Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2007/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 03 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỨC THU, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHÍ CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Phí và Lệ phí năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí;

Căn cứ Thông tư số 97/2006/TT-BTC ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về Phí và Lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thông tư số 67/2003/TT-BTC ngày 11/7/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho Ban quản lý chợ, doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ,

Căn cứ Nghị quyết số 56/2006/NQ-HĐND ngày 13 tháng 01 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau về thu Phí chợ trên địa bàn tỉnh Cà Mau;

Xét Tờ trình số 25/TTr-STM ngày 26 tháng 10 năm 2007 và Phương án số 16/PA-STM ngày 07 tháng 9 năm 2007 về thực hiện thu, quản lý, sử dụng phí chợ của Sở Thương mại; ý kiến của Sở Tài chính tại Công văn số 970/STC ngày 26 tháng 9 năm 2007 và Báo cáo thẩm định số 112/BC-STP ngày 23 tháng 10 năm 2007 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định chi tiết mức thu, quản lý, sử dụng Phí chợ trên địa bàn tỉnh Cà Mau, cụ thể như sau:

1. Tổ chức thu phí: Các Ban quản lý chợ, Tổ quản lý chợ (gọi chung là Ban quản lý chợ) và các doanh nghiệp, hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp) quản lý, kinh doanh chợ.

2. Đối tượng nộp phí: Các tổ chức, cá nhân, cơ sở, hộ kinh doanh có thuê mặt bằng để kinh doanh buôn bán cố định, thường xuyên và những người buôn bán không thường xuyên tại chợ.

3. Mức thu phí:

3.1. Đối với cơ sở, tổ chức và hộ kinh doanh thuê diện tích buôn bán cố định, thường xuyên:

a) Đối với chợ có nhà lồng:

- Chợ trên địa bàn thành phố:

+ Mức thu cao nhất: Chợ loại I: 200.000 đồng/m2/tháng; chợ loại II: 180.000 đồng/m2/tháng; chợ loại III: 150.000 đồng/m2/tháng.

+ Mức thu thấp nhất: Chợ loại I: 90.000 đồng/m2/tháng; chợ loại II: 60.000 đồng/m2/tháng; chợ loại III: 30.000 đồng/m2/tháng.

- Chợ thị trấn:

+ Mức thu cao nhất: Chợ loại I: 180.000 đồng/m2/tháng; chợ loại II: 150.000 đồng/m2/tháng; chợ loại III: 110.000 đồng/m2/tháng.

+ Mức thu thấp nhất: Chợ loại I: 60.000 đồng/m2/tháng; chợ loại II: 30.000 đồng/m2/tháng; chợ loại III: 20.000 đồng/m2/tháng.

- Chợ nông thôn (chợ xã):

+ Mức thu cao nhất: Chợ loại II: 70.000 đồng/m2/tháng; chợ loại III: 50.000 đồng/m2/tháng; chợ tạm: 30.000 đồng/m2/tháng.

+ Mức thu thấp nhất: Chợ loại II: 20.000 đồng/m2/tháng; chợ loại III: 15.000 đồng/m2/tháng; chợ tạm: 10.000 đồng/m2/tháng.

b) Đối với chợ có lầu: Mức thu trên lầu bằng 70% mức thu của từng loại chợ nêu trên.

c) Đối với chợ không có nhà lồng: Mức thu bằng 70% mức thu của chợ có nhà lồng nêu trên.

3.2. Đối với người buôn bán không thường xuyên, không cố định tại chợ:

- Mức thu cao nhất: Chợ trên địa bàn thành phố: 8.000 đồng/người/ngày hoặc tính theo số lượng hàng hoá nhập chợ; chợ thị trấn: 3.000 đồng/người/ngày hoặc tính theo số lượng hàng hoá nhập chợ; chợ xã: 3.000 đồng/người/ngày hoặc tính theo số lượng hàng hoá nhập chợ.

- Mức thu thấp nhất: Chợ trên địa bàn thành phố: 2.000 đồng/người/ngày hoặc tính theo số lượng hàng hoá nhập chợ; chợ thị trấn: 1.000 đồng/người/ngày hoặc tính theo số lượng hàng hoá nhập chợ; chợ xã: 500 đồng/người/ngày hoặc tính theo số lượng hàng hoá nhập chợ.

3.3. Đối với hàng hoá tính theo kg, con, lô hàng hoặc phương tiện:

Tùy theo từng chợ có tổ chức mặt bằng cho phương tiện hoặc cho người buôn bán tập kết hàng hoá thì mức thu không vượt quá mức 100.000 đồng/lượt hàng hoá nhập chợ.

3.4. Đối với chợ do các thành phần kinh tế đầu tư:

Đối với chợ được đầu tư xây dựng mới bằng nguồn vốn không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (sau ngày ban hành quyết định này) được thực hiện mức thu theo dự án (đề án) do cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng mức thu phí tối đa không quá 2 lần mức thu phí quy định tại điều này.

4. Thẩm quyền quyết định mức thu phí cho từng loại chợ:

Căn cứ vào khung mức thu phí chợ tại điều này, các Ban quản lý chợ hoặc doanh nghiệp kinh doanh, quản lý chợ có trách nhiệm lập phương án thu Phí chợ do đơn vị mình quản lý (trong đó nêu cụ thể đối tượng, mức thu...), trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức thu phí, cụ thể như sau:

4.1. Đối với chợ loại I: Giám đốc Sở Thương mại phê duyệt.

4.2. Đối với chợ loại II, loại III: Chủ tịch UBND huyện, thành phố phê duyệt.

5. Quản lý, sử dụng tiền phí:

- Phí chợ là khoản thu nhằm bù đắp chi phí đầu tư, chi phí quản lý của Ban quản lý chợ hoặc doanh nghiệp đầu tư kinh doanh chợ. Nguồn thu Phí chợ được ưu tiên đầu tư trở lại để nâng cấp, phát triển chợ. Việc phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn thu Phí chợ thực hiện như sau:

+ Đối với các chợ do các cơ quan thuộc chính quyền các cấp quản lý: Ban quản lý chợ được để lại 90% số phí thu được để chi hoàn vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp chợ và các khoản chi phí hoạt động có liên quan theo quy định hiện hành của Nhà nước; Ban quản lý chợ được thực hiện theo cơ chế quản lý tài chính đối với đơn vị sự nghiệp có thu. Số còn lại (10%) nộp ngân sách.

+ Đối với chợ do doanh nghiệp quản lý: doanh nghiệp tổ chức thu và thực hiện hạch toán theo Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan.

- Các tổ chức thu phí phải thực hiện đúng theo mức thu. Việc quản lý, sử dụng cụ thể tiền thu Phí chợ thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 2. Giao Sở Thương mại phối hợp Sở Tài chính triển khai và hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Thương mại, Tài chính; Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài chính;
- Cục kiểm tra VB QPPL (Bộ TP);
- TT HĐND, UBND tỉnh;
- Ban KT-NS HĐND tỉnh;
- Website tỉnh Cà Mau;
- Lưu VP, CVKT. Tr 03/12.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Tiến Dũng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 34/2007/QĐ-UBND quy định về mức thu, quản lý, sử dụng Phí chợ trên địa bàn tỉnh Cà Mau

  • Số hiệu: 34/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/12/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Dương Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/12/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản