Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3217/QĐ-UBND

Vinh, ngày 20 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN MIỀN TÂY TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 147/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Phê duyệt đề án phát triển kinh tế xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 26/12/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An về chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI;

Căn cứ Kế hoạch số 309/KH-UBND-TH ngày 06/10/2006 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 147/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Phê duyệt đề án phát triển kinh tế xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2010;

Xét đề nghị của Sở Công nghiệp Nghệ An tại Tờ trình số 23/SCN-KH ngày 13/8/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp trên địa bàn miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2010" (Có đề án kèm theo)

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành cấp tỉnh liên quan; Chủ tịch UBND các huyện miền Tây chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Chi

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN MIỀN TÂY TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2010
(Kèm theo Quyết định số 3217/QĐ-UBND ngày 20/8/2007 của UBND tỉnh)

MỞ ĐẦU

Miền núi phía Tây Nghệ An với diện tích tự nhiên 13.745km2 (chiếm 83,37% diện tích toàn tỉnh), dân số 1.118.485 người (chiếm 36,9% dân số toàn tỉnh), là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế của tỉnh nhất, là tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, đất đai, lâm nghiệp,… cho phát triển công nghiệp. Sau nhiều năm phấn đấu, kinh tế xã hội các huyện miền Tây đã có bước phát triển. Tuy nhiên, các tiềm năng miền núi phía Tây Nghệ An chưa được khai thác nhiều phục vụ cho công cuộc phát triển của tỉnh. Đời sống kinh tế, văn hoá xã hội của đại bộ phận dân cư trên địa bàn vẫn trong tình trạng khó khăn, khoảng cách so với vùng đồng bằng, thành phố vẫn rất xa, an ninh chính trị trật tự nhất là an ninh biên giới diễn biến vẫn phức tạp.

Ngày 16 tháng 8 năm 2004 Bộ Chính trị (khoá IX) có Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, UBND tỉnh đã có đề án “Phát triển kinh tế xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2010” đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/2005/QĐ-TTg ngày 15/6/2005. Đề án “Phát triển công nghiệp miền Tây tỉnh Nghệ An” cụ thể hoá phương án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp.

Các căn cứ để xây dựng đề án:

- Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Nghệ An lần thứ XVI. Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 26/12/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An, Quyết định số 436/QĐ-UBND ngày 3/2/2006 của UBND tỉnh về chương trình hành động triển khai thực hiệc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

- Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 8/8/2001 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An (khoá XV) về phát triển công nghiệp TTCN, làng nghề Nghệ An giai đoạn 2001 - 2010.

- Kế hoạch số 309/KH-UBND-TH ngày 06/10/2006 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 147/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt đề án phát triển kinh tế xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2010".

Mục tiêu của đề án:

- Phát triển các ngành công nghiệp trên cơ sở lợi thế về tài nguyên khoáng sản, cây, con, lâm sản gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Phát triển công nghiệp điện, thuỷ điện, xây dựng các nhà máy thuỷ điện, phấn đấu đến năm 2010 có tổng công suất lắp máy đạt trên 750MW.

- Xây dựng các khu công nghiệp, khu công nghiệp nhỏ, làng nghề TTCN truyền thống.

Nội dung của đề án:

I. Thực trạng công nghiệp miền Tây tỉnh Nghệ An.

II. Các nguồn lực phát triển công nghiệp miền Tây Nghệ An.

III. Định hướng phát triển công nghiệp miền Tây Nghệ An.

IV. Các giải pháp thực hiện

I. THỰC TRẠNG CÔNG NGHIỆP MIỀN TÂY ĐẾN NĂM 2006

1. Số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp

Trên địa bàn 10 huyện miền núi phía Tây Nghệ An có khoảng 1.000 cơ sở hoạt động sản xuất công nghiệp, TTCN. Loại hình doanh nghiệp phổ biến chiếm số lượng lớn nhất trong khối doanh nghiệp là công ty TNHH, DNTN. Doanh nghiệp nhà nước hiện còn 1 doanh nghiệp, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có 01 doanh nghiệp. Các cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới trên 98% cơ sở sản xuất. Các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương. Ngành nghề sản xuất công nghiệp chủ yếu là khai thác chế biến khoáng sản (đá trắng, thiếc, than), chế biến nông sản (mía đường, dứa, sắn, chè), lâm sản (gỗ mỹ nghệ, gỗ ván ép), sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, cát, sạn, sỏi)

2. Giá trị sản xuất và sản phẩm công nghiệp

2.1. Giá trị sản xuất công nghiệp

Năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng đạt 1.074 tỷ đồng (chiếm 21,78% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh) tăng 4,9% so với năm 2005. Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp 3 năm 2004 - 2006 đạt 22%. Giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 16,46% trong cơ cấu tổng giá trị sản xuất toàn vùng.

2.2. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu

- Các sản phẩm chiếm 100% trong sản phẩm công nghiệp của tỉnh gồm: than 19.000 tấn, thiếc 1.250 tấn, đường kính 130.000 tấn, chè 6.500 tấn, đá ba zan, đá trắng, chế biến cao su, cà phê, dầu thảo mộc, cồn.

- Các sản phẩm có tỷ trọng khá trong sản phẩm công nghiệp của tỉnh gồm: xi măng đạt bình quân 15 vạn tấn/năm, gạch ngói 65 triệu viên/năm, phân vi sinh 15.000 tấn, nước khoáng 1,5 triệu lít,

- Các sản phẩm có tỷ trọng nhỏ trong công nghiệp toàn tỉnh thuộc lĩnh vực dệt may, cơ khí, thực phẩm đồ uống.

3. Trình độ công nghệ, thiết bị ngành công nghiệp

Tổng giá trị tài sản cố định đạt xấp xỉ 2.500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực chế biến đường, sản xuất xi măng, khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến lâm sản. Lĩnh vực chế biến mía đường có trình độ công nghệ tương đối hiện đại và tiên tiến. Chế biến chè đang từng bước đầu tư đổi mới để đạt trình độ khu vực. Hầu hết các lĩnh vực sản xuất công nghiệp còn lại có trình độ công nghệ, thiết bị còn ở mức trung bình thấp, phần lớn máy móc thiết bị thuộc thế hệ những trước năm 1985 (xi măng, chế biến dầu thảo mộc, cơ khí sửa chữa,…). Lĩnh vực chế biến khoáng sản chủ yếu chế biến thô, chưa được tập trung đầu tư chế biến sâu với công nghệ hiện đại tiên tiến.

4. Lao động ngành công nghiệp

Lao động ngành công nghiệp trên địa bàn miền Tây Nghệ An có khoảng trên 15.000 người chiếm 18% lao động ngành công nghiệp toàn tỉnh. Lao động công nghiệp tập trung chủ yếu ở các ngành chế biến nông lâm sản, khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Ở các huyện miền núi cao, lao động công nghiệp nhất là trong lĩnh vực TTCN chưa đáng kể do thu nhập thấp và tác phong làm việc công nghiệp chưa đảm bảo.

Đội ngũ lao động có tay nghề qua đào tạo chủ yếu tập trung trong các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Lao động công nghiệp là người dân tộc ít người chiếm số lượng ít.

5. Đánh giá tổng hợp thực trạng công nghiệp miền Tây Nghệ An

5.1. Công nghiệp miền Tây Nghệ An giữ vị trí quan trọng trong phát triển công nghiệp của tỉnh trên các lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Nhờ tập trung chỉ đạo, đầu tư, công nghiệp miền Tây đã có bước phát triển khá, nhất là thời kỳ từ năm 2001 đến nay. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22 %/năm. Nhiều sản phẩm công nghiệp (như đường kính, cồn, thiếc, đá trắng, chè, chế biến cà phê, cao su, nước khoáng,…) giữ vai trò chi phối trong sản phẩm công nghiệp của tỉnh.

5.2. Sản xuất công nghiệp phát triển đúng hướng, bước đầu khai thác được tiềm năng lợi thế của vùng góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội các huyện miền núi và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

5.3. Tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển. Một số huyện (Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn) tỷ trọng công nghiệp, TTCN trong cơ cấu kinh tế quá nhỏ bé.

II. CÁC NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP MIỀN TÂY NGHỆ AN

1. Các nguồn lực tự nhiên

1.1. Vị trí địa lý kinh tế

Nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền Myanma - Thái Lan - Lào - Việt Nam theo Quốc lộ 7, Quốc lộ 46 thông qua các cửa khẩu Nậm Cắn, Thanh Thuỷ, thuận lợi giao thương hàng hoá, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, dịch vụ của vùng. Tuy nhiên về địa hình đa dạng, phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các dãy đồi núi và hệ thống sông, suối là một trở ngại lớn cho việc phát triển mạng lưới giao thông đường bộ. Tuy hệ thống sông suối dày đặc, mật độ lưới sông từ 0,6 - 0,7km/km2 nhưng các dòng sông hẹp và dốc gây khó khăn cho phát triển vận tải đường sông.

1.2. Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên rừng tập trung của cả tỉnh: Tổng trữ lượng gỗ hiện còn khoảng 50 triệu m3 trong đó có tới 425 ngàn m3 gỗ pơ mu. Trữ lượng tre, nứa, mét có khoảng trên 1 tỷ cây. Rừng Nghệ An còn có nhiều loại thân gỗ, thân thảo,... các loại lâm sản quý khác như song, mây, quế, cánh kiến đỏ,... là nguồn nguyên liệu quý cho phát triển công nghiệp chế biến lâm sản.

Tài nguyên khoáng sản: Phần lớn khoáng sản trên địa bàn tỉnh tập trung ở 10 huyện miền núi phía Tây, là một lợi thế lớn để phát triển các ngành công nghiệp như khai khoáng, sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng... Các loại khoáng sản chủ yếu có điều kiện khai thác bao gồm:

Thiếc: Có trữ lượng lớn, phân bố rộng ở các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tân Kỳ,... gồm có quặng gốc và sa khoáng. Trữ lượng được đánh giá trên 82.000 tấn thiếc tinh luyện, đủ để đầu tư hình thành một ngành công nghiệp.

Đá trắng: Tập trung ở Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Quỳ Châu, với trữ lượng gần 310 triệu tấn, hiện nay mới được thăm dò đánh giá trữ lượng, chất lượng tại ba khu vực trên địa bàn huyện Quỳ Hợp với trữ lượng trên 200 triệu tấn.

Đá vôi: Trữ lượng được đánh giá trên 600 triệu tấn, chủ yếu tập trung ở Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ.

Đá ốp lát: Có 11 điểm mỏ với trữ lượng hàng triệu m3. Một số mỏ tại Con Cuông, Quỳ Hợp, Anh Sơn có màu sắc đẹp, tại Tân Kỳ có một số điểm mỏ đá granit có tiềm năng cho sản xuất công nghiệp.

Đá quý: Có ở vùng Quỳ Châu, Quỳ Hợp, đã được đánh giá với tỷ lệ 1/50.000 trên diện tích 400 km2 với trữ lượng dự báo 50 tấn.

Đất sét, cao lanh: Mới được khảo sát sơ bộ ba điểm mỏ ở Nghĩa Dũng - Tân Kỳ, Nhân Sơn, Trù Sơn - Đô Lương, có trữ lượng trên 9 triệu tấn sét, 200 ngàn tấn cao lanh, thích hợp làm nguyên liệu sản xuất gốm sứ, vật liệu chịu lửa.

Vàng: Có 15 điểm mỏ gồm vàng gốc và sa khoáng phân bố trên các địa bàn Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu,... trong đó mỏ vàng Tà Sỏi tại Quỳ Châu có trữ lượng dự báo 8.000 kg.

Than: Có 5 điểm mỏ đạt trên 4 triệu tấn, trong đó mỏ than Khe Bố đạt 2.235.000 tấn.

Đá bazan: Có nhiều ở Phủ Quỳ với trữ lượng dự báo trên 400 triệu tấn, hiện nay mới chỉ được dùng làm phụ gia cho xi măng.

Nước khoáng: Hiện nay mới thăm dò được 8 điểm nước nóng, nước khoáng trong đó đáng chú ý có hai điểm tại Bản Khạng (Quỳ Hợp) và Giang Sơn (Đô Lương), Kim Đa (Tương Dương).

2. Phân tích, đánh giá, dự báo và khả năng khai thác các nguồn lực xã hội

2.1. Nguồn lao động

Dân số trong độ tuổi lao động của vùng là 1.782 nghìn người, chiếm 58,8% dân số toàn tỉnh. Lao động ở độ tuổi từ 15-24 chiếm 22,45%; 25-34 chiếm 14,96%, 35-44 chiếm 12,68% và 45-54 chiếm 8,71%. Lực lượng lao động được đào tạo trong toàn tỉnh chiếm 30% tổng lực lượng lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân. Lao động được đào tạo nghề chủ yếu tập trung vào các ngành nghề thuộc khu vực dịch vụ, công nghiệp như sửa chữa xe có động cơ, lái xe, may mặc, mây tre đan, mộc dân dụng, sửa chữa điện dân dụng, điện tử, gò hàn trong khi số lao động được đào tạo về các ngành nghề đang thiếu lao động có kỹ năng như chế biến nông sản, trồng trọt, chăn nuôi lại quá ít. Dự kiến số người trong độ tuổi lao động của Nghệ An vào khoảng 1.974 nghìn người năm 2010 và 2.240 nghìn người năm 2020. Chất lượng nguồn nhân lực của Nghệ An được nâng lên, dự kiến tỷ lệ lao động qua đào tạo sẽ đạt trên 40% vào năm 2010 và khoảng 65-70% vào năm 2020. Nguồn lao động này đủ đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong những năm tới.

Nhưng còn sự cách biệt nhất là cách biệt về kinh tế, nhu cầu dịch vụ giải trí giữa các huyện miền núi với các vùng khác trong tỉnh, nên khả năng thu hút lao động phục vụ phát triển của vùng thấp nhất là lực lượng lao động có trình độ tay nghề, đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật.

2.2. Kết cấu hạ tầng

- Hệ thống giao thông: Đã được cải thiện đáng kể với việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường 7A, 46, 48 và đặc biệt là hoàn thành đưa vào sử dụng 132 km đường Hồ Chí Minh. Hệ thống đường giao thông vùng nguyên liệu (nhất là giao thông vùng nguyên liệu mía, dứa, chè,...) đã được tập trung đầu tư.

- Điện: Hệ thống phân phối điện được quan tâm đầu tư. Theo kế hoạch phát triển lưới điện đến 2010 là nâng công suất các trạm điện, đường dây cao áp, kết hợp với xây dựng mới ở tất cả các huyện có trạm 110 KV. Phát triển lưới điện trung áp theo quy hoạch đảm bảo đến các xã. Đảm bảo cung cấp đủ các phụ tải sản xuất dịch vụ.

Tuy nhiên, phần lớn mạng lưới đường dây 35 KV trở xuống do xây dựng đã lâu, nay đã xuống cấp, quá tải; mạng lưới điện được xây dựng trước đây có nhiều cấp điện áp, gây khó khăn cho việc chuyển đổi về một cấp điện áp chuẩn (theo chuẩn 22 KV) do vậy sẽ xẩy ra tình trạng mất nguồn đột xuất.

- Hệ thống thông tin liên lạc:

Hệ thống bưu chính viễn thông phát triển nhanh đáp ứng được nhu cầu thông tin liên lạc, sản xuất phục vụ phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng. Mạng điện thoại di động phủ sóng đến trung tâm huyện.

Hệ thống dịch vụ khách sạn, nhà hàng, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông v.v... đang từng bước phát triển và nâng cấp đáp ứng tốt các nhu cầu các trung tâm huyện và một số trung tâm xã.

3. Đánh giá tổng quát tiềm năng, khả năng khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển công nghiệp

3.1. Thuận lợi

- Tài nguyên phong phú đa dạng để phát triển công nghiệp đa ngành trong đó một số ngành công nghiệp có điều kiện để phát triển tập trung có quy mô (ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến lâm sản, công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp thuỷ điện,...) làm tiền đề phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ công nghiệp và thay đổi cơ cấu cây trồng, ngành nghề nông thôn.

- Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển. Đảng bộ, chính quyền của tỉnh, các huyện thời gian qua đã nắm bắt được các cơ hội phát triển công nghiệp từ đó có nhiều chủ trương, chính sách và tập trung chỉ đạo đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp phát triển.

3.2. Khó khăn, thách thức

- Xuất phát điểm kinh tế của vùng, nhất là các huyện miền núi cao còn rất thấp.

- Địa hình dàn trải bị chia cắt nên suất đầu tư cao hơn bình quân chung của cả nước làm hạn chế thu hút đầu tư. Kết cấu hạ tầng nhất là giao thông, dịch vụ chưa phát triển.

- Nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển.

III. PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN MIỀN TÂY TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2010

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển công nghiệp, TTCN miền Tây Nghệ An phải gắn liền với yếu tố an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Chú trọng đến mối quan hệ hữu cơ với các huyện đồng bằng và nước bạn Lào trên cơ sở khai thác những tiềm năng lợi thế của vùng và hợp tác các bên cùng có lợi.

- Từng bước cải thiện đời sống kinh tế và nâng cao trình độ dân trí của nhân dân trên địa bàn.

- Phát triển công nghiệp dựa vào tiềm năng của miền Tây và sự hỗ trợ của Nhà nước cho những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn để huy động mọi nguồn lực của nhân dân và đồng bào các dân tộc.

- Phát triển công nghiệp tập trung vào một số lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn liền với du lịch.

2. Phương hướng phát triển

- Đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp nhằm tạo ra sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế của các huyện miền Tây, phát triển công nghiệp chế biến để hình thành các vùng sản xuất cây nguyên liệu tập trung quy mô lớn để tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, tăng khối lượng và giá trị sản phẩm hàng hoá, tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu, giải quyết việc làm và phân công lại lao động trên địa bàn.

- Tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng lợi thế như: thuỷ điện, khai thác và chế biến khoáng sản (thiếc, đá trắng, đá bazan), công nghiệp chế biến nông - lâm sản (mía đường, dứa, cà phê, chè, sắn, cao su, gỗ, tre, giấy,...), công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí sửa chữa và ngành nghề nông thôn. Chú trọng phát triển, nhân cấy nghề mới cho các vùng sâu, vùng cao để tạo việc làm thường xuyên và nâng cao thu nhập cho nhân dân.

3. Mục tiêu phát triển đến năm 2010

- Đưa miền Tây Nghệ An thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng biên giới; đẩy lùi các tệ nạn xã hội, bảo vệ tốt nền quốc phòng, an ninh biên giới và môi trường sinh thái bền vững.

- Phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2010 đạt 2.500 - 3.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 21-22%. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu GDP 10 huyện miền núi chiếm 36 - 37%.

4. Phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu

4.1. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện

Đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa các nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ(320MW), Bản Cốc (20MW) vào hoạt động. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xúc tiến nhanh và hoàn thành bước chuẩn bị và xúc tiến đầu tư để xây dựng các nhà máy thuỷ điện khác như: Khe Bố (100MW), Hủa Na (180MW), Nhạn Hạc (45MW), Thác Muối (40MW), Bản Mồng (54MW), một số thuỷ điện nhỏ. Để phấn đấu đến năm 2010 có tổng công suất lắp máy khoảng trên 750MW.

Kế hoạch cụ thể cho các công trình chính như sau:

4.1.1. Thuỷ điện Bản Vẽ

Công trình nằm trên sông Lam, địa bàn huyện Tương Dương do Ban quản lý Dự án thuỷ điện 2 - Tổng Công ty Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, tổng công suất lắp máy 320MW, gồm 2 tổ máy. Công trình đã khởi công vào năm 2004 do tổ hợp nhà thầu Tổng Công ty Sông Đà tổng đầu, gồm: Tổng Công ty Licogi, Tổng Công ty Cosevco, Tổng Công ty Lilama. Dự kiến năm 2008 đưa vào vận hành tổ máy 1 và năm 2009 đưa vào vận hành tổ máy 2. Thuỷ điện Bản Vẽ được đưa vào hệ thống 220KV tỉnh Nghệ An qua đường dây 220KV Bản Vẽ - Đô Lương - Hưng Đông dài 168km. Tổng vốn đầu tư công trình 5.921 tỷ đồng.

4.1.2. Thuỷ điện Bản Cốc

Công trình nằm trên suối Nậm Giải, thượng nguồn sông Hiếu, địa bàn xã Châu Kim, Quang Phong, huyện Quế Phong, công suất 20MW do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư. Công trình đã khởi công xây dựng năm 2004, dự kiến đưa vào vận hành năm 2007. Thuỷ điện Bản Cốc được đưa vào hệ thống lưới 110KV tỉnh Nghệ An qua đường dây 110KV Bản Cốc - Nhạn Hạc - Quỳ Hợp. Công trình sẽ là nguồn hỗ trợ cấp điện rất lớn cho khu vực các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp của tỉnh. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng vốn đầu tư công trình khoảng 310 tỷ đồng.

4.1.3. Thuỷ điện Nhãn Hạc

Công trình nằm trên suối Nậm Quang, sông Hiếu, địa bàn bản Đai, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong. Năm 2001, Bộ Công nghiệp cho phép Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư và Tổng Công ty Điện lực Việt Nam mua điện của nhà máy. Hiện nay công trình đã được Công ty Tư vấn điện 1 lập xong báo cáo nghiên cứu khả thi và đã tổ chức báo cáo thông qua với UBND tỉnh vào cuối tháng 11/2004.

Nhà máy có 3 tổ máy, với công suất lắp đạt mỗi tổ là 15MW, tổng công suất lắp máy là 45MW. Thuỷ điện Nhạn Hạc được đưa vào hệ thống lưới 110KV tỉnh Nghệ An qua đường dây 110kV Bản Cốc - Nhạn Hạc - Quỳ Hợp. Nhà máy hàng năm cung cấp cho hệ thống điện 180,54 triệu kWh, dự kiến công trình khởi công năm 2007, đưa vào vận hành năm 2009. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư của công trình khoảng 598 tỷ đồng.

4.1.4. Thuỷ điện Hủa Na

Nằm trong vùng trung lưu sông Chu, thuộc xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, Nghệ An. Công trình do Tổng Công ty lắp máy Việt Nam làm chủ đầu tư. Nhà máy gồm 3 tổ máy, với tổng công suất lắp máy là 180MW. Hàng năm thuỷ điện Hủa Na cấp cho lưới điện quốc gia 726 triệu kWh truyền tải về tỉnh Thanh Hoá, bằng việc xây dựng đường dây 220 KV từ trạm phân phối điện của Hủa Na đấu nối vào trạm 220KV Thanh Hoá dài 80km. Dự kiến khởi công vào cuối năm 2007 và đưa vào vận hành cuối năm 2009.

Tổng mức đầu tư của công trình là 3.528 tỷ đồng. Nguồn vốn vay trong nước lãi suất 12%/năm, vốn vay nước ngoại lãi suất 7%/năm, vốn vay lãi suất 6,6%/năm cho công tác đền bù, tái định cư và mua thiết bị sản xuất trong nước, vốn tự có của chủ đầu tư là 30%.

4.1.5. Thuỷ điện Khe Bố

Công trình nằm trên Sông Lam, trên địa bàn xã Tam Quang, huyện Tương Dương do Tổng Công ty Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án đã được Công ty Tư vấn xây dựng điện 1 lập báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo với UBND tỉnh vào tháng 9/2004. Nhà máy có 2 tổ máy, với tổng công suất lắp máy 2x48MW. Hiện nay, công trình đang tiến hành khảo sát, lập phương án di dân tái định cư. Dự kiến công trình khởi công đầu năm 2007 và đưa vào vận hành năm 2010. Thuỷ điện Khe Bố được đưa vào hệ thống lưới 110KV tỉnh Nghệ An qua đường dây 110KV Khe Bố - Tương Dương.

4.1.6. Thuỷ điện - thuỷ lợi Thác Muối

Công trình nằm trên sông Giăng, một nhánh của sông Cả, thuộc xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, công suất 50 MW, chủ đầu tư gồm Liên doanh 5 nhà thầu: Công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng, Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội, Công ty Điện lực 1, đại diện là Công ty Xây dựng Lũng Lô - Bộ Quốc phòng.

Một đặc trưng quan trọng của công trình này là có đập dâng và hồ chứa nước khá lớn, chi phí công trình đầu mối cao. Do vậy công trình này chỉ phát huy được hiệu quả kinh tế và trở nên hấp dẫn đầu tư khi kết hợp được cả nhiệm vụ phát điện và thuỷ lợi. Công trình có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 7.000 - 8.000 ha đất canh tác và công nghiệp; phát điện với công suất 50MW, chống lũ cho vùng hạ lưu sông Cả. Ngoài ra còn tham gia cải tạo môi trường và giảm mặn ở vùng cửa sông. Tổng vốn đầu tư dự kiến của công trình là 1.400 tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư cho phần điện khoảng 550-800 tỷ đồng; tổng mức đầu tư cho chống lũ, cấp nước và hệ thống kênh tưới khoảng 800-850 tỷ đồng. Về nguồn vốn đầu tư, theo Quyết định số 40/203/QĐ-TTg ngày 20/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ thì phần vốn đầu tư vào thuỷ điện sẽ do các nhà đầu tư ngoài Tổng Công ty điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo, và được xác định bằng công suất phát điện, KW x suất đầu tư trung bình của 1 KW của ngành thuỷ điện Việt Nam, còn lại phần vốn đầu tư vào thuỷ lợi được nhà nước tài trợ.

Công trình dự kiến đưa vào vận hành năm 2009. Thuỷ điện Thác Muối được đưa vào hệ thống 110KV tỉnh Nghệ An qua đường dây 110KV Thác Muối - Đô Lương.

4.1.7. Thuỷ điện - thuỷ lợi Bản Mồng

Công trình nằm trên sông Hiếu trên địa bàn 2 huyện Quỳ Hợp và Quỳ Châu, công suất lắp máy 54MW. Công trình do Công ty Tư vấn xây dựng thuỷ lợi 1 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập báo cáo, báo cáo tiền khả thi được thông qua UBND tỉnh vào tháng 11/2003. Công trình dự kiến đưa vào vận hành năm 2010. Thuỷ điện Bản Mồng được đưa vào hệ thống 110KV tỉnh Nghệ An qua đường dây 110KV Bản Mồng - Quỳ Hợp. Ngoài ra, với dung tích hồ chứa 400 triệu m3 nước công trình sẽ chủ động tưới tiêu, giữ ẩm cho cây công nghiệp và cây lương thực ở vùng Tây Bắc.

4.1.8. Thuỷ điện Sao Va

Mặt bằng nhà máy và tuyến công trình đầu mối nằm trên suối Nậm Việc, thượng nguồn sông Hiếu, thuộc xã Hạnh Dịch, địa bàn huyện Quế Phong. Công trình do Công ty Cổ phần Thuỷ điện Quế Phong - Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư. Hiện nay công trình đã được Công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ Trường Đại học Thuỷ lợi lập thiết kế cơ sở. Theo hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án: Nhà máy có 3 tổ máy với tổng công suất lắp máy 3MW; tổng vốn đầu tư của công trình gần 61 tỷ đồng. Dự kiến công trình khởi công năm 2008 và đưa vào vận hành năm 2010.

4.1.9. Thuỷ điện Nậm Cắn 1

- Công trình thuỷ điện Nậm Cắn 1 nằm trên suối Nậm Cắn, cách biên giới Việt Lào khoảng 3km, cách vị trí nhập lưu của suối Nậm Cắn với sông Nậm Mộ khoảng 6,5 km về phía hạ lưu, trên địa phận của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Khu vực xây dựng công trình của thuỷ điện Nậm Cắn nằm trên địa phận xã Nậm Cắn và xã Tà Cạ.

Công trình do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển điện miền Bắc 1 làm chủ đầu tư. Báo cáo dự án đã được Công ty tư vấn Xây dựng thuỷ lợi 1 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nhà thầu chính) và Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng thuỷ lợi Nghệ An (nhà thầu phụ) lập vào tháng 9/2005 và đã báo cáo UBND tỉnh. Theo báo cáo của dự án, công suất lắp máy của nhà máy là 6MW, với 2 tổ máy. Hàng năm công trình thuỷ điện Nậm Cắn sẽ bổ sung cho lưới điện khu vực 21,68 triệu kWh. Tổng mức đầu tư của công trình khoảng 110 tỷ đồng. Nguồn vốn: vay ngân hàng trong nước (70% mức đầu tư) với lãi suất 9%/năm cho các mục đích mua sắm thiết bị, xây lắp và các khoản chi phí khác; nguồn vốn góp từ các cổ đông (30% tổng mức đầu tư).

Công trình dự kiến sẽ khởi công vào đầu năm 2007, thực hiện trong 2 năm và đưa vào vận hành cuối năm 2008.

Đường dây 35KV của lưới điện quốc gia (từ huyện Kỳ Sơn lên của khẩu Nậm Cắn) cách vị trí đặt nhà máy thuỷ điện khoảng 1,5km, nên cùng với hệ thống lưới điện của thuỷ điện bản Cánh hiện có tạo tiền đề cho việc xây dựng một hệ thống cụm công trình thuỷ điện tại địa phương, vừa phục vụ nhu cầu tại chỗ, vừa nối vào lưới điện quốc gia.

4.1.10. Phát triển các công trình thuỷ điện nhỏ

“Quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ tỉnh Nghệ An” đã được xây dựng xong. Các công trình thuỷ điện nhỏ sẽ có kế hoạch triển khai cụ thể theo thứ tự ưu tiên trong từng giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2010 theo tiến độ được duyệt. Theo số liệu khảo sát ban đầu, đến năm 2010 có thể xây dựng các công trình nhỏ với tổng công suất lắp máy khoảng 75MW.

Danh mục những công trình thuỷ điện chủ yếu xây dựng đến 2010:

TT

Tên NM thuỷ điện

C/ suất lắp máy (MW)

Địa điểm

Dự kiến năm khởi công

Dự kiến năm vận hành

1

Bản Vẽ

320

Tương Dương

7/2004

2008

2

Nhạn Hạc

45

Mường Nọc - Quế Phong

2007

2009

3

Bản Cốc

20

Quang Phong - Q. Phong

2004

2007

4

Khe Bố

96

Tam Quang - T.Dương

2007

2010

5

Thác Muối

50

Hạnh Lâm - T.Chương

2008

2010

6

Bản Mồng

54

Q/Hợp - Quỳ Châu

2008

2010

7

Hủa Na

180

Đồng Văn - Quế Phong

2007

2009

8

Sao Va

3

Hạnh Dịch - Quế Phong

2008

2009

9

Nậm Cắn 1

6

Suối Nậm Cắn - Kỳ Sơn

2007

2008

10

T. điện nhỏ

75

K. Sơn, T. Dương, Q. Châu, Q. Phong, C. Cuông

2007

2010

 

Tổng:

849

 

 

 

Đến năm 2010, tổng vốn đầu tư cho các công trình trong toàn tỉnh ước tính khoảng 14.908 tỷ đồng. Trong đó, lượng vốn huy động trong các năm từ 2007-2010 cho các công trình trong kế hoạch triển khai cụ thể như sau:

Dự tính vốn đầu tư công trình thuỷ điện đến 2010:

TT

Tên công trình

C/suất lắp máy (MW)

Tổng vốn đầu tư­
(tỷ đồng)

Dự kiến vốn đầu tư ­(tỷ đồng)

2007

2008

2009

2010

1

Bản Vẽ(*)

320

5.921,167

1.640

1.500

1.175,903

 

2

Nhạn Hạc

45

598

180

205

213

 

3

Bản Cốc(*)

20

310

 

 

 

 

4

Khe Bố

96

1700

400

425

445

430

5

Thác Muối

50

700

 

235

245

220

6

Bản Mồng

54

750

 

250

275

225

7

Hủa Na

180

3528

1026

1150

1352

 

8

Sao Va

3

61

 

28

33

 

9

Nậm Cắn 1

6

110

50

60

 

 

10

T.điện nhỏ

75

1230

200

450

350

230

 

Tổng:

849

14.908,167

3.496

4.303

4.088,903

1.105

4.2. Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản

Mục tiêu đến năm 2010 giá trị sản xuất của ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản đạt 800.000 - 1.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 28-29%. Dự kiến sản lượng các sản phẩm khai thác chủ yếu của ngành đến năm 2010 như sau:

Sản phẩm

ĐVT

Số lượng

Ghi chú

Than

1000 tấn

25

 

Thiếc tinh luyện

Tấn

1500

 

Khai thác đá bazan

1000 tấn

2000

 

Bột đá siêu mịn

1000 tấn

300

 

- Duy trì năng lực khai thác và chế biến thiếc ở mức 1.300 - 1.500 tấn/năm. Tăng cường đầu tư công nghệ để đảm bảo không gây tác động tiêu cực đến môi trường.

- Nâng công suất của công ty khai thác và nghiền đá trắng lên 500 nghìn tấn/năm.

- Đầu tư xây dựng doanh nghiệp khai thác và gia công đá ở Nghĩa Đàn, công suất 300-400 nghìn tấn/năm.

Quy hoạch các khu công nghiệp chế biến khoáng sản tại các địa điểm sau:

- Đá vôi trắng: Quỳ Hợp, Tân Kỳ;

- Thiếc: Quỳ Hợp, Tân Kỳ;

- Chì, kẽm: Anh Sơn, Con Cuông;

- Đá xẻ, đá ốp lát: Quỳ Hợp, Anh Sơn, Tân Kỳ, Con Cuông;

- Đá Granít: Tân Kỳ, Tương Dương;

- Công nghiệp khai thác vàng: Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong;

4.3. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản

4.3.1. Công nghiệp chế biến nông sản

a) Công nghiệp sản xuất đường và các sản phẩm sau đường.

- Duy trì công suất Nhà máy đường Sông Lam, nâng công suất Nhà máy đường Nghệ An Tate &Lyle và Nhà máy đường Sông Con, đảm bảo các nhà máy sản xuất 170.000 tấn vào năm 2010.

- Nâng công suất hai cơ sở sản xuất cồn tại Tân Kỳ (dự kiến đạt 6 triệu lít/năm) và Anh Sơn (dự kiến 1 triệu lít/năm).

- Đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất cồn tại Quỳ Hợp, công suất 7-10 triệu lít/năm.

b) Công nghiệp chế biến sản phẩm từ cây công nghiệp

- Nâng công suất 3 nhà máy chè Thanh Mai, Hạnh Lâm, Thanh Chương để đến năm 2010 có tổng công suất chế biến đạt 45.000 tấn chè búp tươi/năm.

- Đầu tư 4 dây chuyền công nghệ tiên tiến chế biến cà phê, đưa công suất lên 2.000 tấn/năm.

- Xây dựng 01 nhà máy chế biến cà phê hoà tan với công suất 6.000 - 8.000 tấn/năm ở KCN Phủ Quỳ.

- Đổi mới thiết bị sơ chế cao su, tăng tỷ lệ thành phẩm, nâng công suất chế biến đáp ứng sản lượng khai thác mủ cao su năm 2010 là 6000 tấn/năm và năm 2015 là 8000 tấn/năm.

- Kêu gọi đầu tư thêm 01 nhà máy nước dứa cô đặc tại Tân Kỳ công suất 10.000 tấn/năm.

- Nâng cấp thiết bị cho nhà máy chế biến dầu thực vật Nghĩa Đàn, đầu tư một số cơ sở chế biến dầu thô ở các vùng trọng điểm nguyên liệu, bảo quản tốt sau thu hoạch và cấp nguyên liệu cho nhà máy tinh luyện dầu Vinh.

4.3.2. Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản

- Tận dụng nguyên liệu từ bã mía, nứa, gỗ rừng trồng, kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy ván dăm, công suất 5000 m³/năm.

- Tiếp tục kêu gọi dự án bột giấy công suất 130.000 tấn/năm.

- Xây dựng 01 nhà máy sản xuất ván ghép thanh công suất 40.000m3/năm tại khu vực Anh Sơn.

4.4. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng

- Tập trung tận dụng khai thác công suất hai dây chuyền sản xuất theo công nghệ lò đứng. Sớm đổi mới công nghệ từ lò đứng sang lò quay đồng thời với việc nâng công suất mỗi nhà máy đạt 0,5 triệu tấn/năm. Khảo sát và kêu gọi đầu tư thêm 01 nhà máy tại Anh Sơn, công suất 1,0 triệu tấn/năm; 01 nhà máy tại Tân Kỳ, công suất 1,4 triệu tấn/năm.

- Nâng cao sản lượng khai thác tận thu đá bazan. Hiện đại hoá các xí nghiệp khai thác chế biến đá bazan của Công ty cổ phần khoáng sản Nghệ An, Công ty TNHH Tràng Thi, Công ty hợp tác kinh tế quân khu IV, Công ty khoáng sản 4. Tổng năng lực khai thác và chế biến đá bazan toàn tỉnh đến năm 2010 đạt 1.150 nghìn tấn.

- Phấn đấu đến năm 2010 không còn sản xuất gạch thủ công. Thành lập các công ty cổ phần hoặc hợp tác xã ở các huyện phát triển sản xuất gạch như Thanh Chương, Tân Kỳ, đầu tư các lò Tuynen công suất 10-15 triệu viên/năm. Xây dựng các dây chuyền gạch không nung công suất 10 triệu viên/năm ở các huyện Tương Dương, Quỳ Châu, Con Cuông, Kỳ Sơn, Anh Sơn.

4.5. Phát triển TTCN và làng nghề

4.5.1. Mục tiêu phát triển TTCN - nghề và làng nghề tỉnh Nghệ An

Phát huy thế mạnh về lao động đất đai, tài nguyên khoáng sản; khai thác các nguồn lực tại chỗ để phát triển ngành nghề TTCN, xây dựng làng nghề. Tập trung phát triển mạnh những ngành nghề: chế biến nông - lâm sản, thực phẩm; khai thác sản xuất VLXD, ươm tơ dệt lụa, dệt thổ cẩm. Du nhập một số nghề mới như chế tác đá mỹ nghệ, mộc cao cấp, nứa ghép,...

Đến năm 2010 xây dựng được 20 - 25 làng đạt tiêu chí làng nghề ở các lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm, mộc mỹ nghệ và dân dụng, ươm tơ dệt lụa, dệt thổ cẩm, khai thác chế tác đá mỹ nghệ.

Giải quyết việc làm ổn định cho 2 - 3 vạn lao động trong đó 20% lao động được đào tạo cơ bản thực hiện chuyển dịch phân công lao động và cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.

4.5.2. Kế hoạch phát triển

a) Ngành nghề chế biến nông-lâm sản:

Khuyến khích phát triển ở tất cả các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương. Tập trung chỉ đạo phát triển các nghề :

Nghề chế biến lương thực, thực phẩm: Huyện Thanh Chương ở xã Thanh Tường, Thanh Mỹ, Thanh Minh, Thanh Yên, Thanh Giang, thị trấn. Huyện Nghĩa Đàn ở xã Nghĩa Hoà, Thái Hoà, Nghĩa Khánh

Nghề chế biến gỗ lâm sản: Huyện Nghĩa Đàn: phát triển nghề mộc ở xã Nghĩa Quang, làng tân Quyết Thắng thị trấn Thái Hòa. Huyện Thanh Chương: phát triển nghề mộc dân dụng ở các xã: Thanh Lĩnh, Thanh Tường, Đồng Văn, Thanh Hưng, Thị trấn. Xây dựng làng nghề chế biến gỗ: chế biến mộc dân dụng và mộc mỹ nghệ ở xã Nghĩa Quang.

b) Ngành nghề sản xuất và khai thác VLXD:

Bố trí tập trung khai thác ở 2 cụm chính là: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu khai thác đá vôi, đá hoa cương, đá trắng, cát, sỏi, đầu tư phát triển nhà máy sản xuất gạch tuy nen. Anh Sơn, Đô Lương, Tân Kỳ duy trì các cơ sở sản xuất hiện có, tiếp tục phát triển nhà máy sản xuất gạch tuy nen, sản xuất gạch không nung.

Bố trí phát triển ở các huyện:

- Huyện Nghĩa Đàn: Phát triển nghề khai thác, sản xuất VLXD, đá bột làm phụ gia cho nhà máy xi măng ở các xã có vùng nguyên liệu ổn định lâu dài: Nghĩa Hoàn, Nghĩa Quang, Nghĩa Khánh, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Tiến, Tây Hiếu, Nghĩa Liên, Nghĩa Minh.

- Huyện Quỳ Châu: Phát triển khai thác đá xây dựng ở các xã Châu Hạnh, Châu Thắng. Bố trí phát triển nghề khai thác cát sỏi ở các xã Châu Hội, Châu Hạnh, Châu Tiến. Sản xuất vật liệu nung ở xã Châu Bình.

- Huyện Thanh Chương: Phát triển nghề sản xuất gạch ngói ở Rào Giang và các xã Ngọc Sơn, Thanh Dương, Thanh Tường, Thanh Đông, Thanh Hưng, Thanh Lâm, Thanh Xuân. Nghề khai thác cát ở thị trấn Rộ. Khai thác đá granit ở xã Thanh Thủy, Riônit ở Thanh Ngọc, vôi ở xã Thanh Mỹ, Thanh Lâm.

- Huyện Tân Kỳ: Phát triển nghề khai thác, sản xuất VLXD ở xã Nghĩa Hoàn

- Huyện Anh Sơn: phát triển nghề khai thác sản xuất VLXD, khai thác cát, đá hộc, đá xay, sản xuất gạch không nung ở thị trấn, xã Long Sơn, Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn.

- Huyện Con Cuông: Phát triển nghề khai thác, sản xuất VLXD, đá xây dựng ở thị trấn, xã Bông Khê, Yên Khê, Chi Khê. Phát triển các cơ sở khai thác cát, sỏi, sản xuất vật liệu không nung ở Thị trấn, Môn Sơn, Mậu Đức.

c) Nghề mây tre đan

Tập trung phát triển nghề mây tre đan ở những địa phương đã có bao gồm : Huyện Tân Kỳ ở xã Kỳ Tân. Huyện Thanh Chương ở xã Thanh Lĩnh, Thanh Dương, Đông Văn. Không tiếp tục mở rộng ở các địa phương khác.

d) Nghề ươm tơ dệt lụa, dệt thổ cẩm

Chú trọng phát triển mô hình sản xuất làng nghề dâu tằm tơ ở các địa phương có điều kiện thuận lợi nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất, lao động, tay nghề. Tập trung đầu tư giống mới với năng suất cao (cả giống tằm và giống dâu), kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm ươm tơ kéo sợi đũi để đến năm 2010 sẽ phát triển làm tơ xe và dệt lụa. Tập trung phát triển ở các huyện: Huyện Anh Sơn ở các xã Tường Sơn, Vĩnh Sơn, Đức Sơn. Huyện Thanh Chương ở các xã Thanh Văn, Cát Văn, Thanh Trường, Thanh Dương, Thanh Tài, Thanh Ngọc, Thanh Lĩnh. Huyện Tân Kỳ ở xã Nghĩa Đồng.

Duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm tại huyện Con Cuông ở các xã Lục Dạ, Môn Sơn; huyện Quỳ Châu ở các xã Châu Tiến, Châu Hạnh; huyện Quế Phong ở xã Mường Nọc; huyện Kỳ Sơn ở xã Tà Cạ.

e) Du nhập nghề mới

Với lợi thế đá trắng ở huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, tiếp tục phát triển mạnh khai thác chế biến đá ốp lát, sản xuất bột đá siêu mịn đồng thời du nhập nghề chế tác đá mỹ nghệ, đa dạng hoá chủng loại sản phẩm hàng hoá phục vụ nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước.

4.6. Phát triển khu công nghiệp tập trung, các KCNN

4.6.1. Khu công nghiệp tập trung

- Hoàn chỉnh và phê duyệt quy hoạch chi tiết khu công nghiệp Phủ Quỳ diện tích 150 ha. Từ năm 2008 tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng. Phấn đấu đến năm 2010 lấp đầy 30 - 50% diện tích khu công nghiệp.

- Tổ chức khảo sát địa điểm tại các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, để thành lập thêm một đến hai khu công nghiệp mới, trên cơ sở các yếu tố thuận lợi của các địa phương này có đường Hồ Chí Minh đi qua hoặc xuất hiện các cơ sở công nghiệp mới như nhà máy xi măng Đô Lương, nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ đang được triển khai xây dựng, v.v.

4.6.2. Các khu công nghiệp nhỏ

- Đầu tư đồng bộ 4 KCNN đã lập quy hoạch và có dự án đầu tư gồm KCNN thị trấn Anh Sơn, KCNN Châu Quang, phấn đấu đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân từ 80 - 100%.

- Quy hoạch và tiếp tục đầu tư phát triển để đảm bảo trên địa bàn mỗi huyện có ít nhất 01 KCNN để đáp ứng thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn, di dời các cơ sở sản xuất đã đầu tư nằm trong khu dân cư, đô thị gây ô nhiễm. Cụ thể như sau:

TT

Tên KCNN

Địa điểm

Diện tích

(ha)

Kế hoạch mục tiêu

Hoàn thành QH chi tiết và BC đầu tư

Tỷ lệ lấp đầy đến 2010 (%)

Vốn ĐT

(triệu đ)

1

Châu Hồng

Quỳ Hợp

15

2007

100

11.305

2

Tam Hợp

15

2007-2008

50

13.705

3

Nghĩa Xuân

25

2007-2008

55

15.820

4

Đồng Văn

Tân Kỳ

20

2006

100

13.245

5

Nghĩa Dũng

15

2008

80-90

12.255

6

Nghĩa Mỹ

Nghĩa Đàn

30

2007

100

15.510

7

Bồng Khê

Con Cuông

23

2007-2008

80

14.610

8

Thạch Giám

Tương Dương

7,0

2008

100

8.990

9

Thị trấn Quỳ Châu

Quỳ Châu

19,5

2007-2008

60

13.250

10

Thanh Ngọc

Thanh Chương

7

2007-2008

100

9.450

11

Đỏn Cớn

Quế Phong

20

2008-2010

75

12.490

Tổng cộng

 

196,5

 

75 - 80

140.630

- Về tiến độ thực hiện: Đến năm 2010, đầu tư hoàn chỉnh và cơ bản lấp đầy 4 KCNN. Gồm: Châu Hồng (Quỳ Hợp); Đồng Văn và Nghĩa Dũng (Tân Kỳ); Nghĩa Mỹ (Nghĩa Đàn). Giai đoạn 2007 - 2008 triển khai các bước chuẩn bị đầu tư (lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư hạ tầng) các KCNN: Bồng Khê (Con Cuông); Thạch Giám (phía Tây thị trấn Hoà Bình, huyện Tương Dương); Tam Hợp, Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp), Thanh Ngọc (Thanh Chương); thị trấn Quỳ Châu (Quỳ Châu); Đỏn Cớn (Quế Phong).

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Rà soát các quy hoạch, điều tra đánh giá trữ lượng một số loại khoáng sản phục vụ vận động thu hút đầu tư.

- Các quy hoạch liên quan cần hoàn chỉnh là: Quy hoạch phát triển lưới điện 10 huyện miền núi; Quy hoạch phát triển thuỷ điện; Quy hoạch phát triển cây, con; Quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.

- Điều tra khảo sát thăm dò và phân tích khoáng sản để làm rõ quy mô, hàm lượng, chất lượng cụ thể của từng loại, làm cơ sở cho các hoạt động quản lý và khai thác sử dụng. Tập trung tìm kiếm các dự án khai thác và chế biến các khoáng sản có trữ lượng lớn và chất lượng tốt, trong đó ưu tiên phát triển các dự án đầu tư mới và đầu tư cải tạo có quy mô từ trung bình trở lên và có công nghệ tiên tiến, không gây ô nhiễm hoặc làm ảnh hưởng tới môi trường. Khai thác triệt để các thế mạnh về tài nguyên của tỉnh như: đá bazan, đá trắng… đi sâu chế biến tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm.

2. Tập trung phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến.

Để đảm bảo mục tiêu phát triển đã đề ra theo đề án này cần tập trung chỉ đạo thực hiện vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến đảm bảo công suất đầu tư. Cụ đến 2010 phải có: Mía 29.000 ha, sắn 3.000 ha, chè 13.000 ha, cà phê 2.500 - 3.000 ha.

3. Đầu tư phát triển hạ tầng.

- Về giao thông: Ngoài đầu tư của TW đối với quốc lộ và tỉnh lộ, tranh thủ các nguồn vốn kể cả huy động của dân đề hoàn thành các tuyến đường vào các xã chưa có đường ô tô vào trung tâm. Nâng cấp giao thông vùng nguyên liệu. Xây dựng các tuyến đường kinh tế gắn với quốc phòng.

- Phát triển hạ tầng các KCNN, thực hiện đầu tư phát triển đảm bảo tiến độ theo quy hoạch phát triển đã phê duyệt tại Quyết định số 91/QĐ-UBND ngày 7/1/2007.

- Phát triển hệ thống dịch vụ nhất là thông tin liên lạc, dịch vụ ngân hàng đáp ứng kịp thời cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

4. Thực hiện hỗ trợ, ưu đãi phát triển.

Trước hết tận dụng triệt để các nguồn hỗ trợ của Trung ương giành cho vùng Tây Bắc. Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ của tỉnh trên các lĩnh vực:

- Hỗ trợ phát triển KCNN.

- Hỗ trợ khuyến công tập trung vào lĩnh vực đào tạo nghề, khôi phục và phát triển nghề truyền thống, phát triển mở rộng tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, TTCN,v.v... Khuyến khích các huyện lập quỹ khuyến công để hỗ trợ phát triển công nghiệp, TTCN và làng nghề.

- Hỗ trợ vận động xúc tiến đầu tư.

5. Phối hợp chặt chẽ, phân công trách nhiệm các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Tập trung:

5.1. Tăng cường quản lý nhà nước về công nghiệp. Quản lý chặt chẽ việc cấp phép khai thác đảm bảo tiết kiệm đồng thời đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khai thác trên quy mô công nghiệp. ưu tiên doanh nghiệp khai thác kết hợp với chế biến, nhất là chế biến sâu. Nâng cao chất lượng lập dự án, thẩm định dự án. Các dự án đầu tư mới đảm bảo công nghệ thiết bị hiện đại, tiên tiến, chú trọng sử dụng các máy móc thiết bị sản xuất được trong nước đảm bảo chất lượng giá thành rẻ để giảm suất đầu tư.

Bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các phòng công nghiệp - dịch vụ huyện, thành, thị. Tăng cường đội ngũ quản lý sản xuất TTCN đến các phường, xã, trước mắt là ở các xã, làng nghề trọng điểm.

5.2. Nhiệm vụ các ngành cấp tỉnh:

Đảm bảo các điều kiện (địa điểm, nhu cầu về vốn, cơ sở hạ tầng, tổ chức đảm bảo đủ nguyên liệu cho các nhà máy…) và tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ. Thực hiện tốt các đề án theo phân công của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 309/KH-UBND-TH ngày 06/10/2006 của về triển khai thực hiện Quyết định số 147/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt đề án phát triển kinh tế xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2010”.

5.3. Nhiệm vụ 10 huyện miền núi.

Rà soát, điều chỉnh đề án phát triển công nghiệp, TTCN, xây dựng làng nghề và triển khai thực hiện. Mỗi địa phương lựa chọn 1-2 nghề, làng có nghề để tập trung chỉ đạo, từ đó nhân rộng. Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho các công trình dự án đầu tư phát triển công nghiệp và hình thành các khu TTCN tập trung. Phối hợp với các ngành để chỉ đạo trồng và đảm bảo đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hoạt động đạt công suất./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3217/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp trên địa bàn miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2010

  • Số hiệu: 3217/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/08/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Nguyễn Đình Chi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/08/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản