Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 32/2003/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 2 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 32/2003/QĐ-TTG NGÀY 27 THÁNG 02 NĂM 2003 BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ CÓ THƯỞNG DÀNH CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ Luật Khuyến khích đầu tư trong nước ngày 22 tháng 6 năm 1994, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Khuyến khích đầu tư trong nước ngày 20 tháng 5 năm 1998; Luật Doanh nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế về hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ CÓ THƯỞNG DÀNH CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2003/QĐ-TTg ngày 27 tháng 02 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Định nghĩa về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng:

Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng là việc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để tiến hành trò chơi giữa người với máy điện tử sử dụng làm trò chơi có cài sẵn chương trình trả thưởng tự động (sau đây viết tắt là trò chơi có thưởng).

Điều 2. Phạm vi và đối tượng áp dụng:

1. Quy chế này áp dụng đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng của các doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam.

2. Các loại hình kinh doanh trái với định nghĩa tại Điều 1 không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ:

Trong Quy chế này, các cụm từ sau đây được hiểu như sau:

- "Điểm vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài" là không gian có bố trí các máy điện tử sử dụng làm trò chơi và các trang thiết bị khác phục vụ khách (sau đây viết tắt là Điểm vui chơi).

- "Tỷ lệ trả thưởng" là tỷ lệ phần trăm giữa số tiền trả thưởng khách thu được so với số tiền khách bỏ ra chơi.

- "Đồng tiền" bao gồm tiền kim loại, tiền giấy và các loại đồng tiền quy ước (gọi chung là đồng xèng) có mệnh giá nhất định so với đồng tiền Việt Nam.

Chương 2:

CÁC ĐIỀU KIỆN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ CÓ THƯỞNG

Điều 4. Giấy phép đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:

Doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng phải nộp hồ sơ xin phép tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chỉ được hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng sau khi được cấp Giấy phép đầu tư (đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) hoặc chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với doanh nghiệp trong nước). Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Giấy phép đầu tư đồng thời có giá trị là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều 5. Điều kiện chung để được cấp phép:

1. Kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử có thưởng thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, không khuyến khích phát triển.

2. Chỉ xem xét cấp Giấy phép đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (sau đây gọi chung là Giấy phép) trò chơi điện tử có thưởng cho các doanh nghiệp có đủ một trong các điều kiện sau:

- Doanh nghiệp kinh doanh khách sạn tại các địa phương thường xuyên có số lượng lớn người nước ngoài (khách du lịch, nhà đầu tư...) lưu trú, có khách sạn đạt cấp hạng từ 4 sao trở lên (đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) và 3 sao trở lên (đối với các địa phương có nhiều khách du lịch nước ngoài), và có khu riêng biệt dành làm Điểm vui chơi.

- Doanh nghiệp kinh doanh khu vui chơi giải trí, khu du lịch, có quy mô lớn và có khu riêng biệt dành làm điểm vui chơi phù hợp với điều kiện của địa phương được ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đề nghị.

3. Các doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép hoạt động trò chơi điện tử có thưởng trước khi có Quy chế này thì được tiếp tục kinh doanh mà không cần làm thủ tục xin cấp lại Giấy phép.

4. Không cấp Giấy phép cho các doanh nghiệp chỉ đơn thuần kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng.

Điều 6. Điều kiện cụ thể đối với doanh nghiệp để được xem xét cấp Giấy phép:

- Đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 5 Quy chế này.

- Có lực lượng bảo vệ và thiết bị bảo vệ đảm bảo tuyệt đối công tác an ninh, an toàn trong điểm vui chơi và khu vực do doanh nghiệp quản lý.

- Có quầy kiểm tra hộ chiếu, giấy thông hành hoặc các giấy tờ khác có giá trị tương tự như giấy thông hành cho khách trước khi vào điểm vui chơi.

- Có đồng tiền quy ước (đồng xèng) do doanh nghiệp đặt sản xuất riêng và được đăng ký tại Sở Tài chính và công an tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp được phép kinh doanh trò chơi có thưởng.

- Thiết bị điện tử dùng cho khách phải đảm bảo chất lượng, đảm bảo không có sự sai sót so với chương trình cài đặt sẵn. Tỷ lệ trả thưởng cài đặt trong máy phải đăng ký tại Sở Tài chính nơi doanh nghiệp được phép kinh doanh trò chơi có thưởng.

Điều 7. Đối tượng được tham gia trò chơi điện tử có thưởng tại điểm vui chơi:

Đối tượng được tham gia trò chơi điện tử có thưởng tại các điểm vui chơi chỉ bao gồm người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài (sau đây gọi chung là khách) tự nguyện chấp hành Quy chế này và các quy định, nội quy của Điểm vui chơi.

Nghiêm cấm các đối tượng khác tham gia chơi trò chơi điện tử có thưởng dưới bất cứ hình thức nào.

Điều 8. Đối tượng được ra vào Điểm vui chơi gồm:

- Khách quy định tại Điều 7 Quy chế này.

- Những người tham gia quản lý, điều hành, bảo vệ Điểm vui chơi.

- Công chức của các cơ quan quản lý nhà nước khi được cơ quan thẩm quyền giao nhiệm vụ thực thi việc kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của Điểm vui chơi.

Điều 9. Nhân viên bảo vệ Điểm vui chơi có quyền:

- Không cho những người không thuộc đối tượng quy định tại Điều 8 Quy chế này vào Điểm vui chơi.

- Cách ly và đưa ra khỏi Điểm vui chơi những đối tượng bị phát hiện có hành vi lừa gạt, sử dụng thủ pháp gian lận, tiến hành hoạt động phi pháp, quấy rối.

- Từ chối người say rượu hoặc mắc bệnh tâm thần vào Điểm vui chơi.

Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của đối tượng được ra vào Điểm vui chơi:

Tất cả mọi đối tượng không thuộc bộ máy quản lý, điều hành, bảo vệ Điểm vui chơi trước khi vào Điểm vui chơi phải gửi vũ khí, thiết bị quay phim, chụp ảnh, ghi âm tại phòng giữ đồ và phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy thông hành hoặc giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền xác nhận đang thực thi công vụ liên quan đến kiểm tra, thanh tra, giám sát tại quầy kiểm tra.

Điều 11. Thời gian hoạt động:

Các Điểm vui chơi được phép hoạt động tất cả các ngày trong năm.

Điều 12. Chế độ thuế và tài chính:

Dịch vụ kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử có thưởng nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính quy định cụ thể về chế độ tài chính, chế độ thưởng và các loại thuế đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ này.

Chương 3:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Điều 13. Thẩm định và cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:

Nhà nước thống nhất quản lý việc cấp Giấy phép đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cấp Giấy phép đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với dự án kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng.

Hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng có tính nhạy cảm và chỉ là hoạt động kinh doanh bổ sung cho hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp, do vậy số lượng đơn vị được cấp phép phải hạn chế.

Điều 14. Quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng:

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng của các doanh nghiệp nằm trên địa bàn.

Điều 15. Thanh tra, kiểm tra:

Việc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng tuân thủ quy định sau:

1. Việc kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên ngành được thực hiện không qúa một lần trong một năm đối với một doanh nghiệp; mỗi đợt không quá 7 ngày. Cơ quan chức năng có trách nhiệm lập kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên ngành gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có Điểm vui chơi để phối hợp thực hiện. Quyết định kiểm tra doanh nghiệp được gửi đến doanh nghiệp trước khi kiểm tra ít nhất 7 ngày.

2. Kiểm tra, thanh tra đột xuất: khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm Quy chế này hoặc vi phạm pháp luật Việt Nam, Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành ra quyết định kiểm tra, thanh tra đột xuất doanh nghiệp.

3. Nếu doanh nghiệp vi phạm Điều 7 Quy chế này thì bị đình chỉ kinh doanh ngay và xử lý theo pháp luật.

4. Người ra quyết định kiểm tra, thanh tra không đúng quy định pháp luật hoặc lợi dụng kiểm tra, thanh tra để vụ lợi, sách nhiễu doanh nghiệp, tùy theo mức độ sai phạm bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với các quyết định và hành vi trái pháp luật của viên chức, cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Các doanh nghiệp được phép kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng căn cứ vào Quy chế này để xây dựng quy định quản lý nội bộ Điểm vui chơi của mình; trong đó nêu cụ thể về việc quản lý nhân sự, quản lý tài chính, đảm bảo an ninh, phương thức giải quyết mối quan hệ giữa khách với doanh nghiệp và với nhân viên quản lý Điểm vui chơi...

Điều 17. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản lý hoặc chủ đầu tư và trước pháp luật Việt Nam về mọi hoạt động của Điểm vui chơi thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp mình. Khi có vi phạm các điều khoản của Quy chế này, tùy mức độ vi phạm, cơ quan cấp Giấy phép có thể ra quyết định đình chỉ tạm thời hoặc vĩnh viễn hoạt động của Điểm vui chơi; các cơ quan quản lý nhà nước, theo chức năng của mình có thể ra quyết định xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Thương mại, Tổng cục Du lịch hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động của các Điểm vui chơi về việc thực hiện Quy chế này và kịp thời giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng có nghĩa vụ chấp hành Quy chế này và phải tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động và chịu sự kiểm tra, giám sát đó.

Điều 19. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bổ sung, sửa đổi.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 32/2003/QĐ-TTg Quy chế về hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 32/2003/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/02/2003
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 09/04/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 01/10/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản