Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2014/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 21 tháng 8 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH, CHÍNH SÁCH Ở VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TỈNH QUẢNG TRỊ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

Căn cứ Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020;

Xét đề nghị của Trưởng ban Dân tộc tỉnh tại Tờ trình số 222/TTr-BDT ngày 30 tháng 7 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thực hiện các chương trình, chính sách, dự án vùng dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Chủ tịch UBND các huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Cường

 

QUY CHẾ

THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH, CHÍNH SÁCH Ở VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2014/QĐ-UBND ngày 21 tháng 8 năm 2014 của UBND tỉnh Quảng Trị)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với tất cả các đơn vị liên quan được phân công nhiệm vụ tại Kế hoạch số 1211/KH-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2014 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020 và các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các chương trình, chính sách, dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Mục tiêu phối hợp

1. Nhằm thực hiện tốt, có hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, tránh tình trạng nguồn lực đầu tư bị phân tán, dàn trải, manh mún, kém hiệu quả có sự chồng chéo, trùng lặp trong quản lý điều hành.

2. Tăng cường cung cấp trao đổi thông tin gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Điều 4. Nguyên tắc phối hợp

1. Đảm bảo sự phối hợp kịp thời thường xuyên, chặt chẽ, thống nhất giữa các ngành, các địa phương trong việc thực hiện chính sách dân tộc, các chương trình, dự án đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

2. Việc phối hợp thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức và các quy định liên quan được UBND tỉnh giao, không làm ảnh hưởng đến hoạt động riêng của từng cơ quan, tổ chức.

3. Ban Dân tộc là cơ quan thường trực, chủ trì theo dõi việc thực hiện cơ chế phối hợp của các ngành, địa phương, là cơ quan đầu mối tổng hợp báo cáo, đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn và đôn đốc các Sở, Ban ngành, UBND các huyện thực hiện nghiêm túc Quy chế này.

Chương II

NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP PHỐI HỢP

Điều 5. Nội dung phối hợp

1. Cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND tỉnh

Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, các cơ quan (được UBND tỉnh ủy quyền) theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch, căn cứ nguồn vốn được phân bổ hàng năm từ ngân sách Trung ương (hoặc ngân sách địa phương), dự kiến bố trí vốn lấy ý kiến tham gia của cơ quan thường trực trước khi trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

2. UBND các huyện

Trên cơ sở các chương trình, chính sách, dự án đã được Trung ương phê duyệt hoặc Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND các huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm, trung hạn, dài hạn theo nội dung của từng chính sách, chương trình từ các xã, lấy ý kiến tham gia cơ quan thường trực trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt. Đề xuất các Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (trước tháng 7 hàng năm), trình UBND tỉnh báo cáo các Bộ, ngành Trung ương.

3. Ban Dân tộc tỉnh

Căn cứ vào nội dung Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về các chính sách, chủ trương, chương trình, dự án, Ban Dân tộc tỉnh có trách nhiệm nghiên cứu, góp ý, tổng hợp tình hình thực hiện các chương trình, chính sách, dự án của các ngành, các địa phương; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn.

Điều 6. Phương pháp phối hợp

Tùy theo tính chất, nội dung công việc cụ thể mà lựa chọn một trong các phương thức phối hợp sau đây:

a) Lấy ý kiến bằng văn bản.

b) Tổ chức họp, họp báo, hội nghị.

c) Tổ chức đoàn thực tế khảo sát, kiểm tra các hoạt động của đơn vị liên quan đến việc tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Nhiệm vụ của Ban Dân tộc tỉnh

a) Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực, đầu mối tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, kế hoạch, chương trình, chính sách, dự án vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

b) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phân bổ nguồn vốn thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh củng cố, xây dựng, hoàn thiện bộ máy làm công tác dân tộc, kiện toàn hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở. Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan và UBND các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách. Rà soát và đề xuất việc thực hiện các Nghị quyết, kế hoạch chính sách, chương trình, dự án liên quan đến công tác dân tộc.

c) Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Báo cáo UBND tỉnh định kỳ 06 tháng, năm hoặc đột xuất về công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn. Định kỳ hàng năm Ban Dân tộc tỉnh chủ trì tổ chức cuộc họp tổng kết, báo cáo UBND tỉnh về công tác phối hợp.

Điều 8. Nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND tỉnh

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì phối hợp với Ban Dân tộc xây dựng các kế hoạch hàng năm, kế hoạch trung hạn và kế hoạch 5 năm, phân bổ, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình, chính sách, dự án ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

b) Xây dựng các danh mục dự án kêu gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi được quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ; các dự án NGO và các dự án thuộc các nhà đầu tư khác; ưu tiên các dự án mà địa phương có lợi thế về cung cấp nguyên liệu, công nghiệp giải quyết được nhiều lao động tại chỗ; các dự án nông nghiệp công nghệ cao, về năng lượng, hạ tầng các khu công nghiệp tập trung...

c) Cung cấp thông tin, số liệu tình hình phân bổ vốn, quá trình thực hiện các chính sách, chương trình, dự án ở vùng dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh cho cơ quan thường trực để tổng hợp báo cáo theo định kỳ 6 tháng, năm và đột xuất.

2. Sở Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí chi thường xuyên thực hiện các chế độ, chính sách, chương trình, dự án theo thẩm quyền. Hướng dẫn quản lý sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn vốn thực hiện chính sách, chương trình, dự án đầu tư tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện để đảm bảo các nguồn vốn đưa vào sử dụng đúng quy định, đúng mục đích, có hiệu quả.

b) Cung cấp thông tin, số liệu về kết quả thực hiện các chính sách cùng dân tộc thiểu số và miền núi cho cơ quan thường trực để tổng hợp báo cáo theo định kỳ 6 tháng, năm hoặc đột xuất.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Chủ trì phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các Sở, Ban ngành liên quan tham mưu, đề xuất thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đặc biệt là chính sách đào tạo nghề áp dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Danh mục ngành nghề đào tạo, thời gian và đối tượng đào tạo phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

b) Cung cấp thông tin, số liệu về kết quả thực hiện các chính sách cùng dân tộc thiểu số và miền núi cho cơ quan thường trực để tổng hợp báo cáo theo định kỳ 6 tháng, năm hoặc đột xuất.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan và UBND các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ thực hiện tốt các chính sách về giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa bàn miền núi và tập quán vùng dân tộc thiểu số; hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tốt hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135.

b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành và UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện chính sách giao khoán rừng ổn định lâu dài cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

c) Cung cấp thông tin, số liệu về kết quả thực hiện các chính sách cùng dân tộc thiểu số và miền núi cho cơ quan thường trực để tổng hợp báo cáo theo định kỳ 6 tháng, năm hoặc đột xuất.

5. Sở Thông tin và truyền thông

a) Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Mở rộng diện phủ sóng và nâng cao chất lượng phát thanh truyền hình, điện thoại và internet, phát triển đồng bộ hệ thống bưu chính - viễn thông tại hai cửa khẩu Lao Bảo và La Lay, kết nối thông tin liên lạc giữa các điểm dân cư với đồn biên phòng dọc tuyến biên giới.

b) Chủ trì phối hợp, tổ chức hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở địa phương, các Nghị quyết, chương trình, chính sách, dự án vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh bằng các hình thức, phương thức phù hợp với từng vùng, từng dân tộc và bằng tiếng dân tộc thiểu số. Lồng ghép, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

c) Phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan tổ chức họp báo; cung cấp thông tin, số liệu về kết quả thực hiện các chính sách cùng dân tộc thiểu số và miền núi cho cơ quan thường trực để tổng hợp báo cáo theo định kỳ 6 tháng, năm hoặc đột xuất.

6. Các Sở, Ban ngành liên quan: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho cơ quan thường trực theo định kỳ 6 tháng, năm và đột xuất.

Điều 9. UBND các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh

1. Có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn các chương trình, chính sách, các dự án trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, lấy ý kiến cơ quan thường trực trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

2. Tổ chức thực hiện các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc theo quy định của pháp luật, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước các chính sách dân tộc trên địa bàn. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng, huy động mọi nguồn lực, đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn một cách bền vững. Thực hiện tốt các chính sách về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số.

3. Tăng cường xây dựng hệ thống chính trị, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý công tác dân tộc. Thực hiện sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách, chương trình, dự án về công tác dân tộc trên địa bàn.

4. Báo cáo kết quả thực hiện cho cơ quan thường trực định kỳ 6 tháng, năm và đột xuất.

Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Ban Dân tộc chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện Quy chế thực hiện các chương trình, chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị, nếu phát sinh vướng mắc cần phải bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế của của địa phương, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương đề xuất về Ban Dân tộc tỉnh để tổng hợp, thống nhất ý kiến và báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 34/2014/QĐ-UBND về Quy chế thực hiện chương trình, chính sách, dự án vùng dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

  • Số hiệu: 34/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/08/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Nguyễn Đức Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản