Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 340/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 24 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CHUYỂN ĐỔI BAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ QUẾ PHONG THÀNH BAN QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN PÙ HOẠT

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý rừng đặc dụng và Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;

Trên cơ sở Công văn số 3397/BNN-TCLN ngày 04/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chuyển đổi Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2778/TTr-SNN ngày 26/12/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án chuyển đổi Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ và các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục chuyển đổi Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt theo đúng quy trình, quy định hiện hành.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ; Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hồ Đức Phớc

 

ĐỀ ÁN

CHUYỂN ĐỔI BAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ QUẾ PHONG THÀNH BAN QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN PÙ HOẠT
(Kèm theo Quyết định số 340/QĐ-UBND ngày 24/01/2013 của UBND tỉnh Nghệ An)

ĐẶT VẤN ĐỀ

Quế Phong là một trong những huyện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất tỉnh Nghệ An với 177.727,4 ha (chiếm 94% diện tích tự nhiên), trong đó rừng sản xuất 80.830,1 ha, rừng phòng hộ 56.779,8 ha, rừng đặc dụng 40.117,5 ha; diện tích đất có rừng 141.784,8 ha (chiếm tỷ lệ 79,77%).

Hầu hết diện tích đất rừng sản xuất đã có chủ, trong đó Doanh nghiệp Nhà nước quản lý 3.914,0 ha, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Cao su Nghệ An quản lý 4.060,8 ha, UBND các xã quản lý 15.111,5 ha, các hộ gia đình quản lý 57.743,8 ha.

Phần lớn diện tích rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong quản lý 50.262,7 ha trên địa bàn 8 xã: Đồng Văn, Cắm Muộn, Châu Thôn, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Thông Thụ, Tiền Phong, Tri Lễ; trong đó có 12.241,2 ha rừng phòng hộ bao quanh phía Nam khu rừng đặc dụng; diện tích còn lại do UBND các xã quản lý 2.258,2 ha, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Cao su Nghệ An quản lý 3.805,6 ha.

Rừng đặc dụng tập trung chủ yếu ở vùng Pù Hoạt thuộc địa bàn 05 xã: Hạnh Dịch, Nậm Giải, Thông Thụ, Tiền Phong, Tri Lễ có tổng diện tích tự nhiên 36.266,0 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp 35.723,0 ha (đất khác 543,0 ha), độ che phủ của rừng trên 98%, với hàng ngàn loài động, thực vật quý hiếm, mang tính chất nguyên sinh tiêu biểu cho hệ sinh thái vùng Tây Bắc Nghệ An và Bắc dãy Trường Sơn nhưng chưa có chủ rừng thực sự. Quanh vùng Pù Hoạt là địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên rừng; một số dự án thủy điện đã và sẽ được xây dựng trên địa bàn huyện Quế Phong (Hủa Na, Sông Quàng, Sao Va,..) đang gia tăng áp lực đối với công tác bảo vệ rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo tồn tính đa dạng sinh học. Hiện nay việc quản lý, bảo vệ khu rừng đặc dụng vẫn do chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm sở tại đảm nhiệm. Vì vậy, việc chuyển đổi Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt là hết sức cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; đồng thời để có đủ điều kiện bảo tồn, lưu giữ nguồn gen động, thực vật quý hiếm, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan, nghiên cứu khoa học và cung ứng dịch vụ môi trường rừng vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận.

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ THÀNH LẬP KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN PÙ HOẠT

I. SỰ CẦN THIẾT THÀNH LẬP KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN PÙ HOẠT

1. Đặc điểm tình hình rừng và đất lâm nghiệp

Sau rà soát quy hoạch 3 loại rừng theo Chỉ thị 38/2005/CT-TTg ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Quế Phong hiện có 177.727,4 ha rừng và đất lâm nghiệp, bao gồm:

- Diện tích rừng đặc dụng:                                     40.117,5 ha;

- Diện tích rừng phòng hộ:                                     56.779,8 ha;

- Diện tích rừng sản xuất:                                      80.830,1 ha.

Phân bố các loại rừng trên địa bàn các xã, thị trấn (QĐ 482/QĐ-UBND ngày 02/02/2007):

TT

Tên xã

Tổng diện tích (ha)

Trong đó (ha)

Đặc dụng

Phòng hộ

Sản xuất

 

Tổng cộng:

177.727,4

40.117,5

56.779,8

80.830,1

1

Đồng Văn

28.023,2

 

14.547,6

13.475,6

2

Cắm Muộn

10.666,9

 

3.164,2

7.442,7

3

Châu Kim

5.509,0

 

64,5

5.444,5

4

Châu Thôn

5.571,7

 

111,3

5.460,4

5

Hạnh Dịch

17.697,0

10.533,2

4.577,4

2.586,4

6

Mường Nọc

2.634,6

 

70,8

2.563,8

7

Nậm Giải

13.712,0

8.407,8

1.420,3

3.883,9

8

Nậm Nhoóng

3.599,9

 

860,4

2.739,5

9

Quang Phong

16.267,4

4.394,5

1.717,1

10.155,8

10

Quế Sơn

3.063,3

 

452,3

2.611,0

11

Thông Thụ

40.159,7

10.369,2

20.308,7

9.481,8

12

Tiền Phong

12.874,5

1.684,0

1.750,6

9.439,9

13

Tri Lễ

17.974,7

4.728,8

7.734,6

5.511,3

14

Thị trấn

33,5

 

 

33,5

2. Hiện trạng đất lâm nghiệp

2.1. Rừng đặc dụng:

Tổng diện tích rừng đặc dụng:                                         40.117,5 ha; trong đó:

- Diện tích có rừng:                                                        36.359,2 ha;

+ Diện tích có rừng tự nhiên:                                          36.323,8 ha;

+ Diện tích có rừng trồng:                                             35,4 ha;

- Diện tích chưa có rừng:                                                3.758,3 ha.

2.2. Rừng phòng hộ:

Tổng diện tích rừng phòng hộ:                                         56.779,8 ha; trong đó:

- Diện tích có rừng:                                                        49.025,3 ha;

+ Diện tích rừng tự nhiên:                                               48.949,6 ha;

+ Diện tích rừng trồng:                                                   75,7 ha;

- Diện tích chưa có rừng:                                                7.754,5 ha.

2.3. Rừng sản xuất:

Tổng diện tích rừng sản xuất:                                          80.830,1 ha; trong đó:

- Diện tích có rừng:                                                        56.400,3 ha;

+ Diện tích rừng tự nhiên:                                               53.224,6 ha;

+ Diện tích rừng trồng:                                                   3.175,7 ha;

- Diện tích chưa có rừng:                                                24.429,8 ha.

3. Tình hình tài nguyên rừng

3.1. Thảm thực vật:

Thảm thực vật rừng huyện Quế phong được chia làm 3 kiểu chính:

- Rừng kín thường xanh mưa nhiệt đới núi cao, hỗn giao cây lá rộng với cây lá kim:

Kiểu rừng này phần lớn nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn cho nên ít bị tác động, tính nguyên sinh còn cao. Thực vật chiếm ưu thế là cây lá rộng, cây lá kim, một số loài có kích thước lớn nhưng mật độ và sinh khối không vượt quá 30%. Các loài cây chiếm ưu thế của rừng này là: Re, Chắp, Bời lời, Kháo, Cà ổi, Dẻ lá tre, Côm, Mây châu, Tô hạp,...

- Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi trung bình:

Phân bố ở độ cao từ 800 m đến 1.500 m, trải rộng khắp vùng sườn núi Pu Pà Nhà, Pu Cao Mạ và phía Đông đỉnh Pù Hoạt. Kiểu rừng này vẫn còn giữ được tính nguyên sinh về cơ bản, phía dưới một số diện tích rừng bị phá làm nương rẫy tạo ra các đám đất trống nhỏ. Thực vật chiếm ưu thế là cây lá rộng, sinh trưởng tốt với các loài tiêu biểu là các họ: Sau sau, Dẻ, Sồi, Re, Dâu, Hồng xiêm, Xoan, Bồ hòn,...Cây lá kim có Thông nàng, Kim dao rải rác trên các sườn phía Đông. Rừng được chia làm 4 tầng trong đó tầng vượt tán ở đây là các loài có giá trị như Chò chỉ, Sến Mật,…

* Rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi thấp:

Phân bố ở độ cao dưới 800 m, thảm thực vật rừng này không đồng đều với nhiều họ như: Thầu dầu, Xoan, Dâu tằm, Cánh bướm, Vang, Thị, Re, Dẻ, Côm... Rừng chia 3 tầng, tầng ưu thế với các loài điển hình là: Chẹo, Bứa, Vang, Lim xẹt, Mọ, Muồng, Da, Ngát,...

Về mặt tài nguyên đa số các lâm phần nghèo nằm ở kiểu rừng này với trữ lượng thấp, nhỏ hơn 100m3/ha, có nhiều loài thú lớn sinh sống. Kiểu rừng này bị tác động phần lớn bởi các hành vi phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép của con người nên diện tích còn giữ được tính nguyên sinh rất ít.

3.2. Đặc điểm động, thực vật khu rừng đặc dụng Pù Hoạt:

a) Thực vật rừng: Khu rừng đặc dụng Pù Hoạt có tính đa dạng sinh học cao, hiện nay đã phát hiện được 763 loài thực vật thuộc 427 chi, 124 họ; có hơn 30 loài được ghi vào sách đỏ Việt Nam trong đó có những loài có giá trị đáng chú ý như: Trai, Sến mật, Táu mật, Chò chỉ, Tô hạp,... Thực vật hạt trần bước đầu khảo sát được 7 loài thì có 4 loài quý hiếm như Pơ mu (Fokienia hodginsii), Bách xanh (Calocedrus), Kim dao (Nagei fleuryi), Sa Mu (Cunninghamia).

Điều đáng quan tâm là những quần thể Sa mu phát hiện ở Pù Hoạt gồm những cây có đường kính rất lớn, trung bình 1,5 m, chiều cao trung bình 45 m. Trong khu Pù Hoạt có một số cây đường kính trên 2 m, chiều cao trên 50 m, đặc biệt có cây có đường kính trên 2,8 m, chiều cao trên 50 m. Với chiều cao và đường kính như vậy, Sa mu ở Pù Hoạt không chỉ là biểu tượng cho rừng tự nhiên ở đây mà còn là biểu tượng cho rừng tự nhiên của Việt Nam.

b) Động vật rừng: Hiện nay ở Pù Hoạt đã thống kê được 176 loài động vật có xương sống thuộc 4 lớp: Thú có 45 loài, Chim có 131 loài, Bò sát 11 loài, Lưỡng cư 6 loài.

Khu hệ động vật ở Pù Hoạt thuộc khu hệ động vật Bắc Trường Sơn. Về cấu trúc và thành phần loài nó gần gũi với khu hệ động vật Tây Bắc Việt Nam. Lớp thú và lớp chim có các loài đặc trưng cho cả 2 khu hệ là: Bò tót, Vẹc xám, Sóc, Cầy...và các loài chim trong họ Khướu.

Bước đầu đã phát hiện được 45 loài thú. Thành phần loài chim và thú ghi nhận được ở đây tương đương với các khu Vũ Quang (Hà Tĩnh), Pù Mát và hơn hẳn ở khu BTTN Pù Huống, Vườn quốc gia Bến En, Bạch Mã, Ba Vì...đáng kể như: Voi, Hổ, Báo hoa mai, Báo gấm...

Khu hệ chim đã ghi nhận được 131 loài, các loài tiêu biểu và quý hiếm đã gặp ở Pù Hoạt như: Gà Tiền mặt vàng, Gà Lôi trắng, Công, Hồng Hoàng, Cao Cát bụng trắng.

Về bò sát đã ghi nhận được 8 loài quý hiếm: Rùa núi viền, Rùa hộp trấn vàng, Rùa đầu to, Rùa đất, Hổ mang, Trăn đất, Trăn Gâm.

4. Tình hình tổ chức hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

4.1 Tổ chức quản lý rừng phòng hộ:

Tổng diện tích rừng phòng hộ 56.779,8 ha thuộc địa bàn 13 xã (trừ thị trấn), trong đó:

- Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong quản lý 50.262,7 ha thuộc địa bàn 8 xã: Đồng Văn, Cắm Muộn, Châu Thôn, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Thông Thụ, Tiền Phong, Tri Lễ.

- Công ty Cổ phần Cao su Nghệ An (trước đây là Tổng đội TNXP7-XDKT) quản lý 3.805,6 ha thuộc 3 tiểu khu 75, 78, 81 - xã Hạnh Dịch.

- Lâm trường Quế Phong quản lý 453,3 ha thuộc địa bàn xã Quế Sơn.

- UBND các xã quản lý 2.258,2 ha.

Với tư cách là chủ rừng Nhà nước, thời gian qua Ban Quản lý rừng phòng hộ Quế Phong đã đạt được kết quả nhất định trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ thông qua các chương trình, dự án lâm nghiệp bằng các hoạt động khoanh nuôi, bảo vệ và trồng mới rừng phòng hộ. Công tác quản lý, bảo vệ rừng đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ rừng với các lực lượng Kiểm lâm, Công an và chính quyền địa phương, góp phần hạn chế tình trạng khai thác rừng trái phép, đốt nương làm rẫy sai quy hoạch,...

Tuy nhiên, do diện tích rừng phòng hộ tiếp giáp với khu rừng đặc dụng Pù Hoạt, Pù Huống, biên giới Việt - Lào, tiếp giáp tỉnh Thanh Hoá, nằm xa khu dân cư, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, các Trạm quản lý, bảo vệ rừng đóng gần dân nhưng lại xa rừng; việc thực hiện tái định cư cho các hộ dân nằm trong lưu vực các lòng hồ thuỷ điện, khai thác khoáng sản đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Mặt khác, tổ chức bộ máy và biên chế hiện tại của Ban chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng nên việc hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ còn nhiều và hạn chế, bất cập.

4.2. Tổ chức quản lý bảo vệ rừng đặc dụng:

Tổng diện tích rừng đặc dụng 40.117,5 ha phân bố thành 2 vùng:

- Khu rừng đặc dụng thuộc địa bàn xã Quang Phong có diện tích 4.394,5 ha, do Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống quản lý, bảo vệ.

- Khu rừng đặc dụng Pù Hoạt có diện tích 35.723,0 thuộc địa bàn 5 xã Hạnh Dịch, Nậm Giải, Thông Thụ, Tiền Phong, Tri Lễ. Toàn bộ diện tích này do chính quyền địa phương phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện quản lý, bảo vệ. Do địa bàn phức tạp, lực lượng mỏng, giao thông đi lại khó khăn và chưa có chủ rừng thực sự nên công tác quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn, tình trạng xâm hại rừng diễn ra khá phổ biến; chức năng bảo tồn, phát triển hiện chưa có cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đảm nhiệm.

4.3. Tổ chức quản lý và bảo vệ rừng sản xuất:

Tổng diện tích đất rừng sản xuất là 80.830,1 ha thuộc địa bàn 14 xã và thị trấn, hầu hết diện tích đất rừng sản xuất đã có chủ, nên công tác quản lý, bảo vệ rừng khá thuận lợi; trong đó:

- Doanh nghiệp Nhà nước quản lý 3.914,0 ha.

- Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Cao su Nghệ An (trước đây là Tổng đội TNXP7-XDKT) quản lý 4.060,8 ha.

- UBND các xã quản lý 15.111,5 ha.

- Hộ gia đình và các thành phần kinh tế khác quản lý 57.743,8 ha.

5. Sự cần thiết phải thành lập Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt

Nhìn chung, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Quế Phong hiện còn nhiều tồn tại, bất cập, đặc biệt là khu rừng đặc dụng Pù Hoạt.

Vùng Pù Hoạt có nguồn tài nguyên động, thực vật rừng phong phú, đa dạng bậc nhất nhưng công tác quản lý, bảo vệ rừng chủ yếu do chính quyền cấp xã và Hạt Kiểm lâm Quế Phong đảm nhiệm nên hiệu quả không cao, tình trạng chặt phá rừng xảy ra kéo dài nhiều năm, có vụ hết sức nghiêm trọng.

Áp lực gia tăng dân số quá nhanh, nhất là tăng dân số cơ học để phát triển kinh tế - xã hội, nhiều công trình, dự án đã và sẽ được xây dựng trên địa bàn huyện Quế Phong như thủy điện Hủa Na, Sông Quàng, Sao Va,…Việc xây dựng đường vành đai biên giới Việt - Lào và mở các tuyến đường dân sinh trong vùng tạo thuận lợi cho giao thông đi lại cũng sẽ gia tăng tình trạng khai thác rừng trái phép và lấn chiếm đất lâm nghiệp (đất cho tái định cư và xây dựng các công trình thuỷ điện,…). Đặc biệt, tình trạng khai thác gỗ làm nhà theo Quyết định 167 đang trực tiếp gây áp lực lên diện tích rừng có trữ lượng khu vực Pù Hoạt đã gây khó khăn thêm cho công tác bảo vệ rừng.

Khu vực miền Tây Nghệ An đã được tổ chức Văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới từ tháng 9/2007 mà trung tâm (vùng lõi) được xác định là các khu rừng đặc dụng Pù Mát, Pù Huống và Pù Hoạt. Cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ Khu dữ trữ sinh quyển vùng Tây Nam Nghệ An cũng là áp lực đối với công tác quản lý, bảo vệ khu rừng đặc dụng Pù Hoạt.

Từ những vấn đề nêu trên, việc chuyển đổi Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là hết sức cần thiết.

Mục tiêu chuyển đổi Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt là để trên địa bàn huyện chỉ có một chủ rừng nhà nước đủ tư cách và điều kiện thực hiện nhiệm vụ bảo tồn khu rừng đặc dụng và quản lý, bảo vệ diện tích rừng phòng hộ hiện có theo quy định của pháp luật.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về Tổ chức và quản lý rừng đặc dụng;

- Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

- Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP về Tổ chức và quản lý rừng đặc dụng;

- Quyết định số 482/QĐ-UBND ngày 02/02/2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng;

- Quyết định số 57/2012/QĐ-UBND ngày 10/8/2012 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành Quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức;

- Công văn số 3397/BNN-TCLN ngày 04/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chuyển đổi Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt.

Phần II

PHƯƠNG ÁN CHUYỂN ĐỔI BAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ QUẾ PHONG THÀNH BAN QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN PÙ HOẠT

I. TÊN GỌI, ĐỊA CHỈ, HÌNH THỨC CHUYỂN ĐỔI

1. Tên gọi: Đề án chuyển đổi Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt.

2. Địa chỉ: Trụ sở Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đặt tại xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

3. Hình thức: Tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập (chuyển đổi, nâng cấp Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt).

II. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG

Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt có chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng Nhà nước, đồng thời tổ chức nghiên cứu khoa học, áp dụng các biên pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan; nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt chịu trách nhiệm trước Sở Nông nghiệp và PTNT và Nhà nước về tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật.

III. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng và Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

1. Thực hiện nhiệm vụ Ban quản lý các dự án bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; nhiệm vụ dịch vụ công trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Quế Phong theo quy định của pháp luật.

2. Bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan; nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

3. Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ nhằm phát huy tác dụng phòng hộ của rừng, điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.

4. Phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tham mưu đề xuất các giải pháp tăng cường hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

5. Tham mưu cho Giám đốc Sở các cơ chế, chính sách về bảo tồn, bảo vệ, phát triển rừng; đồng thời trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ rừng và bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT.

6. Tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

7. Tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao nhằm hướng dẫn, tạo sinh kế cho người dân trong vùng để giảm thiểu tối đa sự xâm hại tài nguyên rừng.

8. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo tình hình diễn biến tài nguyên rừng và các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định.

9. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT giao theo quy định của pháp luật.

IV. CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ BIÊN CHẾ

1. Cơ cấu tổ chức bộ máy:

- Lãnh đạo ban gồm Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc.

- Các đơn vị trực thuộc: Tùy theo từng giai đoạn cụ thể, Ban Quản lý được thành lập tối đa các đơn vị sau: Phòng Tổ chức- Hành chính, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật và Hạt Kiểm lâm (trong đó Giám đốc đồng thời là Hạt trưởng kiểm lâm).

Trước mắt mới chuyển đổi, trên cơ sở kiện toàn, tổ chức lại các đơn vị đã có tại Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt được thành lập các đơn vị sau:

+ Phòng Tổ chức- Hành chính;

+ Phòng Kế hoạch - Tài chính;

+ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế;

+ Hạt Kiểm lâm (gồm có Hạt trưởng, các Phó Hạt trưởng, cơ quan Hạt và 08 Trạm Kiểm lâm cửa rừng, gọi là Trạm quản lý, bảo vệ rừng).

2. Biên chế:

Biên chế của Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt gồm biên chế công chức và viên chức sự nghiệp, được UBND tỉnh giao theo kế hoạch hàng năm trên cơ sở yêu cầu về cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ được giao và định mức biên chế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Năm đầu thực hiện chuyển đổi, giao 12 biên chế công chức và 26 biên chế viên chức. Ngoài ra, căn cứ khả năng tài chính, yêu cầu nhiệm vụ, khối lượng công việc được giao, Quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt được ký kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

V. PHẠM VI, QUY MÔ DIỆN TÍCH

1. Phạm vi, quy mô

Tổng diện tích đất lâm nghiệp giao cho Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt quản lý là 90.741,10 ha (chưa kể đất xây dựng Trụ sở), thuộc địa bàn 8 xã: Tri Lễ, Tiền Phong, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Đồng Văn, Nậm Nhoóng, Cắm Muộn; trong đó:

- Diện tích rừng đặc dụng:                                                36.226,00 ha;

- Diện tích rừng phòng hộ:                                                 54.475,10 ha;

Phân bố diện tích các loại rừng Khu BTTN Pù Hoạt trên địa bàn các xã như sau:

Phân bố diện tích các loại rừng Khu BTTN Pù Hoạt trên địa bàn các xã

TT

Tên xã

Tổng diện tích (ha)

Trong đó (ha)

Rừng đặc dụng

Rừng phòng hộ

 

Tổng cộng

90.741,1

36.226,0

54.475,1

1

Tri Lễ

12.479,1

4.744,5

7.734,6

2

Tiền Phong

3.434,6

1.684,0

1.750,6

3

Thông Thụ

30.735,5

10.426,8

20.308,7

4

Hạnh Dịch

15.128,4

10.551,0

4.577,4

5

Nậm Giải

10.280,0

8.859,7

1.420,3

6

Đồng Văn

15.547,6

 

14.547,6

7

Nậm Nhóng

860,4

 

860,4

7

Cắm Muộn

3.164,2

 

3.164,2

8

Châu Thôn

111,3

 

111,3

* Điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ: Tổng diện tích rừng phòng hộ phải thu hồi để giao sang Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt quản lý, bảo vệ là 4.666,0 ha, bao gồm 860,4 ha từ UBND xã Nậm Nhoóng và 3.805,6 ha từ Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Cao su Nghệ An (Tổng đội TNXP7 trước đây).

2. Quy hoạch các phân khu chức năng

2.1. Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 28.045,8 ha, thuộc địa bàn 04 xã Tiền Phong, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Nậm Giải.

2.2. Phân khu phục hồi sinh thái: 7.677,2 ha thuộc địa bàn 02 xã Tri Lễ và Nậm Giải (Xã Tri Lễ: 4.728,8 ha; xã Nậm Giải: 2.948,4 ha).

2.3. Vùng đệm và phòng hộ: 18.748,8 ha, thuộc địa bàn 06 xã: Tri Lễ, Tiền Phong, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Đồng Văn.

2.4. Vùng phòng hộ: 35.615,0 ha thuộc địa bàn các xã: Thông Thụ, Đồng Văn, Nậm Nhóng, Cắm Muộn.

Quy hoạch các phân khu chức năng Khu BTTN Pù Hoạt trên địa bàn các xã như sau:

Quy hoạch các phân khu chức năng Khu BTTN Pù Hoạt

TT

Tên xã

Diện tích (ha)

I

Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt

28.045,8

1

Tiền Phong

1.684,0

2

Thông Thụ

10.369,2

3

Hạnh Dịch

10.533,2

4

Nậm Giải

5.459,4

II

Phân khu phục hồi sinh thái

7.677,2

1

Tri Lễ

4.728,8

2

Nậm Giải

2.948,4

III

Vùng đệm và phòng hộ

18.748,8

1

Tri Lễ

7.734,6

2

Tiền Phong

1.570,6

3

Thông Thụ

3.053,7

4

Hạnh Dịch

4.577,4

5

Nậm Giải

1.420,3

6

Đồng Văn

212,2

IV

Vùng phòng hộ

35.615,0

1

Thông Thụ

17.255,0

2

Đồng Văn

14.335,4

3

Nậm Nhóng

860,4

3

Cắm Muộn

3.164,2

4

Châu Thôn

111,3

VI. CƠ SỞ VẬT CHẤT, TÀI CHÍNH

1. Cơ sở vật chất

Để Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt có điều kiện hoạt động, trước mắt dự kiến xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị như sau:

- Xây dựng mới 07 nhà Trạm quản lý bảo vệ rừng (Hiện có 5 trạm nhưng 4 trạm có vị trí không phù hợp cần quy hoạch lại).

- Xây dựng đường giao thông đến các Trạm quản lý, bảo vệ rừng.

- Mua 01 xe ô tô chuyên dụng cho Hạt Kiểm lâm.

2. Tài chính

Tổng nhu cầu vốn đầu tư tạm tính là 8.710,0 triệu đồng (Tám tỷ, bảy trăm mười triệu đồng), trong đó:

- Vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm phương tiện: 5.040,0 triệu đồng

+ Xây dựng mới 07 trạm quản lý bảo vệ rừng: 3.500,0 triệu đồng.

+ Sửa chữa 01 trạm quản lý bảo vệ rừng: 300,0 triệu đồng.

- Mua xe ô tô 2 cầu: 740,0 triệu đồng.

- Mua sắm trang thiết bị văn phòng: 500,0 triệu đồng.

- Lập quy hoạch Khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 -2020: 890,0 triệu đồng.

- Kinh phí sự nghiệp thường xuyên (38 người): 2.280,0 triệu đồng.

38 người * 60 triệu đồng/người/năm = 2.280.000.000 đồng

(Trong đó, biên chế đã có 14 người = 840,0 triệu đồng, phải bổ sung quỹ lương cho 24 người = 1.140,0 triệu đồng).

- Tổ chức tập huấn, tuyên truyền và nghiên cứu khoa học: 500,0 triệu đồng.

VI. PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ TỔ CHỨC BỘ MÁY, NHÂN SỰ, TÀI CHÍNH, TÀI SẢN, ĐẤT ĐAI

1. Tài chính, tài sản, đất đai

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Quế Phong, tham mưu trình UBND tỉnh quyết định thu hồi 36.226,00 ha rừng đặc dụng hiện do UBND các xã: Hạnh Dịch, Nậm Giải, Thông Thụ, Tiền Phong, Tri Lễ quản lý, 860,4 ha rừng phòng hộ thuộc xã Nậm Nhoóng quản lý và 3.805,6 ha rừng phòng hộ thuộc xã Hạnh Dịch từ Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Cao su Nghệ An (trước đây là Tổng đội TNXP7) chuyển giao sang Khu BTTN Pù Hoạt quản lý.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt tiếp nhận toàn bộ tài sản (trụ sở, nhà trạm, phương tiện làm việc), tiền vốn, công nợ từ Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong; báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý các vấn đề liên quan theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức bộ máy, nhân sự Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt

2.1. Lãnh đạo ban:

Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong hiện có 03 người, gồm 01 Trưởng ban và 02 Phó ban; dự kiến điều động, luân chuyển 01 - 02 người để bổ nhiệm Giám đốc và Phó giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt.

2.2. Cơ cấu tổ chức:

- Văn phòng ban: Giữ nguyên Phòng Tổ chức - Hành chính, Phòng Kế hoạch

- Tài chính; đổi tên Phòng Kỹ thuật - Quản lý bảo vệ rừng thành Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế.

- Thành lập Hạt kiểm lâm Pù Hoạt gồm có Văn phòng hạt và 08 Trạm quản lý bảo vệ rừng.

2.3. Biên chế: Ban quản lý rừng phòng hộ Quế phong hiện có 28 lao động, gồm 14 viên chức hưởng lương ngân sách và 14 hợp đồng hưởng lương tự trang trải. Biên chế năm đầu đề nghị bố trí 38 người (12 công chức + 26 viên chức), trong đó:

- Biên chế hiện có: 14 người (14 viên chức);

- Biên chế tuyển dụng mới: 24 người (12 công chức + 12 viên chức).

Ưu tiên tuyển dụng cán bộ chuyên ngành chính quy, có trình độ chuyên sâu cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng được tổ chức trên cơ sở số lao động hợp đồng tại Ban và com em đồng bào dân tộc huyện Quế Phong.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường thẩm định đề cương, dự toán, trình UBND tỉnh phê duyệt;

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Đề án, ổn định tổ chức bộ máy Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đảm bảo thời gian, hiệu quả.

2. Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, thẩm định phương án tổ chức, biên chế, hồ sơ, thủ tục chuyển đổi Ban quan lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt, trình UBND tỉnh quyết định theo quy định hiện hành.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Quế Phong thẩm tra Báo cáo của cơ quan tư vấn trong việc kiểm kê, rà soát hiện trạng đất đai, hồ sơ tài liệu liên quan giao cho Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt.

4. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu, trình UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí chuyển đổi Ban quan lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt; kinh phí lập quy hoạch khu rừng đặc dụng, kinh phí đầu tư dự án và kinh phí chi thường xuyên của đơn vị.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu, trình UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho đơn vị; kinh phí lập Quy hoạch rừng đặc dụng Pù Hoạt.

6. UBND huyện Quế Phong

- Xem xét, cân đối quỹ đất, lựa chọn địa điểm thích hợp để xây dựng Trụ sở làm việc, phân khu Dịch vụ - Hành chính của Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt.

- Tuyên truyền, phổ biến chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt, nâng cao nhận thức cho nhân dân trong vùng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

- Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn thuộc UBND huyện, các đơn vị liên quan đóng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Chỉ đạo UBND các xã phối hợp với Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt chuyển giao nguyên trạng diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ hiện đang quản lý về Ban theo quyết định của UBND tỉnh.

Trên đây là Đề án chuyển đổi Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt, yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị tổ chức thực hiện./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 340/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án chuyển đổi Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt do tỉnh Nghệ An ban hành

  • Số hiệu: 340/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/01/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Hồ Đức Phớc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản