Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3413/QĐ-UBND

Phú Thọ, ngày 27 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2013-2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị;

Căn cứ Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị;

Căn cứ Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 83/TTr-SXD ngày 23 tháng 12 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2013-2020 với những nội dung chính như sau:

1. Tên chương trình: Chương trình phát triển đô thị tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2013-2020.

2. Nội dung chương trình:

2.1. Phạm vi nghiên cứu:

Ch­ương trình nghiên cứu trong giới hạn phạm vi các đô thị và các điểm dân cư có thể nâng cấp thành đô thị gồm :

+ Các đô thị hiện hữu: 01 đô thị loại I (thành phố Việt Trì), 01 đô thị loại III (thị xã Phú Thọ), 10 thị trấn huyện lỵ bao gồm: Thị trấn Đoan Hùng, thị trấn Hạ Hoà, thị trấn Thanh Ba, thị trấn Sông Thao, thị trấn Lâm Thao, thị trấn Hưng Hoá, thị trấn Thanh Sơn, thị trấn Phong Châu, thị trấn Thanh Thủy, thị trấn Yên Lập và 01 thị trấn thương mại, dịch vụ của huyện Lâm Thao (thị trấn Hùng Sơn).

+ Các khu vực tập trung dân cư dự kiến hình thành đô thị mới giai đoạn 2013 - 2020 gồm 08 xã: Tây Cốc (huyện Đoan Hùng); Phú Lộc (huyện Phù Ninh); Vạn Xuân (xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông); Hương Cần (huyện Thanh Sơn); Tân Phú, Thu Cúc ( huyện Tân Sơn); Phương Xá (huyện Cẩm Khê); Hiền Lương (huyện Hạ Hòa).

2.2. Mục tiêu phát triển đô thị giai đoạn 2013-2020:

a) Mục tiêu tổng quát:

- Thực hiện Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012- 2020; Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVII; Thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị và điểm dân cư nông thôn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 và các định hướng phát triển các Quy hoạch chuyên ngành khác trên địa bàn tỉnh.

- Làm căn cứ để huy động các nguồn lực và quản lý đầu tư phát triển đô thị; Kiểm soát phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh theo phân loại, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới đô thị tỉnh phù hợp với giai đoạn phát triển của tỉnh. Xác định các động lực tạo điều kiện cho hệ thống đô thị vùng tỉnh phát triển.

- Xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại và đồng bộ. Nâng cao chất lượng sống và nâng tỷ lệ đô thị hóa tại các đô thị. Tăng cường sức cạnh tranh giữa các đô thị trong tỉnh với các đô thị trong khu vực.

b) Mục tiêu cụ thể:

*) Giai đoạn từ năm 2013-2015:

- Về hệ thống đô thị:

+ Hệ thống đô thị toàn tỉnh đến năm 2015 gồm: 01 đô thị loại I (thành phố Việt Trì), 01 đô thị loại III (thị xã Phú Thọ) và 12 đô thị loại V (thành lập mới 01 đô thị: thị trấn Tân Phú).

+ Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 26%, hệ thống đô thị toàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và có cấp quản lý hành chính đô thị đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển.

- Về chất lượng đô thị: Đạt và vượt các chỉ tiêu về chất lượng đô thị so với mục tiêu đề ra của Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020.

*) Giai đoạn từ năm 2016-2020:

- Về hệ thống đô thị:

Hệ thống đô thị toàn tỉnh đến năm 2020 gồm: 01 đô thị loại I (thành phố Việt Trì), 01 đô thị loại II (thành phố Phú Thọ), thành lập mới 03 đô thị loại IV (Phong Châu, Thanh Ba, Thanh Sơn) và 16 đô thị loại V (thành lập mới 07 đô thị: Tây Cốc, Phú Lộc, Vạn Xuân, Hương Cần, Thu Cúc, Hiền Lương và Phương Xá).

Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 36%, hệ thống đô thị toàn tỉnh đảm bảo chất lượng phù hợp với loại đô thị và cấp quản lý hành chính đô thị.

- Về chất lượng đô thị: Đạt và vượt các chỉ tiêu về chất lượng đô thị so với mục tiêu đề ra của Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020.

2.3. Nhiệm vụ:

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã xây dựng chương trình phát triển đô thị, lồng ghép với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác trên địa bàn để đảm bảo mạng lưới đô thị toàn tỉnh phát triển bền vững.

- Đảm bảo quá trình đô thị hóa và phát triển gắn với tăng trưởng kinh tế của mỗi địa phương.

- Phát triển nhà ở tại các đô thị: Đảm bảo theo chương trình phát triển nhà ở đô thị tỉnh Phú Thọ đến 2020 đã được phê duyệt.

- Cải tạo chỉnh trang và nâng cấp đô thị: Triển khai tổ chức lập và thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đối với các đô thị hiện hữu. Rà soát các quy hoạch đã có để lập điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

- Quản lý phát triển đô thị mới và khu vực phát triển đô thị:

+ Các đô thị phát triển mới theo dự kiến phải tuân thủ Chương trình phát triển đô thị tỉnh, phù hợp với tình hình thực tế phát triển của mỗi địa phương, các quy định pháp luật về việc phát triển đô thị mới.

+ Các khu vực phát triển đô thị phải tuân thủ quy hoạch và bảo đảm phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị theo từng giai đoạn đầu tư xây dựng.

+ Các khu vực phát triển đô thị phải đảm bảo hình thái kiến trúc cảnh quan, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái, đất nông nghiệp và rừng.

+ Rà soát đánh giá hiệu quả sử dụng đất tại các đô thị hiện hữu và các khu vực phát triển đô thị.

- Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị: Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm giao thông, cấp nước, thoát nước, quản lý chất thải rắn, cấp điện - chiếu sáng, cây xanh đô thị và môi trường cảnh quan đồng bộ và phù hợp theo yêu cầu từng giai đoạn phát triển của chương trình.

2.4. Định hướng chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2013-2020:

*) Giai đoạn 2013-2015: Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cho các đô thị có tầm ảnh hưởng lớn đối với vùng và tỉnh gồm:

- Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Việt Trì theo hướng hoàn thiện các chỉ tiêu chưa đạt điểm và các chỉ tiêu đã đạt điểm nhưng chưa đạt điểm tối đa theo tiêu chuẩn quy định của đô thị loại I.

- Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thị xã Phú Thọ theo hướng hoàn thiện các chỉ tiêu chưa đạt điểm và các chỉ tiêu đã đạt điểm nhưng chưa đạt điểm tối đa theo tiêu chuẩn quy định của đô thị loại III; lập và thực hiện đề án nâng cấp thị xã Phú Thọ thành thành phố (đô thị loại III) trực thuộc tỉnh Phú Thọ trong năm 2016 để có cơ sở đề nghị công nhận là thành phố (đô thị loại II) vào năm 2020.

- Thị trấn Thanh Ba (huyện Thanh Ba): Rà soát lại quy hoạch chung xây dựng, trong đó đánh giá và khoanh vùng khu vực xảy ra tình trạng sụt lún để lựa chọn giải pháp phù hợp.

- Thị trấn Phong Châu (huyện Phù Ninh) và thị trấn Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn): Thực hiện rà soát hiện trạng hạ tầng đô thị so với các chỉ tiêu của đô thị loại V, từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị theo hướng đạt tiêu chuẩn của đô thị loại IV; phấn đấu trong giai đoạn 2013-2015 đạt từ 50-60 điểm so với tiêu chuẩn của đô thị loại IV.

- Các đô thị gồm thị trấn Đoan Hùng (huyện Đoan Hùng), thị trấn Hạ Hòa (huyện Hạ Hòa), thị trấn Sông Thao (huyện Cẩm Khê), thị trấn Lâm Thao, thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao), thị trấn Hưng Hóa (huyện Tam Nông), thị trấn Yên Lập (huyện Yên Lập): Thực hiện rà soát hiện trạng hạ tầng đô thị so với các chỉ tiêu của đô thị loại V. Giai đoạn 2013-2015 phấn đấu đầu tư xây dựng để cơ bản hoàn thiện các tiêu chuẩn của đô thị loại V (đạt từ 70-85 điểm so với tiêu chuẩn).

- Xã Tân Phú - Trung tâm huyện lỵ huyện Tân Sơn: Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng các chỉ tiêu của đô thị loại V. Tiến hành lập đề án thành lập thị trấn Tân Phú trong năm 2015.

- Thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy: Khai thác tối đa hiệu quả thu hút đầu tư vào địa bàn để tiến hành lập quy hoạch chi tiết, đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị đạt và vượt tiêu chuẩn của đô thị loại V, đưa thị trấn Thanh Thủy trở thành đô thị trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của tỉnh Phú Thọ.

*) Giai đoạn 2016-2020:

- Tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Việt Trì theo hướng đạt và vượt các chỉ tiêu của đô thị loại I và phấn đấu đạt từ 95-100 điểm theo tiêu chuẩn.

- Tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố Phú Thọ theo hướng hoàn thiện các chức năng của đô thị đạt và vượt các tiêu chuẩn của đô thị loại III, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn đô thị loại II trong năm 2020.

- Các thị trấn Thanh Ba (huyện Thanh Ba), Phong Châu (huyện Phù Ninh) và Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn): Thực hiện rà soát hiện trạng hạ tầng đô thị so với các chỉ tiêu của đô thị loại IV, tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị theo hướng đạt tiêu chuẩn của đô thị loại IV. Giai đoạn 2016-2018 đạt từ 70-85 điểm đối với tiêu chuẩn của đô thị loại IV. Giai đoạn 2018-2020 tiến hành lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị để có cơ sở phân định ranh giới nội - ngoại thị, lập đề án công nhận đô thị loại IV và nâng cấp trở thành thị xã.

- Thị trấn Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy): Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị đạt và vượt tiêu chuẩn của đô thị loại V, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn của đô thị loại IV (phấn đấu đạt từ 75-80 điểm so với tiêu chuẩn), chuẩn bị các điều kiện nâng cấp đô thị thành đô thị loại IV trong giai đoạn sau năm 2020.

- Các đô thị: Thị trấn Đoan Hùng, thị trấn Hạ Hòa, thị trấn Sông Thao, thị trấn Lâm Thao, thị trấn Hùng Sơn, thị trấn Hưng Hóa, thị trấn Yên Lập và thị trấn Tân Phú: Tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị đạt đủ các chỉ tiêu của đô thị loại V (giai đoạn 2016-2020 phấn đấu đạt từ 85-100 điểm so với tiêu chuẩn).

- Đối với 07 điểm tập trung dân cư dự kiến phát triển trở thành đô thị loại V gồm Tây Cốc, Phú Lộc, Vạn Xuân, Hương Cần, Thu Cúc, Phương Xá, Hiền Lương: Giai đoạn 2016-2017 tiến hành lập đồ án quy hoạch chung xây dựng để có cơ sở triển khai thực hiện đầu tư xây dựng theo định hướng trở thành đô thị loại V.

2.5. Nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị:

- Nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị giai đoạn 2013-2015 khoảng 20,73 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 khoảng 39,23 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách cân đối đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật dự kiến khoảng (40-50)%, (50-60)% còn lại là vốn huy động doanh nghiệp và huy động khác.

- Các khu vực ưu tiên đầu tư:

+ Tập trung đầu tư các tuyến đường giao thông đô thị thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ; các không gian vui chơi, quảng trường, công viên.

+ Hạ tầng các khu đô thị mới và cơ sở hạ tầng thiết yếu khu trung tâm đô thị: Tập trung cho các đô thị định hướng nâng cấp lên đô thị loại IV và lên thị xã trong giai đoạn 2016 - 2020 gồm Thị trấn Thanh Sơn, Thị trấn Phong Châu, Thị trấn Thanh Ba; đô thị định hướng nâng cấp lên đô thị loại V trong giai đoạn 2013 - 2015: Thị trấn Tân Phú; đô thị định hướng nâng cấp lên đô thị loại IV và lên thị xã trong giai đoạn sau năm 2020: Thị trấn Thanh Thủy.

- Đầu tư khung diện rộng trong các ngành như giao thông, mạng lưới điện, hệ thống thông tin truyền thông, thương mại dịch vụ, hạ tầng sản xuất, hạ tầng xã hội thực hiện theo định hướng quy hoạch các ngành đã có.

- Bố trí nguồn vốn phục vụ khảo sát, lập các quy hoạch xây dựng đô thị: Ưu tiên công tác khảo sát, lập xét duyệt quy hoạch, các đề án nghiên cứu phát triển đô thị.

2.6. Giải pháp thực hiện:

a) Giải pháp xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch:

- Lập và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các đô thị hiện hữu cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế của đô thị. Lập và hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị, các thị trấn, thị tứ, các điểm tập trung dân cư, các khu vực có khả năng phát triển hoặc có khả năng kêu gọi và thu hút nguồn vốn đầu tư.

- Ban hành quy chế quản lý theo quy hoạch, trong đó quan tâm đến giải pháp công bố quy hoạch xây dựng để nhân dân biết, thực hiện. Ban hành Quy chế quản lý kiến trúc, cảnh quan cho từng đô thị.

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng theo quy hoạch đô thị trên địa bàn toàn tỉnh.

b) Giải pháp xây dựng mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị:

Xây dựng mô hình quản lý đô thị đảm bảo hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý phát triển đô thị bền vững. Tăng cường lực lượng cán bộ có năng lực cho chính quyền các đô thị. Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn. Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo và biên chế cho cấp phường, thị trấn và đặc biệt biên chế nhân sự cho các đơn vị hành chính xã nằm trong dự kiến phát triển.

c) Giải pháp huy động các nguồn lực:

Ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư đủ hấp dẫn để huy động vốn phát triển hạ tầng đô thị, chú trọng xã hội hóa đầu tư xây dựng.

Tranh thủ sự ủng hộ và tạo điều kiện của các Bộ ngành, Trung ương về nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng diện rộng. Huy động Ngân sách địa phương cùng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo cho việc thực hiện các nhiệm vụ của chương trình.

d) Giải pháp xây dựng nếp sống văn minh đô thị:

- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về mục tiêu quản lý phát triển đô thị, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc xây dựng đô thị văn minh hiện đại và phát triển bền vững.

- Xây dựng các mô hình văn minh đô thị để vận động, khuyến khích cộng đồng dân cư đô thị tham gia.

e) Xác định các mục tiêu ưu tiên đầu tư:

Các cấp chính quyền đô thị xây dựng kế hoạch đầu tư và lựa chọn danh mục các công trình ưu tiên đầu tư để triển khai thực hiện hàng năm, lựa chọn các dự án có tiềm năng, có sức hấp dẫn để thu hút đầu tư; đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa đầu tư.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Xây dựng:

- Chủ trì triển khai công bố Chương trình phát triển đô thị tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2013-2020.

- Chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển đô thị cho từng giai đoạn cụ thể đến các địa phương. Giám sát việc thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng đô thị tại các đô thị trên địa bàn tỉnh theo đúng tiến độ.

- Hướng dẫn quy trình lập các đề án phân loại đô thị, đề án nâng cấp đô thị theo quy định pháp luật hiện hành. Đề xuất, tham mưu và lập kế hoạch phát triển các điểm dân cư tập trung có xu hướng phát triển trở thành đô thị loại V cho UBND tỉnh để có cơ sở lập đề án phân loại đô thị.

- Tổ chức hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị trong công tác lập và phê duyệt và quản lý các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị; kể cả các khu vực dân cư đô thị chỉnh trang, đảm bảo định hướng phát triển đô thị theo mục tiêu đề ra.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án thuộc chương trình, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

- Tổ chức sơ kết tình hình thực hiện cho từng giai đoạn (3 năm một lần) thực hiện Chương trình để rút kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị nghiên cứu, tham mưu đề xuất quy định về cơ chế vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng vốn ngân sách.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất phương án vận động thu hút nguồn vốn ODA cho các hoạt động của Chương trình, tổ chức xúc tiến đầu tư phát triển đô thị từ các nguồn vốn hợp pháp trong nước và quốc tế.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính đề xuất với UBND tỉnh, hướng dẫn cơ chế ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển đô thị theo các mục tiêu nhiệm vụ của chương trình.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan rà soát đánh giá hiệu quả sử dụng đất tại các đô thị hiện hữu và các địa phương dự kiến nâng cấp, phát triển đô thị.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương xác định ranh giới, diện tích đất trồng lúa, đặc biệt là đất trồng lúa nước cần được bảo vệ nghiêm ngặt làm cơ sở cho phát triển đô thị.

4. Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thành, thị tham mưu, đề xuất nguồn vốn cho công tác phát triển đô thị.

- Phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành liên quan dự thảo, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành giá cho thuê nhà ở xã hội xây dựng từ vốn ngân sách; quy trình thẩm định giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội xây dựng không phải từ vốn ngân sách nhà nước, giá cho thuê nhà ở công vụ; giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì phối hợp các sở, ban ngành, huyện thành thị tham mưu đề xuất với UBND tỉnh thành lập quỹ phát triển đô thị.

5. Sở Nội vụ:

Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, các Sở ban ngành, huyện, thành, thị hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý và phát triển đô thị trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả các nội dung Chương trình phát triển đô thị đã đề ra.

6. Sở Giao thông Vận tải:

Lập kế hoạch và thực hiện phát triển mạng lưới giao thông toàn tỉnh theo định hướng Quy hoạch phát triển Hệ thống giao thông vận tải tỉnh đến năm 2030 đã phê duyệt phù hợp với Chương trình phát triển đô thị theo từng giai đoạn để đảm bảo kết nối giữa các đô thị trên địa bàn được thuận lợi và thông suốt.

7. Các sở, ban, ngành liên quan:

Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và chỉ đạo thực hiện các chính sách liên quan đến quản lý phát triển đô thị.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị:

- Tổ chức triển khai thực hiện và chỉ đạo thực hiện Chuơng trình phát triển đô thị giai đoạn 2013-2020 tới các đô thị, điểm dân cư tập trung trên địa bàn mình quản lý có trong danh mục định hướng phát triển.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức rà soát, đánh giá tính chất, chức năng các đô thị và các điểm dân cư trong chương trình; đối chiếu với các tiêu chí phân loại đô thị để làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng đề án phân loại, nâng cấp đô thị theo từng giai đoạn đề ra.

- Tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị hiện hữu và các khu vực dự kiến phát triển đô thị trên địa bàn mình quản lý.

9. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

- UBND các phường, thị trấn và các xã dự kiến phát triển thành đô thị tổ chức triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung Chuơng trình phát triển đô thị giai đoạn 2013-2020 tới cộng đồng dân cư trên địa bàn để vận động sự ủng hộ của cộng đồng thực hiện xây dựng chương trình.

- UBND các thị trấn chưa được xếp loại đô thị tiến hành xây dựng hoàn thiện đề án công nhận đô thị loại V trong năm 2013-2014.

- UBND các xã nằm trong danh mục dự kiến phát triển tổ chức rà soát đánh giá thực trạng theo các tiêu chuẩn thành lập đô thị, báo cáo UBND cấp huyện để tiến hành đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn, xây dựng đề án thành lập đô thị phù hợp với từng giai đoạn đề ra trong chương trình.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng cơ quan các sở, ngành; UBND huyện, thành, thị và các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thực hiện. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

Nơi nhận :
- Như điều 3;
- CT, các PCT;
- CVP, PCVP (Ô. Xuyên);
- CVNCTH;
- Lưu VT, KT2(80b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Cúc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3413/QĐ-UBND Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2013-2020

  • Số hiệu: 3413/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/12/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Nguyễn Đình Cúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản