Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 35/1999/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 3 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 35/1999/QĐ-TTG NGÀY 05 THÁNG 3 NĂM 1999 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THOÁT NƯỚC ĐÔ THỊ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Tờ trình số 35/TTr-BXD ngày 20 tháng 11 năm 1998,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Định hướng phát triển thoát nước đô thị Việt Nam đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU:

Nhằm định hướng cho việc phát triển lĩnh vực thoát nước đô thị, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và bảo vệ môi trường; trên cơ sở đó, lập kế hoạch đầu tư phù hợp để phát triển hệ thống thoát nước các đô thị một cách ổn định và bền vững trong từng giai đoạn.

A. MỤC TIÊU TRƯỚC MẮT (ĐẾN NĂM 2005):

Chuẩn bị tốt cho sự phát triển hệ thống thoát nước đô thị, nhanh chóng cải thiện tình hình thoát nước tại các đô thị:

1. Ưu tiên giải quyết thoát nước mưa:

- Xoá bỏ tình trạng ngập úng thường xuyên trong mùa mưa ở các đô thị loại I và loại II; trước hết tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;

- Cải thiện một bước tình hình thoát nước mưa ở các đô thị từ loại III đến loại V; đối với các đô thị có điều kiện địa hình thuận lợi, có thể nghiên cứu cải thiện hệ thống thoát nước mưa ở mức độ cao hơn;

- Mở rộng phạm vi phục vụ của các hệ thống thoát nước từ 30-40% hiện nay lên 50-60%; đối với Thủ đô Hà Nội đạt 80%.

2. Cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước thải:

- Ưu tiên Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn, các trung tâm du lịch như Hải Phòng, Đà Nẵng, Hạ Long, Huế, Vũng Tàu;

- Xử lý cục bộ nước thải bệnh viện và nước thải công nghiệp trước khi xả vào cống chung của thành phố;

- Xoá bỏ xí thùng trong các đô thi trước năm 2005 (đối với Thủ đô Hà Nội, xoá bỏ xí thùng trước năm 2001); có đủ nhà vệ sinh công cộng tại những nơi có nhiều khách vãng lai như chợ, bến tàu, bến xe;

- Giữ gìn, chống xuống cấp hệ thống thoát nước hiện có tại các đô thị;

- Xây dựng hệ thống thoát và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường tại các khu vực công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới.

3. Xây dựng mô hình doanh nghiệp công ích cho các công ty thoát nước đô thị:

Từng bước khắc phục cơ chế bao cấp; ban hành chính sách thu phí thoát nước để các công ty thoát nước có nguồn thu trang trải chi phí quản lý, vận hành.

4. Chuẩn bị tiền đề cho sự phát triển lâu dài và bền vững:

- Kiện toàn tổ chức ở các cấp và cơ sở;

- Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ công nhân;

- Tăng cường hệ thống pháp luật về quản lý và sử dụng các nguồn nước;

- Tuyên truyền giáo dục, nâng cao dân trí;

- Sản xuất thiết bị, phụ tùng, vật tư trong nước.

B. MỤC TIÊU LÂU DÀI (ĐẾN NĂM 2020):

Giải quyết cơ bản yêu cầu về thoát nước nhằm bảo vệ và nâng cấp môi trường đô thị, phục vụ tốt đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế một cách nhanh chóng, bền vững:

1. Xoá bỏ tình trạng ngập úng thường xuyên trong mùa mưa tại các đô thị; từng đô thị có hệ thống thoát nước thải với công nghệ xử lý phù hợp bảo đảm vệ sinh môi trường.

Mở rộng phạm vi phục vụ các hệ thống thoát nước đô thị từ 50-60% lên 80- 90%; đối với Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị loại II, các đô thị nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế, phát triển du lịch, các khu công nghiệp, khu chế xuất, đạt 90-100%.

2. Thiết lập cơ chế tài chính bảo đảm sự phát triển bền vững cho các hệ thống thoát nước đô thị.

3. Phát triển khoa học kỹ thuật: ứng dụng công nghệ mới thông qua chuyển giao công nghệ, hiện đại hoá hệ thống thoát nước đô thị để đạt trình độ quốc tế hoặc tương đương các nước trong khu vực.

4. Áp dụng các tiêu chuẩn, quy phạm tiên tiến, đưa lĩnh vực thoát nước đô thị Việt Nam hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.

II. CÁC BIỆN PHÁP CHỦ YẾU:

1. Kiện toàn tổ chức, tăng cường pháp chế, giáo dục cộng đồng:

- Tổ chức hợp lý chuyên ngành thoát nước của Bộ Xây dựng để phối hợp với các Bộ, ngành liên quan làm tốt chức năng quản lý Nhà nước như: hoạch định chính sách, lập kế hoạch, giám sát, điều phối, đào tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, quản lý dự án;

- Kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực đối với chuyên ngành thoát nước thuộc Sở xây dựng, Sở Giao thông công chính và các công ty thoát nước đô thị để quản lý và thực hiện quy hoạch, kế hoach thoát nước các đô thị trên địa bàn;

- Phân công, phân cấp và nâng cao vai trò của các cấp chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện công tác thoát nước đô thị trên địa bàn;

- Tăng cường pháp chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi trong lĩnh vực thoát nước đô thị;

- Tăng cường các hoạt động liên ngành trong tuyên truyền giáo dục cộng đồng, nâng cao dân trí, thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực thoát nước đô thị, tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh đường phố, nơi công cộng, thu gom chất thải rắn để khắc phục tình trạng tắc cống, ga thu nước thải.

2. Đổi mới chính sách tài chính, phát huy nội lực tạo nguồn vốn phát triển lĩnh vực thoát nước đô thị:

- Ngoài vốn ngân sách Nhà nước, cần huy động các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong nước;

- Tranh thủ các nguồn vốn nước ngoài như vốn vay và tài trợ của các Ngân hàng quốc tế, các Chính phủ và các Tổ chức quốc tế khác;

- Thực hiện đa dạng hoá đầu tư, ban hành chính sách thu phí thoát nước bảo đảm cho các công ty thoát nước từng bước trang trải được các chi phí quản lý và vận hành;

- Ban hành các chính sách về thuế và tín dụng nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng công trình thoát nước;

- Nhà nước quy định mức đầu tư bảo vệ môi trường có liên quan đến thoát nước đô thị đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

3. Nghiên cứu và áp dụng biện pháp kỹ thuật đồng bộ; hiện đại hoá công nghệ sản xuất vật tư thiết bị trong nước:

- Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng và phân kỳ hợp lý trong việc lập quy hoạch chuyên ngành thoát nước phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị; bảo đảm diện tích hợp lý dành cho xây dựng hệ thống thoát nước trong quy hoạch sử dụng đất tại các đô thị;

- Đối với các khu đô thị mới, phải tiến hành đầu tư đồng bộ các công trình liên quan đến thoát nước và môi trường ngay từ giai đoạn đầu;

- Quy định và quản lý chặt chẽ về cốt xây dựng của từng khu vực để tránh úng ngập cục bộ trong đô thị;

- Lựa chọn và áp dụng các giải pháp thoát nước và các loại công nghệ khác nhau, từ đơn giản đến hiện đại, phù hợp với từng vùng và từng đô thị, chú ý tới các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng trũng, vùng núi và các vùng đặc trưng khác;

- Đối với phần lớn các đô thị, trong giai đoạn đầu, áp dụng công nghệ đơn giản, tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên để tiêu thoát nước mưa và xử lý nước thải, như: khả năng thẩm thấu của đất, khả năng điều tiết nước mưa pha loãng và làm sạch nước thải bằng sinh vật trong hồ ao, sông ngòi, kênh rạch, thuỷ triều;

- Áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại đối với các thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch;

Phấn đấu đến năm 2010-2015 tự sản xuất được khoảng 70% vật tư, thiết bị, phụ tùng thay thế trong hệ thống thoát nước như máy bơm, máy khuấy, các loại ống, cống thoát nước, phụ kiện (van, tê, cút, mối nối), các vật liệu lọc, hoá chất...

4 . Đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực:

- Đào tạo đủ cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ để quản lý, vận hành tốt hệ thống thoát nước và để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn và kỹ thuật hiện đại được đưa vào Việt Nam thông qua các dự án. Phấn đấu đến năm 2005 cung cấp đầy đủ cán bộ đã qua đào tạo cho tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương và cơ sở. Xây dựng chương trình đào tạo đồng bộ từ cán bộ lãnh đạo, quản lý, khoa học kỹ thuật, kinh tế, kế hoạch, tài chính đến công nhân vận hành, bảo dưỡng.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công nhân trong nước làm việc trực tiếp với chuyên gia nước ngoài để học hỏi nâng cao trình độ. Mặt khác, có chính sách khuyến khích động viên sự tham gia đóng góp của các chuyên gia người Việt Nam đang sống ở nước ngoài.

- Phát triển các trung tâm đào tạo chuyên ngành cấp thoát nước; thành lập hoặc mở rộng chuyên ngành cấp thoát nước tại các trường Đại học: Xây dựng, Kiến trúc, Bách khoa; phát triển các Trung tâm dạy nghề đào tạo công nhân chuyên ngành cấp thoát nước có tay nghề cao;

Điều 2. Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp, Y tế, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn thực hiện Định hướng phát triển thoát nước đô thị đến năm 2020; cụ thể hoá những nội dung tại Điều 1 của Quyết định này để bảo đảm thực hiện có hiệu quả chương trình đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thoát nước các đô thị trong cả nước, lập mới hoặc rà soát quy hoạch, kế hoạch trước mắt và dài hạn của từng địa phương, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị để làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư hệ thống thoát nước đô thị.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Ngô Xuân Lộc

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 35/1999/QĐ-TTg phê duyệt định hướng phát triển thoát nước đô thị Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 35/1999/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/03/1999
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Ngô Xuân Lộc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: 20/03/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản