Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3073/2014/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 31 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Quyết định số 47/2012/QĐ-TTg ngày 01/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 168/2013/TTLT-BTC-BCA ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính, Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Quyết định số 47/2012/QĐ-TTg ngày 01/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm;

Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 100/TTr-STC ngày 31/7/2014, Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 54/BCTĐ-STP ngày 20/11/2014, ý kiến tham gia của Sở Nội vụ tại Công văn số 3076/SNV-TCBM ngày 08/12/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy định quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm thành phố Hải Phòng gồm các nội dung sau:

1. Trách nhiệm quản lý, điều hành Quỹ phòng, chống tội phạm thành phố Hải Phòng.

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quản lý, điều hành Quỹ phòng, chống tội phạm thành phố.

b) Giám đốc Sở Tài chính được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền quản lý và theo dõi thu, chi Quỹ phòng, chống tội phạm thành phố.

c) Quỹ Quỹ phòng, chống tội phạm thành phố được sử dụng con dấu của Sở Tài chính và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước Hải Phòng.

2. Quỹ phòng, chống tội phạm thành phố được hình thành từ các nguồn sau:

a) Tiền Việt Nam, ngoại tệ, tiền bán đấu giá tài sản, phương tiện, tang vật thu được (trừ các chất ma túy và những tang vật phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật), sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý theo quy định hiện hành về bán đấu giá tài sản (nếu có) từ các vụ án về hình sự và các vụ án về ma túy trên địa bàn thành phố, sau khi Bản án, Quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

b) các khoản tài trợ của cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài cho công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy bằng tiền, phương tiện, tài sản và nguồn huy động hợp pháp khác nếu có địa chỉ cụ thể thì chuyển theo địa chỉ mà cá nhân, tổ chức tài trợ chỉ định theo quy định hiện hành của pháp luật, nếu không có địa chỉ cụ thể thì chuyển về Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương.

c) Nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Mức trích lập Quỹ; cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ; nội dung chi, mức chi từ Quỹ phòng, chống tội phạm thành phố thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 168/2013/TTLT-BTC-BCA ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính, Bộ Công an.

4. Lập dự toán, quyết toán, thanh tra, kiểm tra Quỹ phòng, chống tội phạm thành phố.

a) Lập dự toán

Khi có nhu cầu sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm, các đơn vị, cơ quan căn cứ nội dung chi, mức chi quy định tại Điều 3 Quyết định này lập dự toán chi Quỹ gửi Sở Tài chính. Căn cứ vào số thực có của Quỹ phòng, chống tội phạm, Sở Tài chính thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt và quyết định hỗ trợ để Sở Tài chính, các đơn vị, cơ quan tổ chức thực hiện, đồng gửi Kho bạc Nhà nước Hải Phòng để theo dõi, quản lý chung theo quy định hiện hành về quản lý ngân sách nhà nước.

b) Quyết toán Quỹ phòng, chống tội phạm thành phố.

- Các đơn vị, cơ quan khi tiếp nhận, sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm phải mở sổ kế toán để theo dõi các khoản thu, chi Quỹ và lập báo cáo quyết toán Quỹ theo đúng thời hạn các báo cáo tài chính về sử dụng Quỹ theo định kỳ và báo cáo quyết toán 6 tháng, hàng năm về Sở Tài chính (cơ quan giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quản lý Quỹ phòng, chống tội phạm thành phố).

- Sở Tài chính lập báo cáo và quyết toán thu, chi Quỹ phòng, chống tội phạm thành phố trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và gửi Bộ Công an theo định kỳ 6 tháng, hàng năm, hoặc theo yêu cầu đột xuất của Bộ trưởng Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Tài chính để theo dõi, quản lý chung.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sử dụng và quản lý Quỹ phòng, chống tội phạm chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính pháp lý và sự chính xác của các số liệu trong quản lý, sử dụng và báo cáo Quỹ phòng, chống tội phạm.

c) Số dư Quỹ phòng, chống tội phạm, kinh phí hỗ trợ các cơ quan, đơn vị từ Quỹ phòng, chống tội phạm cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.

d) Quỹ phòng, chống tội phạm thành phố chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm toán của Bộ Công an và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước.

5. Trách nhiệm các cấp, ngành trong quản lý, điều hành Quỹ phòng, chống tội phạm thành phố.

a) Sở Tài chính.

- Tiếp nhận toàn bộ số tiền Việt Nam, ngoại tệ, tài sản, tang vật, phương tiện do cơ quan Thi hành án các cấp hoặc cơ quan đang quản lý tiền Việt Nam, ngoại tệ tài sản, phương tiện, tang vật chuyển giao, tổ chức bán đấu giá tài sản, tang vật, phương tiện (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xử lý số tiền Việt Nam, ngoại tệ và tiền thu được từ bán đấu giá tài sản, tang vật, phương tiện theo quy định tại Điều 2, Điều 6 Thông tư liên tịch số 168/2013/TTLT-BTC-BCA ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính, Bộ Công an.

- Thẩm tra dự toán kinh phí của các đơn vị, cơ quan, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và quyết định hỗ trợ; thực hiện cấp kinh phí và thanh toán, quyết toán, kiểm tra Quỹ phòng, chống tội phạm thành phố theo quy định.

b) Công an thành phố quản lý, thanh toán, quyết toán kinh phí được hỗ trợ từ Quỹ phòng, chống tội phạm thành phố và chi thưởng cho các đơn vị, cá nhân trực tiếp truy bắt tội phạm, phát hiện điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

c) Cục Thi hành án dân sự thành phố, Chi cục Thi hành án dân sự các quận, huyện, cơ quan đang quản lý tiền Việt Nam, ngoại tệ, tài sản, phương tiện, tang vật: Sau khi bản án, Quyết định của Tòa án đối với các vụ án hình sự, vụ án về tội phạm ma túy có hiệu lực pháp luật, Cục Thi hành án dân sự thành phố, Chi cục Thi hành án dân sự các quận, huyện hoặc cơ quan đang quản lý tiền Việt Nam, ngoại tệ, tài sản, phương tiện, tang vật bị Tòa án tuyên tịch thu trong các vụ án về hình sự (trừ các chất ma túy và tang vật phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật) cho Sở Tài chính để tiếp nhận theo quy định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Bãi bỏ Quyết định số 1763/QĐ-UBND ngày 08/9/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống ma túy. Số dư Quỹ phòng, chống ma túy thành phố được chuyển vào Quỹ phòng, chống ma túy. Số dư Quỹ phòng, chống ma túy thành phố được chuyển vào Quỹ phòng, chống tội phạm thành phố để tiếp tục thực hiện.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở: Tài chính, Tư pháp, Giám đốc Công an thành phố, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Khắc Nam

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3073/2014/QĐ-UBND Quy định quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm thành phố Hải Phòng

  • Số hiệu: 3073/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2014
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Lê Khắc Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/01/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 15/08/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản