Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 34/1999/QĐ/BNN-TCCB

Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 1999 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC GIỮA CỤC KIỂM LÂM VỚI CÁC VƯỜN QUỐC GIA TRỰC THUỘC BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 01/11/1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 39/CP ngày 18/5/1994 của Chính Phủ quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm;
Căn cứ Quyết định số 2968/NN-TCCB-QĐ ngày 15/11/1997 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giao cho Cục Kiểm lâm quản lý và chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ các Vườn quốc gia trực thuộc Bộ;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Kiểm Lâm,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế làm việc giữa Cục Kiểm Lâm với các Vườn quốc gia trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Giám đốc các Vườn quốc gia thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Đẳng

QUY CHẾ

LÀM VIỆC GIỮA CỤC KIỂM LÂM VỚI CÁC VƯỜN QUỐC GIA TRỰC THUỘC BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/1999/QĐ-BNN-TCCB ngày12/2/1999)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Cục trưởng Cục Kiểm lâm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây gọi tắt là Bộ) giao quản lý và chỉ đạo những hoạt động về chuyên môn nghiệp vụ của các Vườn quốc gia trực thuộc Bộ.

Điều 2.- Hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của các Vườn quốc gia trực thuộc Bộ phải tuân theo Quy chế quản lý rừng đặc dụng ở Việt Nam, các văn bản pháp luật của Nhà nước và theo chương trình kế hoạch hoặc dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 3.- Mọi quy hoạch, kế hoạch, công trình, các dự án do các Vườn quốc gia xây dựng, trước khi trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt, phải có ý kiến tham gia của các Vụ chức năng và của Cục Kiểm lâm, theo đúng quy định quản lý nhà nước và Quy chế làm việc của Bộ, không ảnh hưởng đến công tác bảo tổn thiên nhiên, bảo tổn và phát triển đa dạng sinh học của đất nước.

Chương 2:

NHIỆM VỤ CỦA CỤC KIỂM LÂM

Điều 4.- Cục Kiểm lâm chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về quản lý và chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ các Vườn quốc gia trực thuộc Bộ (Quyết định số 2968/NN-TCCB-QĐ ngày 15/11/1997).

Điều 5.- Công tác quản lý - bảo vệ rừng:

1- Theo dõi, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và công tác phòng trừ sâu bệnh hại rừng ở các Vườn quốc gia;

2- Theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, việc sử dụng đất lâm nghiệp, giải quyết tranh chấp đất lâm nghiệp theo pháp luật;

3- Hướng dẫn, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và xây dựng vốn rừng, xây dựng lực lượng quần chúng bảo vệ rừng trong các Vườn quốc gia;

4- Biên soạn tài liệu thuộc lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng để hướng dẫn và bồi dưỡng cho lực lượng kiểm lâm cũng như quần chúng tham gia bảo vệ rừng.

Điều 6.- Công tác pháp chế - thanh tra:

1- Phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng hoặc bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng liên quan đến các Vườn quốc gia, trình Bộ quyết định hoặc Bộ trình Chính phủ;

2- Chỉ đạo thực hiện việc thi hành pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên trong các Vườn quốc gia;

3- Phối hợp với Thanh tra Bộ, các cơ quan pháp luật, giải quyết các đơn từ khiếu tố trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của các Vườn quốc gia theo đúng quy định pháp luật;

4- Hướng dẫn các Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia thực hiện việc xử phạt hành chính, điều tra hình sự đối với những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trong phạm vi Vườn quốc gia.

Điều 7.- Công tác bảo tồn thiên nhiên và môi trường:

1- Theo dõi, hướng dẫn, rà soát và chỉ đạo các hoạt động về bảo tổn thiên nhiên, bảo tổn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái, quản lý và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên (bao gồm cả thực vật, động vật hoang dã) theo luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (kể cả dự án đầu tư nước ngoài);

2- Phối hợp cùng với các Vụ, Cục liên quan của Bộ, tiến hành quy hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức.

Chương 3:

NHIỆM VỤ CỦA CÁC VƯỜN QUỐC GIA

Điều 8.- Giám đốc Vườn quốc gia là người chịu trách nhiệm về mọi hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của Vườn quốc gia trước Cục trưởng Cục Kiểm lâm.

Điều 9.- Giám đốc Vườn quốc gia phối hợp với chính quyền địa phương (đặc biệt ở vùng đệm) tổ chức ổn định dân cư, định canh định cư, nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân trên địa bàn, động viên khuyến khích họ tham gia bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Vườn quốc gia.

Điều 10.- Khi xây dựng chương trình kế hoạch công tác hàng năm và ký kết các dự án, Giám đốc Vườn quốc gia cần thống nhất ý kiến với Cục Kiểm lâm trước khi trình Bộ duyệt.

Điều 11.- Giám đốc Vườn quốc gia chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia hoàn thành tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan kiểm lâm đóng trên địa bàn, nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng của Vườn quốc gia.

Điều 12.- Chế độ báo cáo:

1- Hàng tháng, Hạt Kiểm lâm thuộc Vườn quốc gia phải gửi báo cáo về Cục theo những nội dung và mẫu biểu quy định như đối với các Chi cục Kiểm lâm;

2- Định kỳ 6 tháng 1 lần, Giám đốc Vườn quốc gia gửi báo cáo cho Cục Kiểm lâm về những hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của Vườn quốc gia, để Cục tổng hợp rút kinh nghiệm chỉ đạo và báo cáo Bộ;

3- Nối mạng máy tính với Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện báo cáo nhanh những công việc đột xuất về lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, những phát sinh tác động vào Vườn quốc gia để Cục Kiểm lâm biết hỗ trợ việc xử lý hoặc báo cáo Bộ xử lý, đổng thời qua mạng máy tính, Cục Kiểm lâm sẽ cung cấp các văn bản về quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ và trao đổi các thông tin liên quan đến Vườn quốc gia.

Chương 4:

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CÁC CỤC, VỤ THUỘC BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Điều 13.- Hàng năm, Cục Kiểm lâm cùng với các Vườn quốc gia tổ chức hội nghị giao ban về chuyên môn nghiệp vụ và giúp Bộ tổ chức họp tổng kết công tác khối các Vườn quốc gia, có các Vụ, Cục liên quan tham dự, để kiểm điểm công tác và bàn phương hướng nhiệm vụ cho những năm tiếp theo.

Điều 14.- Cục Kiểm Lâm phối hợp với các Vụ, Cục liên quan tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm và bàn biện pháp triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, các dự án quốc tế quan trọng của các Vườn quốc gia.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 15.- Hàng năm, Cục trưởng Cục Kiểm lâm và Giám đốc các Vườn quốc gia tổ chức kiểm điểm tình hình thực hiện Quy chế, khi cần thiết sẽ kiến nghị Bộ bổ sung, sửa đổi Quy chế cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của công tác quản lý nhà nước và phát triển bền vững hệ thống rừng đặc dụng và các Vườn quốc gia./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 34/1999/QĐ/BNN-TCCB về Quy chế làm việc giữa Cục Kiểm Lâm với các Vườn quốc gia trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 34/1999/QĐ/BNN-TCCB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/02/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Văn Đẳng
  • Ngày công báo: 22/04/1999
  • Số công báo: Số 15
  • Ngày hiệu lực: 27/02/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản