Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC DẠY NGHỀ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 328-DN/DT

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 1984

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA TỔNG CỤC DẠY NGHỀ SỐ 328-DN/DT NGÀY 19 THÁNG 11 NĂM 1984 VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ TRƯỜNG DẠY NGHỀ NHÀ NƯỚC

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC DẠY NGHỀ

Căn cứ Nghị định số 129-HĐBT ngày 8-10-1984 của Hội đồng Bộ trưởng quy định nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy của Tổng cục Dạy nghề;
Xét yêu cầu quản lý thống nhất các trường dạy nghề Nhà nước;
Theo đề nghị của đồng chí vụ trưởng Vụ Dạy nghề và bồi dưỡng nghề,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Quy chế trường dạy nghề Nhà nước.

Điều 2.- Các đồng chí Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ truởng (có quản lý trường dạy nghề Nhà nước), các đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

Hồng Long

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

TRƯỜNG DẠY NGHỀ NHÀ NƯỚC
(ban hành kèm theo Quyết định số 328-DN/DT ngày 19-11-1984 của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề)

Chương 1

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1.- Trường dạy nghề Nhà nước là đơn vị cơ sở của ngành dậy nghề trong hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trường dạy nghề Nhà nước hoạt động theo pháp luật của nước Cộng hào xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2.- Trường dạy nghề Nhà nước có nhiệm vụ:

1. Đào tạo theo kế hoạch và có tổ chức công nhân, nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ lành nghề theo mục tiêu toàn diện, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiến bộ khoa học kỹ thuật cho xí nghiệp cơ sở và các ngành kinh tế.

2. Đào tạo lại hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ lý thuyết, tay nghề cho công nhân, nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ đang sản xuất (theo hợp đồng giữa nhà trường với cơ sở sản xuất).

3. Tham gia phổ cập nghề nghiệp cho nhân dân lao động, giúp học sinh phổ thông học tập kỹ thuật tổng hợp và giáo dục hướng nghiệp.

Điều 3.- Quá trình giáo dục giảng dạy nhất thiết phải kết hợp học lý thuyết với thực hành, giáo dục với lao động sản xuất theo ngành nghề, gắn liền nhà trường với cơ sở sản xuất, với gia đình và xã hội. Phải kết hợp thực tập tay nghề với sản xuất ra của cải vật chất bằng nhiều hình thức linh hoạt.

Chương 2

NGUYÊN TẮC THÀNH LẬP VÀ GIẢI THỂ TRƯỜNG DẠY NGHỀ NHÀ NƯỚC.

Điều 4.-

1. Trường dạy nghề Nhà nước phải nằm trong quy hoạch mạng lưới trường, lớp dạy nghề của cả nước, phải gắn với cơ sở sản xuất, khu kinh tế và khu dân cư.

2. Trường dạy nghề Nhà nước được phân công chuyên môn hoá đào tạo và bồi dưỡng công nhân, nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ cho các xí nghiệp cơ sở. Việc sắp xếp xí nghiệp cơ sở gắn với trường dạy nghề Nhà nước do thủ trưởng các Bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương quyết định.

Điều 5.- Việc thành lập, giải thể hoặc sắp xếp lại trường dạy nghề Nhà nước do thủ trưởng các Bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương đề nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề xét, quyết định với sự thoả thuận của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.

Điều 6.- Trường dạy nghề Nhà nước có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu.

Điều 7.- Trường dạy nghề Nhà nước phải có đủ máy móc thiết bị phương tiện kỹ thuật và đồ dùng dạy học, có đủ cán bộ quản lý và giáo viên theo quy định của Tổng cục Dạy nghề.

Điều 8.- Trường dạy nghề Nhà nước có quy mô từ 300 học sinh trở lên. Thời gian đào tạo mỗi khoá từ 12 đến 36 tháng, tuỳ theo ngành nghề và trình độ văn hoá của học sinh khi vào trường.

Chương 3

TỔ CHỨC QUÁ TRÌNH GIÁO DỤC, GIẢNG DẠY

Điều 9.- Việc giáo dục, giảng dạy phải tiến hành theo kế hoạch giảng dạy và chương trình môn học do Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề ban hành hoặc uỷ nhiệm cho thủ trưởng Bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương ban hành.

Điều 10.- Các môn học lý thuyết bao gồm văn hoá, xã hội, kỹ thuật cơ sở và lý thuyết nghề.

Điều 11.- Dạy thực hành là yêu cầu cơ bản bảo đảm chất lượng tay nghề cho học sinh và bao gồm:

1. Dạy thực hành cơ bản cho học sinh ở phòng thí nghiệm, xưởng, trường, trạm, trại, bến, bãi... của nhà trường hoặc tại các vị trí do xí nghiệp cơ sở dành riêng để học sinh thực tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên thực hành.

2. Dạy thực hành sản xuất tại các xí nghiệp cơ sở do giáo viên thực hành phụ trách có sự phối hợp của kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân giỏi nghề do xí nghiệp phân công. Thực hành sản xuất là yêu cầu bắt buộc đối với học sinh đào tạo tại trường dạy nghề Nhà nước.

Điều 12.- Năm học chia làm 2 học kỳ, khai giảng 15 tháng 9 hàng năm. Nghỉ hè và các ngày lễ khác theo quy định chung của Nhà nước.

Điều 13.- Học sinh được tổ chức thành đơn vị lớp theo nghề và khoá học. Mỗi lớp có từ 25 đến 30 học sinh, khi học thực hành lớp được chia thành tổ.

Mỗi lớp có một lớp trưởng và một lớp phó giúp việc do học sinh bầu hàng năm, và được hiệu trưởng quyết định.

Điều 14.- Trong thời gian học lý thuyết tính bằng tiết, mỗi tiết 45 phút, học thực hành tính bằng giờ. Số giờ thực hành trong mỗi ngày không quá số giờ quy định cho công nhân, nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ đang sản xuất cùng nghề.

Điều 15.- Kết quả học lý thuyết và thực hành của học sinh được đánh giá theo thang điểm 10.

Tư cách đạo đức của học sinh đánh giá bằng cách xếp loại tốt, khá, trung bình, kém.

Điều 16.- Khoá học từ 2 năm trở lên, cuối mỗi năm học trường tổ chức xét duyệt học sinh lên lớp.

Sau khi hoàn thành chương trình học tập những học sinh đạt yêu cầu trung bình trở lên về tư cách đạo đức, về học tập lý thuyết, về thực hành thì được dự thi tốt nghiệp (theo quy chế của Tổng cục dạy nghề).

Điều 17.- Học sinh trường dạy nghề Nhà nước khi tốt nghiệp được nhận bằng do hiệu trưởng cấp sau khi được cơ quan quản lý trường trực tiếp xét duyệt. Cấp bậc thợ ghi trong bằng tốt nghiệp của học sinh có giá trị pháp lý đối với tất cả các cơ quan, xí nghiệp, công, nông, lâm trường...

Điều 18.- Bằng tốt nghiệp loại ưu được cấp cho học sinh trong quá trình học tập có 75% số điểm kết thúc các môn học trong kế hoạch giảng dạy đạt điểm giỏi, số môn học còn lại điểm khá, tư cách đạo đức xếp loại tốt, các môn thi lý thuyết và tay nghề khi tốt nghiệp đạt điểm giỏi.

Chương 4

CƠ SỞ VẬT CHẤT CỦA TRƯỜNG DẠY NGHỀ NHÀ NƯỚC

Điều 19.- Trường dạy nghề Nhà nước cần phải có cơ sở vật chất cần thiết cho giáo dục và giảng dạy sau đây:

1. Các phòng học lý thuyết, phòng thí nghiệm có đủ các thiết bị, phương tiện kỹ thuật và đồ dùng dạy học để giảng dạy các môn học lý thuyết.

2. Xưởng, trạm, bến, bãi, cửa hàng... có đủ thiết bị dụng cụ, vật tư, năng lượng, cần thiết cho học sinh thực hành kết hợp với sản xuất.

3.-Nhà, sân bãi, phương tiện và dụng cụ để rèn luyện thể lực, học tập, quân sự, hoạt động văn hoá quần chúng và vui chơi giải trí cho học sinh.

4. Hội trường, thư viện, trạm y tế, phòng làm việc, ký túc xá và các cơ sở vật chất khác phục vụ cho đời sống cán bộ, công nhân viên, giáo viên và học sinh trong trường.

Cơ sở vât chất, kỹ thuật nói trên phải được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn của Tổng cục Dạy nghề.

Điều 20.- Việc xây dựng ký túc xá, nhà ăn, các cơ sở văn hoá, đời sống, việc cung cấp và lắp đặt trang thiết bị cho học tập sản xuất và các tài sản khác do cơ quan trực tiếp quản lý trường lập kế hoạch theo quy định của Nhà nước và của Tổng cục Dạy nghề.

Điều 21.- Việc cung cấp nguyên, nhiên vật liệu, thiết bị... cho yêu cầu học tập và sản xuất do kế hoạch Nhà nước, xí nghiệp và các cơ quan có nhu cầu về đào tạo cung cấp theo quy định chung của Nhà nước.

Chương 5

HỌC SINH CÁC TRƯỜNG DẠY NGHỀ NHÀ NUỚC

Điều 22.- Trường dạy nghề Nhà nước tuyển các công nhân Việt Nam có độ tuổi từ 15 đến 25, có giấy chứng nhận học hết phổ thông cơ sở, phổ thông trung học hoặc tương đương, có sức khoẻ, giới tính thích hợp với từng nghề theo quy định của Danh mục nghề đào tạo. Việc tuyển sinh theo quy chế của Tổng cục Dạy nghề.

Điều 23.- Học sinh được cấp thẻ học sinh, sổ ghi kết quả học tập, theo mẫu của Tổng cục Dạy nghề.

Điều 24.- Học sinh có quyền lợi:

1. Được xét miễn học phí, xét cấp học bổng, y tế phí, trang bị phòng hộ lao động, lương thực và thực phẩm theo quy định chung của Nhà nước.

2. Được sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho mục đích học tập, rèn luyện, vui chơi, giải trí.

3. Trong học thực hành, được hưởng chế độ quy định về quyền lợi lao động của nghề đó, được hưởng một phần kết quả sản phẩm làm ra.

4. Được xét khen thưởng khi có thành tích trong học tập, rèn luyện và hoạt động xã hội.

5. Được tham gia thảo luận góp ý kiến để hoàn thiện nội dung và phương pháp giảng dạy, giáo dục, rèn luyện con người mới xã hội chủ nghĩa, tham gia bình xét xếp loại đạo đức, khen thưởng kỷ luật, tổ chức đời sống và các hoạt động xã hội khác liên quan đến học sinh.

Điều 25.- Học sinh có nhiệm vụ:

1. Nắm vững các kiến thức lý thuyết; rèn luyện tay nghề bảo đảm kỹ năng kỹ xảo nghề nghiệp theo mục tiêu đào tạo, trau rồi đạo đức, luyện tập thân thể, phát triển thể lực.

2. Học tập chăm chỉ, tuân thủ mọi nội quy , kỷ luật, giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường và của xã hội, tôn trọng chấp hành pháp luật của Nhà nước.

3. Tham gia xây dựng trường sở, lao động công ích.

4. Phục tùng sự phân công của nhà trường khi tốt nghiệp.

Điều 26.- Những học sinh không hoàn thành nhiệm vụ học tập, vi phạm nội quy kỷ luật của nhà truờng thì bị thi hành kỷ luật, kể cả kỷ luật đuổi học. Việc khen thưởng và kỷ luật học sinh thực hiện theo quy định của Tổng cục Dạy nghề.

Điều 27.- Học sinh không phải qua thời gian tập sự. Thời gian thâm niên lao động của học sinh tuyển ngoài xã hội được tính kể từ ngày tiếp nhận vào biên chế Nhà nước.

Điều 28.- Học sinh tốt nghiệp loại ưu được ưu tiên phân công công tác theo nguyện vọng và trong kế hoạch Nhà nước, được xem xét để chuyển sang học ở các trường sư phạm kỹ thuật hay thi vào các trường cao đẳng, đại học kỹ thuật cùng ngành nghề.

Điều 29.- Học sinh không đạt kết quả kỳ thi tốt nghiệp vẫn được phân công nhưng tiền lương phải giảm một bậc so với bậc đào tạo, sau thời gian sản xuất một năm được giám đốc đề nghị thì hiệu trưởng cấp bằng tôt nghiệp.

Điều 30.- Các công dân nước ngoài được gửi đến học tập ở các trường dạy nghề Nhà nước phải học tiếng Việt đủ để học tập chuyên môn, phải thực hiện mọi nhệm vụ và hưởng các quyền lợi như học sinh Việt Nam. Nếu Hiệp định, Nghị thư có các điều khác với nội dung các điều trong Quy chế này thì áp dụng theo các điểm đã ký kết giữa hai Chính phủ.

Chương 6

GIÁO VIÊN TRƯỜNG DẠY NGHỀ NHÀ NƯỚC

Điều 31.- Giáo viên trường dạy nghề Nhà nước gồm giáo viên thực hành; giáo viên lý thuyết; giáo viên giáo dục; giáo viên chính trị; giáo viên quân sự; giáo viên thể dục thể thao. Giáo viên có nhiệm vụ chung:

1. Giảng dạy, giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức, trang bị kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp cho học sinh.

2. Có kế hoạch học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, gương mẫu trong công tác, trong lao động sản xuất, tôn trọng và chấp hành pháp luật Nhà nước.

3. Hoàn thành chương trình và kế hoạch công tác được giao, chấp hành đầy đủ các thể chế giáo dục giảng dạy, đánh giá khách quan kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.

4. Tham gia xây dựng trường sở, nghiên cứu và sản xuất đồ dùng và phương tiện kỹ thuật dạy nghề cho môn học mình phụ trách.

Điều 32.- Giáo viên có quyền:

1. Là một thành viên của Hội đồng sư phạm, được tham gia thảo luận phương pháp giáo dục giảng dạy.

2. Được sử dụng các tài liệu, cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường phục vụ cho nục đích giáo dục giảng dạy.

3. Được tôn trọng và bảo đảm số giờ giáo dục, giảng dạy, nghiên cứu thực nghiệm, lao động, sản xuất được phân công.

4. Được chăm lo đời sống, vật chất và tinh thần, được bảo đảm các quyền lợi về lương, khen thưởng, chế độ nghỉ ngơi, bồi dưỡng nghiệp vụ theo quy định chung của Nhà nước và của ngành dạy nghề.

Điều 33.- Giáo viên thực hành có nhiệm vụ cụ thể:

1. Giữ vai trò chính trong các việc giáo dục đạo đức cách mạng hình thành cho học sinh nhân cách người công nhân mới xã hội chủ nghĩa; kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp cho học sinh. Hoàn thành có chất lượng chương trình dạy thực hành được phân công.

2. Bảo đảm an toàn lao động và an toàn kỹ thuật cho học sinh trong thời gian học thực hành.

3. Học tập và sử dụng các các phương pháp giảng dạy tiên tiến có hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục, giảng dạy.

4. Tổ chức các biện pháp thi đua trong học sinh, giáo dục học sinh tinh thần trách nhiệm trong học tập, lòng yêu nghề, kỷ luật lao động.

Giáo viên thực hành phải tốt nghiệp trường sư phạm kỹ thuật đúng ngành nghề, hoặc là cán bộ kỹ thuật, kỹ sư đã kinh qua sản xuất, công nhân, nhân viên kỹ thuật có nghiệp vụ giỏi nghề (đã được đào tạo hoàn chỉnh) có khả năng giảng dạy và được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Điều 34.- Nhiệm vụ cụ thể của giáo viên lý thuyết:

1. Trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản, cần thiết và có hệ thống về văn hoá kỹ thuật cơ sở, kỹ thuật chuyên môn theo kế hoạch giảng dạy và chương trình môn học có kết hợp chặt chẽ với nội dung dạy thực hành.

2. Học tập và sử dụng các kinh nghiệm sư phạm tiên tiến, các phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại, tạo điều kiện cho học sinh phát huy tính độc lập, chủ động và sáng tạo trong học tập.

3. Tham gia công tác phương pháp và các hoạt động của tổ chuyên môn, của ban nghề, thực hiện đầy đủ các yêu cầu của nghiệp vụ sư phạm nhà trường.

Giáo viên lý thuyết (chuyên môn và kỹ thuật cơ sở) phải tốt nghiệp các trường cao đắng sư phạm kỹ thuật, các trường cao đẳng hay đại học kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật có khả năng giảng dạy và được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Giáo viên văn hoá phải tốt nghiệp các trường cao đẳng hay đại học sư phạm.

Điều 35.- Nhiệm vụ cụ thế của giáo viên giáo dục:

1. Tổ chức công tác giáo dục học sinh ngoài giờ học, rèn luyện cho học sinh về phẩm chất đạo đức cách mạng, nếp sống có văn hoá; tổ chức các hoạt động văn hoá quần chúng trong học sinh; giúp học sinh tổ chức việc tự học; sịnh hoạt và nghỉ ngơi; cùng với y tế thực hiện các biện pháp phòng bệnh giữ gìn sức khoẻ và phát triển thể lực cho học sinh.

2. Liên hệ mật thiết với giáo viên chủ nhiệm và gia đình học sinh tiến hành công tác giáo dục.

Giáo viên giáo dục phải tốt nghiệp ở các trường trung học hoặc cao đẳng sư phạm, có khả năng công tác quần chúng.

Điều 36.- Nhiệm vụ cụ thể của giáo viên chính trị:

1. Trang bị cho học sinh những hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, chủ nghĩa cộng sản, giáo dục học sinh có những nhận thức đúng dắn về chủ trương đường lối của Đảng, về vị trí và vai trò của giai cấp công nhân, về chế độ làm chủ tập thể và con người mới xã hội chủ nghĩa.

2. Giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội trong cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghiã, tinh thần quốc tế vô sản, nâng cao cảnh giác cách mạng chống chiến tranh phá hoại của bọn bành trướng cấu kết với đế quốc Mỹ.

Giáo viên chính trị phải tốt nghiệp ở các trường trung cấp hoặc cao cấp lý luận của Đảng và phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm.

Điều 37.- Nhiệm vụ cụ thể của giáo viên quân sự:

1. Giáo dục và huấn luyện cho học sinh những kiến thức và khả năng quân sự phổ thông.

2. Giáo dục ý thức quốc phòng, nghĩa vụ quân sự cho học sinh.

3. Giáo dục ý thức và trách nhiệm bảo vệ vũ khí, khí tài và các phương tiện vật chất kỹ thuật dùng cho huấn luyện quân sự.

Giáo viên quân sự là những cán bộ quân đội biệt phái hoặc chuyển ngành theo quy định của Tổng cục dạy nghề và Bộ Quốc phòng, được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm.

Điều 38.- Nhiệm vụ cụ thể của giáo viên thể dục thể thao:

1. Hoàn thành việc giảng dạy môn thể dục thể thao theo chương trình.

2. Tổ chức rèn luyện thể lực cho học sinh theo yêu cầu nghề nghiệp.

3. Tổ chức thể thao quần chúng.

Giáo viên thể dục thể thao phải tốt nghiệp các trường trung học hoặc cao đẳng thể dục thể thao và được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm.

Chương 7

CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ CÁN BỘ LÃNH ĐẠO TRƯỜNG DẠY NGHỀ NHÀ NƯỚC

Điều 39.- Hiệu trưởng:

Hiệu trưởng là người lãnh đạo, chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của nhà trường trên cơ sở luật pháp, thể lệ, chế độ và quy định của Nhà nước và Tổng cục Dạy nghề.

Hiệu trưởng phải là người tốt nghiệp trường đại học, cao đẳng, có nghề chuyên môn phù hợp với ngành nghề đào tạo tại trường, đã làm công tác dạy nghề từ 5 năm trở lên, có đủ năng lực và phẩm chất để quản lý trường dạy nghề Nhà nước.

Hiệu trưởng do cơ quan trực tiếp quản lý trường đề nghị thủ trưởng các Bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương ra quyết định, sau khi thoả thuận với Tổng cục Dạy nghề. Nhiệm kỳ của hiệu trưởng là năm năm. Hiệu trưởng có thể được bổ nhiệm nhiều nhiệm kỳ.

Điều 40.- Hiệu trưởng có nhiệm vụ:

1. Chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch đào tạo, kế hoạch tuyển sinh và phân phối học sinh, kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, cán bộ, công nhân viên, kế hoạch sản xuất kinh doanh kết hợp với học tập và các hoạt động kinh tế khác.

2. Tổ chức mọi công việc của nhà trường, phân công cán bộ, công nhân viên, giáo viên trong nhà trường để tiến hành việc giáo dục, giảng dạy, sản xuất và tổ chức đời sống có hiệu quả cao nhất. Kiểm tra công việc của cán bộ, giáo viên, công nhân viên, kiểm tra kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.

3. Chịu trách nhiệm về toàn bộ trang thiết bị và tài sản khác của nhà trường.

4. Báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình hoạt động của nhà trường lên cơ quan trực tiếp quản lý trường, ban giáo dục chuyên nghiệp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (nơi trường đóng) và Tổng cục Dạy nghề.

5. Thực hiện đầy đủ những quy định quyền làm chủ tập thể, phát huy tính tích cực sáng tạo của mọi thành viên, xây dựng nhà trường thành một tập thể vững mạnh, đoàn kết, nhất trí, tổ chức tốt phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa và các hoạt động tập thể, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy.

6. Chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên, giáo viên và học sinh trong toàn trưòng.

Điều 41.- Hiệu trưởng có quyền hạn:

1. Chủ tài khoản của trường.

2. Quyết định các chủ trương, biện pháp, tổ chức các hoạt động, công bố các mệnh lệnh, tiến hành khen thưởng, kỷ luật, tuyển dụng, cho thôi việc giáo viên, cán bộ công nhân viên theo phân cấp quản lý của Nhà nước.

3. Cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh, khen thưởng, kỷ luật học sinh kể cả cho thôi học.

4. Thay mặt nhà trường ký hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng lao động sản xuất kinh doanh với các xí nghiệp cơ sở và các cơ quan có liên quan.

5. Triệu tập và chủ trù hội đồng sư phạm và các cuộc họp chung của nhà trường.

6. Quyết định thành lập hội đồng sư phạm, bổ nhiệm các thành viên của hội đồng, giáo viên chủ nhiệm, tổ trưởng tổ bộ môn, và lớp trưởng học sinh.

7. Quyết định đình chỉ hoạt động của bất kỳ bộ phận, cá nhân nào trong nhà trường làm trái với pháp luật, chính sách Nhà nước và các quy định của nhà trường theo phân cấp quản lý cán bộ.

8. Hiệu trưởng còn có thể được giao thêm nhiệm vụ và quyền hạn khác để giải quyết một số công việc cấp bách theo yêu cầu của cơ quan cấp trên hay của địa phương nơi trường đóng.

Điều 42.- Hiệu phó là người giúp hiệu trưởng tổ chức thực hiện từng mặt công tác cụ thể. Phó hiệu trưởng do hiệu trưởng đề nghị thủ trưởng các bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương quyết định.

Tuỳ theo quy mô, đặc điểm nghề đào tạo và nhiệm vụ cụ thể của từng trường, mỗi trường có từ một đến ba phó hiệu trưởng.

1. Phó hiệu trưởng đào tạo là người trực tiếp tổ chức công tác giảng dạy lý thuyết, dạy thực hành thay hiệu trưởng khi hiệu trưởng vắng mặt.

Phó hiệu trưởng đào tạo chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng các công tác:

a) Tổ chức quá trình đào tạo theo kế hoạch giảng dạy và chương trình môn học đã quy định, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động của giáo viên lý thuyết, giáo viên thực hành, bảo đảm chất lượng về kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo cho học sinh.

b) Bảo đảm học tập kết hợp với sản xuất theo ngành nghề đúng với kế hoạch giảng dạy của khoá học; tổ chức và hướng dẫn công tác sản xuất kinh doanh phục vụ cho học tập.

c) Theo dõi, kiểm tra việc đánh giá kết quả học tập của học sinh, tổng kết, đúc rút và phổ biến king nghiệm về nội dung phương pháp giảng dạy, học tập tiên tiến, tổ chức công tác bồi dưỡng giáo viên.

Phó hiệu trưởng đào tạo được chọn từ những người làm công tác giảng dạy nghề từ 5 năm trở lên, tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học kỹ thuật nghiệp vụ, có chuyên môn phù hợp với ngành nghề đào tạo tại trường.

2. Phó hiệu trưởng giáo dục chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng các công tác:

a) Kiểm tra chất lượng giảng dạy các môn chính trị, quân sự, thể dục thể thao.

b) Hướng dẫn giáo viên giáo dục nội dung và phương pháp giáo dục học sinh.

c) Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ trong trường.

d) Tổ chức phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa trong trường.

e) Cùng với Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và công đoàn tổ chức các hoạt động ngoại khoá, nghỉ ngơi, giải trí cho học sinh, cán bộ công nhân viên và giáo viên.

Phó hiệu trưởng giáo dục được chọn từ những người tôt nghiệp trung học sư phạm trở lên, thâm niên công tác từ 3 năm và đã học tập trung hoặc tại chức trường Đảng lý luận trung cao cấp.

3. Phó hiệu trưởng hành chính - quản trị chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng các công tác:

a) Tổ chức việc ăn, ở cho cán bộ, công nhân viên, giáo viên và học sinh.

b) Thực hiện chế độ, chính sách cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men, hàng tiêu dùng... cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh.

c) Thực hiện các chế độ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh.

d) Tổ chức công tác bảo vệ, trật tự trị an.

e) Tổ chức công tác hành chính, văn thư, lưu trữ.

g) Tổ chức công tác sửa chữa nhà cửa, kiến thiết cơ bản. Tăng gia sản xuất cải thiện đời sống.

Phó hiệu trưởng hành chính - quản trị được chọn từ những người tốt nghiệp các trường trung cấp kinh tế - kế hoạch hoặc kinh tế tài chính trở lên, có kinh nghiệm và khả năng làm công tác tổ chức đời sống, hành chính và quản trị.

Điều 43.- Các phòng chức năng chịu trách nhiệm giúp hiệu trưởng một số công tác của nhà trường, tuỳ theo quy mô, nghề đào tạo và đặc điểm cuả từng trường thành lập các phòng sau đây:

1. Phòng giáo vụ giúp phó hiệu trưởng đào tạo xây dựng, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch giáo dục, giảng dạy chung cho toàn trường theo khoá học, học kỳ của từng lớp học. Cân đối, tiến bộ học tập, giáo dục, lao động sản xuất trong học kỳ, trong tháng, trong tuần. Theo dõi thồng kê, lưu trữ kết quả giáo dục, giảng dạy, làm thủ tục cấp bằng tốt nghiệp và giấy chứng nhận cho học sinh. Lập thời khoá biểu và làm báo cáo định kỳ về học tập, giảng dạy, sản xuất của toàn trường. Giúp phó hiệu trưởng đào tạo theo dõi hoạt động các tổ môn giáo viên lý thuyết kỹ thuật cơ sở và giáo viên văn hoá.

2. Phòng nhân sự cán bộ và học sinh giúp hiệu trưởng theo dõi công tác tổ chức và chế độ đối với giáo viên, cán bộ công nhân viên và học sinh. Lưu trữ hồ sơ theo phân cấp quản lý, xây dựng kế hoạch công tác giáo dục hướng nghiệp, tổ chức công tác tuyển sinh và làm thủ tục phân phối học sinh tốt nghiệp, thủ tục khen thưởng, kỷ luật, đề bạt cán bộ, công nhân viên chức giáo viên và học sinh.

3. Phòng hành chính - quản trị giúp phó hiệu trưởng hành chính quản lý tổ chức và quản lý công tác văn thư, lưu trữ, bảo quản tu sửa nhà cửa, lớp học, hội trường, mua sắm văn phòng phẩm, dụng cụ dùng cho sinh hoạt tập thể, phụ trách công tác y tế và vệ sinh, công tác trật tự trị an và các công tác dịch vụ khác.

4. Phòng đời sống giúp phó hiệu trưởng hành chính - quản trị tổ chức và quản lý công tác ăn ở, công tác tăng gia sản xuất tự túc cho cán bộ công nhân viên, giáo viên và học sinh khu vực tập thể và khu vực gia đình.

5. Phòng tài vụ (kế toán trưởng ) giúp hiệu trưởng lập kế hoạch tài vụ , tổ chức và thực hiện việc thu chi quỹ sự nghiệp và quỹ sản xuất của trường theo đúng các thể lệ, chế độ tài chính hiện hành của Nhà nước, lập dự trù và làm quyết toán toàn quý, năm.

6. Phòng kế hoạch kỹ thuật, vật tư và sản xuất giúp phó hiệu trưởng đào tạo thực hiện các nhiệm vụ:

a) Tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất kết hợp với kế hoạch học tập của các tổ môn và các ban nghề.

b) Cung ứng máy móc vật tư , thiết bị, dụng cụ, đồ nghề, nguyên vật liệu, năng lượng... phục vụ giáo dục giảng dạy, học tập, thực tập và sản xuất của các ban nghề và các tổ môn.

c) Lắp đặt, tu sửa, bảo quản thiết bị dụng cụ, máy móc, điện nước cho các phòng thí nghiệm, phòng học chuyên môn, xưởng, trạm, trại, cửa hàng...

d) Làm kế hoạch và trực tiếp huy động sử dụng lực lượng lao động toàn trường phục vụ cho yêu cầu sản xuất, xây dựng trường sở và các công trình công cộng của địa phương.

g) Tổ chức việc ký kết và theo dõi việc thực hiện hợp đồng sản xuất ký kết giữa trường với xí nghiệp cơ sở, giữa trường với các cơ quan có liên quan.

7. Phòng giáo dục giúp phó hiệu trưởng giáo dục theo dõi công tác giáo dục đạo đức, công tác học tập học tập chính trị chính khoá, công tác rèn luyện thân thể, công tác quân sự, công tác văn hoá, quần chúng và các hoạt động ngoại khoá khác cho học sinh. Giúp phó hiệu trưởng giáo dục theo dõi hoạt động các tổ môn giáo viên chính trị, giáo viên giáo dục, giáo viên quân sự, giáo viên thể dục thể thao. Phụ trách công tác báo chí, thư viện và phòng truyền thống của trường.

Mỗi phòng có một trưởng phòng và có từ một đến hai phó phòng. Các trưởng phòng và phó trưởng phòng do hiệu trưởng đề nghị và cơ quan trực tiếp quản lý trường ra quyết định. Trưởng phòng, phó trưởng phòng chọn trong số cán bộ giáo viên có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành nhiệm vụ.

Biên chế của phòng theo văn bản hướng dẫn của Tổng cục Dạy nghề.

Điều 44.- Các giáo viên lý thuyết kỹ thuật cơ sở, giáo viên quân sự, giáo viên thể dục thể thao, giáo viên giáo dục tổ chức thành tổ môn trên cơ sở những người cùng giảng dạy một môn học. Mỗi tổ môn phải có ít nhất là ba người, trường hợp số giáo viên của môn học không đủ số thì có thể ghép với giáo viên môn học khác có nôị dung và phương pháp giảng dạy gần nhau.

Trưởng tổ môn giúp hiệu trưởng quản lý giáo viên và các hoạt động giảng dạy, giáo dục của tổ đúng kế hoạch và tiến độ quy định của nhà trường. Trưởng bộ môn do hiệu trưởng bổ nhiệm theo đề nghị của phòng tổ chức cán bộ và học sinh.

Tổ môn có nhiệm vụ:

1. Thông qua tập thể đề cương giảng dạy và phương pháp môn học, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch giảng dạy, giáo dục, nghiên cứu và sản xuất của giáo viên đã được giao, xem xét việc đánh giá kết quả và nhận định tình hình học tập, rèn luyện của học sinh, chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, giảng dạy môn học mà tổ môn phụ trách.

2. Tổ chức việc dự giờ giảng, phân tích, trao đổi rút kinh nghiệm bồi dưỡng thực tế và nghiệp vụ sư phạm nâng cao trình độ giảng dạy môn học.

3. Sử dụng, bảo quản tu sửa tự trang tự chế đồ dùng và phương tiện kỹ thuật dạy học nhằm hoàn thiện phương pháp giảng dạy môn học, tổ chức xây dựng và bảo quản phòng học chuyên môn.

4. Tổ chức phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, nhận xét đề nghị khen thưởng, kỷ luật đối với tổ viên trong học kỳ và năm học.

Điều 45.- Giáo viên thực hành, giáo viên lý thuyết chuyên môn của nghề đào tạo được tổ chức thành ban nghề. Mỗi ban nghề có ít nhất là 5 người, nếu không đủ số thì ghép với ban nghề khác có chuyên môn gần nhau.

Nhiệm vụ của ban nghề giống nhiệm vụ của tổ môn (điều 44), ngoài ra còn có nhiệm vụ:

a) Tổ chức và quản lý việc học tập và rèn luyện cho học sinh theo nghề, tổ chức và chỉ đạo phong trào thi đua trong học sinh, tổng hợp kết quả, đúc rút kinh nghiệm và hướng dẫn phương pháp thực tập tiên tiến cho học sinh, giúp đỡ giáo viên chủ nhiệm hoàn thành nhiệm vụ.

b) Bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch các bài tập thực hành kết hợp với sản xuất đồng thời bảo đảm hoàn thành kế hoạch sản xuất theo hợp đồng có chất lượng.

c) Hướng dẫn sử dụng, bảo quản, tu sửa trang thiết bị dụng cụ đồ dùng, và các cơ sở vật chất kỹ thuật khác phục vụ cho thực tập sản xuất. Bảo đảm các điều kiện an toàn kỹ thuật và an toàn lao động.

d) Chịu trách nhiệm về thực hiện kế hoạch kỹ thật, vật tư, thiết bị, số lượng và chất lượng sản phẩm cho thực tập và sản xuất.

e) Quản lý đội ngũ giáo viên kỹ sư, kỹ thuật, công nhân giúp việc thực hiện tốt nhiệm vụ thực tập và sản xuất được giao.

g) Bảo đảm cơ sở vật chất cho học sinh tiến hành thực tập kết hợp với sản xuất có hiệu quả cao. Theo dõi và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện tay nghề của từng học sinh, có kế hoạch bồi dưỡng kịp thời cho từng người.

Điều 46.- Mỗi ban nghề có một trưởng ban và một phó ban điều khiển, trưởng ban nghề do hiệu trưởng đề nghị chọn trong số giáo viên tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học có chuyên môn phù hợp với nghề đào tạo, và cơ quan trực tiếp quản lý trường quyết định.

Điều 47.- Giáo viên chủ nhiệm:

Mỗi lớp học có một giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm do hiệu trưởng chỉ định chọn trong số giáo viên thực hành của lớp có kinh nghiệm tổ chức và quản lý công tác học tập, sinh hoạt của học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm giúp hiệu trưởng chỉ đạo, quản lý việc học tập, rèn luyện của lớp. Giáo viên chủ nhiệm có các nhiệm vụ:

1. Nắm vững học sinh trong lớp về mọi mặt để có biện pháp cùng các giáo viên và các đoàn thể tổ chức việc học tập, rèn luyện cho học sinh, thúc đẩy tiến bộ chung của cả lớp. Xây dựng lớp thành một tập thể xã hội chủ nghĩa vững mạnh, ý thức làm chủ, tính tự giác của học sinh trong các hoạt động, giúp đỡ và tạo điều kiện cho lớp hoàn thành nhiệm vụ.

2. Báo cáo định kỳ và đột xuất với hiệu trưởng tình hình chung về học tập, rèn luyện và các mặt hoạt động khác của lớp.

3. Nhận xét đánh giá phân loại tư cách đạo đức học sinh, thống kê tổng hợp kết quả học tập, rèn luyện của mỗi học sinh, tổ chức công tác thi đua của lớp.

Giáo viên chủ nhiệm được tham dự các cuộc họp của Hội đồng sư phạm khi bàn những vấn đề có liên quan đến lớp, được hưởng chế độ thù lao và các quyền lợi khác do Tổng cục Dạy nghề quyết định.

Điêu 48.- Hội đồng sư phạm do hiệu trưởng quyết định thành lập và có nhiệm vụ:

1. Thảo luận và thông qua các hoạt động chung của trường trong năm học bao gồm kế hoạch giáo dục, giảng dạy các khoá học, kế hoạch sản xuất kết hợp với học tập và thực tập... Công tác tuyển sinh, phân phối học sinh tốt nghiệp, bồi dưỡng cán bộ giáo viên, khen thưởng, kỷ luật cán bộ giáo viên, công nhân viên và học sinh.

2. Tổng kết đúc rút và phổ biến kinh nghiệm về phương pháp giáo dục, giảng dạy tiên tiến, tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên đề, nghiệp vụ cho giáo viên...

Hội đồng sư phạm gồm hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, các trưởng phòng, toàn thể giáo viên, đại diện tổ chức Đảng và các đoàn thể trong trường.Hội đồng sư phạm mỗi năm họp hai lần vào cuối học kỳ một và cuối năm học. Khi cần thiết Chủ tịch Hội đồng sư phạm có thể triệu tập họp bất thường.

Hiệu trưởng là Chủ tịch Hội đồng sư phạm và trưởng phòng giáo vụ là uỷ viên thường trực kiêm thư ký của Hội đồng.

Chức năng, nhiệm vụ và phương pháp làm việc của Hội đồng sư phạm theo hướng dẫn của Tổng cục Dạy nghề.

Chương 8

TỔ CHỨC XÃ HỘI VÀ ĐOÀN THỂ

Điều 49.- Tổ chức Đảng cộng sản Việt Nam trong trường dạy nghề có nhiệm vụ lãnh đạo các tổ chức trong trường thực hiện đường lối giáo dục của Đảng, thi hành các chỉ thị, nghị quyết của các cấp bộ Đảng và các cơ quan Nhà nước nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của trường và xây dựng trường thành một đoàn thể đoàn kết nhất trí vững mạnh.

Điều 50.- Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Công đoàn có nhiệm vụ giáo dục, động viên cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, rèn luyện, học tập, sản xuất, tổ chức đời sống và xây dựng trường sở vững mạnh.

Điều 51.- Để bảo đảm kết hợp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh, hiệu trưởng có thể tổ chức hội nghị cha mẹ học sinh để thông báo kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, động viên cha mẹ học sinh tham gia quản lý giáo dục học sinh ngoài giờ, tham gia xây dựng trường sở, vv...

Chương 9

TÀI SẢN VÀ NGÂN SÁCH CỦA TRƯỜNG DẠY NGHỀ NHÀ NƯỚC

Điều 52.- Nhà xưởng, trạm trại, ruộng vườn, súc vật, trang thiết bị dụng cụ, vật tư phục vụ công tác giáo dục, giảng dạy, sản xuất là tài sản của Nhà nước. Toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh có nhiệm vụ tôn trọng, bảo vệ, sử dụng theo đúng chế độ quy định. Những người vi phạm các quy định bảo vệ tài sản trong trường đều phải xử lý theo pháp luật.

Điều 53.- Ngân sách nhà trường gồm:

1. Kinh phí sự nghiệp do Nhà nước cấp.

2. Kinh phí do xí nghiệp cơ sở và các cơ quan có liên quan đóng góp.

3. Kinh phí do nhà trường tự có (học tập kết hợp với sản xuất).

4. Kinh phí do cha mẹ học sinh đóng góp.

Việc lập kế hoạch thu chi và quyết toán ngân sách hàng năm của nhà trường theo quy định chung của Nhà nước.

Chương 10

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 328-DN/DT năm 1984 về Quy chế trường dạy nghề Nhà nước do Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề ban hành

  • Số hiệu: 328-DN/DT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/11/1984
  • Nơi ban hành: Tổng cục Dạy nghề
  • Người ký: Hồng Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 19/11/1984
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản