Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2006/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 08 tháng 5 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH TẠI TỈNH LAI CHÂU, GIAI ĐOẠN 2006 -2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/ 2003;

Căn cứ Quyết định số 09/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình hành động về tiếp tục đấy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình;

Xét đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban dân số, gia đình và trẻ em tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình tại Lai Châu, giai đoạn 2006 - 2010 (có Kế hoạch chi tiết kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị và Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Văn Thành

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH TẠI TỈNH LAI CHÂU, GIAI ĐOẠN 2006 - 20010
 ( Ban hành kèm theo quyết định số: 34/2006/QĐ-UBND ngày 08 tháng 5 năm 2006 của UBND tỉnh Lai Châu)

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU.

1. Làm cho mọi cán bộ đảng viên, các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhận thức sâu sắc mục đích, nội dung và các giải pháp thực hiện công tác Dân số và Kế hoạch hoá gia đình trong giai đoạn hiện nay.

2. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về Dân số và Kế hoạch hoá gia đình. Chủ động đưa các mục tiêu về Dân số và Kế hoạch hoá gia đình vào kế hoạch hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị trên lĩnh vực được phân công.

3. Huy động tối đa các nguồn lực hiện có trên địa bàn, tăng cường và phối hợp liên ngành cho công tác Dân số và Kế hoạch hoá gia đình nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Trung ương và Tỉnh đã giao.

4. Duy trì mức giảm sinh nhằm chủ động điều chỉnh qui mô dân số một cách hợp lý, đồng thời từng bước giải quyết có trọng điểm chất lượng dân số, cơ cấu dân số và phân bổ dân cư.

5. Khuyến khích các tập thể, cá nhân thực hiện tốt Chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, đồng thời xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm.

II. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ CỦA CÔNG TÁC DÂN SỐ VÀ KHHGĐ TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2006 - 2010.

1. Mục tiêu chung:

Tiếp tục duy trì xu thế giảm sinh một cách vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần. Đảm bảo cơ cấu và phân bố dân cư hợp lý phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 47/2005/NQ-TW ngày 22 tháng 3 năm 2005 của Bộ Chính trị, nhằm đạt được mức sinh thay thế ( Trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chỉ có 2 con ) trong toàn tỉnh vào năm 2010. Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu CNH – HĐH, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

2. Mục tiêu cụ thể.

2.1. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục duy trì giảm tỷ lệ sinh để đến cuối năm 2010, quy mô dân số toàn tỉnh khoảng 380.000 người, trong đó tăng cơ học khoảng 20.000 người.

Cụ thể qua bảng sau:

Năm

Tỷ lệ sinh (‰)

Tỷ lệ giảm sinh (‰)

Tỷ lệ tăng tự nhiên (‰)

Dân số trung bình

2006

25,90

1,30

19,92

331.265

2007

24,60

1,10

20,10

337.863

2008

23,50

1,00

19,00

344.654

2009

22,50

1,00

18,00

351.202

2010

21,50

0,90

17,00

357.523

2.2. Từng bước nâng cao chất lượng dân số, trong đó tập trung cho công tác xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người dân. Tăng dần tỷ lệ lao động qua đào tạo, đa dạng hoá các loại hình đào tạo để nâng cao trình độ học vấn của nhân dân. Cải thiện đời sống vật chất văn hoá - tinh thần để nâng cao tuổi thọ cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

CHỈ TIÊU CỤ THỂ ĐẾN NĂM 2010 ( tính đến thời điểm cuối năm)

TT

Nội dung

Chỉ tiêu các năm

2006

2007

2008

2009

2010

1

Mức thu nhập bình quân đầu người/1 năm/(USD)

320

370

450

500

600

2

Tỷ lệ hộ đói nghèo

55,5

49

42,5

36

30

3

Số năm học bình quân/đầu người (năm)

5,8

6,8

7,5

8

9

4

Tỷ lệ người có trình độ từ cao đẳng - đại học trở lên/Số lao động từ 15 đến 60 (%)

9

10

12

14

16

5

Tỷ lệ lao động qua đào tạo/số lao động từ 15 đến 60 (%)

15

17

19

21

23

6

Tuổi thọ trung bình (năm)

67,2

67,8

68

69

70

* Chăm sóc sức khoẻ sinh sản.

Bảo đảm quyền sinh sản và lựa chọn các biện pháp tránh thai có chất lượng của phụ nữ và các cặp vợ chồng một cách có ý thức và trách nhiệm cao. Giảm tối đa tỷ lệ có thai ngoài ý muốn và các tai biến do nạo, hút thai.

Nâng cao tình trạng sức khoẻ của phụ nữ và các bà mẹ, giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong mẹ, tử vong chu sinh và tử vong trẻ em nhất là vùng sâu, vùng cao.

Dự phòng và điều trị có hiệu quả các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây qua đường tình dục kể cả HIV/AIDS và tình trạng vô sinh. Quan tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục của vị thành niên thông qua việc giáo dục, tư vấn và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản phù hợp với lứa tuổi.

Nâng cao sự hiểu biết của phụ nữ và nam giới về giới tính và tình dục để thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm sinh sản, xây dựng quan hệ tình dục an toàn, có trách nhiệm, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau nhằm nâng cao SKSS và chất lượng cuộc sống.

Chăm sóc sức khoẻ tốt hơn cho người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi, phát hiện và điều trị sớm các trường hợp ung thư vú và các ung thư khác của đường sinh sản nam và nữ.

BẢNG CHỈ TIÊU CHĂM SÓC SKSS/ KHHGĐ ĐẾN NĂM 2010

STT

Nội dung

Đơn vị tính

Chỉ tiêu các năm

2006

2007

2008

2009

2010

1

Tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại

%

56

60

64

67

70

2

Tỷ lệ phụ nữ được khám thai 1 lần

%

68

71

74

77

80

3

Tỷ lệ phụ nữ được khám thai từ 3 lần trở lên

%

50

54

56

58

60

4

Tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế hoặc được cơ sở y tế giúp đỡ

%

45

52

58

64

70

5

Tỷ lệ mắc tai biến sản khoa

%

0,18

0,16

0,14

0,12

0,1

6

Tỷ lệ tử vong mẹ

0/0000

125

120

115

105

100

7

Tỷ suất chết trẻ em <1 tuổi

46

44

41,5

39

36

8

Tỷ suất chết trẻ em <5 tuổi

66

64

61,5

59

56

9

Tỷ lệ SDD bào thai

%

10

9,5

9

8

7

10

Tỷ lệ Trẻ SDD < 5 tuổi

%

33

31,5

29

27

25

11

Tỷ lệ nạo, hút thai/Tỷ lệ đẻ

%

36

32

29

27

25

12

Tỷ lệ phụ nữ có chồng bị viêm nhiễm đường sinh sản

%

65

61

58

54

50

13

Số trạm y tế xã có khả năng cung cấp dịch vụ SKSS tại chỗ

40

65

80

90

90

2.3 Quy hoạch, phân bố dân cư một cách hợp lý, đầu tư xây dựng các vùng kinh tế để sản xuất hàng hoá, phát huy lợi thế cạnh tranh đáp ứng nhu cầu nền kinh tế thị trường, ổn định và nâng cao mức sống của nhân dân. Tập trung cho dự án tái định cư thuỷ điện Sơn La, Dự án nâng cao chất lượng dân số của các dân tộc Si La, Mảng, Cống, La Hủ (có dự án cụ thể riêng).

2.4. Tiến hành đăng ký dân số và xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu về dân cư đồng bộ trong toàn tỉnh. Hình thành hệ thống quản lý thống nhất vào năm 2010, bảo đảm cung cấp các thông tin, dữ liệu dân số kịp thời, đầy đủ, chính xác phục vụ yêu cầu quản lý kinh tế – xã hội.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Lãnh đạo, tổ chức và quản lý

1.1. Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết trong các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở nhằm làm cho cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng, đặt công tác dân số và KHHGĐ thành một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.

1.2.Các cấp uỷ đảng, chính quyền chỉ đạo kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình trong giai đoạn vừa qua trên lĩnh vực ngành và địa phương phụ trách. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm khắc phục những yếu kém, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện cho giai đoạn 2006 – 2010 và giai đoạn tiếp theo. Kiên quyết chỉ đạo đạt được các mục tiêu dân số và KHHGĐ của Tỉnh đã đề ra

1.3. Cụ thể hoá việc thực hiện mục tiêu, chính sách dân số và KHHGĐ trong công tác thi đua khen thưởng và công tác cán bộ; coi việc thực hiện tốt mục tiêu, chính sách dân số và KHHGĐ là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua khen thưởng đối với các tập thể và cá nhân. Cán bộ, công chức phải gương mẫu và tích cực vận động gia đình và toàn dân thực hiện tốt chính sách dân số và KHHGĐ. Kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm chính sách dân số – KHHGĐ. Không đề cử, đề bạt và xem xét đưa ra khỏi các chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm chính sách này.

1.4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về dân số và chăm sóc SKSS như: Pháp lệnh dân số, Chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010, Chiến lược quốc gia về chăm sóc SKSS giai đoạn 2001 - 2010 và các chính sách có liên quan.

2. Công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục

2.1.Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác Dân số và KHHGĐ. Việc tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, nội dung tuyên truyền phải được lựa chọn cho phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa phương, từng dân tộc trong từng giai đoạn cụ thể, đảm bảo tính khoa học, tính toàn diện gắn với quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp, đảm bảo tính hiệu quả cao.. Trong đó ưu tiên phương pháp truyền thông trực tiếp và tuyên truyền miệng, dân gian.

2.2.Làm cho mọi người thấy rõ thực hiện KHHGĐ và chăm sóc SKSS trước hết là vì lợi ích của bản thân và gia đình mình. Vận động các cặp vợ chồng không sinh sớm (trước tuổi 20) và không sinh muộn( sau tuổi 35). Mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ một đến hai con, giãn khoảng cách giữa các lần sinh từ 3 đến 5 năm. Ngăn chặn có thai ngoài ý muốn. Tuyên truyền vệ sinh thai nghén để phòng các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và lây truyền qua đường tình dục. Phụ nữ có thai phải được khám ít nhất 3 lần trong mỗi thai kỳ. Giáo dục, tư vấn cho các bà mẹ biết cho con bú sớm, nuôi con bằng sữa mẹ, biết cách chăm sóc sau nạo phá thai. Dự phòng, điều trị vô sinh.

2.3. Mở rộng và nâng cao chất lượng chương trình giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản/ KHHGĐ trong và ngoài nhà trường nhằm cung cấp kiến thức và tư vấn cho vị thành niên hiểu biết về giới tính và tình dục, giúp họ hiểu được vấn đề tình dục lành mạnh và an toàn. Được tiếp cận một cách dễ dàng, thuận tiện các dịch vụ chăm sóc SKSS/ KHHGĐ, ngăn chặn tình trạng có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn và lây nhiễm bệnh qua đường tình dục. Lồng ghép giáo dục dân số, sức khoẻ sinh sản trong các môn học, bài học thích hợp ở bậc học phổ thông. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục về chăm sóc SKSS người cao tuổi, tư vấn, giải thích những thay đổi về tâm sinh lý, nhất là ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh, các bệnh thường gặp, nhất là ung thư đường sinh sản để mọi người cùng biết từ đó chủ động phòng ngừa có hiệu quả.

3. Tổ chức hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/ KHHGĐ.

3.1. Củng cố mạng lưới tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/ KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở. Xây dựng thêm các Trung tâm tư vấn về SKSS cho lứa tuổi vị thành niên, tuổi trẻ và người cao tuổi. Bảo đảm cung cấp các dịch vụ chăm sóc các bà mẹ trước, trong và sau sinh, chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ em. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ chuyên môn có đủ trình độ cho các khoa sản và ngoại sản của các bệnh viện tuyến huyện nhất là các huyện vùng cao, vùng sâu. Dự phòng và điều trị có hiệu quả các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và lây truyền qua đường tình dục. Phát hiện và điều trị sớm ung thư đường sinh sản đặc biệt là phụ nữ từ 45 tuổi trở lên. Tổ chức các điểm hoặc Trung tâm tư vấn gắn với các dịch vụ chăm sóc SKSS vị thành niên phù hợp với đặc điểm tâm lý và gần gũi đáng tin cậy với các em để hướng dẫn và giải quyết các vấn đề về chuyên môn, kỹ thuật. Cung cấp các phương tiện tránh thai thích hợp nhằm phòng tránh có thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và kể cả HIV/ AIDS và các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản khác.

3.2. Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế. Đa dạng hoá các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/ KHHGĐ, bảo đảm cung cấp dịch vụ an toàn, thuận tiện và chất lượng tốt cho người dân. Kết hợp các cơ sở y tế công lập với y tế tư nhân và các tổ chức xã hội trên cơ sở được phân cấp và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu ở các tuyến đóng vai trò quan trọng.

3.3. Thực hiện các chiến dịch tuyên truyền,vận động lồng ghép với cung cấp dịch vụ SKSS/ KHHGĐ đối với vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa đảm bảo chất lượng, hiệu quả, an toàn.

4. Nghiên cứu, bổ sung chính sách cho phù hợp với yêu cầu thực tế

4.1. Xây dựng các chính sách kinh tế xã hội nhằm khuyến khích động viên thực hiện tốt công tác dân số và KHHGĐ, ưu tiên đối với vùng sâu, vùng cao, vùng có mức sinh cao. Khuyến khích các gia đình, các cặp vợ chồng và toàn xã hội chấp nhận và thực hiện quy mô gia đình nhỏ chỉ có từ 1 đến 2 con, coi trọng bình đẳng giữa con gái với con trai. Có chính sách luân phiên, thu hút cán bộ đi phục vụ cơ sở ở những vùng khó khăn bằng cách khuyến khích về vật chất và tinh thần một cách thoả đáng nhằm làm giảm sự chênh lệch về sức khoẻ sinh sản giữa các vùng và các đối tượng. Thực hiện công bằng xã hội, khuyến khích, hỗ trợ cán bộ thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Kịp thời khen thưởng các gương điển hình tiên tiến cả về vật chất và tinh thần nhằm tạo khí thế thi đua thực hiện trong toàn tỉnh.

4.2. Xây dựng, ban hành một số chính sách, chế độ khuyến khích tinh thần và vật chất đối với những cá nhân, gia đình và tập thể thực hiện tốt chính sách dân số và KHHGĐ; trước mắt nghiên cứu nâng mức khuyến khích về vật chất đối với người thực hiện KHHGĐ.

5. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác dân số và chăm sóc SKSS .

5.1. Huy động sự tham gia của nhân dân, của toàn xã hội vào việc thực hiện các mục tiêu của công tác dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản thông qua việc lồng ghép vào các kế hoạch, chương trình hành động của các ngành, các đoàn thể, các địa phương. Đưa các nội dung thích hợp của chính sách dân số và chăm sóc SKSS vào quy ước, hương ước làng bản và các cụm dân cư. Thường xuyên nêu gương những đơn vị, dòng họ, gia đình và cá nhân thực hiện tốt chính sách dân số và KHHGĐ. Xây dựng phong trào quần chúng tham gia bảo vệ và chăm sóc SKSS bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú

5.2. Tăng cường sự phối hợp liên ngành và các đoàn thể quần chúng nhằm huy động tối đa các nguồn lực hiện có cho công tác Dân số và KHHGĐ. Xây dựng quy chế phối hợp thực hiện dưới sự chỉ đạo chung của UBND tỉnh.

5.3. Huy động mạnh mẽ sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân cũng như các tổ chức xã hội trong công tác chăm sóc SKSS. Có chính sách phù hợp để các tổ chức này chủ động tham gia vào các hoạt động chung trong toàn tỉnh.

6. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ.

6.1. Kiện toàn tổ chức bộ máy ngành dân số từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo đủ năng lực và điều kiện để tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, quản lý và thực hiện công tác dân số và chăm sóc SKSS/ KHHGĐ, nhất là ở cấp xã, phường và cụm dân cư.

6.2. Thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đối với cán bộ dân số, gia đình và trẻ em xã, phường, thị trấn và chế độ bồi dưỡng cho cộng tác viên dân số ở thôn xóm, bản làng, cụm dân cư.

7. Thực hiện đăng ký dân số, xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về dân số và KHHGĐ

7.1. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thu thập, xử lý thông tin, dữ liệu thống kê về dân số và KHHGĐ, kết hợp với việc điều tra biến động dân số hàng năm, nhằm đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu kịp thời, đầy đủ, tin cậy, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành công tác dân số và KHHGĐ ở các cấp.

7.2. Thực hiện đăng ký dân số, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm phục vụ yêu cầu quản lý hành chính, quản lý kinh tế – xã hội.

7.3. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về dân số và KHHGĐ, cung cấp những cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc đánh giá, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện tốt công tác này ở các cấp, các ngành.

8. Từng bước thực hiện chương trình nâng cao chất lượng dân số.

8.1. Từng bước triển khai các chương trình, dự án về tuyên truyền, tư vấn và kiểm tra sức khoẻ trước khi đăng ký kết hôn; kiểm tra sức khoẻ di truyền; triển khai chương trình phát hiện và điều trị sớm một số bệnh bẩm sinh của trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh. Thực hiện có hiệu quả chương trình phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, nhất là ở những địa phương, những vùng có tỷ lệ trẻ em SDD cao.

Phát động phong trào rèn luyện thân thể, bảo vệ sức khoẻ, giữ vệ sinh và bảo vệ môi trường sống tại cộng đồng dân cư. Xây dựng và triển khai các chương trình, dự án tăng cường thể lực cho người chưa thành niên và thanh niên.

Phối hợp triển khai có hiệu quả chương trình xoá đói, giảm nghèo, phòng chống bệnh xã hội và HIV/ AIDS. Xây dựng và nhân rộng các mô hình dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, đặc biệt cho trẻ em khuyết tật.

8.2. Triển khai các nghiên cứu, đánh giá về chất lượng dân số của tỉnh qua từng giai đoạn, phục vụ cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Xây dựng đề án tổng thể nâng cao chất lượng dân số của tỉnh.

Ưu tiên thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống đối với nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng xa, vùng biên giới.

9. Đào tạo và nghiên cứu.

9.1. Xây dựng kế hoạch đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số và KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở cũng như cán bộ của các ngành và đoàn thể liên quan để cập nhật kiến thức, các kỹ năng về tư vấn và thực hành giao tiếp với khách hàng.

Đào tạo lại và tăng cường sử dụng các cán bộ y tế đã nghỉ hưu, các lực lượng vũ trang ở vùng biên giới, vùng xa xôi hẻo lánh để có đủ cán bộ làm công tác truyền thông và cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ, góp phần giải quyết tình trạng mạng lưới cung cấp dịch vụ còn thiếu và mất cân đối hiện nay.

9.2. Nghiên cứu, kế thừa và phát huy các phương pháp cổ truyền về phòng bệnh, chữa bệnh, kế hoạch hoá gia đình… ứng dụng các phương pháp và bài thuốc ngừa thai, phá thai, tăng cường sức khoẻ cho phụ nữ khi mang thai, sau khi đẻ, tăng nguồn sữa mẹ, chữa băng huyết, sa dạ con…

10. Tài chính và hậu cần.

10.1.Ngân sách để triển khai công tác Dân số và KHHGĐ giai đoạn 2006 - 2010 bao gồm các nguồn từ Ngân sách Nhà nước, nguồn hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế và sự đóng góp của cộng đồng. Trong đó nguồn từ Ngân sách Nhà nước là chủ yếu. Định mức đầu tư cho công tác này thực hiện theo quy định tại Quyết định số 147/2000/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt nam giai đoạn 2001 – 2010.

10.2. Tiếp tục thực hiện quản lý, điều hành công tác dân số và KHHGĐ theo Chương trình mục tiêu Quốc gia với cơ chế phù hợp. Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng kinh phí của chương trình, tăng cường các hoạt động kiểm tra, thanh tra bảo đảm việc sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, lãng phí.

10.3. Ước tính nhu cầu kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho công tác Dân số và KHHGĐ giai đoạn 2006 - 2010 như sau:

Tổng kinh phí cho mỗi năm:

- Năm 2006:                  7.066 triệu đồng

- Năm 2007:                  7.970 triệu đồng

- Năm 2008:                  5.365 triệu đồng

- Năm 2009:                  6.550 triệu đồng

- Năm 2010:                  6.675 triệu đồng

Tổng kinh phí cho giai đoạn 2006 - 2010 là: 33.626 triệu đồng (Ba mươi ba tỷ sáu trăm hai mươi sáu triệu đồng).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh: Là cơ quan chủ trì, căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch của Trung ương giao và tỉnh giao, phối hợp với các Sở, ban, ngành đoàn thể liên quan tham mưu, lập kế hoạch hàng năm và dài hạn trình UBND tỉnh quyết định. Chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được phê duyệt

Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thị nghiên cứu, đánh giá thực trạng chất lượng dân số của tỉnh. Từng bước thực hiện các chương trình, dự án về nâng cao chất lượng dân số. Chủ trì triển khai chiến dịch đưa dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và KHHGĐ đến vùng khó khăn của tỉnh.

Triển khai thực hiện chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho cán bộ dân số, gia đình và trẻ em xã, phường, thị trấn khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch chung trong toàn tỉnh, định kỳ tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Y tế: chủ trì, phối hợp với Uỷ ban DS - GĐ &TE tỉnh và các cơ quan liên quan khảo sát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, cán bộ làm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và KHHGĐ. Có kế hoạch xây dựng, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị y tế và đào tạo đội ngũ cán bộ đảm bảo đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thực tế. Phấn đấu đến hết năm 2008 có 100% trạm y tế xã có khả năng thực hiện được dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và KHHGĐ tại chỗ.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Mở rộng các mô hình hoạt động phù hợp nhằm giảm tỷ lệ trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh, nhiễm HIV/ AIDS. Triển khai thí điểm mô hình kiểm tra sức khoẻ cho thanh niên trước khi đăng ký kết hôn.

Từng bước triển khai các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, vị thành niên, chẩn đoán và điều trị các bệnh vô sinh.

Triển khai đồng bộ các chương trình y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Mỗi năm giảm 2% trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD, đảm bảo trên 95% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng mở rộng đầy đủ đúng lịch.

Củng cố khoa nhi bệnh viện, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho trẻ em. Áp dụng các biện pháp nhằm giảm dần các tai biến sản khoa, giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong chu sinh và trẻ em theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo: có trách nhiệm xây dựng và áp dụng chương trình giáo dục về giới, về sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tình dục cho học sinh các cấp, trường học chuyên nghiệp và các loại hình giáo dục khác. Phối hợp với Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh và Sở Y tế đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên những kiến thức và kỹ năng giảng dạy, truyền đạt về công tác dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản/ KHHGĐ trong các nhà trường. Xây dựng mạng lưới truyền thông giáo dục, dịch vụ hỗ trợ, tư vấn và chăm sóc sức khoẻ cho học sinh phù hợp với lứa tuổi.

4. Sở Văn hoá - Thông tin, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu: Thường xuyên tuyên truyền các chủ trương - chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số và KHHGĐ. Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo việc cung cấp thông tin, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện KHHGĐ dưới nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng và các đội truyền thông lưu động. Kịp thời phản ánh kết quả hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh.

5. Cục Thống kê tỉnh: Phối hợp với các ngành liên quan thu thập, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các số liệu về dân số và KHHG nhằm phục vụ công tác xây dựng các chính sách phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh.

6. Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính: Đảm bảo kế hoạch và các nguồn kinh phí cho việc triển khai đồng bộ các hoạt động của chương trình dân số và KHHGĐ theo kế hoạch phân bổ của Trung ương và của tỉnh. Tham mưu cho UBND tỉnh huy động và điều phối các nguồn lực hiện có trên địa bàn, cân đối nguồn ngân sách của tỉnh để hỗ trợ thêm cho công tác Dân số và KHHGĐ.

7. Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh, Chi cục Thống kê và các ngành liên quan triển khai đề án Hệ thống đăng ký dân số sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

8. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Phối hợp với Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh, Chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân các xã biên giới thực hiện chính sách dân số và KHHGĐ. Tham gia Chiến dịch chăm sóc SKSS/ KHHGĐ và cung cấp các phương tiện tránh thai theo khả năng thực tế của đơn vị.

9. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã : Chịu trách nhiệm chỉ đạo, triển khai công tác Dân số và KHHGĐ trên địa bàn. Huy động thêm nguồn lực tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình. Xây dựng kế hoạch hoạt động của huyện, thị thực hiện Nghị quyết số 47/2005/NQ-TW ngày 22/ 3/ 2005 của Bộ Chính trị phù hợp với điều kiện địa phương và kế hoạch của tỉnh.

Chỉ đạo kiểm điểm đánh giá tình hình thực hiện chính sách dân số và KHHGĐ trong thời gian qua, có kế hoạch chấn chỉnh, khắc phục các yếu kém. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và KHHGĐ ở địa phương, trong đó tập trung vào các nội dung tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố tổ chức, bộ máy của cơ quan dân số, gia đình và trẻ em. Quản lý và sử dụng kinh phí có hiệu quả.

Xây dựng và trình HĐND cùng cấp ban hành các chính sách khuyến khích các cơ quan, đơn vị, cá nhân ở địa phương thực hiện tốt chính sách dân số và KHHGĐ phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế ở địa phương. Xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, đảng viên do địa phương quản lý vi phạm chính sách dân số và KHHGĐ.

10. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên: phối hợp với Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, UBND các huyện, thị xây dựng kế hoạch đưa mục tiêu về công tác Dân số và KHHGĐ vào hoạt động thường xuyên của đơn vị mình. Xây dựng và bồi dưỡng mạng lưới tuyên truyền viên làm nòng cốt cho các hoạt động thông tin, tuyên truyền và vận động các thành viên của đoàn thể mình gương mẫu thực hiện các chính sách dân số và KHHGĐ. Đưa các mục tiêu của công tác dân số và KHHGĐ vào các cuộc vận động như: Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, xây dựng gia đình, bản làng văn hoá... Tổ chức các câu lạc bộ, các trung tâm có các hình thức hoạt động cung cấp thông tin và tư vấn về SKSS/ KHHGĐ phù hợp với đặc tính của các tổ chức thành viên. Tham gia việc tiếp thị xã hội và cung cấp các phương tiện tránh thai dựa vào cộng đồng. Giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách về dân số và KHHGĐ để kịp thời tham gia, đê xuất ý kiến với cơ quan quản lý, đảm bảo cho chương trình triển khai có hiệu quả, thiết thực, thuận tiện và gần dân.

Xây dựng quy chế, quy định thực hiện chính sách dân số và KHHGĐ đối với các đơn vị thành viên. Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các đơn vị, cá nhân của tổ chức thực hiện tốt và xử lý nghiêm các tập thể, các nhân vi phạm.

Hướng dẫn, mở rộng việc đưa các nội dung của chính sách dân số và KHHGĐ vào hương ước, quy ước làng, bản và cụm dân cư ./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 34/2006/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình tại Lai Châu, giai đoạn 2006 - 2010

  • Số hiệu: 34/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/05/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
  • Người ký: Vương Văn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/05/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản