Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3222/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 03 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG TỶ LỆ 1/10.000 VÙNG THAN HÒN GAI ĐẾN NĂM 2020, CÓ XÉT TRIỂN VỌNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/06/2014; Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/04/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ “V/v phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ “V/v phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 1588/QĐ-UBND ngày 28/7/2014 của UBND tỉnh “V/v phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050”; Quyết định số 1798/QĐ-UBND ngày 18/8/2014 của UBND tỉnh “V/v phê duyệt Quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 1799/QĐ-UBND ngày 18/8/2014 của UBND tỉnh “V/v phê duyệt Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định s1188/QĐ-UBND ngày 5/5/2015 của UBND tỉnh “V/v phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 2725/QĐ-UBND ngày 09/10/2013 của UBND tỉnh “V/v phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn ngoài năm 2050”;

Căn cứ Quyết định số 4339/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh “V/v phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”; Quyết định số 1268/QĐ-UBND ngày 12/5/2015 của UBND tỉnh “V/v sắp xếp cảng, bến thủy nội địa tiêu thụ than và tuyến đường vận chuyển than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2020”;

Căn cứ các Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc lập Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 vùng than Hòn Gai đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030: Văn bản số 5354/UBND-QH2 ngày 09/9/2015, Thông báo số 201/TB-UBND ngày 19/8/2015, Văn bản số 4660/UBND-QH2 ngày 07/8/2015, Văn bản số 7355/UBND-QH2 ngày 30/11/2015...

Xét đề nghị của Sở Xây dựng và liên ngành tại Tờ trình số 383/SXD-QH ngày 26/9/2016.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 vùng than Hòn Gai đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 với những nội dung chính như sau:

1. Tên đồ án: Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 Vùng than Hòn Gai đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.

2. Phạm vi, diện tích nghiên cứu và thời hạn quy hoạch:

2.1. Phạm vi, diện tích nghiên cứu: Được xác định theo ranh giới khai thác, quản lý bảo vệ tài nguyên các vùng than (Ranh giới khép góc của các dự án) và diện tích các khu đất ngoài ranh giới khép góc để đổ thải, xây dựng các công trình phụ trợ sản xuất, bảo vệ môi trường; trong đó:

- Phạm vi nghiên cứu trực tiếp:

+ Các khu vực sử dụng đất nằm trong ranh giới khai thác, quản lý bảo vệ tài nguyên của các vùng than (Ranh giới khép góc của các dự án), ranh giới xây dựng các công trình phụ trợ sản xuất, bảo vệ môi trường bao gồm cả các khu vực bề mặt bị ảnh hưởng sụt lún do khai thác, các khu vực đệm cây xanh cách ly, các khu bảo vệ rừng đầu nguồn, nguồn nước, di tích...

+ Các khu vực quy hoạch để đổ thải, xây dựng bến cảng, mặt bằng sân công nghiệp, kho than, hệ thống vận tải...nằm ngoài phạm vi ranh giới khép góc các dự án mỏ.

- Phạm vi nghiên cứu gián tiếp: Khu vực quản lý, bảo vệ tài nguyên theo QH403 chưa lập dự án hoặc quy hoạch; khu vực thực hiện đề án thăm dò theo QH403; khu vực khai thác hầm lò không gây ảnh hưởng đến bề mặt địa hình (không phải thực hiện di dân hoặc để lại các trụ bảo vệ...).

2.2. Diện tích nghiên cứu: Tổng diện tích nghiên cứu khoảng 13.535 ha (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam khoảng 12.990 ha; Tổng Công ty Đông Bắc khoảng 545ha); trong đó:

- Diện tích khu vực nghiên cứu trực tiếp khoảng 4.528 ha (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam khoảng 12.990 ha; Tổng Công ty Đông Bắc khoảng 545 ha);

- Diện tích khu vực nghiên cứu gián tiếp khoảng 9.007 ha.

(Phạm vi nghiên cứu không bao gồm diện tích các khu vực đã được quy hoạch trong các quy hoạch chung của địa phương như: Các khu đô thị, các công trình phúc lợi xã hội, trụ sở, văn phòng...Diện tích, ranh giới cụ thể sẽ được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc phối hợp với UBND các địa phương để thống nhất xác định cụ thể trong quá trình lập đồ án quy hoạch).

2.3. Thời hạn quy hoạch: Quy hoạch ngắn hạn đến năm 2020, dài hạn đến năm 2030.

3. Mục tiêu và nhiệm vụ quy hoạch:

3.1. Mục tiêu:

- Quy hoạch chung xây dựng vùng than Hòn Gai đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 để đáp ứng nhu cầu than trong nước, đáp ứng nhu cầu cấp bách về công tác quản lý hoạt động khai thác, đổ thải, phát triển hạ tầng của các đơn vị khai thác than trên địa bàn thành phố Hạ Long phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 (Sau đây gọi tắt là QH403) và các quy hoạch, chiến lược trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

- Làm cơ sở pháp lý để quản lý đất đai, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý hoạt động khai thác đổ thải; quản lý xây dựng theo quy hoạch và là cơ sở cho việc lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng.

3.2. Nhiệm vụ:

- Phân tích đánh giá điều kiện địa hình, địa chất thủy văn và dân cư trong khu vực và lân cận.

- Đánh giá tình hình triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án trong khu vực theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016, các giấy phép khai thác khoáng sản, các báo cáo đánh giá tác động môi trường và các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

- Dự báo quy mô lao động, quy mô đất đai các mỏ, sản lượng khai thác, khối lượng đổ thải toàn vùng, các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật theo từng giai đoạn... trên cơ sở quy hoạch xây dựng, quy hoạch kinh tế - xã hội, địa phương và quy hoạch ngành than.

- Đề xuất các giải pháp tổ chức định hướng phát triển không gian khai thác, đổ thải, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với quy hoạch chung của thành phố.

- Định hướng quy hoạch sử dụng đất, xác định phạm vi, quy mô, các chỉ tiêu sử dụng đất trong khu chức năng (các khai trường khai thác lộ thiên, khai thác hầm lò, bãi thải, mặt bằng sân công nghiệp, kho bãi, sàng tuyển...) các công trình hạ tầng kỹ thuật theo từng giai đoạn trên cơ sở quy hoạch xây dựng, quy hoạch kinh tế xã hội địa phương và quy hoạch ngành than.

- Xác định ranh giới các khu vực bảo vệ rừng đầu nguồn, nguồn nước di tích... ranh giới các khu vực vành đai cây xanh cách ly giữa khu vực khai thác và đô thị; nguyên tắc xác định khoảng cách ly an toàn, cách ly vệ sinh môi trường từ các khu vực khai thác, bãi thải...đến các khu dân dụng.

- Quy hoạch các khu vực đổ thải tập trung, nghiên cứu tận dụng tối đa các khu vực đã khai thác để đổ thải trong, giảm cao độ và khối lượng các bãi thải ngoài, lộ trình hoàn nguyên môi trường.

4. Dự báo phát triển vùng than:

4.1. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật dự kiến áp dụng:

- Quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về Quy hoạch xây dựng (QCXDVN 01: 2008/BXD); Các tiêu chuẩn về khai thác hầm lò, lộ thiên, vận tải...; Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016; Số liệu tổng hợp từ các dự án đầu tư ngành than đã triển khai. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của đồ án được xác định theo tiêu chí khu vực chức năng đặc thù dự kiến như sau:

- Khai thác hầm lò: Sản lượng khai thác và tuổi thọ mỏ xác định theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016.

- Khai lộ thiên: Xác định độ sâu khai thác, tuổi thọ mỏ xác định theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016. Hệ số bóc trung bình các mỏ khu vực Hòn Gai trong khoảng 14,0 ÷ 15,5 m3/tấn than nguyên khai.

- Công tác đổ thải: Xác định các chỉ tiêu chính để tính toán khối lượng đổ thải, từ khối lượng đổ thải, khu vực địa hình hiện trạng xác định các chỉ tiêu chính của bãi thải như: Cao độ, độ dốc sườn tầng, chiều cao tầng... Các chỉ tiêu xác định khối lượng đổ thải dự kiến:

+ Đất đá đào lò: 0,095 ÷ 0,16m3/tấn than nguyên khai.

+ Đất đá thải khai thác lộ thiên (hệ số bóc): 14 ÷ 15,5 m3/tấn than nguyên khai.

+ Đất đá thải từ quá trình sàng tuyển, chế biến: Chiếm khoảng 12% theo sản lượng than nguyên khai.

- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cung cấp điện, nước..): Xác định các chỉ tiêu chính về nhu cầu đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho công tác khai thác, chế biến, tiêu thụ than; dự kiến:

+ Chỉ tiêu tiêu thụ điện năng: Khoảng 20 ÷ 25kWh/tấn than nguyên khai.

+ Chỉ tiêu sử dụng nước phục vụ cho sản xuất: Khoảng 95 lít/người/ngày.

4.2. Dự báo phát triển vùng theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016:

a) Sản lượng khai thác vùng than Hòn Gai: Được xác định từ các dự án của các mỏ theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016:

Stt

Danh mục

Sản lượng khai thác/năm (1000 tấn)

2016

2020

2025

2030

I

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

8 880

10 800

11 550

9 300

-

Lộ thiên

4 555

4 450

3 300

 

-

Hầm lò

4 325

6 350

8 250

9 300

II

Tổng công ty Đông Bắc

500

500

 

 

-

Lộ thiên

500

500

 

 

III

Tổng cộng (I+II)

9 380

11 300

11 550

9 300

-

Lộ thiên

5055

4950

 

 

-

Hầm lò

4325

6 350

8 250

9 300

b) Dự báo đổ thải toàn vùng: Khối lượng đất đá do hoạt động khai thác lộ thiên, khối lượng đất đá đảo lò, khối lượng bã sàng nhà máy tuyển:

Stt

Danh mục

Khối lượng theo năm (1000 m3)

2016÷2020

2021÷2025

2026÷2030

I

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

363 849

280 348

9 296

1

Khối lượng đổ thải các dự án khai thác lộ thiên

354 585

269 756

 

2

Khối lượng đất đá đào lò

3 419

3 656

3 894

3

Khối lượng bã sàng nhà máy tuyển (tạm tính 12% KL than NK)

5 846

6 936

5 402

II

Tổng công ty Đông Bắc

48 260

6 830

 

1

Khối lượng đổ thải các dự án khai thác lộ thiên

47 960

6 770

 

2

Khối lượng đất đá đào lò

 

 

 

3

Khối lượng bã sàng nhà máy tuyển (Tạm tính 12% khối lượng than nguyên khai)

300

60

 

III

Tổng cộng toàn vùng (I+II)

412 109

287 178

9 296

IV

Tổng cộng (Giai đoạn 2016÷2030)

708 583

c) Dự báo phát triển hệ thống sàng tuyển, vận tải, tiêu thụ than:

- Về hệ thống sàng tuyển than: Duy trì nhà máy tuyển Nam Cầu Trắng công suất khoảng 2,5 triệu tấn/năm đến hết năm 2018. Quy hoạch khu vực sàng tuyển, kho than tập trung thay thế cho nhà máy tuyển Nam Cầu Trắng vào năm 2018.

- Về giao thông:

+ Đường bộ: Đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, trong giai đoạn tới cải tạo nâng cấp các trục đường hiện có.

+ Hệ thống băng tải than; Cảng xuất, nhập than: Đầu tư xây dựng theo danh mục các dự án trong QH403.

4.3. Dự báo quy mô lao động: Nhu cầu lao động được xác định trên cơ sở năng suất lao động sản xuất than thực hiện trong những năm qua, khả năng tăng năng suất lao động do áp dụng các tiến bộ khoa học.... Dự kiến đến năm 2020 khoảng 18.403 lao động; đến năm 2025 khoảng 21.812 lao động; đến năm 2030 khoảng 21.338 lao động.

5. Phân vùng và phát triển các khu chức năng: Các khu chức năng chính của vùng than Hòn Gai dự kiến như sau:

- Khu khai thác lộ thiên: Là khu vực khai trường của các mỏ khai thác lộ thiên, xây dựng Mặt bằng sân công nghiệp và các mặt bằng phụ trợ phục vụ khai thác, là khu vực đổ thải của các bãi thải trong của các mỏ.

- Khu vực bãi thải tập trung (bao gồm cả các công trình bảo vệ bãi thải): Là khu vực các bãi thải ngoài phục vụ đổ thải đất đá thải khai thác lộ thiên, hầm lò, đất đá sau sàng tuyển, khu vực xây dựng các công trình bảo vệ bãi thải chống trôi lấp đất đá thải để bảo vệ an toàn cho khu vực.

- Khu vực khai thác hầm lò: Là khu vực xây dựng Mặt bằng sân công nghiệp và các mặt bằng phụ trợ phục vụ khai thác; các khu vực chịu sự ảnh hưởng sụt lún; các khu vực cần bảo vệ để khai thác hầm lò

- Mặt bằng sân công nghiệp, các nhà máy sàng tuyển, các mặt bằng phụ trợ phục vụ sản xuất: Là khu vực xây dựng bến cảng, kho bãi, các nhà máy sàng tuyển than... vị trí nằm xen kẽ giữa các khu chức năng chính.

- Khu vực hạ tầng xã hội: Là các khu di tích; hành chính văn phòng; các khu thể thao văn hóa...

- Các công trình hạ tầng kỹ thuật: Giao thông, thoát nước, cung cấp điện, cung cấp nước....

- Khu vực đệm cây xanh cách ly, các khu bảo vệ rừng đầu nguồn, nguồn nước, di tích...: Là khu vực xây dựng vành đai cây xanh ngăn cách giữa các khu vực khai thác, đổ thải với thành phố, với các khu dân cư và các công trình công cộng khác; là các khu bảo vệ rừng đầu nguồn, nguồn nước, di tích...

6. Các yêu cầu nội dung nghiên cứu.

6.1. Yêu cầu chung: Thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 26 Luật Xây dựng; Điều 12 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ; Điều 14 Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng

6.2. Yêu cầu cụ thể:

a) Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng:

- Phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên về đặc điểm địa hình, địa chất công trình, địa chất thủy văn, tài nguyên trên cơ sở đó xác định các khu vực có điều kiện địa chất phức tạp, các khu vực thoát nước chính trong khu vực.

- Phân tích đánh giá hiện trạng hệ thống khai thác (lộ thiên, hầm lò); Đổ thải; hệ thống vận tải ngoài, các nhà máy sàng tuyển, cảng xuất than; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

- Đánh giá tình hình triển khai thực hiện các quy hoạch, các dự án đã có, đang còn hiệu lực; Xác định, làm rõ các định hướng trong quy hoạch ngành có liên quan.

- Rà soát, cập nhật các quy hoạch và dự án có liên quan.

- Đánh giá tổng hợp về hiện trạng: Từ đánh giá tổng hợp về hiện trạng đề xuất toàn diện các vấn đề cần giải quyết và các ưu điểm phải khai thác làm cơ sở cho phương án thiết kế quy hoạch.

(Trong giai đoạn lập quy hoạch sẽ tiếp tục cập nhật các quy hoạch, các dự án liên quan đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận trong phạm vi ranh giới nghiên cứu).

b) Định hướng tổ chức không gian:

- Mục tiêu phát triển không gian: Đưa ra các định hướng phát triển tổng thể vùng than Hòn Gai đảm bảo hài hòa giữa phát triển ngành than với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Nguyên tắc bố trí không gian: Phù hợp với cấu trúc không gian của thành phố Hạ Long, đồng bộ cảnh quan của các khu vực. Phát triển không gian vùng than hài hòa với khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Bố trí hiệu quả quỹ đất các khu khai thác, đổ thải, các mặt bằng, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình dịch vụ, không gian xanh, công trình bảo vệ môi trường, các khu bảo vệ rừng đầu nguồn, nguồn nước, di tích...đảm bảo hiệu quả sản xuất và đáp ứng linh hoạt nhu cầu phát triển quỹ đất trong tương lai. Hình thành mạng lưới giao thông, mạng lưới vận tải than một cách khả thi, tạo thành các trục không gian để kết nối các khu chức năng một cách hợp lý.

- Dự kiến các trục không gian chính: Trục đường bộ: Xác định các tuyến đường trục liên kết các khu vực khai thác than với Quốc lộ 18 và thành phố Hạ Long. Trục môi trường tự nhiên: là trục các tuyến suối thoát nước chính cho vùng than Hòn Gai.

- Trên cơ sở mục tiêu và nguyên tắc phát triển không gian, đề xuất phân vùng phát triển hợp lý, xác định quy mô công suất, tính chất, lợi thế và các khó khăn thách thức các vùng than.

- Đảm bảo tính thống nhất với Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hạ Long được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2725/QĐ-UBND ngày 9/10/2013.

c) Quy hoạch sử dụng đất:

- Đề xuất quy hoạch sử dụng đất cho các khu chức năng và các hạng mục công trình chính theo cấu trúc và phân khu đã lựa chọn đảm bảo chỉ tiêu sử dụng đất theo quy định.

- Xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật có liên quan đến xây dựng và sử dụng đất từng khu vực nhằm phục vụ cho công tác quản lý và kiểm soát phát triển.

- Bố trí các hành lang cách ly, hành lang hạ tầng chính và quỹ đất xây dựng công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, các vùng bảo vệ sinh thái, cảnh quan môi trường.

d) Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật:

- Hệ thống kho bãi, nhà máy sàng tuyển: Định hướng đầu tư xây dựng trong QH403. Quy hoạch tập trung và đầu tư xây dựng các dây chuyền sàng tuyển hiện đại, công suất lớn, cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sử dụng lại và cải tạo các mặt bằng kho bãi sàng tuyển hiện có trên cơ sở cải tạo và mở rộng áp dụng công nghệ hiện đại tăng chất lượng than và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Đề xuất quy hoạch các khu vực xây dựng mới các mặt bằng kho bãi sàng tuyển đáp ứng yêu cầu sản xuất ngành theo hướng tập trung hóa, tối ưu hóa đảm bảo yêu cầu sản xuất, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường đô thị.

- Giao thông: Thực hiện dự báo tổng thể nhu cầu giao thông trên cơ sở xem xét tới khu vực xung quanh và xây dựng các công trình giao thông kết nối với hệ thống giao thông chung của tỉnh và các vùng lân cận. Chuyển hình thức vận tải than từ bằng ô tô sang bằng đường sắt và băng tải, tiến tới băng tải hóa công tác vận tải than từ cơ sở sản xuất đến các hộ tiêu thụ.

- Cảng xuất than: Xây dựng và cải tạo lại hệ thống cảng hiện có theo hướng tập trung hiện đại hóa và bảo vệ môi trường trên cơ sở tận dụng tối đa các cảng hiện có.

e) Chuẩn bị kỹ thuật và các công trình bảo vệ môi trường:

- Phân tích, đánh giá về địa hình, địa chất, điều kiện thủy văn để xác định cốt xây dựng cho toàn khu và từng phân khu chức năng.

- Xây dựng hệ thống đê, đập chống trôi lấp đất đá thải.

- Vành đai cây xanh cách ly với khu vực đô thị.

- Cập nhật quy hoạch ngành thủy lợi....

- Khái toán kinh phí.

f) Thoát nước mặt và thoát nước thải:

- Xác định lưu vực, hướng thoát nước và giải pháp thoát nước mặt. Kiến nghị giải pháp thoát nước của ngành than và đấu nối với hệ thống thoát nước khu vực. Cụ thể xem xét cải tạo hệ thống sông, suối chính phục vụ thoát nước cho từng khu vực như suối Lộ Phong, suối Hà Lầm, các suối khu vực Hà Khánh...

- Xác định hệ thống thoát nước thải ngành than, khu vực trạm xử lý nước thải. Đảm bảo yêu cầu nước thải phải qua các trạm xử lý để xử lý chất lượng nước đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trước khi chảy vào hệ thống thoát nước chung của khu vực.

- Xác định hệ thống thoát nước của ngành than chạy qua khu vực đô thị thoát nước từ khu vực khai thác than, bãi thải ra biển đi qua khu vực đô thị (có kiểm toán năng lực thoát nước và đề xuất giải pháp cần thiết).

h) Đánh giá môi trường chiến lược: Thực hiện theo quy định tại Điều 12, Thông tư số 01/2011/TT-BXD ngày 27/01/2011 của Bộ Xây dựng hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược trong đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; cụ thể như sau:

- Khoanh vùng và đề xuất các giải pháp bảo vệ rừng bảo tồn, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, vùng sinh thái nông nghiệp, vùng bảo vệ cảnh quan....

- Dự báo và đề xuất giải pháp đối với các tác động bởi quá trình xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các vùng có nguy cơ gây ra ô nhiễm do ảnh hưởng hoạt động khai thác.

- Lập chương trình, kế hoạch giám sát môi trường về kỹ thuật, quản lý và quan trắc môi trường.

i) Đền bù giải phóng mặt bằng: Trên cơ sở định hướng khu khai thác hầm lò, khu khai thác lộ thiên, khu vực đổ thải xác định các vùng ảnh hưởng từ đó đề xuất giải pháp di dân, giải pháp đền bù giải phóng mặt bằng tại các khu vực không đảm bảo an toàn do bị ảnh hưởng hoạt động khai thác.

k) Kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng đợt đầu: Đề xuất kế hoạch sử dụng đất theo từng giai đoạn phát triển để khai thác hiệu quả quỹ đất xây dựng. Tập trung nguồn vốn và đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho giai đoạn đầu. Hạn chế và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến cộng đồng dân cư và môi trường hiện trạng khi chưa thực sự cần thiết. Xác định các dự án chiến lược và lộ trình, phương thức thực hiện. Xác định Các chương trình và dự án xây dựng.

6.3. Một số yêu cầu khác:

- Rà soát cập nhật đầy đủ, cụ thể ranh giới, quy mô các mỏ và giai đoạn thực hiện theo QH43; ranh giới đất rừng phòng hộ, đất rừng đặt dụng; quy mô và công suất cảng, bến thủy nội địa tiêu thụ than đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1268/QĐ-UBND ngày 12/5/2015; các khu di tích, dự án đã đang triển khai trong các khu vực liên quan... làm cơ sở nghiên cứu.

- Phối hợp với địa phương xác định cụ thể ranh giới nghiên cứu trực tiếp đảm bảo không ảnh hưởng đến quy hoạch các khu di tích, khu du lịch, đô thị và phù hợp với định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt; ranh giới nghiên cứu gián tiếp chỉ nghiên cứu trong phạm vi các khu vực có tính chất kết nối, vùng đệm, khu vực phụ trợ, khoảng cánh ly đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường... đảm bảo thống nhất, đồng bộ và không chồng lấn.

- Khảo sát cao độ hiện trạng tại thời điểm nghiên cứu; đặc biệt cao độ tại các khu vực giáp các khu dân cư, các khu vực giáp các sông, suối, hành lang thoát nước chính đô thị ...

- Xác định quy mô các khu chức năng, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho các vùng trên cơ sở quy mô, công suất, tiến độ khai thác các dự án trong vùng được xác định QH403; tình hình triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án trong khu vực theo quy hoạch, các giấy phép khai thác khoáng sản, các báo cáo đánh giá tác động môi trường và các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt (về hiện trạng, kế hoạch sản xuất các khu khai thác lộ thiên, các khu đổ thải (ranh giới, hiện trạng khai thác, năm kết thúc, cao độ kết thúc ...), các khu khai thác hầm lò (ranh giới đất các khu vực xây dựng công trình phụ trợ trên mặt đất, các khu vực chịu sự ảnh hưởng sụt lún, các khu vực cần bảo vệ để khai thác hầm lò)).

- Xác định ranh giới các khu vực bảo vệ rừng đầu nguồn, nguồn nước, di tích...; ranh giới các khu vực vành đai cây xanh cách ly giữa khu vực khai thác và đô thị; khoảng cách ly an toàn, cách ly vệ sinh môi trường từ các khu khai thác, bãi thải ... đến các khu dân dụng trên cơ sở các tiêu chuẩn quy phạm hiện hành và yêu cầu thực tế.

- Nghiên cứu đề xuất cải tạo, phục hồi các bãi thải trong khu vực; giảm cao độ tổng thể các bãi thải; đề xuất cụ thể vị trí, quy mô xây dựng khu sàng tuyển, kho than tập trung; phương án vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện trong khu vực đảm bảo môi trường cảnh quan; bổ sung giải pháp vận tải than, đất đá cho các dự án khai thác lộ thiên khu vực Suối Lại, Bắc Bàng Danh; đề xuất giải pháp hoàn nguyên các quỹ đất bãi thải, sử dụng vào các chức năng khác theo quy hoạch đô thị.

- Tiếp thu ý kiến tham gia của các Sở, ngành và địa phương về nhiệm vụ quy hoạch trong quá trình nghiên cứu quy hoạch (Sở Công Thương tại Văn bản số 2174/SCT-QLCN ngày 06/9/2016; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 2749/SNN&PTNT-KL ngày 01/9/2016; Sở Giao thông Vận tải tại Văn bản số 4231/SGTVT-KHTC ngày 15/9/2016; UBND thành phố Hạ Long tại Văn bản số 5706/UBND ngày 22/9/2016; Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 4142/TNMT-QHKH ngày 20/9/2016); chủ động lấy, tiếp thu ý kiến các Sở, ngành và địa phương liên quan trước khi trình Sở Xây dựng thẩm định đồ án quy hoạch.

7. Nội dung hồ sơ sản phẩm:

- Thực hiện theo quy định tại Điều 13 và Phụ lục kèm theo Quyết định số 2999/2016/QĐ-UBND ngày 15/9/2016 của UBND tỉnh “V/v Quy định hướng dẫn quản lý dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)”

- Các bản đồ quy hoạch thể hiện trên nền bản đồ địa hình trên hệ tọa độ VN2000 kinh tuyến trục 107°45’, tỷ lệ 1/5.000÷1/10.000 (các khu vực quan trọng, các khu vực giáp ranh giới với các khu chức năng đô thị, các khu di tích, các khu du lịch...nghiên cứu trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/5.000).

8. Tổ chức thực hiện:

- Đơn vị tổ chức lập quy hoạch: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Đông Bắc.

- Cơ quan thẩm định quy hoạch: Sở Xây dựng Quảng Ninh.

- Cơ quan xin ý kiến: Bộ Xây dựng

- Cơ quan phê duyệt quy hoạch: Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

- Tiến độ triển khai đồ án quy hoạch: Hoàn thành đồ án quy hoạch tối đa 12 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt. Quá thời hạn trên, quy hoạch chưa được phê duyệt thì Quyết định này không còn hiệu lực thi hành và Đơn vị nghiên cứu tự chi trả các chi phí khảo sát, nghiên cứu quy hoạch...

Điều 2. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long; Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đông Bắc; Thủ trưởng các ngành và đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành./. 


Nơi nhận:
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 2 (thực hiện);
- V0-V5, QLĐĐ1, XD1-5, CN, MT, TH1;
- Trung tâm Thông tin;
- Lưu: VT, QH1.
20 bản-QĐ88-10

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Long

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3222/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 vùng than Hòn Gai đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

  • Số hiệu: 3222/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/10/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Đức Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản