Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 35/2006/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2006 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma tuý ngày 22 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội "Về việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương";
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Chủ tịch Ủy ban ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án "Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý" tại tỉnh Quảng Ninh (kèm theo Quyết định này).
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm thực hiện thí điểm Đề án; hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Đề án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; đồng thời, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Đề án của tỉnh Quảng Ninh.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| ****** |
TỔ CHỨC QUẢN LÝ, DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TUÝ TẠI TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2006/QĐ-TTgngày 08 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ)
SỰ CẤN THIẾT PHẢI TỔ CHỨC QUẢN LÝ, DẠY NGHỀVÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN
I. KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH NGHIỆN MA TÚYVÀ CÔNG TÁC CAI NGHIỆN PHỤC HỒI TẠI TỈNH QUẢNG NINH
1. Thực trạng tình hình nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh:
Trong những năm qua, tệ nạn ma tuý ở tỉnh Quảng Ninh diễn biến rất phức tạp và có xu hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê năm 1993 cả tỉnh có 282 người nghiện ma tuý, đến tháng 12 năm 2004 số người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý đã là 2.209 người và 934 người nghi nghiện ma túy chưa có hồ sơ quản lý. Người nghiện ma tuý từ 18 đến 40 tuổi là 2.050 người chiếm 92,8%; điều đáng lo ngại hơn là ma tuý tổng hợp có tính gây nghiện nhanh đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh trong vài năm gần đây. Việc gia tăng người nghiện sử dụng ma tuý qua đường tiêm chích đã làm tăng nhanh sự lây nhiễm HIV/AIDS; Quảng Ninh trở thành tỉnh đứng thứ hai về số lượng người nhiễm HIV/AIDS và đứng thứ nhất về tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trên 100 nghìn dân trong phạm vi toàn quốc.
2. Công tác cai nghiện phục hồi của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua:
Ý thức được hiểm họa của tệ nạn ma tuý, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và ñy ban nhân dân tỉnh đã thực thi nhiều biện pháp mang tính cấp bách và lâu dài để đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma tuý. Tỉnh uỷ đã có Chỉ thị số 31 nhằm tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Hội đồng nhân dân tØnh có 2 Nghị quyết chuyên đề: Nghị quyết số 1857/NQ-HĐ ngày 02 tháng 8 năm 1999 và Nghị quyết số 39/NQ-HĐ ngày 20 tháng 02 năm 2003 về “Phòng, chống tệ nạn xã hội”; trong đó có mục tiêu: “Thi hành các biện pháp cai nghiện đối với tất cả các đối tượng nghiện ma tuý trong tỉnh. Xây dựng chương trình cụ thể và cơ chế, chính sách cho từng hình thức cai nghiện”.
Để tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống ma tuý và cai nghiện phục hồi, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 06/2004/CT-UB ngày 10 tháng 02 năm 2004 “Về thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống ma tuý năm 2004”. Sau một thời gian thực hiện, với sự chỉ đạo kiên quyết của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tØnh và sự nỗ lực của các Sở, Ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố, nhận thức của đông đảo nhân dân về tác hại của tệ nạn ma tuý đã có chuyển biến rõ rệt, tạo môi trường xã hội tích cực trong công tác đấu tranh, phòng, chống ma túy, góp phần hạn chế việc phát sinh đối tượng nghiện mới. Công tác đấu tranh triệt phá các ổ nhóm tội phạm buôn bán và tổ chức sử dụng ma tuý đã thu được những kết quả đáng khích lệ, làm chuyển hoá được nhiều địa bàn, tụ điểm phức tạp về ma tuý.
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 33,6% số xã, phường, thị trấn (62/184) và 96,1% cơ quan, doanh nghiệp (1.635/1.700) không có ma tuý; đã xây dựng 50 xã, phường lành mạnh không có ma tuý hoặc giảm cơ bản về tệ nạn xã hội.
Tỉnh đã đầu tư trên 7 tỷ đồng xây dựng Trung tâm cai nghiện ma tuý Vạn Cảnh giai đoạn I để tiếp nhận 150 học viên/đợt. Đến nay tiếp tục đầu tư, nâng cấp Trung tâm cai nghiện ma tuý Vạn Cảnh có khả năng tiếp nhận 300 học viên/đợt. Thời gian qua Trung tâm đã chữa trị, giáo dục, phục hồi nhân cách cho 940 lượt người nghiện ma tuý; đưa 628 học viên hoàn thành thời gian cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng. Công tác quản lý, bảo vệ, giáo dục học viên tương đối tốt, không thẩm lậu ma tuý. Học viên cai nghiện được tham gia lao động sản xuất bằng nhiều hình thức khác nhau.
Ngoài cai nghiện tập trung, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho hàng trăm lượt người nghiện ma tuý nhưng hiệu quả thấp do không có điều kiện thực hiện 5 giai đoạn của quy trình cai nghiện, chỉ thực hiện giai đoạn cắt cơn giải độc sau đó quản lý từ 2 đến 3 tháng do vậy đối tượng tái nghiện nhanh.
Chất lượng và hiệu quả công tác cai nghiện còn thấp, tỷ lệ tái nghiện còn rất cao. Nguyên nhân của tình hình trên là do:
- Thời gian cai nghiện và quản lý sau cai nghiện như hiện nay chưa đủ để người nghiện rèn luyện, phục hồi nhân cách, hình thành thói quen và lối sống tích cực, chưa thực sự thoát khỏi sự lệ thuộc về tâm lý đối với ma tuý.
- Đa số người nghiện ma tuý có trình độ học vấn thấp, không có nghề nghiệp, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định.
II. SỰ CẦN THIẾT TỔ CHỨC QUẢN LÝ, DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TÚY
Những vấn đề nêu trên là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái nghiện cao, hiệu quả công tác cai nghiện thấp, tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS do sử dụng ma tuý ngày càng tăng. Do vậy, cần phải có các giải pháp hữu hiệu hơn để giải quyết vấn đề cai nghiện ma tuý và chống tái nghiện. Người nghiện ma tuý được tập trung cai nghiện sau đó được quản lý dạy nghề, học tập và làm việc trong môi trường lành mạnh, không có ma tuý, để tiếp tục rèn luyện, hoàn chỉnh nhân cách, hành vi chuẩn bị điều kiện tái hoà nhập cộng đồng không tái nghiện.
Thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội ''Về việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương", Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh xây dựng Trung tâm cai nghiện và quản lý dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý tại xã Vũ Oai, huyện Hoành Bồ với tổng dự toán là 60 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện cho người sau cai nghiện ma tuý được tiếp tục học văn hóa, học nghề, có việc làm, ổn định cuộc sống, chống tái nghiện
MỤC TIÊU, CÁC PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM VÀ CHẾ ĐỘ,CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TÚY
I. MỤC TIÊU ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu:
Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi, thúc đẩy công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nhằm đẩy lùi tệ nạn nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh làm lành mạnh môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đem lại hạnh phúc bình yên cho cộng đồng và từng gia đình.
2. Các chỉ tiêu cụ thể:
- Giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đạo đức, pháp luật cho người sau cai nghiện để người nghiện ma tuý có ý thức tự giác từ bỏ ma túy.
- Tổ chức dạy văn hoá, dạy nghề và giải quyết việc làm tập trung cho các đối tượng sau cai nghiện để họ tiếp tục được rèn luyện phục hồi nhân cách, hành vi, đạo đức, tham gia lao động, sản xuất, nâng cao mức sống cho người sau cai nghiện để họ có thể tự lo cuộc sống cho bản thân, góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tái hòa nhập cộng đồng một cách vững chắc, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghiện.
- Tổ chức dạy văn hoá cho 100% các đối tượng cai nghiện phổ cập hết cấp trung học cơ sở.
- Dạy nghề ngắn hạn cho 100% các đối tượng cai nghiện đạt trình độ sơ cấp (bậc 2/7) cho các nghề lao động giản đơn.
- Dạy nghề dài hạn để nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ bậc 3/7 cho 100% các đối tượng cai nghiện những nghề đòi hỏi trình độ kỹ thuật.
- Tạo việc làm để người sau cai nghiện vừa thực hành nghề, vừa tham gia lao động sản xuất chuẩn bị tốt để tái hoà nhập cộng đồng.
- Phấn đấu giảm tỷ lệ tái nghiện dưới 20%.
II. PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT, BỐ TRÍ VIỆC LÀM ĐỐI VỚI NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN
1. Nguyên tắc chung:
a) Sau thời gian cai nghiện bắt buộc 24 tháng, việc đưa người vào cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm được thực hiện theo hướng vận động, thuyết phục người sau cai nghiện tự nguyện tham gia là chính; đối với những người sau cai nghiện không tự nguyện nhưng có khả năng tái nghiện cao sẽ được áp dụng biện pháp đưa vào các cơ sở dạy nghề, giải quyết việc làm theo quy định tại Nghị định số 146/2004/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ về quy định thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa vào cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm đối với người sau cai nghiện ma tuý.
b) Người sau cai nghiện ma tuý được cách ly khỏi môi trường ma tuý, nhưng không hoàn toàn tách khỏi cuộc sống cộng đồng.
c) Thực hiện phương thức xã hội hoá và đa dạng hoá với các hoạt động giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý.
2. Đối tượng áp dụng:
Đối tượng áp dụng biện pháp tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý của Đề án này gồm:
a) Người đã kết thúc thời gian cai nghiện tập trung tại các Trung tâm cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 28 của Luật Phòng chống ma tuý mà tự nguyện đề nghị áp dụng biện pháp này đối với mình.
b) Người đã kết thúc thời gian cai nghiện tập trung tại các Trung tâm cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 28 của Luật Phòng chống ma tuý tuy không tự nguyện nhưng có khả năng tái nghiện cao nếu được đưa trở lại cộng đồng theo quy định tại Điều 5 chương I của Nghị định số 146/2004/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ.
c) Người chưa đủ 18 tuổi được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi kết thúc thời gian cai nghiện đã đủ 18 tuổi mà tự nguyện vào cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm.
3. Thời gian áp dụng:
Thời gian áp dụng biện pháp tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện từ 1 đến 2 năm. Trường hợp cần thiết có thể kéo dài nhưng không quá 3 năm. Người sau cai nghiện có nguyện vọng định cư, có việc làm ổn định lâu dài tại cơ sở sau cai nghiện thì được xem xét, giải quyết theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Thủ tục:
Việc lập hồ sơ, xét duyệt, quyết định đưa người vào cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm được thực hiện theo quy định tại chương II Nghị định số 146/2004/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ.
5. Các hình thức bố trí việc làm cho người sau cai nghiện:
Căn cứ vào kết quả phân loại sức khoẻ, lứa tuổi, giới tính, trình độ, nghề nghiệp, khả năng tiếp nhận và giải quyết việc làm của cơ sở để sắp xếp, bố trí người sau cai nghiện vào các cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm. Cụ thể như sau:
a) Làm việc và định cư tại các cơ sở cai nghiện và quản lý sau cai:
- Người sau cai nghiện tiếp tục ở lại làm việc lâu dài trong các cơ sở sản xuất của các Trung tâm cai nghiện đã quản lý họ trước đây, trong các khu giành riêng cho việc quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm theo hình thức hợp đồng lao động hoặc làm việc có thời hạn từ 1 đến 2 năm, trường hợp cần thiết có thể kéo dài đến 3 năm. Sau thời gian đó, nếu có nguyện vọng sẽ được giúp đỡ để định cư lâu dài tại các Trung tâm này.
Phương thức này không gây xáo trộn nhiều về hoàn cảnh sống, sinh hoạt và làm việc của học viên ở thời điểm chuyển giai đoạn, rất phù hợp để giải quyết việc làm cho số người không đủ sức khoẻ đi lao động theo hình thức cơ động hoặc không đủ điều kiện về tay nghề để được tuyển vào làm việc tại các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất. Tỉnh sẽ xây dựng khu nhà xưởng có nhiều ngành nghề tại các cơ sở quản lý sau cai để thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức như: cho mượn máy móc, cung cấp nguyên liệu, gia công các mặt hàng tiểu, thủ công nghiệp, bao tiêu sản phẩm…. Kết hợp học nghề với thực hành tay nghề tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tạo điều kiện cho người sau cai nghiện được tuyển chọn vào làm việc tại các doanh nghiệp vừa học nghề, vừa tạo ra sản phẩm và có thu nhập. Dự kiến phương thức này có thể bố trí được hàng nghìn lao động.
Ngoài ra, tỉnh sẽ xem xét dành 56 ha đất để bảo đảm cho việc thành lập một số trang trại sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp và giao cho các Trung tâm cai nghiện quản lý để tạo việc làm cho người sau cai nghiện.
Sau khi hoàn thành cơ bản công tác cai nghiện ma túy thì các cơ sở cai nghiện và quản lý sau cai sẽ từng bước chuyển thành các trang trại nông, lâm, ngư nghiệp, cơ sở sản xuất hoặc có thể chuyển nhượng một phần cho gia đình học viên để có điều kiện sinh sống, định cư lâu dài.
- Đối tượng tiếp nhận:
+ Những người được tuyển dụng làm nhân viên chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ sở cai nghiện và quản lý sau cai theo hình thức hợp đồng lao động là những người có thời gian cai nghiện tập trung đủ 24 tháng hoặc tuy chưa đủ 24 tháng nhưng có nhân thân tốt, thực sự tiến bộ và trưởng thành về nhân cách, mới nghiện lần đầu, có đủ sức khoẻ và có trình độ học vấn chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với tiêu chuẩn chức danh công việc được giao.
+ Những người có thời gian cai nghiện tập trung đủ 24 tháng nhưng không đủ sức khoẻ, trình độ học vấn và chuyên môn để làm việc ở các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nông, lâm nghiệp hoặc tiểu, thủ công nghiệp hoặc ở các đội, tổng đội thanh niên tình nguyện mang tính cơ động.
- Phương thức này có khả năng giải quyết việc làm từ 1.500 đến 2.000 lao động (mỗi Trung tâm tiếp nhận khoảng 800 đến 1.000 người).
b) Làm việc tại các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp do gia đình người sau cai nghiện và các tổ chức hoặc cá nhân thuộc các thành phần kinh tế thành lập.
- Gia đình những người sau cai nghiện có điều kiện về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh có thể hợp tác với nhau để thành lập các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản) hoặc các hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp để giúp đỡ, tạo điều kiện cho con em mình và những học viên khác có công ăn việc làm, nuôi sống bản thân, xa rời môi trường dễ tái nghiện. Tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các hợp tác xã, cơ sở sản xuất này thuê đất ưu đãi để sản xuất, xây dựng nhà xưởng, nhà ở cho công nhân; cho vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật, bảo hộ quyền sản xuất, kinh doanh, chính sách thuế ưu đãi … Đây là phương thức huy động tổ chức sản xuất giải quyết việc làm với nhiều ngành nghề rất đa dạng, phong phú, với nhiều cấp độ khác nhau, gắn tình cảm, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng xã hội đối với người sau cai nghiện, do vậy có tính khả thi cao.
Các hợp tác xã thành lập theo hình thức này không nhất thiết phải đầu tư trong mặt bằng của Trung tâm cai nghiện và quản lý sau cai mà tuỳ theo tình hình cụ thể có thể tổ chức tại gia đình hoặc ở những địa bàn trong sạch về ma tuý để tổ chức sản xuất nhiều loại ngành nghề như: mây tre đan xuất khẩu, hàng tiểu thủ công mỹ nghệ, cơ khí nhỏ, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nhằm tạo việc làm cho con em họ và những người sau cai nghiện.
- Phương thức này có ưu điểm là tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình và bản thân học viên với xã hội để giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện; đồng thời huy động được nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong xã hội cùng tham gia giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả sẽ có tác dụng thúc đẩy ý chí vươn lên của người sau cai nghiện, giúp họ tự tin, phấn khởi trong lao động, hình thành lối sống tích cực, tự giác xa lánh những phần tử xấu trong xã hội và tệ nạn ma túy.
- Ngoài ra, người sau cai nghiện có thể được giới thiệu, bố trí việc làm theo các chương trình giải quyết việc làm của các huyện, thị xã, thành phố; chính quyền địa phương sẽ vận động một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trú đóng trên địa bàn hoặc do địa phương quản lý tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc; phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể tại địa phương và gia đình các đối tượng theo dõi, hỗ trợ, giám sát thường xuyên cho đến khi họ thực sự không còn nguy cơ tái nghiện.
- Đối tượng tiếp nhận:
Học viên hoàn thành giai đoạn cai nghiện đủ 24 tháng hoặc tuy chưa đủ 24 tháng nhưng có nhiều tiến bộ, có ý chí, có nghề nghiệp phù hợp với các loại hình công việc mà các hợp tác xã, cơ sở sản xuất có nhu cầu hoặc được các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận theo các chương trình, dự án giải quyết việc làm tại địa phương.
Hình thức này sẽ tạo sự gắn kết chặt chẽ dựa trên các mối quan hệ gia đình, thân nhân của người sau cai nghiện, sự quan tâm của cộng đồng đặc biệt là địa phương nơi người sau cai nghiện cư trú; dự tính có thể giải quyết việc làm cho khoảng 300 đến 400 người.
c) Từng bước thành lập các đội lao động tình nguyện có tính cơ động để bố trí việc làm cho người sau cai nghiện.
- Người sau cai nghiện được làm việc tại các đội lao động tình nguyện có tính cơ động trực thuộc các Trung tâm cai nghiện hoặc các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích để làm việc tại các công trình của tỉnh, các công trình quốc gia cần nhiều lao động do nhà nước giao theo phương thức nhận khoán, được trả công theo sản phẩm.
Tuỳ theo quy mô của công trình được giao, có thể tổ chức những đội riêng lẻ (100 đến 150 người) hoặc tổng đội gồm nhiều đội. Phương thức quản lý của các đội, tổng đội này cần quy định rõ ràng và chặt chẽ nội quy sinh hoạt nhằm ngăn chặn việc thẩm lậu ma tuý và chống trốn. Thời gian đầu sẽ tăng cường cán bộ để hướng dẫn kỹ thuật và quản lý lao động trên hiện trường. Bảo đảm tốt việc ăn, ở, sinh hoạt của những người lao động như: xây dựng nhà ở dạng lắp ghép, phù hợp với tính cơ động của công trình; có phương tiện vận chuyển từ nơi ở đến hiện trường. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trên các công trình, nếu có nguyện vọng, các đội viên tình nguyện sẽ được tạo điều kiện về vật chất để định cư và ổn định cuộc sống lâu dài trên vùng đất mới.
- Đối tượng tiếp nhận:
Những người sau cai nghiện xung phong đến những công trường xa, có đủ sức khoẻ, khả năng lao động phù hợp với công việc ở các công trường.
- Khả năng giải quyết việc làm:
Phương thức này phù hợp với tính xung kích, tình nguyện của thanh niên như: tổ chức xây dựng và thực hiện các đề án về kinh tế biển đông, xây dựng vùng kinh tế mới, công trình kinh tế vùng biên giới hải đảo. Dự kiến phương thức này có thể giải quyết từ 500 đến 1.000 lao động.
6. Đối tượng được hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm:
Việc hoãn hoặc miễn thi hành quyết định đưa người vào cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm được thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 146/2004/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định về thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa vào cơ sở quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm đối với người sau cai nghiện ma tuý.
Dự kiến giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện của các phương án cụ thể như sau:
Phương án bố trí việc làm | Số lao động được bố trí việc làm theo các năm | ||
2006 | 2007 | 2008 | |
Làm việc tại cơ sở cai nghiện và quản lý sau cai | 300 | 500 | 1.500 |
Làm việc tại các tổ, hợp tác xã do gia đình thành lập |
| 100 | 200 |
Làm việc tại các đội lao động tình nguyện | 200 | 300 | 500 |
Tổng cộng | 500 | 900 | 2.200 |
III. GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC, PHÁP LUẬTDẠY VĂN HÓA, DẠY NGHỀ CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN
1. Giáo dục đạo đức, pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân:
Tổ chức giáo dục đạo đức, pháp luật, ý thức trách nhiệm cho người sau cai nghiện theo chương trình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Tuỳ theo số lượng người sau cai nghiện để bố trí giáo viên dạy đạo đức và pháp luật trong bộ máy nhân sự.
2. Dạy văn hoá:
Tổ chức các lớp bổ túc văn hoá hết cấp trung học cơ sở và phổ thông trung học để nâng cao trình độ học vấn cho người sau cai nghiện theo nội dung và chương trình phổ cập của quốc gia. Nếu học viên tham dự các kỳ thi sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy chứng nhận hoặc bằng tốt nghiệp theo quy định. Hoạt động này được tiến hành đồng thời với quá trình cai nghiện và giai đoạn quản lý sau cai nghiện.
3. Dạy nghề:
Trên cơ sở kết quả học nghề của học viên trong giai đoạn cai nghiện phục hồi, tiếp tục dạy nghề để vừa bồi dưỡng cho người sau cai nghiện đã qua đào tạo ngắn hạn ôn lại lý thuyết và thực hành để cấp Giấy chứng nhận cho số người đạt trình độ bậc 2/7 đối với một số ngành nghề như: nông nghiệp, chế biến nông, thuỷ sản…; vừa tổ chức đào tạo dạy nghề dài hạn đạt tay nghề tương đương bậc 3/7 trở lên như: kỹ thuật tin học, điện công nghiệp, điện lạnh, điện tử, cơ khí, sửa chữa, gò, hàn, tiện, mộc, xây dựng cho người sau cai nghiện để họ có đủ trình độ vào làm việc tại các xưởng thuộc các Trung tâm cai nghiện và quản lý sau cai chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng. Dự kiến khả năng tiếp nhận giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, của các cơ sở dạy nghề được như sau:
TT | Tên nghề đào tạo | Quy mô đào tạo (người) | Tổng cộng | ||
Năm 2005 | Năm 2006 | Năm 2007 | |||
| A. Nghề dài hạn |
|
|
|
|
1 | Tiện, hàn | 20 | 30 | 50 | 100 |
2 | Điện máy | 50 | 100 | 150 | 300 |
3 | Điện lạnh | 30 | 50 | 70 | 150 |
4 | Điện công nghiệp | 50 | 60 | 90 | 200 |
5 | Tin học - Điện tử | 50 | 150 | 300 | 500 |
| B. Nghề ngắn hạn |
|
|
|
|
1 | May công nghiệp | 50 | 250 | 450 | 750 |
2 | Mộc | 50 | 100 | 150 | 300 |
3 | Nghề khác | 0 | 50 | 150 | 200 |
| Tổng cộng | 300 | 790 | 1410 | 2.500 |
IV. CHẾ ĐỘ VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN
1. Quyền lợi của người sau cai nghiện:
a) Được trả lương và thưởng tương xứng với kết quả lao động của mình; được ưu tiên tiếp tục làm việc nếu có nguyện vọng sau khi hết hạn hợp đồng. Quyền lao động của người sau cai nghiện được thừa nhận bằng một hợp đồng lao động với cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện trên cơ sở vận dụng Bộ luật Lao động có bổ sung một số nội dung theo quy chế quản lý người sau cai nghiện do ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
b) Được bố trí chỗ ở phù hợp, bảo đảm các tiện nghi cần thiết.
c) Được đăng ký tạm trú tại địa phương nơi làm việc.
d) Được học văn hoá, đào tạo nghề nghiệp theo nguyện vọng và phù hợp với nhu cầu của người sử dụng lao động.
đ) Được tham gia sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp theo quy định.
e) Được khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, trong học tập, rèn luyện, trong các hoạt động xã hội như: bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm an toàn của đơn vị và địa phương.
g) Được tiếp thân nhân tại khu vực dành riêng ngoài giờ lao động, sinh hoạt và học tập theo quy định của cơ quan quản lý.
h) Được giải quyết cho về phép khi có thành tích hoặc gia đình có việc hiếu, hỷ.
i) Được xem xét đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ quản lý của đơn vị.
2. Nghĩa vụ của người sau cai nghiện:
a) Thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật, nội quy lao động và sinh hoạt của cơ sở dạy nghề, giải quyết việc làm.
b) Tích cực tham gia lao động sản xuất, hoàn thành định mức lao động, khối lượng, chất lượng công việc được giao.
c) Tích cực học tập, thi đua lao động, tham gia các phong trào văn - thể - mỹ và các hoạt động xã hội khác.
d) Tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động bài trừ ma tuý, tệ nạn xã hội; phản ánh, tố cáo với người có trách nhiệm để kịp thời ngăn chặn mọi biểu hiện và hành vi tiêu cực, nhất là hành vi sử dụng, mua bán, tàng trữ ma tuý … tại nơi làm việc và nơi ở góp phần xây dựng môi trường sinh hoạt và làm việc lành mạnh.
3. Chính sách đối với người sau cai nghiện:
a) Được hưởng các chế độ, chính sách về tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi trong ngày, tuần làm việc và các chế độ về bảo hiểm theo quy định. Tuỳ theo điều kiện cụ thể của các cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, Ủy ban nhân dân tỉnh quy định mức trợ cấp về ăn, ở, sinh hoạt và học tập.
b) Trong thời gian người thực hiện quyết định đưa vào cơ sở quản lý sau cai nghiện nếu do sức khoẻ yếu, thu nhập làm ra không bảo đảm cuộc sống hoặc có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế (theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh) thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm để bảo đảm cuộc sống ổn định. Những trường hợp không thuộc đối tượng trên thì gia đình người thực hiện quyết định đưa vào cơ sở quản lý sau cai nghiện có trách nhiệm đóng góp để bảo đảm cuộc sống.
4. Khen thưởng và kỷ luật:
a) Người sau cai nghiện chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của nhà nước, quy chế và nội quy của cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm, lập thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tuỳ theo thành tích được thủ trưởng cơ sở dạy nghề, giải quyết việc làm xét khen thưởng theo quy định của tỉnh.
b) Người sau cai nghiện nếu vi phạm các quy định quản lý của đơn vị thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị thi hành kỷ luật bằng một trong các hình thức sau:
- Khiển trách.
- Cảnh cáo.
- Chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn hoặc cách chức (nếu là Tổ trưởng, Tổ phó).
- Trường hợp người sau cai nghiện tự ý rời bỏ đơn vị thì đơn vị thông báo về chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để vận động, phối hợp đưa trở lại cơ sở quản lý. Nếu sau khi vận động, thuyết phục mà không tự nguyện trở lại hoặc bỏ trốn thì cơ quan Công an áp dụng biện pháp truy tìm và cưỡng chế.
- Trường hợp người sau cai nghiện có hành vi tàng trữ, sử dụng, mua bán các chất ma tuý hoặc gây rối ảnh hưởng an ninh trật tự, chống đối người thi hành công vụ hoặc có các hành vi có dấu hiệu phạm tội thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Vốn đầu tư:
a) Vốn đầu tư cho hoạt động dạy văn hoá và dạy nghề:
- Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phù hợp với quy mô đào tạo các ngành nghề và tình hình thực tế ở địa phương theo hướng tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí còn lại do bản thân người nghiện và gia đình họ đóng góp.
b) Vốn đầu tư cho việc sản xuất nông, lâm nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp tại các cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm:
- Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khu xưởng trường nhiều ngành nghề ở mỗi cơ sở cai nghiện và quản lý sau cai từ nguồn ngân sách của tỉnh. Trên cơ sở đó sẽ thu hút các thành phần kinh tế hợp tác đầu tư sản xuất. Ngoài ra các cơ sở cai nghiện và quản lý sau cai còn có thể lập dự án để vay vốn sản xuất, kinh doanh.
- Tỉnh đầu tư cơ sở vật chất và dành đủ quỹ đất cho các cơ sở cai nghiện và quản lý sau cai; các cơ sở lập dự án sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và thu hút các thành phần kinh tế đầu tư hoặc xin vay vốn để tổ chức thực hiện.
2. Chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất:
- Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành theo thẩm quyền và kiến nghị với các cơ quan Trung ương ban hành các chính sách ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho người sau cai nghiện như:
+ Chính sách ưu đãi về thuế.
+ Chính sách ưu đãi về giao đất, thuê và sử dụng đất.
+ Chính sách về hỗ trợ lãi suất và vay vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân sử dụng lao động là người sau cai nghiện.
3. Tổ chức bộ máy:
- Tăng cường bộ máy tổ chức của các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội đồng thời giao thêm nhiệm vụ cho các tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện để các Trung tâm có cơ sở pháp lý thực hiện nhiệm vụ và có điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh.
- Các cơ sở cai nghiện và quản lý sau cai được tính số người sau cai nghiện vào số đối tượng quản lý khi xét giao chỉ tiêu biên chế khung và chỉ tiêu lao động hợp đồng theo Thông tư số liên Bộ số 05/2002/TTLB/LĐTB&XH-TCCBCP ngày 06 tháng 02 năm 2002 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) quy định.
4. Về công tác cán bộ:
a) Nguồn cán bộ quản lý ở các cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện:
- Tuyển chọn từ đội ngũ cán bộ hiện có của các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội, Tỉnh đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các tổ chức xã hội khác.
- Thu hút trí thức trẻ, sinh viên các trường Đại học mới tốt nghiệp.
- Bộ đội, công an xuất ngũ, chuyển ngành.
b) Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ trì, phối hợp với các trường, ngành khoa học xã hội, trường cán bộ của tỉnh xây dựng nội dung, chương trình và tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng, các lớp chính trị, kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng công tác xã hội cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý người sau cai nghiện. Thường xuyên tổ chức trao đổi kinh nghiệm để bồi dưỡng, nâng cao năng lực công tác thực tiễn nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
c) Cán bộ, nhân viên quản lý người sau cai nghiện ma tuý tại các cơ sở quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện được hưởng các chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp đặc thù nghề nghiệp, độc hại lây nhiễm như cán bộ nhân viên quản lý người nghiện ma tuý; cán bộ nhân viên y tế được hưởng thêm chế độ phụ cấp trực y tế theo quy định tại Thông tư số 18/2004/TTLB/BLĐTB&XH-BYT-BTC ngày 22 tháng 11 năm 2004 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và Bộ Tài chính.
5. Quản lý trật tự trị an tại các cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện:
a) Các cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện đăng ký số người sau cai nghiện tạm trú có thời hạn tại địa phương nơi trú đóng. Các vấn đề liên quan về hộ tịch của người sau cai nghiện do ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đăng ký tạm trú giải quyết.
b) Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các lực lượng công an giúp đỡ các cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện mới được thành lập xây dựng phương án bảo vệ, đặc biệt tập trung vào công tác phòng, chống thẩm lậu ma tuý, hướng dẫn các cơ sở cai nghiện và quản lý sau cai bổ sung phương án bảo vệ, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ và tăng cường trang bị phương tiện phù hợp với điều kiện quản lý người sau cai nghiện. Thực hiện chuyên nghiệp hoá lực lượng bảo vệ tại các cơ sở dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện đồng thời có sự luân chuyển cán bộ, nhân viên, thay đổi địa bàn, khu vực phụ trách nhằm ngăn chặn hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra.
6. Công tác kiểm tra các cơ sở quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện:
Các cơ quan chức năng có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện của các cơ sở quản lý người sau cai nghiện và giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
7. Công tác y tế và phòng, chống HIV/AIDS:
Trong dự án đầu tư xây dựng cơ sở quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm đối với người sau cai nghiện cần xây dựng khu y tế trong đó có trạm y tế trung tâm, phòng khám đa khoa, cấp cứu để chữa trị các bệnh thông thường, các bệnh cơ hội phát sinh khi đối tượng không dùng ma tuý; khu điều trị bệnh nhân chuyển từ HIV sang giai đoạn AIDS đặc biệt là cho những đối tượng lang thang cơ nhỡ không nơi nương tựa, những đối tượng bị gia đình bỏ rơi; khu nghĩa trang bảo đảm vệ sinh môi trường phòng và chống lây nhiễm HIV/AIDS.
8. Giải quyết cho số đối tượng đã chấp hành xong quyết định quản lý sau cai hồi gia:
- Khuyến khích người sau cai nghiện tiếp tục ở lại làm việc lâu dài hoặc định cư tại các cơ sở sản xuất của các Trung tâm theo dạng hợp đồng lao động.
- Khuyến khích các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất tiếp nhận và tạo việc làm lâu dài, đồng thời có chính sách hỗ trợ học nghề cho đối tượng sau cai nghiện có đủ trình độ học vấn, tay nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất này tiếp nhận đối tượng sau cai vào làm việc lâu dài. Đây là phương án chính giải quyết số lượng lớn đối tượng có sức khoẻ, có tay nghề khi đã hoàn thành giai đoạn sau cai nghiện.
- Số đối tượng cho hồi gia là những người phải có cam kết của gia đình, của chính quyền địa phương nơi cư trú, các đoàn thể trong việc quản lý, bảo đảm có việc làm và cam kết không tái nghiện.
1. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân về chủ trương nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với những người nghiện ma túy nhằm tạo sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng, tham gia của các ngành, các cấp và nhân dân trong qúa trình tổ chức thực hiện Đề án.
3. Tổ chức quán triệt, giáo dục và vận động học viên và gia đình người nghiện ma tuý tự nguyện tham gia vào cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện để tạo sự đồng tình, hưởng ứng thực hiện Đề án.
4. Hướng dẫn, chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể, các cấp, huy động lực lượng và tiềm năng của tỉnh để phối hợp đồng bộ và thực hiện có kết quả các phương thức dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện.
5. Thường xuyên theo dõi, tổng hợp, nắm tình hình, xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện, rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả của Đề án.
III. THỜI GIAN VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
Đề án này được thực hiện từ năm 2006 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đề án này được thực hiện trong thời gian Nghị quyết số 16/2003/QH11 của Quốc hội cho phép. Hàng năm ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm tổng kết việc thực hiện Đề án, báo cáo Chính phủ để tổng hợp báo cáo Quốc hội.
Phần thứ 4 :
KẾT LUẬN
I. DỰ BÁO THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN
1. Thuận lợi:
a) Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong việc thực hiện thí điểm Đề án tổ chức quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan và rút ra một số kinh nghiệm nhất định cho các địa phương vận dụng. Vì vậy trong quá trình thực hiện Đề án, tỉnh Quảng Ninh có điều kiện nghiên cứu học tập, rút kinh nghiệm để triển khai tốt hơn.
b) Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, các cấp của tỉnh rất quan tâm và có sự thống nhất cao trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý nói chung và chủ trương tiếp tục quản lý giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện nói riêng.
c) Việc thực hiện Đề án tiếp tục quản lý, giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện là phù hợp với tình hình thực tế của địa phương cũng như nguyện vọng của đông đảo nhân dân, bởi vậy khi thực hiện Đề án sẽ có sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội.
d) Đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý nói chung, cai nghiện ma tuý nói riêng của tỉnh có tâm huyết, quyết tâm cao, năng động sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
đ) Quảng Ninh là một tỉnh có tiềm năng kinh tế nên có đủ điều kiện đầu tư kinh phí để thực hiện Đề án.
2. Khó khăn:
a) Phòng, chống tái nghiện là vấn đề khó khăn và phức tạp. Việc thực hiện Đề án trong điều kiện chưa có mô hình, chưa có kinh nghiệm, phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để bổ sung hoàn thiện, do đó có thể phát sinh một số vấn đề chưa lường hết được.
b) Một bộ phận thân nhân học viên chưa nhận thức đúng mức về tác hại lâu dài của ma tuý hoặc do tình cảm, muốn con em sớm trở về trong khi gia đình thiếu khả năng giải quyết việc làm cũng như khả năng đối phó chống tái nghiện trong điều kiện môi trường xã hội còn nhiều phức tạp về ma tuý.
c) Việc quản lý người sau cai nghiện không thể chặt chẽ như quản lý trong thời gian cai nghiện bắt buộc, đặc biệt là quản lý các mối quan hệ tiếp xúc của họ, vì vậy công tác chống thẩm lậu ma tuý sẽ gặp nhiều khó khăn.
d) Đối tượng nghiện ma tuý đa số là những người có tiền án, tiền sự, số đối tượng nhiễm HIV/AIDS rất cao, nên việc vận động, giáo dục, giúp đỡ họ trong quá trình cai nghiện và quản lý sau cai nghiện gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Một số đối tượng chuyển sang giai đoạn AIDS sẽ gây tâm lý hoang mang trong số người sau cai nghiện.
đ) Việc thu hút các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất vào các Trung tâm cai nghiện và quản lý sau cai sẽ gặp khó khăn. Tuy có các chính sách ưu đãi, song với điều kiện sử dụng số lao động là người nghiện, các nhà đầu tư không dễ dàng gạt bỏ thành kiến để chấp nhận. Mặt khác số lao động là người sau cai nghiện sức khoẻ không bảo đảm do vậy năng suất lao động thấp, làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, khiến các nhà đầu tư lo ngại.
e) Thời gian quản lý tập trung đối với người sau cai nghiện tính cả 2 giai đoạn từ 4 đến 5 năm là thời gian khá dài đối với nhiều người nghiện trẻ nên có thể phát sinh phản ứng tiêu cực trong một số người sau cai nghiện do nhu cầu tâm sinh lý hoặc các quan hệ xã hội và gia đình tác động.
g) Trong quá trình thực hiện Đề án dạy nghề, giải quyết việc làm để quản lý người sau cai nghiện sẽ có những đối tượng chống đối, có những hành vi tác động xấu đến người sau cai nghiện.
II. KẾT LUẬN
Đề án tổ chức quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý mang tính khả thi, tỉnh Quảng Ninh có đủ điều kiện thực hiện Đề án này nhằm đạt được kết quả cuối cùng là tương lai của một con người, khi vào họ là người nghiện, khiếm khuyết về nhân cách, trình độ văn hoá thấp, không có nghề nghiệp, khi trở về cộng đồng họ sẽ là người lao động có nhân cách, có văn hoá, có tay nghề để làm lại cuộc đời trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Vì vậy đây là một Đề án mang tính nhân đạo và cấp thiết.
Thực hiện tốt Đề án này chắc chắn công tác cai nghiện, phục hồi của Quảng Ninh sẽ có bước chuyển biến cả về số lượng và chất lượng góp phần tích cực ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới xoá bỏ dần tệ nạn ma tuý của địa phương trong những năm tới ./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
- 1Luật Phòng, chống ma túy 2000
- 2Nghị quyết số 16/2003/NQ-QH11 về việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương do Quốc hội ban hành
- 3Nghị định 146/2004/NĐ-CP quy định thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa vào cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm đối với người sau cai nghiện ma tuý
Quyết định 35/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý" tại tỉnh Quảng Ninh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 35/2006/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/02/2006
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phạm Gia Khiêm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 27 đến số 28
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra