Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3533/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 20 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÂN VÙNG CHỨC NĂNG VÙNG BỜ TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13;

Căn cứ Luật Biển Việt Nam số 18/2012/QH13;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13;

Căn cứ Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006;

Căn cứ Quyết định số 2295/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 37/2014/QĐ-UBND ngày 16/9/2014 của UBND tỉnh ban hành quy định về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo số 523/BC-SKH-KTN ngày 19/12/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Phân vùng chức năng vùng bờ tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch) với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển:

- Phù hợp với chính sách, luật pháp của Đảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Trị liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, các ngành kinh tế vùng bờ, không gian biển;

- Việc phân vùng chức năng sử dụng được thực hiện dựa trên sự phân bố tài nguyên, giá trị tự nhiên, tiềm năng phát triển, hiện trạng và nhu cầu khai thác sử dụng vùng bờ;

- Việc phân vùng phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương và phát triển kinh tế các ngành nhằm bảo tồn, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm môi trường, đảm bảo sinh kế cộng đồng và đảm bảo phát triển bền vững.

2. Phạm vi quy hoạch:

- Phần đất liền: Bao gồm các xã, thị trấn có biển thuộc 4 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong và huyện đảo Cồn Cỏ.

- Phần biển: Vùng biển ven bờ có ranh giới trong phạm vi 6 hải lý trở vào và vùng biển quanh đảo Cồn Cỏ với phạm vi 6 hải lý xung quanh đảo.

3. Mục tiêu phát triển:

- Mục tiêu tổng quát: Lập phân vùng chức năng vùng bờ tỉnh Quảng Trị làm cơ sở giúp cho các nhà quản lý hoạch định chính sách và thiết lập phương án khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý các tài nguyên và không gian vùng bờ; giảm thiểu xung đột lợi ích giữa các ngành kinh tế, hỗ trợ sử dụng bền vững, an toàn, hiệu quả vùng bờ; bảo vệ, duy trì và phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển, nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.

- Mục tiêu cụ thể:

+ Đánh giá đầy đủ các nguồn lực về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và thực trạng khai thác, sử dụng vùng bờ tỉnh Quảng Trị;

+ Lập phương án phân vùng chức năng khai thác, sử dụng hiệu quả (hợp lý, bền vững) tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

+ Xây dựng hệ thống các quy định sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ và các hoạt động ưu tiên cho từng thời kỳ;

+ Đề xuất các giải pháp, chính sách thực hiện phân vùng đối với địa phương.

4. Nội dung của quy hoạch:

- Bổ cục Quy hoạch Phân vùng chức năng vùng bờ tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 gồm 5 chương như sau:

+ Chương 1: Mở đầu: tính cấp thiết của dự án, cơ sở pháp lý của quy hoạch, phạm vi thực hiện quy hoạch, nội dung thực hiện quy hoạch.

+ Chương 2: Tổng quan về vùng bờ tỉnh Quảng Trị: phân tích đặc điểm, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên vùng bờ Quảng Trị; phân tích hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên; phân tích môi trường vùng bờ Quảng Trị.

+ Chương 3: Phân vùng chức năng vùng bờ Quảng Trị: quan điểm phân vùng, cách tiếp cận và phương pháp phân vùng chức năng, cơ sở phân vùng chức năng, nguyên tắc và tiêu chí phân vùng, phân vùng chức năng vùng bờ Quảng Trị.

+ Chương 4: Kế hoạch thực hiện phân vùng chức năng vùng bờ Quảng Trị: mục tiêu, phạm vi và nội dung kế hoạch thực hiện.

+ Chương 5: Tổ chức thực hiện: cơ cấu tổ chức, quản lý, triển khai kế hoạch; các giải pháp thực hiện; đánh giá, báo cáo việc thực hiện kế hoạch phân vùng; kinh phí thực hiện kế hoạch phân vùng.

- Quy hoạch phân vùng chức năng vùng bờ tỉnh Quảng Trị thành các vùng chính như sau:

+ Vùng bảo tồn: toàn bộ diện tích huyện đảo Cồn Cỏ và khu vực biển xung quanh đảo.

+ Vùng bảo vệ và phát triển lâm nghiệp: diện tích rừng được quy hoạch ở các xã: Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh), Trung Giang, Gio Hải (huyện Gio Linh), Triệu An (huyện Triệu Phong), Hải Khê (huyện Hải Lăng);

+ Vùng phát triển dịch vụ - du lịch: vùng ven biển Vĩnh Thái - Vĩnh Kim; Vĩnh Thạch - Cửa Tùng; Trung Giang - Gio Hải - Cửa Việt; Triệu An - Triệu Vân - Triệu Lãng.

+ Vùng phát triển cảng và giao thông, vận tải biển: vùng cảng biển Cửa Việt và Mỹ Thủy.

+ Vùng phát triển công nghiệp: vùng thuộc Khu kinh tế Đông Nam, cụm công nghiệp Nam Cửa Việt, cụm công nghiệp Cửa Tùng, cụm công nghiệp Đông Gio Linh.

+ Vùng phát triển nông nghiệp: gồm các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh),

+ Vùng phát triển nuôi trồng thủy sản: các vùng cửa sông Thạch Hãn, sông Bến Hải và các vùng đất trũng các xã: Trung Giang (huyện Gio Linh), Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lãng (huyện Hải Lăng).

+ Vùng phát triển đa mục tiêu: thị trấn Cửa Tùng và thị trấn Cửa Việt.

+ Vùng khai thác thủy sản ven bờ: vùng nước ven bờ của tỉnh Quảng Trị trong phạm vi tuyến bờ (Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010), ngoại trừ các vùng nước thuộc phạm vi các vùng hoạt động cảng, du lịch và bảo tồn biển Cồn Cỏ.

+ Vùng khai thác thủy sản xa bờ: là vùng biển tỉnh Quảng Trị có phạm vi bên ngoài vùng khai thác thủy sản ven bờ (tuyến bờ Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010) và vùng bảo tồn biển Cồn Cỏ.

5. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư: theo biểu đính kèm.

6. Các giải pháp thực hiện quy hoạch:

6.1. Giải pháp về kinh tế

- Rà soát và điều chỉnh việc phân bổ ngân sách của tỉnh cho việc quản lý tài nguyên và môi trường;

- Xây dựng và thực hiện chính sách về thuế và phạt liên quan đến việc sử dụng không gian và tài nguyên vùng bờ;

- Vận động các nguồn vốn ODA và của các tổ chức phi chính phủ, cho việc triển khai phân vùng, cũng như cho quản lý tổng hợp vùng bờ tại tỉnh Quảng Trị.

- Tuyên truyền giữa các cấp, các ngành để vận động nhân dân vùng bờ chấp hành chủ trương thu hồi đất, hiểu rõ quy định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa cụ thể và kịp thời.

- Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, chuyển đổi nghề của người dân bị thu hồi đất, mặt nước.

- Vận dụng tối đa chế độ, chính sách trong bồi thường, giải phóng mặt bằng để đảm bảo quyền lợi của người vùng biển bị thu hồi đất.

- Nhanh chóng đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ cho nuôi trồng thủy sản công nghiệp/cụm công nghiệp. Đầu tư các cơ sở sản xuất giống tốt, sạch bệnh đáp ứng đủ cho nhu cầu nuôi trồng vùng ven biển của tỉnh. Phát triển và hiện đại hóa các trang trại sản xuất ngành thủy sản ven biển.

6.2. Giải pháp về luật pháp, cơ chế, chính sách

- Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về phân vùng với việc kiện toàn bộ máy của các sở ban ngành liên quan để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với mọi hoạt động, quan trọng nhất là các hoạt động về du lịch, nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy nội địa, công nghiệp và bảo tồn.

- Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, hoàn thiện và nâng cao hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước về các ngành trong việc quản lý về phân vùng và kiểm soát việc thực hiện quy hoạch phân vùng. Bám vào các mục tiêu phân vùng đã được duyệt và tiến độ để bố trí huy động nguồn lực để thực hiện cho từng thời kỳ.

- Trên cơ sở các định hướng và giải pháp phát triển KTXH nói chung, tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung phân vùng phát triển ngành và lĩnh vực liên quan trên địa bàn theo hướng có sự liên kết, phối hợp liên ngành, liên vùng; xác định các trọng điểm, bước đi phát triển trong từng thời kỳ.

- Giám sát việc thực hiện đầu tư, phát triển theo phân vùng được phê duyệt. Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch của từng thời kỳ, điều chỉnh và bổ sung lại mục tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế.

- Để kiểm soát tình trạng thực hiện phân vùng không theo đúng như phương án đã đề ra, chúng ta cần sử dụng những chính sách xử phạt, ràng buộc kết hợp với giáo dục để đem lại hiệu quả tốt nhất. Trước hết, cần cử cán bộ có chuyên môn hướng dẫn cách thức phân vùng và những quy định riêng cho từng ngành liên quan. Các quy định này được thông tin rộng khắp đến mỗi người dân. Tiếp đó giáo dục và xử phạt những cơ quan chủ quản các công trình và các hộ gia đình cố tình vi phạm các quy định.

- Thành lập Ban chỉ đạo Quy hoạch phân vùng bao gồm các thành phần các bên liên quan như UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND huyện ven biển, một số chuyên gia, ...Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực.

6.3. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, hội nghị, các chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn nhằm nâng cao kiến thức về phân vùng và giúp các bên liên quan hiểu rõ ý nghĩa của phân vùng.

- Đối với từng ngành, cần tiến hành điều tra khảo sát, trên cơ sở kết quả điều tra sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn cụ thể để đáp ứng với nhu cầu của từng ngành đối với công tác phân vùng.

- Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm thông qua các chuyến công tác, khảo sát và tham gia hội nghị, hội thảo khoa học ở các nước hoặc các khu vực đạt được hiệu quả từ công tác phân vùng.

- Nghiên cứu áp dụng các cơ chế ưu tiên, đãi ngộ đặc biệt, bù đắp xứng đáng đối với các cán bộ thường xuyên hoặc phần lớn thời gian phải hoạt động trên biển, ngoài đảo; tăng cường năng lực các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực về tài nguyên và môi trường biển, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ điều tra, nghiên cứu, quy hoạch, quản lý tổng hợp và thống nhất về biển...

6.4. Giải pháp về khoa học công nghệ

Tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ quản lý phân vùng, cập nhật những sự khác biệt và thay đổi của các khu vực phân vùng bằng công nghệ hiện đại. Các phần mềm công nghệ ứng dụng về quản lý thông tin địa lý như MapInfo, Arcgis,... cần được ứng dụng để dễ dàng hơn trong việc cập nhật và phổ biến thông tin.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong việc phát triển và phổ biến thông tin đến các cơ quan chức năng khác và người dân để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận được thông tin về phân vùng và quản lý tổng hợp. Đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan, tổ chức khoa học trong và ngoài nước, khuyến khích các cơ quan ban ngành và các đơn vị liên quan ứng dụng khoa học công nghệ vào việc phân vùng và quản lý phân vùng.

Hướng dẫn và tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư tiếp cận và phản hồi thông tin về những thay đổi trong phân vùng cho cơ quan chức năng để cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra và xử lý các vi phạm so với kế hoạch phân vùng đã định sẵn.

6.5. Giải pháp về hợp tác với các vùng lân cận trong và ngoài tỉnh

- Phối hợp quản lý để thực hiện phân vùng theo kế hoạch;

- Lồng ghép các quy hoạch, dự án chuyên ngành có liên quan như quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị, bảo tồn và phát triển văn hóa, trồng rừng, xóa đói giảm nghèo,v.v... để tháo gỡ những chồng chéo, điều hòa giữa các ngành nhưng vẫn đảm bảo phân vùng theo đúng dự kiến đề án đã đề ra;

- Tích cực ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý phân vùng.

- UBND tỉnh chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý giữa các ban ngành;

- Tổ chức các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tổng hợp vùng bờ biển giữa các bên cũng như việc triển khai thực hiện luật pháp, các công ước giữa các bên có liên quan; giải quyết những vấn đề khúc mắc trong tỉnh để cùng hợp tác dài lâu;

- Cùng nhau hợp tác thực hiện các dự án, đề án, đề tài có nguồn vốn chung giữa các tỉnh được hỗ trợ bởi các cơ quan cấp trên, các tổ chức phi chính phủ,...

6.6. Giải pháp tuyên truyền

- Thực hiện tuyên truyền: Đối với cán bộ quản lý các cấp tổ chức lớp tập huấn chuyên môn, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng tuyên truyền,....; Đối với cộng đồng dân cư: Triển khai các chương trình tuyên truyền sâu rộng như: báo đọc, báo nói và báo hình, mạng internet, phát tờ rơi, tờ bướm... cùng với đội ngũ tuyên truyền viên nhiệt tình, năng nổ để thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng một cách hiệu quả nhất.

- Huy động người dân tham gia bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường, phòng chống suy thoái, ô nhiễm môi trường và khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên;

- Tăng cường hơn nữa sự phối hợp của các tổ chức như: Hội nghề cá, tổ đội nghề cá, doanh nghiệp, trường học, hội cựu chiến binh...

Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

1. Sở Tài nguyên và Môi trường: Cơ quan thường trực, là đầu mối liên kết giữa các sở, ban, ngành trên địa bàn, giúp UBND tỉnh thực hiện kế hoạch phân vùng chức năng vùng bờ tỉnh Quảng Trị. Chỉ đạo Chi cục Biển, Hải đảo và Khí tượng thủy văn thực hiện Quy hoạch.

- Tổ chức hướng dẫn, phổ biến các chính sách của Trung ương liên quan đến phân vùng, tham mưu cho các bên liên quan trong việc xây dựng các chính sách, quy định, quy hoạch, kế hoạch về phân vùng tại địa phương;

- Lập các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn để triển khai Quy hoạch.

- Tổ chức hoạt động đào tạo nhằm tăng cường năng lực quản lý của cán bộ;

- Tham mưu UBND tỉnh trong việc hợp tác với các địa phương ven biển trong thực hiện phân vùng.

- Tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện quản lý Nhà nước về phân vùng theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch Phân vùng chức năng vùng bờ tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 cho cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh được biết ngay sau khi quy hoạch được phê duyệt; tiến hành xây dựng chương trình hành động cụ thể để từng bước thực hiện quy hoạch.

2. Chi cục Biển, Hải đảo và Khí tượng thủy văn:

- Điều phối các hoạt động liên quan đến vùng bờ và liên kết với các chương trình dự án, hoạt động liên quan khác;

- Giám sát công tác thực hiện của các ban ngành và thông qua các kết quả các hoạt động cụ thể của các ngành liên quan đến vùng bờ;

- Điều phối, huy động sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cần thiết cho công tác thực hiện kế hoạch phân vùng;

- Tham mưu Sở Tài nguyên và Môi trường kế hoạch tổ chức thực hiện Quy hoạch;

3. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện ven biển, đảo và các đơn vị, tổ chức liên quan: căn cứ các nhiệm vụ trong Quy hoạch phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và PTNT; Chi cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Khí tượng thủy văn; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, huyện đảo Cồn Cỏ; Chủ tịch UBND các xã thị trấn có biển và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- CT, các PCT;
- Lưu: VT, MT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chính

 

CÁC NHIỆM VỤ ƯU TIÊN TRONG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN PHÂN VÙNG CHỨC NĂNG VÙNG BỜ TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2018 - 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

(Kèm theo Quyết định số 3533/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12/2017 của UBND tỉnh Quảng Trị)

TT

Tên nhiệm vụ, nhóm nhiệm vụ

Mục tiêu

Cơ quan chủ trì và phối hợp thực hiện

Ước tính kinh phí

Nguồn vốn

Thời gian thực hiện

I

Nhóm bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững vùng bờ

12.695,6

 

 

1

Điều tra, đánh giá hiện trạng các hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cỏ biển vùng ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ làm cơ sở quy hoạch bảo vệ, phục hồi và sử dụng bền vững.

Đánh giá được hệ sinh thái san hô, cỏ biển vùng biển ven bờ và huyện đảo Cồn Cỏ; Đánh giá được sự phân bố của hệ sinh thái san hô, cỏ biển và xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng phân bố hệ sinh thái, san hô cỏ biển. Từ đó, đề xuất các giải pháp phục hồi, bảo vệ và phát triển bền vững.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Đơn vị phối hợp: Các Sở ban, ngành và các huyện ven biển.

2

Vốn sự nghiệp môi trường

2018-2025

2

Lồng ghép kết quả phân vùng chức năng vùng bờ trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch các ngành của tỉnh Quảng Trị.

Có được quy hoạch phát triển các ngành phù hợp, hài hòa giữa các ngành và đáp ứng nhu cầu bảo vệ giá trị sinh thái, môi trường biển, phù hợp với kết quả phân vùng chức năng vùng bờ tỉnh Quảng Trị.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Đơn vị phối hợp: Các Sở ban, ngành và các huyện ven biển.

2,5

Vốn sự nghiệp môi trường

2018-2025

3

Đánh giá hiện trạng khả năng thích ứng với rủi ro thiên tai và sự cố môi trường của cộng đồng ven biển tỉnh Quảng Trị, đề xuất mô hình thích ứng dựa vào cộng đồng.

Đánh giá được khả năng thích ứng của cộng đồng ven biển tỉnh Quảng Trị với rủi ro thiên tai và sự cố môi trường và xây dựng được mô hình quản lý tổng hợp tài nguyên dựa vào cộng đồng.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Đơn vị phối hợp: Các Sở ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố.

3

Vốn sự nghiệp môi trường

2019-2025

4

Xây dựng cảng biển Mỹ Thủy

Xây dựng cảng biển nước sâu đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của khu vực và các nước trên hành lang kinh tế Đông-Tây, năng lực thông qua cảng GĐ đến 2020: 13-17 triệu tấn/năm, sau năm 2020: 35 triệu tấn/năm.

- Cơ quan thực hiện: Các nhà đầu tư;

- Cơ quan phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Hải Lăng.

11.800

Vốn doanh nghiệp

GĐ 2016 - 2020: 11.800 tỷ đồng; GĐ sau 2020: 19.600 tỷ

5

Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 9, đoạn từ quốc lộ 1A đi Cảng Cửa Việt

Nâng cấp mở rộng tuyến đường nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, du lịch, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giảm thiểu tai nạn giao thông.

- Cơ quan thực hiện: Sở Giao thông vận tải.

- Cơ quan phối hợp: Sở KHĐT, UBND các huyện Cam Lộ, Gio Linh.

187

Ngân sách Trung ương

2018-2025

6

Quy hoạch mở rộng cảng Cửa Việt về phía bờ Nam.

Tăng năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Cửa Việt đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường biển ngày càng tăng của tỉnh và khu vực, cũng như của Lào

- Cơ quan thực hiện: Sở GTVT

- Cơ quan phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Triệu Phong.

1,1

Ngân sách địa phương

2018-2025

7

Đường ven biển đoạn Cửa Việt - Hải Khê

Nối liền hệ thống đường ven biển của quốc gia với hệ thống giao thông của Hành lang kinh tế Đông - Tây; hoàn thiện mạng lưới đường bộ theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh và quốc gia.

- Cơ quan thực hiện: Sở Giao thông vận tải.

- Cơ quan phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện Triệu Phong, Hải Lăng.

700

Vốn Trái phiếu Chính phủ

2018-2020

II

Nhóm nhiệm vụ tăng cường năng lực quản lý và nhận thức cộng đồng về giá trị tài nguyên, môi trường vùng bờ

2,2

 

 

1

Xây dựng và triển khai chương trình tập huấn cho cán bộ quản lý các cấp, các ngành về giá trị tài nguyên, môi trường vùng bờ và khai thác, sử dụng theo hướng phát triển bền vững.

Tăng cường nhận thức, kiến thức cho những người làm công tác quản lý và sử dụng biển về tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững biển hỗ trợ việc xây dựng và thực hiện quy hoạch biển.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Đơn vị phối hợp: Các Sở ban, ngành và các huyện ven biển.

1,2

Sự nghiệp môi trường

2019-2025

2

Xây dựng và triển khai chương trình truyền thông về khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển tỉnh Quảng Trị.

Tăng cường nhận thức, kiến thức của cộng đồng về tài nguyên và môi trường vùng bờ và khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng trong quá trình khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển tỉnh Quảng Trị.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Đơn vị phối hợp: Các Sở ban, ngành và các huyện ven biển.

1

Sự nghiệp môi trường

Hàng năm

III

Nhóm nhiệm vụ tăng cường thể chế, chính sách

2,4

 

 

1

Rà soát, chỉnh lý, bổ sung, soạn thảo các văn bản pháp quy và cơ chế phù hợp với vùng bờ và xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên.

Có được hành lang pháp lý, các quy định cụ thể của các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, du lịch, giao thông vận tải biển...nhằm tạo sự thuận lợi để triển khai Phân vùng.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Đơn vị phối hợp: Các Sở ban, ngành và các huyện ven biển.

1

Sự nghiệp môi trường

2018-2025

2

Xây dựng cơ chế điều phối giữa các ngành trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ đối với từng vùng/ tiểu vùng cụ thể.

Điều phối các sở, ban, ngành, và các huyện ven biển tỉnh Quảng Trị, tổ chức triển khai hiệu quả việc khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ đối với từng vùng/ tiểu vùng cụ thể.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành và các huyện ven biển.

0,6

Sự nghiệp môi trường

2018-2025

3

Xây dựng chính sách phát triển và mô hình sinh kế bền vững đối với cộng đồng ngư dân cư vùng bờ

Tìm hiểu thực trạng sinh kế, những rủi ro sinh kế hiện thời và khả năng chuyển đổi của cộng đồng dân cư ven biển từ đó xây dựng chính sách phát triển phù hợp cho cư dân vùng bờ. Mặt khác, đề xuất được mô hình sinh kế vừa mang lại thu nhập cho các hộ gia đình ven biển vừa bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường vùng bờ.

- Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị phối hợp: Các Sở ban, ngành và các huyện ven biển

0,8

Sự nghiệp môi trường

2018-2025

Tổng cộng

 

12.700,2

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3533/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch Phân vùng chức năng vùng bờ tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 3533/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/12/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Nguyễn Đức Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản