Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2013/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 08 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH TIÊU CHÍ CHỌN TÊN, ĐƯA VÀO QUỸ TÊN ĐƯỜNG TẠI THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;

Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2013 của Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII, kỳ họp thứ mười về tiêu chí chọn tên, đưa vào Quỹ tên đường tại thành phố;

Căn cứ Quyết định số 92/2005/QĐ-UB ngày 06 tháng 6 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng đặt mới, sửa đổi tên đường, công viên, quảng trường và công trình công cộng thành phố Hồ Chí Minh;

Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cơ quan Thường trực Hội đồng đặt mới, sửa đổi tên đường, công viên, quảng trường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tại Tờ trình số 3282/TTr- SVHTTDL ngày 28 tháng 6 năm 2013 về tiêu chí chọn tên, đưa vào Quỹ tên đường tại thành phố,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm Quyết định này tiêu chí chọn tên, đưa vào Quỹ tên đường tại thành phố.

Điều 2. Giao Hội đồng đặt mới, sửa đổi tên đường, công viên, quảng trường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố có kế hoạch bổ sung Quỹ tên đường và các công trình công cộng theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ và nội dung tiêu chí chọn tên, đưa vào Quỹ tên đường tại thành phố. Thường xuyên thông tin, tuyên truyền giới thiệu về ý nghĩa lịch sử, giá trị di tích, danh lam, thắng cảnh, công trạng của danh nhân được chọn để đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng để mọi người được biết.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Hội đồng đặt mới, sửa đổi tên đường, công viên, quảng trường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố, Thủ trưởng các Sở, ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND.TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố;
- Văn phòng Thành ủy;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND.TP;
- Ban Văn hóa Xã hội-Hội đồng nhân dân TP;
- Các Đoàn thể thành phố;
- VPUB: Các PVP; Các Phòng CV, TTCB;
- Lưu:VT, (VX/Ha) An.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

TIÊU CHÍ

CHỌN TÊN, ĐƯA VÀO QUỸ TÊN ĐƯỜNG TẠI THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2013/QĐ-UBND ngày 21 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố)

I. NGUYÊN TẮC CHUNG VỀ VIỆC ĐẶT, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG

1. Căn cứ vào vị trí, cấp độ, quy mô của đường và công trình công cộng để đặt tên tương xứng với ý nghĩa của địa danh, tầm quan trọng của sự kiện lịch sử và công lao của danh nhân.

2. Ưu tiên chọn sự kiện lịch sử - văn hóa, địa danh nổi tiếng, danh lam thắng cảnh, danh nhân và nhân vật lịch sử tiêu biểu, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng liệt sĩ, những người có công đối với đất nước, gắn bó với sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ để đặt tên đường và công trình công cộng.

3. Nhân vật lịch sử có nhiều tên gọi như: tên húy, tên hiệu, tước hiệu, bút hiệu thì chỉ dùng một tên phổ biến nhất, được đông đảo nhân dân biết đến để đặt tên đường và công trình công cộng. Không đặt tên của một nhân vật lịch sử cho nhiều đường khác nhau trên địa bàn thành phố.

* Nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đưa vào Quỹ tên đường và công trình công cộng.

4. Không đổi tên đường và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, gắn bó với lịch sử - văn hóa của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ. Trường hợp đường và công trình công cộng đã có tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử - văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, gây ảnh hưởng và tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng.

5. Việc đặt tên đường và công trình công cộng chỉ sử dụng tên của những người đã mất và chỉ sử dụng tên trong Quỹ tên đường đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua.

6. Tên theo số thứ tự hoặc tên địa danh kết hợp với số thứ tự (ví dụ: Bàu Cát 1, Bàu Cát 2…): dùng đặt tên cho những con đường ở khu cư xá, chung cư, khu dân cư mới hoặc khu công nghiệp, các số phải sắp đặt theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, theo hướng từ Bắc đến Nam, từ Đông sang Tây.

7. Tên các loại hoa, các loại đặc sản tiêu biểu của Nam bộ.

8. Công bố công khai tên các địa danh, sự kiện lịch sử, danh nhân, nhân vật lịch sử để nhân dân tham gia góp ý kiến trước khi Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân tại các kỳ họp thường kỳ hàng năm.

II. TIÊU CHÍ CỤ THỂ XÉT CHỌN TÊN

1. Tên các địa danh, di tích lịch sử, sự kiện lịch sử, danh từ được xem xét, lựa chọn để đặt tên đường và công trình công cộng phải thật tiêu biểu, ưu tiên tên có gắn bó với sự phát triển của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Nam Bộ.

a) Tên các địa danh cổ, địa danh hành chính xưa thuộc thành phố Hồ Chí Minh ngày nay; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa hoặc ghi dấu các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt với thành phố Hồ Chí Minh; các địa danh hành chính hiện nay không dùng để đặt tên đường và công trình công cộng.

b) Tên các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của Quốc gia và của thành phố Hồ Chí Minh; các di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt.

c) Tên các phong trào cách mạng, các phong trào yêu nước, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược có giá trị tiêu biểu của Quốc gia hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến Thành phố.

d) Danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội.

đ) Tên các ngày Quốc lễ.

2. Tên danh nhân, nhân vật lịch sử được xem xét, lựa chọn để đặt tên đường và công trình công cộng phải thật tiêu biểu, có đóng góp tích cực và cụ thể với sự phát triển của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Nam Bộ.

a) Tên các danh nhân (bao gồm cả danh nhân nước ngoài), là người nổi tiếng, xuất sắc, có đức, có tài và đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành phố; có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật, y tế, giáo dục, ngoại giao được nhân dân suy tôn hoặc nhà nước công nhận.

b) Tên những Anh hùng dân tộc, những danh tướng, những nhân vật hoặc những người giữ vị trí, trọng trách quan trọng, những Anh hùng liệt sỹ, Chiến sĩ cách mạng có thành tích xuất sắc, nổi trội trong kháng chiến chống xâm lược, trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, là tấm gương sáng về đạo đức, được nhân dân ngưỡng mộ và biết đến.

c) Tên những người có công lớn trong việc khai thôn lập ấp, chiêu dân khai canh lập làng, phát triển kinh tế, tổ sư các ngành nghề truyền thống nổi tiếng.

d) Xét chọn tên Mẹ Việt Nam Anh hùng theo ưu tiên về thành tích cống hiến, gắn bó với thành phố như Mẹ Việt Nam Anh hùng vừa là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Mẹ Việt Nam Anh hùng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam...

đ) Tên Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động có đóng góp vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển thành phố./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 31/2013/QĐ-UBND về tiêu chí chọn tên, đưa vào Quỹ tên đường tại thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 31/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/08/2013
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Hứa Ngọc Thuận
  • Ngày công báo: 01/09/2013
  • Số công báo: Số 48
  • Ngày hiệu lực: 31/08/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản