Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 34/2007/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 28 tháng 6 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI TỰ NGUYỆN ĐẾN LÀM VIỆC TẠI CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THUỘC THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG QUẢN LÝ.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về chính sách ưu đãi đối với những người tự nguyện đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng quản lý ”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 86/2000/QĐ-UB ngày 02 tháng 8 năm 2000 và Thông báo số 55/TB-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2006 của UBND thành phố Đà Nẵng.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ;
- TT Thành uỷ;
- TT HĐND TP;
- Đoàn ĐB QH tại TP ĐN;
- UB MTTQ TP và các đoàn thể;
- Chủ tịch và các PCT UBND TP;
- Các Sở, ban, ngành;UBND quận, huyện.
- TT Công báo;
- Lưu: VP UBND TP, Sở Nội vụ (03).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI TỰ NGUYỆN ĐẾN LÀM VIỆC TẠI CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THUỘC THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG QUẢN LÝ.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2007/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2007 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này quy định chính sách ưu đãi đối với những người tự nguyện đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng quản lý.

Điều 2. Mục tiêu, yêu cầu

Tiếp nhận những người có đạo đức, phẩm chất tốt, có trình độ chuyên môn cao, chuyên sâu, có năng lực quản lý, điều hành nhằm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện tốt yêu cầu phát triển thành phố.

Chương II

ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN

Điều 3. Đối tượng

1. Giáo sư, phó giáo sư;

2. Người tốt nghiệp đại học, sau đại học (Tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, dược sĩ chuyên khoa cấp 2, bác sĩ nội trú);

3. Người được cấp có thẩm quyền công nhận danh hiệu nghệ nhân; người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, quản lý giỏi được xếp lương chức danh chuyên gia cao cấp;

4. Huấn luyện viên cấp quốc gia trở lên; vận động viên đạt thành tích cấp quốc gia trở lên;

5. Những người không cư trú hoặc không công tác tại thành phố Đà Nẵng nhưng tự nguyện tham gia vào các chương trình, đề án để xây dựng và phát triển thành phố thì thực hiện theo quy định riêng;

6. Những đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này được cử đi đào tạo trong nước hoặc nước ngoài từ nguồn ngân sách của thành phố thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quy định này;

7. Những người tốt nghiệp sau đại học ở nước ngoài thì thực hiện theo quy định riêng.

Điều 4. Ngành, nghề và chức danh tiếp nhận

1. Công nghệ thông tin (Công nghệ phần mềm, quản trị mạng);

2. Công nghệ sinh học, công nghệ môi trường;

3. Xây dựng (Dân dụng và công nghiệp; cầu đường);

4. Kiến trúc;

5. Y tế (Bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, gây mê, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh);

6. Hành chính;

7. Luật (Luật hành chính, Luật dân sự, Luật quốc tế, Luật thương mại quốc tế);

8. Tài chính, kế toán, kinh tế đối ngoại, quan hệ quốc tế, du lịch;  

9. Ngoại ngữ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan;

10. Một số ngành thuộc lĩnh vực văn hoá - nghệ thuật như: Bảo tàng, thanh nhạc, hội họa, quản lý văn hoá, văn hoá dân gian, đạo diễn;

11. Quản lý giáo dục; các chuyên ngành sư phạm (theo nhu cầu tuyển dụng hàng năm);

12. Một số vị trí hoặc chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Căn cứ vào nhu cầu thực tế, Uỷ ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) thành phố hoặc các cơ quan được uỷ quyền sẽ thông báo số lượng, chức danh tiếp nhận, bổ sung, thay đổi ngành, nghề thu hút cho phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố theo từng thời kỳ. Trường hợp số lượng đăng ký cao hơn nhu cầu thì Hội đồng tuyển chọn sẽ tổ chức sát hạch trước khi tiếp nhận. Hội đồng tuyển chọn do UBND thành phố quyết định thành lập.

Điều 5. Điều kiện

1. Điều kiện chung

Có phẩm chất, đạo đức tốt; có ý thức tổ chức kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có trình độ chuyên môn cao, có đủ sức khoẻ để làm việc.

2. Điều kiện cụ thể

a) Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, dược sĩ chuyên khoa cấp 2 phải còn ít nhất đủ 07 (bảy) năm để công tác trước khi đến tuổi nghỉ hưu theo quy định;

b) Thạc sĩ phải có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy tại các cơ sở đào tạo công lập trong nước đạt hạng khá trở lên, có chuyên ngành phù hợp với ngành học thạc sĩ và không quá 40 tuổi. Bác sĩ nội trú phải có bằng Bác sĩ hệ chính quy tại các cơ sở đào tạo công lập đạt hạng khá trở lên và không quá 35 tuổi;

c) Những người tốt nghiệp đại học phải có bằng đại học hệ chính quy tại các cơ sở đào tạo công lập trong nước hoặc các cơ sở đào tạo ở nước ngoài đạt hạng giỏi, xuất sắc và không quá 30 tuổi;

d) Những đối tượng theo quy định tại khoản 2, Điều 3, Quy định này (trừ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, dược sĩ chuyên khoa cấp 2) tuy không đảm bảo các điều kiện theo quy định tại điểm b, điểm c, khoản 2, Điều này, nhưng có bằng Lao động sáng tạo, sáng kiến được Hội đồng Khoa học cấp Bộ công nhận và đã được áp dụng trong thực tế;

đ) Những người tốt nghiệp đại học thuộc các nhóm ngành y tế, kinh tế, địa chính, xây dựng, văn hoá, luật, hành chính hệ chính quy tại các cơ sở đào tạo công lập, có hộ khẩu tại thành phố Đà Nẵng và tự nguyện công tác tại các cơ quan, đơn vị tuyến phường, xã từ 05 (năm) năm trở lên;

e) Các trường hợp khác do UBND thành phố quyết định.

Chương III

CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI

Điều 6. Chính sách ưu đãi

1. Đối với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 2 và dược sĩ chuyên khoa cấp 2

a) Được xếp lương theo ngạch, bậc đang hưởng hoặc xếp 100% lương khởi điểm;

b) Được hưởng phụ cấp thu hút bằng 50% so với mức lương được xếp tại điểm a, khoản 1 Điều này trong thời hạn 02 năm kể từ ngày có văn bản tiếp nhận và phân bổ;

c) Được bố trí nhà chung cư để ở và miễn tiền thuê nhà trong thời gian 07 năm. Sau 07 năm, nếu có nhu cầu tiếp tục thuê nhà thì phải trả tiền thuê nhà theo quy định của thành phố;

d) Nếu có nhu cầu mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc mua đất làm nhà ở thì được giảm từ 10% đến 30% so với giá quy định tuỳ theo vị trí nhà, đất. Trường hợp chưa bố trí được chung cư thì thành phố hỗ trợ tiền thuê nhà theo mức giá bình quân thuê chung cư của thành phố (thời gian hỗ trợ tiền thuê nhà bằng thời gian không trả tiền thuê chung cư);

đ) Sau khi tiếp nhận và phân bổ công tác, được nhận trợ cấp một lần như sau:

- Giáo sư:                                                         100.000.000 đồng

- Phó giáo sư:                                                   70.000.000 đồng

- Tiến sĩ:                                                            50.000.000 đồng

- Bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp 2:                  30.000.000 đồng

2. Đối với thạc sĩ, bác sĩ nội trú và những người tốt nghiệp đại học hạng giỏi, xuất sắc

a) Được xếp lương theo ngạch, bậc đang hưởng hoặc hưởng 100% lương khởi điểm;

b) Được hưởng phụ cấp thu hút bằng 50% mức lương tối thiểu trong thời hạn 02 năm kể từ ngày có văn bản tiếp nhận và phân bổ;

c) Sau khi tiếp nhận và phân bổ công tác được nhận trợ cấp một lần như sau:

- Thạc sĩ, bác sĩ nội trú:                                      15.000.000 đồng

- Tốt nghiệp đại học hạng giỏi, xuất sắc:              10.000.000 đồng

3. Các đối tượng khác

a) Nghệ nhân, người có trình độ tay nghề cao, chuyên gia, các nhà quản lý giỏi; huấn luyện viên cấp quốc gia trở lên, vận động viên đạt thành tích cấp quốc gia trở lên được hưởng chính sách ưu đãi sau:

- Được trả lương theo thỏa thuận trên cơ sở số lượng, chất lượng hiệu quả công việc nhưng không quá 3 lần mức lương theo ngạch, bậc đang hưởng;

- Sau khi tiếp nhận và bố trí công tác, được nhận trợ cấp một lần như sau:

+ Đối với nghệ nhân, người có trình độ tay nghề cao, chuyên gia, các nhà quản lý giỏi: 30.000.000 đồng

+ Huấn luyện viên cấp quốc gia trở lên; vận động viên đạt thành tích cấp quốc gia trở lên: 10.000.000 đồng

- Những đối tượng quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 5 Quy định này thì được ưu tiên tiếp nhận nhưng không được hưởng chế độ ưu đãi và các quyền lợi theo quy định;

b) Những người tốt nghiệp đại học theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 5 Quy định này về công tác tại phường, xã thì được hưởng chính sách ưu đãi như sau:

- Được hưởng 100% lương khởi điểm theo ngạch, bậc;

- Được hưởng phụ cấp thu hút bằng 50% mức lương tối thiểu trong thời hạn 02 năm kể từ ngày có văn bản tiếp nhận và phân bổ.

4. Những đối tượng theo chủ trương thu hút nguồn nhân lực đã được tiếp nhận và phân bổ công tác trước khi Quy định này có hiệu lực, nếu đủ điều kiện theo quy định vẫn tiếp tục được hưởng mức hỗ trợ theo Quyết định số 99/2006/QĐ-UBND ngày 01 tháng 11 năm 2006 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc quy định mức hỗ trợ đối với một số đối tượng theo chủ trương thu hút nguồn nhân lực của thành phố Đà Nẵng và Quyết định số 2035/QĐ-UBND ngày 19 tháng 3 năm 2007 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng theo chủ trương thu hút nguồn nhân lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2008.

Chương IV

QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM

Điều 7. Quyền lợi

1. Được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định tại Điều 6, Quy định này;

2. Được bố trí việc làm theo đúng ngành nghề đào tạo, được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện và môi trường làm việc thuận lợi để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;

3. Được ưu tiên tiếp nhận chồng, vợ, con vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố quản lý nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định;

4. Được cơ quan, đơn vị ưu tiên xem xét đề nghị dự tuyển công chức, viên chức;

5. Được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước, nước ngoài và được hưởng chế độ trợ cấp đi học theo quy định hiện hành của Nhà nước và của thành phố;

6. Sau 07 năm công tác tại các sở, ban, ngành, quận, huyện, đơn vị sự nghiệp và 05 năm công tác tại phường, xã nếu có nguyện vọng chuyển đổi vị trí công tác thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Điều 8. Trách nhiệm

1. Những đối tượng quy định tại điểm a, b, c, d, khoản 2, Điều 5 Quy định này có cam kết làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng quản lý ít nhất là 07 năm (không tính thời gian cam kết phục vụ sau khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng); những đối tượng quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 5 Quy định này có cam kết làm việc tại phường, xã ít nhất là 05 năm kể từ ngày được tiếp nhận và phân bổ công tác;

2. Trong thời gian cam kết làm việc nhưng tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, chuyển công tác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền, không thực hiện đúng sự phân công, bố trí công tác thì chịu trách nhiệm hoàn trả lại nhà chung cư, toàn bộ các khoản được hưởng theo chính sách ưu đãi về phụ cấp thu hút, trợ cấp một lần, miễn tiền thuê nhà chung cư, giảm tiền mua đất theo quy định tại Điều 6 Quy định này và hoàn trả gấp 5 lần các khoản trợ cấp đi học trong và ngoài nước theo quy định hiện hành của thành phố. Thời gian hoàn trả trước khi nghỉ việc tại cơ quan, đơn vị. Nếu không thực hiện đúng thời gian hoàn trả thì thông báo (bằng văn bản) về địa phương nơi đối tượng đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc cơ quan, đơn vị chuyển đến làm việc.

Chương V

THỦ TỤC TIẾP NHẬN VÀ BỐ TRÍ CÔNG TÁC

Điều 9. Hồ sơ

1. Đơn tự nguyện công tác;

2. Sơ yếu lý lịch (có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc cơ quan đang công tác);

3. Bản sao bằng tốt nghiệp (có chứng thực);

4. Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan y tế cấp quận, huyện trở lên cấp (có thời hạn không quá 06 tháng đến thời điểm nộp hồ sơ);

5. Bản cam kết phục vụ công tác tại thành phố Đà Nẵng.

Điều 10. Thời gian tiếp nhận

1. Đối với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, lãnh đạo UBND thành phố gặp gỡ, tiếp xúc và xem xét quyết định tiếp nhận, bố trí việc làm;

2. Những đối tượng còn lại, lãnh đạo Sở Nội vụ thành phố phối hợp với Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện tiếp xúc và trình UBND thành phố quyết định tiếp nhận và phân bổ công tác ;

3. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định tiếp nhận, phân bổ công tác; đối tượng thu hút không đến nhận công tác thì coi như tự ý bỏ việc và sẽ không được tiếp nhận lại.

Điều 11. Kinh phí và biên chế để thực hiện

1. Kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi đối với những người tự nguyện đến làm việc lâu dài tại thành phố theo Quy định này được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của thành phố;

2. Các đối tượng thu hút không tính trong biên chế, lao động hàng năm do UBND thành phố đã giao cho đơn vị.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Phân công trách nhiệm

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã chịu trách nhiệm:

a) Đăng ký nhu cầu về số lượng, ngành nghề tiếp nhận trước ngày 31 tháng 12 hàng năm;

b) Sau khi có văn bản tiếp nhận và phân bổ công tác của cơ quan có thẩm quyền, tiến hành ký kết hợp đồng lao động, phân công nhiệm vụ, quản lý, sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng thu hút phát huy tốt năng lực. Nếu đơn vị trực tiếp nhận hồ sơ thì phải báo cáo bằng văn bản (kèm theo hồ sơ) về Sở Nội vụ để xem xét ra quyết định tiếp nhận và phân bổ công tác;

c) Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước và theo Quy định này; báo cáo UBND thành phố (thông qua Sở Nội vụ) những trường hợp không nhận công tác, bỏ việc, thôi việc, chuyển công tác;

d) Thu hồi và nộp vào ngân sách nhà nước chế độ trợ cấp một lần, phụ cấp thu hút, kinh phí đào tạo đối với các trường hợp quy định tại Điều 8 Quy định này; đồng thời, báo cáo Sở Tài chính để theo dõi;

đ) Nhận xét, đánh giá kết quả công tác đối với những người đã được bố trí làm việc tại đơn vị và gửi về Sở Nội vụ theo quy định về đánh giá cán bộ, công chức hàng năm;

e) Ký cam kết với đối tượng được tiếp nhận; thông báo về địa phương nơi đối tượng đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc cơ quan, đơn vị chuyển đến làm việc đối với những trường hợp không thực hiện đúng khoản 2, Điều 8 Quy định này;

g) Báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xem xét chấm dứt hợp đồng làm việc đối với các trường hợp không thực hiện đúng cam kết hoặc có kết quả công tác 3 năm liên tục đạt từ loại trung bình trở xuống.

2. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm:

a) Gặp gỡ, tiếp xúc và quyết định tiếp nhận, phân bổ công tác các đối tượng theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Quy định này (trừ tiến sĩ); Quyết định tiếp nhận và phân bổ công tác đối với những người tốt nghiệp đại học về công tác tại phường, xã;

b) Báo cáo và đề xuất Chủ tịch UBND thành phố xem xét, quyết định việc tiếp nhận, phân bổ công tác đối với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và các đối tượng khác;

c) Phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện kiểm tra, theo dõi và báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện Quy định này.

3. Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm:

a) Trình UBND thành phố cân đối, bố trí dự toán ngân sách hàng năm, đảm bảo kinh phí để thực hiện chính sách thu hút;

b) Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ trình UBND thành phố quyết định cấp kinh phí cho các đối tượng thu hút để các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết các chế độ ưu đãi theo quy định;

c) Thực hiện việc cấp phát và hướng dẫn việc sử dụng, thu hồi kinh phí cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng đối tượng thu hút;

4. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm báo cáo UBND thành phố và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các chế độ ưu đãi liên quan đến việc bố trí, thu hồi, miễn, giảm tiền thuê nhà chung cư, mua đất ở theo quy định.

Điều 14. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về việc triển khai, thực hiện Quy định này.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo UBND thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 34/2007/QĐ-UBND ban hành Quy định về chính sách ưu đãi đối với những người tự nguyện đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng quản lý do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành

  • Số hiệu: 34/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/06/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Trần Văn Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/07/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản