Hệ thống pháp luật

UỶ BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31/1999/QĐ-UBCK6

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA CHỦ TỊCH UỶ BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC SỐ 31/1999/QĐ-UBCK6 NGÀY 12 THÁNG 10 NĂM 1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ GIÁM SÁT, THANH TRA HOẠT ĐỘNG CHỨNG KHOÁN VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

CHỦ TỊCH UỶ BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Pháp lệnh thanh tra ngày 01 tháng 04 năm 1990;
Căn cứ Nghị định 15/CP ngày 02 tháng 03 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định 75/CP ngày 28 tháng 11 năm 1996 của Chính phủ về việc thành lập Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 48/1998/NĐ-CP ngày 11 tháng 07 năm 1998 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
Căn cứ Nghị định số 61/1998/NĐ-CP ngày 15 tháng 08 năm 1998 của Chính phủ về công tác thanh ra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế giám sát, thanh tra hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm giao dịch chứng khoán, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Lê Văn Châu

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

GIÁM SÁT, THANH TRA HOẠT ĐỘNG CHỨNG KHOÁN VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/1999/QĐ-UBCK6 ngày 12 tháng 10 năm 1999 của Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Quy chế này quy định nguyên tắc, đối tượng, nội dung, phương pháp, trình tự tiến hành giám sát, thanh tra hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Giám sát, thanh tra hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán nhằm mục đích giúp cho hoạt động thị trường chứng khoán được ổn định, công bằng, công khai, có hiệu quả; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Điều 2

1. Đối tượng giám sát, thanh tra gồm:

a) Tổ chức phát hành có chứng khoán đưa vào giao dịch tại thị trường giao dịch tập trung;

b) Trung tâm giao dịch chứng khoán;

c) Công ty chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư, thành viên lưu ký chứng khoán, ngân hàng giám sát;

d) Người hành nghề kinh doanh chứng khoán;

e) Tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.

2. Phạm vi giám sát, thanh tra gồm:

a) Hoạt động phát hành chứng khoán;

b) Các giao dịch chứng khoán;

c) Các hoạt động kinh doanh, đăng ký, thanh toán bù trừ, lưu ký chứng khoán;

d) Việc công bố thông tin.

Điều 3

Trách nhiệm giám sát, thanh tra:

1. Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là đơn vị thuộc bộ máy tổ chức của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có chức năng thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và hoạt động của Trung tâm giao dịch chứng khoán, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động phát hành, kinh doanh, dịch vụ chứng khoán.

2. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các Vụ chức năng thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm giám sát đối với tổ chức phát hành, kinh doanh và giao dịch chứng khoán, cá nhân hoạt động chứng khoán theo quy định của pháp luật.

3. Trung tâm giao dịch chứng khoán có trách nhiệm và quyền hạn tổ chức thực hiện công tác giám sát, kiểm tra các hoạt động giao dịch chứng khoán tại Trung tâm giao dịch chứng khoán.

4. Các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán có trách nhiệm thường xuyên tự kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh của mình.

Chương 2

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

Điều 4

Hoạt động giám sát phải dựa trên các hoạt động cụ thể, các số liệu, tài liệu báo cáo để phân tích, đối chiếu với các tiêu chí quy định trong các văn bản pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, sớm phát hiện các dấu hiệu thiếu sót hoặc vi phạm của tổ chức phát hành, kinh doanh và giao dịch chứng khoán, cá nhân hoạt động chứng khoán.

Các Vụ chức năng thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm giao dịch chứng khoán phải tổ chức thực hiện việc giám sát một cách thường xuyên, có hiệu quả.

Điều 5

Việc giám sát về hoạt động phát hành, niêm yết chứng khoán và công bố thông tin được thực hiện như sau:

1. Phân tích các yếu tố trong hồ sơ phát hành, hồ sơ niêm yết chứng khoán;

2. Giám sát và phân tích việc tuân thủ các yêu cầu về công bố thông tin;

3. Phân tích tính khả mại của cổ phiếu, trái phiếu;

4. Phân tích khả năng thanh toán gốc và lãi trái phiếu, cổ tức;

5. Phân tích các sự việc xảy ra thiệt hại nghiêm trọng, như ngừng sản xuất toàn bộ hoặc một vài hoạt động chính; thay đổi mục đích kinh doanh; tách hoặc sát nhập công ty... làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, trái phiếu đang lưu hành của công ty;

6. Đánh giá các xu hướng của chứng khoán phát hành và niêm yết.

Điều 6

Việc giám sát các hoạt động giao dịch tại Trung tâm giao dịch chứng khoán gồm các nội dung sau:

1. Phân tích từng hoạt động giao dịch mua, bán chứng khoán và mức độ biến động tăng, giảm giá cả, khối lượng giao dịch để phát hiện các hoạt động giao dịch mua, bán không bình thường;

2. Tổ chức kiểm tra nhằm phát hiện các giao dịch nội gián hoặc giao dịch thao túng thị trường, thao túng giá cả;

3. Kiểm soát tình trạng sở hữu của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước;

4. Điều tra các tin đồn có ảnh hưởng đến giá cả thị trường;

5. Đánh giá xu hướng phát triển của thị trường.

Điều 7

Việc giám sát về khả năng tài chính và hoạt động của các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán gồm các nội dung sau:

1. Việc duy trì vốn khả dụng, tài sản lưu hoạt;

2. Chất lượng tài sản có;

3. Kết quả kinh doanh;

4. Vốn thực có;

5. Nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước;

6. Đánh giá kết quả quản lý, điều hành của tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán;

7. Giám sát việc đảm bảo các điều kiện quy định khi được cấp giấy phép hoạt động.

Chương 3

HOẠT ĐỘNG THANH TRA

Điều 8

Các Vụ chức năng thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm giao dịch chứng khoán căn cứ vào kết quả của hoạt động giám sát, phát hiện được các dấu hiệu thiếu sót hoặc vi phạm phải kịp thời báo cáo Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Hàng năm, Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện thanh tra định kỳ và thanh tra đột xuất tuỳ theo tính chất hoạt động của các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng thanh tra hoặc tính chất, mức độ các dấu hiệu thiếu sót, vi phạm cần được thanh tra.

Điều 9

Thanh tra đối với tổ chức phát hành cần tập trung vào những điểm nghi vấn hoặc sai lệch trong hoạt động phát hành, niêm yết chứng khoán và công bố thông tin, bao gồm:

a) Tính chính xác, đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ phát hành, hồ sơ niêm yết;

b) Tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của các tài liệu công bố thông tin;

c) Tài sản thế chấp (nếu có) hoặc bảo lãnh phát hành;

d) Việc chấp hành các tỷ lệ an toàn theo quy định;

e) Việc trích lập quỹ trả lãi và gốc trái phiếu;

g) Các thiệt hại do các sự kiện xảy ra, khả năng khắc phục.

Điều 10

Thanh tra các hoạt động giao dịch tại Trung tâm giao dịch chứng khoán cần chú trọng xác định thời gian được chọn làm cơ sở thanh tra, kể từ ngày giá cả và khối lượng giao dịch vượt quá tiêu chí giới hạn quy định (đối với vụ việc nghi vấn là giao dịch thao túng thị trường) hoặc biến động giá và khối lượng giao dịch trước khi công bố thông tin (đối với vụ việc nghi vấn là giao dịch nội gián), bao gồm:

a) Số lượng chứng khoán phát hành ra công chúng;

b) Các chỉ số giá cả và khối lượng giao dịch đối với chứng khoán nghi vấn;

c) Các dữ liệu, tài liệu của công ty môi giới và những nhà đầu tư chính tham gia vào hoạt động giao dịch;

d) Xác định nguyên nhân có sự thay đổi giá cả hàng ngày và khối lượng giao dịch hàng ngày;

e) Phân tích các mối quan hệ và các thông tin:

- Mối quan hệ giữa người nắm được thông tin nội bộ của tổ chức phát hành với nhà đầu tư tập trung;

- Mối quan hệ giữa những nhà đầu tư lớn về tài khoản, giá cả, khối lượng giao dịch;

- Những hành vi mua bán tập trung, khối klượng lớn và giao dịch lô lớn;

- Các giao dịch có dấu hiệu vi phạm điều cấm hoặc hạn chế.

Điều 11

Thanh tra về khả năng tài chính và các hoạt động của các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán, bao gồm các nội dung chính sau:

1. Thanh tra về tính chất hoạt động chứng khoán:

- Việc chấp hành chế độ mở và quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của khách hàng;

- Tính chuẩn mực của nghiệp vụ môi giới và tự doanh;

- Nghĩa vụ nắm vững thông tin về khách hàng;

- Việc tuân thủ quy tắc về môi giới và tự doanh.

2. Thanh tra các hành vi không công bằng:

- Việc thu phí, lệ phí của khách hàng vượt tỷ lệ quy định;

- Việc gửi đầy đủ, kịp thời giấy báo xác nhận kết quả giao dịch cho khách hàng;

- Các hành vi ép buộc khách hàng giao dịch chứng khoán;

- Tạo áp lực, vận động, xúi giục khách hàng đầu cơ chứng khoán;

3. Thanh tra về khả năng tài chính:

- Tỷ lệ vốn khả dụng ròng tại thời điểm thanh tra, so sánh đối chiếu với các thời kỳ trước đó;

- Các tỷ lệ tham gia đầu tư vốn, so với hạn mức quy định;

- Chất lượng đầu tư chứng khoán tự doanh;

- Các nguồn thu nhập từ hoạt động kinh doanh, môi giới, tự doanh và bảo lãnh phát hành;

- Việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, đối với cổ đông.

4. Thanh tra công tác kế toán:

- Việc mở sổ sách hạch toán ghi chép, lưu trữ chứng từ và sổ sách kế toán;

- Tính hợp lệ, hợp pháp của hạch toán, chứng từ kế toán;

- Tính chính xác, đầy đủ, kịp thời và cân đối kế toán.

5. Thanh tra công tác kiểm soát nội bộ:

- Việc chấp hành công tác kiểm soát nội bộ của công ty;

- Chất lượng và hiệu quả công tác kiểm soát nội bộ;

- Mối quan hệ hợp tác giữa kiểm soát nội bộ với kiểm toán bên ngoài và cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán.

Điều 12

Thanh tra đối với cơ quan đơn vị thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước được thực hiện theo nội dung ghi trong quyết định thanh tra của Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Nội dung thanh tra chủ yếu, bao gồm:

a) Chất lượng kiểm tra, kiểm soát nội bộ của đơn vị theo quy định;

b) Việc chấp hành các quy định, công tác giải quyết các vướng mắc, khiếu nại và tố cáo;

c) Các nội dung khác do Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu.

Điều 13

1. Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Chánh thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có quyền ra quyết định thanh tra đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phát hành, kinh doanh và giao dịch chứng khoán.

2. Giám đốc Trung tâm giao dịch chứng khoán có quyền ra quyết định kiểm tra các hoạt động giao dịch chứng khoán trên Trung tâm giao dịch chứng khoán.

3. Trong quyết định thanh tra, kiểm tra phải ghi rõ căn cứ pháp lý, nội dung, yêu cầu, phạm vi, thời hạn thanh tra, kiểm tra, quyền hạn và trách nhiệm của đoàn thanh tra.

4. Thông báo cho tổ chức được thanh tra, kiểm tra trước khi công bố quyết định thanh tra, kiểm tra ít nhất là 07 ngày, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất.

5. Thời hạn thanh tra:

a) Thời hạn thanh tra tối đa không quá 30 ngày;

b) Khi cần thiết, người ra quyết định thanh tra được quyền gia hạn, thời hạn gia hạn không vượt quá 30 ngày;

c) Thời hạn thanh tra được xác định kể từ ngày công bố quyết định thanh tra tại tổ chức được thanh ra đến ngày công bố dự thảo báo cáo kết quả thanh tra.

6. Thời hạn kiểm tra:

a) Thời hạn kiểm tra tối đa không quá 05 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra;

b) Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định kiểm tra có thể ra hạn, nhưng không được vượt quá thời hạn quy định cho mỗi cuộc kiểm tra.

Chương 4

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Điều 14

Tổ chức phát hành, kinh doanh và giao dịch chứng khoán, cá nhân hoạt động chứng khoán chịu sự giám sát, thanh tra của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phải cung cấp cho Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán, các Vụ chức năng thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm giao dịch chứng khoán đầy đủ các thông tin, báo cáo phục vụ cho công tác thanh tra, giám sát và phải đảm bảo chính xác, kịp thời, an toàn theo quy định trong Quy chế thông tin báo cáo.

Điều 15

Các Vụ chức năng thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư.... hàng quý và năm, phải gửi cho Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo kết quả thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ và xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo.

Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, hàng tháng phải gửi báo cáo chỉ đạo, thực hiện kết quả giám sát, thanh tra lên Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước; hàng quý và năm, gửi báo cáo kết quả hoạt động giám sát, thanh tra và xét giải quyết khiếu nại, tố cáo lên Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Tổng Thanh tra Nhà nước.

Chương 5

KHEN THƯỞNG, XỬ PHẠT

Điều 16

Cán bộ, công chức, cộng tác viên và các tổ chức thanh tra, thanh tra viên có thành tích trong hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

Điều 17

Người nào lợi dụng chức vụ và quyền hạn giám sát, thanh tra hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà xâm phạm quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân được thanh tra, giám sát; người cản trở, mua chuộc, trả thù cán bộ thanh tra và người cộng tác với tổ chức thanh tra hoặc vi phạm các quy định khác về hoạt động giám sát, thanh tra chứng khoán và thị trường chứng khoán, thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 6

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18

1. Chánh thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn thi hành quy chế này.

2. Vịệc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước quyết định.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 31/1999/QĐ-UBCK6 về Quy chế giám sát, thanh tra hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán do Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 31/1999/QĐ-UBCK6
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/10/1999
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước
  • Người ký: Lê Văn Châu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 46
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản