Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 35/2007/QĐ-UBND

Lạng Sơn, ngày 20 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TẠI TỈNH LẠNG SƠN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2007;
Căn cứ  Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25/5/2002;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-BBCVT-BTC ngày 25/5/2004 của Bộ Bưu chính, Viễn thông - Bộ Tài chính hướng dẫn về trách nhiệm, quan hệ phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan đối với thư, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu qua dịch vụ bưu chính và dịch vụ chuyển phát thư;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT- BCA- BBCVT ngày 05/5/2006 của Bộ Công an - Bộ Bưu chính, Viễn thông hướng dẫn thực hiện mở và kiểm tra thư, bưu phẩm, bưu kiện, gói hàng hoá gửi qua mạng bưu chính công cộng và mạng chuyển phát nhanh nhằm phát hiện tội phạm về ma tuý;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông tỉnh Lạng Sơn tại Tờ trình số 256/TTr- SBCVT-TTra  ngày 23 tháng 11 năm 2007
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp phòng chống tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin tại tỉnh Lạng Sơn”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông, Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch, Giám đốc Công an tỉnh, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3; 
- Bộ Thông tin & Truyền thông;
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục kiểm tra VBQPPL- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu QH tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Báo Lạng Sơn, Đài PT&TH tỉnh;
- PVP, các Phòng CV;
- Lưu VT, DN, (OH).

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Vy Văn Thành

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TẠI TỈNH LẠNG SƠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2007/QĐ-UBND ngày tháng 12 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn)

Chương 1;

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định về công tác phối hợp giữa Sở Bưu chính, Viễn thông, Công an tỉnh, Cục Hải quan Lạng Sơn, Sở Thương mại và Du lịch Lạng Sơn; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan; các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh (dưới đây gọi tắt là doanh nghiệp) trong công tác phòng chống tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Công tác phối hợp liên ngành thực hiện trên nguyên tắc kịp thời, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Quá trình phối hợp không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của các bên có liên quan;

2. Trong quá trình phối hợp, việc cung cấp thông tin, các dấu hiệu nghi vấn tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin phải được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo bí mật và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Thông tin phải được cung cấp bằng văn bản thể hiện trên giấy hoặc văn bản điện tử nhưng phải có chữ ký điện tử xác nhận của Thủ trưởng cơ quan cùng cấp;

3. Sở Bưu chính, Viễn thông, Công an tỉnh, Sở Thương mại và Du lịch, Cục Hải quan Lạng Sơn và các doanh nghiệp có trách nhiệm cử người phụ trách việc theo dõi, cập nhật thông tin, làm đầu mối trong việc phối hợp, giao nhận tài liệu, số liệu liên quan. Người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm đảm bảo bí mật thông tin theo quy định của pháp luật và kịp thời báo cáo Lãnh đạo cơ quan trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin để chỉ đạo công tác phối hợp;

4. Việc xử lý các vụ việc liên quan đến tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin của Sở Bưu chính, Viễn thông, Công an tỉnh, Sở Thương mại và Du lịch, Cục Hải quan Lạng Sơn được thực hiện trên nguyên tắc: Vụ việc thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ quản lý của đơn vị nào thì đơn vị đó chủ trì xử lý, các đơn vị khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp khi có yêu cầu và xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Phương thức và nội dung phối hợp

Phương thức phối hợp

- Trao đổi, phối hợp tìm kiếm thông tin, cung cấp thông tin về các vụ vi phạm, trao đổi trực tiếp qua điện thoại, tra cứu trực tuyến cơ sở dữ liệu liên quan đến vụ việc;

- Tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật;

- Phối hợp phổ biến chính sách, pháp luật về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin;

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành cho những người tham gia;

- Tổ chức hội nghị tổng kết, hội thảo chuyên ngành giới thiệu công nghệ và giải pháp nhằm giảm thiểu các hành vi vi phạm.

2. Các nội dung cần phối hợp

- Cung cấp thông tin về vụ việc vi phạm;

- Phối hợp xác minh đối tượng vi phạm;

- Phối hợp xác minh hành vi, mức độ, công nghệ, hình thức, thủ đoạn đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm;

- Phối hợp trong việc đấu tranh với đối tượng và xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin;

- Phối hợp cưỡng chế việc chấp hành quyết định xử lý vi phạm của cơ quan quản lý Nhà nước;

- Các nội dung phối hợp khác có liên quan đến việc đảm bảo thực hiện Quy chế này.

Chương 2:

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN PHỐI HỢP  VÀ CÁC ĐƠN VỊ LIÊN QUAN

Điều 4. Sở Bưu chính, Viễn thông

1. Là thường trực của các cơ quan phối hợp, có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh trong chỉ đạo, triển khai, kiểm tra, đôn đốc về công tác phòng chống tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin, là đầu mối tiếp nhận thông tin, lưu giữ các hồ sơ các vụ việc, tổng hợp báo cáo theo quy định;

2. Chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các cá nhân và tổ chức lợi dụng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

3. Làm đầu mối tiếp nhận thông tin về các dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin, kịp thời cung cấp cho các cơ quan chức năng tham gia phối hợp xử lý;

4. Chủ trì hoặc tham gia thanh tra, kiểm tra và xử lý đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Lập và chuyển hồ sơ có dấu hiệu tội phạm đến Cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật;

5. Trong quá trình phát hiện, xử lý vi phạm cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng của Bộ Bưu chính, Viễn thông (Cục quản lý chất lượng Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin, Cục tần số vô tuyến điện) thì có văn bản đề nghị và chủ trì, phối hợp với các đơn vị xử lý theo quy định của pháp luật;

6. Trường hợp cần trưng cầu giám định, làm thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập Hội đồng giám định về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý  theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp;

7. Hướng dẫn các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát, viễn thông và công nghệ thông tin phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin;

8. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông tổ chức tập huấn cho cán bộ các cơ quan, doanh nghiệp liên quan tham gia phối hợp về nghiệp vụ, công nghệ mới phục vụ cho việc thanh tra, điều tra, xử lý các vụ vi phạm.

Điều 5. Công an tỉnh

1. Chủ trì công tác điều tra, xác minh và xử lý đối tượng phạm tội trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn hoặc trong trường hợp có thông báo của Sở Bưu chính, Viễn thông hoặc có thông báo của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng kỹ thuật bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin;

2. Trong quá trình điều tra xử lý vi phạm cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng thì có văn bản đề nghị và chủ trì, phối hợp với các đơn vị xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với các nội dung thông tin cần xác minh từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin để phục vụ công tác điều tra thì có văn bản đề nghị Sở Bưu chính, Viễn thông để phối hợp, cung cấp;

3. Tham gia công tác thanh tra, kiểm tra theo đề nghị của các cơ quan chức năng khi các cơ quan chức năng phát hiện hoặc được cung cấp thông tin liên quan đến dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin;

4. Cung cấp các thông tin liên quan phục vụ công tác phòng chống tội phạm theo yêu cầu của các cơ quan chức năng. Trường hợp thông tin, tài liệu đang phục vụ cho quá trình điều tra, xác minh không cung cấp được, thì trả lời cho đơn vị phối hợp biết bằng văn bản;

5. Công an tỉnh nhận bàn giao hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự, tổ chức điều tra bắt giữ và truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng phạm tội theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Cục Hải quan tỉnh

1. Chủ trì công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý hàng lậu, hàng cấm xuất, nhập khẩu qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật;

2. Trường hợp nhận được thông báo và đề nghị phối hợp về vụ việc xuất, nhập hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát của Sở Bưu chính, Viễn thông, Cục Hải quan Lạng Sơn có trách nhiệm phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý các túi bưu phẩm, bưu kiện, kiện hàng hoá vi phạm theo quy định của pháp luật;

3. Khi phát hiện vụ việc xuất, nhập khẩu hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, Cục Hải quan Lạng Sơn có trách nhiệm thông báo và kịp thời phối hợp với Công an tỉnh và Sở Bưu chính, Viễn thông để điều tra, xác minh hoặc xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Sở Thương mại và Du lịch

1. Chủ trì việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý hàng lậu, hàng cấm vận chuyển qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát theo quy định của pháp luật;

2. Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường kịp thời phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông kiểm tra, kiểm soát và xử lý các túi bưu phẩm, bưu kiện, kiện hàng hoá, phương tiện vận chuyển vi phạm theo quy định của pháp luật;

3. Kịp thời thông báo và phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông xử lý các vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Lạng Sơn

1. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin;

2. Đăng tải thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

Điều 9. Trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố

1. Thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về phòng chống tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn;

2. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật để nhân dân hiểu rõ trách nhiệm của mình và phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin;

3. Chỉ đạo các ban, ngành, chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa phương mình;

4. Thông báo với Sở Bưu chính, Viễn thông khi phát hiện những dấu hiệu hoạt động tội phạm hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

Điều 10. Trách nhiệm của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin

1. Các doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ;

2. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu nghi vấn trộm cắp cước viễn thông quốc tế, việc kinh doanh trái phép dịch vụ điện thoại Internet, các thẻ điện thoại lậu; gửi vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, các hành vi vi phạm liên quan đến việc cung cấp, sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet, các doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan cho Sở Bưu chính, Viễn thông và các cơ quan có thẩm quyền liên quan;

3. Trường hợp phát hiện dấu hiệu nghi vấn hành vi phá hoại cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin thì trực tiếp thông báo, cung cấp thông tin cho cơ quan Công an tại địa phương đó và báo cáo, cung cấp thông tin cần thiết cho cơ quan có thẩm quyền liên quan;

4. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ làm giảm thiệt hại, tác hại do hành vi vi phạm gây ra, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng xác minh đối tượng vi phạm;

5. Phối hợp giữa các doanh nghiệp với nhau và các đơn vị có liên quan nhằm kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật nhằm kịp thời phát hiện, thông báo cho các cơ quan chức năng về hành vi vi phạm pháp luật;

6. Kịp thời cung cấp số liệu liên quan đến hoạt động giám định theo yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định; chịu trách nhiệm về tiến độ và tính chính xác của số liệu đã cung cấp.

Chương 3:

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm báo cáo

1. Hàng năm các đơn vị phối hợp tổng hợp kết quả việc thực hiện Quy chế gửi về Sở Bưu chính, Viễn thông trước ngày 31/12;

2. Hàng năm giao Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn, theo dõi thực hiện và tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Quy chế trước ngày 15/02 của năm sau.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các điều khoản quy định tại Quy chế này;

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc hoặc phát sinh, các đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Bưu chính, Viễn thông để tổng hợp và trình UBND tỉnh xem xét, kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Vy Văn Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 35/2007/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp công tác phòng chống tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin tại tỉnh Lạng Sơn do Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành

  • Số hiệu: 35/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/12/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Vy Văn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/12/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/11/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản