Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 3329/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

ĐIỀU TRA ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TỰ VỆ  

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH ngày 25 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 150/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam;
Căn cứ Nghị định 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi, có mã HS 7005 29 90 00 và 7005 21 90 00, nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau (mã số vụ việc 09-KN-TVE-01) với nội dung chi tiết nêu trong Thông báo gửi kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Trình tự thủ tục điều tra thực hiện theo pháp luật về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Cục Quản lý cạnh tranh và các đơn vị, các bên liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính; Xây dựng; Ngoại giao; Thông tin và Truyền thông;
- Lãnh đạo Bộ;
- Vụ Đa biên (để thông báo WTO và ASEAN);
- Các Vụ: XNK, KV1, KV2, KV3, CNNg,
HTQT (để phối hợp);
- Lưu: VT, QLCT (03)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Danh Vĩnh

 

THÔNG BÁO 

VỀ VIỆC TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TỰ VỆ
(Kèm theo Quyết định số 3329/QĐ-BCT ngày 01 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Theo quy định của Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH ngày 25 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam (Pháp lệnh 42/2002/PL-UBTVQH), Bộ Công Thương thông báo nội dung chi tiết về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi, có mã HS 7005 29 90 00 và 7005 21 90 00, nhập khẩu vào Việt Nam như sau:

1. Thông tin cơ bản

Ngày 5 tháng 5 năm 2009, Công ty kính nổi Viglacera (VIFG) và Công ty Kính nổi Việt Nam (VFG) (sau đây gọi là “Nguyên đơn”) đã nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi có mã HS 7005 29 90 00 và 7005 21 90 00 nhập khẩu vào Việt Nam, (sau đây gọi là “hàng hóa thuộc đối tượng điều tra”) để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước thiệt hại nghiêm trọng. Sau khi yêu cầu Nguyên đơn bổ sung thông tin và xem xét đơn yêu cầu của Nguyên đơn, ngày 1/6/2009, Bộ Công Thương đã xác nhận đơn yêu cầu của Nguyên đơn là hợp lệ theo quy định của pháp luật.

2. Ngành sản xuất trong nước

Nguyên đơn là 02 doanh nghiệp, gồm có Công ty kính nổi Viglacera (VIFG) và Công ty Kính nổi Việt Nam (VFG). Hai doanh nghiệp này chiếm 90,11% tổng sản lượng được sản xuất trong nước. Như vậy, Nguyên đơn đáp ứng được yêu cầu về tỉ lệ đại diện (25% tổng sản lượng hàng hóa tương tự sản xuất trong nước) theo quy định tại Điều 10, Pháp lệnh 42/2002/PL-UBTVQH.

Với việc Công ty TNHH Công nghiệp kính Việt Nam (VGI) ủng hộ đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của Nguyên đơn, ngành sản xuất trong nước gồm có Nguyên đơn và Công ty VGI, chiếm 100% tổng lượng sản xuất hàng hóa tương tự ở trong nước. Tỉ lệ này đáp ứng được yêu cầu về ngành sản xuất trong nước theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 150/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam (Nghị định 150/2003/NĐ-CP).

3. Hàng hóa thuộc đối tượng điều tra

(a) Mô tả chi tiết:

- Tên khoa học:              Kính nổi (Float Glass)

- Tên thông thường: (Kiếng) kính tấm, kính xây dựng, kính trong, kính trắng, kính màu trà, kính màu xanh đen, kính màu xanh lá, kính màu xanh biển.

- Tên thương mại: Kính nổi

(b) Thành phần nguyên liệu đầu vào: Cát silic, đôlômit, feldspa, sođa, đá vôi, sunphát, than, chất tạo màu theo màu của kính.

(c) Đặc tính kỹ thuật

- Kính nổi có độ dày nhỏ hơn 7mm: góc biến dạng quang học tối thiểu 40 độ, độ cong vênh tối đa 0,3%, độ truyền ánh sáng mặt trời từ 81-88% (không màu), 54% (màu trà) và 43% (màu xanh đen)

- Kính nổi có độ dày lớn hơn 7mm: góc biến dạng quang học tối thiểu 50 độ, độ cong vênh tối đa 0,3%, độ truyền ánh sáng mặt trời từ 71-78% (không màu), từ 33-39% (màu trà)

(d) Mục đích sử dụng:

- Hàng hóa thuộc đối tượng điều tra được sử dụng trong kiến trúc, xây dựng, gia công các đồ dùng bằng kính và các sản phẩm ứng dụng đặc thù như kính tôi an toàn, kính dán an toàn, kính cường lực, kính ô tô …

4. Sự gia tăng nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra

Theo thông tin do Nguyên đơn cung cấp, có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra trong vài năm gần đây, cụ thể như sau:

Lượng nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra

Khoản mục

Đvị tính

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009 (T1+T2)

Lượng

m2 QTC

1,438,747

1,235,199

8,132,000

1,350,302

Thị phần của hàng hóa thuộc đối tượng điều tra

Khoản mục

Đvị tính

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Thị phần của hàng hóa nhập khẩu

%

3.22

2.55

19.26

Hàng hóa thuộc đối tượng điều tra được nhập khẩu từ các nước/vùng lãnh thổ sau đây: Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Bỉ, Hoa Kỳ, Hồng Kông – Trung Quốc, Thụy sỹ và Úc.

5. Thiệt hại nghiêm trọng

- Sản lượng: Trong giai đoạn từ 2005 – 2007, sản lượng thực tế của ngành sản xuất trong nước có sự phát triển ổn định tăng đều từ 48 triệu m2QTC (2005) lên 51 triệu m2QTC (2007). Tuy nhiên, năm 2008, sản lượng của ngành giảm xuống chỉ còn mức 44 triệu m2QTC.

- Công suất sản xuất: Cùng với sự suy giảm sản lượng mạnh trong năm 2008, công suất sử dụng thực tế của ngành cũng giảm một cách rõ rệt từ 101% năm 2007 xuống chỉ còn 55% năm 2008 (công suất thiết kế của ngành tăng lên do Công ty VGI mới đầu tư một nhà máy mới nhưng chỉ hoạt động trong 6 tháng thì phải dừng sản xuất do không thể tiêu thụ được hàng hóa).

- Thị phần tiêu thụ trong nước: Cùng với sự gia tăng khối lượng nhập khẩu, thị phần của hàng hóa thuộc đối tượng điều tra trong tổng lượng tiêu thụ tại thị trường Việt Nam tăng từ 3-4% năm 2007 lên khoảng 19% năm 2008 (xem chi tiết tại Điểm 4), trong khi đó thị phần của ngành sản xuất trong nước năm 2008 giảm tương ứng xuống chỉ còn 80%.

- Lợi nhuận: Năm 2007 lượng tiêu thụ nội địa của Nguyên đơn tăng 9,11%, do đó doanh thu bán hàng nội địa tương ứng tăng 26,18%. Năm 2008 lượng tiêu thụ nội địa giảm mạnh 36,08% làm cho doanh thu bán hàng nội địa giảm 18,22% và tổng doanh thu giảm 14,28% so với năm 2007. Năm 2008 cả khối lượng bán và doanh thu bán hàng đều giảm, lượng tồn kho tăng đột biến làm cho lợi nhuận của ngành giảm 76,8% Công ty VGI đã ngừng sản xuất kính nổi do không thể tiêu thụ được hàng hóa và chấp nhận chịu thua lỗ.

- Tồn kho: Lượng tồn kho giảm đều từ năm 2005 – 2007. Tuy nhiên, lượng tồn kho của năm 2008 đã tăng gần gấp đôi so với năm 2007. Đặc biệt, chỉ riêng lượng tồn kho trong Quý I năm 2009 đã lớn hơn tổng lượng tồn kho trong năm 2008 và gấp 3 lần so với cùng kỳ 2008. Điều này làm cho các công ty của ngành sản xuất trong nước mất cân đối nghiêm trọng về vốn lưu động, đồng thời chịu thiệt hại rất lớn hơn do lãi vay tăng cao, phát sinh thêm chi phí lưu kho và gây ra rủi ro giảm giá hàng tồn kho …

Do mức tồn kho cao, Nguyên đơn đã phải xếp kính ở bên ngoài nhà kho (không có mái che) và phải thuê thêm diện tích cho việc lưu kho thành phẩm. Chất lượng của kính bị ảnh hưởng đồng thời chi phí cũng tăng lên.

- Lao động: Năm 2008, Nguyên đơn đã phải cắt giảm 6,36% lực lượng lao động, đặc biệt lao động trực tiếp sản xuất đã bị cắt giảm tương đương 10,6% so với năm 2007. Các công ty trong ngành đã buộc phải cắt giảm lao động để giảm bớt chi phí và đồng thời để đối phó với tình trạng suy giảm sản lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ.

Việc cắt giảm lao động chỉ ở mức vừa phải là do Nguyên đơn buộc phải thi hành một số chính sách giữ người lao động hoặc bố trí việc khác. Nếu tình hình sản xuất, kinh doanh như hiện nay tiếp tục kéo dài, khả năng các công ty sản xuất kính nổi nội địa buộc phải ngừng sản xuất, đóng cửa nhà máy và hệ quả là lao động mất việc làm là điều tất yếu xảy ra.

- Đầu tư: Trong ngành sản xuất kính có hai loại đại tu cơ bản đối với dây chuyền sản xuất là sửa chữa nguội (sửa chữa lớn) và sửa chữa nóng (sửa chữa nhỏ lẻ). Theo hồ sơ của ngành sản xuất trong nước, cả 2 nhà máy VFG và VIFG đều đến kỳ phải đầu tư sửa chữa nguội vào năm 2009. Tuy nhiên, do tình hình tiêu thụ sản phẩm khó khăn, tồn kho lớn dẫn đến việc không đủ dòng tiền hoạt động. Do đó cả hai công ty trên đã buộc phải trì hoãn kế hoạch đầu tư sửa chữa nâng cấp nhà máy nêu trên.

Ngoài ra, trong năm 2008 công ty VIFG đã có kế hoạch mở rộng sản xuất từ 350 tấn/ngày lên 420 tấn/ngày với tổng chi phí khoảng 15 triệu USD. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hủy bỏ do dự báo về tình hình nhập khẩu kính có thể sẽ ngày càng tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận hành và thu hồi vốn của dự án.

6. Yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của Nguyên đơn

- Phạm vi áp dụng: Nguyên đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu, tức là áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa thuộc đối tượng điều tra được nhập khẩu từ tất cả các nước xuất khẩu vào thị trường Việt Nam, ngoại trừ hàng hóa từ những nước có tỉ trọng dưới 3% trong tổng lượng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.

- Biện pháp áp dụng: Nguyên đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ tương đương với mức thuế 0,6USD/m2QTC đối với hàng hóa thuộc đối tượng điều tra. Trước khi có quyết định chính thức áp dụng biện pháp tự vệ, Nguyên đơn yêu cầu Bộ Công Thương áp dụng mức thuế tự vệ tạm thời 40% đối với hàng hóa thuộc đối tượng điều tra.

7. Đánh giá của cơ quan điều tra

Sau khi xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của Nguyên đơn, Bộ Công Thương đánh giá đã có những dấu hiệu về việc gia tăng đột biến lượng nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra đã gây ra và đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất hàng hóa tương tự ở trong nước để tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng thuộc đối tượng điều tra.

8. Thủ tục điều tra tiếp theo

- Đăng ký để được cung cấp thông tin: Các bên liên quan nếu muốn tiếp cận thông tin lưu hành công khai của các bên khác phải đăng ký với Cơ quan điều tra để được tiếp cận và được cung cấp thông tin. Đơn đăng ký quyền tiếp cận thông tin liên quan của vụ việc phải được gửi tới Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương theo địa chỉ dưới đây trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định điều tra.

- Cung cấp thông tin: Bảng câu hỏi điều tra sẽ được gửi đến các bên liên quan sau ngày ra quyết định điều tra. Tất cả các bên liên quan có thể nêu quan điểm của mình về vụ việc này trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ra quyết định tiến hành điều tra vụ việc. Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm xem xét tất cả các thông tin, chứng cứ, quan điểm của các bên liên quan trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.

Thông tin xin được gửi về:

Ban Xử lý chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ

Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương

Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam

Điện thoại: 844 22205012

Fax: 844 22205003

Email: GiangLS@moit.gov.vn; MaiNC@moit.gov.vn

Nếu thông tin không được gửi tới cơ quan điều tra trong thời hạn nêu trên, cơ quan điều tra có thể sử dụng các thông tin sẵn có khi xem xét vụ việc phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, để được Bộ Công Thương bảo mật những thông tin thuộc bí mật kinh doanh, các bên liên quan cần phải tóm tắt thông tin cần cung cấp dưới dạng bản lưu hành công khai. Nếu bên liên quan cho rằng không thể tóm tắt được dưới dạng bản lưu hành công khai, bên liên quan đó cần phải cung cấp bản giải trình lý do không thể tóm tắt được.

- Công khai thông tin: Thông tin chi tiết về quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa thuộc đối tượng điều tra có thể truy cập tại trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương: http://www.moit.gov.vn. Ngoài ra, các bên liên quan đều có thể tiếp cận được các thông tin do một bên khác cung cấp dưới dạng bản lưu hành công khai tại Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Danh Vĩnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3329/QĐ-BCT năm 2009 về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 3329/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/07/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Lê Danh Vĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản