Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 358/QĐ-UBND

Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 01 tháng 3 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2011-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 15/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2006-2015, định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 16/TTr-SKHĐT ngày 15 tháng 02 năm 2012 về việc đề nghị phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011-2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011-2020; với những nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN.

1. Quan điểm:

Phát triển nhân lực tỉnh phải đảm bảo tính thời đại, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước giai đoạn 2011-2020, chiến lược và quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011-2020. Trình độ kiến thức, kỹ năng làm việc của nhân lực của tỉnh phải dần đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tiếp cận dần trình độ quốc tế.

Phát triển toàn diện nhân lực, đảm bảo tính hệ thống, tính liên tục theo yêu cầu phát triển nhân lực có chất lượng cao, chú trọng phát triển nhân tài, đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong các ngành lĩnh vực trọng điểm gắn với định hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nhân lực và của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tri thức trong nền kinh tế của tỉnh. Xây dựng nhân lực đủ về số lượng và chất lượng đáp ứng cho sự hình thành và phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo mô hình đô thị cảng trong tương lai.

Phát triển nhân lực phải kết hợp hài hoà giữa đảm bảo công bằng và phúc lợi xã hội với sử dụng cơ chế và những công cụ của nền kinh tế thị trường trong phát triển và sử dụng nhân lực, đặc biệt là phải chuyển nhanh hệ thống đào tạo nhân lực sang hoạt động theo cơ chế đào tạo theo nhu cầu của xã hội và thị trường lao động, nhất là của các ngành trọng điểm.

Phát triển nhân lực là sự nghiệp và là trách nhiệm của toàn xã hội. Đẩy mạnh xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thông tin và thể dục - thể thao để phát triển nhân lực theo trong tăng cường phân cấp cho cơ sở. Tạo hệ thống khuôn khổ pháp lý và chính sách khuyến khích, kích thích phát triển nhân lực, thực hiện các chương trình phổ cập giáo dục bắt buộc, hỗ trợ bồi dưỡng phát triển nhân tài và thực hiện công bằng xã hội trong phát triển nhân lực, hỗ trợ phát triển các nhóm nhân lực đặc thù, nhất là đối với những đối tượng chính sách xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số nhóm dân cư dễ bị tổn thương (người tàn tật, người nghèo...). Mỗi công dân, mỗi tổ chức kinh tế, xã hội có trách nhiệm phát triển nhân lực. Thu hút mạnh doanh nghiệp tham gia phát triển nhân lực.

Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế và thu hút nhân lực trình độ cao, là người nước ngoài và việt kiều để phát triển nhân lực, nhất là trong việc xây dựng các cơ sở đào tạo đạt trình độ quốc tế, đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các nhóm nhân lực trình độ cao trong các ngành trọng điểm sớm đạt được trình độ của các nước tiên tiến.

Quy hoạch hệ thống đào tạo đồng bộ, đáp ứng các điều kiện về: đội ngũ giáo viên, giảng viên, chương trình, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho phát triển nhân lực trên các lĩnh vực có lợi thế theo kịp trình độ trong khu vực và hội nhập quốc tế.

Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong phát triển nhân lực theo quy hoạch; huy động nhiều nguồn lực đầu tư thông qua các cơ chế, chính sách thu hút, liên kết, hợp tác trong và ngoài nước.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát

Mục tiêu tổng quát phát triển nhân lực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020 là đưa nhân lực tỉnh trở thành lợi thế quan trọng nhất để phát triển, hội nhập kinh tế và ổn định xã hội, trình độ và năng lực cạnh tranh của nhân lực của tỉnh tương đương các tỉnh tiên tiến trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Phát triển nhân lực bảo đảm đủ về số lượng, có cơ cấu phù hợp có trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất, nhân cách, năng lực nghề nghiệp, thành thạo về kỹ năng tác phong chuyên nghiệp, năng, động, sáng tạo phục vụ yêu cầu phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một tỉnh công nghiệp, mạnh về kinh tế biển, với hệ thống thuơng cảng quốc gia và quốc tế là một trong những trung tâm công nghiệp dịch vụ du lịch, hải sản của khu vực và của cả nước, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

b) Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2015.

- Đào tạo kỹ năng nghề nghiệp trình độ cao cho:

+ Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: thực hiện theo Quyết định số 2418/QĐ-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức giai đoạn 2011-2015, trong đó đội ngũ tinh hoa (Lãnh đạo, tham mưu, . . . ) khoảng 1.100 người.

+ Đội ngũ doanh nhân và quản trị doanh nghiệp: khoảng 6.700 người.

+ Đội ngũ công nhân kỹ thuật trình độ cao: khoảng 140 nghìn người.

+ Lao động, đạt trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên đạt từ 75 nghìn người trở lên.

- Lao động, đạt trình độ THCN đạt từ 63 nghìn người trở lên.

- Lao động đạt trình độ CNKT đạt từ 303 nghìn người trở lên.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 70% năm 2015.

- Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề đồng bộ theo 3 cấp trình độ (sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề) với cơ cấu ngành nghề đa dạng đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh. Tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư để xây dựng trung tâm dạy nghề cho cả vùng, chất lượng cao tiếp cận trình độ khu vực và thế giới.

- Tăng tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng lên 350 sinh viên 10.000 dân.

- Hàng năm tổ chức bội dưỡng, nâng cao trình độ cho khoảng 25% công chức hành chính các cấp. Đến năm 2015, 100% công chức hành chính các cấp về cơ bản được trang bị kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ và có năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng cao; trang bị kiến thức về văn hoá công sở; trách nhiệm và đạo đức công chức cho công chức các ngạch.

- Xây dựng đội ngũ giáo viên giảng viên đại học và dạy nghề đủ về số lượng và có trình độ cao; chuẩn hóa và trên chuẩn đội ngũ giáo viên phổ thông các cấp.

- Bồi dưỡng, đào tạo bảo đảm có đủ số lượng giám đốc doanh nghiệp và chuyên gia quản trị doanh nghiệp có kiến thức và kỹ năng quản lý, kinh doanh đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đến năm 2020

- Lao động làm việc trong nền kinh tế đạt khoảng 643 nghìn người.

- Đào tạo kỹ năng nghề nghiệp trình độ cao cho:

+ Đội ngũ cán bộ, công chức viên chức: khoảng 2.300 người.

+ Đội ngũ doanh nhân và quản trị doanh nghiệp: khoảng 7.500 người.

+ Đội ngũ công nhân kỹ thuật trình độ cao: khoảng 235 nghìn người.

- Lao động đạt trình độ từ cao đẳng đại học trở lên đạt từ 95 nghìn người trở lên.

- Lao động đạt trình độ THCN đạt từ 109 nghìn người trở lên.

- Lao động đạt trình độ CNKT đạt từ 336 nghìn người trở lên.

- Chất lượng và trình độ giáo dục phổ thông tiếp cận được chất lượng và trình độ của các nước công nghiệp phát triển trên thế giới.

- Sớm hoàn thành cơ bản việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa nhân lực trở thành lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất để phát triển, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội.

- Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng lực lượng lao động lên trên 80%.

- Tăng quy mô đào tạo nghề, đồng thời nâng cao chất lượng dạy nghề, đảm bảo nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong tổng lực lượng lao động đến năm 2020 là 65% (cả nước 55%). Đảm bảo 100% người lao động có nhu cầu đào tạo nghề mới hoặc đào tạo nâng cao được đào tạo lại hoặc bồi dưỡng nâng cao kỹ năng trình độ nghề để tìm kiếm việc làm mới.

- Tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng trên 10.000 dân lên khoảng 420 sinh viên năm 2020.

- Quy hoạch và xây dựng hệ thống các cơ sở đào tạo nhân lực tiên tiến, hiện đại, đa dạng, cơ cấu ngành nghề đồng bộ, đa cấp, năng động, liên thông giữa các cấp và các ngành đào tạo, góp phần hình thành xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

- Chất lượng đào tạo trình độ, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong nước, khu vực và quốc tế... Phổ cập ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) cho những người tốt nghiệp trung học phổ thông. Trình độ ngoại ngữ của thanh niên đáp ứng nhu cầu học tập, giao tiếp và làm việc.

- Xây dựng đội ngũ công chức hành chính nhà nước chuyên nghiệp.

- Xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên đại học và dạy nghề đủ về số lượng, trình độ chuyên môn cao, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp.

- Xây dựng đội ngũ doanh nhân, chuyên gia quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp, có bản lĩnh, thông thạo kinh doanh trong, nước và quốc tế.

II. PHƯƠNG HUỚNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC THỜI KỲ 2011-2020:

1. Phát triển nhân lực theo bậc đào tạo:

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt khoảng 70-74% năm 2015 và tăng lên khoảng 81% vào năm 2020, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề so với tổng cầu lao động đạt tương ứng với các mốc năm là 57% và 64%. Tốc độ tăng trưởng lao động qua đào tạo đạt trung bình khoảng 7,9%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và đạt 5,3%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

- Đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngắn hạn chiếm khoảng 18%, trình độ sơ cấp nghề chiếm khoảng 46%, trình độ trung cấp nghề chiếm khoảng 10%, trình độ cao đẳng nghề chiếm khoảng 3%, trình độ trung cấp chuyên nghiệp chiếm khoảng 5%, trình độ cao đẳng chiếm khoảng 4%, trình độ đại học chiếm khoảng 13,4%, trình độ trên đại học từ 0,6% trở lên.

- Đến năm 2020, lao động qua đào tạo bậc ngắn hạn giảm còn khoảng 16%, bậc sơ cấp nghề chiếm khoảng 46,5%, bậc trung cấp nghề chiếm khoảng 12%, bậc cao đẳng nghề chiếm khoảng 3,5%, bậc trung cấp chuyên nghiệp chiếm khoảng 3,8%, bậc cao đẳng chiếm khoản 3,4% bậc đại học 13,8%, bậc trên đại học chiếm khoảng 1% trở lên so với tổng số lao động qua đào tạo.

2. Phát triển nhân lực theo ngành chủ yếu:

Đến năm 2015, nhu cầu lao động của tỉnh đạt khoảng 550 nghìn người, năm 2020 đạt khoảng 643 nghìn người. Tốc độ tăng thưởng nhu cầu lao động đạt trung bình khoảng 1,85%/năm giai đoạn 2011-2015 và tăng lên khoảng 3,17%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Nhu cầu lao động trong khối ngành dịch vụ tăng khá nhanh lên hơn 258 nghìn người năm 2015 và trên 357 nghìn người năm 2020; khối ngành công nghiệp, xây dựng có xu hướng chững lại đến năm 2015 (134,4 nghìn người) và tăng nhanh trở lại trong giai đoạn 2020 (đạt trên 176 nghìn người); khối ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm khá nhanh và chỉ còn khoảng trên 109 nghìn người vào năm 2020 với tốc độ giảm khoảng 6%/năm trong giai đoạn 2011-2020. Tỷ trọng lao động khối ngành dịch vụ đạt 48,6% vào năm 2015 và 55,6% vào năm 2020; tỷ trọng lao động công nghiệp tương ứng với các mốc thời gian trên là 24,4% và 24,4%. Tỷ trọng lao động trong khối ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm dần và chỉ còn khoảng 17% vào năm 2020.

- Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng:

Đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo của khối ngành công nghiệp, xây dựng của tỉnh chiếm khoảng gần 83% so với tổng số lao động của ngành. Trong đó, lao động qua đào tạo hệ dạy nghề chiếm khoảng 65%, lao động qua đào tạo hệ giáo dục chiếm khoảng 35% so với tổng số lao động qua đào tạo của khối ngành công nghiệp, xây dựng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ngắn hạn chiếm chiếm khoảng 19%; trình độ sơ cấp nghề chiếm khoảng 37,5%; trình độ trung cấp nghề chiếm khoảng 6%; trình độ cao đẳng nghề chiếm khoảng 2,5%; trình độ trung cấp chuyên nghiệp chiếm khoảng 6,5%, trình độ cao đẳng chiếm khoảng 5%, trình độ đại học chiếm khoảng 22,5%, trình độ trên đại học từ 1% trở lên.

Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng khoảng 86% so với tổng số lao động của ngành. Trong đó lao động qua đào tạo hệ dạy nghề chiếm khoảng 66%, lao động qua đào tạo hệ giáo dục chiếm khoảng 34% so với tổng số lao động qua đào tạo của toàn khối ngành. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ngắn hạn chiếm khoảng 14%, trình độ sơ cấp nghề chiếm khoảng 39%, trình độ trung cấp nghề chiếm khoảng 10%, trình độ cao đẳng nghề chiếm khoảng 3%, trình độ trung cấp chuyên nghiệp chiếm khoảng gần 5%, trình độ cao đẳng chiếm khoảng gần 5%, trình độ đại học chiếm khoảng 23,2%, trình độ trên đại học từ 12% trở lên.

- Lĩnh vực dịch vụ:

Đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo của khối ngành dịch vụ của tỉnh chiếm khoảng gần 79% so với tổng số lao động của ngành. Trong đó lao động qua đào tạo hệ dạy nghề chiếm khoảng 78,8%, lao động qua đào tạo hệ giáo dục chiếm khoảng 21,2% so với tổng số lao động qua đào tạo của khối ngàngh dịch vụ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ngắn hạn chiếm khoảng 16,3%, trình độ sơ cấp nghề chiếm khoảng gần 50%, trình độ trung cấp nghề chiếm khoảng 9,4%, trình độ cao đẳng nghề chiếm khoảng 3,3%, trình độ trung cấp chuyên nghiệp chiếm khoảng 5,2%, trình độ cao đẳng chiếm khoảng 3,9%, trình độ đại học chiếm khoảng 11,4%, trình độ trên đại học chiếm ít nhất là 0,6%.

Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng 87% so với tổng số lao động của ngành. Trong đó, lao động qua đào tạo hệ dạy nghề chiếm khoảng 81,7%, lao động qua đào tạo hệ giáo dục chiếm khoảng 18,3% so với tổng số lao động qua đào tạo của toàn khối ngành. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ngắn hạn chiếm khoảng 16,4%, trình độ sơ cấp nghề chiếm khoảng 50,3%, trình độ trung cấp nghề chiếm khoảng 11,6%, trình độ cao đẳng nghề chiếm khoảng 3,4%, trình độ trung cấp chuyên nghiệp chiếm khoảng 3,7%, trình độ cao đẳng chiếm khoảng gần 3%, trình độ đại học chiếm khoảng 10,7%, trình độ trên đại học chiếm ít nhất 1,1%.

- Lĩnh vực nông - lâm – thủy sản:

Đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo của khối ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh chiếm khoảng gần 56% so với tổng số lao động của ngành. Do đặc thù của ngành nên lao động qua đào tạo hệ dạy nghề chiếm chủ yếu với khoảng 88,5% so với tổng số lao động qua đào tạo của ngành, lao động qua đào tạo hệ giáo dục chỉ chiếm khoảng 11,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ngắn hạn chiếm khoảng 21%, trình độ sơ cấp nghề chiếm khoảng 47,5%, trình độ trung cấp nghề chiếm khoảng 17%, trình độ cao đẳng nghề chiếm khoảng 3%, trình độ trung cấp chuyên nghiệp chiếm khoảng 2,5%, trình độ cao đẳng chiếm khoảng 2,8%, trình độ đại học chiếm khoảng 6,2%. Trình độ trên đại học chiếm ít nhất là 0,2%.

Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng khoảng 56,2% so với tổng số lao động của ngành. Trong đó, lao động qua đào tạo hệ dạy nghề chiếm khoảng 89%, lao động qua đào tạo hệ giáo dục chiếm khoảng 11% so với tổng số lao động qua đào tạo của khối ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ngắn hạn chiếm khoảng, 19%, trình độ sơ cấp nghề chiếm khoảng 46%, trình độ trung cấp nghề chiếm khoảng 19%, trình độ cao đẳng nghề chiếm khoảng 5%, trình độ trung cấp chuyên nghiệp chiếm khoảng 2%, trình độ cao đẳng chiếm khoảng 2,7%, trình độ đại học chiếm khoảng 6,3%. Trình độ trên đại học chiếm ít nhất 0,3%.

3. Phát triển nhân lực của một số ngành, lĩnh vực đặc thù:

3.1. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức

Tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo 150 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài giai đoạn 2011-2015; chương trình đào tạo 500 thạc sĩ, tiến sĩ trong nước giai đoạn 2010-2015; khai thác tốt các chương trình đào tạo của trung ương (Đề án 322, 165), kết hợp đào tạo dài hạn tập trung với các loại hình đào tạo khác phù hợp với yêu cầu, ưu tiên đào tạo sau đại học. Bên cạnh việc đào tạo mới, tỉnh sẽ tổ chức các lớp đào tạo lại, các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng thực thi nhiệm vụ, công vụ cho độ ngũ cán bộ công chức. Ưu tiên đầu tư đào tạo đội ngũ lãnh đạo, cán bộ đầu ngành, cán bộ quản lý, đội ngũ tham mưu...

3.2. Nhân lực khu vực sự nghiệp

Về nhân lực cho các cơ sở đào tạo: trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các trường đại học cao đẳng, dạy nghề, phổ thông chất lượng cao… sẽ thu hút khoảng trên 10.000 giáo viên có trình độ chuyên môn. Chuẩn hóa và trên chuẩn 100% đội ngũ giáo viên phổ thông các cấp; phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 25% giáo viên ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và 40% giáo viên ở các trường cao đẳng nghề có trình độ thạc sĩ trở lên; có ít nhất 50% giảng viên cao đẳng có trình độ thạc sĩ, trong đó có ít nhất 10% có trình độ tiến sỹ; có 100% giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có ít nhất 40% là tiến sỹ.

3.3. Nhân lực ngành y tế

Trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng một số bệnh viện như Bệnh viện Bà Rịa 700 giường; Bệnh viện Vũng Tàu 350 giường; Bệnh viện Nhi 100 giường, Bệnh viện phụ sản 100 giường; Bệnh viện Tâm thần 150 giường; Bệnh viện mắt 50 giường; Bệnh viện Lao phổi 100 giường; Bệnh viện Y học cổ truyền 150 giường; Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng 100 giường; Bệnh viện Ung bướu 100 giường. Trung tâm cấp cứu 115 50 giường, Trung tâm Y tế Xuyên Mộc 150 giường, Trung tâm Y tế Tân Thành 120 giường, Trung tâm Y tế Châu Đức 120 giường, Trung tâm Y tế Long Điền 100 giường; Trung tâm Y tế Côn Đảo 50 giường bệnh và một số bệnh viện do các nhà đầu tư tư nhân xây dựng... thu hút khoảng 800 bác sĩ và hơn 4000 y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên... Đến năm 2015 phấn đấu 100% trưởng, phó khoa có trình độ sau đại học. Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh cần xây dựng đội ngũ bác sĩ chuyên khoa sâu và đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm, đủ trang thiết bị và điều kiện làm việc thích hợp với nhiệm vụ đi kèm. Chú trọng đào tạo nhân lực cho hệ dự phòng.

3.4. Nhân lực công nghệ thông tin

Thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế và đào tao công nghệ thông tin, xây dựng tại tỉnh cơ sở đào tạo công nghệ thông tin đạt trình độ tiên tiến, chủ động trong công tác đào tạo xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin phù hợp với yêu cầu phát triển công nghệ thông tin của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mở rộng cộng tác với các đơn vị đào tạo trong và ngoài tỉnh nhằm đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin theo hướng hội nhập và đạt trình độ quốc tế. Thúc đẩy mạnh mẽ tính tích cực chủ động trong đào tạo và tổ chức các thành phần kinh tế và các cá nhân trên địa bàn tham gia đầu tư đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin trên cơ sở đào tạo gắn với nhu cầu sản xuất và với nhu cầu phát triển tổ chức, doanh nghiệp.

3.5. Nhân lực khu vực sản xuất - kinh doanh:

- Đối với lĩnh vực du lịch: với hơn 100 dự án đầu tư đến năm 2015 sẽ thu hút trên 20 nghìn lao động hoạt động trong lĩnh vực này. Khuyến khích thành lập và triển khai hoạt động các tổ chức đào tạo kỹ năng quản trị kinh doanh.

- Đối với lĩnh vực dịch vụ cảng biển, vận tải và logistics: dự kiến đến cuối năm 2015 đưa vào hoạt động mới 9 cảng, nâng tổng số cảnh hoạt động trên địa bàn tỉnh là 30 cảng biển, và phát triển dịch vụ cảng biển, hàng hải, logistics, tạo bước đột phá trong lĩnh vực dịch vụ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, dự kiến có khoảng 12 nghìn lao động hoạt động trong lĩnh vực này. Để chuẩn bị xây dựng tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu trở thành đô thị công nghiệp, cảng biển theo hướng hiện đại đến năm 2020, tỉnh cần chuẩn bị, huấn luyện đội ngũ quản lý có năng lực xây dựng chính sách và biện pháp, tổ chức và quản lý các trung tâm Logistics hiện đại trên địa bàn trong tương lai nhằm phát triển dịch vụ Logistics xứng tầm với vai trò và vị thế của một đô thị cảng.

3.6. Nhân lực cho các khu công nghiệp

Giai đoạn 2011-2015 các khu công nghiệp sẽ thu hút thêm khoảng 7.000 lượt lao động, nâng số lao động làm việc trong các khu công nghiệp đến năm 2015 thêm khoảng 38.000 người, trong đó lao động địa phương khoảng 13 nghìn người, chiếm khoảng 35%. Đến năm 2020, theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, dự kiến các khu công nghiệp trên địa bàn sẽ thu hút khoảng trên 100 nghìn lao động làm việc.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH:

1. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển nhân lực.

- Làm cho mọi người thấy rõ vai trò và trách nhiệm đào tạo và sử dụng nhân lực, biến thách thức về nhân lực thành lợi thế, là nhiệm vụ của toàn xã hội, mang tính xã hội. Đây chính là thể hiện quan điểm phát triển con người, phát triển kinh tế - xã hội vì con người và do con người, là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững.

- Tích cực tuyên truyền phổ biến, cung cấp đầy đủ các thông tin về công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các cơ quan báo, Đài Phát - Thanh truyền hình của tỉnh đưa tin, bài phản ánh một cách đầy đủ về công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhằm giúp cho cán bộ và người dân hiểu nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực.

- Hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý về phát triển nhân lực. Thống nhất về quản lý quy hoạch phát triển nhân lực trên địa bàn. Hình thành một cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, xây dựng hệ thống thông tin về cung - cầu nhân lực trên địa bàn, đảm bảo cân đối cung - cầu nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội.

- Cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các chủ thể tham gia phát triển nhân lực trên địa bàn tỉnh.

- Hình thành ở cấp tỉnh Ban chỉ đạo phát triển nhân lực để giúp Ủy ban nhân dân tổ chức thực hiện, điều chỉnh quy hoạch và xây dựng chính sách, cơ chế đào tạo nhân lực.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách và công cụ khuyến khích và thúc đẩy phát triển nhân lực.

3. Giải pháp về đào tạo và bồi dưỡng nhân lực

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục, đào tạo và pháp luật về phát triển nhân lực. Phát triển hệ thông thông tin thị trường lao động làm tốt công tác tư vấn về chính sách, pháp luật lao động, dạy nghề, đi xuất khẩu lao động đối với người lao động; tư vấn về định hướng học nghề, giới thiệu việc làm sau đào tạo cho người lao động. Cập nhật đầy đủ các thông tin nhu cầu thị trường lao động đến người lao động để lựa chọn đăng ký làm việc. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ hiểu biết về pháp luật, về hội nhập kinh tế cho người lao động.

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học phổ thông. Củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục; thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục. Củng cố và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, thiết bị giáo dục; phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin nhằm phục vụ đổi mới phương pháp dạy học và quản lý trường học. Thực hiện đạt chỉ tiêu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch của từng giai đoạn đặt ra.

Cải thiện chất lượng giáo dục và mở rộng đào tạo nghề sau trung học. Xây dựng hệ thống các trường chuyên nghiệp có tính cạnh tranh và tính thực nghiệm cao. Đổi mới và phát triển dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa toàn diện, đồng bộ, trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm tiên tiến của các nước phù hợp với thực tiễn Việt Nam, tạo bước đột phá về chất lượng dạy nghề; lựa chọn những nghề mũi nhọn, trọng điểm để ưu tiên đầu tư phát triển. Chú trọng đào tạo nghề cho nông dân để phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành về phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Các ngành, các cấp xây dựng đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, người lao động giai đoạn 2011-2015 và định hướng công tác đào tạo đến năm 2020 đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tăng cường kiểm tra, đánh giá trách nhiệm cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị về công tác tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Các cơ sở đào tạo, các đơn vị được giao chỉ tiêu đào tạo, hàng năm phải đánh giá chất lượng, đào tạo, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi đào tạo. Thường xuyên tổ chức sơ kết và tổng kết đánh giá kết quả việc thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cấp, các ngành và các cơ sở dạy nghề.

4. Giải pháp về huy động nguồn lực.

* Giải pháp huy động vốn đầu tư để phát triển nhân lực

Dự kiến tổng vốn đầu tư cho phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 là 28.355 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 là 14.866 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 13.489 tỷ đồng. Trong đó:

- Vốn đào tạo nhân lực giai đoạn 2011-2020 khoảng 13.172 tỷ đồng (giai đoạn 2011- 2015 khoảng 6.764 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 6.408 tỷ đồng).

- Vốn đầu tư cho các cơ sở đào tạo giai đoạn 2011-2020 khoảng 15.183 tỷ đồng, trong đó:

+ Giai đoạn 2011-2015 khoảng 8.101 tỷ đồng, trong đó: ngân sách nhà nước đầu tư khoảng 4.636 tỷ đồng.

+ Giai đoạn 2016-2020 khoảng 7.081 tỷ đồng, trong đó: ngân sách nhà nước đầu tư khoảng 3.616 tỷ đồng.

* Chính sách tài chính và sử dụng ngân sách cho phát triển nhân lực

Dành một nguồn lực thích đáng để đầu tư tập trung vào một số khâu, lĩnh vực giáo dục đào tạo cần thiết. Tăng cường ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển nhân lực, đi đôi với tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển mạng lưới giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh, thông qua việc thu hiện tốt các chính sách khuyến khách xã hội hôi, ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai... Tăng đầu tư phát triển cả về giá trị tuyệt đối và tỷ trọng trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội để hiện đại hệ thống đào tạo nhân lực của tỉnh. Xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng tập trung chi để thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, hỗ trợ bồi dưỡng nhân tài, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao, đặc biệt chú trọng những ngành cung ứng nhân lực cho phát triển đô thị cảng trong tương lai.

5. Giải pháp về việc làm, thị trường lao động, điều kiện làm việc và hoàn thiện hệ thống chính sách và công cụ khuyến khích và thúc đẩy phát triển nhân lực.

* Chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chính sách đầu tư:

Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, trong đó xác định rõ cơ cấu ngành, nghề, tỷ trọng, trong các lĩnh vực, cấp bậc đào tạo đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Xây dựng và mở rộng các cơ sở đào tạo phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tế, đáp ứng về nguồn nhân lực của tỉnh.

Thực hiện tốt công tác dự báo nguồn nhân lực, có kế hoạch khảo sát, đánh giá thực trạng và nhu cầu nhân lực ở địa phương, đơn vị, để tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh trong vùng và các cơ sở đào tạo khác trong cả nước và nước ngoài.

* Chính sách việc làm, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, thất nghiệp

Gắn công tác dạy nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, xác định đào tạo theo địa chỉ, nhu cầu sử dụng lao động. Có chính sách thoả đáng về tiền lương, nhà ở nhằm thu hút cán bộ kinh tế, khoa học kỹ thuật, các chuyên gia giỏi, công nhân lành nghề, các nghệ nhân về công tác lâu dài và các chính sách đi kèm.

Tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện Luật Lao động. Tập trung giải quyết vấn đề về nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích người lao động được tham gia học tập, có chính sách khuyến khích tài năng trẻ nghiên cứu sáng tạo và ứng dụng những thành quả công nghệ mới.

Nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ về đào tạo lại và dạy nghề mới cho nhóm người thất nghiệp có nhu cầu tìm việc làm. Thực hiện tốt chính sách về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động làm việc trên địa bàn tỉnh.

* Chính sách huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển nhân lực

Mở rộng hợp tác với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài tỉnh để đào tạo lao động kỹ thuật lành nghề. Khuyến khích các doanh nghiệp góp vốn và trang bị phương tiện để nâng cao chất lượng đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại doanh nghiệp.

Đẩy mạnh công tác xã hội hoá về giáo dục, đào tạo nghề nhằm huy động mọi nguồn lực trong, xã hội để phát triển giáo dục, đào tạo nghề đa dạng hóa các loại hình đào tạo.

Khuyến khích các doanh nghiệp tự bỏ kinh phí đào tạo nâng cao trình độ lực lượng lao động của mình. Triển khai xây dựng Trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao tại tỉnh. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở bậc cao đẳng, đại học và sau đại học.

Đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội. Hoàn thiện và bổ sung chính sách, cơ chế quản lý công tác đào tạo nguồn nhân lực, theo hướng khuyến khích, rộng mở; tạo môi trường hoạt động bình đẳng thực sự giữa các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp đào tạo......

* Chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài

Có chính sách thoả đáng về tiền lương, nhà ở nhằm thu hút cán bộ kinh tế, khoa học kỹ thuật, các chuyên gia giỏi, công nhân lành nghề, các nghệ nhân về tỉnh xây dựng và phát triển kinh tế. Tạo điều kiện thuận lợi để tiếp nhận các nhà quản lý giỏi, các chuyên gia khoa học, công nhân có tay nghề đến lao động tại tỉnh. Các ngành nghề cần ưu tiên tiếp nhận lao động ngoài tỉnh là: công nghiệp dầu khí, công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao, cảng biển...

Điều chỉnh cơ chế chính sách thu hút các bác sĩ, dược sĩ đại học và cán bộ hoạt động trong lĩnh vực y - dược có trình độ sau đại học về công tác tại tỉnh.

Nâng cao định mức hỗ trợ đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, xây dựng chính sách, cơ chế đủ mạnh để khuyến khích giáo viên, giảng viên các trường chuyên nghiệp đi học thạc sỹ, tiến sĩ, chuyên khoa. Duy trì chính sách gửi học sinh giỏi, cán bộ có năng lực đào tạo chuyên sâu cho tương lai ở các trường có nền khoa học - công nghệ tiên tiến.

* Chính sách tạo nguồn đối với lực lượng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh

Tiến hành điều tra, khảo sát và xác định cụ thể những vị trí, chức danh cần thu hút những người có năng lực và trình độ cao trong thời gian tới ở từng lĩnh vực ngành nghề trong các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị của tỉnh. Đối với đối tượng tạo nguồn hiện đang là cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh: phát hiện, lựa chọn những cán bộ công chức, viên chức trẻ có phẩm chất và năng lực để triển khai các giải pháp điều động, chuyển đổi các vị trí công tác để đào tạo, bồi dưỡng thực tiễn, bồi dưỡng trau dồi kinh nghiệm và cử đi học nâng cao trình độ, chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ.... tạo nguồn cán bộ lâu dài cho tỉnh. Có chính sách chế độ tương xứng khi chuyên đổi vị trí công tác và trong đào tạo bồi dưỡng đối với đối tượng này.

* Chính sách phát triển thị trường lao động và hệ thống công cụ, thông tin thị trường lao động.

- Tăng cường công nghệ thông tin trong giáo dục. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Trung tâm giới thiệu việc làm; tổ chức sàn giao dịch việc làm. Các Trung tâm giới thiệu việc làm cần nắm bắt nhu cầu ở các thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động, nhằm giới thiệu tạo cơ hội tìm việc làm cho người lao động.

- Cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động có kỹ thuật, thợ lành nghề. Các cơ quan quản lý các khối ngành như: nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, du lịch... cần theo dõi nguồn nhân lực được đào tạo hàng năm, nơi đào tạo và tình hình sử dụng nhân lực để từ đó kịp thời có kế hoạch điều chỉnh cho hợp lý.

6. Mở rộng, tăng cường sự phối hợp và hợp tác để phát triển nhân lực.

Mở rộng và tăng cường hợp tác với các tỉnh trong vùng, với các trung tâm đào tạo lớn như thành phố Hồ Chí Minh để phát triển nhanh lực lượng nhân lực, đặc biệt những nhóm nhân lực đặc thù, yêu cầu trình độ và chất lượng cao mà tỉnh chưa tự đào tạo được. Thúc đẩy hợp tác đào tạo sinh viên, học viên học nghề, đặc biệt là một số lĩnh vực mũi nhọn như công nghiệp phụ trợ, cảng biển logistic, du lịch… Lựa chọn những sinh viên, học viên ưu tú, xuất sắc gửi đi đào tạo tại trong và ngoài nước.

7. Các chương trình, dự án ưu tiên:

- Chương trình đào tạo nhân lực trình độ cao, chương trình đào tạo 150 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài; chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sĩ trong nước.

- Đề án phát triển nguồn nhân lực cán bộ trẻ, cán bộ nữ.

- Đề án đào tạo đại học ở trong nước và ngoài nước bằng nguồn ngân sách nhà nước dành cho học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Đề án đào tạo nguồn cán bộ, công chức từ học sinh phổ thông).

- Chương trình phát triển nhân lực các nhóm ngành mũi nhọn, đặc biệt là nhân lực phục vụ phát triển dầu khí, du lịch, khu công nghiệp, cảng biển và dịch vụ cảng.

- Chương trình trợ giúp đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Chương trình đào tạo về phát triển lực lượng công nhân kỹ thuật giai đoạn 2009-2015, định hướng 2020.

- Chương trình chuyển đổi lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

- Chương trình, dự án phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nhân lực.

- Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011-2015.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Trên cơ sở quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 của tỉnh được duyệt, tổ chức công bố, phổ biến quy hoạch đến các sở, ban, ngành và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Căn cứ đề án quy hoạch phát triển nhân lực được phê duyệt, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch hằng năm đào tạo nguồn nhân lực, theo dõi, đánh giá hiệu quả của công tác phát triển nguồn nhân lực; đề xuất kế hoạch đầu tư các cơ sở đào tạo, dạy nghề có sử dụng nguồn vốn ngân sách trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch được duyệt.

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan đề xuất chính sách thu hút nguồn nhân lực và hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo, dạy nghề ngoài công lập.

- Xúc tiến các dự án đầu tư vào lĩnh vực phát triển nhân lực; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành kêu gọi đầu tư từ nguồn viện trợ ODA, FDI của các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Sở Lao động - Thương sinh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng các kế hoạch, đề án, chương trình để triển khai cụ thể hóa quy hoạch thuộc những lĩnh vực ngành phụ trách cho từng giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện.

- Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở dạy nghề triển khai quy hoạch và xây dựng kế hoạch phát triển của các đơn vị từ nay đến năm 2020.

- Chủ động lập kế hoạch sử dụng đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật và phát triển nhân lực phục vụ công tác đào tạo nghề theo quy hoạch chuyên môn); phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề để thống nhất xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn, làm đầu mối liên hệ với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, hợp tác quốc tế đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Tổ chức có hiệu quả các sàn giao dịch và hội chợ việc làm nhằm tạo cơ hội tiếp xúc giữa người lao động và người sử dụng lao động.

3. Sở Nội vụ: Tập hợp nhu cầu về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức - viên chức hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Chủ trì, phối hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách nhằm phát triển về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chính sách, cơ chế tuyển dụng thu hút các cá nhân, tổ chức đào tạo nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước về hoạt động tại địa phương.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo mục tiêu đã đề ra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đào tạo cán bộ công chức, viên chức; xây dựng kế hoạch, quy hoạch đào tạo cán bộ hàng năm và cả giai đoạn 2011-2020.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, đề án, chương trình cụ thể hóa quy hoạch của ngành cho từng giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.

- Xây dựng kế hoạch đào tạo đối với những lĩnh vực, ngành học, cấp học còn thiếu giáo viên và nâng chuẩn đội ngũ giáo viên hiện có tại các trường phổ thông mầm non và các trường trường trung học chuyên nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

5. Sở Tài nguyên - Môi trường

Chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương sinh và Xã hội, Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố rà soát, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương đảm bảo đủ quỹ đất phát triển các cơ sở đào tạo, dạy nghề.

6. Ban Quản lý các khu công nghiệp:

Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, chủ trì khảo sát, dự báo nhu cầu phát triển và đào tạo, nguồn nhân lực 5 năm và hằng năm của các doanh nghiệp trong địa bàn thuộc Ban Quản lý khu công nghiệp quản lý.

7. Các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh: Căn cứ vào quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh, xây dựng kế hoạch phát triển của đơn vị từ nay đến năm 2020. Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, nhằm hướng đến đào tạo được lực lượng nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dựng của tỉnh.

8. Sở Tài chính:

- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch đào tạo và phát triển nhân lực hàng năm.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương sinh và Xã hội, Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kế hoạch vốn chi sự nghiệp đào tạo và vốn đầu tư phát triển nhân lực theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.

- Chủ trì, phối hợp các ngành liên quan xây dựng chế độ chính sách đào tạo, chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố:

- Các địa phương căn cứ vào định hướng quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh để xây dựng thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong kế hoạch 5 năm, hàng năm của địa phương mình để triển khai thực hiện theo kế hoạch.

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các cơ sở đào tạo, dạy nghề trên địa bàn phù hợp quy định pháp luật.

- Tham gia phối hợp thực hiện các chương trình, đề án đào tạo, dạy nghề cho các đối tượng đặc thù (người nghèo, người dân bị thu hồi đất để giải phóng mặt bằng).

10. Các sở, ban, ngành liên quan khác:

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 tiến hành xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực, kế hoạch phát triển nhân lực 5 năm giai đoạn 2011-2015 và hàng năm của ngành; xây dựng các chương trình, dự án, đề án cụ thể, đưa vào triển khai thực hiện, đảm bảo thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu quy hoạch đã được duyệt và tiến độ phải thực hiện trong từng giai đoạn.

11. Các cơ quan, báo, đài và các tổ chức chính trị xã hội:

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng đến đông đảo quần chúng nhân dân về quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh đến năm 2020. Thường xuyên phản ánh các tin, bài về công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Minh Sanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 358/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011-2020

  • Số hiệu: 358/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/03/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Trần Minh Sanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản