Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 335/QĐ-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG THỰC HIỆN DỰ ÁN “TĂNG CƯỜNG HỆ THỐNG BẢO VỆ TRẺ EM” NĂM 2015 - 2016

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;

Căn cứ Thông tư số 01/2014/TT-BKHĐT ngày 09/01/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;

Căn cứ Quyết định số 74/2008/QĐ-LĐTBXH ngày 31/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn viện trợ nước ngoài thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Quy chế chung quản lý chương trình, dự án hợp tác Việt Nam - Liên Hợp Quốc (HPPMG);

Căn cứ Công văn số 1608/TTg-QHQT ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung danh mục dự án Unicef tài trợ chính thức giai đoạn 2012 - 2016;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại Tờ trình ngày 29/01/2015 về việc phê duyệt kế hoạch hoạt động năm 2015-2016 của dự án “Tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em”;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hoạt động thực hiện dự án “Tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em” năm 2015 - 2016 do Unicef tài trợ không hoàn lại với nội dung chủ yếu sau:

1. Các hoạt động thực hiện dự án năm 2015 - 2016:

a) Hoạt động 1: Hỗ trợ hoàn thiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi; xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi.

b) Hoạt động 2: Hỗ trợ xây dựng và sửa đổi các Luật và văn bản dưới Luật liên quan đến bảo vệ trẻ em, bao gồm các chính sách về tăng cường lập kế hoạch và phân bổ ngân sách.

c) Hoạt động 3: Hỗ trợ thực hiện Luật Hộ tịch, tăng cường đăng ký khai sinh cho trẻ dễ bị tổn thương, bao gồm hỗ trợ xây dựng nghị định, thông tư, các chương trình quốc gia.

d) Hoạt động 4: Hỗ trợ đánh giá Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015, bao gồm đánh giá hỗ trợ của Unicef trong việc thực hiện Chương trình này và xây dựng Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020.

e) Hoạt động 5: Hỗ trợ truyền thông chấm dứt bạo lực đối với trẻ em.

g) Hoạt động 6: Hỗ trợ tăng cường hệ thống giám sát về bạo lực đối với trẻ em.

h) Hoạt động 7: Hỗ trợ cải thiện hành lang pháp lý về nghề công tác xã hội, bao gồm phát triển Đề án xây dựng Luật Nghề công tác xã hội, kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2015 - 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật.

i) Hoạt động 8: Hỗ trợ thực hiện Đề án Phát triển nghề công tác xã hội.

k) Hoạt động 9: Hỗ trợ quản lý dự án và giám sát hoạt động bảo vệ trẻ em ở các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Đồng Tháp, An Giang, Kon Tum, Gia Lai, Ninh Thuận Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Dự kiến kết quả đầu ra của kế hoạch hoạt động thực hiện dự án năm 2015 - 2016:

- Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được sửa đổi để đưa ra những quy định rõ ràng hơn về bảo vệ trẻ em và tư pháp với trẻ em phù hợp hơn với Công ước quốc tế về quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế khác và trình Quốc hội xem xét, thông qua.

- Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 được đánh giá để đưa ra các khuyến nghị tiếp tục tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em.

- Các tỉnh, thành phố trọng điểm của Unicef sử dụng Bộ chỉ số bảo vệ trẻ em để báo cáo về tình hình trẻ em ở các cấp.

- Hoàn thiện và in ấn 20 bộ tài liệu tập huấn về công tác xã hội, trong đó có nội dung về công tác xã hội đối với trẻ em cho cán bộ cấp cơ sở.

- Xây dựng và trình Chính phủ Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2106 - 2020 với nội dung thúc đẩy phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em.

- Xây dựng và trình Chính phủ Luật/Nghị định xác định vai trò và chức năng của cán bộ xã hội.

- Hoàn thành báo cáo nghiên cứu về nguyên nhân bạo lực trẻ em nhằm cung cấp các bằng chứng quốc gia để giải quyết các vấn đề về bạo lực trẻ em ở Việt Nam.

3. Kinh phí thực hiện:

3.1. Vốn viện trợ không hoàn lại: 1.040.000 USD gồm:

a) Kinh phí Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp quản lý thực hiện các hoạt động dự án là: 795.000 USD (Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em: 575.000 USD, Cục Bảo trợ xã hội: 160.000 USD; Vụ Kế hoạch - Tài chính: 20.000 USD; Vụ Pháp chế 40.000 USD).

b) Kinh phí cho các cơ quan, đơn vị đồng thực hiện gồm:

- Bộ Tư pháp: 75.000 USD.

- Bộ Y tế: 60.000 USD.

- Tổng cục Thống kê: 20.000 USD.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo: 50.000 USD.

- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: 40.000 USD

3.2. Vốn đối ứng từ nguồn ngân sách nhà nước: 0 đồng.

Điều 2. Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em chịu trách nhiệm thực hiện:

1. Căn cứ kế hoạch hoạt động thực hiện dự án năm 2015 - 2016 nêu tại Điều 1 Quyết định này để phê duyệt kế hoạch hoạt động thực hiện dự án hàng năm theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 01/2014/TT-BKHĐT ngày 09/01/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Thông báo nhiệm vụ, dự toán kinh phí cho các cơ quan, đơn vị đồng thực hiện dự án; quản lý, triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2015 - 2016 của dự án theo đúng cam kết với nhà tài trợ và quy định hiện hành của Việt Nam.

3. Chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính giám sát, đánh giá kết quả hoạt động dự án quý, 6 tháng và cả năm theo các mục tiêu đầu ra của dự án đã được thống nhất với nhà tài trợ đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí viện trợ. Trong trường hợp cần thiết, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan và nhà tài trợ điều chỉnh hoạt động để đảm bảo các mục tiêu đã đề ra.

4. Chấp hành chế độ báo cáo: Chủ trì, tổng hợp báo cáo của các cơ quan đồng thực hiện và lập, gửi báo cáo về Bộ theo nội dung sau đây:

- Báo cáo tình hình thực hiện dự án ODA hàng quý (trước 15 ngày làm việc sau khi hết quý), báo cáo năm (trước ngày 31/01) và báo cáo đánh giá kết thúc (trước 6 tháng kể từ ngày kết thúc) theo quy định.

- Báo cáo tình hình tiếp nhận viện trợ 6 tháng (chậm nhất ngày 10/7) và cả năm (trước ngày 20/01) theo quy định tại Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Thủ trưởng các đơn vị thực hiện dự án có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Lưu VT, Vụ KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đào Hồng Lan

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 335/QĐ-LĐTBXH năm 2015 phê duyệt Kế hoạch hoạt động thực hiện dự án Tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em năm 2015 - 2016 do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 335/QĐ-LĐTBXH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/03/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Đào Hồng Lan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/03/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản