Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2025/QĐ-UBND | Quảng Trị, ngày 09 tháng 5 năm 2025 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 06 năm 2024;
Căn cứ Nghị định số 181/2024/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2024 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
Căn cứ Thông tư số 23/2024/TT-BCT ngày 07 tháng 11 năm 2024 của Bộ Công Thương Quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương;
Căn cứ Thông tư số 32/2019/TT-BCT ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Bộ Công Thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp và bảo quản tiền chất thuốc nổ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Quản lý, sử dụng vật liệu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2025 và thay thế Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc ban hành Quy chế Quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2025/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về quản lý, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN); an toàn trong quản lý, sử dụng VLNCN; giám sát các ảnh hưởng nổ mìn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Quy chế này không áp dụng đối với hoạt động VLNCN phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng và trong các trường hợp khẩn cấp theo quy định pháp luật.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này các từ và cụm từ “Vật liệu nổ công nghiệp, quản lý, người quản lý, chỉ huy nổ mìn, thợ nổ mìn, người phục vụ, người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vật liệu nổ công nghiệp” được hiểu theo quy định tại Điều 2 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29 tháng 6 năm 2024; Điều 3 Nghị định số 181/2024/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2024 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Điều 4. Yêu cầu về hệ thống tổ chức quản lý kỹ thuật an toàn
Tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng VLNCN phải thiết lập hệ thống tổ chức quản lý kỹ thuật an toàn do lãnh đạo tổ chức trực tiếp điều hành, chỉ đạo và phân công người đủ trình độ, kinh nghiệm chịu trách nhiệm thực hiện công tác kỹ thuật an toàn tại mỗi bộ phận, vị trí có nguy cơ cao về sự cố, tai nạn, cháy, nổ.
Điều 5. Yêu cầu về công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy
1. Tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng VLNCN phải thực hiện đầy đủ các điều kiện về an toàn, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật hiện hành; có phương án đảm bảo an toàn, an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy cho cơ sở sản xuất, hệ thống kho bảo quản, địa điểm bốc dỡ, phương tiện vận chuyển VLNCN đang hoạt động; định kỳ tổ chức diễn tập theo quy định. Tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng VLNCN phải kiểm tra an toàn, đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp và luyện tập, diễn tập xử lý các tình huống khẩn cấp định kỳ theo quy định.
2. Tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng VLNCN phải thực hiện huấn luyện kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động trong hoạt động VLNCN và đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, cấp giấy chứng nhận theo quy định hiện hành.
Điều 6. Yêu cầu về hồ sơ, tài liệu hoạt động VLNCN
Tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp phải bảo quản, lưu trữ sổ sách, chứng từ đối với từng loại vật liệu nổ công nghiệp trong thời hạn 10 năm.
Điều 7. Yêu cầu về thực hiện công tác báo cáo trong hoạt động VLNCN
1. Tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng VLNCN phải báo cáo đột xuất với cơ quan có thẩm quyền trong các trường hợp sau:
a) Báo cáo Sở Công Thương, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Trị, Công an cấp xã nơi tiến hành hoạt động VLNCN trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện: Xảy ra xâm nhập trái phép khu vực tồn trữ VLNCN, mất cắp, thất thoát hoặc xảy ra tai nạn, sự cố trong hoạt động VLNCN;
b) Báo cáo Sở Công Thương nơi tiến hành hoạt động VLNCN trong thời hạn 48 giờ kể từ khi chấm dứt hoạt động VLNCN;
c) Thực hiện báo cáo theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
2. Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng VLNCN thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Thông tư số 23/2024/TT-BCT ngày 07 tháng 11 năm 2024 của Bộ Công Thương quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, BẢO QUẢN VÀ VẬN CHUYỂN VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP
Điều 8. Quy định về quản lý, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp
Công tác quản lý, bảo quản VLNCN thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Điều 15 Nghị định số 181/2024/NĐ-CP.
Điều 9. Quy định về kho bảo quản vật liệu nổ công nghiệp
Kho bảo quản VLNCN thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29/6/2024; Điều 15 Nghị định số 181/2024/NĐ-CP; Điều 21 Quy chuẩn QCVN 01:2019/BCT ban hành kèm theo Thông tư số 32/2019/TT-BCT ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Bộ Công Thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp và bảo quản tiền chất thuốc nổ.
Điều 10. Quy định về bảo quản vật liệu nổ công nghiệp tại nơi nổ mìn khi chưa tiến hành nổ mìn
Bảo quản vật liệu nổ công nghiệp tại nơi nổ mìn khi chưa tiến hành nổ mìn thực hiện theo quy định tại Điều 22 Quy chuẩn QCVN 01:2019/BCT ban hành kèm theo Thông tư số 32/2019/TT-BCT.
Điều 11. Quy định về vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp
Công tác vận chuyển VLNCN thực hiện theo quy định tại Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29/06/2024; Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 27, Điều 28 Quy chuẩn QCVN 01:2019/BCT ban hành kèm theo Thông tư số 32/2019/TT-BCT.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP
Điều 12. Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
1. Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29/06/2024.
2. Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải tuân theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 29/06/2024.
3. Trình độ chuyên môn trong quản lý, sử dụng VLNCN thực hiện theo quy định tại Điều 4 và huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 Nghị định số 181/2024/NĐ-CP.
Điều 13. Quy định trong thi công khoan nổ mìn
1. Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng VLNCN phải lập Phương án nổ mìn, lập Hộ chiếu nổ mìn theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 23/2024/TT-BCT; Trong quá trình thi công khoan nổ mìn, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng VLNCN phải tuân thủ các thông số kỹ thuật trong phương án nổ mìn.
2. Trong quá trình sử dụng VLNCN như: nạp thuốc, đấu nối hệ thống, canh gác, khởi nổ, xử lý các sự cố phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ theo quy định.
3. Kết thúc công việc nạp mìn nếu không sử dụng hết VLNCN, tổ chức sử dụng VLNCN phải chủ động trả về kho để bảo quản theo quy định; tuyệt đối không được lưu giữ VLNCN dư thừa tại bãi nổ, công trường mà phải trả về kho ngay sau khi đã kết thúc nổ mìn. Trường hợp tổ chức sử dụng VLNCN, ký hợp đồng dịch vụ cung ứng VLNCN theo hộ chiếu nổ mìn nếu không sử dụng hết VLNCN thì phối hợp với đơn vị cung ứng làm thủ tục vận chuyển VLNCN trả về kho cung ứng.
4. Trường hợp sau khi khởi nổ nhưng bãi mìn không nổ hoặc nổ không hoàn toàn, tổ chức sử dụng VLNCN phải xử lý mìn câm theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 32 Quy chuẩn QCVN01:2019/BCT ban hành kèm theo Thông tư số 32/2019/TT-BCT.
5. Khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp sử dụng VLNCN áp dụng những phương pháp nổ mìn mới, những chủng loại VLNCN mới đảm bảo mức độ an toàn cao hơn và thân thiện với môi trường. Việc tiến hành chuyển đổi sang phương pháp nổ mìn mới hoặc chuyển đổi sử dụng những chủng loại VLNCN mới phải được nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh cung ứng hoặc đơn vị tư vấn hướng dẫn thực hiện việc chuyển đổi theo quy định.
6. Tổ chức sử dụng VLNCN không được tiến hành khởi nổ cùng một lúc hai hoặc nhiều bãi mìn cạnh nhau, mỗi lần khởi nổ bãi mìn cách nhau ít nhất 15 phút để bãi nổ trước ổn định về địa chất, kiểm tra không có mìn câm. Đối với khu vực có nhiều mỏ, công trình cùng hoạt động nổ mìn, các đơn vị phải có biên bản thỏa thuận, thống nhất trong tiến hành khởi nổ và cảnh giới.
7. Tổ chức sử dụng VLNCN phải trang bị phương tiện đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt trong quá trình thi công nổ mìn. Trường hợp khu vực có nhiều mỏ, công trình nên trang bị hệ thống bộ đàm có cùng tần số.
Điều 14. Quy định về tín hiệu nổ mìn
Khi tiến hành nổ mìn, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng VLNCN phải sử dụng tín hiệu nổ mìn theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Quy chuẩn QCVN01:2019/BCT ban hành kèm theo Thông tư số 32/2019/TT-BCT.
Điều 15. Quy định về thời gian nổ mìn
1. Thời gian được phép tiến hành nổ mìn vào các ngày trong tuần (trừ những ngày nghỉ Lễ, Tết, các sự kiện chính trị trọng đại của nhà nước, địa phương được quy định tại Điều 16, Quy chế này).
2. Trường hợp nổ mìn thăm dò, khai thác khoáng sản, thi công các hạng mục, công trình hở: Thời gian được phép tiến hành nổ mìn từ 11 giờ 30 phút đến 13 giờ 30 phút và từ 17 giờ 00 phút đến 18 giờ 00 phút cùng ngày; đối với trường hợp nổ mìn thi công trong đường hầm, đơn vị thi công được tiến hành nổ mìn theo ca sản xuất.
3. Trước khi tiến hành nổ mìn, các đơn vị phải thông báo với các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền, Công an địa phương, Bộ đội Biên phòng (nếu có), các đơn vị đóng quân trên địa bàn, mọi người sống hoặc làm việc ở trong vùng nguy hiểm của khu vực nổ mìn và vùng giáp ranh biết về địa điểm nổ mìn, thời gian nổ mìn, giới hạn vùng nguy hiểm, tín hiệu nổ mìn và ý nghĩa của các tín hiệu dùng khi nổ mìn.
Điều 16. Quy định về thời gian không được tiến hành nổ mìn
1. Tết âm lịch: Không được tiến hành nổ mìn vào những ngày nghỉ Tết và 01 ngày trước Tết, 01 ngày sau Tết.
2. Tết Dương lịch: Không được tiến hành nổ mìn vào ngày tết (ngày 01/01 dương lịch) và 01 ngày trước tết, 01 ngày sau tết.
3. Những ngày nghỉ lễ theo quy định của Luật Lao động: Không được tiến hành nổ mìn vào những ngày lễ.
4. Những trường hợp khác: trong một số trường hợp đặc biệt, Sở Công Thương, Công an tỉnh hoặc Bộ đội Biên phòng (trong khu vực biên giới) sẽ có thông báo bằng văn bản việc không được tiến hành nổ mìn trong một khoảng thời gian nhất định.
Điều 17. Quy định vật liệu nổ công nghiệp sử dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
1. VLNCN được phép sử dụng là những loại nằm trong Danh mục VLNCN được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 23/2024/TT-BCT.
2. Công tác phá đá quá cỡ phải tiến hành bằng máy đập hoặc nổ mìn. Trường hợp sử dụng phương pháp nổ mìn để phá đá quá cỡ phải sử dụng kíp nổ điện số 8 hoặc kíp nổ điện vi sai.
Chương IV
QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA, THỬ, HỦY VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP VÀ GIÁM SÁT CÁC ẢNH HƯỞNG NỔ MÌN
Điều 18. Kiểm tra và thử vật liệu nổ công nghiệp
Công tác kiểm tra và thử VLNCN được thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Điều 19. Hủy vật liệu nổ công nghiệp
1. VLNCN là tang vật vi phạm, không còn nhu cầu sử dụng, không còn khả năng sử dụng hoặc tái chế, thừa trong quá trình thi công nạp mìn hoặc không thể nhượng bán lại hay tái xuất theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 20 Quy chuẩn QCVN 01:2019/BCT ban hành kèm theo Thông tư số 32/2019/TT-BCT, rơi vãi được thu gom sau ca sản xuất không có điều kiện, khả năng tái chế thì được phép hủy. Việc hủy VLNCN do các tổ chức có giấy phép sản xuất, sử dụng VLNCN và dịch vụ nổ mìn thực hiện.
2. Công tác hủy VLNCN phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Điều 20. Quy định về giám sát các ảnh hưởng nổ mìn
Giám sát các ảnh hưởng nổ mìn thực hiện theo quy định tại Điều 40, Điều 41, Điều 42, Điều 43, Điều 44 Thông tư số 32/2019/TT-BCT.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 21. Trách nhiệm của Sở Công Thương
1. Là cơ quan chủ trì, đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về VLNCN trên địa bàn tỉnh.
2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện:
a) Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn theo quy định pháp luật;
b) Chủ trì công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện các quy định pháp luật trong hoạt động VLNCN và Quy chế này cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh;
c) Chủ trì công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các tổ chức có hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh và xử lý các hành vi vi phạm về bảo quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN trên địa bàn theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan cấp trên xử lý.
3. Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép hoặc thu hồi Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 23/TT-BCT.
4. Tiếp nhận văn bản thông báo của các tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng cấp Giấy phép sử dụng VLNCN và chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành hậu kiểm, giám sát điều kiện đảm bảo an toàn, an ninh tại khu vực mỏ, công trình nơi tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép sử dụng VLNCN theo giấy phép trên địa bàn tỉnh.
5. Chủ trì thống nhất địa điểm cho phép đặt kho bảo quản VLNCN đảm bảo các điều kiện về an toàn, an ninh; tham gia ý kiến về thiết kế kho; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, nghiệm thu công trình kho bảo quản VLNCN đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành trước khi đưa vào sử dụng.
6. Chủ trì biên soạn tài liệu và tổ chức huấn luyện cho người quản lý theo quy định; tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn VLNCN cho các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định số 181/NĐ-CP.
7. Lập báo cáo định kỳ 06 (sáu) tháng, hàng năm về tình hình sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh gửi Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30 tháng 06 đối với báo cáo sáu tháng, trước ngày 30 tháng 12 đối với báo cáo năm.
8. Quản lý chất lượng công trình xây dựng liên quan đến bảo quản vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng.
9. Chủ trì, phối hợp các ngành chức năng xem xét đề nghị khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động VLNCN.
Điều 22. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội:
a) Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, thẩm định và xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho các tổ chức sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh trước khi Sở Công Thương cấp phép;
b) Chủ trì kiểm tra, hướng dẫn việc đảm bảo thực hiện các điều kiện về an ninh trật tự của các tổ chức hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của ngành;
c) Tiếp nhận hồ sơ, xem xét cấp giấy phép vận chuyển, giấy đăng ký tiếp nhận VLNCN và kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, tiếp nhận VLNCN.
2. Trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý phòng cháy và chữa cháy:
a) Tiếp nhận hồ sơ, thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy và xác nhận nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đối với kho chứa VLNCN cho các tổ chức sử dụng VLNCN (đối với các tổ chức, doanh nghiệp có kho chứa VLNCN) trên địa bàn tỉnh trước khi Sở Công Thương cấp phép;
b) Chủ trì kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy của tổ chức hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của ngành.
3. Phối hợp với Sở Công Thương tổ chức khảo sát địa điểm đặt kho bảo quản VLNCN và kiểm tra nghiệm thu công trình kho bảo quản VLNCN đảm bảo theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào sử dụng.
4. Tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh do Sở Công Thương chủ trì.
5. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phòng cháy, chữa cháy trong khu vực có hoạt động VLNCN.
Điều 23. Trách nhiệm của Sở Nội vụ
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn kịp thời các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến nhiệm vụ quản lý của ngành cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh.
2. Phối hợp với Sở Công Thương tổ chức khảo sát địa điểm đặt kho bảo quản VLNCN và kiểm tra nghiệm thu công trình kho bảo quản VLNCN đảm bảo theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào sử dụng.
3. Tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh do Sở Công Thương chủ trì.
4. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng trong việc điều tra, xác minh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có liên quan đến việc quản lý, sử dụng VLNCN để giải quyết chính sách cho người lao động.
Điều 24. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh
1. Chủ trì công tác quản lý, tiêu hủy VLNCN trái phép thu hồi trên địa bàn theo đề nghị của Sở Công Thương và Công an tỉnh.
2. Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng VLNCN; hướng dẫn việc vận chuyển, tiếp nhận VLNCN đảm bảo an ninh, an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các tổ chức, doanh nghiệp trong quân đội thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh có sử dụng VLNCN.
Điều 25. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
1. Giám sát chặt chẽ việc nổ mìn của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động VLNCN trong khu vực biên giới, biển đảo nhằm đảm bảo an ninh trật tự và an toàn theo quy định.
2. Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật đối với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động VLNCN trong khu vực biên giới, biển đảo theo quy định.
3. Phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh trong việc ban hành hướng dẫn về vận chuyển, tiếp nhận VLNCN, đảm bảo an ninh, an toàn phòng cháy, chữa cháy.
4. Có trách nhiệm thông báo cho lực lượng bảo vệ biên giới và chính quyền địa phương phía nước bạn Lào về thời gian, địa điểm, mục đích hoạt động VLNCN trong khu vực biên giới Việt Nam thuộc địa phận phụ trách.
Điều 26. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
1. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình sử dụng VLNCN tại địa phương; phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh thanh tra, kiểm tra và giải quyết các vấn đề liên quan đến VLNCN; xử lý hoặc đề xuất xử lý theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động VLNCN.
2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn theo dõi, giám sát công tác quản lý, sử dụng VLNCN của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động VLNCN trên địa bàn; phát hiện, ngăn chặn và báo cáo kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động VLNCN cho Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chức năng liên quan.
3. Tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động VLNCN trên địa bàn do Sở Công thương hoặc Công an tỉnh chủ trì khi có yêu cầu.
4. Chủ động tiến hành kiểm tra, giám sát việc bảo đảm thực hiện các điều kiện về an toàn, an ninh trật tự của các tổ chức hoạt động VLNCN trên địa bàn quản lý.
5. Tham gia xử lý sự cố và các vấn đề khác xảy ra có liên quan đến hoạt động VLNCN trên địa bàn./.
Quyết định 34/2025/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- Số hiệu: 34/2025/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 09/05/2025
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
- Người ký: Hoàng Nam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 20/05/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra