Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3072/QĐ-UBND | Khánh Hòa, ngày 28 tháng 11 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VÀ SỬ DỤNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT SINH HỌC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25/11/2013;
Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050;
Căn cứ Quyết định số 5415/QĐ-BNN-BVTV ngày 18/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 4624/TTr-SNN ngày 26/8/2024, Công văn số 6525/SNN-TTBVTV ngày 19/11/2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Thông tin và truyền thông, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VÀ SỬ DỤNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT SINH HỌC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3072/QĐ-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
I. THỰC TRẠNG SẢN XUẤT VÀ SỬ DỤNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT SINH HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một loại vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng giúp đảm bảo việc kiểm soát sâu bệnh tránh gây thiệt hại năng suất cây trồng. Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất phần lớn người sử dụng thuốc BVTV thường thiếu kiến thức về thuốc BVTV, thậm chí có xu hướng lạm dụng và sử dụng tùy tiện thuốc BVTV. Đây có thể là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng làm tổn hại đến sức khỏe con người và môi trường. Việc sử dụng thuốc BVTV sinh học để kiểm soát sinh vật gây hại là một giải pháp tối ưu đảm bảo an ninh lương thực, an toàn và ít độc hại đối với sức khỏe con người, sinh vật có ích và môi trường, nhanh phân hủy trong tự nhiên, thời gian cách ly ngắn, ít để lại dư lượng trong nông sản gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong năm 2023, tổng diện tích sản xuất trên địa bàn tỉnh là 92.088,4 ha, trong đó tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 67.748 ha, tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm đạt 5.469 ha và tổng diện tích cây ăn quả đạt 18.871,4 ha. Với diện tích sản xuất như trên thì tổng lượng thuốc BVTV sử dụng ước 216,51831 tấn, trong đó thuốc BVTV sinh học ước 54,12958 tấn, chiếm khoảng 25%. Cụ thể:
STT | Huyện/thị xã/thành phố | Tổng lượng thuốc BVTV sử dụng (kg) | Lượng thuốc BVTV sử dụng | Tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học (%) | |
Hóa học (kg) | Sinh học (kg) | ||||
1 | Khánh Sơn | 13.951,04 | 10.230,76 | 3.720,28 | 26,67 |
2 | Khánh Vĩnh | 20.396,13 | 15.430,78 | 4.965,35 | 24,34 |
3 | Diên Khánh | 28.129,23 | 21.294,09 | 6.835,14 | 24,30 |
4 | Ninh Hòa | 73.502,60 | 54.398,40 | 19.104,20 | 25,99 |
5 | Vạn Ninh | 22.940,01 | 17.487,90 | 5.452,11 | 23,77 |
6 | Cam Lâm | 39.662,26 | 29.818,03 | 9.844,23 | 24,82 |
7 | Cam Ranh | 13.832,00 | 10.640,00 | 3.192,00 | 23,08 |
8 | Nha Trang | 4.105,05 | 3.088,77 | 1.016,27 | 24,76 |
| Tổng | 216.518,31 | 162.388,73 | 54.129,58 | 25,00 |
Nguyên nhân lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng còn thấp là do một số yếu tố chính như thuốc BVTV sinh học có tác dụng chậm, giá thành cao, thời gian bảo quản ngắn và do nhận thức của một bộ phận nông dân còn hạn chế về vai trò của thuốc BVTV sinh học trong sản xuất nông nghiệp.
Vì vậy, việc xây dựng Kế hoạch phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là cần thiết nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời thúc đẩy, nâng cao việc sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong ngành nông nghiệp của tỉnh.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Đẩy mạnh sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học góp phần phát triển một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, an toàn và bền vững; nâng cao tiềm lực nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ hiện đại trong sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
a) Tăng lượng sử dụng thuốc BVTV sinh học lên trên 30% so với tổng lượng thuốc BVTV sử dụng trên địa bàn tỉnh (tập trung ở các khu vực sản xuất cây trồng chính và chủ lực của các địa phương như sầu riêng tại huyện Khánh Sơn, bưởi tại huyện Khánh Vĩnh, lúa tại huyện Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh, rau tại thành phố Nha Trang, Cam Ranh, tỏi tại TX.Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh, xoài tại huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh).
b) 100% các huyện, thị xã, thành phố được tập huấn về sử dụng thuốc BVTV sinh học an toàn và hiệu quả cho người sử dụng.
c) Xây dựng được mô hình sử dụng thuốc hiệu quả trên các nhóm sản phẩm chính và chủ lực của tỉnh (lúa, sầu riêng, xoài, bưởi, dừa, rau đậu các loại, mía,...).
3. Tầm nhìn đến năm 2050
Phấn đấu Khánh Hòa trở thành tỉnh có tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học cao trong cả nước.
III. NHIỆM VỤ
1. Đẩy mạnh sử dụng thuốc BVTV sinh học
Tăng cường hợp tác công tư giữa cơ quan quản lý, Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, người dân tham gia ký kết triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học hiệu quả; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững, chú trọng đến các cây trồng có giá trị kinh tế cao, phục vụ cho xuất khẩu.
Triển khai đồng bộ “chiến dịch” truyền thông, tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV sinh học với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, người buôn bán và người sử dụng thuốc BVTV.
2. Nâng cao nhận thức của người dân, chủ cơ sở buôn bán, doanh nghiệp sản xuất và cán bộ địa phương
Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn, truyền thông, đồng thời đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tập huấn thông qua xây dựng các nền tảng đào tạo, ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ số, các hội nghị, hội thảo, hướng dẫn trực tiếp, trực tuyến về sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả.
Xây dựng tài liệu, pano, áp phích tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa của thuốc BVTV sinh học, từ đó nâng cao nhận thức của người dân, chủ cơ sở buôn bán, doanh nghiệp sản xuất và cán bộ địa phương trong sử dụng thuốc BVTV sinh học.
Khuyến khích việc ký kết với các Hiệp hội, doanh nghiệp, ngành hàng cùng tham gia xây dựng các chương trình tập huấn, hướng dẫn việc sử dụng các thuốc BVTV sinh học cho người dân và cơ sở buôn bán.
3. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao, ứng dụng thuốc BVTV sinh học
Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản xuất thuốc BVTV sinh học; ứng dụng, chuyển giao các công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học, đặc biệt là các công nghệ sản xuất thuốc BVTV vi sinh, thuốc thảo mộc sản xuất trong nước nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thay thế dần các thuốc BVTV hóa học.
4. Tăng cường công tác khuyến nông về sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học
Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình canh tác an toàn, có sử dụng thuốc BVTV sinh học trên các cây trồng chủ lực, tiềm năng xuất khẩu của địa phương, các mô hình nông dân tự sản xuất và sử dụng thuốc sinh học BVTV.
Phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, các hiệp hội lựa chọn xây dựng hoàn thiện các mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học. Ưu tiên lựa chọn các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng xuất khẩu và có nguy cơ mất an toàn do sử dụng thuốc BVTV hóa học; vùng sản xuất hữu cơ, chuyên canh.
Khuyến khích các doanh nghiệp có đủ năng lực sản xuất, cung cấp các thuốc BVTV sinh học phù hợp với mô hình, có nguồn nhân lực, tài chính để hỗ trợ trong quá trình thực hiện.
Tổ chức các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, sử dụng hiệu quả thuốc BVTV sinh học.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Về cơ chế chính sách
Ưu tiên bố trí kinh phí ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tập huấn sử dụng thuốc, truyền thông và xây dựng, nhân rộng các mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiệu quả; kinh phí cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm thuốc BVTV sinh học.
2. Về khoa học công nghệ
Chuyển giao ứng dụng công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học từ các đề tài nghiên cứu để ứng dụng, đăng ký vào Danh mục.
3. Về đào tạo, tập huấn
Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn để chuyển đổi nhận thức của cán bộ địa phương, người sản xuất, kinh doanh, buôn bán và người sử dụng trong việc sử dụng thuốc BVTV sinh học.
Đổi mới phương thức hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV sinh học thông qua các mô hình thực tế, hội thảo đầu bờ. Phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức đoàn thể, đại lý kinh doanh thuốc BVTV, hướng dẫn người dân kiến thức sử dụng thuốc BVTV sinh học hiệu quả.
Tăng cường công tác khuyến nông, trong đó hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng thuốc BVTV sinh học có hiệu quả sử dụng cao.
4. Về thông tin, truyền thông
Tuyên truyền phổ biến việc tuân thủ thực thi các chính sách, pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên trong việc phát triển sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học, đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về thuốc BVTV sinh học.
Phối hợp với cơ quan báo chí, các hiệp hội, các tổ chức đoàn thể, trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp để tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV sinh học. Bên cạnh đó truyền thông cho nông dân nhận thức được vai trò và lợi ích của việc sử dụng thuốc BVTV sinh học.
Chủ động phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, nhân rộng các mô hình áp dụng có hiệu quả, hướng dẫn sử dụng các thuốc BVTV sinh học.
5. Về hợp tác công tư, xây dựng mô hình, chuỗi liên kết
Tăng cường hợp tác công tư với sự tham gia của doanh nghiệp, nhà nước, Hiệp hội ngành hàng và người dân cùng phối hợp sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học. Tăng cường mối liên kết về sản xuất vùng nguyên liệu - sản xuất thuốc thảo mộc giữa nông dân và doanh nghiệp.
Phát huy và thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp, tăng cường mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, mở rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ tích cực cho nông dân về vốn, kỹ thuật, đặc biệt là nông sản hữu cơ.
Phối hợp các hiệp hội, ngành hàng tham gia xây dựng, thực hiện mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học, mô hình chuỗi sản xuất liên kết, hiệu quả từ đó kết hợp các cơ quan truyền thông xây dựng kịch bản phổ biến tuyên truyền, nhân rộng các mô hình trên cả nước.
6. Về chuyển đổi số
Xây dựng hoặc tích hợp, số hóa cơ sở dữ liệu về thuốc BVTV, đồng bộ từ trung ương đến địa phương, hỗ trợ cán bộ địa phương, doanh nghiệp, cơ sở buôn bán, người sử dụng ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý thuốc BVTV.
Nâng cấp, xây dựng các nền tảng số hỗ trợ cho công tác đào tạo, tập huấn truyền thông về sử dụng thuốc BVTV nói chung và thuốc BVTV sinh học nói riêng.
7. Về thanh tra, kiểm tra, giám sát
Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý thuốc BVTV.
Tăng cường và nâng cao quản lý chất lượng các loại thuốc này trên thị trường để tránh thuốc kém chất lượng được đưa ra sử dụng làm mất lòng tin của người dân đối với thuốc BVTV sinh học.
V. NỘI DUNG VÀ LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
TT | Nhiệm vụ | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Thời gian thực hiện | Sản phẩm |
I | Nội dung 1: Công tác thông tin tuyên truyền trong sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học | ||||
1 | Xây dựng sổ tay hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo vệ thực vật sinh học an toàn hiệu quả | Sở Nông nghiệp và PTNT | Sở Thông tin và truyền thông, Đài truyền hình, UBND các huyện, thị xã, thành phố | 2024-2025 | Sổ tay |
2 | Xây dựng chuyên mục phóng sự hoặc đăng bài báo, bài viết về hiệu quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học | Sở Nông nghiệp và PTNT | Sở Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình, UBND các huyện, thị xã, thành phố | 2024-2026 | Các chuyên mục được phát, bài báo được đăng |
3 | Tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND các huyện, thị xã, thành phố | 2024-2030 | Báo cáo kết quả tập huấn,tuyên truyền |
II | Nội dung 2: Thanh tra kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với công tác sản xuất, buôn bán, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật | ||||
1 | Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật trong sản xuất, buôn bán, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo vệ thực vật sinh học | Sở Nông nghiệp và PTNT | Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố | Hàng năm | Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra hàng năm |
2 | Tăng cường công tác quản lý các cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn quản lý | Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố | Sở Nông nghiệp và PTNT | Hàng năm | Báo cáo công tác quản lý hàng năm |
III | Nội dung 3: Chuyển đổi số trong quản lý thuốc bảo vệ thực vật sinh học | ||||
1 | Số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương, cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia | Sở Nông nghiệp và PTNT | Sở Thông tin và truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố | 2025-2030 | Thuốc bảo vệ thực vật sinh học |
IV | Nội dung 4: Xây dựng các mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học | ||||
1 | Xây dựng mỗi xã thuộc huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 01 mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học an toàn và hiệu quả | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND các huyện, thị xã, thành phố | 2025-2030 | Báo cáo kết quả thực hiện mô hình |
V | Nội dung 5: Ứng dụng khoa học công nghệ | ||||
1 | Hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp trong kế hoạch hàng năm liên quan đến nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên địa bàn tỉnh do Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất đặt hàng. | Sở Khoa học và Công nghệ | Sở Nông nghiệp và PTNT | 2025-2030 | Báo cáo tổng hợp kết quả; các báo cáo chuyên đề, quy trình kỹ thuật và các sản phẩm khác của nhiệm vụ khoa học và công nghệ |
VI. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN
Từ nguồn kinh phí hàng năm đã bố trí trong dự toán của các cơ quan, đơn vị theo phân cấp ngân sách; lồng ghép vào các Chương trình, Đề án, Kế hoạch khác có liên quan; các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch; theo dõi, đôn đốc và giám sát thực hiện; báo cáo tiến độ thực hiện Kế hoạch theo quy định; tổ chức tổng kết đánh giá và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn tiếp theo.
- Tổ chức đào tạo, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn về thuốc BVTV, đặc biệt là hướng dẫn người dân kiến thức sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả. Trong quá trình chỉ đạo sản xuất chú trọng sử dụng thuốc BVTV sinh học, chỉ sử dụng thuốc hóa học khi cần thiết.
- Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực thuốc BVTV, trong nông nghiệp hữu cơ. Tuyên truyền sử dụng thuốc BVTV sinh học, nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc BVTV sinh học.
- Hỗ trợ và tạo mối liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với người nông dân.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV tại địa phương; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV giả, kém chất lượng.
2. Sở Tài chính:
Căn cứ dự toán thực hiện Kế hoạch do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập cùng thời điểm xây dựng dự toán hàng năm, Sở Tài chính tổng hợp theo khả năng cân đối ngân sách tham mưu cấp thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện theo đúng quy định.
3. Sở Công Thương:
Nghiên cứu, rà soát các chính sách phù hợp về thương mại để hỗ trợ, thúc đẩy việc sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật địa bàn tỉnh và thúc đẩy đầu ra cho nông sản nhất là nông sản hữu cơ.
4. Sở Khoa học và Công nghệ:
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp trong kế hoạch hàng năm liên quan đến nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn các cơ quan báo chí của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp.
6. Hội Nông dân tỉnh:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về hiệu quả của sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào sản xuất.
7. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh và tình hình thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện các nội dung trong Kế hoạch theo chức năng và nhiệm vụ được giao.
- Định kỳ hàng năm tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn. Báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15/12 hàng năm. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo, đề xuất về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xử lý theo quy định./.
- 1Quyết định 2432/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch nhân rộng mô hình hướng dẫn, tuyên truyền sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và thu gom bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2022-2025
- 2Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2022 về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- 3Quyết định 770/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án Phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn 2050
Quyết định 3072/QĐ-UBND năm 2024 về Kế hoạch phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- Số hiệu: 3072/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/11/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
- Người ký: Lê Hữu Hoàng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra