Hệ thống pháp luật

BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/QĐ-BCĐ389

Hà Nội, ngày 23 tháng 05 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ

TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ

Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;

Căn cứ Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

Xét đề nghị của Phó Trưởng Ban thường trực,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và các Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 (có danh sách kèm theo), Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 (gọi tắt là Văn phòng Thường trực) chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Thành viên Ban Chỉ đạo;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, VPBCĐ389 (3b).

TRƯỞNG BAN
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG

BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/QĐ-BCĐ389 ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Quy chế này quy định nguyên tắc, trách nhiệm, chế độ làm việc, thông tin báo cáo, mối quan hệ phối hợp công tác và một số hoạt động khác của Ban Chỉ đạo 389.

2. Quy chế này áp dụng đối với Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban, các Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 (gọi tắt là các Thành viên), Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389, Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các địa phương, Thủ trưởng các cơ quan liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động của Ban Chỉ đạo 389

1. Ban Chỉ đạo 389 hoạt động thường xuyên thông qua hoạt động của các thành viên và của Văn phòng Thường trực. Trên cơ sở phân công nhiệm vụ rõ ràng, đề cao trách nhiệm cá nhân của Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và các Ủy viên.

2. Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở hồ sơ, tài liệu và tình hình thực tế; triệu tập họp Ban Chỉ đạo 389 hàng quý, hoặc đột xuất khi có vấn đề, vụ việc phức tạp, nghiêm trọng; thành lập hoặc chỉ đạo thành lập các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra thực tế nếu cần thiết.

3. Các Thành viên Ban Chỉ đạo 389 làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực của Bộ, ngành mình và các nhiệm vụ được Trưởng Ban phân công.

4. Trưởng Ban sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; các Phó Trưởng Ban sử dụng con dấu của Bộ mình.

5. Hành động thiết thực, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Điều 3. Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo 389

Bộ Tài chính là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo 389, Bộ Tài chính sử dụng các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp với Văn phòng Thường trực có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo 389.

Chương 2.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Trách nhiệm của Trưởng Ban Chỉ đạo 389

Trưởng Ban chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 và các nhiệm vụ cụ thể:

1. Lãnh đạo, điều hành mọi hoạt động của Ban Chỉ đạo 389; giao nhiệm vụ hoặc ủy quyền cho Phó Trưởng Ban và các Ủy viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo 389.

2. Triệu tập, chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo 389.

3. Yêu cầu các Thành viên Ban Chỉ đạo 389, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan chức năng báo cáo khi cần thiết. Yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan tham gia Ban Chỉ đạo 389 cử cán bộ, công chức tham gia Văn phòng Thường trực theo đề nghị của Phó Trưởng Ban thường trực.

4. Thành lập hoặc chỉ đạo thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra việc xử lý một số vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng, có tổ chức; kiểm tra tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại một số địa bàn trọng điểm.

5. Biểu dương, khen thưởng, phê bình các Thành viên Ban Chỉ đạo 389, các địa phương, các đơn vị, cá nhân trong hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Điều 5. Trách nhiệm của Phó Trưởng Ban thường trực - Bộ trưởng Bộ Tài chính

Phó Trưởng Ban thường trực trực tiếp xử lý và báo cáo Trưởng Ban các công việc có tính chất thường xuyên của Ban Chỉ đạo 389; những công việc được Trưởng Ban ủy quyền và thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Giúp Trưởng Ban điều hành hoạt động chung của Ban Chỉ đạo 389 theo kế hoạch, chương trình công tác được Trưởng Ban chỉ đạo, phê duyệt hoặc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

2. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, lực lượng chức năng và các địa phương trong thực hiện:

a) Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

b) Triển khai chiến lược, đề án, dự án, kế hoạch, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo 389; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;

c) Hoạt động phối hợp trong phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ việc nghiêm trọng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

d) Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, chế độ chính sách có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

3. Khi được Trưởng Ban ủy quyền, chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo 389.

4. Chỉ đạo triển khai các kế hoạch, chương trình công tác đột xuất, ngắn hạn của Ban Chỉ đạo 389;

5. Chỉ đạo việc cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí; chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

6. Chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389; trực tiếp chỉ đạo ngành Tài chính thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

7. Chỉ đạo thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

8. Đề xuất, trình Trưởng Ban phê duyệt nhiệm vụ cụ thể của các thành viên Ban Chỉ đạo 389.

9. Yêu cầu các Thành viên Ban Chỉ đạo 389, Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các địa phương, Thủ trưởng các cơ quan liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo 389.

10. Căn cứ vào Quy chế hoạt động của Văn phòng Thường trực và yêu cầu thực tế cử cán bộ, công chức Bộ Tài chính làm việc tại Văn phòng Thường trực; báo cáo Trưởng Ban yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan tham gia Ban Chỉ đạo 389 cử bổ sung, thay thế cán bộ, công chức làm việc tại Văn phòng Thường trực.

11. Chỉ đạo hoạt động của Văn phòng Thường trực; phối hợp với các cơ quan liên quan đảm bảo chế độ, chính sách đối với cán bộ, chuyên viên của Văn phòng Thường trực và các điều kiện khác đảm bảo hoạt động của Văn phòng Thường trực.

12. Thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật của Ban Chỉ đạo 389 và các nhiệm vụ khác do Trưởng Ban giao.

Điều 6. Trách nhiệm của Phó Trưởng Ban - Bộ trưởng Bộ Công Thương

Tổ chức thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo sự phân công của Trưởng Ban; trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Đề xuất giải pháp để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 389; chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc phạm vi Bộ mình quản lý.

2. Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở thị trường trong nước.

3. Chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương tham gia xây dựng, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định, thủ tục để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn gian lận thương mại và hàng giả.

4. Giúp Trưởng Ban chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các tỉnh, thành phố phía Bắc (từ Thanh Hóa trở ra). Cử biệt phái cán bộ, công chức đến làm việc tại Văn phòng Thường trực theo yêu cầu của Trưởng Ban.

Điều 7. Trách nhiệm của Phó Trưởng Ban - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Tổ chức thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo sự phân công của Trưởng Ban, trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Đề xuất giải pháp để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 389; chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc phạm vi Bộ mình quản lý.

2. Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

3. Chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng tham mưu xây dựng, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

4. Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên (từ Nghệ An đến Ninh Thuận). Cử biệt phái cán bộ, công chức đến làm việc tại Văn phòng Thường trực theo yêu cầu của Trưởng Ban.

Điều 8. Trách nhiệm của Phó Trưởng Ban - Thứ trưởng Bộ Công an

Tổ chức thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo sự phân công của Trưởng Ban, trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Đề xuất giải pháp để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 389; chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc phạm vi Bộ mình quản lý.

2. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm, An ninh kinh tế, An ninh điều tra thực hiện nhiệm vụ chống buôn gian lận thương mại và hàng giả.

3. Chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công an tham mưu xây dựng, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

4. Giúp Trưởng Ban chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (từ Bình Thuận trở vào). Cử biệt phái cán bộ đến làm việc tại Văn phòng Thường trực theo yêu cầu của Trưởng Ban.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy viên Ban Chỉ đạo 389

1. Tổ chức thực hiện, trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban về kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ công tác theo sự phân công hoặc ủy quyền của Trưởng Ban.

2. Đề xuất giải pháp để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 389; chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực và tổ chức mình quản lý.

3. Giúp Trưởng Ban chỉ đạo các đơn vị thuộc trách nhiệm quản lý trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và các nhiệm vụ khác được Trưởng Ban phân công; theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc chỉ đạo của Trưởng Ban, cử đơn vị làm đầu mối thường trực giúp việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 389 tại Bộ, ngành mình; cử cán bộ, công chức đến làm việc tại Văn phòng Thường trực theo yêu cầu của Trưởng Ban.

4. Chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ, ngành mình tham mưu xây dựng, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Điều 10. Nhiệm vụ của Văn phòng Thường trực

Văn phòng Thường trực có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Trưởng Ban, các Phó Trưởng Ban chỉ đạo hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Thường trực có Quy chế hoạt động riêng.

Điều 11. Chế độ thông tin báo cáo

1. Các Bộ, ngành, cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo 389, các địa phương có trách nhiệm báo cáo định kỳ tháng, quý, 06 tháng, năm; báo cáo đột xuất khi có yêu cầu hoặc phát sinh vụ việc phức tạp, nghiêm trọng.

2. Văn phòng Thường trực hướng dẫn cụ thể hình thức, thời gian, nội dung báo cáo; tổng hợp báo cáo Trưởng Ban.

Điều 12. Chế độ họp

1. Ban Chỉ đạo 389 tổ chức họp hàng quý, tổng kết năm và họp đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Ban. Thành viên Ban Chỉ đạo 389 vắng mặt phải báo cáo Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban thường trực và ủy quyền cho cán bộ dự họp thay.

2. Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban được Trưởng Ban giao chủ trì Hội nghị, cuộc họp quyết định nội dung, thành phần tham gia, thời gian tổ chức theo đề nghị của Văn phòng Thường trực.

Điều 13. Mối quan hệ công tác giữa Ban Chỉ đạo 389 với Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả địa phương

1. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và theo kế hoạch, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389.

2. Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả địa phương có trách nhiệm triển khai đầy đủ, kịp thời sự chỉ đạo, các kế hoạch, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo 389; báo cáo định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 14. Kinh phí hoạt động

1. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 do ngân sách nhà nước cấp và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Bộ Tài chính, các nguồn kinh phí khác (nếu có) theo quy định. Hàng năm Văn phòng Thường trực lập dự toán kinh phí theo quy định.

2. Việc sử dụng kinh phí được thực hiện theo Quy chế sử dụng kinh phí của Ban Chỉ đạo 389. Văn phòng Thường trực căn cứ các quy định về quản lý tài chính hiện hành để xây dựng Quy chế bảo đảm phù hợp với tính chất hoạt động của Ban Chỉ đạo 389.

3. Chánh Văn phòng Thường trực là chủ tài khoản của Ban Chỉ đạo 389; chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban về quản lý và sử dụng kinh phí được cấp đúng mục đích, tuân thủ các quy định về quản lý tài chính; hàng năm thực hiện quyết toán theo quy định và báo cáo Trưởng Ban về hoạt động tài chính của Ban Chỉ đạo 389.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Điều khoản thi hành

1. Các Thành viên Ban Chỉ đạo 389, Chánh Văn phòng Thường trực và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy định tại Quy chế này.

2. Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả địa phương căn cứ vào Quy chế này và tình hình thực tế tại địa phương Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo địa phương./.

 

DANH SÁCH

THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/QĐ-BCĐ389 ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả)

1. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban;

2. Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng Ban thường trực;

3. Ông Vũ Huy Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó Trưởng Ban;

4. Ông Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban;

5. Ông Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban;

6. Ông Nguyễn Quang Thắng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Ủy viên;

7. Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Ủy viên;

8. Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Ủy viên

9. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên;

10. Ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Ủy viên;

11. Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Ủy viên;

12. Ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy viên;

13. Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy viên;

14. Ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên;

15. Ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên;

16. Ông Lâm Kiết Tường, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Ủy viên;

17. Ông Phan Văn Vĩnh, Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Ủy viên;

18. Ông Nguyễn Cảnh Hiền, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ủy viên;

19. Ông Nguyễn Quang Đạm, Thiếu tướng, Tư lệnh Cảnh sát biển, Ủy viên;

20. Ông Nguyễn Ngọc Túc, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Ủy viên;

21. Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Ủy viên;

22. Ông Trịnh Văn Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường, Ủy viên.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 31/QĐ-BCĐ389 năm 2014 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

  • Số hiệu: 31/QĐ-BCĐ389
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/05/2014
  • Nơi ban hành: Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 569 đến số 570
  • Ngày hiệu lực: 23/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản