Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2008/QĐ-UBND

Thành phố Cao Lãnh, ngày 22 tháng 08 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP THÔI VIỆC ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN THUỘC TỈNH ĐỒNG THÁP

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 33 ngày 24 tháng 7 năm 2008 về chế độ trợ cấp thôi việc đối với cán bộ, công chức cấp xã;

Căn cứ Công văn số 215/CV-HĐND ngày 19 tháng 8 năm 2008 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về chế độ trợ cấp thôi việc đối với cán bộ, công chức cấp xã;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ và Giám đốc Sở Tài Chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định chế độ trợ cấp thôi việc đối với cán bộ chuyên trách, công chức và cán bộ không chuyên trách công tác ở xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Đồng Tháp (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức cấp xã).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cán bộ, công chức cấp xã được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc quy định tại Quyết định này gồm:

1. Những người không đủ năng lực hoặc dự kiến không giới thiệu tái cử nhưng không thể bố trí vào chức danh khác và không đủ điều kiện giải quyết chế độ nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

2. Những người chưa đạt trình độ đào tạo chuẩn theo quy định của vị trí công việc đang đảm nhiệm nhưng không thể bố trí công tác khác và không thể đào tạo chuẩn hóa (không đủ trình độ văn hóa phổ thông, tuổi đời trên 40).

3. Những người dôi ra do sắp xếp, bố trí lại cán bộ, công chức (thực hiện bố trí kiêm nhiệm một số chức danh).

4. Những người không hoàn thành nhiệm vụ 02 năm liên tục (2006, 2007) theo nhận xét, đánh giá hàng năm do năng lực chuyên môn yếu hoặc sức khỏe không đảm bảo.

5. Những người bị kỷ luật nhưng chưa đến mức buộc thôi việc và không thể tiếp tục bố trí công tác.

Điều 3. Nguyên tắc

1. Sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức và cơ cấu cán bộ, công chức cấp xã phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; không lợi dụng việc sắp xếp để trù dập đưa ra khỏi bộ máy những người có đủ tiêu chuẩn, năng lực hoặc nể nang không đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ tiêu chuẩn, năng lực.

2. Việc chi trả chế độ trợ cấp thôi việc phải kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng.

3. Việc lập danh sách và dự toán số tiền chi trả trợ cấp cho từng đối tượng phải bảo đảm chính xác, trung thực, rõ ràng.

4. Khi tuyển dụng mới cán bộ chuyên trách, công chức phải căn cứ vào nhu cầu, vị trí, cơ cấu, đảm bảo trình độ theo tiêu chuẩn chức danh, phẩm chất và năng lực; tuyệt đối không tuyển dụng lại số cán bộ, công chức đã hưởng trợ cấp thôi việc, không tuyển dụng cán bộ chuyên trách, công chức chưa đạt chuẩn rồi đưa đi đào tạo. Khi tuyển dụng cán bộ không chuyên trách cũng phải đảm bảo qua đào tạo nhằm tạo nguồn bổ sung cán bộ chuyên trách, công chức khi có nhu cầu.

Điều 4. Chế độ trợ cấp, thời gian công tác được tính hưởng chế độ trợ cấp thôi việc

1. Chế độ trợ cấp thôi việc

a) Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã khi thôi việc, ngoài các khoản trợ cấp được hưởng theo chế độ bảo hiểm xã hội, còn được hưởng trợ cấp thôi việc một lần, mức trợ cấp bằng 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng (không kể các khoản phụ cấp, trợ cấp: khu vực, kiêm nhiệm, theo loại xã) cho mỗi năm công tác. Trường hợp thời gian công tác dưới 01 năm, được hưởng trợ cấp bằng 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

b) Cán bộ không chuyên trách cấp xã khi thôi việc, được hưởng trợ cấp thôi việc một lần, mức trợ cấp bằng 02 tháng tiền phụ cấp hiện hưởng (không kể các khoản trợ cấp: kiêm nhiệm, theo loại xã) cho mỗi năm công tác. Trường hợp thời gian công tác dưới 01 năm, được hưởng trợ cấp bằng 2,0 tháng tiền phụ cấp hiện hưởng.

2. Thời gian công tác được tính hưởng chế độ trợ cấp thôi việc

a) Thời gian công tác của cán bộ, công chức được tính hưởng chế độ trợ cấp thôi việc bao gồm toàn bộ thời gian công tác tại xã từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định tuyển dụng hoặc phê duyệt đến ngày có quyết định thôi việc, bao gồm cả thời gian có tham gia hoặc không tham gia chế độ bảo hiểm xã hội. Trường hợp sau khi công tác tại xã được cấp có thẩm quyền bố trí làm việc tại ấp, khóm một thời gian, sau đó điều trở lại xã tiếp tục công tác thì được cộng 2 khoản tham gia công tác tại xã để tính chế độ trợ cấp.

b) Về cách tính tháng lẻ: Trường hợp thời gian công tác có tháng lẻ thì dưới 01 tháng không tính, từ 01 tháng đến đủ 06 tháng tính ½ năm, từ trên 6 tháng tính tròn 01 năm.

Điều 5. Lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án

1. Căn cứ vào điều kiện cụ thể về đặc điểm, tình hình và trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, Đảng ủy cấp xã chỉ đạo việc xây dựng đề án sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức và cơ cấu cán bộ, công chức đến ngày 31 tháng 12 năm 2009 (theo đề cương đính kèm). Đề án phải niêm yết công khai để cán bộ, công chức góp ý kiến và được Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp phê duyệt.

2. Đề án sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức và cơ cấu cán bộ, công chức cấp xã phải đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Xác định và phân công cụ thể công việc, trách nhiệm, quyền hạn của từng cán bộ, công chức để không trùng lắp, chồng chéo hoặc bỏ sót lĩnh vực quản lý.

b) Tạo điều kiện tuyển mới người có đủ tiêu chuẩn và năng lực thay thế vị trí của cán bộ, công chức thôi việc nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

c) Thực hiện việc bố trí kiêm nhiệm một số chức danh để tiết kiệm kinh phí, biên chế và tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, tiến tới giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ và kinh phí theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

d) Đẩy nhanh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để đạt trình độ chuẩn theo kế hoạch của tỉnh đến năm 2010.

Điều 6. Trình tự, thủ tục cấp phát và quyết toán kinh phí trợ cấp thôi việc

1. Căn cứ đề án được duyệt, Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách và dự toán số tiền trợ cấp cho từng đối tượng gửi Phòng Nội vụ. Chậm nhất đến ngày 30 tháng 9 năm 2008, Ủy ban nhân dân cấp xã phải hoàn thành việc lập danh sách và dự toán số tiền trợ cấp của cả năm 2008; ngày 01 tháng 4 năm 2009 hoàn thành việc lập danh sách và dự toán số tiền trợ cấp của cả năm 2009. Danh sách lập thành 04 bản (theo mẫu).

2. Phòng Nội vụ chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức Huyện ủy và Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt; chậm nhất đến ngày 15 tháng 10 năm 2008, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải hoàn thành việc phê duyệt danh sách, dự toán số tiền trợ cấp cho từng đối tượng của cả năm 2008 và gửi Sở Nội vụ, Sở Tài chính (mỗi nơi 01 bản) trước ngày 31/10/2008; ngày 15 tháng 4 năm 2009 hoàn thành việc phê duyệt danh sách, dự toán số tiền trợ cấp của cả năm 2009 và gửi Sở Nội vụ, Sở Tài chính (mỗi nơi 01 bản) trước ngày 30/4/2009.

3. Cấp phát và quyết toán kinh phí trợ cấp thôi việc

a) Trên cơ sở Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí trợ cấp thôi việc đối với cán bộ, công chức cấp xã của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Tài chính thông báo cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện.

b) Căn cứ thông báo kinh phí trợ cấp thôi việc của Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ kinh phí và giao cho Phòng Tài chính - Kế hoạch thông báo cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp xã.

c) Trên cơ sở kinh phí do Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp phát và Quyết định phê duyệt danh sách trợ cấp thôi việc của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã lập chứng từ theo quy định gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để thực hiện rút kinh phí chi trả cho đối tượng và hạch toán vào mục 140, tiểu mục 06, chương, loại, khoản tương ứng của mục lục ngân sách nhà nước.

d) Đối với kinh phí năm 2008: Chậm nhất đến ngày 30/11/2008, Ủy ban nhân dân cấp xã lập báo cáo kết quả chi trả trợ cấp thôi việc cho cán bộ, công chức cấp xã và gửi Phòng Nội vụ, Phòng Tài chính - Kế hoạch để trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt quyết toán. Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo kết quả phê duyệt quyết toán về Sở Nội vụ, Sở Tài chính trước ngày 15/12/2008.

Đối với kinh phí năm 2009: Chậm nhất đến ngày 31/10/2009, Ủy ban nhân dân cấp xã lập báo cáo kết quả chi trả trợ cấp thôi việc cho cán bộ, công chức cấp xã và gửi Phòng Nội vụ, Phòng Tài chính - Kế hoạch để trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt quyết toán. Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo kết quả phê duyệt quyết toán về Sở Nội vụ, Sở Tài chính trước ngày 15/11/2009.

Điều 7. Nguồn kinh phí

Nguồn kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc đối với cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Quyết định này do ngân sách cấp tỉnh đảm bảo.

Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Tổ chức triển khai, quán triệt Quyết định này cho tất cả cán bộ, công chức của xã.

2. Lập, trình duyệt và tổ chức thực hiện đề án; lập danh sách, nhu cầu kinh phí, trình duyệt và chi trả trợ cấp thôi việc cho từng đối tượng theo quy định tại Điều 5Điều 6 Quyết định này.

3. Căn cứ danh sách cán bộ, công chức thôi việc đã được phê duyệt, ký quyết định đối với cán bộ không chuyên trách, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện ký quyết định đối với cán bộ chuyên trách, công chức và các chức danh khác theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý.

4. Quyết toán kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Triển khai, quán triệt và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này của cấp xã.

2. Chỉ đạo Phòng Nội vụ chủ trì phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định danh sách và kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc cho từng đối tượng.

3. Phê duyệt danh sách và kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc.

4. Ký quyết định thôi việc cho từng đối tượng thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý.

5. Theo dõi, kiểm tra và phê duyệt quyết toán kinh phí trợ cấp thôi việc theo quy định.

6. Định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả, đánh giá tình hình thực hiện tại địa phương gửi về Sở Nội vụ và Sở Tài chính vào trước các ngày 15/12/2008, 10/6/2009 và 15/11/2009.

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Nội vụ

1. Phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Tài chính theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và giải quyết các khó khăn, vướng mắc (nếu có) theo thẩm quyền.

2. Định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện của năm 2008, 6 tháng đầu năm và cả năm 2009.

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Tài Chính

1. Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định nguồn kinh phí từ ngân sách cấp tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và phân bổ kinh phí cho ngân sách cấp huyện để thực hiện chi trả trợ cấp thôi việc cho các đối tượng theo Quyết định này.

2. Theo dõi, thẩm tra và cấp phát kinh phí trợ cấp thôi việc đối với cán bộ, công chức cấp xã theo Quyết định này.

Điều 12. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký đến hết ngày 31/12/2009.

Điều 13. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Ngọc Hân

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 31/2008/QĐ-UBND về chế độ trợ cấp thôi việc đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn thuộc do tỉnh Đồng Tháp ban hành

  • Số hiệu: 31/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/08/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Trương Ngọc Hân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản