BỘ NÔNG NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3427/QĐ-BNN-LN | Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2006 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NGÀNH LÂM NGHIỆP ĐẾN NĂM 2010
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Luật Công nghệ Thông tin ngày 29/6/2006.
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Lâm nghiệp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin ngành Lâm nghiệp đến năm 2010” với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng hệ thống thông tin lâm nghiệp hiện đại, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng được các nhu cầu về thông tin trong quản lý Nhà nước, trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và của người dân.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Tăng cường năng lực quản lý thông tin ngành
- Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với địa phương, giữa cơ quan quản lý với người dân.
- Củng cố mạng lưới thông tin liên lạc tại tất cả các đơn vị của ngành, sử dụng Email và Internet làm phương tiện trao đổi thông tin chính giữa các đơn vị. Trang thiết bị máy tính của các đơn vị được triển khai phải đảm bảo yêu cầu.
- Nâng cao trình độ tin học cho đội ngũ cán bộ, tạo khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ mới nhằm đáp ứng yêu cầu cao về hiệu quả và chất lượng công việc.
- Phối hợp sử dụng cơ sở vật chất và nguồn lực con người nhằm tăng cường hiệu quả trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT).
b) Hỗ trợ quản lý
- Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực quản lý nhà nước và dịch vụ công, đưa CNTT thành một công cụ đắc lực phục vụ cho chương trình cải cách hành chính và hoạt động quản lý nhà nước.
- Hiện đại hóa công tác thống kê, phát huy hiệu quả với mức độ thuận tiện cao. Triển khai từng bước tại cả 3 cấp Bộ, Sở Nông nghiệp & PTNT, các lâm trường, ban quản lý rừng. Thông tin về các dự án trồng rừng được quản lý chi tiết đến hộ dân, tài nguyên rừng được quản lý theo lô, khoảnh, tiểu khu. Sử dụng ảnh vệ tinh làm công cụ giám sát diễn biến rừng và cảnh báo sớm cháy rừng.
- Tích hợp các cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý điều hành và sử dụng chung trong ngành lâm nghiệp, cho phép trao đổi thông tin dễ dàng theo các chuẩn quy định với mạng diện rộng của Chính phủ.
c) Thông tin tiếp cận được với người dân
- Người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin mà họ cần biết để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả.
- Tạo ra các hình thức trao đổi thông tin giữa nhà nước với người dân, nâng cao chất lượng phục vụ cho mọi cá nhân, tổ chức bảo đảm tính minh bạch và công khai theo quy định của pháp luật.
d) Hội nhập quốc tế
- Đẩy mạnh tiếp thu thành tựu khoa học công nghệ thế giới.
- Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin với các đối tác nước ngoài nhằm tranh thủ cơ hội và nguồn đầu tư cho ngành Lâm nghiệp.
II. PHẠM VI VÀ TIẾN ĐỘ CỦA ĐỀ ÁN
1. Phạm vi
Đề án được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc, cụ thể như sau:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT: Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm Lâm, Vụ Khoa học công nghệ, Vụ Kế hoạch, Viện Điều tra Quy hoạch rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp, Trung tâm Tin học và thống kê, Trường Đại học Lâm nghiệp, Tổng công ty Lâm nghiệp, Công ty Giống Lâm nghiệp TW.
- Địa phương: Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm, hạt Kiểm lâm, lâm trường, ban quản lý rừng và các chủ quản lý rừng.
- Một số hiệp hội, tổ chức khác có liên quan đến ngành lâm nghiệp.
2. Tiến độ
Tiến độ thực hiện đề án được chia thành 2 giai đoạn:
- Giai đoạn xây dựng: từ năm 2007 đến năm 2008, hoàn chỉnh việc xây dựng các phần mềm, ứng dụng thí điểm tại một số đơn vị cơ sở.
- Giai đoạn triển khai: từ năm 2009 đến 2010, đưa các hệ thống vào vận hành trên phạm vi toàn quốc.
III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA ĐỀ ÁN
1. Phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT
- Từ nay đến hết năm 2010 trên cơ sở trang thiết bị hiện có, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc, nối mạng đến các Sở Nông nghiệp và PTNT, chi cục và các đơn vị cơ sở.
- Xây dựng trạm máy chủ mạnh, là nơi tập trung lưu trữ các hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp, nâng cấp hệ thống mạng để tăng tốc độ truy cập các Website.
2. Xây dựng chương trình đào tạo cán bộ công chức về CNTT
Để đảm bảo yêu cầu của công việc, mỗi đơn vị quản lý có ít nhất một cán bộ phụ trách thành thạo về lĩnh vực quản trị máy tính, điều hành mạng, xử lý thông tin. Trước mắt cần xây dựng chương trình đào tạo bài bản, nâng cao trình độ cho cán bộ CNTT ở các Sở/Chi cục, mục đích là để đội ngũ cán bộ này có thể tập huấn, triển khai phần mềm chuyên ngành cho các đơn vị cơ sở.
Chương trình đào tạo tập trung vào các chủ đề sau:
- Sử dụng các phần mềm báo cáo thống kê.
- Khai thác thông tin từ các cơ sở dữ liệu của ngành.
- Sử dụng các phần mềm GIS trong công tác thiết kế trồng rừng, khai thác điều chế rừng, theo dõi diễn biễn rừng ...
- Tập huấn và hỗ trợ công cụ về việc chuyển đổi qua lại giữa các hệ qui chiếu trong xây dựng bản đồ lâm nghiệp.
3. Tăng cường năng lực các hệ thống thông tin phục vụ quản lý, điều hành.
3.1. Hiện đại hóa công tác thống kê
- Xây dựng 1 hệ thống báo cáo thống kê lâm nghiệp thống nhất từ Trung ương tới cơ sở, quản lý các nội dung sau:
+ Các chỉ tiêu của dự án trồng mới 5 triệu ha rừng : trồng mới, khoanh nuôi, khoán bảo vệ, chăm sóc... được thực hiện bởi các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách, vốn nước ngoài, các doanh nghiệp, hộ dân.
+ Giao rừng, cho thuê rừng.
+ Khai thác rừng tự nhiên, rừng trồng.
+ Công tác chuẩn bị giống.
- Tiếp tục triển khai các phần mềm báo cáo thống kê về diễn biến rừng, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng,... tới các chi cục, hạt Kiểm Lâm để để tiến tới tin học hóa hoàn toàn công tác thống kê trong lực lượng Kiểm Lâm.
3.2 Xây dựng hệ thống thông tin quản lý tài nguyên rừng
Xây dựng 1 hệ thống thông tin tổng hợp về tài nguyên rừng. Nội dung gồm:
- Cơ sở dữ liệu về diễn biến rừng tự nhiên, rừng trồng bao gồm thông tin về chủ rừng, lô rừng, diện tích, loài cây.
- Cơ sở dữ liệu về tài nguyên động, thực vật rừng, lâm sản ngoài gỗ.
- Cơ sở dữ liệu về đất rừng Việt Nam.
3.3 Phát triển các hệ thống thông tin khác
- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý giống để tiến tới áp dụng qui trình đảm bảo chất lượng vào hoạt động kinh doanh giống cây lâm nghiệp được công nhận tại 55 tỉnh.
- Xây dựng hệ thống thông tin về lâm sản ngoài gỗ.
- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học.
- Xây dựng trang thông tin hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc mua, bán các sản phẩm gỗ và lâm sản.
- Hoàn thiện, bổ sung các nguồn thông tin về văn bản qui phạm pháp luật, thông tin phục vụ cho lĩnh vực hợp tác quốc tế trên Website. Sử dụng diễn đàn (forum) làm công cụ trao đổi thông tin trực tuyến giữa Trung ương và cơ sở, giữa nhà nước với người dân.
4. Tổng hợp, liên kết và chuẩn hóa các nguồn dữ liệu
Tập hợp các nguồn thông tin đã có của các đơn vị trong ngành Lâm nghiệp, liên kết, chuẩn hóa để tạo ra một trung tâm dữ liệu của Ngành.
1. Về tổ chức
- Xây dựng các tổ công nghệ thông tin ở Cục Kiểm Lâm và Cục Lâm nghiệp đủ mạnh để có thể vận hành và triển khai các hệ thống thông tin tại địa phương.
- Xây dựng mạng lưới cán bộ lâm nghiệp tại các huyện, xã phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất.
2. Về đào tạo
- Nâng cao nhận thức về CNTT: Thông qua các hội nghị, hội thảo chuyên đề về CNTT nhằm nâng cao nhận thức về CNTT cho lãnh đạo để đẩy mạnh tiến trình tin học hóa tại các đơn vị trong ngành.
- Đào tạo chuyên sâu đội ngũ chuyên viên tin học của các Sở, Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm, trở thành lực lượng nòng cốt để quản trị và phát triển hệ thống tới các đơn vị cơ sở.
3. Về công nghệ
Trong đề án có nhiều hệ thống được triển khai tới các đơn vị cơ sở , đồng thời lại phải liên kết với trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ, vì vậy giải pháp về mặt công nghệ để xây dựng các dự án thành phần như sau:
3.1 Phần cứng : Tận dụng hệ thống thiết bị hiện có, ưu tiên đầu tư cho những đơn vị cơ sở chưa có hoặc thiếu máy tính để làm việc.
3.2 Phần mềm:
- Các hệ thống tổng hợp thông tin đặt tại Bộ được thiết kế để có thể họat động trong môi trường mạng, xây dựng cơ cấu phân quyền truy cập phục vụ cho việc chia sẻ thông tin.
- Các hệ thống cập nhật dữ liệu triển khai tại cơ sở được thiết kế thuận tiện, dễ sử dụng để phù hợp với mặt bằng trình độ chung.
4. Về kinh phí
- Ưu tiên kinh phí cho ứng dụng và phát triển CNTT; Khuyến khích các tổ chức quốc tế đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT.
- Phối hợp chặt chẽ giữa việc triển khai đề án CNTT của ngành với các dự án CNTT khác của Bộ và địa phương.
1. Tổ chức quản lý Đề án:
Thành lập Ban Điều hành Đề án “Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ngành Lâm nghiệp đến 2010” gồm: một Thứ trưởng làm Trưởng Ban, các Uỷ viên là lãnh đạo các Cục, Vụ có liên quan, Trung tâm Tin học và Thống kê.
Ban Điều hành Đề án có nhiệm vụ: tổ chức thực hiện Đề án; kiểm tra việc thực hiện tin học hoá quản lý hành chính nhà nước của các đơn vị trong ngành; đề xuất các biện pháp, chính sách để bảo đảm xây dựng và tích hợp được các nguồn thông tin dữ liệu trong quá trình quản lý, điều hành; xây dựng quy chế quản lý, khai thác thông tin.
2. Phân công trách nhiệm:
Trên cơ sở mục tiêu của đề án đặt ra, việc xây dựng các dự án cụ thể cần phải được triển khai thống nhất, có sự liên hệ chặt chẽ giữa các đơn vị để đảm bảo hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao nhiệm vụ cho các đơn vị như sau:
- Cục Lâm nghiệp là cơ quan thường trực của Ban Điều hành Đề án, chịu trách nhiệm giúp Ban Điều hành tổ chức điều phối, hướng dẫn xây dựng và triển khai Đề án tại các đơn vị trong ngành; tích hợp các cơ sở dữ liệu để cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước và các đối tượng nghiên cứu khác; chủ trì xây dựng các hệ thống thông tin quản lý những cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo chức năng nhiệm vụ Bộ đã giao; chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm căn cứ pháp lý cho việc trao đổi, khai thác thông tin trong ngành lâm nghiệp.
- Cục Kiểm lâm chủ trì các dự án thuộc chức năng nhiệm vụ được Bộ giao, triển khai đến lực lượng Kiểm lâm trên phạm vi toàn quốc.
- Trung tâm Tin học và Thống kê: Lồng ghép, phối hợp chặt chẽ giữa việc triển khai đề án Công nghệ thông tin của ngành Lâm nghiệp với các chương trình 112 của Chính phủ, dự án “Ứng dụng Công nghệ thông tin phục vụ Công nghiệp hoá, hiện đại hoá Nông nghiệp và PTNT” của Bộ.
- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức xây dựng các dự án tăng cường năng lực công nghệ thông tin trình Ủy ban Nhân dân Tỉnh phê duyệt.
Tổng kinh phí dự kiến là 30.666 triệu đồng, trong đó:
- Xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị : 11.240 triệu đồng.
- Xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin: 10.580 triệu đồng.
- Tích hợp, chuẩn hóa nguồn số liệu: 3.000 triệu đồng.
- Xây dựng nguồn nhân lực: 4.100 triệu đồng.
- Xây dựng dự án: 300 triệu đồng.
- Kinh phí quản lý: 1.446 triệu đồng.
Nguồn vốn đầu tư:
- Vốn ngân sách Trung ương: 3.140 triệu đồng chiếm 10% tổng kinh phí, chủ yếu đầu tư các hạng mục: hệ thống máy chủ, máy tính, đường truyền Internet tại cơ quan Bộ, chuyển đổi hệ bản đồ số.
- Vốn ngân sách địa phương: 14.500 triệu đồng, chiếm 47 % tổng kinh phí, chủ yếu đầu tư xây dựng các hạng mục: trang thiết bị máy tính tại cơ sở, kinh phí cập nhật thông tin cho hệ thống quản lý tài nguyên rừng.
- Vốn nước ngoài: 13.026 triệu đồng, chiếm 43 % tổng kinh phí. Kêu gọi quốc tế đầu tư cho một số hạng mục: xây dựng các hệ thống thông tin trong ngành, đào tạo, tập huấn triển khai tại các đơn vị cơ sở, tích hợp liên kết thông tin.
Điều 2. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm Lâm; Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính; Giám đốc Trung tâm Tin học và Thống kê, Viện trưởng Viện Điều tra Qui hoạch rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp; Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NGÀNH LÂM NGHIỆP ĐẾN NĂM 2010
ĐẶT VẤN ĐỀ
Thông tin giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động của con người. Đối với xã hội, thông tin là một nguồn tài nguyên vô giá và là động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển. Quá trình phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đã trải qua nhiều giai đoạn, từ sơ khai, thủ công, cơ giới hóa và đến nay đang ở giai đoạn tự động hóa.
Hiện nay trong ngành lâm nghiệp, hạ tầng cơ sở về CNTT cho việc thu thập, xử lý thông tin còn hạn chế, chưa đáp ứng hết được các nhiệm vụ được giao. Ngoài một số đơn vị TW được thừa hưởng kết quả đầu tư của các dự án, phần lớn các đơn vị ở địa phương đựơc đầu tư rất hạn chế vì lệ thuộc vào nguồn kinh phí hành chính. Cán bộ làm công tác tin học trong ngành còn thiếu và còn kiêm nhiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Phần lớn trong số họ vốn không phải là chuyên gia tin học mà là cán bộ chuyên môn lâm nghiệp tự học hoặc được đào tạo ngắn hạn về CNTT, do vậy khó có thể giải quyết được những vấn đề lớn liên quan đến lập trình để giải quyết các bài toán do thực tế quản lý và sản xuất đặt ra.
Phát triển các hệ thống thông tin mới phù hợp với điều kiện của ngành, tận dụng hiệu quả nguồn lực hiện có, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực CNTT vào quản lý nhà nước, phục vụ cho lợi ích của người dân là những lý do chính để xây dựng “Đề án Ứng dụng và Phát triển CNTT ngành Lâm nghiệp đến năm 2010”.
Đề án gồm các nội dung chính sau
- Phần 1: Cơ sở của Đề án Ứng dụng và Phát triển CNTT ngành Lâm nghiệp đến năm 2010 .
- Phần 2: Đánh giá kết quả ứng dụng Công nghệ thông tin ngành lâm nghiệp trong thời gian qua.
- Phần 3: Nội dung chủ yếu của đề án phát triển công nghệ thông tin ngành lâm nghiệp đến năm 2010.
- Phần 4: Tổ chức thực hiện.
- Phần 5: Khái toán kinh phí.
CƠ SỞ CỦA ĐỀ ÁN ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NGÀNH LÂM NGHIỆP ĐẾN NĂM 2010
1. Chỉ thị số 58/CT-TW ngày 17 tháng 10 năm 2000 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”
2. Luật Công nghệ thông tin do Quốc hội ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2006
3. Mục tiêu của “Chiến lược phát triển công nghệ và truyền thông Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” xác định: Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế. Hình thành, xây dựng và phát triển Việt Nam điện tử với công dân điện tử, chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử, giao dịch và thương mại điện tử để Việt Nam đạt trình độ trung bình khá trong khu vực ASEAN.
4. Quyết định số 136/2001/QĐ-Ttg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010. Một trong những mục tiêu cụ thể của chương trình là hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, các cơ quan hành chính có trang thiết bị tương đối hiện đại phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước kịp thời và thông suốt, hệ thống thông tin điện tử của Chính phủ được đưa vào họat động. Để thực hiện được mục tiêu này phải “triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của hệ thống hành chính nhà nước; áp dụng các công cụ, phương pháp quản lý tiên tiến hiện đại trong các cơ quan”.
5. Ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ Chiến lược Lâm nghiệp quốc gia đến 2020, trong đó có chiến lược giống và nhiều nội dung khác cũng rất cần công nghệ thông tin làm công cụ đắc lực để phục vụ quản lý và thực thi chiến lược.
6. Chỉ thị số 1913/CT-BNN-KHCN ngầy 1/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Nông nghiệp và PTNT đến năm 2010.
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NGÀNH LÂM NGHIỆP TRONG THỜI GIAN QUA
Sau khi sát nhập Bộ, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp nằm tập trung chủ yếu ở 2 Cục chuyên ngành là Lâm nghiệp và Kiểm lâm. Cho dù được đầu tư ở mức độ chưa cao, nhưng đến nay đã có một số phần mềm ứng dụng phục vụ hiệu quả cho công việc hàng ngày.
1. Tại Cục Lâm nghiệp và các đơn vị cơ sở
Cục Lâm nghiệp là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về trồng rừng, phát triển rừng, khai thác sử dụng tài nguyên rừng trong phạm vi cả nước.Theo chức năng nhiệm vụ được Bộ giao, Cục Lâm nghiệp phải quản lý những thông tin sau:
- Điều tra, thống kê về giống cây trồng lâm nghiệp; thu thập, bảo tồn và sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp; quy trình, quy phạm, kỹ thuật, công nghệ về giống cây trồng lâm nghiệp.
- Thu thập thông tin, tổng hợp báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý chuyên ngành lâm nghiệp.
- Tổ chức thu thập và quản lý thông tin khoa học công nghệ chuyên ngành.
- Quản lý việc theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.
Cơ cấu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Cục Lâm nghiệp tại địa phương gồm 34 chi cục Lâm nghiệp tại những tỉnh có nhiều rừng, còn lại là phòng Lâm nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT của các tỉnh có ít rừng. Hiện 25/61 đơn vị đã kết nối Internet băng thông rộng ADSL, phần lớn là dùng chung với Sở. Cục Lâm nghiệp và các đơn vị trực thuộc đã xây dựng được thói quen truy cập lấy thông tin từ trang Web riêng của Cục (http://dof.mard.gov.vn) và trao đổi văn bản qua email để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí bưu điện, in ấn.
Phần lớn cán bộ tại các chi cục đều có trình độ cơ bản về công nghệ thông tin thông qua các lớp đào tạo của chương trình 112. Tuy nhiên kỹ năng được đào tạo chỉ đáp ứng được nghiệp vụ tin học văn phòng, chưa được đào tạo chuyên sâu để có thể sử dụng được những phần mềm hệ thống thông tin địa lý như Mapinfo, ArcView trong quản lý tài nguyên rừng. Đội ngũ cán bộ phụ trách tin học tại các đơn vị chủ yếu là những kỹ sư Lâm nghiệp trẻ, có khả năng tiếp thu nhanh, được lãnh đạo phân công trách nhiệm quản lý hệ thống máy tính và vận hành các chương trình. Một số chi cục có cán bộ phụ trách tin học làm nhiệm vụ vận hành các hệ thống thông tin, bản đồ số hóa… Tại Cục Lâm nghiệp hiện có 1 kỹ sư tin học làm quản trị mạng, quản trị các hệ thống thông tin, và kiêm nhiệm công tác thống kê.
Nhận thức được lợi ích của việc tin học hóa, nâng cao hiệu quả của nguồn thông tin dữ liệu. Cục Lâm nghiệp đã triển khai các ứng dụng CNTT trên một số nội dung công việc sau :
TT | Công việc đã tin học hóa | Nội dung đã thực hiện |
1 | Thông tin hoạt động | Hoạt động từ tháng 5/2005 trên website của Cục, đến nay đã đăng được 97 bài viết, 162 tin họat động của cơ sở. |
2 | Thông tin khoa học | Kỹ thuật trồng, kỹ thuật giống của hơn 60 loài cây. Một số đề tài khoa học của dự án 661. |
3 | Hệ thống văn bản pháp qui | Đến này đã đưa lên mạng một số văn bản quan trọng, được phân loại theo cơ quan ban hành và theo chủ đề (661, giống, tổ chức,..). |
4 | Quản lý công văn | Chương trình được viết riêng cho phù hợp với nội dung quản lý của văn phòng dự án 661. Đã triển khai trong nội bộ văn phòng dự án từ tháng 5/2005. |
5 | Quản lý các dự án 661 trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT | Đã đưa vào họat động từ đầu năm 2006. Hỗ trợ việc xử lý, tính toán trong việc giao kế hoạch đầu năm, kế hoạch điều chỉnh, kết quả thực hiện theo từng hạng mục của dự án đựơc duyệt. |
6 | Công tác thống kê | Phần mềm thống kê lâm nghiệp (thay thế cho chương trình báo cáo nhanh dự án 661 được xây dựng từ năm 1998) đã hoàn thành vào tháng 5/2006.Chương trình sẽ được triển khai tại 2 cấp: Cục và các chi cục Lâm nghiệp. |
7 | Quản lý giống lâm nghiệp | Chuẩn bị triển khai tới các tỉnh trong năm 2006. |
8 | Diễn đàn lâm nghiệp | Sử dụng phần mềm mã nguồn mở của nước ngoài, đã Việt hóa đựợc những thông tin cơ bản. Hiện đang xây dựng phưong án vận hành để đảm bảo hiệu quả. |
2. Tại Cục Kiểm lâm và các đơn vị cơ sở
Cục Kiểm lâm là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về bảo vệ tài nguyên rừng; thừa hành pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trong phạm vi cả nước. Theo chức năng nhiệm vụ được Bộ giao, Cục Kiểm Lâm phải quản lý những thông tin sau:
- Thực hiện việc theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp hàng năm;
- Tổ chức thu thập thông tin, thống kê, báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý chuyên ngành về bảo vệ rừng;
- Tổ chức thu thập và quản lý thông tin khoa học công nghệ về bảo vệ rừng.
Cơ cấu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Cục Kiểm lâm tại địa phương gồm 60 chi cục Kiểm lâm. Nhìn chung số lượng máy tính tại Chi cục Kiểm lâm và hạt Kiểm lâm rất hạn chế, chủ yếu vẫn sử dụng trong công tác văn phòng là chính. Hiện mới có một số Chi cục Kiểm lâm thiết lập mạng LAN và kết nối Internet ADSL, còn đại đa số chỉ kết nối Internet qua đường Dial up.
Do chưa có kết nối Internet tốc độ cao ADSL ở địa phương cho nên Cục Kiểm lâm chỉ ứng dụng được các phần mềm (phần mềm báo cáo thống kê hàng tháng, phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, phần mềm quản lý các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, phần mềm thống kê rừng, cảnh báo cháy rừng) chạy độc lập trên máy tính.
Cục có phòng phụ trách CNTT gồm 5 cán bộ (4 cán bộ tốt nghiệp khoa toán, tin học; 1 cán bộ biệt phái từ Trung tâm BVR số 3, tốt nghiệp khoa môi trường). Hiện Cục Kiểm lâm đang vận hành những ứng dụng sau:
TT | Tên phần mềm, ứng dụng | Tính năng | Ghi chú |
1 | Theo dõi diễn biến rừng | Nắm được hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Phục vụ công tác quản lý rừng ở địa phương và công bố số liệu rừng hàng năm của trung ương. | Tự phát triển; Hoạt động tốt từ năm 2001 |
2 | Quản lý các vụ vi phạm Luật Bảo vệ &Phát triển rừng | Nắm được thông tin chi tiết vế tất cả các vụ vi phạm đã được lập biên bản xử lý vi phạm hành chính trên phạm vi toàn quốc. Phục vụ tra cứu và thống kê số liệu. | Tự phát triển; Bắt đầu triển khai |
3 | Báo cáo thống kê hàng tháng | Phục vụ công tác làm báo cáo hàng tháng của các Chi cục Kiểm Lâm gửi về Cục để tổng hợp. | Tự phát triển; Hoạt động tốt từ năm 2001 |
4 | Thống kê rừng | Thống kê diện tích các loại rừng đối với những tỉnh chưa thực hiện dự án Theo dõi diễn biến rừng | Tự phát triển; Hoạt động tốt từ năm 2003 |
5 | Cảnh báo cháy rừng | Cảnh báo cháy rừng hàng ngày; phát trên truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam | Cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp Trường ĐHLN |
6 | Phát hiện sớm cháy rừng | Phát hiện sớm cháy rừng và theo dõi diễn biến của vụ cháy | Hãng Seaspace, Mỹ; 2007 |
7 | Web site Kiểm lâm www.kiemlam.org.vn | Cung cấp các thông tin về hoạt động quản lý nhà nước của Cục Kiểm lâm; tra cứu văn bản QPPL về lĩnh vực lâm nghiệp; Bản tin Kiểm lâm; Bản tin cảnh báo cháy rừng hàng ngày; Thông tin các điểm cháy (Hotspot) | Tự phát triển; họat động từ năm 2001 |
3. Tại các đơn vị khác
3.1 Vụ Khoa học Công nghệ
- Vụ Khoa học đã đặt hàng cho Trung tâm Tin học và Thống kê xây dựng 1 phần mềm phục vụ cho công tác quản lý khoa học-công nghệ trong Bộ, tuy vậy cho đến nay công việc xây dựng phần mềm vẫn chưa hoàn chỉnh, mọi công tác quản lý trong khoa học công nghệ vẫn đang thực hiện theo phương pháp thủ công truyền thống.
- Vụ đã xây dựng trang Web riêng (http://www.vnast.gov.vn ) trong hệ thống các trang Web của Bộ.
3.2 Trung tâm tin học và thống kê
Trung tâm hiện có 9 cán bộ chuyên về CNTT, hệ thống máy chủ, đường truyền đủ mạnh để vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trung tâm hiện đang vận hành trang Web http://www.agroviet.gov.vn của Bộ Nông nghiệp và PTNT
3.3 Văn phòng điều phối chương trình hỗ trợ ngành Lâm nghiệp (FSSP)
FSSP có 1 máy chủ đặt tại nhà A9, nối với mạng Bộ qua đường cáp quang. Văn phòng có 1 chuyên gia tin học quản lý hệ thống máy tính và các ứng dụng.
Các hệ thống thông tin mà FSSP đang có bao gồm:
a) Hệ thống Thông tin Giám sát Ngành Lâm nghiệp (FOMIS):
+ Cơ sở dữ liệu chỉ số giám sát ngành: Dữ liệu được thu thập theo bộ chỉ số giám sát Ngành Lâm nghiệp, gồm 36 chỉ số, đã cập nhật dữ liệu một lần năm 2004. Dữ liệu được thu thập từ các nguồn dữ liệu hiện có của các đơn vị trong Bộ NN&PTNT cũng như ở các Bộ, Ngành liên quan khác. Hiện tại, bộ chỉ số này đang được rà soát, chỉnh sửa và bổ sung. Bản dự thảo bộ chỉ số mới có khoảng 80 chỉ số, tổ chức theo dạng khung logic cả Ngành. Khung logic này được xây dựng dựa vào Chiến lược Lâm nghiệp quốc gia 2006-2020, Kế hoạch 5 năm của Ngành và Chương trình 661.
+ Cơ sở dữ liệu ODA trong Lâm nghiệp: Dữ liệu thu thập là thông tin về các dự án ODA trong Ngành Lâm nghiệp, bao gồm các thông tin chung của từng dự án, chi tiết các nguồn vốn hỗ trợ và những lĩnh vực cụ thể của Ngành mà dự án triển khai. Dữ liệu được thu thập thông qua Biểu thu thập dữ liệu được thiết kế trong MS Excel. Biểu này được gửi đến các Cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế quản lý hoặc tài trợ cho các dự án ODA của Ngành.
b) Trang web của FSSP (http://www.vietnamforestry.org.vn) được xây dựng năm 2004 và hiện vẫn đang hoạt động tương đối tốt. Đây là nơi chia sẻ thông tin hiệu quả của chương trình.
c) Hệ thống thông tin quản lý của Văn phòng điều phối (COMIS)
COMIS gồm 2 phần là cơ sở dữ liệu Contacts (Thông tin liên hệ) và cơ sở dữ liệu hoạt động của Văn phòng.
3.4 Viện khoa học Lâm nghiệp
Trong khuôn khổ dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ Công nghiệp hoá, hiện đại hoá Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đang xây dựng Cơ sở dữ liệu cây rừng Việt Nam và các bộ phần mềm chuyên ngành như sau:
- Phần mềm xác định vùng thích nghi của một số loài cây trồng rừng chính phục vụ cho chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng qua hệ thống thông tin đất rừng Việt Nam (VNSIS).
- Phần mềm về tài nguyên thực vật rừng Việt Nam qua các mô tả về cấu trúc cơ bản của cây như: lá, hoa, quả, thớ gỗ, vỏ cây, tính chất cơ, lý hoá gỗ…
Viện có Website http://www.fsiv.org.vn là địa chỉ cung cấp thông tin về một số công trình khoa học của Viện.
3.5 Viện điều tra Qui hoạch rừng
Trên cơ sở các dự án và chương trình đã được thực hiện trong thời gian qua, Viện hiện có một số cơ sở dữ liệu dưới dạng số và tư liệu giấy:
- Toàn bộ hệ thống bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng Việt Nam và các tỉnh ở các giai đoạn khác nhau.
- Hệ thống số liệu, tư liệu thu thập từ một số ô sơ cấp, ô định vị.
- Hệ thống bản đồ hiện trạng sử dụng đất cho hầu hết các tỉnh trên phạm vi toàn quốc.
- Hệ thống bản đồ được xây dựng từ ảnh vệ tinh Spot1;2, LandsatTM, ETM với độ phân giải 30x30 m dưới dạng số và giấy ảnh.
- Bản đồ qui hoạch sử dụng đất tỷ lệ 1/25.000 cho các xã lâm nghiệp trọng điểm.
- Biểu tăng trưởng của 24 loài cây rừng trồng và 53 loài cây rừng tự nhiên.
Hiện nay Viện đang đựơc Bộ đầu tư dự án xây dựng “Chương trình phân tích, tổng hợp số liệu tài nguyên rừng toàn quốc trên mạng LAN, WAN với mô hình cơ sở dữ liệu Client/Server”. Dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2006.
Viện có Website http://www.fipivn.org.vn cung cấp thông tin về một số công trình liên quan đến lĩnh vực điều tra quy hoạch.
Viện còn là một trong 3 cơ quan của Bộ tham gia Dự án “Hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Chức năng của dự án này là:
- Đảm bảo việc thu nhận, xử lý, cung cấp ảnh vệ tinh và phát triển ứng dụng cho các ngành ở Việt Nam.
- Vận hành hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường bằng ảnh vệ tinh ở Việt Nam
Các ảnh viễn thám sau khi thu sẽ được xử lý trên một nền địa hình số thống nhất toàn quốc và được cấp miễn phí sử dụng cho các đầu mối tham gia dự án.
3.6 Trường Đại học Lâm nghiệp
Hiện nay Trường Đại học Lâm nghiệp đã đầu tư và áp dụng các phần mềm phục vụ công tác quản lý học sinh, sinh viên, quản lý cán bộ, tài chính, quản lý tài sản, tuyển sinh đại học, xếp thời khóa biểu … Các phần mềm đều đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý của Nhà trường.
Nhà trường đã xây dựng hệ thống mạng LAN từ năm 2000 và liên tục được nâng cấp, hiện trường đang xây dựng Thư viện Điện tử. Nhà trường có 01 Bộ môn: “Trắc địa- Bản đồ” là bộ môn chuyên giảng dạy về GIS. Địa chỉ trang web của trường là http://www.vfu.edu.vn.
- Các hệ thống quản lý thông tin đã phát huy hiệu quả trong việc lưu trữ và khai thác thông tin. Việc có được nguồn thông tin chuẩn sẽ giúp tham mưu những qưyết định chính xác trong công tác điều hành quản lý.
- Đội ngũ công chức biết sử dụng máy tính, quản lý khai thác thông tin trên mạng tăng nhanh về số lượng. Tại các Cục, Vụ số lượng cán bộ biết sử dụng máy tính là 100 %, sử dụng email là khoảng 85 %. Tại các đơn vị cơ sở, do tỷ lệ máy tính/ người chưa cao, nên trình độ tin học phần nào còn hạn chế.
- Các trang Web về Lâm nghiệp là những địa chỉ tin cậy, cung cấp nhiều thông tin về quản lý, điều hành, tiến bộ kỹ thuật, phục vụ cho việc khai thác thông tin của cơ sở.
1. Thông tin còn phân tán, thiếu sự thống nhất
Ngành Lâm nghiệp hiện đang có nhiều nguồn dữ liệu, nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, nhưng hầu hết là nhỏ lẻ và nằm rãi rác ở các đơn vị, do đó người cần sử dụng hiện chưa thể tiếp cận ngay với các nguồn thông tin này. Thực tế này khiến cho việc tìm kiếm thông tin của ngành rất khó khăn và mất nhiều thời gian, kết quả tìm được từ nhiều nguồn đôi khi còn vênh nhau. Việc xây dựng một Hệ thống thông tin tích hợp tổng thể của Ngành là rất bức thiết. Tuy nhiên, việc này không thể thực hiện ngay được bởi các lý do sau:
- Thiếu các cơ chế quản lý thông tin một cách hiệu quả.
- Sự manh mún, nhỏ lẻ của các nguồn dữ liệu và các hệ thống thông tin hiện có.
- Dữ liệu không được thu thập theo bộ mã hành chính chung.
- Các khái niệm, định nghĩa, thuật ngữ chưa được chuẩn hoá nên không thống nhất được cách hiểu giữa các đơn vị.
- Dữ liệu không được định dạng theo một chuẩn về font (TCVN3, Unicode, VNI…), về cơ sở dữ liệu (FoxPro, Access, SQL Server...), về chuẩn GIS. Chính vì thiếu chuẩn GIS nên bản đồ số của các đơn vị trong ngành Lâm nghiệp với các ngành Nông nghiệp, Thủy lợi, và Tài nguyên môi trường khó tích họp được với nhau, không kế thừa được các thành quả của nhau.
- Việc thống kê, phân loại tài nguyên rừng chưa có sự thống nhất với hệ thống thống kê, phân loại của ngành tài nguyên và môi trường. Do sự khác nhau của các hệ thống phân loại rừng, đất rừng giữa các ngành có sự chồng chéo, mâu thuẫn nên việc quản lý, sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng chưa được thống nhất, đặc biệt là đối với việc phân loại đất chưa có rừng với đất chưa sử dụng, đất lâm nghiệp và đất nông nghiệp. Việc cập nhật, sử dụng dữ liệu không gian và phi không gian cần có sự thống nhất giữa các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương và đến tận cơ sở, theo một mẫu báo cáo hay phần mềm chuyên dùng thống nhất. Có như vậy mới nâng cao được quả trong quản lý tài nguyên rừng và các hoạt động của ngành lâm nghiệp.
2. Hạn chế trong công tác thống kê
Các phần mềm báo cáo thống kê chưa phát huy hết hiệu quả do chưa áp dụng đồng bộ tại tất cả tỉnh, một số tỉnh vẫn còn thói quen báo cáo bằng văn bản. Việc báo cáo không đều theo định kỳ, mẫu biểu không chuẩn, số liệu không thống nhất cũng là một nguyên nhân trở ngại cho hệ thống báo cáo thống kê. Mạng lưới cán bộ lâm nghiệp ở địa phương còn yếu và thiếu, đặc biệt là chưa có cán bộ lâm nghiệp cấp xã nên chưa nắm bắt được đầy đủ thông tin họat động trên địa bàn như tình trạng sử dụng đất lâm nghiệp, diện tích rừng do dân trồng.
3. Chưa quan tâm đến đào tạo
Chưa tổ chức đào tạo, trang bị kiến thức cho các đơn vị cơ sở cho dù nhu cầu này là rất lớn. Nhiều đơn vị mong muốn Bộ tổ chức các lớp tập huấn cơ bản và chuyên sâu về sử dụng các phần mềm như MS Office, các lớp phần mềm về kế toán, thống kê, đặc biệt là các lớp tập huấn về hệ thống thông tin địa lý GIS như sử dụng MapInfo, ArcView, … cho một số cán bộ chuyên môn. Đối tượng tập huấn bao gồm các cán bộ của Chi cục, cán bộ kỹ thuật của lâm trường, Ban quản lý.
4. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đảm bảo
Trang thiết bị máy tính phục vụ công việc tại các chi cục, ban quản lý rừng chưa đáp ứng được yêu cầu. Hình thức liên lạc giữa các chi cục với các lâm trường, ban quản lý chủ yếu qua đường công văn, Fax, điện thoại. Tốc độ truy cập các trang Web của Bộ còn chậm, thông tin đăng tải trên mạng chưa đầy đủ, kịp thời.
NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NGÀNH LÂM NGHIỆP ĐẾN NĂM 2010
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng hệ thống thông tin lâm nghiệp hiện đại, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng được các nhu cầu về thông tin trong quản lý Nhà nước, trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và của người dân.
2. Mục tiêu cụ thể
Mục tiêu 1: Tăng cường năng lực quản lý thông tin ngành
- Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với địa phương, giữa cơ quan quản lý với người dân.
- Củng cố mạng lưới thông tin liên lạc tại tất cả các đơn vị của ngành, sử dụng Email và Internet làm phương tiện trao đổi thông tin chính giữa các đơn vị. Trang thiết bị máy tính của các đơn vị đựơc triển khai phải đảm bảo yêu cầu.
- Nâng cao trình độ tin học cho đội ngũ cán bộ, tạo khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ mới nhằm đáp ứng yêu cầu cao về hiệu quả và chất lượng công việc.
- Phối hợp sử dụng cơ sở vật chất và nguồn lực con người nhằm tăng cường hiệu quả trong việc ứng dụng và phát triển CNTT.
Mục tiêu 2: Hỗ trợ quản lý
- Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực quản lý nhà nước và dịch vụ công, đưa CNTT thành một công cụ đắc lực phục vụ trực tiếp cho công tác chỉ đạo, điều hành của nhà nước.
- Hiện đại hóa công tác thống kê, phát huy hiệu quả với mức độ thuận tiện cao. Triển khai từng bước tại cả 3 cấp Bộ, Sở Nông nghiệp & PTNT, các lâm trường, ban quản lý rừng, hạt kiểm lâm. Thông tin về các dự án trồng rừng được quản lý chi tiết đến hộ dân, tài nguyên rừng được quản lý theo lô, khoảnh, tiểu khu. Sử dụng ảnh vệ tinh làm công cụ giám sát diễn biến rừng và cảnh báo sớm cháy rừng
- Tổ chức xây dựng và tích hợp các cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý điều hành và sử dụng chung trong ngành lâm nghiệp, cho phép trao đổi thông tin dễ dàng theo các chuẩn quy định với mạng diện rộng của Chính phủ.
Mục tiêu 3: Thông tin tiếp cận được với người dân
- Người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin mà họ cần biết để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả.
- Tạo ra các hình thức trao đổi thông tin giữa nhà nước với người dân, nâng cao chất lượng phục vụ cho mọi cá nhân, tổ chức bảo đảm tính minh bạch và công khai theo quy định của pháp luật.
Mục tiêu 4: Hội nhập quốc tế
Hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu, khách quan trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay. Xu thế hội nhập quốc tế cần thể hiện:
- Đẩy mạnh tiếp thu thành tựu khoa học công nghệ thế giới.
- Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin với các đối tác nước ngoài nhằm tranh thủ cơ hội và nguồn đầu tư cho ngành Lâm nghiệp.
II. PHẠM VI, TIẾN ĐỘ CỦA ĐỀ ÁN
1. Phạm vi
Đề án được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc, cụ thể như sau:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT: Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm Lâm, Vụ Khoa học công nghệ, Vụ Kế hoạch, Viện Điều tra qui hoạch rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp, Trung tâm Tin học và Thống kê, Trường Đại học Lâm nghiệp, Tổng công ty Lâm nghiệp, Công ty Giống Lâm nghiệp TW.
- Địa phương: Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Lâm nghiệp,Chi cục Kiểm lâm, hạt Kiểm lâm, lâm trường, ban quản lý rừng và các chủ quản lý rừng
- Một số hiệp hội, tổ chức khác có liên quan đến ngành lâm nghiệp.
2. Tiến độ
Tiến độ thực hiện đề án được chia thành 2 giai đoạn:
- Giai đoạn xây dựng: từ năm 2007 đến năm 2008, hoàn chỉnh việc xây dựng các phần mềm, thí điểm tại một số đơn vị cơ sở
- Giai đoạn triển khai: từ năm 2009 đến 2010, triển khai trên toàn quốc, đưa các hệ thống vào vận hành.
III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA ĐỀ ÁN
Mặc dù các hệ thống thông tin hiện có phần nào đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý. Tuy nhiên trước những yêu cầu trong thực tế, đòi hỏi phải nâng cao về chất lượng cũng như kỹ thuật để phù hợp với mặt bằng công nghệ chung của đất nước và khu vực, cần thực hiện những nhiệm vụ sau.
1. Xây dựng văn bản quy phạm
Để có cơ sở pháp lý và tạo thuận lợi cho việc triển khai đề án, phải xây dựng các văn bản về:
- Xây dựng mạng lưới cán bộ thông tin tại các tỉnh và các đơn vị cơ sở.
- Xây dựng văn bản quy định nhiệm vụ cung cấp thông tin và mối quan hệ trao đổi thông tin của các đơn vị trong ngành.
2. Phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT
- Từ nay đến hết năm 2010 trên cơ sở trang thiết bị hiện có, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc, nối mạng đến các Sở Nông nghiệp và PTNT, chi cục và các đơn vị cơ sở. Tuy nhiên, để tránh lãng phí đồng thời phát huy được hiệu quả phục vụ công việc, chỉ có những đơn vị làm tốt công tác quản lý, cập nhật hệ thống thông tin mới được trang bị.
- Xây dựng trạm máy chủ mạnh, là nơi tập trung lưu trữ các hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp, nâng cấp hệ thống mạng để tăng tốc độ truy cập các Website.
3. Xây dựng chương trình đào tạo cán bộ công chức về công nghệ thông tin
Để đảm bảo yêu cầu của công việc, đội ngũ cán bộ,công chức ở các cơ quan trong ngành cần được đào tạo phổ cập về tin học để nắm được kỹ năng làm việc trên máy tính. Mỗi cơ quan có ít nhất một cán bộ phụ trách thành thạo về lĩnh vực quản trị máy tính, điều hành mạng, xử lý thông tin. Trước mắt cần xây dựng chương trình đào tạo bài bản, nâng cao trình độ cho cán bộ CNTT ở các Sở/Chi cục, sau đó phối hợp với các chuyên viên này để mở các lớp tập huấn cho cán bộ của các đơn vị cơ sở như lâm trường, ban quản lý, hạt kiểm lâm. Chương trình đào tạo đuợc tổ chức hàng năm để đảm bảo sự ổn định trong việc vận hành các hệ thống thông tin, nhất là khi có sự thay đổi cán bộ phụ trách về CNTT.
Để trang bị đầy đủ kiến thức để phục vụ quản lý, chương trình đào tạo cần tập trung vào các chủ đề sau:
- Quản trị mạng, máy tính, phòng chống virus
- Sử dụng các phần mềm báo cáo thống kê..
- Khai thác thông tin từ các cơ sở dữ liệu của ngành
- Sử dụng các phần mềm GIS trong công tác thiết kế lâm sinh, khai thác điều chế rừng...
- Tập huấn và hỗ trợ công cụ về việc chuyển đổi qua lại giữa các hệ qui chiếu trong xây dựng bản đồ lâm nghiệp.
4. Tăng cường năng lực các hệ thống thông tin phục vụ quản lý, điều hành.
4.1. Hiện đại hóa công tác thống kê
4.1.1 Cục Lâm nghiệp
Phần mềm thống kê mới (thay thế cho chương trình báo cáo nhanh dự án 661 được xây dựng từ năm 1998) đã đựơc xây dựng và đưa vào họat động trong mạng nội bộ tại Cục Lâm nghiệp từ đầu năm 2006. Hệ thống chỉ tiêu đã được chỉnh sửa lại để phù hợp với các chỉ tiêu thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT và phục vụ cho công tác quản lý ngành. Trên cơ sở số liệu của chương trình cũ chuyển sang, phần mềm thống kê đã phát huy hiệu quả trong việc rút ngắn thời gian xử lý số liệu, in ấn các biểu báo cáo đầu ra. Để hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 hệ thống báo cáo thống kê lâm nghiệp thống nhất từ TW tới cơ sở, cần tiếp tục thực hiện những việc sau:
- Xây dựng hệ thống thống kê lâm nghiệp tại các cấp với những mục đích sau:
+ Tại các ban quản lý dự án trồng rừng cơ sở, hệ thống thống kê có chức năng thay thế phương pháp lưu trữ thông tin về các hộ nhận khoán bằng sổ sách, giúp cho cơ sở quản lý những thông tin này trên máy tính tiện cho việc khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn thông tin qua nhiều năm.
+ Tại Cục Lâm nghiệp và các chi cục Lâm nghiệp, hệ thống giúp quản lý nguồn thông tin về các họat động lâm nghiệp trên địa bàn, tự động hóa qui trình cập nhật số liệu.
- Triển khai hệ thống theo tiến độ :
+ Trong năm 2006, tổ chức triển khai hệ thống báo cáo thống kê cho các Sở, Chi cục trên phạm vi toàn quốc. Kết nối với trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ.
+ Năm 2007: Sửa lỗi, hoàn thiện hệ thống, tổ chức đánh giá hiệu quả dựa trên thông tin phản hồi từ các tỉnh. Khảo sát, tổ chức thí điểm triển khai phần mềm báo cáo cấp cơ sở tại một số lâm trường để quản lý chi tiết tới từng hộ nhận khoán.
+ Từ năm 2008 tới 2010: Tùy theo khả năng và điều kiện, có thể mở rộng dần việc triển khai sang các lâm trường, ban quản lý rừng khác trên phạm vi toàn quốc.
- Nội dung cần thống kê:
+ Các chỉ tiêu của dự án trồng mới 5 triệu ha rừng : trồng mới, khoanh nuôi, khoán bảo vệ, chăm sóc... được thực hiện bởi các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách, vốn nước ngoài, các doanh nghiệp, hộ dân.
+ Giao rừng, cho thuê rừng.
+ Khai thác rừng tự nhiên, rừng trồng.
+ Công tác chuẩn bị giống.
4.1.2 Cục Kiểm Lâm
Cục Kiểm Lâm đã triển khai các phần mềm báo cáo thống kê về diễn biến rừng, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tổ chức ...trên toàn lực lượng. Tuy nhiên do một số chi cục vẫn báo cáo theo đường công văn nên trong thời gian tới để tiến tới tin học hóa hoàn toàn công tác thống kê., Cục Kiểm lâm cần thực hiện:
- Đẩy mạnh việc triển khai tới các đơn vị chưa sử dụng phần mềm
- Hiện đại hóa trang thiết bị thông tin liên lạc để phục vụ kịp thời cho công tác bảo vệ rừng.
4.2 Xây dựng hệ thống thông tin quản lý tài nguyên rừng
Giai đoạn hiện nay, việc áp dụng công nghệ thông tin để quản lý, lưu trữ bộ bản đồ hiện trạng sử dụng đất rừng và rừng trồng đối với từng hộ gia đình, từng địa phương trong hệ thống thông tin địa lý hứa hẹn mang lại hiệu quả thiết thực trong việc hoạch định chiến lược khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên rừng và đất rừng. Vì vậy cần xây dựng 1 hệ thống thông tin tổng hợp về tài nguyên rừng trên cơ sở nguồn thông tin từ các lâm trường, ban quản lý rừng, hạt kiểm lâm, và các cơ sở dữ liệu của Viện Điều tra Qui hoạch rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp. Các thành phần của hệ thống này bao gồm:
+ Cơ sở dữ liệu về diễn biến rừng. (phần mềm của Cục Kiểm Lâm đã triển khai đến các Hạt Kiểm Lâm)
+ Cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng (Cục Lâm nghiệp triển khai đến các đơn vị cơ sở, nội dung bao gồm thông tin về chủ rừng, lô rừng, diện tích, năm trồng, tỷ lệ trồng, tỷ lệ sống ... để từ đó xác định trữ lượng rừng, giá trị lô rừng, hỗ trợ công tác quản lý điều chế và khai thác rừng).
+ Nội dung của các công trình điều tra cơ bản.
+ Cơ sở dữ liệu về tài nguyên động, thực vật rừng, lâm sản ngoài gỗ.
+ Cơ sở dữ liệu về đất rừng Việt Nam.
Đây là một hệ thống thông tin khá phức tạp vừa đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị trong ngành, vừa phải đựơc cập nhật thường xuyên từ cơ sở lên. Lộ trình xây dựng hệ thống này là:
+ Năm 2007-2008, tiến hành xây dựng các thành phần mới, ghép nối với các cơ sở dữ liệu đã có, thí điểm tại một số tỉnh.
+ Năm 2009 -2010: triển khai từng bước sang các tỉnh khác.
4.3 Phát triển các hệ thống thông tin khác
- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý giống để tiến tới áp dụng qui trình đảm bảo chất lượng vào hoạt động kinh doanh giống cây lâm nghiệp được công nhận tại 55 tỉnh. Trong năm 2006 sẽ triển khai hệ thống quản lý giống lâm nghiệp cho các Sở Nông nghiệp và PTNT. Năm 2007, xây dựng qui trình đăng ký kinh doanh giống qua mạng, triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.
- Xây dựng hệ thống thông tin về lâm sản ngoài gỗ.
- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý các họat động nghiên cứu khoa học.
- Hoàn thiện, bổ sung các nguồn thông tin sau trên Website.
+ Xây dựng trang thông tin tiếng Anh, cung cấp thông tin về đường lối chính sách phục vụ cho lĩnh vực hợp tác quốc tế.
+ Xây dựng trang thông tin hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc mua, bán các sản phẩm gỗ và lâm sản.
+ Hệ thống các văn bản qui phạm pháp luật ngành lâm nghiệp được cập nhật kịp thời và đầy đủ.
+ Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ thông qua các Website, góp phần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong các lĩnh vực, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công cuộc bảo vệ và phát triển rừng..
+ Sử dụng diễn đàn (forum) làm công cụ trao đổi thông tin trực tuyến giữa Trung ương và cơ sở, giữa nhà nước với người dân.
5. Tổng hợp, liên kết và chuẩn hóa các nguồn dữ liệu
Tập hợp các nguồn thông tin đã có hiện đang nằm phân tán tại các đơn vị trong ngành, liên kết lại để tạo ra một trung tâm dữ liệu của Ngành. Mục đích của Trung tâm này nhằm đáp ứng ngay nhu cầu truy cập và sử dung thông tin hiện tại của Ngành, và làm cơ sở cho việc thiết kế hệ thống tổng thể, từng bước chuẩn hoá về dữ liệu, định dạng và công nghệ.
Trung tâm tích hợp dữ liệu của ngành trong giai đoạn 2006-2010 bao gồm các nguồn thông tin sau:
- Một số thông tin của các Bộ ngành khác như: Bộ Tài nguyên Môi trường (Cơ sở dữ liệu về đất lâm nghiệp), Tổng cục thống kê.
- Cơ sở dữ liệu về điều tra,qui hoạch
- Cơ sở dữ liệu về diễn biến rừng
- Cơ sở dữ liệu về văn bản pháp qui lâm nghiệp
- Cơ sở dữ liệu về khoa học, công nghệ
- Cơ sở dữ liệu về giống lâm nghiệp
- Cơ sở dữ liệu về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng
- Cơ sở dữ liệu về khai thác, điều chế rừng
- Cơ sở dữ liệu về lâm sản ngoài gỗ
- Cơ sở dữ liệu quản lý các dự án quốc tế (ODA)
Thống nhất các chuẩn về bộ mã hành chính, GIS. Sử dụng chung lớp bản đồ nền tỷ lệ 1/50.000, hệ chiếu VN2000 mà Bộ Tài nguyên Môi trường đã công bố. Đây có thể coi là điều kiện tiên quyết để các bản đồ số chuyên đề có thể trao đổi với nhau trong và ngoài ngành Lâm nghiệp.
1. Về tổ chức
- Xây dựng các tổ công nghệ thông tin ở Cục Kiểm Lâm và Cục Lâm nghiệp đủ mạnh để có thể vận hành và triển khai các hệ thống thông tin tại địa phương.
- Xây dựng mạng lưới cán bộ lâm nghiệp tại các huyện, xã phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất.
2. Về đào tạo
- Nâng cao nhận thức về CNTT: Thông qua các hội nghị, hội thảo chuyên đề về CNTT nhằm nâng cao nhận thức về CNTT cho lãnh đạo để đẩy mạnh tiến trình tin học hóa tại các đơn vị trong ngành.
- Đào tạo chuyên sâu đội ngũ chuyên viên tin học của các Sở, Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm, trở thành lực lượng nòng cốt để quản trị và phát triển hệ thống tới các đơn vị cơ sở.
3. Về công nghệ
Do trong đề án có nhiều hệ thống được triển khai tới các đơn vị cơ sở , đồng thời lại phải liên kết với trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ, vì vậy giải pháp về mặt công nghệ để xây dựng các dự án thành phần như sau:
3.1 Phần cứng : Tận dụng hệ thống thiết bị hiện có, ưu tiên đầu tư cho những đơn vị cơ sở chưa có hoặc thiếu máy tính để làm việc.
3.2 Phần mềm:
- Các hệ thống tổng hợp thông tin tại Bộ được thiết kế để có thể họat động trong môi trường mạng, xây dựng cơ cấu phân quyền truy cập phục vụ cho việc chia sẻ thông tin.
- Các hệ thống cập nhật dữ liệu triển khai tại cơ sở được thiết kế thuận tiện, dễ sử dụng để phù hợp với mặt bằng trình độ chung.
4. Về kinh phí
- Ưu tiên kinh phí cho ứng dụng và phát triển CNTT; Khuyến khích các tổ chức quốc tế đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT.
- Phối hợp chặt chẽ giữa việc triển khai Đề án CNTT của ngành với các dự án CNTT khác của Bộ và địa phương.
1. Tổ chức quản lý Đề án:
Thành lập Ban Điều hành Đề án “Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ngành lâm nghiệp đến 2010” gồm: một Thứ trưởng làm Trưởng Ban, các Uỷ viên là lãnh đạo các Cục, các Vụ có liên quan, Trung tâm tin học và thống kê.
Ban Điều hành Đề án có nhiệm vụ: tổ chức thực hiện Đề án; kiểm tra việc thực hiện tin học hoá quản lý hành chính nhà nước của các đơn vị trong ngành; đề xuất các biện pháp, chính sách để bảo đảm xây dựng và tích hợp được các nguồn thông tin dữ liệu trong quá trình quản lý, điều hành; xây dựng quy chế quản lý, khai thác thông tin .
2. Phân công trách nhiệm:
Trên cơ sở mục tiêu của đề án đặt ra, việc xây dựng các dự án cụ thể cần phải được triển khai thống nhất, có sự liên hệ chặt chẽ giữa các đơn vị để đảm bảo hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ cho các đơn vị như sau:
- Cục Lâm nghiệp là cơ quan thường trực của Ban Điều hành Đề án, chịu trách nhiệm giúp Ban Điều hành tổ chức điều phối, hướng dẫn xây dựng và triển khai Đề án tại các đơn vị trong ngành; tích hợp các cơ sở dữ liệu để cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước và các đối tượng nghiên cứu khác; chủ trì xây dựng các hệ thống thông tin quản lý những cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo chức năng nhiệm vụ Bộ đã giao; chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm căn cứ pháp lý cho việc trao đổi, khai thác thông tin trong ngành lâm nghiệp.
- Cục Kiểm lâm chủ trì các dự án thuộc chức năng nhiệm vụ được Bộ giao, triển khai đến lực lượng Kiểm lâm trên phạm vi toàn quốc.
- Trung tâm tin học và thống kê: Lồng ghép, phối hợp chặt chẽ giữa việc triển khai đề án Công nghệ thông tin của ngành Lâm nghiệp với các chương trình 112 của Chính phủ, dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ Công nghiệp hoá, hiện đại hoá Nông nghiệp và PTNT” của Bộ.
- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức xây dựng các dự án tăng cường năng lực công nghệ thông tin trình UBND Tỉnh phê duyệt.
Tổng kinh phí dự kiến là 30.666 triệu đồng, trong đó:
- Xây dựng cơ sở hạ tầng: 11.240 triệu đồng.
- Xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin: 10.580 triệu đồng.
- Tích hợp, chuẩn hóa nguồn số liệu: 3.000 triệu đồng.
- Xây dựng nguồn nhân lực: 4.100 triệu đồng.
- Xây dựng dự án: 300 triệu đồng.
- Kinh phí quản lý: 1.446 triệu đồng.
Nguồn vốn đầu tư:
- Vốn ngân sách Trung ương: 3.140 triệu đồng chiếm 10% tổng kinh phí, chủ yếu đầu tư các hạng mục: hệ thống máy chủ, máy tính, đường truyền Internet tại cơ quan Bộ, chuyển đổi hệ bản đồ số.
- Vốn ngân sách địa phương: 14.500 triệu đồng, chiếm 47 % tổng kinh phí, chủ yếu đầu tư xây dựng các hạng mục: trang thiết bị máy tính tại cơ sở, kinh phí cập nhật thông tin cho hệ thống quản lý tài nguyên rừng.
- Vốn nước ngoài: 13.026 triệu đồng, chiếm 43 % tổng kinh phí. Kêu gọi quốc tế đầu tư cho một số hạng mục: xây dựng các hệ thống thông tin trong ngành, đào tạo, tập huấn triển khai tại các đơn vị cơ sở, tích hợp liên kết thông tin.
(Chi tiết theo biểu đính kèm)
Quyết định 3427/QĐ-BNN-LN năm 2006 phê duyệt đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ngành lâm nghiệp đến năm 2010 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 3427/QĐ-BNN-LN
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/11/2006
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Cao Đức Phát
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/11/2006
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định