Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3434/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 02 tháng 9 năm 2021 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 47/2019/QH14 ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007;
Căn cứ Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch Covid-19;
Căn cứ Quyết định số 684-QĐ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;
Căn cứ Quyết định số 07-QĐ/BCĐ ngày 31/8/2021 của Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa về việc thành lập Tiểu ban huy động xã hội hóa các nguồn lực thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa;
Theo đề nghị của Trưởng Tiểu ban huy động xã hội hóa các nguồn lực thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Phương án huy động xã hội hóa các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (có Phương án chi tiết kèm theo).
Điều 2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa (cơ quan Thường trực Tiểu ban huy động xã hội hóa các nguồn lực thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa) tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện khẩn trương, kịp thời, có hiệu quả Phương án này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
1. Phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái của Nhân dân các dân tộc, cộng đồng các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân,… tiếp tục chung tay góp sức, ủng hộ vật chất và tinh thần để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung các nội dung sau: mua sắm trang thiết bị y tế, hỗ trợ cho các khu cách ly, điều trị bệnh nhân, động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19,...
2. Phối hợp điều phối, triển khai đồng bộ phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ; chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, góp phần sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, ổn định cuộc sống của Nhân dân.
3. Hoạt động huy động xã hội hóa các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy; triển khai theo quy định, hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế. Nguồn lực huy động phải được công khai, minh bạch, quản lý và sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, đảm bảo nguyên tắc quản lý và sử dụng nguồn quỹ có hiệu quả thiết thực theo quy định.
1.1. Đối tượng, nội dung, thời gian tổ chức vận động quyên góp, phân bổ sử dụng
a) Đợt I: tổ chức tuyên truyền, triển khai sâu rộng đến các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sỹ các lực lượng vũ trang Nhân dân, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện ở cả 3 cấp.
Thời gian vận động: từ ngày 01/01/2021 đến ngày 22/8/2021.
b) Đợt II: tổ chức đợt cao điểm ủng hộ, huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, trước hết là cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm, bằng trách nhiệm, tình cảm của mình, tiếp tục tham gia ủng hộ vật chất để giúp tỉnh có thêm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo Thư kêu gọi của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa.
- Nội dung vận động:
Tiền ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.
Hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế; trong đó, tập trung vận động máy thở, kít xét nghiệm SARS-CoV-2, giường bệnh, oxy, khẩu trang y tế, bộ đồ dùng bảo hộ cá nhân, thuốc phục vụ phòng ngừa, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19,...
Hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm hỗ trợ Nhân dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (khi có yêu cầu).
- Thời gian vận động: từ ngày 23/8/2021.
- Thời gian phân phối nguồn vận động: thực hiện ngay trong thời gian vận động, quyên góp.
1.2. Công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa các nguồn lực phòng, chống Covid-19
- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, người dân Thanh Hóa đang sinh sống, công tác, làm việc ở tỉnh ngoài, nước ngoài, tích cực tham gia đóng góp, xã hội hóa các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19.
- Phối hợp với Đảng ủy khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp ban hành văn bản gửi các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia đóng góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
- Thành lập tài khoản facebook, fanpage, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải, chia sẻ số tài khoản, phương thức, địa điểm tiếp nhận để tạo thuận lợi các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ; chia sẻ, lan tỏa các hoạt động của các đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm, cá nhân tích cực cùng chung tay phòng, chống dịch Covid-19.
1.3. Nội dung và đối tượng hỗ trợ
a) Nội dung hỗ trợ: mua máy thở và trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc phục vụ phòng ngừa, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.
b) Đối tượng hỗ trợ
- Các địa phương, khu cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng.
- Những người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19 có đời sống khó khăn (bác sỹ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang, tổ giám sát Covid-19 cộng đồng) và cán bộ được trưng tập thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.
- Các đối tượng khác như: gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế trong khu dân cư gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
1.4. Công tác tiếp nhận ủng hộ
a) Đầu mối tiếp nhận
- Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa thành lập Ban Tiếp nhận tiền, hàng hóa ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19; phân công cán bộ, công chức, người lao động cơ quan tham gia tiếp nhận trực tiếp hàng hóa tất cả các ngày trong tuần, đảm bảo phục vụ hội trường, phòng tiếp nhận; mở sổ theo dõi, nhập kho, xuất kho hàng hóa ủng hộ đảm bảo theo đúng quy định; tổng hợp danh sách các tập thể, cá nhân ủng hộ hằng ngày và báo cáo Ban Chỉ đạo theo quy định; đồng thời, chuyển tiếp danh sách các đơn vị, cá nhân ủng hộ để in ấn Thư cảm ơn và gửi Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đưa tin tuyên truyền; tổng hợp và nộp tiền về tài khoản Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 tại Ngân hàng vào 16 giờ 00 hằng ngày.
- Đề nghị lãnh đạo các tổ chức thành viên hướng dẫn các đơn vị trực thuộc phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp vận động, kêu gọi các nguồn lực; thống nhất đầu mối tiếp nhận ủng hộ là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện chịu trách nhiệm kết nối, tổng hợp tiền, hàng hóa, vật phẩm trên địa bàn, báo cáo về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa để thống nhất trên toàn tỉnh.
b) Hình thức tiếp nhập: tổ chức tiếp nhận các nguồn ủng hộ bằng tiền mặt hoặc thông qua việc chuyển khoản trực tiếp, mở App ngân hàng và quét mã QR chuyển tiền ủng hộ về Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 Mặt trận Tổ quốc Thanh Hóa, số tài khoản: 50110001122351, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thanh Hóa, hoặc trao trực tiếp tại trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa (địa chỉ: số 16 đường Hạc Thành, phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa).
1.5. Công tác quản lý, phân bổ nguồn ủng hộ
a) Đối với tiền tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân: sau khi tiếp nhận các nguồn ủng hộ, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa báo cáo, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện, cụ thể như sau:
- Kinh phí hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu (khu cách ly tập trung, cán bộ y tế, các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh,…): sau khi có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện, đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
- Kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế được chuyển vào tài khoản thu ngân sách tỉnh mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh (số hiệu tài khoản 7111, mã số QHNS: 1020159, tiểu mục 4549) để quản lý và sử dụng theo quy định hiện hành của pháp luật.
b) Đối với hiện vật: sau khi tiếp nhận vật tư y tế, lương thực, thực phẩm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh để triển khai, hỗ trợ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch.
2.1. Đầu mối thực hiện
- Đơn vị chủ trì: Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa.
- Đơn vị phối hợp: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Chữ thập đỏ, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các tổ chức thành viên.
2.2. Nội dung thực hiện
- Nguồn vận động: tổ chức, cá nhân, đoàn viên, hội viên, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trường hợp dịch Covid-19 lây lan diện rộng, nguồn hàng hoá không đáp ứng đủ nhu cầu của Nhân dân trong khu vực bị phong tỏa, Tiểu ban Huy động xã hội hóa các nguồn lực sẽ đề xuất Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh trích từ nguồn kinh phí vận động ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 để kịp thời hỗ trợ người dân trong khu vực phong toả.
- Phương châm hỗ trợ: thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ); trước mắt, phát huy nội lực của từng gia đình, dòng họ, khu phố, làng bản trong từng địa phương, xã lo xã, huyện lo huyện. Trong trường hợp khó khăn không đáp ứng được nhu cầu, đề nghị Ủy ban MTTQ các cấp tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo để có phương án giải quyết; kiên quyết“Không để người dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc”.
- Nơi tiếp nhận và phân phối hàng hoá, nhu yếu phẩm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
3. Huy động lực lượng tham gia tiếp nhận, vận chuyển, phân bổ hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ Nhân dân
3.1. Đầu mối thực hiện
- Đơn vị chủ trì: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa.
- Đơn vị phối hợp: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Tỉnh đoàn, Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh và các tổ chức thành viên.
3.2. Nội dung thực hiện: đề xuất Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và các địa phương sử dụng lực lượng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể, lực lượng Công an, Quân đội tại địa phương, thành lập các tổ, đội tự nguyện giúp vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân gặp khó khăn khi cần thiết.
4. Thành lập Tổ điều hành thực hiện Phương án
4.1. Đầu mối thực hiện
- Đơn vị chủ trì: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa.
- Đơn vị phối hợp:
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Chữ thập đỏ, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các tổ chức thành viên.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện nơi có khu vực bị phong tỏa.
4.2. Thời gian thực hiện: theo Quyết định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh về việc thiết lập vùng cách ly y tế phòng, chống dịch.
4.3. Nội dung thực hiện
- Thành phần Tổ điều hành thực hiện Phương án: 01 đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa làm Tổ trưởng; đại diện lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện nơi có khu vực bị phong toả làm thành viên; mời đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở Y tế tham gia Tổ điều hành thực hiện Phương án.
- Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thiết lập đường dây nóng đặt tại cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, công khai số điện thoại các đồng chí lãnh đạo địa phương, bộ phận trực hỗ trợ, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân để tiếp nhận, xử lý thông tin khẩn cấp về y tế, an ninh trật tự, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho đời sống của Nhân dân, báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đảm bảo hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả nhất cho các đối tượng yếu thế, người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
- Thiết lập nhóm Zalo để trao đổi và tiếp nhận thông tin kịp thời giữa các đơn vị và địa phương nơi bị phong toả.
- Tổ điều hành thực hiện Phương án có trách nhiệm xây dựng phương án cụ thể triển khai thực hiện hiệu quả Phương án phối hợp.
Căn cứ nội dung Phương án, các thành viên Tiểu ban triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, cụ thể như sau:
1. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa
- Tham mưu xây dựng Phương án huy động xã hội hóa các nguồn lực xã hội phòng, chống dịch Covid-19; Quyết định thành lập Tổ điều hành; phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Tổ thực hiện Phương án.
- Chủ trì chỉ đạo, điều hành, phối hợp với các tổ chức thành viên và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương, cơ sở triển khai ngay các giải pháp huy động nguồn lực toàn xã hội ủng hộ tiền, hiện vật; chủ trì việc tiếp nhận và tham mưu điều phối nguồn hàng hóa ủng hộ cứu trợ.
- Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp triển khai công tác tuyên truyền cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, bằng tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình, cùng chung tay tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, báo cáo với cấp uỷ đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên cùng cấp, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai kịp thời việc hỗ trợ Nhân dân trong khu vực phong tỏa trên địa bàn một cách hiệu quả, thiết thực.
- Trường hợp dịch Covid-19 lây lan diện rộng, phải tổ chức cách ly, phong tỏa nhiều khu vực, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố sớm nắm bắt tình hình về nhu cầu lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong khu vực cách ly, phong tỏa, gửi thông tin về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa. Trên cơ sở đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa chủ trì, tổ chức huy động, vận động nguồn lực và phối hợp với UBND các địa phương triển khai phương án cung cấp, hỗ trợ Nhân dân kịp thời khi có yêu cầu; thiết lập khu vực trung chuyển (vùng đệm) để tiếp nhận hàng hóa, nhu yếu phẩm tại các khu vực cách ly, phong tỏa.
2. Các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh
2.1. Tỉnh đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
- Tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên và Nhân dân thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là quy định 5K. Tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân trong khu vực phong tỏa có nhu cầu về hàng hóa (trong trường hợp các đầu mối cung ứng hàng hóa tại địa phương không có hoặc không đủ số lượng cung ứng) liên hệ đặt hàng trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại với đội hình thanh niên tình nguyện tại chỗ để hỗ trợ kịp thời cho người dân. Công tác giao nhận hàng hóa phải bảo đảm các quy định về an toàn phòng, chống dịch tại các chốt kiểm soát.
- Cử đại diện lãnh đạo tham gia Tổ điều hành thực hiện Phương án.
- Chủ động phương án bố trí đoàn viên, hội viên tham gia hỗ trợ các chốt kiểm soát tại các khu vực bị phong tỏa (khi có sự đồng ý của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và các địa phương).
- Thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện tại chỗ, đội thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để phát hiện sớm nhất các nguồn lây; tuyên truyền, vận động, đề nghị người dân khai báo y tế và cam kết thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19, tổ chức giám sát chặt chẽ các trường hợp có nguy cơ lây bệnh cao.
2.2. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
- Tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên và Nhân dân thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là quy định 5K.
- Cử đại diện lãnh đạo tham gia Tổ điều hành thực hiện Phương án.
- Chủ động phương án bố trí hội viên tham gia hỗ trợ các chốt kiểm soát tại các khu vực bị phong tỏa (khi có sự đồng ý của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh và các địa phương).
- Chỉ đạo các cấp hội vận động hội viên tích cực tăng gia sản xuất, tạo ra nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, góp phần ổn định đời sống Nhân dân và hỗ trợ Nhân dân trong các khu vực bị phong tỏa.
- Phát huy vai trò của hội viên nòng cốt, cốt cán tại cơ sở để hỗ trợ Nhân dân trong khu vực bị phong tỏa.
2.3. Liên đoàn Lao động tỉnh
- Tổ chức tuyên truyền, vận động cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công nhân, công chức, viên chức thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là quy định 5K.
- Cử đại diện lãnh đạo tham gia Tổ điều hành thực hiện Phương án.
- Chỉ đạo các cấp công đoàn, phối hợp với chính quyền và chủ doanh nghiệp phát hiện sớm và xử lý kịp thời người nghi ngờ mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp. Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan chuẩn bị các phương án hậu cần, đáp ứng yêu cầu cách ly.
- Chủ động nắm tình hình và có phương án hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
2.4. Hội Nông dân tỉnh
- Tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên và Nhân dân thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là quy định 5K. Vận động hội viên tích cực tăng gia sản xuất, tạo ra nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, góp phần ổn định đời sống Nhân dân và hỗ trợ Nhân dân trong các khu vực bị phong tỏa.
- Cử đại diện lãnh đạo tham gia Tổ điều hành thực hiện Phương án.
- Chủ động phương án bố trí hội viên tham gia hỗ trợ các chốt kiểm soát tại các khu vực phong tỏa (khi có sự đồng ý của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh và các địa phương).
- Chủ động nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng tiêu thụ nông sản của Nhân dân trong khu vực bị phong tỏa.
2.5. Hội Cựu chiến binh tỉnh
- Tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên Hội cựu chiến binh, Hội cựu quân nhân và Nhân dân thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là quy định 5K.
- Cử đại diện lãnh đạo tham gia Tổ điều hành thực hiện Phương án.
- Chủ động phương án bố trí hội viên Hội cựu chiến binh, Hội cựu quân nhân tham gia hỗ trợ các chốt kiểm soát tại các khu vực phong tỏa (khi có sự đồng ý của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh và các địa phương).
2.6. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh
Vận động các doanh nghiệp hỗ trợ tiền, trang thiết bị vật tư y tế, thuốc phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức hỗ trợ các phần quà cho công nhân, các hộ gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; hỗ trợ phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm đến các địa phương phòng, chống dịch.
2.7. Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa
Phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động tích cực trong điều kiện vừa phòng, chống dịch, vừa tham gia phát triển kinh tế, kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức thương mại đóng góp tiền, thiết bị vật tư y tế, nhu yếu phẩm cùng địa phương phòng, chống dịch Covid-19.
2.8. Hội Chữ thập đỏ
Tổ chức vận động các cấp hội, các tổ chức nhân đạo, từ thiện tích cực ủng hộ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm hỗ trợ Nhân dân trong khu vực bị phong tỏa; tham gia các đội tình nguyện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ Nhân dân trong khu vực bị phong tỏa.
3. Các tổ chức thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa
Tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, người lao động và các tầng lớp Nhân dân tham gia ủng hộ hàng hóa, nhu yếu phẩm với tinh thần tự nguyện, đoàn kết, tương thân tương ái.
4. Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
Phối hợp đưa tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19; kết quả công tác vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia ủng hộ hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ Nhân dân trong khu vực bị phong tỏa.
Phối hợp vận động các nguồn lực ủng hộ hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ Nhân dân khu vực bị phong tỏa; hỗ trợ phương tiện và nhân lực tham gia vận chuyển hàng hóa đến khu vực bị phong tỏa.
Trên đây là Phương án huy động xã hội hóa các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa. Trong quá trình thực hiện, đề nghị các thành viên Tiểu ban thường xuyên báo cáo về bộ phận Thường trực Tiểu ban qua Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo theo quy định./.
- 1Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2020 về tập trung thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 2Chỉ thị 22/CT-UBND năm 2020 về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong tình hình mới
- 3Quyết định 3419/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Phương án bảo đảm an ninh, trật tự, quản lý công dân, truy vết và cách ly phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 4Quyết định 4678/QĐ-UBND năm 2021 về Quy chế tạm thời việc tiếp nhận, xử lý và trả lời yêu cầu hỗ trợ, cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên Tổng đài 1022 tỉnh Thanh Hóa
- 5Kế hoạch 213/KH-UBND năm 2024 thực hiện Nghị quyết 218/NQ-CP về Kế hoạch triển khai Nghị quyết 99/2023/QH15 huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 1Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 4Quyết định 447/QĐ-TTg năm 2020 công bố dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2020 về tập trung thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 6Chỉ thị 22/CT-UBND năm 2020 về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong tình hình mới
- 7Quyết định 3419/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Phương án bảo đảm an ninh, trật tự, quản lý công dân, truy vết và cách ly phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 8Quyết định 4678/QĐ-UBND năm 2021 về Quy chế tạm thời việc tiếp nhận, xử lý và trả lời yêu cầu hỗ trợ, cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên Tổng đài 1022 tỉnh Thanh Hóa
- 9Kế hoạch 213/KH-UBND năm 2024 thực hiện Nghị quyết 218/NQ-CP về Kế hoạch triển khai Nghị quyết 99/2023/QH15 huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Quyết định 3434/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Phương án huy động xã hội hóa các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- Số hiệu: 3434/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 02/09/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Đỗ Minh Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra