản phẩm được lựa chọn bao gồm: Máy móc thiết bị phục vụ công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản-thực phẩm; máy công cụ các loại (bao gồm máy CNC, máy cắt dây, máy gia công tia lửa điện, các loại máy chuyên dùng đặc biệt khác ...); phôi đúc (thép và gang), sản phẩm nhiệt luyện chất lượng cao; thiết bị điện (bao gồm động cơ, máy phát, dây và cáp điện, khí cụ điện trung và hạ áp, các loại động cơ điện cực nhỏ dùng trong điều hòa, tủ lạnh ...); đóng, sửa chữa các phương tiện vận tải; các loại khuôn phức tạp, chính xác dùng trong công nghiệp nhựa, dập tấm mỏng; hàng quy chế chất lượng cao.
4.2. Công nghiệp hóa chất
- Tập trung đầu tư sản xuất các sản phẩm chủ lực có hàm lượng chất xám cao, có công nghệ tiên tiến, đảm bảo môi trường, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế như: Các sản phẩm hóa dầu; chất tẩy rửa và các sản phẩm chăm sóc cá nhân cao cấp; sản phẩm cao su (Lốp ô tô, lốp xe máy, cao su kỹ thuật); các sản phẩm nhựa (nhựa kỹ thuật, nhựa gia dụng cao cấp); sản phẩm hóa dược; pin, ắc quy; sơn cao cấp; sản phẩm hóa chất cơ bản và phân bón.
- Công nghiệp hóa chất phát triển tập trung trong các khu, cụm công nghiệp để thuận lợi cho việc xử lý chất thải, nước thải. Thực hiện triệt để kế hoạch di dời các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các khu, cụm công nghiệp, kết hợp đầu tư cải tạo, nâng cấp và đổi mới thiết bị, công nghệ. Đối với các đô thị, tập trung phát triển sản xuất sạch.
- Giá trị gia tăng ngành công nghiệp hóa chất đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 19-20% và đến năm 2030 chiếm tỷ trọng 21-22%/năm trong cơ cấu giá trị gia tăng công nghiệp của Vùng.
- Phân bố sản xuất theo từng địa phương như sau:
Các dự án quy mô lớn, sản xuất các sản phẩm chủ lực với công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch sẽ tập trung đầu tư chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.
+ Thành phố Hồ Chí Minh: Đầu tư sản xuất sản phẩm theo công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, ít gây ô nhiễm. Các dự án sản xuất hóa chất cơ bản, chất tẩy rửa bố trí tại huyện Nhà Bè, sản xuất các sản phẩm nhựa, cao su ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn; sản xuất dược phẩm, hóa mỹ phẩm bố trí tại huyện Củ Chi.
+ Tỉnh Đồng Nai: Thu hút đầu tư các dự án sản xuất hóa mỹ phẩm, sản phẩm nhựa chất lượng cao, nhựa kỹ thuật, nhựa gia dụng cao cấp, sản phẩm cao su... Các dự án sản xuất sản phẩm theo công nghệ sạch được bố trí trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch, An Phước, Gò Dầu, Tam Phước.
+ Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Sản xuất các sản phẩm hóa dầu và bố trí trong Tổ hợp hóa dầu miền Nam.
+ Tỉnh Bình Dương: Tập trung phát triển các lĩnh vực được phẩm, các sản phẩm từ cao su thiên nhiên, nhựa y tế, nhựa kỹ thuật cao, chất tẩy rửa, sơn các loại, keo, nhựa dân dụng,...
+ Tỉnh Tây Ninh: Sản xuất các sản phẩm cao su, nhựa, hóa dược và bố trí trong các khu, cụm công nghiệp.
+ Tỉnh Bình Phước: Sản xuất các sản phẩm cao su, phân bón.
4.3. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản
- Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn liền với phát triển vùng nguyên liệu và gắn kết sản xuất giữa các địa phương trong Vùng và với Vùng Đồng bằng sông Cứu Long, Tây Nguyên và Campuchia. Đẩy mạnh sự hợp tác, phân công sản xuất các sản phẩm phù hợp với nguồn nguyên liệu của từng địa phương.
- Ưu tiên đầu tư các thiết bị và công nghệ tiên tiến nhằm chế biến những sản phẩm cao cấp, sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao với tỷ lệ ngày càng cao, giảm tỷ lệ sản phẩm sơ chế.
- Tập trung sản xuất chế biến các sản phẩm tinh, chế biến sâu, có giá trị gia tăng lớn tại các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Định hướng chuyển dịch các hoạt động chế biến sử dụng nhiều nguyên liệu thô và lao động từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai về Bình Phước, Tây Ninh.
- Giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 20-21% và đến năm 2030 chiếm tỷ trọng 18-19% trong cơ cấu giá trị gia tăng công nghiệp của Vùng.
- Phân bố sản xuất theo từng địa phương như sau:
+ Thành phố Hồ Chí Minh: Tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm chế biến tinh lương thực-thực phẩm đòi hỏi công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao gồm các sản phẩm thuộc các nhóm ngành: chế biến thịt, chế biến hải sản, dầu ăn, sữa, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đồ ăn nhanh (các sản phẩm ăn liền...). Thu hút các dự án lớn, sản xuất các sản phẩm chế biến tinh lương thực thực phẩm cao cấp, các sản phẩm mới, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đầu tư các phòng thí nghiệm nghiên cứu chuyên ngành chế biến tinh lương thực-thực phẩm nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Vùng kiểm soát chất lượng sản phẩm và nghiên cứu phát triển công nghệ, sản phẩm mới.
+ Tỉnh Đồng Nai: Phát triển ngành sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy hải sản, chế biến thịt gia súc, gia cầm; tinh chế nông sản dựa trên ứng dụng công nghệ sinh học; chế biến trái cây, sản xuất nước hoa quả (đóng chai, đóng hộp) xuất khẩu, bia rượu nước giải khát, các ngành công nghiệp chế biến sữa, chế biến bánh kẹo, chế biến đồ ăn nhanh.
+ Tỉnh Bình Dương: Phát triển các ngành và sản phẩm chế biến gỗ, sản xuất giấy, bia rượu nước giải khát, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến mủ cao su.
+ Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Tập trung phát triển các ngành: chế biến hải sản, sản xuất dầu ăn, bột mì và thực phẩm.
+ Tỉnh Tây Ninh: Phát huy lợi thế về nguyên liệu mía, lạc, sắn, cao su, tập trung phát triển chế biến đường mía, chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su, chế biến điều, chế biến súc sản, chế biến gỗ.
+ Tỉnh Bình Phước: Tập trung các lĩnh vực có lợi thế về nguyên liệu như: chế biến mủ cao su, chế biến điều; chế biến gỗ, sản xuất đồ gỗ xuất khẩu; chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm.
4.4. Khai thác, chế biến dầu thô và khí tự nhiên
- Phát triển và đưa vào khai thác các phát hiện dầu khí mới với sản lượng khai thác hợp lý và ổn định cho từng mỏ. Ưu tiên đầu tư phát triển trước các mỏ ở xa bờ, các vùng tranh chấp; đầu tư nghiên cứu và áp dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu tại các mỏ hiện có và phát triển đưa vào khai thác các mỏ nhỏ, các mỏ có giá trị kinh tế tới hạn và các mỏ khí có hàm lượng CO2 cao ...
- Phấn đấu tự đầu tư, điều hành công tác phát triển và khai thác các mỏ dầu khí ở trong nước khi điều kiện cho phép. Kiểm soát chặt chẽ công nghệ thiết bị khai thác, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
- Đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý, phân phối khí đồng bộ.
- Xây dựng khu lọc dầu quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong Vùng.
- Trong giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chủ yếu tập trung khai thác hiệu quả và phát triển hệ thống thu gom, vận chuyển khí và xử lý khí phục vụ cho nền kinh tế.
- Khai thác trung bình đạt 24,6 triệu tấn dầu quy đổi/năm trong giai đoạn đến năm 2015 và 17,8 triệu tấn dầu quy đổi/năm giai đoạn 2016-2020.
- Giai đoạn sau năm 2020, đưa vào vận hành nhà máy lọc dầu với công suất 10 triệu tấn/năm.
- Phân bổ sản xuất theo địa phương như sau: Chủ yếu khai thác, chế biến dầu thô và khí tự nhiên ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:
+ Triển khai đầu tư xây dựng hệ thống đường ống Nam Côn Sơn 2 với công suất thiết kế 7 tỷ m3/năm nhằm vận chuyên kịp thời khí và condensate thương phẩm từ các mỏ về bờ phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ khí ngày càng tăng của khu vực Đông Nam Bộ.
+ Từ sau năm 2019, nghiên cứu xây dựng hệ thống đường ống mới dẫn khí từ bể Phú Khánh về khu vực Sơn Mỹ (Bình Thuận) và kết nối với hệ thống đường ống thu gom mỏ Bạch Hổ.
+ Nghiên cứu và triển khai xây dựng hệ thống đường ống nổi từ Bà Rịa - Vũng Tàu tới Thành phố Hồ Chí Minh để cung cấp khí cho các nhà máy điện và các khu công nghiệp trong Vùng và kết nối với hệ thống đường ống khu vực Tây Nam Bộ.
+ Giai đoạn sau năm 2020 triển khai xây dựng Nhà máy Lọc dầu số 3 đặt tại Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) có quy mô công suất 200.000 thùng dầu/ngày (10 triệu tấn dầu thô/năm), sử dụng dầu thô nhập khẩu.
4.5. Công nghiệp dệt may, da giầy
- Tiếp tục phát triển ngành công nghiệp dệt may, da giầy nhưng có phân kỳ thu hút đầu tư cho từng giai đoạn, phù hợp với xu thế phát triển chung. Huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành dệt may, da giày, chú trọng kêu gọi những nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may, da giầy và những lĩnh vực mà các nhà đầu tư trong nước còn yếu và thiếu kinh nghiệm (nhuộm, thuộc da).
- Phát triển ngành công nghiệp dệt may, da giầy theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, tạo bước nhảy vọt về chất và lượng sản phẩm. Giảm dần tỷ lệ gia công tiến đến xuất khẩu trực tiếp. Chú trọng đầu tư công nghệ, khoa học kỹ thuật, kết hợp hài hòa giữa đầu tư chiều sâu, cải tạo, đầu tư mở rộng và đầu tư mới. Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm sản xuất ngành dệt may, da giầy theo hướng sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm thời trang cao cấp, sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám cao.
- Nâng cao tỷ trọng nguyên phụ liệu dệt may giầy dép, công nghiệp phụ trợ trên địa bàn Vùng.
- Giá trị gia tăng ngành công nghiệp dệt may, da giầy đến năm 2020 chiếm tỷ trọng khoảng 13,8% và đến năm 2030 chiếm tỷ trọng 10,3% trong cơ cấu giá trị-gia tăng công nghiệp của Vùng.
- Phân bố sản xuất theo từng địa phương như sau:
Bố trí hợp lý không gian sản xuất trên địa bàn các tỉnh, thành phố phù hợp với điều kiện thực tế và phát triển hợp lý các dự án đầu tư ngành dệt may, da giầy vùng Đông Nam Bộ:
+ Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại, thiết kế mẫu mốt, dịch vụ công nghệ may và các nhà máy may sản phẩm thời trang, có giá trị gia tăng cao. Di dời các doanh nghiệp nhuộm tại Thành phố Hồ Chí Minh về khu công nghiệp tại Long An và các tỉnh lân cận như Bình Phước, Tây Ninh. Tiến hành xây dựng Trung tâm mốt thời trang lớn nhất của cả nước tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với ngành da giầy, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm dịch vụ, cung cấp nguyên phụ liệu, công nghệ, mẫu mốt, các doanh nghiệp sản xuất có giá trị cao, quy mô hợp lý và các trung tâm xúc tiến thương mại chuyên ngành, xây dựng các cụm công nghiệp nhỏ và làng nghề truyền thống tại các quận ven thành phố. Di dời các doanh nghiệp thuộc da tại trung tâm và lân cận thành phố đến các khu thuộc da tập trung cách xa thành phố và các khu vực đông dân cư.
+ Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Phát triển nguồn nguyên liệu cho dệt, đầu tư mới nhà máy xơ tổng hợp (công suất 160.000 tấn/năm).
+ Các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước: Hình thành các cụm dệt lớn liên hoàn từ kéo sợi, dệt vải đến nhuộm. Hình thành khu, cụm sản xuất và kinh doanh mua bán nguyên phụ liệu. Phát triển trung tâm đào tạo và Trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Riêng Bình Phước, Tây Ninh và cùng với Long An, tiếp nhận các doanh nghiệp nhuộm, hoàn tất, các nhà máy may, các doanh nghiệp sản xuất giầy dép, cặp túi chuyển về từ Thành phố Hồ Chí Minh.
4.6. Công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin
- Phát triển mạnh công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin trở thành ngành chủ lực của cả Vùng và của cả nước, đưa Thành phố Hồ Chí Minh từng bước trở thành trung tâm công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin ở khu vực Đông Nam Á.
- Các doanh nghiệp điện tử nội địa chủ động tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, mở rộng liên doanh, liên kết trong và ngoài nước và các thành phần kinh tế để tận dụng nguồn lực trong phát triển.
- Tiếp tục đẩy mạnh lắp ráp và sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng, điện tử chuyên dùng và điện tử tin học, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất phụ tùng linh kiện, nghiên cứu và thiết kế sản phẩm và phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ mà trong nước có thế mạnh về vật liệu như: nhựa, cao su, kim loại...
- Tập trung thu hút các doanh nghiệp FDI vào các ngành điện tử công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch và bán dẫn, coi đây là khâu đột phá trong phát triển của công nghiệp điện tử Vùng;
- Nghiên cứu gắn kết phát triển công nghiệp điện tử với các ngành công nghiệp khác như tự động hóa, cơ điện tử, cơ khí chính xác để phát triển các sản phẩm công nghệ cao.
- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin trình độ cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của công nghiệp công nghệ thông tin nói chung và công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung nói riêng.
- Giá trị gia tăng ngành công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 25% và đến năm 2030 chiếm tỷ trọng hơn 35% trong cơ cấu giá trị gia tăng công nghiệp của Vùng. Kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử Vùng chiếm khoảng 40-50% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử cả nước.
- Phân bố sản xuất theo từng địa phương như sau:
+ Tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, có hàm lượng tri thức, đòi hỏi ít nhân công lao động (sản xuất vật liệu bán dẫn, các loại chíp điện tử, vi mạch...) tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác như Biên Hòa, Bình Dương. Xây dựng từ 3 tới 5 doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao trong khu vục Đông Nam Á. Phát triển các khu công nghiệp liên hiệp sản xuất các sản phẩm phần cứng và điện tử tại Đồng Nai và Bình Dương. Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phần cứng vào các khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.
+ Phát triển công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số là hướng ưu tiên quan trọng trên cơ sở tận dụng lợi thế về nguồn nhân lực và các quan hệ hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố trong vùng với người Việt Nam ở nước ngoài. Tập trung phát triển vùng Đông Nam Bộ, mà hạt nhân là Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm về sản xuất phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin ở khu vực Đông Nam Á.
+ Xây dựng Trung tâm khoa học và chuyển giao công nghệ công nghệ thông tin ở Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin trình độ cao Vùng tại Đồng Nai.
+ Kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy lắp ráp, sản xuất các thiết bị phần cứng và điện tử hoàn chỉnh với quy mô lớn, công nghệ hiện đại tại các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh giai đoạn sau năm 2020.
4.7. Công nghiệp luyện kim
- Không kêu gọi đầu tư thêm các dự án luyện, cán thép trên địa bàn Vùng, trừ sản xuất thép chất lượng cao cho chế tạo cơ khí (thép hợp kim, thép lá, thép tấm); đầu tư chiều sâu cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của các loại thép xây dựng thông thường.
- Đến năm 2020, năng lực sản xuất phôi thép Vùng đạt 8,6 triệu tấn và sản phẩm cán các loại là 16,3 triệu tấn.
- Đầu tư tổ hợp khai thác bôxit-sản xuất alumin sau năm 2020, công suất 1,2-2,0 triệu tấn alumin, tiến tới sản xuất nhôm bằng công nghệ điện phân vào trước năm 2030. Sản lượng alumin của Vùng sau năm 2020 đạt 1,2 - 2,0 triệu tấn (khoảng 2,4 triệu tấn quặng tinh bôxit).
- Phân bố sản xuất theo từng địa phương như sau:
+ Các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương: Sản xuất phôi thép và cán thép quy mô lớn đặt trong các khu công nghiệp.
+ Tỉnh Bình Phước: Đầu tư Tổ hợp mỏ tuyển bôxit (nếu nhà máy alumin đặt ven biển) hoặc Tổ hợp mỏ tuyển bôxit-alumin (nếu điều kiện cơ sở hạ tầng cho phép).
4.8. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện
- Phát triển và đảm bảo tiến độ các công trình nguồn và mạng lưới điện vùng Đông Nam Bộ phát triển phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2025 (Tổng sơ đồ 7);
- Ưu tiên, khuyến khích phát triển các công trình nguồn thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo;
- Phát triển nguồn và mạng lưới điện đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải trong từng giai đoạn; Tiến tới phát triển lưới điện truyền tải có độ tin cậy đảm bảo n-1. Cụ thể như sau:
+ Về nguồn điện: Trong giai đoạn từ nay đến 2020, trên địa bàn Vùng dự kiến sẽ được tăng thêm nguồn cấp điện từ Nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng với công suất 75MW, nâng tổng công suất các nhà máy điện của Vùng lên tới gần 7500MW.
+ Về lưới điện:
Lưới 500kV: Xây dựng hệ thống mạch vòng 500 kV đảm bảo cung cấp điện an toàn tin cậy cho Vùng - trung tâm tiêu thụ lớn nhất của cả nước. Trong giai đoạn đến năm 2020: xây dựng mới 522 km đường dây, trong đó có 342 km đường dây mạch kép; Xây dựng mới 7 trạm biến áp với tổng dung lượng 12.600MVA.
Lưới 220kV: Giai đoạn đến năm 2020, xây dựng mới 758 km đường dây, chủ yếu là mạch kép. Xây mới 42 trạm biến áp và nâng công suất 7 trạm khác với tổng dung lượng là 14.440MVA.
Lưới 110kV: Giai đoạn đến năm 2020, xây dựng mới 1352 km đường đây, cải tạo, nâng cấp 614 km đường dây. Xây mới 164 trạm biến áp và nâng công suất 119 trạm khác với tổng dung lượng là 18.278MVA.
4.9. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ, thủy tinh
- Phát triển ngành trên cơ sở ưu tiên khai thác nguồn tài nguyên tại chỗ, quy tụ các cơ sở sản xuất sản phẩm vào khu công nghiệp tập trung. Đẩy mạnh đầu tư chiều sâu, nâng công suất các cơ sở hiện có bằng đổi mới và nâng cấp công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiêu tốn ít năng lượng và nguyên liệu, quy mô hợp lý; di đời và loại bỏ các cơ sở sản xuất công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, đầu tư các lò gạch tuy nen và gạch không nung ở địa điểm mới. Đối với các dự án xây dựng mới, phải đảm bảo sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành cạnh tranh trên thị trường.
- Phối hợp, hợp tác giữa các địa phương trong đầu tư phát triển ngành dưới nhiều hình thức. Chủ động tham gia một cách hiệu quả vào liên kết và hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp trong vùng với các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới, phát triển thương hiệu Việt.
- Tập trung phát triển các mặt hàng chủ yếu: Sứ vệ sinh, gạch men, kính, thủy tinh, đá ốp lát granit, gạch, ngói các loại, bê tông công nghiệp... Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng mới cao cấp, thân thiện môi trường (như vật liệu nhẹ, siêu nhẹ, sản phẩm không nung, sản phẩm từ phế thải, đa dạng mẫu mã sản phẩm gốm-sứ-thủy tinh dân dụng đáp ứng thị hiếu tiêu dùng nhất là thị trường xuất khẩu.
- Giá trị gia tăng ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đến năm 2020 chiếm tỷ trọng khoảng 4,5,% và đến năm 2030 chiếm tỷ trọng 4,7% trong cơ cấu giá trị gia tăng công nghiệp
- Phân bố sản xuất theo từng địa phương như sau:
+ Khai thác đá vôi xi măng tại Tây Ninh, Bình Phước;
+ Khai thác đá, sỏi, cát xây dựng tại Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Phước;
+ Khai thác sét gạch ngói, cao lanh tại Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh;
+ Xi măng tại Tây Ninh, Bình Phước, bê tông đúc sẵn tại Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh;
+ Gốm sứ vệ sinh tại Bình Dương và Đồng Nai;
+ Sản xuất gạch ốp lát tại Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tây Ninh;
+ Sản xuất kính xây dựng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương;
+ Sản xuất gốm-sứ-thủy tinh dân dụng khác: Bình Dương và Đồng Nai.
Các dự án đầu tư sản xuất các loại vật liệu mới cần được ưu tiên tập trung đầu tư ở các địa phương đã có nền tảng phát triển mạnh như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.
5. Định hướng phát triển các khu công nghiệp
- Hạn chế bố trí các khu công nghiệp tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và các khu vực lân cận, chú trọng thu hút ở khu vực này các ngành nghề sử dụng ít đất, có công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện môi trường.
- Hình thành vành đai công nghiệp-đô thị Vùng, thu hút các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp mới nhằm hạn chế phát triển thêm các khu công nghiệp ở khu vực trung tâm, phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp-dịch vụ-đô thị theo mô hình khu đô thị công nghệ cao tại Long Thành, Phú Mỹ, khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị Bình Dương, Bình Phước.
- Bố trí các khu công nghiệp theo hướng hình thành các “tiểu vùng” gồm một nhóm các khu công nghiệp có cùng không gian địa lý như:
+ Vùng trung tâm bao gồm: Khu công nghệ cao thành phố, khu chế xuất và các khu công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh;
+ Vùng cận trung tâm bao gồm các khu công nghiệp của Thành phố Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Nhơn Trạch;
+ Vùng phía Đông Nam theo Quốc lộ 51 bao gồm các khu công nghiệp của Thành phố Vũng Tàu, Phú Mỹ, Châu Đức, dọc sông Thị Vải;
+ Vùng phía Đông theo Quốc lộ 1A bao gồm khu công nghiệp Bàu Xéo, Long Khánh;
+ Vùng phía Bắc dọc theo Quốc lộ 13 bao gồm khu công nghiệp Chơn Thành, Hoa Lư, Mỹ Phước;
+ Vùng phía Tây Bắc theo Quốc lộ 22 bao gồm khu công nghiệp Trảng Bàng, Gò Dầu, Mộc Bài, Xa Mát, Bourbon An Hòa;
6. Các giải pháp thực hiện
6.1. Nhóm giải pháp đột phá
6.1.1. Tạo lập môi trường hấp dẫn cho đầu tư, sản xuất kinh doanh
- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động công nghiệp theo hướng ổn định, công bằng, minh bạch, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
- Thực hiện chương trình hiện đại hóa và cải cách thủ tục hành chính (thủ tục cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, đấu thầu, đăng ký sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, hải quan, thuế,...).
- Hoàn thiện hạ tầng kinh tế-kỹ thuật cho phát triển công nghiệp, nhất là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
- Phát triển hệ thống logistics tầm cỡ quốc tế, trong đó chú trọng kêu gọi đầu tư nước ngoài trong giai đoạn đến năm 2020.
- Phát triển mạnh dịch vụ tư vấn đầu tư công nghiệp. Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống công nghiệp Việt Nam.
- Đẩy mạnh hoạt động của hệ thống ngân hàng-tài chính gắn chặt với sản xuất công nghiệp.
6.1.2. Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực
- Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp và chương trình hợp tác đào tạo giữa Nhà nước, các doanh nghiệp công nghiệp và các trường đào tạo để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp chủ lực.
- Phát triển mạnh thị trường lao động, dịch vụ thông tin giới thiệu việc làm. Thực hiện chính sách tuyển dụng cán bộ thông qua thi tuyển. Nghiên cứu hệ thống đánh giá năng lực lao động.
- Có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút nhân tài, các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực (kể cả Việt kiều) về Việt Nam làm việc.
- Đầu tư mới và nâng cấp các Trường công nhân kỹ thuật, Trường dạy nghề của các địa phương trong Vùng.
6.1.3. Phát triển khoa học, công nghệ
- Hoàn thiện cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh.
- Từng bước hoàn thiện Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh để làm hạt nhân chuyển giao và đào tạo công nghệ cao cho Vùng và các vùng phụ cận.
- Hình thành một số trung tâm nghiên cứu và phát triển mạnh đủ khả năng cung cấp thông tin, tư vấn chuyển giao công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp công nghiệp trong Vùng.
- Đổi mới công tác quản lý khoa học công nghệ; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ trong các trường đại học kỹ thuật trong Vùng nhằm đào tạo nguồn nhân lực về khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp trong tương lai và gắn kết đào tạo với yêu cầu thực tiễn.
- Chú trọng đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm quốc gia tầm cỡ khu vực trong Vùng để hỗ trợ phát triển công nghiệp Vùng và toàn miền Nam.
- Thành lập Trung tâm thông tin, tư vấn về khoa học công nghệ; lập cơ sở dữ liệu về công nghệ theo các nhóm ngành kinh tế-kỹ thuật để giúp doanh nghiệp lựa chọn công nghệ phù hợp.
6.2. Các giải pháp khác
6.2.1. Huy động nguồn lực, định hướng đầu tư vào các chuyên ngành chủ lực và dự án trọng điểm
- Vốn từ Ngân sách Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, một phần hỗ trợ cho đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
- Vốn tín dụng ưu tiên cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp vay đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà Nhà nước khuyến khích.
- Huy động vốn cho đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chủ lực từ mọi nguồn, chú trọng các nguồn vốn của doanh nghiệp, từ thị trường chứng khoán, từ cổ phần hóa doanh nghiệp, nguồn FDI, vốn vay...
- Tập trung thu hút đầu tư FDI vào các lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng với công nghệ hiện đại, có hàm lượng trí tuệ và giá trị gia tăng cao, có nhu cầu và khả năng thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa phát triển.
- Thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị các Tập đoàn đa quốc gia (MNC).
6.2.2. Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp
- Thực hiện đồng bộ các chính sách từ thu hút đầu tư, các chính sách tài chính tiền tệ, chính sách lao động tiền lương... tập trung khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, ít sử dụng tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm.
- Tập trung phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ: Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu cho công nghiệp hỗ trợ; lựa chọn các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn; phối hợp chặt chẽ với đối tác chiến lược, tập đoàn đa quốc gia; dành quỹ đất cho các khu công nghiệp hỗ trợ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai.
6.2.3. Phát triển thị trường và xúc tiến thương mại
- Chú trọng xây dựng và mở rộng mạng lưới bán buôn, bán lẻ trong nước theo hướng văn minh, hiệu quả, vì người tiêu dùng. Có chính sách kích cầu mở rộng thị trường tiêu thụ ở nông thôn, đặc biệt là hỗ trợ nông dân mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.
- Mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý liên quan tới thương mại.
- Nâng cao vai trò của các Hiệp hội ngành hàng trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và hỗ trợ giữa các doanh nghiệp trong Vùng.
- Hoàn thiện chính sách liên kết 4 nhà để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh chế biến nông, lâm, thủy sản.
6.2.4. Tạo dựng sự phối hợp, liên kết trong Vùng và với các vùng khác.
- Đẩy mạnh sự phân công và hợp tác giữa các địa phương trong Vùng thông qua đổi mới, hoàn thiện cơ chế, tổ chức bộ máy điều phối phát triển kinh tế xã hội Vùng theo hướng tập trung, hiệu quả. Đưa lĩnh vực công nghiệp vào nội dung điều phối.
- Thành phố Hồ Chí Minh phải là hạt nhân gắn kết các địa phương với nhau và trở thành đầu tàu năng động, thu hút và lan tỏa nguồn vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, quản lý trong vùng.
- Vùng Đông Nam Bộ cần mở rộng liên kết với các vùng khác, đặc biệt là Vùng Đồng bằng sông Cứu Long, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung để hỗ trợ nhau cùng phát triển.
6.2.5. Giải pháp về môi trường
- Kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp với bảo vệ tài nguyên, môi trường, đảm bảo phát triển bền vững;
- Phát triển mạnh công nghiệp môi trường. Xử lý triệt để các chất thải công nghiệp theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường;
- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về môi trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát theo luật trên cơ sở tăng cường đào tạo năng lực cho các cơ quan quản lý môi trường và thể chế thực thi luật pháp;
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với các biến đổi của khí hậu;
- Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công Thương: Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng chỉ đạo phát triển công nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt, có trách nhiệm;
- Theo dõi, giám sát thực hiện quy hoạch. Thẩm tra và góp ý kiến đối với các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án lớn, đồng thời nghiên cứu và đề xuất cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp ổn định và bền vững.
2. Các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng của mình, chủ trì và phối hợp với Bộ Công Thương trong việc: Kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghiệp; hỗ trợ tín dụng đầu tư có tính đặc thù đối với các doanh nghiệp công nghiệp trong Vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động, nghiên cứu đổi mới, tiếp nhận chuyển giao công nghệ; tăng cường đào tạo, dạy nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp...
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng: Rà soát, hiệu chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng; đưa các nội dung triển khai quy hoạch vào kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm về phát triển công nghiệp trên địa bàn; phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điểu 4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân, Giám đốc các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN KÊU GỌI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÙNG ĐÔNG NAM BỘ GIAI ĐOẠN ĐẾN 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3582/QĐ-BCT ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
1. Dự án xây dựng hệ thống đường ống thu gom, vận chuyển khí từ ngoài khơi về nhà máy xử lý khí và phân phối (Bà Rịa Vũng Tàu).
2. Nhà máy xử lý khí đồng bộ với dự án đường ống Nam Côn Sơn thứ 2 (Bà Rịa Vũng Tàu).
3. Khu công nghiệp lọc, hóa dầu Bình Sơn (Bà Rịa Vũng Tàu).
4. Nhà máy đóng sửa chữa tàu biển Long Sơn (Bà Rịa Vũng Tàu).
5. Nhà máy sản xuất van công nghiệp phục vụ dầu khí, hóa chất, công nghiệp điện, công nghiệp đóng tàu (Bà Rịa Vũng Tàu).
6. Nhà máy chế tạo thiết bị phụ trợ cho công nghiệp đóng tàu (Bà Rịa Vũng Tàu).
7. Nhà máy sản xuất lốp xe tải theo công nghệ radian, công suất 1 triệu lốp/năm (Bình Dương, Đồng Nai).
8. Nhà máy sản xuất melamine, công suất 30.000 tấn/năm (Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai).
9. Nhà máy sản xuất sunfat amon, công suất 400.000 tấn/năm (Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai).
10. Tổ hợp hóa dầu miền Nam, công suất 450.000 tấn polypropylen (PP), 800.000 tấn polyetylen (PE), 400.000 tấn VCM (Bà Rịa Vũng Tàu).
11. Nhà máy sản xuất Formaldehyt, công suất 300.000 tấn/năm (Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai).
12. Nhà máy nhựa PVC, công suất 300.000 tấn/năm (Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai).
13. Nhà máy sản xuất mono etylen glycol (MEG), công suất 200.000 tấn/năm (Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai).
14. Nhà máy sản xuất LAB, công suất 100.000 tấn/năm (Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai).
15. Nhà máy xơ PE với công suất 160.000 tấn/năm (Bà Rịa Vũng Tàu).
16. Nhà máy sản xuất vi mạch điện tử (Wafer FAB) (Tp. Hồ Chí Minh)
17. Các nhà máy sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử, bán dẫn (Tp. Hồ Chí Minh).
18. Sản xuất mạch in đa lớp, bản nền IC (Tp. Hồ Chí Minh).
19. Sản xuất bản mạch dẻo, bản mạch cứng kết hợp (Tp. Hồ Chí Minh).
20. Sản xuất, lắp ráp điện thoại di động, smart phone, PDA (Tp. Hồ Chí Minh).
21. Sản xuất các thiết bị lưu trữ số (Đồng Nai)
22. Nhà máy sợi (Bình Dương)
23. Cụm công nghiệp dệt tại Đồng Nai.
24. Cụm dệt liên hoàn tại khu công nghiệp Nhơn Trạch.
25. Cụm công nghiệp dệt tại Thành phố Hồ Chí Minh.
26. Khu công nghiệp dệt may và công nghiệp hỗ trợ Tây Ninh.
- 1Quyết định 1092/QĐ-BCT năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 2Quyết định 7157/QĐ-BCT năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 3Quyết định 2836/QĐ-BCT năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 1Luật Đầu tư 2005
- 2Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 3Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 5Quyết định 1092/QĐ-BCT năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 6Nghị định 95/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương
- 7Quyết định 7157/QĐ-BCT năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 8Quyết định 2836/QĐ-BCT năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
Quyết định 3582/QĐ-BCT năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Công thương ban hành
- Số hiệu: 3582/QĐ-BCT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/06/2013
- Nơi ban hành: Bộ Công thương
- Người ký: Vũ Huy Hoàng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 03/06/2013
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực