Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 331/QĐ-UBND | Hậu Giang, ngày 07 tháng 3 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM Ở HẬU GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ V/v phê duyệt Đề án phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 861/QĐ-UBND ngày 13 tháng 5 năm 2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang V/v phê duyệt Đề cương và dự toán kinh phí lập Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang V/v điều chỉnh khoản 8 Điều 1 Quyết định số 861/QĐ-UBND ngày 13 tháng 5 năm 2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 228/TTr-SKHĐT ngày 30 tháng 12 năm 2022;
Căn cứ kết luận của Tập thể Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 01 tháng 02 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, với những nội dung như sau:
I. Quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế ban đêm
1. Quan điểm
a) Phát triển kinh tế ban đêm (sau đây gọi chung KTBĐ) phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế và coi KTBĐ là một động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, góp phần đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, đặc biệt là đối với các đô thị và khu du lịch. Phát triển KTBĐ còn là mục tiêu quan trọng góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh Hậu Giang trong và ngoài nước.
b) Nâng cao trình độ, năng lực quản lý của bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý để vừa đảm bảo cho các hoạt động KTBĐ phát triển thuận lợi, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn từ hoạt động KTBĐ, đặc biệt là vấn đề về an ninh, trật tự xã hội.
c) Thay đổi tư duy phát triển theo hướng mở, phù hợp với xu thế của thế giới, đặc biệt hướng đến nền kinh tế 24h đối với những thành phố/đô thị hội tụ đầy đủ các yếu tố tiềm năng phát triển KTBĐ.
d) Tạo điều kiện cho các địa phương chủ động thực hiện các chương trình, dự án nhằm phát triển KTBĐ một cách thực chất, gắn với đặc trưng và thế mạnh văn hóa, tập quán, nghệ thuật, thể thao, ẩm thực và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, chính sách phát triển KTBĐ cần phải đảm bảo sự kết hợp hài hòa lợi ích chung giữa các ngành/lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, không có sự xung đột lợi ích quá lớn với nhau.
e) Phát triển KTBĐ có trọng tâm, trọng điểm. Đảm bảo bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn tài sản, an toàn vệ sinh thực phẩm cho du khách và người tiêu dùng trong các hoạt động KTBĐ; đồng thời, đảm bảo phòng ngừa thất thu thuế, lẩn tránh thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Triển khai cụ thể Đề án phát triển KTBĐ ở Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2020 phù hợp với tiềm năng, điều kiện của tỉnh Hậu Giang. Phát triển tỉnh Hậu Giang trở thành một trong những trung tâm kinh tế ban đêm của vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng hiệu quả và bền vững dựa trên cơ sở kết hợp các hoạt động KTBĐ hiện đại với tận dụng và phát huy tối đa thuần phong mỹ tục, văn hóa đặc sắc của Hậu Giang, nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế Hậu Giang và phù hợp với xu hướng phát triển chung của cả nước. Theo đó, Đề án sẽ định hướng, thiết lập mục tiêu và giải pháp thúc đẩy phát triển KTBĐ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 nhằm khai thác tiềm năng phát triển các khu KTBĐ ở trung tâm các thành phố, thị xã, huyện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, tận dụng tối đa cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời, hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
b) Mục tiêu cụ thể
- Giai đoạn 2021 - 2025:
Hình thành 03 - 04 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm.
Phát triển ít nhất 1 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương.
Hình thành ít nhất 03 tuyến du lịch kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình từ 02 - 03 ngày.
Hoạt động KTBĐ tạo việc làm cho người dân địa phương khoảng 5 - 7%.
Tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 - 10%/năm.
Kinh tế ban đêm góp phần thực hiện mục tiêu thu hút lượng khách du lịch đến Hậu Giang năm 2025 là 700.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 300 tỷ đồng.
- Đến năm 2030:
Hình thành 06 - 07 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm.
Phát triển ít nhất 2 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương.
Hình thành ít nhất 04 tuyến du lịch kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình từ 02 - 03 ngày.
Hoạt động KTBĐ tạo việc làm cho người dân địa phương khoảng 7% trở lên.
Tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 12 - 13%/năm.
Năm 2030 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.
II. NỘI DUNG
Triển khai có hiệu quả Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, xác định những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, phục vụ tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân, khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch người nước ngoài. Trong đó, tập trung một số những nội dung sau:
1. Chú trọng phát triển du lịch, coi đây là ngành kinh tế quan trọng có khả năng chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Tỉnh, đa dạng loại hình văn hóa vui chơi giải trí về đêm.
2. Đẩy mạnh phát triển, tập trung vào các loại hình như: Khu mua sắm, ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đến phát triển các thương hiệu nổi tiếng để hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước, bổ sung và phát triển các hoạt động giải trí, biểu diễn nghệ thuật vào ban đêm, hệ thống các cửa hàng, siêu thị, các khu mua sắm đêm sầm uất.
3. Mở rộng các sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm như: Tham quan di tích lịch sử, văn hóa; các hoạt động quán bar, vũ trường, karaoke,…
4. Xây dựng hệ thống kinh doanh ban đêm có sự kiểm soát và mang tính chuyên nghiệp. Duy trì và phát triển một số cơ sở/cá nhân kinh doanh ban đêm, đặc biệt là cung cấp dịch vụ ăn uống và vận chuyển hoạt động mang tính chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn vệ sinh đô thị.
5. Quy hoạch các khu vực giải trí và mua sắm đêm, bố trí không gian phát triển cho các loại hình ban đêm ở các vùng phát triển của Tỉnh
6. Đầu tư hạ tầng đô thị tương xứng nhu cầu phát triển các loại hình du lịch dịch vụ về đêm như: Ánh sáng, giao thông, các trung tâm, các phương tiện giao thông, đặc biệt là giao thông đường thủy.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
1. Phát triển các lĩnh vực KTBĐ ở Hậu Giang:
a) Dịch vụ ăn uống, ẩm thực: Tập trung phát triển ở thành phố Vị Thanh và thành phố Ngã Bảy, cụ thể:
- Thành phố Vị Thanh: Phát triển đa dạng các món ăn, các loại hình ẩm thực phổ biến, xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc sản như: Đọt choại Vị Thanh; chả cá thác lác, khóm Cầu Đúc trở thành đặc sản riêng của thành phố Vị Thanh.
- Thành phố Ngã Bảy: Phát triển ẩm thực đường phố sẵn có, xây dựng và phát triển khu ẩm thực trên sông thông qua các loại hình tàu du lịch được tổ chức nhiều hình thức như: Ăn uống, giải trí, các chương trình văn nghệ, ảo thuật; phát triển các sản phẩm lưu niệm địa phương như: Cam sành Ngã Bảy, rượu cam sành Thành Phát, một số sản phẩm được làm từ trái gấc.
b) Dịch vụ mua sắm
Tái cấu trúc lại hai khu chợ đêm hiện có tại thành phố Vị Thanh và thành phố Ngã Bảy theo hướng: (1) Đa dạng hóa các hoạt động tại khu vực chợ đêm gồm khu mua sắm, giải trí cho trẻ em và ẩm thực, đặc biệt là điểm giới thiệu những món ăn cũng như sản phẩm đặc trưng của địa phương nhằm thu hút du khách và người dân địa phương; (2) Phân khu cho các hoạt động kinh doanh tại chợ đêm. (3) Đa dạng sản phẩm kinh doanh tại khu chợ đêm; đa dạng mức giá từ bình dân đến cao cấp để tăng sức hấp dẫn cho du khách và người dân; hình thành các khu phố mua sắm, chợ đêm, trung tâm thương mại, cửa hàng gắn với các khu phố, trung tâm đông dân cư tạo nên sự đa dạng với các hàng hóa, dịch vụ phong phú. Chú trọng đầu tư vào các trung tâm thương mại để tạo ra nhiều cơ hội mua sắm, khuyến khích các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24.
c) Dịch vụ vui chơi, giải trí ban đêm
Phát triển ít nhất 03 - 04 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc mang tính biểu tượng về đêm theo hai hướng, một là gắn với xu hướng, thị hiếu của giới trẻ hiện đại, hai là khai thác các nét đẹp văn hóa, lịch sử của Hậu Giang. Hình thành các show diễn, biểu diễn nghệ thuật về ban đêm, âm nhạc đường phố, ảo thuật đường phố... Phát triển các hoạt động bar, vũ trường, karaoke, sân khấu dân vũ. Tổ chức các hoạt động về đêm như: Lễ hội ánh sáng, biểu diễn nghệ thuật ở khu vực kênh xáng Xà No, hồ Sen (Thành phố Vị Thanh), hồ Xáng Thổi, điểm giao lưu văn hóa sông nước, biểu diễn ánh sáng ở Ngã Bảy sông (Thành phố Ngã Bảy), điểm giao lưu văn hóa Khmer, hát Aday (Huyện Long Mỹ).
d) Dịch vụ du lịch
- Hình thành các tuyến du lịch đặc sắc kết hợp dịch vụ ẩm thực, văn hóa phục vụ khách du lịch với thời gian lưu trú trung bình từ 02 - 03 ngày. Phát triển du lịch tham quan chợ nổi Ngã Bảy, trải nghiệm văn hóa sông nước, tổ chức hoạt động phố đi bộ, lễ hội đường phố, nghệ thuật đương đại.
- Phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, tuyến du lịch đường thủy kênh xáng Xà No, phố đi bộ - ẩm thực kênh xáng Xà No, mua sắm tại Khu Văn hóa hồ Sen (Thành phố Vị Thanh); Du lịch đường thủy Ngã Bảy sông (Thành phố Ngã Bảy).
- Phát triển du lịch cộng đồng gắn với các hoạt động trải nghiệm văn hóa bản địa của cư dân sông nước Hậu Giang, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer vào ban đêm.
- Phát triển các điểm du lịch ban đêm như: Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Huyện Phụng Hiệp); Khu du lịch sinh thái rừng tràm Vị Thủy, Du lịch sinh thái hồ nước ngọt (Huyện Vị Thủy); Khu du lịch Hồ Tam Giác, Khu du lịch Kênh Lầu, Khu du lịch Hồ Sen (Thành phố Vị Thanh); Khu Công viên - Giải trí - Ẩm thực Hồ Xáng Thổi, Chợ nổi Ngã bảy (Thành phố Ngã Bảy); Công viên Giải Trí (Trường Đại học Võ Trường Toàn, huyện Châu Thành A); Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang (Thị xã Long Mỹ).
- Sản phẩm du lịch đêm bổ trợ: Du lịch mua sắm tại các làng nghề, chợ đêm, phố đi bộ, các trung tâm dịch vụ, khu du lịch trọng điểm; du lịch ẩm thực. Tổ chức chương trình tham quan, khám phá ẩm thực Hậu Giang, chế biến, quan sát, mua sắm đặc sản; phát triển tuyến du lịch đi bộ, xe điện.
2. Bố trí không gian phát triển ở các đô thị
a) Thành phố Vị Thanh
- Không gian phố đi bộ: Tuyến đường Hồ Xuân Hương xung quanh hồ Sen và đường 1 Tháng 5 từ hồ Sen nối ra kênh xáng Xà No.
- Không gian chợ đêm: Phường V, cạnh Công viên Xà No và bờ kênh xáng Xà No duy trì trong giai đoạn 2021 - 2025. Sau năm 2025, khu chợ đêm sẽ kết hợp với tuyến phố đi bộ để tạo không gian hợp nhất trong phát triển KTBĐ của thành phố.
- Không gian khu văn hóa Hồ Sen, khu hồ Tam Giác, kênh xáng Xà No: Khu Văn hóa Hồ Sen là một địa điểm sinh hoạt văn hóa quan trọng, biểu tượng đặc trưng tiêu biểu của thành phố Vị Thanh và tỉnh Hậu Giang.
- Không gian đi bộ buổi tối tại kênh xáng Xà No: Từ cầu 2 Tháng 9 đến cầu Đoàn Kết.
- Tổ hợp khách sạn Sojo: Khu tổ hợp vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm tại Khách sạn Sojo.
b) Thành phố Ngã Bảy
- Không gian đi bộ buổi tối tại Ngã Bảy sông.
- Không gian ẩm thực và phố đi bộ tại hồ Xáng Thổi: Khu vực quanh hồ tại các tuyến đường: Vũ Đình Liệu, Nguyễn An Ninh, Lương Trí và Đường số 1.
- Không gian chợ đêm: Đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Ngã Bảy.
- Không gian phố ẩm thực: Đường Nguyễn Huệ, phường Ngã Bảy.
c) Huyện Châu Thành
- Khu vui chơi giải trí tại xã Đông Phú; Trung tâm Thương mại và Khu dân cư thị trấn Mái Dầm; Chợ đêm ở tuyến đường Hùng Vương, thị trấn Ngã Sáu.
- Không gian mua sắm, vui chơi giải trí, ẩm thực thị trấn Mái Dầm.
- Không gian vui chơi, giải trí, du lịch tại các đô thị sinh thái trên địa bàn huyện Châu Thành.
d) Huyện Châu Thành A
- Không gian mua sắm, vui chơi giải trí, ẩm thực tại thị trấn Một Ngàn: Trung tâm thương mại thị trấn Một Ngàn.
- Không gian chợ đêm tại thị trấn Cái Tắc, thị trấn Một Ngàn và thị trấn Bảy Ngàn: Khu Quảng trường, đường 3 Tháng 2, thị trấn Một Ngàn; Đường Bờ kè, thị trấn Bảy Ngàn; Quốc lộ 61 (đoạn ngang chợ Cái Tắc), thị trấn Cái Tắc.
- Không gian vui chơi, giải trí, du lịch, công viên Trường Đại học Võ Trường Toản.
đ) Thị xã Long Mỹ
Không gian chợ đêm: Đường 3 Tháng 2, khu vực 2, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ.
e) Huyện Long Mỹ
- Khu ẩm thực đêm: Xã Lương Tâm, khu vực bờ kè của chợ thị trấn Vĩnh Viễn, chợ Xà Phiên.
- Không gian giao lưu Aday: Xã Xà Phiên.
g) Huyện Phụng Hiệp
- Không gian chợ đêm thị trấn Cây Dương: Đường số 29, Khu dân cư và Trung tâm thương mại Hồng Phát, ấp Hòa Bình, thị trấn Kinh Cùng; Đường số D2, Khu dân cư - Trung tâm thương mại thị trấn Cây Dương (Do Công ty Cổ phần CADICO làm chủ đầu tư), ấp Mỹ Hòa, thị trấn Cây Dương; Đường số 2, Khu dân cư thương mại Tân Long, ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long.
- Khám phá Lung Ngọc Hoàng về đêm: Xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp
h) Huyện Vị Thủy
Không gian chợ đêm thị trấn Nàng Mau: Tuyến đường Ngô Quốc Trị và đường Nguyễn Trung Trực, ấp 3, thị trấn Nàng Mau.
3. Lộ trình thực hiện
a) Giai đoạn 1 (2021 - 2025): Phát triển KTBĐ đối với thành phố Vị Thanh và thành phố Ngã Bảy.
- Mở rộng không gian KTBĐ tại thành phố Vị Thanh: Không gian đi bộ buổi tối tại kênh xáng Xà No, tuyến phố đi bộ đường Hồ Xuân Hương (Hồ Sen) và đoạn đường 1 Tháng 5 nối từ hồ Sen ra kênh xáng Xà No.
- Thành phố Ngã Bảy: Không gian ẩm thực và phố đi bộ tại hồ Xáng Thổi, chợ đêm thành phố Ngã Bảy, Cầu tàu chợ nổi Ngã Bảy, Không gian đi bộ và du lịch buổi tối tại Ngã Bảy sông.
b) Giai đoạn 2 (2026 - 2030):
- Mở rộng không gian KTBĐ tại thành phố Vị Thanh tại các vị trí phát triển đô thị.
- Mở rộng không gian KTBĐ tại thành phố Ngã Bảy: khu vực Ngã Bảy sông.
- Huyện Châu Thành: Khu vui chơi giải trí tại xã Đông Phú, Khu Trung tâm Thương mại và Khu dân cư thị trấn Mái Dầm, Khu Trung tâm thương mại thị trấn Ngã Sáu.
- Huyện Châu Thành A: Thị trấn Một Ngàn, thị trấn Cái Tắc, thị trấn Bảy Ngàn.
- Thị xã Long Mỹ: Phát triển chợ đêm ở trung tâm thị xã.
- Huyện Long Mỹ: Khu ẩm thực đêm, không gian giao lưu Aday.
- Huyện Phụng Hiệp: Thị trấn Cây Dương, Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.
- Huyện Vị Thủy: Thị trấn Nàng Mau.
IV. GIẢI PHÁP VÀ NGUỒN LỰC THỰC HIỆN
1. Giải pháp
a) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và địa phương về phát triển KTBĐ hướng đến tư duy mở, nhìn nhận đa chiều về vai trò, cơ hội, thách thức của KTBĐ. Tăng cường truyền thông đa phương tiện thông qua báo, đài, truyền hình, các tổ chức xã hội; xã, phường, thị trấn, các tổ dân phố,… về những lợi ích, cơ hội, chủ trương phát triển KTBĐ của nhà nước, các chính sách hỗ trợ cho các chủ thể tham gia hoạt động KTBĐ. Giáo dục và trang bị kiến thức đảm bảo tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường và đảm bảo an ninh trật tự cho các cơ sở kinh doanh tham gia KTBĐ. Xây dựng các chương trình truyền hình, phóng sự về những lợi ích mà KTBĐ mang lại và giải pháp hạn chế những rủi ro có thể xảy ra. Thông qua đó, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân địa phương chung tay phát triển KTBĐ phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương và lợi ích của cộng đồng. Xây dựng, phổ biến về bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, văn minh đô thị đến người dân, du khách và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ.
b) Quy hoạch các khu vực, địa bàn tập trung phát triển KTBĐ: Lồng ghép nội dung phát triển KTBĐ vào nội dung Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đồng bộ các khu vực phát triển KTBĐ gắn với phát triển đô thị, dịch vụ du lịch bao gồm: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, giao thông...) gắn liền với các hoạt động dịch vụ, ăn uống, mua sắm; đảm bảo an ninh, an toàn đô thị, nguồn điện, nước, hệ thống thu gom, xử lý chất thải… bố trí quỹ đất để mời gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án liên quan đến hoạt động KTBĐ.
c) Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KTBĐ:
- Hạ tầng thương mại: (1) Mở rộng khung giờ mở cửa của các siêu thị, trung tâm thương mại trong Tỉnh từ 20 giờ hàng ngày lên 24 giờ hàng ngày; (2) Đẩy mạnh công tác quảng bá và xúc tiến thương mại cho các lễ hội mua sắm, hội chợ thương mại, chợ đêm trên địa bàn tỉnh để hình thành xu hướng mua sắm vào ban đêm cho người tiêu dùng; (3) Xây dựng các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP.
- Hạ tầng các điểm du lịch: (1) Quy hoạch chỉnh trang lại đường giao thông, hoàn thiện các tuyến đường xung quanh chợ đêm; xây dựng điểm bán hàng, gian hàng đặc sản OCOP, đồ lưu niệm, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng; (2) Xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, wifi công cộng, nước sạch, xử lý rác thải và nước thải; bố trí bảng chỉ dẫn, thuyết minh song ngữ cho các điểm đến. Chỉnh trang các bến xe, bến thuyền, điểm đến để quảng bá du lịch; (3) Nâng cấp các dịch vụ lưu trú, mở rộng hình thức homestay tại huyện Châu Thành A và thành phố Ngã Bảy.
- Hạ tầng giao thông: (1) Nâng cấp, mở rộng tuyến Đường tỉnh 927 vào Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng. (2) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án bến du thuyền du lịch thủy nội địa tại khu vực kênh xáng Xà No (Thành phố Vị Thanh); (3) Kết nối phương tiện giao thông công cộng giữa các điểm dịch vụ KTBĐ. Xác định các tuyến giao thông công cộng, các điểm dừng, đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách, lao động làm việc phục vụ dịch vụ KTBĐ, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản trong khi di chuyển cho tất cả các đối tượng.
- Hạ tầng khác: (1) Đầu tư cơ sở hạ tầng về chiếu sáng, điện, nước, xử lý nước thải cần phải được thiết kế đảm bảo an toàn, tiện lợi cho các cơ sở cung cấp dịch vụ ban đêm; (2) Đầu tư và cải tạo hệ thống thu gom chất thải rắn các loại thùng hỗ trợ phân loại rác, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân và du khách; (3) Xây dựng các quảng trường, sân khấu trong nhà và ngoài trời để phục vụ cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; đặc biệt là tại các không gian đô thị như dọc theo kênh xáng Xà No, Khu Văn hóa Hồ Sen (Thành phố Vị Thanh) và Ngã Bảy sông (Thành phố Ngã Bảy); (4) Xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở các địa điểm dự kiến phát triển các dịch vụ về đêm; (5) Đầu tư hệ thống internet wifi miễn phí tại các khu vực hoạt động KTBĐ; (6) Đầu tư và lắp đặt hệ thống camera giám sát; hệ thống giám sát trực tuyến cùng với lực lượng tuần tra nhằm phòng ngừa tội phạm, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và du khách.
d) Phát triển các lĩnh vực dịch vụ KTBĐ
- Dịch vụ du lịch: (1) Tổ chức các loại hình nghệ thuật biểu diễn phục vụ khách du lịch vào ban đêm, một số sự kiện văn hóa riêng biệt, có thể tổ chức định kỳ, cố định tại các điểm du lịch để tạo điểm nhấn văn hóa, vui chơi về đêm; mở rộng thời gian hoạt động của một số địa điểm văn hóa lịch sử khai thác vào ban đêm; (2) Liên kết thương mại, đầu tư xây dựng, hình thành các chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm, nhà hàng, cửa hàng tiện lợi tại các khu vực phát triển KTBĐ; (3) Khuyến khích phát triển chuỗi cửa hàng ăn đêm, cửa hàng mua sắm hiện đại, tiện tích, khu trưng bày sản phẩm, quà lưu niệm mở cửa hoạt động tối đa theo khung giờ quy định; (4) Xây dựng sản phẩm du lịch đêm dựa trên yếu tố văn hóa bản địa, tạo điểm nhấn đặc trưng địa phương; (5) Phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, ngắm cảnh đêm kết hợp vui chơi giải trí; phát triển khu phố du lịch, mạng lưới các cơ sở dịch vụ gắn với các khu, điểm du lịch.
- Dịch vụ tài chính: Phát triển các phương thức thanh toán điện tử phù hợp với xu hướng thanh toán của thế giới; các kênh phân phối tài chính, quản lý các tổ chức cung cấp dịch vụ bổ trợ dành cho bảo hiểm theo quy định tương ứng với từng loại hình dịch vụ.
- Dịch vụ vận chuyển: (1) Khuyến khích thành lập các công ty giao nhận và kéo dài khung giờ hoạt động vào ban đêm nhằm kết nối hàng hóa đến người tiêu dùng nhất là các dịch vụ ăn uống nhanh, thực phẩm, quà lưu niệm cho khách; (2) Thí điểm thành lập các tuyến xe buýt công cộng kết nối giữa các điểm dịch vụ KTBĐ tại thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy; xác định các tuyến giao thông công cộng, thời gian vận chuyển phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách, lao động phục vụ dịch vụ KTBĐ.
đ) Cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển KTBĐ: (1) Rà soát, nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh cơ chế chính sách, khung pháp lý phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư cho sản phẩm KTBĐ, chú trọng tăng cường năng lực quản lý, khai thác nguồn tài nguyên, tri thức, tài chính, ứng dụng công nghệ, hợp tác khu vực công và tư; (2) Chủ động rà soát điều chỉnh các quy định: Khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tham gia KTBĐ; (3) Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền thuê đất, tạo điều kiện để doanh nghiệp có quyền sử dụng đất thực hiện cung cấp các dịch vụ về đêm; (4) Xác định trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động KTBĐ, trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương; (5) Xây dựng cơ chế chính sách về kêu gọi đầu tư, xã hội hóa các hoạt động và dịch vụ kinh doanh.
e) Tăng cường xúc tiến, quảng bá và liên kết hợp tác phát triển KTBĐ: (1) Xây dựng sản phẩm du lịch đêm dựa trên yếu tố văn hóa bản địa, tạo điểm nhấn theo đặc trưng đất và người Hậu Giang; (2) Lập các trang Web thông tin và trang mạng xã hội cho từng điểm nhấn KTBĐ liên kết với các trang Web quảng bá về du lịch Hậu Giang và du lịch Việt Nam; đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý các điểm KTBĐ để điều hành và cập nhật thông tin cho các trang này; (3) Tăng cường hỗ trợ kết nối, liên kết các công ty du lịch và các đơn vị cung cấp dịch vụ ban đêm để xây dựng tuyến điểm phù hợp, thiết kế chương trình phù hợp, để du khách sau khi trải nghiệm các hoạt động ban ngày vẫn còn hứng thú với các hoạt động ban đêm; (4) Huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong việc cung cấp và hỗ trợ dịch vụ kinh tế ban đêm. Một số dịch vụ công cộng có thể xã hội hóa như: Dịch vụ nhà vệ sinh công cộng, dịch vụ thu gom rác tại các điểm tập trung, dịch vụ xe buýt theo yêu cầu...
g) Phát triển nguồn nhân lực ứng dụng khoa học công nghệ cho việc phát triển KTBĐ: (1) Thực hiện chính sách thu hút và đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KTBĐ; đào tạo và bồi dưỡng đảm bảo về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch có tính chuyên nghiệp, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ hướng đến đạt chuẩn nghề du lịch cho lực lượng lao động trong ngành du lịch; (2) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghiệp vụ về nhà hàng, khách sạn, lễ tân, chế biến món ăn, pha chế thức uống, trình diễn ẩm thực, biểu diễn showmanship; (3) Chú trọng đào tạo, sử dụng và đãi ngộ trí thức, trọng dụng nhân tài, các chuyên gia, những nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, ẩm thực, du lịch… về công tác và làm việc lâu dài.
h) Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống tác hại của rượu bia trong KTBĐ: (1) Lập và triển khai hiệu quả phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho người dân và du khách, cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống tác hại của rượu bia tại khu vực tổ chức các hoạt động, dịch vụ ban đêm; (2) Bố trí lực lượng công an trực, tuần tra làm nhiệm vụ giữ vững an ninh, an toàn, lực lượng cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ, hướng dẫn tại các khu vực được quy hoạch phát triển KTBĐ; lắp đặt các trạm gác an ninh cho lực lượng công an địa phương tại các khu vực tổ chức hoạt động dịch vụ, giải trí ban đêm, kết hợp các quầy thông thông tin du lịch; (3) Lắp đặt các bảng chỉ dẫn, thông tin đường dây nóng để hỗ trợ người dân và du khách; lắp đặt camera tại một số khu vực phát triển KTBĐ để giám sát, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân và du khách; (4) Triển khai các nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh môi trường, bố trí thùng rác và hệ thống nhà vệ sinh công cộng phục vụ nhu cầu của người dân và du khách; (5) Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đo lường cường độ âm thanh, áp dụng chế tài xử lý đối với các cơ sở vi phạm; (6) Xây dựng và tuyên truyền bộ quy tắc về các tiêu chí đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng dịch vụ đối với các đơn vị hoạt động KTBĐ.
k) Đảm bảo công tác quản lý nhà nước: (1) Chỉ đạo phát triển KTBĐ xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; (2) Xây dựng quy chế quản lý, nội quy tại các khu vực, điểm tham quan có hoạt động KTBĐ; (3) Bố trí nhân sự và kinh phí để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển KTBĐ; (4) Xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu thống kê về hoạt động KTBĐ trên địa bàn tỉnh; (5) Thành lập Ban Quản lý để chỉ đạo và quản lý hoạt động KTBĐ, tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong quản lý, kiểm tra, giám sát phát triển KTBĐ; (6) Thường xuyên theo dõi, nghiên cứu các chính sách, giải pháp phát triển các loại hình, hoạt động KTBĐ ở các địa phương trên cả nước và các nước để rút ra kinh nghiệm, bài học phù hợp trong lĩnh vực điều hành, quản lý; (7) Thiết lập các đường dây nóng cho du khách thông tin kịp thời về các vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường; (8) Thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp và người dân để nắm bắt nhu cầu, các vấn đề ở cơ sở đối với KTBĐ, từ đó có định hướng tháo gỡ, hoặc kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, điều chỉnh, xây dựng các định hướng, chiến lược phát triển KTBĐ cho phù hợp với tình hình thực tế.
2. Nguồn lực
- Cân đối ưu tiên bố trí đầu tư các hạng mục công trình thiết yếu có hiệu quả tác động đến phát triển KTBĐ. Đồng thời tăng cường khai thác quỹ đất triển khai các dự án đầu tư phát triển các khu đô thị, các khu dân cư nông thôn để từng bước đô thị hóa ứng dụng các loại hình phát triển KTBĐ.
- Tranh thủ sự ủng hộ của Bộ, ngành Trung ương, vận động các nhà tài trợ sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi để đầu tư hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, rác thải và hạ tầng giao thông phục vụ cho các dự án du lịch.
- Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển KTBĐ. Phát huy hình thức đối tác công tư (PPP); đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
3. Nguồn vốn thực hiện
a) Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án phát triển KTBĐ là 12.000 tỷ đồng, trong đó:
- Giai đoạn 2021 - 2025 là 4.100 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước là 25 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa là 4.075 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2026 - 2030 là 7.900 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước là 80 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa là 7.820 tỷ đồng.
b) Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án trực tiếp phát triển KTBĐ là 684 tỷ đồng, trong đó:
- Giai đoạn 2021 - 2025 là 204 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước là 25 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa 179 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2026 - 2030 là 480 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước là 80 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa là 400 tỷ đồng.
(Đính kèm phụ lục chi tiết)
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố cùng các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Hàng năm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện. Đồng thời trong quá trình triển khai, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, đơn vị và địa phương tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét điều chỉnh bổ sung nội dung Đề án cho phù hợp.
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và đơn vị liên quan triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách thu hút nhà đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tham mưu huy động nguồn vốn đầu tư phát triển phục vụ yêu cầu thiết yếu phát triển KTBĐ.
c) Theo dõi, giám sát việc lồng ghép các nội dung về phát triển KTBĐ vào Quy hoạch tỉnh, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
2. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh cân đối vốn ngân sách, huy động nguồn vốn đầu tư phát triển KTBĐ. Đồng thời tham mưu, đề xuất các giải pháp tăng thu ngân sách hàng năm để bổ sung nguồn vốn đầu tư phục vụ phát triển KTBĐ.
3. Sở Công Thương
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về quy định hoạt động và quản lý hoạt động vào ban đêm của các loại hình chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, chuyên doanh.
b) Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý thị trường, tiêu chuẩn, quy cách, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thị trường; thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp.
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định ở những khu vực trọng điểm phát triển KTBĐ.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất ngành du lịch.
b) Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, vui chơi giải trí về đêm trên địa bàn tỉnh.
c) Nghiên cứu tổ chức hoạt động biểu diễn, các sự kiện văn hóa nghệ thuật, thể thao; tổ chức tham quan, bổ sung các dịch vụ phục vụ du khách tại các điểm văn hóa lịch sử về đêm. Tổ chức các hoạt động văn hóa, sự kiện hai bên bờ kênh xáng Xà No, Ngã Bảy để tạo điểm nhấn văn hóa, vui chơi về đêm của Hậu Giang.
d) Đề xuất tổ chức một số sự kiện văn hóa vào ban đêm gắn với hoạt động KTBĐ.
5. Công an tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vào ban đêm.
6. Sở Xây dựng
a) Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương liên quan nghiên cứu tích hợp, lồng ghép quy hoạch phát triển KTBĐ trong quá trình xây dựng quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu chức năng đặc thù; trong đó quy hoạch những khu vực, địa bàn, tuyến có khả năng phát triển KTBĐ.
b) Trên cơ cở quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu chức năng đặc thù được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh cùng đơn vị có liên quan lập kế hoạch và triển khai cải thiện hệ thống hạ tầng đô thị theo Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, chú trọng hệ thống chiếu sáng nơi công cộng, định hướng quy hoạch cụ thể các cụm/khu vực phát triển KTBĐ để kêu gọi đầu tư hình thành các khu tổ hợp giải trí ban đêm quy mô, mang yếu tố đặc trưng và phù hợp với điều kiện thực tế của Tỉnh.
7. Sở Giao thông vận tải
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan lập kế hoạch và triển khai cải thiện hệ thống giao thông kết nối thuận tiện, đặc biệt là nghiên cứu mở rộng các tuyến và kéo dài thời gian hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng ở những địa điểm phát triển KTBĐ.
8. Sở Y tế
Tăng cường nhân lực quản lý và phối hợp với các cơ quan có liên quan đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở những điểm phát triển KTBĐ.
9. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Tăng cường công tác quản lý và phối hợp với các cơ quan có liên quan đảm bảo vệ sinh môi trường tại những điểm phát triển KTBĐ.
b) Phối hợp với các địa phương hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong khu KTBĐ thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động, bảo vệ môi trường.
10. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và đơn vị có liên quan nghiên cứu, rà soát, tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách về lao động, việc làm, thanh tra, kiểm tra lao động nhằm đảm bảo môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động về đêm trên địa bàn tỉnh.
b) Xây dựng và triển khai các giải pháp thực hiện công tác đào tạo nghề phục vụ cho phát triển KTBĐ.
11. Sở, ban, ngành tỉnh theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị phối hợp thực hiện hiệu quả Đề án.
12. UBND huyện, thị xã, thành phố
a) Các địa phương có tiềm năng phát triển KTBĐ nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển KTBĐ phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở địa phương, phù hợp với khả năng xây dựng các cơ sở hạ tầng hỗ trợ, nguồn lực đầu tư và khả năng huy động, thu hút đầu tư ở từng địa điểm cụ thể. Các chương trình/kế hoạch phát triển KTBĐ cần có sự tính toán kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng, tác động KTBĐ đến địa phương.
b) Phối hợp với sở, ban, ngành tỉnh kêu gọi đầu tư thu hút và lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm trong việc tham gia phát triển hoạt động KTBĐ ở địa phương.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở; Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
DANH MỤC
DỰ ÁN PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM 2021 – 2030
(Kèm theo Quyết định số 331/QĐ-UBND ngày 07 tháng 03 năm 2023 của UBND tỉnh Hậu Giang)
TT | Tên dự án | Tổng mức đầu tư (tỷ đồng) | Giai đoạn 2021 - 2025 | Giai đoạn 2026 - 2030 | ||||
Tổng vốn | Ngân sách nhà nước | Xã hội hóa | Tổng vốn | Ngân sách nhà nước | Xã hội hóa | |||
| Tổng cộng | 12,000 | 4,100 | 25 | 4,075 | 7,900 | 80 | 7,820 |
A | THÀNH PHỐ VỊ THANH |
|
|
|
|
|
|
|
I | Dự án trực tiếp phát triển kinh tế ban đêm |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Không gian chợ đêm Vị Thanh | 10 | 10 |
| 10 |
|
|
|
2 | Không gian khu văn hóa hồ Sen | 35 | 35 |
| 35 |
|
|
|
3 | Không gian checkin buổi tối tại kênh xáng Xà No | 15 | 15 | 15 |
|
|
|
|
4 | Tuyến phố đi bộ đường Hồ Xuân Hương (hồ sen) và đoạn đường 1/5 nối từ hồ sen ra kênh xáng Xà No | 10 |
|
|
| 10 | 10 |
|
5 | Công viên cây xanh phần tiếp giáp đường Lê Quý Đôn với Khu hành chính thành phố Vị Thanh | 16 | 16 |
| 16 |
|
|
|
II | Dự án gián tiếp phát triển kinh tế ban đêm |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Khu Văn hóa sự kiện và triển lãm | 50 | 50 |
| 50 |
|
|
|
2 | Đầu tư xe thu gom rác thải, thùng chứa rác thải, xây dựng bể chứa rác thải, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường | 3 | 3 |
| 3 |
|
|
|
3 | Khu du lịch sinh thái Hồ Đại Hàn | 182 | 182 |
| 182 |
|
|
|
4 | Khu du lịch Hồ Sen | 115 | 115 |
| 115 |
|
|
|
5 | Khu du lịch sinh thái Kênh Lầu | 96 | 96 |
| 96 |
|
|
|
6 | Khu du lịch Hồ Tam Giác | 62 | 62 |
| 62 |
|
|
|
7 | Phát triển các khu đô thị của thành phố | 6,057 | 1,627 |
| 1,627 | 4,430 |
| 4,430 |
8 | Khách sạn SOJO và dịch vụ thương mại Hậu Giang | 192 | 192 |
| 192 |
|
|
|
9 | Khách sạn DIC Star Hậu Giang (Khu dân cư thương mại Vị Thanh) | 700 | 700 |
| 700 |
|
|
|
B | THÀNH PHỐ NGÃ BẢY |
|
|
|
|
|
|
|
I | Dự án trực tiếp phát triển kinh tế ban đêm |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Không gian check in và du lịch buổi tối tại ngã bảy sông | 25 | 25 | 10 | 15 |
|
|
|
2 | Không gian ẩm thực và phố đi bộ tại Hồ Xáng Thổi | 25 | 25 |
| 25 |
|
|
|
3 | Không gian chợ đêm thành phố Ngã Bảy | 10 | 10 |
| 10 |
|
|
|
4 | Cầu tàu chợ nổi Ngã Bảy | 2 | 2 |
| 2 |
|
|
|
II | Dự án gián tiếp phát triển kinh tế ban đêm |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Khu du lịch sinh thái Tân Thành (Bưng Thầy Tầng) | 75 | 75 |
| 75 |
|
|
|
2 | Phát triển đô thị | 1,745 |
|
|
| 1,745 |
| 1,745 |
3 | Trung tâm Thương mại tổng hợp (Đầu mối, phân phối, trung chuyển) phường Hiệp Thành | 125 |
|
|
| 125 | 10 | 115 |
4 | Trung tâm Thương mại tổng hợp (Đầu mối, phân phối, trung chuyển) phường Hiệp Lợi | 125 |
|
|
| 125 |
| 125 |
5 | Trung tâm Hội chợ triển lãm và xúc tiến thương mại | 50 |
|
|
| 50 |
| 50 |
6 | Trung tâm thể dục thể thao thành phố | 20 | 20 |
| 20 |
|
|
|
C | HUYỆN CHÂU THÀNH A |
|
|
|
|
|
|
|
I | Dự án trực tiếp phát triển kinh tế ban đêm |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Không gian vui chơi, giải trí, du lịch Trường Đại học Võ Trường Toản | 10 | 10 |
| 10 |
|
|
|
2 | Không gian mua sắm, vui chơi giải trí, ẩm thực ở thị trấn Một Ngàn | 30 |
|
|
| 30 | 10 | 20 |
3 | Không gian chợ đêm tại Thị trấn Cái Tắc | 30 |
|
|
| 30 |
| 30 |
4 | Không gian chợ đêm tại thị trấn Bảy Ngàn | 30 |
|
|
| 30 |
| 30 |
II | Dự án gián tiếp phát triển kinh tế ban đêm |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Đầu tư xe thu gom rác thải, thùng chứa rác thải, xây dựng bể chứa rác thải, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường (thực hiện Đề án Hậu Giang xanh | 3 | 3 |
| 3 |
|
|
|
2 | Nâng cấp cải tạo kết nối Đường Trần Hưng Đạo, Đường 3 Tháng 2, chợ Một Ngàn, tuyến điện trung tâm thị trấn Một Ngàn tuyến lộ 37, tạo vẽ mỹ quang phục vụ du lịch | 5 | 5 |
| 5 |
|
|
|
3 | Dự án đầu tư Làng du lịch Sinh thái - Văn hóa Tầm Vu | 100 |
|
|
| 100 |
| 100 |
4 | Xây dựng 01 bến tàu trên kênh xáng Xà No (tại thị trấn Một Ngàn); Nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông kết nối, công trình cấp điện, nước, thoát nước và vệ sinh môi trường phục vụ du lịch. | 50 |
|
|
| 50 |
| 50 |
5 | Phát triển đô thị | 400 | 400 |
| 400 |
|
|
|
D | HUYỆN CHÂU THÀNH |
|
|
|
|
|
|
|
I | Dự án trực tiếp phát triển kinh tế ban đêm |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Không gian chợ đêm tại Thị trấn Ngã Sáu | 15 | 15 |
| 15 |
|
|
|
2 | Trung tâm thương mại (siêu thị) tại thị trấn Mái Dầm | 30 | 30 |
| 30 |
|
|
|
3 | Khu văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí xã Đông Phú | 1 | 1 |
| 1 |
|
|
|
II | Dự án gián tiếp phát triển kinh tế ban đêm |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Phát triển khu đô thị mới | 931 | 11 |
| 11 | 920 |
| 920 |
2 | Đầu tư xe thu gom rác thải, thùng chứa rác thải, xây dựng bể chứa rác thải, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường | 3 | 3 |
| 3 |
|
|
|
3 | Công viên văn hóa, thể thao thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành | 60 |
|
|
| 60 | 10 | 50 |
4 | Không gian mua sắm, vui chơi giải trí, ẩm thực thị trấn Mái Dầm. | 30 |
|
|
| 30 |
| 30 |
E | HUYỆN LONG MỸ |
|
|
|
|
|
|
|
I | Dự án trực tiếp phát triển kinh tế ban đêm |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Khu ẩm thực đêm huyện Long Mỹ | 10 |
|
|
| 10 | 10 |
|
2 | Không gian giao lưu Aday huyện Long Mỹ | 5 |
|
|
| 5 |
| 5 |
II | Dự án gián tiếp phát triển kinh tế ban đêm |
|
|
|
|
|
|
|
E | THỊ XÃ LONG MỸ |
|
|
|
|
|
|
|
I | Dự án trực tiếp phát triển kinh tế ban đêm |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Không gian chợ đêm thị xã Long Mỹ | 10 | 10 |
| 10 |
|
|
|
2 | Phát triển đô thị | 10 |
|
|
| 10 | 10 |
|
II | Dự án gián tiếp phát triển kinh tế ban đêm |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Vùng Du lịch cộng đồng Quýt đường Long Trị | 12 | 12 |
| 12 |
|
|
|
G | HUYỆN VỊ THỦY |
|
|
|
|
|
|
|
I | Dự án trực tiếp phát triển kinh tế ban đêm |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Không gian chợ đêm thị trấn Nàng Mau | 10 |
|
|
| 10 |
| 10 |
II | Dự án gián tiếp phát triển kinh tế ban đêm |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Khu du lịch Hồ Nước Ngọt | 115 | 115 |
| 115 |
|
|
|
2 | Khu du lịch sinh thái Việt Úc - Hậu Giang | 225 | 225 |
| 225 |
|
|
|
3 | Phát triển đô thị | 10 |
|
|
| 10 | 10 |
|
H | HUYỆN PHỤNG HIỆP |
|
|
|
|
|
|
|
I | Dự án trực tiếp phát triển kinh tế ban đêm |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Không gian chợ đêm thị trấn Cây Dương | 10 |
|
|
| 10 |
| 10 |
2 | Phát triển đô thị | 10 |
|
|
| 10 | 10 |
|
3 | Khám phá Lung Ngọc Hoàng về đêm | 100 |
|
|
| 100 |
| 100 |
- 1Quyết định 521/QĐ-UBND năm 2022 về Đề án Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 2Quyết định 3362/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Kế hoạch thực hiện "Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều)"
- 3Kế hoạch 2700/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 4Kế hoạch 110/KH-UBND thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế trên địa bàn Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh năm 2017
- 5Kế hoạch 1827/KH-UBND năm 2023 thực hiện Quyết định 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 6Quyết định 1793/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Trà Vinh đến năm 2030
- 1Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 3Quyết định 1129/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 521/QĐ-UBND năm 2022 về Đề án Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 5Quyết định 3362/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Kế hoạch thực hiện "Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều)"
- 6Kế hoạch 2700/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 7Kế hoạch 110/KH-UBND thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế trên địa bàn Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh năm 2017
- 8Kế hoạch 1827/KH-UBND năm 2023 thực hiện Quyết định 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 9Quyết định 1793/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Trà Vinh đến năm 2030
Quyết định 331/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030
- Số hiệu: 331/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/03/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
- Người ký: Nguyễn Văn Hòa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra