Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 31/2006/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 06 tháng 09 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 42/2002/QĐ-BCN ngày 09 tháng 10 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định kiểm tra cung ứng, sử dụng điện và xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

BỘ TRƯỞNG




Hoàng Trung Hải

QUY ĐỊNH

KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 31/2006/QĐ-BCNngày 06 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Quy định này quy định trình tự, thủ tục kiểm tra hoạt động điện lực trong các lĩnh vực phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và sử dụng điện; giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực, sử dụng điện và các hoạt động khác có liên quan.

Những tranh chấp hợp đồng mua bán điện trong thị trường điện lực cạnh tranh không thuộc phạm vi áp dụng của Quy định này.

Điều 2. Thẩm quyền kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện và giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện

1. Thẩm quyền kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện

a) Kiểm tra viên điện lực của các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện có quyền kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động điện lực, sử dụng điện.

b) Kiểm tra viên điện lực của đơn vị bán buôn điện, đơn vị bán lẻ điện có quyền kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng điện.

c) Kiểm tra viên điện lực của đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện có quyền kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện.

2. Sở Công nghiệp có trách nhiệm giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện khi hai bên ký kết hợp đồng không tự giải quyết được nhưng chưa cần đưa ra cơ quan tài phán và có thoả thuận yêu cầu Sở Công nghiệp giải quyết khi có tranh chấp.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép.

2. Trộm cắp điện quả tang là hành vi lấy điện trái phép không qua công tơ, tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ và các thiết bị khác có liên quan đến đo đếm điện, cố ý hoặc thông đồng ghi sai chỉ số công tơ và các hành vi lấy điện gian lận khác bị phát hiện khi đang thực hiện với chứng cứ rõ ràng (hiện trường, tang vật phạm pháp).

3. Hành vi vi phạm các quy định về mua bán điện là những hành vi được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực.

4. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực là những hành vi được quy định tại Nghị định số 74/2003/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực.

5. Hành vi bán sai giá do cơ quan có thẩm quyền quyết định là hành vi được quy định tại Điều 11 Nghị định số 169/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.

6. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm gây ra cho bên bị vi phạm. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

7. Hợp đồng mua bán điện bao gồm hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt, phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hợp đồng mua bán điện khác.

8. Đơn vị điện lực hoạt động theo vùng, miền là đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện, đơn vị bán buôn điện và đơn vị bán lẻ điện hoạt động trong phạm vi từ hai tỉnh trở lên.

Chương 2

KIỂM TRA VIÊN ĐIỆN LỰC

Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm tra viên điện lực Bộ Công nghiệp

Kiểm tra viên điện lực Bộ Công nghiệp thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn kiểm tra trên phạm vi cả nước, bao gồm:

1. Kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện theo quy định tại khoản 2 Điều 39, khoản 2 Điều 40, khoản 2 Điều 41, khoản 2 Điều 43, khoản 2 Điều 44, khoản 2 Điều 46, khoản 2 Điều 47 của Luật Điện lực.

2. Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn điện.

3. Phát hiện và ngăn chặn các hành vi bị cấm được quy định tại Điều 7 của Luật Điện lực.

4. Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các Kiểm tra viên điện lực Sở Công nghiệp và Kiểm tra viên điện lực của đơn vị điện lực.

5. Yêu cầu đơn vị điện lực ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện, bên sử dụng điện cắt điện hoặc giảm mức tiêu thụ điện trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người và trang thiết bị.

6. Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ và chứng cứ cần thiết, kịp thời phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý.

7. Lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực khi tiến hành kiểm tra.

8. Phối hợp với cơ quan liên quan xác minh, lập biên bản, kiến nghị giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hoạt động điện lực, sử dụng điện.

Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm tra viên điện lực Sở Công nghiệp

Kiểm tra viên điện lực Sở Công nghiệp thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn kiểm tra trong phạm vi quản lý của mình trên địa bàn tỉnh, bao gồm:

1. Kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện theo quy định tại khoản 2 Điều 39, khoản 2 Điều 40, khoản 2 Điều 41, khoản 2 Điều 43, khoản 2 Điều 44, khoản 2 Điều 46, khoản 2 Điều 47 của Luật Điện lực.

2. Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn điện.

3. Phát hiện và ngăn chặn các hành vi bị cấm được quy định tại Điều 7 của Luật Điện lực.

4. Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Kiểm tra viên điện lực của đơn vị điện lực.

5. Yêu cầu đơn vị điện lực ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện, bên sử dụng điện cắt điện hoặc giảm mức tiêu thụ điện trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người và trang thiết bị theo quy định của pháp luật.

6. Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết, kịp thời phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý.

7. Lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực khi tiến hành kiểm tra.

8. Phối hợp với cơ quan liên quan xác minh, lập biên bản, kiến nghị giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hoạt động điện lực, sử dụng điện.

Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm tra viên điện lực của đơn vị điện lực

Kiểm tra viên điện lực của đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện, đơn vị bán buôn điện, đơn vị bán lẻ điện thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn kiểm tra trong phạm vi quản lý của mình.

1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm tra viên điện lực của đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện

a) Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện;

b) Thông báo kịp thời cho đơn vị trực tiếp quản lý vận hành trong trường hợp phát hiện có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người và trang thiết bị;

c) Lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực khi tiến hành kiểm tra.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm tra viên điện lực của đơn vị bán buôn điện, đơn vị bán lẻ điện

a) Kiểm tra việc thực hiện hợp đồng mua bán điện;

b) Kiểm tra việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả;

c) Kiểm tra việc cắt điện, giảm mức tiêu thụ điện theo quy định của pháp luật;

d) Kiểm tra và ngăn chăn kịp thời các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện;

đ) Yêu cầu bên sử dụng điện cắt điện hoặc giảm mức tiêu thụ điện trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người và trang thiết bị;

e) Yêu cầu bên mua điện cung cấp thông tin cần thiết phục vụ cho công tác kiểm tra;

g) Lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực khi tiến hành kiểm tra.

Điều 7. Tiêu chuẩn Kiểm tra viên điện lực

1.Tiêu chuẩn Kiểm tra viên điện lực Bộ Công nghiệp

Kiểm tra viên điện lực Bộ Công nghiệp phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

a) Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành về điện;

b) Có thời gian công tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện hoặc làm công tác quản lý kỹ thuật, kinh doanh điện từ năm năm trở lên;

c) Đã được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức pháp luật về hoạt động điện lực và sử dụng điện;

d) Nắm vững các quy trình, quy phạm kỹ thuật về điện, an toàn điện, các quy định về công tác kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện; Có khả năng nghiên cứu, phát hiện, phân tích, tổng hợp và đề xuất biện pháp giải quyết theo chức năng của công tác kiểm tra;

đ) Đủ sức khoẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, trung thực, công minh và khách quan.

2. Tiêu chuẩn Kiểm tra viên điện lực Sở Công nghiệp

Kiểm tra viên điện lực Sở Công nghiệp phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

a) Có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành về điện;

b) Có thời gian công tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện hoặc làm công tác quản lý kỹ thuật, kinh doanh điện từ 3 năm trở lên;

c) Đã được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức pháp luật về hoạt động điện lực và sử dụng điện;

d) Nắm vững các quy trình, quy phạm kỹ thuật về điện, an toàn điện, các quy định về công tác kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện; Có khả năng nghiên cứu, phát hiện, phân tích, tổng hợp và đề xuất biện pháp giải quyết theo chức năng của công tác kiểm tra;

đ) Đủ sức khoẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, trung thực, công minh và khách quan.

3. Tiêu chuẩn Kiểm tra viên điện lực của đơn vị điện lực

Kiểm tra viên điện lực của đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện, đơn vị bán buôn điện, đơn vị bán lẻ điện phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

a) Có trình độ cao đẳng chuyên ngành về điện trở lên đối với Kiểm tra viên điện lực của đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện; trình độ trung cấp chuyên ngành điện hoặc công nhân kỹ thuật điện từ bậc 5/7 trở lên đối với Kiểm tra viên điện lực của đơn vị bán buôn điện, đơn vị bán lẻ điện;

b) Có thời gian công tác trong lĩnh vực quản lý lưới điện, phân phối điện và kinh doanh điện từ ba năm trở lên;

c) Đã được bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hoạt động điện lực và sử dụng điện;

d) Nắm vững các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật điện, an toàn điện, các quy định hiện hành về hoạt động điện lực và sử dụng điện; Có khả năng nghiên cứu, phát hiện, phân tích, tổng hợp và đề xuất biện pháp giải quyết theo chức năng của công tác kiểm tra;

đ) Đủ sức khoẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, trung thực, công minh và khách quan.

Điều 8. Tập huấn, sát hạch Kiểm tra viên điện lực

1. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm tổ chức tập huấn, sát hạch Kiểm tra viên điện lực Bộ Công nghiệp, Sở Công nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các đơn vị điện lực hoạt động theo vùng, miền để thực hiện việc cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực theo quy định tại Điều 10 của Quy định này.

2. Sở Công nghiệp có trách nhiệm tổ chức tập huấn, sát hạch Kiểm tra viên điện lực của các đơn vị điện lực thuộc địa bàn tỉnh để thực hiện việc cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực theo quy định tại Điều 10 của Quy định này.

3. Việc sát hạch định kỳ được tiến hành năm năm một lần; Kiểm tra viên điện lực chỉ được cấp thẻ khi đạt yêu cầu trong các kỳ sát hạch.

Điều 9. Thẩm quyền cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực

1. Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực cho các Kiểm tra viên điện lực Bộ Công nghiệp, Sở Công nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các đơn vị điện lực hoạt động theo vùng, miền.

2. Giám đốc Sở Công nghiệp cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực của các đơn vị điện lực thuộc địa bàn tỉnh.

Điều 10. Trình tự, thủ tục cấp, thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực

1. Trình tự, thủ tục cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực

a) Hồ sơ đề nghị cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực Bộ Công nghiệp, các Sở Công nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị điện lực hoạt động theo vùng, miền gửi về Cục Điều tiết điện lực;

b) Hồ sơ đề nghị cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực của các đơn vị điện lực trong phạm vi một tỉnh gửi về Sở Công nghiệp;

c) Hồ sơ đề nghị cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực lần đầu bao gồm:

-Văn bản đề nghị cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực;

-Bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn, quyết định nâng bậc lương công nhân;

-Giấy chứng nhận đạt yêu cầu sát hạch Kiểm tra viên điện lực;

-02 ảnh cỡ 2 x 3 cm;

-Bản khai quá trình công tác có xác nhận của đơn vị.

d) Hồ sơ đề nghị cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực khi thẻ hết hạn sử dụng bao gồm:

-Văn bản đề nghị cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực;

-Giấy chứng nhận đạt yêu cầu sát hạch Kiểm tra viên điện lực;

-02 ảnh cỡ 2 x 3 cm.

đ) Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công nghiệp có trách nhiệm cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực. Trường hợp không cấp thẻ, sau ba ngày làm việc Cục Điều tiết điện lực, Sở Công nghiệp có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Trình tự, thủ tục cấp lại thẻ Kiểm tra viên điện lực trong trường hợp bị mất hoặc bị hỏng

a) Kiểm tra viên điện lực phải báo cáo thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý bằng văn bản lý do bị mất hoặc bị hỏng thẻ;

b) Hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ Kiểm tra viên điện lực gồm có:

-Đơn đề nghị cấp lại thẻ Kiểm tra viên điện lực;

-02 ảnh cỡ 2 x 3 cm;

-Công văn đề nghị cấp lại thẻ;

-Thẻ Kiểm tra viên điện lực đối với trường hợp thẻ bị hỏng.

c) Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đã cấp thẻ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ lưu và cấp lại thẻ Kiểm tra viên điện lực theo thời hạn sử dụng của thẻ cũ.

3. Thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực

a)Thẻ Kiểm tra viên điện lực bị thu hồi trong các trường hợp sau:

-Thẻ Kiểm tra viên điện lực đã hết hạn sử dụng;

-Kiểm tra viên điện lực chuyển làm công tác khác hoặc chuyển công tác sang địa bàn khác;

-Kiểm tra viên điện lực bị xử lý hình sự; bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực;

-Kiểm tra viên điện lực bị đơn vị quản lý Kiểm tra viên điện lực xử lý kỷ luật và đề nghị thu hồi thẻ;

-Không còn đủ tiêu chuẩn của Kiểm tra viên điện lực.

b) Đơn vị quản lý Kiểm tra viên điện lực có trách nhiệm thu giữ thẻ Kiểm tra viên điện lực trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này, trong thời hạn mười ngày phải làm thủ tục báo cáo và nộp lại thẻ cho cơ quan đã cấp thẻ.

c) Căn cứ báo cáo của đơn vị quản lý kiểm tra viện điện lực, cơ quan cấp thẻ ra quyết định thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực.

Điều 11. Mẫu thẻ và thời hạn sử dụng thẻ Kiểm tra viên điện lực

1. Thẻ Kiểm tra viên điện lực có kích thước 58 mm x 90 mm được quy định tại Phụ lục 1 của Quy định này và có giá trị sử dụng trong năm năm.

2. Thẻ mầu hồng được cấp cho Kiểm tra viên điện lực Bộ Công nghiệp và Kiểm tra viên điện lực Sở Công nghiệp.

3. Thẻ mầu da cam được cấp cho Kiểm tra viên điện lực của các đơn vị điện lực để kiểm tra việc sử dụng điện.

4. Thẻ mầu vàng nhạt được cấp cho Kiểm tra viên điện lực của các đơn vị điện lực để kiểm tra việc bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện.

Điều 12. Trách nhiệm của Kiểm tra viên điện lực

Kiểm tra viên điện lực chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Nếu Kiểm tra viên điện lực có hành vi vi phạm thì tuỳ theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật và thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 10 của Quy định này. Trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 3

KIỂM TRA VÀ LẬP BIÊN BẢN KIỂM TRAHOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN

Điều 13. Hình thức kiểm tra

Kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện đối với tổ chức, cá nhân được tiến hành theo hình thức sau:

1. Kiểm tra theo kế hoạch là hình thức kiểm tra được thông báo trước cho tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực, sử dụng điện biết.

2. Kiểm tra đột xuất là hình thức kiểm tra không thông báo trước được thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, của đơn vị điện lực hoặc có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Điều 14. Nguyên tắc kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện

1. Kiểm tra viên điện lực chỉ thực hiện kiểm tra khi được cấp trên giao. Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm thì được phép kiểm tra đột xuất nhưng phải báo cáo kịp thời cho người quản lý trực tiếp.

2. Khi tiến hành kiểm tra, bên kiểm tra phải tổ chức nhóm kiểm tra hoặc đoàn kiểm tra có nhóm trưởng hoặc trưởng đoàn kiểm tra, trong đó ít nhất phải có một Kiểm tra viên điện lực. Kiểm tra viên điện lực phải xuất trình thẻ Kiểm tra viên điện lực và thông báo nội dung kiểm tra cho bên được kiểm tra biết.

3. Việc kiểm tra phải được tiến hành với sự có mặt của bên được kiểm tra. Trường hợp bên được kiểm tra vắng mặt thì Kiểm tra viên điện lực phải mời hai người làm chứng có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và đại diện chính quyền địa phương để chứng kiến việc kiểm tra.

4. Khi phát hiện hành vi trộm cắp điện quả tang, Kiểm tra viên điện lực được phép thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ hiện trường trước khi xuất trình thẻ kiểm tra viên và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của mình.

5. Kiểm tra viên điện lực phải lập biên bản và ghi đầy đủ các nội dung đã kiểm tra theo mẫu tại Phụ lục 2 hoặc Phụ lục 3 hoặc Phụ lục 4 của Quy định này. Trong thời hạn hai ngày làm việc, biên bản phải được chuyển cho bên bán điện hoặc cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện để giải quyết theo thẩm quyền.

Điều 15. Trình tự, thủ tục kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện

1. Kiểm tra theo kế hoạch

a) Kế hoạch kiểm tra phải được thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị điện lực phê duyệt và được gửi cho tổ chức, cá nhân có liên quan.

b) Bên kiểm tra phải thông báo cho bên được kiểm tra biết ít nhất bảy ngày trước thời điểm kiểm tra. Thông báo phải do người có thẩm quyền ký, nêu rõ nội dung, địa điểm, thời gian kiểm tra và thành phần đoàn kiểm tra.

c) Khi nhận được thông báo, bên được kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ theo nội dung yêu cầu và cử người có trách nhiệm làm việc với đoàn kiểm tra. Bên được kiểm tra có quyền từ chối việc kiểm tra nếu bên kiểm tra không thực hiện nội dung thông báo đúng quy định.

2. Kiểm tra đột xuất

Việc kiểm tra đột xuất được tiến hành trong các trường hợp sau:

a) Kiểm tra theo nhiệm vụ được cơ quan, đơn vị quản lý Kiểm tra viên điện lực giao

Khi tiến hành kiểm tra phải có từ hai người trở lên và thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 14 của Quy định này.

Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm, Kiểm tra viên điện lực phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Trường hợp vượt quá thẩm quyền phải thông báo ngay cho người có thẩm quyền để giải quyết.

b) Kiểm tra do tự phát hiện

Trường hợp Kiểm tra viên điện lực có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 14 của Quy định này thì được tiến hành kiểm tra. Trường hợp không đủ điều kiện thì phải báo cáo ngay với người phụ trách để tổ chức kiểm tra kịp thời.

c) Trường hợp đột xuất phải vào nhà dân kiểm tra sử dụng điện trong khoảng thời gian từ 22 giờ đêm hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau, bên kiểm tra phải phối hợp với cảnh sát khu vực hoặc chính quyền địa phương và phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.

Điều 16. Biên bản kiểm tra

1. Biên bản kiểm tra được lập theo mẫu quy định tại phụ lục kèm theo Quy định này có đóng dấu giáp lai và được ghi số thứ tự để quản lý. Biên bản được lập thành ba bản, bên kiểm tra giữ hai bản, bên được kiểm tra giữ một bản. Tất cả các biên bản đã sử dụng kể cả biên bản ghi sai, hủy bỏ không sử dụng nữa đều phải được quản lý và lưu giữ đầy đủ theo quy định.

2. Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm hoạt động điện lực hoặc sử dụng điện, trong biên bản phải mô tả rõ, đầy đủ, chính xác từng hành vi vi phạm.

3. Biên bản kiểm tra phải ghi rõ họ và tên người tham gia kiểm tra, đại diện của bên được kiểm tra và người làm chứng (nếu có). Nếu bên được kiểm tra không thống nhất với nội dung ghi trong biên bản kiểm tra thì được quyền ghi vào phần cuối biên bản ý kiến của mình.

4. Biên bản kiểm tra phải có đầy đủ chữ ký của Kiểm tra viên điện lực, đại diện của bên được kiểm tra và của những người làm chứng (nếu có).

Trường hợp bên được kiểm tra không chịu ký biên bản thì người lập biên bản ghi vào biên bản lý do bên được kiểm tra không ký, biên bản này vẫn có giá trị pháp lý để xử lý khi có chữ ký của ít nhất hai người làm chứng.

Điều 17. Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực

1. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, Kiểm tra viên điện lực phải lập biên bản vi phạm hành chính theo Mẫu biên bản số 01 quy định tại Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (Phụ lục 4 của Quy định này) và chuyển biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Nghị định số 74/2003/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực.

2. Biên bản vi phạm hành chính được lập thành ba bản, bên kiểm tra giữ một bản, bên được kiểm tra giữ một bản và một bản gửi cho người có thẩm quyền xử phạt. Biên bản được đóng dấu giáp lai và ghi số thứ tự để quản lý. Tất cả các biên bản đã sử dụng kể cả biên bản ghi sai, huỷ bỏ không sử dụng nữa đều phải được quản lý và lưu giữ đầy đủ theo quy định.

Điều 18. Nội dung và phương pháp kiểm tra hoạt động điện lực

1. Kiểm tra chất lượng điện

a) Điện áp

Điện áp được xác định bằng thiết bị đo điện áp đạt tiêu chuẩn do tổ chức có chức năng kiểm định kiểm tra.

b)Tần số

Tần số được xác định bằng thiết bị đo tần số đạt tiêu chuẩn do tổ chức có chức năng kiểm định kiểm tra.

2. Kiểm tra thiết bị đo đếm điện bao gồm các loại công tơ, các loại đồng hồ đo điện và các thiết bị, phụ kiện kèm theo, tính nguyên vẹn của niêm phong của hệ thống đo đếm điện năng; biên bản treo tháo công tơ, thiết bị đo đếm điện năng và các tài liệu có liên quan khác.

3. Kiểm tra công tác bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện.

4. Kiểm tra việc thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán điện và các nghĩa vụ khác được quy định trong Luật Điện lực.

5. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về trình tự và thủ tục ngừng, giảm mức cung cấp điện.

Điều 19. Nội dung và phương pháp kiểm tra sử dụng điện

1.Kiểm tra điện áp

Điện áp được xác định trực tiếp hoặc gián tiếp bằng thiết bị đo điện áp do tổ chức có chức năng kiểm định kiểm tra.

2.Kiểm tra công suất

Công suất được xác định bằng cách đo trực tiếp các trị số công suất tức thời hoặc bằng cách đo gián tiếp qua các thiết bị đo khác. Các thiết bị dùng để đo phải được tổ chức có chức năng kiểm định kiểm tra.

Đối với công suất giờ cao điểm, đo ba lần trong thời gian tiến hành kiểm tra, sau đó lấy trị số công suất lớn nhất của một trong ba lần đo.

3. Kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng, bao gồm: Công tơ, máy biến điện áp đo lường, máy biến dòng điện đo lường, sơ đồ đấu dây, tính nguyên vẹn chì niêm phong của hệ thống đo đếm điện năng; biên bản treo tháo công tơ và thiết bị đo đếm điện năng và các tài liệu có liên quan khác.

4. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn điện.

5. Kiểm tra việc thực hiện các nghĩa vụ ghi trong hợp đồng mua bán điện và các nghĩa vụ khác được quy định trong Luật Điện lực.

Điều 20. Kiểm tra phát hiện có hành vi trộm cắp điện

1. Trường hợp kiểm tra phát hiện có hành vi trộm cắp điện, kiểm tra viên phải lập biên bản với những nội dung chủ yếu sau:

a) Mô tả hành vi trộm cắp và các thông số liên quan tới việc tính toán xử lý vi phạm sử dụng điện;

b) Vẽ sơ đồ trộm cắp điện (câu móc, vô hiệu hóa thiết bị đo đếm điện năng);

c) Các chứng cứ khác như phương tiện trộm cắp, ảnh chụp, băng ghi hình (nếu có).

2. Trường hợp tạm giữ các phương tiện dùng để trộm cắp điện, bên kiểm tra phải thực hiện niêm phong các phương tiện đó (giấy niêm phong phải có chữ ký bên kiểm tra và bên được kiểm tra).

3. Kiểm tra viên điện lực có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để thực hiện ngừng cấp điện.

Điều 21. Kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng

Kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng (công tơ, máy biến dòng điện đo lường, máy biến điện áp đo lường, niêm phong, sơ đồ đấu dây) được thực hiện theo quy định sau:

1. Trường hợp phát hiện có hành vi làm hư hỏng hoặc sai lệch hệ thống đo đếm điện năng, Kiểm tra viên điện lực phải ghi rõ hiện trạng và kiến nghị trong biên bản kiểm tra.

2. Việc tháo gỡ thiết bị đo đếm điện năng để kiểm tra trong trường hợp hệ thống đo đếm điện năng bị hư hỏng hoặc có dấu hiệu không bình thường phải thực hiện các quy định sau:

a) Thông báo cho bên bán điện về việc tháo gỡ hệ thống đo đếm điện năng để bên bán điện biết và cử người thực hiện;

b) Biên bản kiểm tra phải mô tả chi tiết hiện trạng, biểu hiện không bình thường của hệ thống đo đếm điện năng và lý do tháo hệ thống đo đếm điện năng. Biên bản kiểm tra phải được giao cho đại diện của các bên có liên quan, trong đó ghi rõ thời gian, địa điểm để các bên cùng đến chứng kiến việc kiểm tra xác minh;

c) Phải giữ nguyên niêm phong của tổ chức kiểm định. Thiết bị đo đếm điện năng, niêm phong khác phải được thu giữ, bao gói và niêm phong (giấy niêm phong có chữ ký của Kiểm tra viên điện lực và các bên mua, bán điện).

3. Các bên liên quan có trách nhiệm cùng chứng kiến việc kiểm tra xác minh thiết bị đo đếm điện của tổ chức kiểm định, nếu vắng mặt trong quá trình kiểm tra mà không có lý do chính đáng thì vẫn phải công nhận kết quả kiểm tra.

4. Cách xác định sản lượng điện năng trong trường hợp công tơ bị mất, hoạt động không chính xác hoặc ngừng hoạt động được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực.

Chương 4

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN

Điều 22. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện

1. Việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng mua bán điện phải tuân theo các quy định của pháp luật.

2. Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện căn cứ vào các thoả thuận tại hợp đồng đã ký giữa hai bên mua và bán điện.

3. Sở Công nghiệp chỉ tổ chức hòa giải trong trường hợp hai bên không tự thương lượng được và có thoả thuận yêu cầu Sở Công nghiệp giải quyết.

4. Trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hành chính hoặc vi phạm pháp luật hình sự thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng

1. Mức bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng căn cứ theo thoả thuận trong hợp đồng, nếu không thỏa thuận trong hợp đồng thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng căn cứ theo thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Trường hợp các bên không có thoả thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thoả thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại.

3. Cách xác định giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, giá trị bồi thường thiệt hại đối với từng hành vi vi phạm được quy định tại Điều 25, Điều 26, Điều 27 và Điều 28 của Quy định này, nếu phát sinh thiệt hại khác thì hai bên tự thoả thuận.

4. Thời hạn trả tiền bồi thường thiệt hại do hai bên tự thỏa thuận nhưng chậm nhất không quá mười lăm ngày, kể từ ngày chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu quá thời hạn trên, bên vi phạm phải chịu lãi suất chậm trả trên số tiền bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

5. Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận được thông báo yêu cầu nộp tiền phạt, bên vi phạm phải thanh toán tiền phạt vi phạm hợp đồng cho bên bị vi phạm; nếu quá thời hạn trên, bên vi phạm phải chịu lãi suất chậm trả trên số tiền phạt theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện

Chậm nhất mười lăm ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị giải quyết tranh chấp, Sở Công nghiệp có trách nhiệm kiểm tra xác minh hoàn thiện hồ sơ, tổ chức hoà giải và ra kết luận giải quyết tranh chấp.

Nếu một trong hai bên không nhất trí với kết luận của Sở Công nghiệp thì có quyền chuyển sang Trọng tài thương mại để giải quyết hoặc khởi kiện tại Toà án.

Điều 25. Phương pháp tính giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm đối với hành vi vi phạm của bên bán điện

1. Trì hoãn việc cấp điện theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện đã ký

a) Bồi thường cho bên mua điện bằng khoản thiệt hại trực tiếp mà bên mua điện phải chịu do hành vi vi phạm gây ra;

b) Mức phạt vi phạm hợp đồng do hai bên thoả thuận trong hợp đồng và được căn cứ vào giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm được xác định bằng giá trị sản lượng điện đã thoả thuận trong hợp đồng và được tính toán căn cứ vào công suất đăng ký, thời gian đăng ký mua điện trong ngày, giá điện ghi trong hợp đồng mua bán điện và số ngày trì hoãn được xác định từ thời điểm cam kết cấp điện cho đến thời điểm được cấp điện, theo công thức sau:

T = A x g x n

Trong đó:

-T: Giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (đồng)

-A: Điện năng ngày xác định căn cứ vào các thông số đăng ký trong hợp đồng mua bán điện (công suất nhân với thời gian mua điện trong ngày)

-g: giá điện (đ/kWh)

-n: số ngày trì hoãn.

2. Hành vi bán điện không đảm bảo chất lượng, không đủ số lượng điện năng theo hợp đồng đã ký gây thiệt hại cho bên mua điện (trừ sự kiện bất khả kháng)

a) Bồi thường thiệt hại cho bên mua điện bằng giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên mua điện phải chịu do bên bán điện gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên mua điện đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm;

b) Mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do hai bên thoả thuận trong hợp đồng và được căn cứ vào giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm được xác định bằng giá trị sản lượng điện đã thoả thuận trong hợp đồng và được tính toán căn cứ vào công suất đăng ký, giá điện ghi trong hợp đồng mua bán điện và thời gian bán điện không đảm bảo chất lượng, không đủ số lượng điện năng, theo công thức sau:

T = P x g x t

Trong đó:

-T: Giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (đồng)

-P: Công suất đăng ký trong hợp đồng mua bán điện (kW)

-g: giá điện (đ/kWh)

-t: thời gian bán điện không đảm bảo chất lượng, không đủ số lượng điện năng (giờ).

3. Ghi chỉ số điện năng sai, tính toán hoá đơn sai gây thiệt hại cho bên mua điện

a) Bên bán điện phải hoàn trả cho bên mua điện số tiền điện đã thu thừa cộng với lãi suất do hai bên thoả thuận trong hợp đồng;

b) Phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do hai bên thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện.

Điều 26. Phương pháp tính giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm đối với hành vi vi phạm của bên mua điện

1. Trì hoãn việc thực hiện hợp đồng đã ký gây thiệt hại cho bên bán điện

a) Bồi thường cho bên bán điện bằng khoản thiệt hại trực tiếp mà bên bán điện phải chịu do hành vi vi phạm gây ra;

b) Phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do hai bên thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện và được căn cứ vào giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm được xác định bằng giá trị sản lượng điện theo thoả thuận trong hợp đồng và được tính toán căn cứ vào công suất đăng ký, thời gian đăng ký mua điện trong ngày, giá điện ghi trong hợp đồng mua bán điện và số ngày trì hoãn được xác định từ thời điểm cam kết thực hiện hợp đồng cho đến thời điểm hợp đồng được thực hiện theo công thức sau:

T = A x g x n

Trong đó:

- T: Giá trị phần hợp đồng bị vi phạm (đồng)

- A: Điện năng ngày xác định căn cứ vào các thông số đăng ký trong hợp đồng mua bán điện (công suất nhân với thời gian mua điện trong ngày)

- g: giá điện (đồng/kWh)

- n: số ngày trì hoãn.

2. Sử dụng điện sai mục đích có mức giá cao hơn mức giá đã thoả thuận trong hợp đồng

a) Bồi thường thiệt hại cho bên bán điện bằng khoản tiền chênh lệch giá trong thời gian vi phạm mục đích sử dụng điện cộng với lãi suất của khoản tiền chênh lệch giá do hai bên thoả thuận trong hợp đồng. Trường hợp không xác định rõ thời điểm vi phạm mục đích sử dụng điện sẽ tính với thời gian là một năm;

b) Phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do hai bên thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện.

3. Sử dụng quá công suất đã đăng ký trong biểu đồ phụ tải được ghi trong hợp đồng mua bán điện vào giờ cao điểm

a) Bên mua điện phải bồi thường thiệt hại cho bên bán điện trong trường hợp gây thiệt hại cho bên bán điện;

b) Mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do hai bên thoả thuận trong hợp đồng và được căn cứ vào giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm được xác định theo công thức sau:

T= A x g

Trong đó:

- T là giá trị phần hợp đồng bị vi phạm (đồng)

- g là giá bán điện trong giờ cao điểm theo biểu giá quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian tính bồi thường (đ/kWh)

- A là sản lượng điện vi phạm trong giờ cao điểm (kWh) được tính như sau: A được xác định bằng phần công suất vi phạm trong giờ cao điểm (DP) nhân với số giờ cao điểm (4 giờ) của các ngày vi phạm trong tháng.

4. Không kịp thời cắt điện hoặc giảm mức tiêu thụ điện khi nhận được thông báo của bên bán điện trong các trường hợp quy định tại Điều 27 của Luật Điện lực

a) Bên mua điện phải bồi thường thiệt hại cho bên bán điện trong trường hợp gây thiệt hại cho bên bán điện;

b) Phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do hai bên thoả thuận trong hợp đồng.

5. Chậm thanh toán tiền điện

a) Việc xử lý chậm thanh toán tiền điện thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 23 của Luật Điện lực;

b) Phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do hai bên thoả thuận trong hợp đồng.

Điều 27. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp có hành vi bán sai giá do cơ quan có thẩm quyền quyết định

Bên bán điện phải hoàn trả cho bên mua điện số tiền điện đã thu thừa cộng với lãi suất do hai bên thoả thuận trong hợp đồng.

Trường hợp không xác định rõ thời điểm áp dụng sai giá sẽ tính với thời gian là một năm.

Điều 28. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp trộm cắp điện

1. Bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm bằng giá trị sản lượng lượng điện bị mất do hành vi trộm cắp điện gây ra.

2. Phương pháp xác định điện năng bồi thường và tiền bồi thường đối với các hành vi trộm cắp điện

a) Sản lượng điện phải bồi thường được xác định theo công thức sau:

ABT = A SD - A

ABT : Tổng sản lượng điện phải bồi thường (kWh)

A SD : Tổng điện năng sử dụng của các thiết bị tiêu thụ điện trong thời gian vi phạm (kWh)

A: Tổng điện năng được thể hiện trên hoá đơn thanh toán tiền điện trong thời gian vi phạm (kWh).

b) Tiền bồi thường (chưa bao gồm VAT) được xác định theo công thức sau:

T = ABT x g

T: tiền bồi thường (đồng)

ABT: sản lượng điện phải bồi thường (kWh)

g: giá điện ở mức cao nhất của biểu giá điện do cơ quan có thẩm quyền quy định theo mục đích sử dụng điện thực tế tại thời điểm phát hiện.

c) Tổng điện năng sử dụng của thiết bị tiêu thụ điện được xác định theo công thức sau:

ASD = (P1 x t1 P2 x t2 …. Pix ti ) x n

A SD : Tổng điện năng sử dụng của các thiết bị tiêu thụ điện (kWh)

P1, P2, Pi: Công suất sử dụng của từng thiết bị tiêu thụ điện (kW)

t1, t2, ti: Thời gian sử dụng trong ngày của từng thiết bị (h/ngày)

n: Số ngày tính bồi thường (ngày).

d) Công suất sử dụng của các thiết bị tiêu thụ điện là trị số công suất cao nhất được tính theo một trong các phương pháp sau:

- Công suất tổng đo được tại thời điểm kiểm tra;

- Công suất cao nhất trong biểu đồ phụ tải đăng ký trong hợp đồng mua bán điện;

- Công suất của các thiết bị tại bảng kê công suất thiết bị đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện (đối với hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ);

- Tổng công suất của các thiết bị tiêu thụ điện ghi trong biên bản kiểm tra (có thể lấy công suất ghi trên nhãn mác thiết bị của nhà chế tạo);

- Đối với tổ chức, cá nhân sử dụng điện sinh hoạt có thể tính sản lượng điện năng ngày bằng điện năng sử dụng bình quân ngày của kỳ hoá đơn có sản lượng điện cao nhất trong khoảng thời gian 12 tháng liền kề trước đó.

đ) Thời gian sử dụng trong ngày của từng thiết bị (t) được xác định căn cứ vào biên bản kiểm tra; nếu không xác định được bằng biên bản kiểm tra thì áp dụng Phụ lục 5 của Quy định này.

e) Số ngày tính bồi thường (n) được xác định như sau:

- Được tính từ ngày thực hiện hành vi vi phạm đến khi phát hiện;

- Trường hợp không xác định được thì số ngày tính bồi thường được tính từ ngày kiểm tra điện gần nhất hoặc từ lần thay thế, sửa chữa hay kiểm tra định kỳ hệ thống đo đếm điện năng gần nhất đến khi phát hiện, nhưng không quá mười hai tháng;

- Số ngày tính bồi thường được trừ thời gian ngừng cấp điện và ngừng sử dụng điện có lý do.

Chương 5

QUẢN LÝ HỒ SƠ VÀ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN VI PHẠM HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN

Điều 29. Hồ sơ và tang vật, phương tiện vi phạm hoạt động điện lực, sử dụng điện

1. Hồ sơ và các tang vật, phương tiện vi phạm hoạt động điện lực bao gồm:

a) Biên bản kiểm tra hoạt động điện lực, Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực (nếu có);

b) Các tang vật, phương tiện vi phạm (nếu có);

c) Bản tính toán tiền bồi thường, tiền phạt đối với hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động điện lực;

d) Các giấy tờ, tài liệu và hiện vật khác có liên quan.

2. Hồ sơ và các tang vật, phương tiện vi phạm sử dụng điện bao gồm:

a) Biên bản kiểm tra sử dụng điện, Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực (nếu có);

b) Biên bản kiểm tra thiết bị đo đếm điện năng (nếu có), biên bản kiểm định thiết bị đo đếm điện năng;

c) Sơ đồ trộm cắp điện (câu móc, vô hiệu hóa thiết bị đo đếm điện năng) ảnh, băng ghi hình mô tả hành vi vi phạm sử dụng điện (nếu có);

d) Bản tính tiền bồi thường, tiền phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về sử dụng điện;

đ) Các tang vật, phương tiện vi phạm (nếu có);

e) Thiết bị đo đếm điện năng tháo về (nếu có);

g) Các giấy tờ, tài liệu và hiện vật khác có liên quan.

Điều 30. Trình tự tiếp nhận, lưu giữ hồ sơ xử lý vi phạm hoạt động điện lực, sử dụng điện

1. Biên bản kiểm tra do Kiểm tra viên điện lực của đơn vị điện lực lập

a) Trường hợp bên mua điện không vi phạm hợp đồng mua bán điện thì biên bản kiểm tra được lưu giữ tại đơn vị điện lực;

b) Trường hợp bên mua điện vi phạm hợp đồng mua bán điện thì biên bản kiểm tra và các tang vật, phương tiện vi phạm được lưu giữ tại đơn vị điện lực để xử lý;

c) Trường hợp bên sử dụng điện có hành vi vi phạm hành chính thì chuyển Biên bản và các tang vật, phương tiện vi phạm đến các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để xử lý.

2. Biên bản kiểm tra và các tang vật, phương tiện vi phạm do Kiểm tra viên điện lực Bộ Công nghiệp, Sở Công nghiệp lập

a) Trường hợp bên mua điện hoặc bên bán điện không vi phạm hợp đồng mua bán điện thì biên bản kiểm tra được lưu giữ tại Bộ Công nghiệp hoặc Sở Công nghiệp;

b) Trường hợp bên mua điện hoặc bên bán điện vi phạm hợp đồng mua bán điện thì chuyển một bản biên bản kiểm tra và các tang vật, phương tiện vi phạm đến bên bị vi phạm để xử lý;

c) Trường hợp bên hoạt động điện lực hoặc sử dụng điện có hành vi vi phạm hành chính thì chuyển biên bản và các chứng cứ vi phạm đến các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để xử lý. Trường hợp bên sử dụng điện có hành vi vi phạm hành chính, biên bản được sao gửi cho bên bán điện.

3. Trường hợp hành vi vi phạm hoạt động điện lực hoặc sử dụng điện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì hồ sơ được chuyển tới cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Quản lý hồ sơ vi phạm hoạt động điện lực, sử dụng điện

1. Cơ quan, tổ chức có quyền kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện chịu trách nhiệm cấp phát và quản lý hồ sơ, quản lý các sổ giao nhận biên bản kiểm tra, sổ thống kê biên bản kiểm tra, sổ theo dõi hồ sơ chuyển Sở Công nghiệp, cơ quan điều tra, Toà án, cơ quan trọng tài. Sổ quản lý hồ sơ vi phạm hoạt động điện lực, sử dụng điện phải được đánh số trang và đóng dấu giáp lai.

2. Việc giao, nhận hồ sơ vi phạm phải có ký nhận, nơi giao và nơi nhận. Sổ giao nhận phải đánh số thứ tự, số trang, ngày, tháng, năm và đóng dấu giáp lai.

3. Cơ quan, tổ chức xử lý cuối cùng có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ vi phạm hoạt động điện lực, sử dụng điện. Thời hạn quản lý hồ sơ vi phạm hoạt động điện lực, sử dụng điện thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương 6

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 32. Trách nhiệm của Cục Điều tiết điện lực

Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ đối với Kiểm tra viên điện lực

1. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về công tác kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện của các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện ở địa phương và các đơn vị điện lực.

2. Tổ chức tập huấn, sát hạch về chuyên môn, nghiệp vụ cho Kiểm tra viên điện lực do Bộ Công nghiệp cấp thẻ.

3. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ và thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực theo quy định tại Điều 10 của Quy định này; kiểm tra, giám sát việc cấp thẻ và thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực của các Sở Công nghiệp.

Điều 33. Trách nhiệm của Sở Công nghiệp

Sở Công nghiệp là cơ quan tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ đối với công tác kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện tại địa phương, có trách nhiệm:

1. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về công tác kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện và xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện của các đơn vị điện lực trong địa bàn tỉnh.

2. Tổ chức tập huấn, sát hạch về chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng Kiểm tra viên điện lực do Sở Công nghiệp cấp thẻ.

3. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ và thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực của các đơn vị điện lực theo quy định tại Điều 10 của Quy định này.

Điều 34. Chế độ báo cáo

1. Các đơn vị điện lực trong phạm vi địa bàn tỉnh có trách nhiệm báo cáo đột xuất, định kỳ hàng quý, năm về công tác kiểm tra sử dụng điện với Sở Công nghiệp, trường hợp cần thiết có thể báo cáo trực tiếp với Cục Điều tiết điện lực.

2. Sở Công nghiệp có trách nhiệm báo cáo đột xuất, định kỳ hàng quý, năm về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động điện lực, sử dụng điện với Cục Điều tiết điện lực.

3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm báo cáo đột xuất, định kỳ hàng quý, năm về công tác kiểm tra sử dụng điện với Cục Điều tiết điện lực.

4. Cục Điều tiết điện lực tiếp nhận và tổng hợp các báo cáo đột xuất, định kỳ hàng quý, năm về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động điện lực, sử dụng điện của các Sở Công nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để báo cáo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.

Điều 35. Trách nhiệm thi hành

1. Cục Điều tiết điện lực và các Sở Công nghiệp có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này./.

BỘ TRƯỞNG




Hoàng Trung Hải

MẪU THẺ KIỂM TRA VIÊN ĐIỆN LỰC

Phụ lục 1

Mẫu số 1:

- Phạm vi kiểm tra ……………………………………..…........

....................................................................................................

- Kiểm tra viên điện lực phải xuất trình thẻ khi kiểm tra và chỉ kiểm tra trong phạm vi được quy định.

- Tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực, sử dụng điện và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để Kiểm tra viên điện lực hoàn thành nhiệm vụ.

- Kiểm tra viên điện lực phải lập biên bản và thực hiện theo đúng Quy định về kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện.

Mẫu số 2:

Phụ lục 2

TÊN ĐƠN VỊ KIỂM TRA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Số:........./BB – KTĐ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Địa chỉ:...........................

Điện thoại:......................

BIÊN BẢN KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC

Vào hồi …. giờ, ngày ……tháng … năm ....…..

I. Đoàn kiểm tra gồm có:

1 ..........................................chức vụ ......…………………….......…………....

2 ..........................................chức vụ ......…………………….......…………....

3 ..........................................chức vụ ......…………………….......…………....

............................................................................................................................

II. Bên được kiểm tra ..........................................................................................................

Đại diện:

1 ..............................................chức vụ ......…………………….......………….

2 ..............................................chức vụ ......…………………….......…………

III. Người làm chứng (nếu có):

1...................................................................…………………….......…………

2…………………………….......................…………………….......…………

IV. Đã tiến hành kiểm tra hoạt động điện lực tại:...................................................

Địa chỉ ………………………………………............................................……

Điện thoại ……………………….................................................................…

V. Hiện trạng hoạt động điện lực:

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………

Kết luận kiểm tra:

………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………

Trong quá trình kiểm tra, những người tham gia kiểm tra không xâm phạm hoặc làm hư hại đến tài sản của bên được kiểm tra.

Biên bản kết thúc vào.......giờ......ngày......tháng…..năm........

Biên bản được đọc cho mọi người cùng nghe.

Biên bản này lập thành 03 bản; bên được kiểm tra giữ 01 bản để thực hiện theo nội dung biên bản, người lập biên bản giữ 02 bản.

Bên được kiểm tra

Người làm chứng

KTV điện lực

(ký, ghi rõ họ tên, chức vụ)

(ký, ghi rõ họ tên,chức vụ)

(ký, ghi rõ họ tên, chức vụ)

Ý kiến bên được kiểm tra:

…………………………………………………………………………………….…………………………………………………………………………………….…………………………………………………………………………………….……………………………………………………………………………………......................................................................................................................................................................................................................


Phụ lục 3

Địa chỉ:...........................

Điện thoại:......................

BIÊN BẢN KIỂM TRA SỬ DỤNG ĐIỆN

Vào hồi …. giờ, ngày ……tháng … năm ....…..

I. Đoàn kiểm tra gồm có:

1.......................................................chức vụ......................................................

2.......................................................chức vụ …………………………………..

3......................................................chức vụ……………………………………

............................................................................................................................

II. Bên được kiểm tra

1..........................................................…………............………………………

2....................................................................………...…………………………

III. Người làm chứng (nếu có):

1.....................................................................…………………………………

2.........................................................................………………………………

IV. Đã tiến hành kiểm tra sử dụng điện tại: ........................................................…

Mã khách hàng ………………………..............................................…………………….

Địa chỉ ………………………………………...... ...................................……

Điện thoại ………………………..................................................................

V. Hiện trạng hệ thống đo đếm:

Công tơ loại: …………Nước sản xuất………No…………..

Dòng điện:……….Điện áp:……….TU......…...TI.......….

Hệ số nhân ...............

Chỉ số công tơ tại lúc kiểm tra:................................…………………………

VI. Hiện trạng lúc kiểm tra:…...…....................................................................

.............................................................................................................................

.............................................................................................................................

.............................................................................................................................

VII. Phụ lục kèm theo biên bản kiểm tra (gồm sơ đồ đấu dây, sơ đồ vi phạm, bảng kê công suất thiết bị điện…) nếu có:………………………………....

.............................................................................................................................

.............................................................................................................................

.............................................................................................................................

Kết luận kiểm tra. ………………………………………………………………..........................................................................................................................................................

.............................................................................................................................

.......................................................................................................................................................................................................................................................

Trong quá trình kiểm tra, hộ sử dụng điện hoặc người làm chứng luôn có mặt tại hiện trường và chứng kiến toàn bộ quá trình kiểm tra. Những người tham gia kiểm tra không xâm phạm hoặc làm hư hại đến tài sản của bên sử dụng điện.

Biên bản kết thúc vào.......giờ......ngày......tháng…..năm........

Biên bản được đọc cho mọi người cùng nghe.

Biên bản này lập thành 03 bản; bên được kiểm tra giữ 01 bản để thực hiện theo nội dung biên bản, người lập biên bản giữ 02 bản.

Bên được kiểm tra

Người làm chứng

KTV điện lực

(ký, ghi rõ họ tên, chức vụ)

(ký, ghi rõ họ tên,chức vụ)

(ký, ghi rõ họ tên, chức vụ)

Ý kiến bên sử dụng điện:

.............................................................................................................................

.............................................................................................................................

..............................................

.............................................................................


TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN [1]
TÊN CƠ QUAN LẬP BIÊN BẢN
Số: /BB-VPHC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
A [2]........ ,ngày........tháng........ năm ........

BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ... [3]

Hôm nay, hồi....... giờ....... ngày........ tháng........ năm........ tại................

Chúng tôi gồm [4]:

1.............................. Chức vụ: .............. ;

2. ............................ Chức vụ: .............. ;

........

Với sự chứng kiến của: [5]

1...............Nghề nghiệp/chức vụ ........;

Địa chỉ thường trú (tạm trú):. .......................;

Giấy chứng minh nhân dân số:....... Ngày cấp:........;Nơi cấp:..............;

2...............Nghề nghiệp/chức vụ:........Địa chỉ thường trú:........ ;

Giấy chứng minh nhân dân số:....... Ngày cấp:.......; Nơi cấp:..............;

............................................................ ,

Tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về [6] ........ đối với:

Ông (bà)/tổ chức [7]: ........Nghề nghiệp (lĩnh vực hoạt động): ..................;

Địa chỉ: .............;

Giấy chứng minh nhân dân số/Quyết định thành lập hoặc ĐKKD.......

Cấp ngày........tại ........ ;

Đã có các hành vi vi phạm hành chính như sau [8]: ............. ;

Các hành vi trên đã vi phạm vào Điều........ khoản........ điểm........ của Nghị định số........ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực [9]........

Người bị thiệt hại/tổ chức bị thiệt hại [10]:

Họ tên:..................... ;

Địa chỉ: ................... ;

Giấy chứng minh nhân dân số/Quyết định thành lập hoặc ĐKKD........;

Cấp ngày........ tại .........

Ý kiến trình bày của người vi phạm hành chính/đại diện tổ chức vi phạm hành chính:

Ý kiến trình bày của người làm chứng:

Ý kiến trình bày của người/đại diện tổ chức bị thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra (nếu có):

Người có thẩm quyền xử phạt đã yêu cầu Ông (bà)/tổ chức đình chỉ ngay hành vi vi phạm.

Các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính được áp dụng gồm:

........

Chúng tôi tạm giữ những tang vật, phương tiện, vi phạm hành chính và giấy tờ sau để chuyển về:........ để cấp có thẩm quyền giải quyết.

STT

Tên tang vật, phương tiện, giấy tờ bị tạm giữ

Số lượng

Chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ, tình trạng [11]

Ghi chú [12]

Ngoài những tang vật, phương tiện, giấy tờ nêu trên, chúng tôi không tạm giữ thêm thứ gì khác.

Yêu cầu Ông (bà)/đại diện tổ chức vi phạm có mặt tại [13]........ lúc ........giờ........ngày ........tháng ........năm để giải quyết vụ vi phạm.

Biên bản được lập thành........ bản có nội dung và giá trị như nhau, và được giao cho người vi phạm/đại diện tổ chức vi phạm một bản và........ [14]

Sau khi đọc lại biên bản, những người có mặt đồng ý về nội dung biên bản, không có ý kiến gì khác và cùng ký vào biên bản hoặc có ý kiến khác như sau:

Ý kiến bổ sung khác (nếu có)[15]:

Biên bản này này gồm........ trang, được những người có mặt cùng ký xác nhận vào từng trang.

NGƯỜI VI PHẠM

(HOẶC ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC VI PHẠM)

(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI BỊ THIỆT HẠI

(HOẶC ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC BỊ THIỆT HẠI)

(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI CHỨNG KIẾN

(Ký, ghi rõ họ tên)

ĐẠI DIỆN CHÍNH QUYỀN (NẾU CÓ)

(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI LẬP BIÊN BẢN

(Ký, ghi rõ họ tên)

Lý do người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký biên bản [16]:

.............

Lý do người bị thiệt hại, đại diện tổ chức bị thiệt hại không ký biên bản [17]:

...................


Phụ lục 5

BẢNG PHÂN LOẠI CÁC THIẾT BỊ TIÊU THỤ ĐIỆN THÔNG DỤNG

VÀ THỜI GIAN ÁP DỤNG TRONG TÍNH TOÁN XỬ LÝ VI PHẠM SỬ DỤNG ĐIỆN

STT

PHÂN LOẠI DỤNG CỤ- THIẾT BỊ TIÊU THỤ ĐIỆN

THỜI GIAN SỬ DỤNG

(GIỜ/NGÀY)

GHI CHÚ

SINH HOẠT GIA ĐÌNH

KINH DOANH DỊCH VỤ

CƠ QUAN HÀNH CHÍNH

SẢN XUẤT 1 CA

SẢN XUẤT 2 CA

SẢN XUẤT 3 CA

1

Thiết bị chiếu sáng

6

16

8

8

16

24

2

Thiết bị tạo và thông gió

10

12

8

8

16

24

3

Thiết bị lạnh, điều hoà không khí

8

16

8

4

Đồ dùng điện tử dân dụng

6

12

6

5

Thiết bị gia nhiệt dân dụng

2

8

4

6

Thiết bị có động cơ điện

4

8

6

8

14

22

7

Máy hàn điện

4

10

6

8

16

20

8

Thiết bị thông tin liên lạc

8

12

14

9

Thiết bị nạp điện

8

12

8

16

24

Ghi chú:* Đối các thiết bị sử dụng phụ thuộc vào điều kiện khí hậu (theo mùa) khi tính toán cần lưu ý thời gian sử dụng thực tế;

* Động cơ điện khi tính toán lấy cosj = 0,85 máy hàn khi tính toán lấy cosj = 0,65.



[1] Nếu biên bản do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp lập thì chỉ cần ghi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương..., huyện, thành phố thuộc tỉnh..., ·.xã .. mà không cần ghi cơ quan chủ quản.

[2] Ghi địa danh hành chính cấp tỉnh.

[3] Ghi lĩnh vực quản lý nhà nước.

[4] Ghi rõ họ tên, chức vụ người lập biên bản.

[5] Họ và tên người làm chứng. Nếu có đại diện chính quyền phải ghi rõ họ tên, chức vụ.

[6] Ghi lĩnh vực quản lý nhà nước như chú thích số 3.

[7] Nếu là tổ chức ghi họ tên, chức vụ người đại diện cho tổ chức vi phạm.

[8] Ghi cụ thể giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; mô tả hành vi vi phạm.

[9] Ghi lĩnh vực quản lý nhà nước theo chú thích số 3.

[10] Nếu là tổ chức ghi họ tên, chức vụ người đại diện cho tổ chức bị thiệt hại.

[11] Nếu là phương tiện ghi thêm số đăng ký, nếu là ngoại tệ thì ghi xê ri của từng tờ.

[12] Ghi rõ tang vật, phương tiện có được niêm phong không, nếu có niêm phong thì trên niêm phong phải có chữ ký của người vi phạm (hoặc đại diện của tổ chức vi phạm), có sự chứng kiến của đại diện gia đình, đại diện tổ chức hay đại diện chính quyền không, nếu không có phải ghi rõ có sự chứng kiến của Ông (bà)...

[13] Ghi rõ địa chỉ trụ sở nơi cá nhân, tổ chức vi phạm phải có mặt.

[14] Ghi cụ thể những người, tổ chức được giao biên bản.

[15] Những người có ý kiến khác về nội dung biên bản phải tự ghi ý kiến của mình, lý do có ý kiến khác, ký và ghi rõ họ tên.

[16], 17 Người lập biên bản phải ghi rõ lý do những người này từ chối không ký biên bản.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 31/2006/QĐ-BCN Quy định Kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện do Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 31/2006/QĐ-BCN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/09/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 39 đến số 40
  • Ngày hiệu lực: 06/10/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 15/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản