Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 3237/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BAN BỒI THƯỜNG, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG CẤP QUẬN, HUYỆN VÀ THỊ XÃ TRỰC THUỘC THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định bổ sung về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai;
Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND ngày 29/9/2008 của UBND Thành phố ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Kiện toàn tổ chức Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng cấp quận, huyện và thị xã trực thuộc thành phố Hà Nội, cụ thể:

Vị trí

Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng cấp quận, huyện và thị xã là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định.

Chức năng

Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng cấp quận, huyện và thị xã có chức năng giúp UBND các quận, huyện và thị xã trong công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho tất cả các dự án đầu tư xây dựng tại địa phương; tham gia làm thường trực của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do UBND quận, huyện và thị xã thành lập.

Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng cấp quận, huyện và thị xã chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp toàn diện của Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện và thị xã, đồng thời chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ của các sở, ngành Thành phố đối với các hoạt động liên quan.

Điều 2. Nhiệm vụ

- Tổng hợp, xây dựng kế hoạch triển khai công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn;

- Chủ trì phối hợp với các tổ chức và cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để trình UBND cấp quận, huyện và thị xã phê duyệt phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

- Kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ, các điều kiện cần thiết cho tổ chức công tác giải phóng mặt bằng để trình UBND cấp quận, huyện và thị xã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

- Lập, trình UBND quận, huyện và thị xã phê duyệt kế hoạch, tiến độ giải phóng mặt bằng chi tiết và triển khai, hướng dẫn cụ thể thực hiện kế hoạch, tiến độ giải phóng mặt bằng chi tiết đã được UBND cấp quận, huyện và thị xã phê duyệt đến UBND cấp xã, tổ chức và cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và các tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất;

- Chỉ đạo, hướng dẫn tổ công tác phối hợp với đại diện của tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất và chính quyền địa phương nơi có đất thu hồi;

- Căn cứ tình hình thực tế, chủ trì phối hợp với tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đề xuất biện pháp giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư báo cáo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

- Chủ trì phối hợp với tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để báo cáo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; phối hợp với UBND cấp xã và tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất triển khai thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được UBND cấp quận, huyện và thị xã phê duyệt và tổ chức bàn giao mặt bằng;

- Chủ trì xây dựng quy chế bắt thăm bố trí tái định cư báo cáo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thẩm định; chủ trì tổ chức thực hiện công khai quy chế bắt thăm bố trí tái định cư đã được UBND cấp quận, huyện và thị xã phê duyệt; tổng hợp kết quả bắt thăm bố trí tái định cư, trình UBND cấp quận, huyện và thị xã phê duyệt;

- Tiếp dân để giải quyết các vướng mắc trong tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giải phóng mặt bằng;

- Lưu trữ, quản lý hồ sơ, tài liệu, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

- Tổng hợp, gửi báo cáo định kỳ công tác giải phóng mặt bằng hàng tháng, quý, 6 tháng và hàng năm trên địa bàn cho Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng Thành phố;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác của UBND cấp quận, huyện và thị xã giao.

Điều 3. Tổ chức bộ máy và biên chế

3.1. Tổ chức bộ máy:

- Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng có Trưởng ban và từ 01 đến 02 Phó trưởng ban.

Trưởng ban và Phó Trưởng ban do Chủ tịch UBND cấp quận, huyện và thị xã bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố.

3.2. Biên chế: Trước mắt tạm giao biên chế từ 6 đến 8 người, có một trong các chuyên môn về luật, quy hoạch, xây dựng, tài chính - kế toán, quản lý đất đai … Số lượng biên chế cụ thể của từng Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng do UBND Thành phố quyết định. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ, Ban được hợp đồng lao động, hợp đồng thuê, khoán công việc để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao theo quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố.

Điều 4. Chế độ tài chính

Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện chế độ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố trong 3 năm đầu hoạt động. Sau 3 năm, UBND Thành phố sẽ đánh giá, tổng kết đánh giá tình hình hoạt động thực tế tại các địa bàn cụ thể để quyết định việc tự đảm bảo toàn bộ hoặc một phần chi phí hoạt động cho các Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Điều 5. Giao nhiệm vụ

1. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các quận, huyện và thị xã tổ chức triển khai quyết định này; đồng thời có trách nhiệm theo dõi, kiến nghị giải quyết những vướng mắc (nếu có), báo cáo UBND Thành phố giải quyết.

2. Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố hướng dẫn Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng cấp quận, huyện và thị xã thực hiện chính sách, quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của Nhà nước và Thành phố.

3. Chủ tịch UBND quận, huyện và thị xã chỉ đạo Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với các phòng chuyên môn của quận, huyện và thị xã xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Ban, trình UBND quận, huyện và thị xã phê chuẩn.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở, ban, ngành Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Thường trực Thành ủy Hà Nội;
- Thường trực Hội đồng nhân dân TP;
- Các Bộ: Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường (để báo cáo);
- Các đ/c Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- PVP Phạm Chí Công, TH, NC, TNc, TNth;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phí Thái Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3237/QĐ-UBND năm 2009 về kiện toàn tổ chức Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng cấp quận, huyện và thị xã trực thuộc thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 3237/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/06/2009
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Phí Thái Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản