Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 330/QĐ-BNN-KH

Hà Nội, ngày 5 tháng 2 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 03/NQ-CP VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ  DỰ TOÁN CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2010

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008, Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 03/
NQ-CP ngày 15 tháng 1 năm 2010 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2010;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ NN&PTNT;
- Đảng ủy Bộ NN&PTNT;
- Công đoàn Ngành NN&PTNT;
- Website Bộ NN&PTNT;
- Lưu VT, KH.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 03/NQ-CP VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2010
 (Ban hành kèm theo Quyết định số: 330 /QĐ-BNN-KH ngày 5 tháng 2 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT)

Ngày 15 tháng 1 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2010. Để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình hành động nhằm cụ thể hóa và tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết với các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ

a) Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông lâm ngư nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2009, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2006-2010 với các chỉ tiêu chính sau:

- Tốc độ tăng giá trị gia tăng nông, lâm, thuỷ sản đạt 3,0 – 3,2%, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 4,5 – 4,6%.

- Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 16,5 tỷ USD.

- Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn dưới 12%.

- Tỷ lệ che phủ rừng: 40% - 41%.

- Tỷ lệ hộ nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh: 83%

b) Tập trung sức phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 26/BCH TW Đảng lần thứ 7, khóa X; đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở nông thôn theo chuẩn nông thôn mới; đào tạo cán bộ cơ sở kiến thức tổ chức, quản lý, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.

c) Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn lạm phát cao trở lại, tăng khả năng bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, diêm dân, ngư dân và người làm nghề rừng.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP CHÍNH

1. Đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ nông sản, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2009

a. Về sản xuất trồng trọt

Tranh thủ thuận lợi về thị trường lúa gạo, tận dụng tối đa tiềm năng đất đai, điều hành tưới tiêu hợp lý, tiết kiệm nước, sử dụng bộ giống tốt, cơ cấu giống hợp lý, kết hợp các biện pháp thâm canh tăng năng suất nhằm đạt sản lượng cao từ vụ Đông Xuân. Phấn đấu đạt sản lượng cả năm khoảng 39 triệu tấn thóc để vừa bảo đảm đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước, vừa duy trì lượng gạo xuất khẩu 5 – 6 triệu tấn.

Đối với các cây công nghiệp hàng hoá xuất khẩu, giá thị trường đang có xu hướng tăng trở lại, cần chỉ đạo tập trung thâm canh, tăng năng suất, chất lượng để đạt sản lượng tối đa. Mở rộng diện tích cao su khoảng 20 ngàn ha nhằm đạt chỉ tiêu quy hoạch 700 ngàn ha năm 2010.

Đẩy mạnh sản xuất rau, hoa quả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

b. Về chăn nuôi

Tiếp tục khuyến khích chăn nuôi theo hướng tập trung, hình thức trang trại, nuôi công nghiệp, gắn với cơ sở chế biến tập trung và xử lý chất thải nhằm đảm bảo hiệu quả, an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 8-9%.

Các giải pháp chính là tập trung đảm bảo về giống, kỹ thuật, chủ động nguồn thức ăn; bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các phương án chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng, tai xanh ở gia súc và các loại dịch bệnh khác. Kiên quyết ngăn ngừa và đấu tranh có hiệu quả việc nhập lậu động vật và sản phẩm động vật qua biên giới

c. Thủy sản

Mục tiêu năm 2010, phấn đấu đạt tổng sản lượng thủy sản 5 triệu tấn, trong đó khai thác hải sản 2,2 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản 2,8 triệu tấn; giá trị sản xuất thủy sản tăng 7%.

Để đạt được mục tiêu trên, các địa phương cần rà soát, quy hoạch lại diện tích nuôi trồng thủy sản, đảm bảo các điều kiện nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh, thực hiện việc đánh số, cơ sở, vùng nuôi đối với một số đối tượng nuôi chủ lực. Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất tôm, cá tra có hiệu quả.

Quy hoạch và đầu tư nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống chất lượng và sạch bệnh, đủ cho sản xuất, đồng thời củng cố tổ chức bộ máy và đầu tư trang thiết bị để tạo ra sự chuyển biến trong việc quản lý chất lượng giống, thức ăn và sản phẩm thuỷ sản.

Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản. Tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh thuỷ sản. Đẩy mạnh phát triển nuôi biển với các đối tượng nuôi và kỹ thuật phù hợp, an toàn dịch bệnh và hiệu quả kinh tế cao.

Về khai thác, đánh bắt hải sản, trên cơ sở rà soát lại nguồn lợi thủy sản gần bờ, có kế hoạch hướng dẫn ngư dân khai thác hợp lý. Triển khai thực hiện kế hoạch điều tra nguồn lợi xa bờ để có chính sách hỗ trợ ngư dân mở rộng đánh bắt xa bờ có hiệu quả và an toàn. Tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về khai thác, đánh bắt thủy hải sản của Việt Nam và các nước lân cận cho ngư dân. Chỉ đạo thực hiện việc đánh số theo quy định truy xuất nguồn gốc thủy sản của các nước nhập khẩu.

Xây dựng kế hoạch đổi mới thiết bị và công nghệ cho các cơ sở chế biến thuỷ sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng đáp ứng xuất khẩu, tăng nhanh số lượng các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng thị trường EU và các thị trường khó tính khác.

Tổ chức liên kết trong ngành thuỷ sản, tập trung vào các liên kết giữa doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu và các hộ nuôi trồng thuỷ sản, giữa các doanh nghiệp cùng hoạt động trong một công đoạn như sản xuất giống, thức ăn, NTTS, chế biến, liên kết với các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài. Chú trọng giải quyết các vướng mắc, khó khăn tại các thị trường trọng điểm như EU, Mỹ, Nhật, Đông Âu, Nga.

d. Lâm nghiệp

Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2010 tập trung vào việc hoàn thành các chỉ tiêu của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo Nghị quyết số 73/2006/QH11 của Quốc hội; khuyến khích đầu tư trồng rừng sản xuất và đẩy mạnh chế biến lâm sản cho xuất khẩu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp để quản lý hiệu quả tài nguyên rừng và đảm bảo cuộc sống của người dân làm nghề rừng. Năm 2010, ngành lâm nghiệp sẽ thực hiện trồng mới 227 nghìn ha (trong đó rừng sản xuất 167 nghìn ha, rừng phòng hộ và đặc dụng 60 nghìn ha); khoán bảo vệ rừng phòng hộ và đặc dụng 1,5 triệu ha, chăm sóc rừng 164.650 ha, khoanh nuôi tái sinh rừng 505.300 ha, trồng 200 triệu cây phân tán. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị lâm nghiệp 3%, giá trị kim ngạch xuất khẩu: 3 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng: 40%.

Để đạt được các mục tiêu trên, cần triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ rừng; tiếp tục triển khai công tác giao đất, khoán rừng cho các hộ gia đình, các cộng đồng và tổ chức quản lý bảo vệ; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có khả năng đầu tư phát triển mạnh rừng sản xuất theo hướng thâm canh và hiệu quả; thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào trồng rừng sản xuất và chế biến lâm sản, phát triển du lịch sinh thái. Xây dựng kế hoạch trồng rừng phù hợp với khả năng thực tế về đất đai và nguồn lực; tiếp tục triển khai 5 chương trình trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp 2006–2020.

d. Đẩy mạnh xuất khẩu và thương mại nội địa

Theo dõi chặt chẽ tình hình cung cầu các mặt hàng trọng yếu, những mặt hàng có khối lượng hàng hóa lớn (lúa, gạo, thuỷ sản, mía đường, muối, phân bón) để điều hành việc sản xuất, xuất, nhập khẩu hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thực hiện quảng bá các sản phẩm nông lâm thuỷ sản ra thị trường thế giới và nội địa;

Chủ động phòng tránh các rào cản kỹ thuật và rào cản thương mại; kiểm soát chặt chẽ các quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc, cũng như các quy định liên quan về nhãn mác và các thủ tục quản lý xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của các thị trường;

 Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp; phát triển chợ thương mại điện tử và các hình thức thương mại hiện đại khác.

2. Chuẩn bị và triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chính phủ đã xem xét và có chủ trương triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với 11 nội dung hỗ trợ trực tiếp cho các xã thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới để tới năm 2015 cả nước có 20%, năm 2020 có 50% đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

Nhiệm vụ chính trong năm 2010 là:

(1) Tổ chức rà soát, đối chiếu với Bộ tiêu chí quốc gia để đánh giá đúng thực trạng nông thôn ở từng thôn, xã;

(2) Trong năm 2010 cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch về sản xuất, cơ sở hạ tầng, xây dựng và cải tạo điểm dân cư; xây dựng để án, kế hoạch và dự án cụ thể để triển khai thực hiện.

(3) Xây dựng các cơ chế chính sách huy động các nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới, chú trọng huy động sự tham gia của nhân dân và doanh nghiệp;

(4) Lồng ghép các chương trình, dự án đã có để hỗ trợ các xã thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới có hiệu quả;

(5) Phát động cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; khuyên khích nhân dân tự tổ chức thực hiện nhiều nội dung xây dựng nông thôn mới, nhất là phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cấp nơi ở, chỉnh trang làng xóm, bảo vệ và cải tạo môi trường; xây dựng nếp sống mới, giữ gìn an ninh trật tự.

Cùng với việc thực hiện chương trình nông thôn mới, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo như Chương trình 135 giai đoạn II, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo tinh thần Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ và các chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Thực hiện Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đưa tỷ lệ dân nông thôn được cấp nước sạch lên 83%.

Về bố trí, sắp xếp dân cư, năm 2010 bố trí, sắp xếp 16.000 hộ; trong đó bố trí vùng thiên tai và quá khó khăn 11.000 hộ, bố trí, sắp xếp dân cư biên giới, hải đảo 2.500 hộ, vùng xung yếu, rất xung yếu, vùng bảo vệ nghiêm ngặt của rừng phòng hộ, đặc dụng 100 hộ, sắp xếp dân di cư tự do 2.400 hộ.

Tập trung chỉ đạo hoàn thành kế hoạch di dân, tái định cư dự án thuỷ điện Sơn La, ổn định cơ sở hạ tầng cho các khu (Điểm) tái định cư; hoàn thành việc thu hồi và giao đất, ổn định đời sống và sản xuất cho khoảng 20.250 hộ di dân, tái định cư trên địa bàn 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên thuộc dự án.

3. Phát triển thuỷ lợi và hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, dân sinh trước mắt và từng bước chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

 Với nguồn vốn được phân bổ trong kế hoạch 2010, tập trung hoàn thành các công trình dở dang sớm đưa vào khai thác sử dụng, các công trình đảm bảo an toàn các hồ chứa, các công trình thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình vốn trái phiếu Chính phủ và các dự án vốn ODA.

Triển khai Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển được Chính phủ bố trí 845 tỷ đồng. Trước hết tập trung khôi phục các tuyến đê bị hư hại trong các đợt bão lũ vừa qua; củng cố, nâng cấp các đoạn đê xung yếu quan trọng. Kết hợp nâng cấp đê với trồng tre, trồng cây chắn sóng.

Đẩy mạnh công tác quy hoạch thuỷ lợi phòng chống ngập do biến đổi khí hậu nước biển dâng đối với các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng như ĐBSCL, Duyên hải Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Hồng làm cơ sở cho việc xây dựng các phương án phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra; tăng cường năng lực đáp ứng yêu cầu chủ động ứng phó kịp thời và có hiệu quả trước mọi tình huống.

Đặc biệt quan tâm tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, bảo vệ các công trình thuỷ lợi.

Tiếp tục triển khai quy hoạch các khu bảo tồn thuỷ sản nội địa; khu neo đậu tránh trú bão, đẩy nhanh tiến độ thi công các Trung tâm Quốc gia giống hải sản, các Trung tâm thực hành nghề cá, các trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thuỷ sản; đầu tư các công trình thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản tập trung, các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, các bến cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão.

4. Triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp - PTNT, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng hiệu quả

Quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp.

Kiên quyết đấu tranh phòng chống nạn chặt phá rừng trái phép, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Hết sức coi trọng công tác nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tập trung rà soát, hoàn thiện văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vệ sinh, an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản. Đẩy mạnh công tác phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra chứng nhận thực hành sản xuất tốt (Viet GAP, GHAP, GMP, HACCP) cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản. Xây dựng bộ máy quản lý từ Trung ương đến cơ sở và vận hành có hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng nông lâm, thuỷ sản.

5. Nâng cao năng lực, thể chế quản lý ngành, đẩy mạnh CCHC, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng chống tham nhũng

Năm 2010, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục xây dựng trình Quốc hội và Thường vụ Quốc hội 5 dự thảo Luật: Luật Thú y, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Thủy lợi, Luật Nông nghiệp, Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuỷ sản. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 9 nghị định, 6 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 60 văn bản. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn.

Hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý nhà nư­ớc của Bộ, trọng tâm là việc thành lập 3 Tổng cục và hệ thống tổ chức cơ sở nhằm đảm bảo hiệu lực quản lý ngành; Đẩy mạnh phân cấp trách nhiệm giữa Bộ với các địa phương trong lĩnh vực quản lý ngành; tiếp tục thực hiện Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hoá thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân; đào tạo nghề cho bộ phận con em nông dân để chuyển nghề, xuất khẩu lao động; đồng thời tập trung đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở. Thực hiện tốt việc xã hội hoá công tác đào tạo nghề với mục tiêu năm 2010 lao động nông nghiệp còn dưới 50% lao động xã hội, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề chiếm 15%.

Tiếp tục công tác cải cách tài chính công, hiện đại hoá công tác quản lý ngành. Thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, nhằm hiện đại hóa hệ thống thông tin từ Bộ đến các địa ph­ương và doanh nhiệp, thư­ờng xuyên cập nhật cung cấp thông tin hai chiều. Hoàn thiện bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá ngành và các tiểu ngành làm căn cứ để đánh giá đầy đủ, chính xác kết quả thực hiện các mục tiêu kế hoạch đề ra.

Tăng c­ường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

6. Đẩy mạnh hội nhập kinh tế và hợp tác quốc tế

Tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế với các đối tác truyền thống, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các nước châu Phi, châu Mỹ La Tinh

Phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ trong việc điều phối thực hiện các chương trình dự án ODA đã ký kết đang triển khai, đồng thời tiếp tục xây dựng và đàm phán các chương trình dự án ODA mới theo hướng chương trình lớn. Xây dựng chương trình vận động phi chính phủ nước ngoài của ngành giai đoạn 2010 - 2015.

Tích cực thực hiện kế hoạch hành động về hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký kết; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng, có tính cạnh tranh cao để kinh tế Việt Nam sớm được công nhận là nền kinh tế thị trường; hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; vận dụng luật pháp quốc tế để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước.

Chuẩn bị và tổ chức thành công các hội nghị, hội thảo quốc tế lớn trong năm như: Hội nghị Bộ trưởng về cúm gia cầm (Tháng 4/2010), Hội nghị quốc tế về chi trả dịch vụ môi trường rừng và cơ chế carbon (Tháng 6/2010), Hội nghị quốc tế về cơ chế tài chính cho ngành lâm nghiệp (Tháng 9/2010). Hội thảo lúa gạo quốc tế và kỷ niệm 50 năm thành lập IRRI (Tháng 11/2010) và các hội nghị quốc tế, khu vực khác do Việt Nam là nước chủ nhà

7. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền

Bộ và các địa phương chủ động triển khai công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng.

Tăng cường phổ biến pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đẩy mạnh truyền thông về các lĩnh vực chuyên môn, nâng cao nhận thức của nhân dân để chủ động tham gia, nhất là kiến thức về ATVSTP, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, xây dựng nông thôn mới.

Năm 2010, hình thành kênh truyền hình chuyên về phát triển nông thôn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty, Giám đốc các doanh nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, căn cứ vào Chương trình hành động này để xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.

2. Định kỳ hàng tháng, quí, 6 tháng và cuối năm các đơn vị tiến hành rà soát báo cáo Bộ kết quả thực hiện trong đó nêu rõ: Việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành và nguyên nhân.

3. Giao Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch theo dõi và báo cáo kết quả thực hiện của các đơn vị tại cuộc họp giao ban thường kỳ tháng của lãnh đạo Bộ./.

(Chi tiết có phụ lục kèm theo)

 

PHU LỤC 1

CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 03/NQ-CP NGÀY 15/1/2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 330 /QĐ-BNN-KH ngày 5 tháng 2 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT

STT

Tên văn bản

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Lãnh đạo Bộ chỉ đạo

I

XÂY DỰNG LUẬT

 

 

 

01

Luật Thú y

Cục Thú y

Các Bộ, ngành liên quan

TT. Diệp Kỉnh Tần

02

Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Cục Bảo vệ thực vật

Các Bộ, ngành liên quan

TT. Bùi Bá Bổng

03

Luật Thuỷ lợi

Cục Thuỷ lợi

Các Bộ, ngành liên quan

TT. Đào Xuân Học

04

Luật Nông nghiệp

Vụ Pháp chế

Các Bộ, ngành liên quan

TT. Bùi Bá Bổng

05

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thủy sản

Vụ Pháp chế

Các Bộ, ngành liên quan

TT. Vũ Văn Tám

 

PHỤ LỤC 2

DANH MỤC ĐỀ ÁN, CHƯƠNG TRÌNH, VBQPPL TRÌNH CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NĂM 2010
(Kèm theo Quyết định số 330 /QĐ-BNN-KH ngày 5 tháng 2 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

TT

Tên đề án

LĐ Bộ chỉ đạo

Đơn vị chủ trì

Cấp trình

Thời gian trình

1

Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng

TT Bùi Bá Bổng

Cục Trồng trọt

CP

Tháng 3

2

Đề án cử đại diện nông nghiệp tại các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài

TT Bùi Bá Bổng

Vụ HTQT

TTCP

Tháng 3

3

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp

TT Bùi Bá Bổng

Vụ KHCN&MT

TTCP

Tháng 3

4

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp

TT Bùi Bá Bổng

Vụ KHCN & MT

TTCP

Tháng 3

5

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thẩm quyền, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

TT Bùi Bá Bổng

Vụ KHCN & MT

TTCP

Tháng 3

6

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

TT Bùi Bá Bổng

Vụ KHCN & MT

TTCP

Tháng 3

7

Đề án giám sát tàu cá sử dụng công nghệ vệ tinh (trước đây là Đề án hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn 2 (2010-2015)

TT Vũ Văn Tám

Cục KT&BVNLTS

TTCP

Tháng 4

8

Đề án nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao KHCN và tiến bộ KT trong NN, NT

TT Bùi Bá Bổng

Vụ KHCN&MT

TTCP

Tháng 5

9

Nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Nông nghiệp và PTNT

TT Nguyễn Ngọc Thuật

Thanh tra Bộ

CP

Tháng 5

10

Nghị định của Chính phủ về quản lý sản xuất và kinh doanh ngành muối

TT Diệp Kỉnh Tần

Cục CB, TM NLTS & NM

CP

Tháng 6

11

Đề án phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản và ngành nghề nông thôn đến năm 2020

TT Lương Lê Phương

Cục CB, TM NLTS & NM

TTCP

Tháng 6

12

Nghị định của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

TT Hứa Đức Nhị

Vụ Pháp chế

CP

Tháng 6

13

Nghị định Quy định về quản lý cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá

TT Vũ Văn Tám

Cục KT&BVNLTS

CP

Tháng 6

14

Xây dựng các chính sách nhằm đảm bảo cho nông dân sản xuất lúa thu được mức lãi tối thiểu 30% so với giá thành sản xuất

TT Bùi Bá Bổng

Cục TT

TTCP

Tháng 6

15

Đề án quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản

TT Hứa Đức Nhị

Cục KL

TTg

Tháng 6

16

Nghị định về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, chính sách quản lý diện tích sản xuất lúa

TT Bùi Bá Bổng

Cục TT

CP

Tháng 8

17

Nghị định về tổ chức và quản lý hệ thống các khu rừng đặc dụng

TT Hứa Đức Nhị

Cục Kiểm lâm

CP

Tháng 8

18

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý duy tu, bảo dưỡng đê điều biển sau đầu tư

TT Đào Xuân Học

Cục QLĐĐ&PCLB

TTCP

Tháng 8

19

Nghị định sửa đổi Nghị định 62/1999/NĐ-CP ngày 31/7/2009 ban hành Quy chế phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng để bảo đảm an toàn cho Hà Nôi

TT Đào Xuân Học

Cục QLĐĐ&PCLB

CP

Tháng 9

20

Chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020

TT Hứa Đức Nhị

Cục Lâm nghiệp

TTCP

Tháng 9

21

Đề án tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành thú y

TT Diệp Kỉnh Tần

Cục Thú y

TTCP

Tháng 9

22

Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi

TT Diệp Kỉnh Tần

Cục Chăn nuôi

CP

Tháng 10

23

Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách về di dân(QĐ điều chỉnh, bổ sung chính sách chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2006 của TTgCP)

TT Hồ Xuân Hùng

Cục KTHT&PTNT

TTCP

Tháng 10

24

Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, sửa đổi một số chính sách huy động nguồn lực của cả xã hội tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và sửa đổi một số cơ chế quản lý cho phù hợp với tình hình và khả năng thực hiện ở cơ sở

TT Hồ Xuân Hùng

Cục KTHT&PTNT

TTCP

Tháng 11

25

Chương trình Nước sạch và VSMTNT giai đoạn 2011-2015

TT Đào Xuân Học

Cục Thuỷ lợi

TTCP

Tháng 11

26

Rà soát Qui hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 (đổi thành Quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp cả nước đến đến 2020, tầm nhìn đến 2030)

Bộ trưởng

Vụ Kế hoạch

TTCP

Tháng 12

27

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế chính sách đặc thù, tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển toàn diện, bền vững cho các xã có điểm tái định cư và các hộ tái định cư trong giai đoạn sau tái định cư

TT Hồ Xuân Hùng

Cục KTHT&PTNT

TTCP

Tháng 12

28

Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch thuỷ lợi các lưu vực sông, hệ thống thuỷ nông nhằm khai thác, sử dụng tổng hợp, phát triển bền vững nguồn nước làm cơ sở cho quản lý và lập kế hoạch phát triển thuỷ lợi theo quy mô lưu vực, hệ thống

TT Đào Xuân Học

Cục Thuỷ lợi

TTCP

Tháng 12

29

Hoàn tất việc quy hoạch các khu bảo tồn biển và khu bảo tồn nội địa

TT Nguyễn Văn Tám

Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi TS

CP

Tháng 12

30

Xây dựng dự án tổng thể về xây dựng hệ thống đê điều trên phạm vi cả nước nhằm chủ động phòng chống bão, lũ và nước biến dâng

TT Đào Xuân Học

Cục QLĐĐ&PCLB

CP

Tháng 12

 

PHỤ LỤC 3

DANH MỤC ĐỀ ÁN, VĂN BẢN TRÌNH BỘ TRƯỞNG NĂM 2010
(Kèm theo Quyết định số 330 /QĐ-BNN-KH ngày 5 tháng 2 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

I. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN

TT

Tên văn bản

LĐ Bộ phụ trách

Đơn vị chủ trì

Thời gian trình

1

Đề án tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi

TT Diệp Kỉnh Tần

Cục Chăn nuôi

Tháng 4

2

Chiến lược phát triển KHCN&MT nông nghiệp đến 2020

TT Bùi Bá Bổng

Vụ KHCN&MT

Tháng 6

3

Chương trình nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác các công trình thuỷ lợi

TT.Đào Xuân Học

Cục Thuỷ lợi

Tháng 9

4

Dự án nâng cao năng lực hệ thống giám sát sinh vật gây hại

TT Bùi Bá Bổng

Cục BVTV

Tháng 10

5

Quy hoạch thuỷ lợi kết hợp với thuỷ điện nhỏ

TT.Đào Xuân Học

Cục Thuỷ lợi

Tháng 12

6

Đề án qui hoạch mạng lưới phòng kiểm nghiệm chất lượng NLTS trên phạm vị cả nước

TT Bùi Bá Bổng

Cục QLCLNLS&TS

Tháng 12

7

Quy hoạch phát triển lâm sản ngoài gỗ khu vực miền Trung giai đoạn 2010-2020

TT Hứa Đức Nhị

Cục Lâm nghiệp

Tháng 12

8

Quy hoạch sản xuất khai thác rừng tự nhiên ở các vùng trọng điểm

TT Hứa Đức Nhị

Cục Lâm nghiệp

Tháng 12

II. CÁC THÔNG TƯ BỔ SUNG

TT

Tên văn bản

LĐ Bộ phụ trách

Đơn vị chủ trì

Thời gian trình

Ghi chú

1

Thông tư hướng dẫn đặt hàng, nghiệm thu thanh toán cho các công ty quản lý khai thác công trình thuỷ lợi

TT Đào Xuân Học

Cục TL

Tháng 5

 

2

Thông tư quy định năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thuỷ lợi

TT Đào Xuân Học

Cục TL

Tháng 5

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 330/QĐ-BNN-KH năm 2010 ban hành Chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Nghị quyết 03/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán chi ngân sách Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 330/QĐ-BNN-KH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/02/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/02/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản