Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3073/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 04 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến Quy hoạch số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018;

Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 56/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến Quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02/12/2019 của Chính Phủ về việc ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/QH12/2008 ngày 13/11/2008;

Căn cứ Văn bản số 17-TB/TU ngày 10/11/2020 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 24/11/2020 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về việc đồng ý để UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 3779/QĐ-CT ngày 16/12/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 2708/TTr-SGTVT ngày 03/12/2020 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với các nội dung cụ thể như sau:

I. Mục tiêu và phạm vi điều chỉnh

1. Mục tiêu điều chỉnh

- Điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3779/QĐ-CT ngày 16/12/2010 và được HĐND tỉnh đồng ý để UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch tại Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 24/11/2020 để đảm bảo tính thống nhất giữa các quy hoạch, làm cơ sở pháp lý thực hiện một số chương trình, dự án cấp thiết về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Đảm bảo tính liên tục trong quản lý đầu tư và quản lý quy hoạch giai đoạn 2021-2025 trong thời gian Quy hoạch tỉnh được chưa được phê duyệt.

2. Phạm vi điều chỉnh

Hệ thống GTVT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có xét đến mối quan hệ kết nối giao thông với các tỉnh, thành lân cận và các tỉnh trong vùng thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

II. Nội dung điều chỉnh quy hoạch

1. Hệ thống đường vành đai

Hình thành 05 tuyến đường vành đai (trong đó: vành đai 1, 2, 3 có chức năng là vành đai đô thị; vành đai 4, 5 có chức năng kết nối các trung tâm đô thị, công nghiệp và du lịch của tỉnh) để thống nhất giữa quy hoạch GTVT với các quy hoạch có liên quan (Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, Quy hoạch vùng tỉnh Vĩnh Phúc, các Quy hoạch phân khu...).

(Chi tiết theo Phụ lục 1)

2. Hệ thống đường tỉnh

Cập nhật, rà soát quy mô hệ thống đường tỉnh giữa các đồ án quy hoạch đã được duyệt đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất, quy mô tối thiểu đạt đường cấp III đồng bằng.

3. Bổ sung quy hoạch một số tuyến đường, công trình giao thông

a) Đường bộ

- Quy hoạch tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, đoạn từ Đại Lải đi Tây Thiên. Tổng chiều dài tuyến đường khoảng 23,6km, quy mô tối thiểu đạt đường cấp III đồng bằng;

- Quy hoạch tuyến đường kết nối trục Bắc Nam (Vĩnh Phúc) với trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh, kéo dài kết nối đường Hàm Nghi đến QL2 tại Phúc Thắng, Phúc Yên. Tổng chiều dài tuyến đường khoảng 16,3km (chiều dài thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Phúc 8,9km), quy mô đạt đường cấp I đồng bằng;

- Quy hoạch tuyến QL.2B nâng cấp mở rộng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với chiều dài 24,2km. Quy mô quy hoạch: đoạn từ ngã 3 Dốc Láp đến nút giao Chùa Hà đạt đường cấp II đồng bằng, đoạn từ nút giao Chùa Hà đến thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo đạt đường cấp I đồng bằng và đoạn còn lại đến thị trấn Tam Đảo đạt tối thiểu đường cấp III miền núi;

- Quy hoạch đường song song đường sắt từ Phúc Yên đến cầu Hạc Trì. Chiều dài trung bình 33km/bên, quy mô tối thiểu đạt đường cấp III đồng bằng;

- Quy hoạch tuyến đường kết nối từ Đường Lê Duẩn (hồ Đại Lải, Phúc Yên) đến Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. Chiều dài đoạn tuyến trên địa phận tỉnh Vĩnh Phúc là 3,3km, quy mô tối thiểu đạt đường cấp III đồng bằng;

- Quy hoạch tuyến đường từ ĐT.310B vào hồ Thanh Lanh, kết nối với đường AV5 và đường Minh Quang - hồ Thanh Lanh. Tổng chiều dài tuyến đường khoảng 13,7km, quy mô tối thiểu đạt đường cấp III đồng bằng;

- Quy hoạch tuyến đường kết nối từ đường Vành đai 4 (Thanh Lãng, Bình Xuyên) đến dốc đê Trung ương (Dốc Lồ xã Nguyệt Đức). Chiều dài tuyến đường là 2km, quy mô đạt đường cấp II đồng bằng;

- Quy hoạch tuyến đường kết nối từ đường Vành đai 1 (đường Trục chính KĐT Nam Vĩnh Yên) đến đường Vành đai 3 (ĐT.302). Chiều dài tuyến khoảng 2,8km, quy mô tối thiểu đạt đường cấp III đồng bằng;

- Quy hoạch nắn chỉnh hướng tuyến ĐT.305 đoạn từ xã Hoàng Lâu đến cầu Bến Gạo (tránh khu vực đông dân cư). Chiều dài tuyến khoảng 3,7km, quy mô tối thiểu đạt đường cấp III đồng bằng.

b) Cầu lớn vượt sông

(1) Cầu vượt sông Lô

Cầu Vĩnh Phú (cầu Đức Bác), đường dẫn đầu cầu đến ĐT.306 kết nối huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) và thành phố Việt Trì (Phú Thọ), với quy mô cầu dài khoảng 700m, rộng 16,5m;

Cầu Như Thụy, đường dẫn đầu cầu đến ĐT.306B (đường Yên Thạch - Then) kết nối huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) và huyện Phù Ninh (Phú Thọ), với quy mô cầu dài khoảng 600m, rộng 16,5m - 24m.

(2) Cầu vượt sông Hồng

Cầu Vân Phúc (cầu Trung Hà) kết nối huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) và huyện Phúc Thọ (Hà Nội) với quy mô cầu dài khoảng 4.800m, quy mô 6 làn xe rộng tối thiểu 24m.

(3) Cầu vượt sông Phó Đáy

Cầu Bến Gạo mới kết nối 2 huyện Tam Dương và Lập Thạch, với quy mô cầu dài khoảng 200m, rộng 12m - 24m;

Cầu Chang trên ĐT.302 kết nối 2 huyện Lập Thạch và Tam Đảo, với quy mô cầu dài khoảng 200m, rộng 12m - 24m.

(4) Cầu vượt sông khác

Cầu Bòn vượt sông Bòn trên ĐT.302 kết nối xã Hương Sơn và thị trấn Gia Khánh (huyện Bình Xuyên), với quy mô cầu dài khoảng 70m, rộng 12m - 24m;

Cầu Khả Do vượt sông Cà Lồ trên ĐT.301 thuộc phương Nam Viêm (TP Phúc Yên), với quy mô cầu dài khoảng 70m, rộng 12m - 24m;

c) Nút giao khác mức

Quy hoạch, xây dựng 12 nút giao khác mức tại các tuyến đường trục chính để đảm bảo an toàn giao thông tại các nút giao, đáp ứng nhu cầu phát triển mạng lưới đường bộ của tỉnh, gồm:

Nút giao IC5 giao giữa QL.2C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Nút giao IC2: giao giữa Đường Nguyễn Tất Thành - thành phố Phúc Yên với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Nút giao IC4 giao giữa QL.2B với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Nút giao Kim Ngọc: giao giữa QL.2 với Đường sắt Hà Nội - Lào Cai.

Nút giao Quán Tiên: QL2 giao đường vành đai 2 và ĐT.305.

Nút giao Đồng Văn: QL2 giao QL2 vòng tránh thành phố Vĩnh Yên

Nút giao Mê Linh: QL2 giao với đường trục trung tâm KĐT Mê Linh (đường 100m).

Nút giao Khai Quang: Đường nối Đường vành đai 1 đến vành đai 3 vượt QL2 và đường sắt tại phường Khai Quang.

Nút giao Định Trung: Đường Nguyễn Tất Thành vượt đường sắt Hà Nội - Lào Cai tại Km55 200.

Nút giao Thanh Trù: Trục Bắc Nam giao QL2 vòng tránh thành phố Vĩnh Yên.

Nút giao vượt đường sắt 1: Đường Vành đai 2 vượt đường sắt tại xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên.

Nút giao vượt đường sắt 2: Đường Vành đai 3 vượt đường sắt tại xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên.

Quy hoạch xây dựng một số cầu vượt dành cho người đi bộ khu vực thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên.

4. Cập nhật, đặt số hiệu đường bộ thuộc hệ thống đường tỉnh

- Cập nhật, đặt số hiệu đường bộ của 17 tuyến đường tỉnh để phục vụ công tác quản lý nhà nước về GTVT, quy hoạch và đầu tư xây dựng, với tổng chiều dài khoảng 371,3km, bao gồm: ĐT.301, ĐT.302, ĐT.302B, ĐT.303, ĐT.304, ĐT.305, ĐT.305C, ĐT.306, ĐT.306B, ĐT.307, ĐT.307B, ĐT.309, ĐT.309B, ĐT.310, ĐT.310B, ĐT.310C và ĐT.311.

(Chi tiết theo Phụ lục 02)

Nội dung chi tiết điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT theo thuyết minh báo cáo tổng hợp và bản vẽ kèm theo.

III. Một số định hướng tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

1. Sử dụng số liệu, kết quả nghiên cứu Đồ án “Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được UBND tỉnh thông qua và Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất tại Thông báo số 1467-TB/TU ngày 19/10/2018 để nghiên cứu, xây dựng các nội dung (hợp phần) thuộc lĩnh vực GTVT tích hợp vào Quy hoạch tỉnh; đồng thời tiếp tục cập nhật bổ sung định hướng phát triển các tuyến đường mới phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Quy hoạch phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giữa các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa...) nhằm khai thác tối đa thế mạnh của từng phương thức vận tải trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo kết nối giữa các vùng trong tỉnh và kết nối với các tỉnh.

3. Phát triển vận tải hàng hóa và hành khách theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải với chi phí hợp lý, phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức vận tải; đặc biệt chú trọng phát triển vận tải hàng hóa đa phương thức, dịch vụ logistics, điểm thông quan nội địa (cảng cạn ICD: ICD Hương Canh, ICD Vĩnh Ninh, ICD Đình Chu), vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và các loại hình vận tải hành khách phục vụ du lịch.

IV. Các nội dung khác: Giữ nguyên theo Quyết định số 3779/QĐ-CT ngày 16/12/2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Giao thông vận tải:

Tổ chức công bố công khai quy hoạch đã được phê duyệt điều chỉnh; Chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các Sở ngành có liên quan tổ chức quản lý và triển khai thực hiện.

Tổ chức lập, triển khai thực hiện điều chỉnh số hiệu, lý trình đường tỉnh (cột Km, cột H…), cắm mốc lộ giới các tuyến đường theo quy hoạch được duyệt để quản lý hành lang an toàn đường bộ.

Tổ chức bàn giao các đoạn tuyến đường tỉnh cũ do nắn chỉnh hướng tuyến theo quy hoạch đường tỉnh mới (không thuộc hệ thống đường tỉnh theo quy hoạch điều chỉnh) về cho các địa phương quản lý. Cập nhật, điều chỉnh, bổ sung nội dung quản lý bảo trì các tuyến đường tỉnh theo quy hoạch điều chỉnh.

2. Sở Tài chính:

Căn cứ chức năng nhiệm vụ của ngành cân đối, báo cáo UBND tỉnh bố trí kinh phí để Sở GTVT thực hiện nhiệm vụ: Công bố công khai quy hoạch (in ấn tài liệu quy hoạch được duyệt gửi các đơn vị có liên quan và một số chi phí khác); Tổ chức điều chỉnh số hiệu, lý trình đường tỉnh (cột Km, cột H…), cắm mốc lộ giới các tuyến đường và triển khai các nội dung khác để thực hiện quy hoạch điều chỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn kinh phí báo cáo UBND tỉnh để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt điều chỉnh.

4. UBND các huyện, thành phố:

Căn cứ định hướng điều chỉnh quy hoạch GTVT thuộc địa giới hành chính của mình phối hợp với Sở GTVT, các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở ngành: Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khước

 

PHỤ LỤC 1:

HỆ THỐNG ĐƯỜNG VÀNH ĐAI
(Kèm theo Quyết định số 3073/QĐ-UBND ngày 04/12/2020 của UBND tỉnh)

TT

Số hiệu tuyến

Lộ trình

Chiều dài
(km)

Quy mô

Xây dựng mới
(km)

Nâng cấp
(km)

Giữ cấp
(km)

1

Vành đai 1

Điểm đầu tại ngã tư T50 (Nút giao QL2, Phường Tích Sơn) tuyến đi theo đường Lam Sơn qua khu dân cư Tỉnh ủy, đường trục chính KĐT Nam Vĩnh Yên (đường Đinh Tiên Hoàng) và QL2 đến vòng xuyến ngã 5 nhà thi đấu Vĩnh Phúc. Tuyến tiếp tục đi trùng theo đường Nguyễn Tất Thành Vĩnh Yên đến điểm đầu tại ngã từ T50, phường Tích Sơn.

15,4

Bmin=33m

(4-6 làn xe)

-

-

15,4

2

Vành đai 2

Điểm đầu tại Km27 650 QL2 gần cây xăng Quất Lưu đi theo hướng dọc khu công nghiệp Khai Quang đến đường Tôn Đức Thắng. Tuyến tiếp tục đi theo đường Lương Thế Vinh đến điểm giao Quốc lộ 2B (Nút giao Biên Phòng) rồi sau đó đi dọc Lữ đoàn 204, qua trường THCS Thanh Vân đến giao với Quốc lộ 2C. Tuyến đi theo đường Thanh Vân - Quán Tiên đến ngã tư Quán Tiên và đi theo đường tránh QL2 thành phố Vĩnh Yên, QL 2 đến vị trí đầu tuyến. Trong đó, xây dựng mới đoạn từ QL2 đến KCN Khai Quang dài khoảng 1,6km và đoạn từ QL2C đến QL2 tránh TP Vĩnh Yên dài khoảng 6km.

24,2

Bmin=46m

(4-6 làn xe)

7,6

-

16.6

3

Vành đai 3

Điểm đầu giao QL.2 (tại thị trấn Hương Canh) đi theo đường Hương Canh - Tân Phong, Đường Tân Phong (Bình Xuyên) - Trung Nguyên (Yên Lạc), đường Hợp Thịnh - Đạo Tú, QL.2C hiện trạng, ĐT.310 cũ (Đạo Tú - Đại Lải) đến ĐT.302. Tuyến tiếp tục chạy theo ĐT.302 đến vị trí đầu tuyến tại thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên.. Trong đó, xây dựng mới đoạn từ QL2 (Hương Canh) đến ĐT.302 dài 1,7km và đoạn từ Trung Nguyên đến Tân Phong dài 7km.

41,4

Bmin=36m

(4-6 làn xe)

8,7

-

32,7

4

Vành đai 4

Điểm đầu từ QL2 (Khu công nghiệp Bình Xuyên) đi theo đường Hương Canh - Yên Lạc, đường Yên Lạc - Bình Dường và đường trục trung tâm Vĩnh Tường đến QL2. Tuyến đi lên phía Bắc cắt qua sông Phó Đáy đến đường nối Hợp Châu - Đồng Tĩnh đi trung tâm thị trấn Lập Thạch. Tuyến đi theo ĐT.310, ĐT.310B đến vị trí đầu tuyến giao với QL2 tại khu công nghiệp Bình Xuyên. Trong đó, xây dựng mới 27km đoạn từ Bình Dương đến nút giao đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh.

70,5

Bmin=24m

(4-6 làn xe)

27,0

-

43,5

5

Vành đai 5

Điểm đầu từ ranh giới Vĩnh Phúc - Hà Nội tại xã Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc) đi theo đê tả sông Hồng qua các huyện: Yên Lạc, Vĩnh Tường và đi theo đê Sông Lô qua các huyện: Lập Thạch, Sông Lô đến thị trấn Tam Sơn. Tuyến mở mới theo hướng tuyến Tây Thiên - Tam Sơn qua hồ Vân Trục, QL2C đến ĐT.302. Tuyến đi theo ĐT.302 qua Tam Đảo, Bình Xuyên đến điểm cuối giao với đường Nguyễn Tất Thành tại thành phố Phúc Yên. Trong đó, xây dựng mới 1,9km đoạn từ ĐT.310 đến ĐT.302B, 5,4km đoạn từ ĐT.302B đến ĐT.302 và 19,9km đoạn từ Tây Thiên đến Tam Sơn. Nâng cấp 19km đoạn tuyến đi trùng ĐT.302.

103,6

Bmin=12m

(4-6 làn xe)

27,3

19,0

57,3

 

PHỤ LỤC 2:

CẬP NHẬT, ĐẶT SỐ HIỆU ĐƯỜNG BỘ THUỘC HỆ THỐNG ĐƯỜNG TỈNH
(Kèm theo Quyết định số 3073/QĐ-UBND ngày 04/12/2020 của UBND tỉnh)

TT

Số hiệu

Điểm đầu

Điểm cuối

Chiều dài
(km)

1

ĐT.301

Km15 400 QL.2 (P.Phúc Thắng, TP. Phúc Yên)

Đèo Nhe (giáp tỉnh Thái Nguyên)

26,0

2

ĐT.302

Km6 800 ĐT.303 (thị trấn Hương Canh, H.Bình Xuyên)

Km42 500 QL.2C

34,7

3

ĐT.302B

Km0 500 ĐT.302 (xã Tam Hợp, H.Bình Xuyên)

Đường Nguyễn Tất Thành (P.Khai Quang, TP. Vĩnh Yên)

20,2

4

ĐT.303

Km9 340 ĐT.305 (xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc)

Km14 QL.2C (xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc)

24,5

5

ĐT.304

Đê sông Phó Đáy (Đê Vàng, xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường)

Km34 800 QL2 (ngã tư T50, P.Tích Sơn, TP. Vĩnh Yên)

27,1

6

ĐT.305

Đê bối Sông Hồng (xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc)

Km47 450 QL2C (xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch)

48,1

7

ĐT.305C

Km29 000 ĐT.305 (xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch)

Km50 650 QL2 (xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường)

11,7

8

ĐT.306

Km14 300 ĐT.305 (xã Vân Hội, huyện Tam Dương)

Đê tả sông Lô (xã Đức Bác, huyện Lập Thạch)

29,0

9

ĐT.306B

Km12 000 ĐT.306 (xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch)

Bến phà Then (xã Như Thụy, huyện Sông Lô)

12,6

10

ĐT.307

Km36 600 QL.2C (xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch)

Xã Quang Yên, huyện Sông Lô (giáp tỉnh Tuyên Quang)

27,0

11

ĐT.307B

Km16 00 ĐT.307 (Ngã 3 Nhạo Sơn, huyện Sông Lô)

Km2 200 ĐT.305C (xã Văn Quán, huyện Lập Thạch)

9,9

12

ĐT.309

Km44 050 QL2 (xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường)

Km20 950 ĐT.302 (xã Tam Quan, huyện Tam Đảo)

18,7

13

ĐT.309B

Km35 670 QL2C (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương)

QL.2B cũ (xã Kim Long, huyện Tam Dương)

13,3

14

ĐT.310

Km10 080 ĐT.301 (xã Ngọc Thanh, TP. Phúc Yên)

Km37 150 QL2C (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương)

26,3

15

ĐT.310B

Km21 700 QL2 (thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên)

Km5 050 ĐT.310 (xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên)

9,5

16

ĐT.310C

Km38 650 QL2 (xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương)

Km15 280 ĐT.310 (xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo)

15,6

17

ĐT.311

Km14 320 QL2 (phường Phúc Thắng, TP. Phúc Yên)

Đường Nguyễn Tất Thành (P.Khai Quang, TP. Vĩnh Yên)

17,1

Tổng cộng

371,3

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3073/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 3073/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Nguyễn Văn Khước
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/12/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản