Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3070/QĐ-UBND

Nha Trang, ngày 25 tháng 11 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CỬA HÀNG XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

Căn cứ Quyết định số 251/2007/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020;

Thông tư số 13/2005/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2005 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Quyết định về việc ban hành: “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng”;

Căn cứ Quyết định số 12/2004/QĐ-UB ngày 05 tháng 02 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa “Về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2010”;

Căn cứ Quyết định số 85/2007/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định ban hành Quy định việc đấu nối đường nhánh vào đường tỉnh và xây dựng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu dọc đường tỉnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa;

Xét đề nghị của Sở Công thương tại Tờ trình số 63/TTr-SCT ngày 13 tháng 11 năm 2009, về việc đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm quy hoạch

1.1. Quy hoạch mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, đảm bảo các yêu cầu về môi trường, an toàn, hiện đại và văn minh thương mại;

1.2. Đối với những cửa hàng xăng dầu đã xây dựng và cấp giấy phép xây dựng trước thời điểm ban hành quy hoạch này nếu phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo đủ các điều kiện kinh doanh xăng dầu thì vẫn giữ nguyên. Trường hợp những cửa hàng xăng dầu phù hợp với quy hoạch nhưng chưa đáp ứng các yêu cầu về diện tích mặt bằng, khoảng cách lộ giới theo quy định, thì phải bổ sung hoàn thiện theo thời hạn từ nay đến ngày 31 tháng 12 năm 2012. Sau thời hạn này, nếu các cửa hàng vẫn không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên thì Sở Công Thương thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu và kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh loại ra khỏi quy hoạch;

1.3. Không cấp giấy phép xây dựng mới các cửa hàng xăng dầu trên tuyến đường Quốc lộ 1A; đường Trần Phú - thành phố Nha Trang; các phường nội thành thuộc địa bàn thành phố Nha Trang bao gồm các phường Lộc Thọ, Phước Hải, Phước Long, Phước Tân, Phước Tiến, Phương Sài, Phương Sơn, Tân Lập, Vạn Thạnh, Vạn Thắng, Vĩnh Hải, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Xương Huân;

1.4. Loại ra khỏi quy hoạch đối với những vị trí xây dựng cửa hàng xăng dầu đã đuợc Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung sau Quyết định số 12/2004/QĐ-UB ngày 05 tháng 02 năm 2004 nhưng đến nay chưa xây dựng và các vị trí này không còn đủ điều kiện để xây dựng cửa hàng xăng dầu;

1.5. Giai đoạn 2015 - 2020:

1.5.1. Hạn chế mở thêm các cửa hàng kinh doanh xăng dầu mới trên cơ sở mở rộng và tăng công suất kinh doanh đối với các cửa hàng hiện có.

1.5.2. Giảm bớt số lượng cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên các tuyến quốc lộ thay bằng việc triển khai các trạm dừng chân có kết hợp kinh doanh xăng dầu trên các tuyến đường này.

1.5.3. Bổ sung các cửa hàng xăng dầu tại khu dân cư, đô thị mới xây dựng trong thời kỳ 2015 - 2020.

2. Mục tiêu quy hoạch: Quy hoạch mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương, phát triển một cách hợp lý, có hệ thống, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, đảm bảo các yêu cầu về môi trường, an toàn, hiện đại và văn minh thương mại.

3. Nội dung quy hoạch

3.1. Số lượng cửa hàng xăng dầu cần phát triển mới

TT

Địa phương

Số lượng phát triển mới đến hết năm 2012

Số lượng phát triển mới từ 2013 đến hết năm 2015

Cửa hàng xăng dầu trên đất liền

Tàu bán dầu

Cửa hàng xăng dầu trên đất liền

Tàu bán dầu

1

Thành phố Nha Trang

05

03

05

0

2

Thị xã Cam Ranh

05

01

03

01

3

Huyện Cam Lâm

05

0

03

0

4

Huyện Diên Khánh

03

0

06

0

5

Huyện Ninh Hòa

06

0

10

0

6

Huyện Vạn Ninh

04

02

07

01

7

Huyện Khánh Sơn

02

0

01

0

8

Huyện Khánh Vĩnh

01

0

02

0

 

Cộng

31

06

37

02

3.2. Các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật phải đảm bảo đối với cửa hàng xăng dầu xây dựng mới

3.2.1. Đối với cửa hàng xăng dầu trên đất liền

3.2.1.1. Địa điểm xây dựng phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu và các quy hoạch khác của tỉnh.

3.2.1.2. Phải thỏa mãn những quy định của tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4530 - 1998 - Cửa hàng xăng dầu - Yêu cầu thiết kế.

3.2.1.3. Phải thỏa mãn những quy định tại Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD, ngày 03 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành: “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng”.

3.2.1.4. Các cửa hàng xăng dầu trên các tuyến quốc lộ là các cửa hàng có quy mô loại 1, đủ điều kiện về mặt bằng cho các loại xe tải ra vào an toàn.

3.2.1.5. Về khoảng cách giữa hai cửa hàng xăng dầu:

Đối với cửa hàng xăng dầu xây dựng mới dọc đường quốc lộ: Phải phù hợp với các quy định của của Bộ Giao thông Vận tải tại văn bản số 2241/BGTVT-VT ngày 24 tháng 4 năm 2006, cụ thể:

Trong đô thị: Không nhỏ hơn 2 km đối với một bên đường.

Ngoài đô thị: Không nhỏ hơn 12 km đối với một bên đường.

Đối với cửa hàng xăng dầu xây dựng mới dọc đường tỉnh: Phải phù hợp với quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Quyết định số 85/2007/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2007, cụ thể: Đối với khu vực ngoài thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ: Khoảng cách giữa hai cửa hàng xăng dầu: Không nhỏ hơn 5 km đối với một bên đường.

Đối với cửa hàng xăng xây dựng mới trong đô thị (không nằm dọc đường quốc lộ, đường tỉnh): Phải phù hợp với Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03 tháng 4 năm 2008 của Bộ Trưởng Bộ Xây dựng.

3.2.1.6.Yêu cầu diện tích đất tối thiểu cho cửa hàng xăng dầu trên đất liền:

Chỉ tiêu

Cửa hàng

Loại 1

Cửa hàng

Loại 2

Cửa hàng

Loại 3

Chiều rộng mặt tiền (m)

Từ 50m trở lên

Từ 30m trở lên

Từ 20m trở lên

Chiều sâu (m)

Từ 40m trở lên

Từ 30m trở lên

Từ 20m trở lên

Tổng diện tích chiếm đất (m2)

Tối thiểu 2.000m2

900m2

400m2

3.2.2. Các yêu cầu đối với tàu bán dầu diezel

3.2.2.1. Địa điểm neo đậu và kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu và các quy hoạch khác của tỉnh.

3.2.2.2. Được cấp thẩm quyền cấp phép vùng hoạt động của tàu.

3.2.2.3. Có cấp thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa.

3.2.2.4. Đạt yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa.

3.2.2.5. Đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy.

3.3. Các phụ lục đính kèm theo Quyết định này:

3.3.1. Phụ lục 1: Cửa hàng xăng dầu trên đất liền và tàu bán dầu đang hoạt động phù hợp với quy hoạch.

3.3.2. Phụ lục 2: Vị trí cửa hàng xăng dầu đã đuợc Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép bổ sung sau Quyết định số 12/2004/QĐ-UB (chưa hoạt động) phù hợp với quy hoạch.

3.3.3. Phụ lục 3: Cửa hàng xăng dầu còn trong quy hoạch nhưng phải cải tạo, nâng cấp từ nay đến hết năm 2012.

3.3.4. Phụ lục 4: Cửa hàng xăng dầu, tàu bán dầu diezel không còn trong quy hoạch.

3.3.5. Phụ lục 5: Vị trí cửa hàng xăng dầu và tàu bán dầu bổ sung thêm theo quy hoạch.

Điều 2. Tổ chức thực hiện 

1. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở ngành chức năng liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý, triển khai Quy hoạch này sau khi được phê duyệt.

2. Các Sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương giải quyết các vấn đề liên quan, triển khai thực hiện quy hoạch này nhằm đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ.

Điều 3. Trong quá trình thực hiện, nếu có yêu cầu thực tế phát sinh phải điều chỉnh quy hoạch chung, giao Sở Công Thương dựa trên quan điểm và mục tiêu nêu ở Điều 1 Quyết định này để trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét.

Điều 4. Quyết định này thay thế Quyết định số 12/2004/QĐ-UB ngày 05 tháng 02 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Cam Ranh, thành phố Nha Trang và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Lâm Phi

 

QUY HOẠCH

PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CỬA HÀNG XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3070/QĐ-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Phần thứ nhất

HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG CỬA HÀNG XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

1. Khái quát về nhu cầu tiêu dùng xăng dầu ở Khánh Hòa

Theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh đến ngày 31 tháng 12 năm 2008 có 126 cửa hàng xăng dầu và 22 tàu bán dầu đang hoạt động kinh doanh, chưa kể 07 cửa hàng được Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung quy hoạch nhưng chưa hoạt động, đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho 6.362 chiếc tàu với 218.935 mã lực phục vụ cho đánh bắt thủy sản trong đó đánh bắt xa bờ là 504 chiếc với tổng công suất 80.567 mã lực, 150 tàu phục vụ vận chuyển khách du lịch; số xe ô tô, mô tô của tỉnh và tỉnh ngoài lưu thông trên các quốc lộ qua địa bàn Khánh Hòa tăng hàng năm khoảng 10%, ngoài ra còn nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của nuôi trồng thủy sản, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tăng hàng năm theo tốc độ phát triển của các ngành này.

Theo số liệu thống kê báo cáo từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, lượng xăng dầu bán ra tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên các huyện, thị, thành phố trong năm 2006 là 242.136 m3, bình quân mỗi tháng là 20.178m3, phân bố trên các địa bàn của tỉnh, như sau:

Tên huyện, thị xã, thành phố

Tổng sản lượng bán ra (m3/tháng )

Tên huyện, thị xã, thành phố

Tổng sản lượng bán ra (m3/tháng )

Diên Khánh

3.166

Khánh Vĩnh

75

Ninh Hòa

3.315

Cam Lâm

1.782

Vạn Ninh

2.601

Cam Ranh

2.691

Khánh Sơn

60

Nha Trang

6.488

 

 

Tổng

20.178

Trong đó dầu diesel chiếm 60%, xăng 35%, dầu lửa 5%

2. Về hệ thống kho xăng dầu

Tổng sức chứa hiện tại của kho Công ty xăng dầu Phú Khánh là 23.000m3 chưa kể tổng kho của Công ty xăng dầu Quân đội (ngoài nhu cầu quốc phòng) tham gia kinh doanh trên thị trường. Với sức chứa của kho hiện tại đáp ứng được cho nhu cầu tiêu thụ của toàn tỉnh là 242.136 m3/năm. Đồng thời theo Quyết định số 93/2002/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống kho xăng dầu trên phạm vi cả nước đến năm 2010, trong đó khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên từ 2006-2010 là 41.000m3. Trong tương lai sẽ phát triển thêm tổng kho xăng dầu ngoại quan Mỹ Giang – Ninh Hoà, với sức chứa ở giai đoạn 1 là 500.000 m3 và tổng kho xăng dầu của Công ty xăng dầu Quân đội dự kiến sẽ xây dựng tại Ba Ngòi – Cam Ranh với dung tích khoảng 4.500m3.

3. Về hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu

Qua khảo sát, hệ thống cửa hàng xăng dầu hiện có trên địa bàn tỉnh được đánh giá trên các mặt sau:

3.1. Về mạng lưới

3.1.1. Mạng lưới cửa hàng xăng dầu trên đất liền

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2008 hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên đất liền địa bàn Khánh Hoà gồm có 126 cửa hàng đang kinh doanh được phân bổ rộng khắp trên các huyện, thị, thành phố như sau:

Huyện, thị, thành phố

Số lượng cửa hàng đang hoạt động

Huyện, thị, thành phố

Số lượng cửa hàng đang hoạt động

Nha Trang

34 cửa hàng

Ninh Hoà

20 cửa hàng

Cam Ranh

20 cửa hàng

Vạn Ninh

19 cửa hàng

Cam Lâm

14 cửa hàng

Khánh Vĩnh

03 cửa hàng

Diên Khánh

15 cửa hàng

Khánh Sơn

01 cửa hàng

Hệ thống cửa hàng này về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phân bố khắp trên các huyện, thị, thành phố, nguồn xăng dầu cung cấp cho mạng lưới phân phối xăng dầu chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước (Công ty xăng dầu Phú Khánh, Chi nhánh Công ty xăng dầu Quân đội và một số doanh nghiệp đầu mối khác như: Công ty Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro), Công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (Petec), Công ty chế biến và kinh doanh sản phẩm dầu mỏ (PDC)…, nên khi có biến động về giá của thị trường thế giới và thị trường trong nước, Khánh Hoà vẫn đáp ứng đủ số lượng, bình ổn được giá cả và duy trì được chất lượng cho người tiêu dùng, không để xảy ra những xáo động gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội của tỉnh.

b) Về phân bố: Các cửa hàng chủ yếu tập trung ở vùng nội thành và một số huyện có Quốc lộ I đi qua. Mật độ cửa hàng xăng dầu trên tuyến Quốc lộ I tương đối dày (65/126 cửa hàng chiếm 51,58%), bình quân 2,7 km có 1 cửa hàng xăng dầu, phân bố không đồng đều. Nhiều đoạn đường trên quốc lộ IA có mật độ cửa hàng xăng dầu rất gần nhau như đoạn thuộc địa bàn xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, hoặc đoạn thuộc địa bàn phường Cam Nghĩa, thị xã Cam Ranh. Trong khi trên các tỉnh lộ và một số tuyến đường ở các xã ven đô thị lại quá thưa.

3.1.2. Mạng lưới tàu bán dầu tại các vịnh, đầm, cửa sông, bến cá.

Hiện toàn tỉnh có 22 tàu bán dầu tại các vịnh, cửa sông, bến cá. Các tàu bán dầu này chủ yếu là cung ứng cho nhu cầu đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Theo phân bố hiện nay, số tàu bán dầu chỉ có tại thành phố Nha Trang (18 chiếc) và thị xã Cam Ranh (04 chiếc). Các huyện khác có các bến cá nhưng chưa có các tàu bán dầu lưu động mà việc cung ứng dầu cho đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tại các huyện này do các cửa hàng xăng dầu trên đất liền đảm nhiệm.

3.2. Về thành phần kinh tế của các đại lý xăng dầu và xu hướng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đầu mối đối với thị trường bán lẻ.

Những năm trước đây, hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh chủ yếu do Công ty Xăng dầu Phú Khánh (Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam) phân phối thông qua mạng lưới cửa hàng của Công ty và cửa hàng đại lý của các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, cùng với sự hình thành và phát triển cạnh tranh đa dạng của một số doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khác, như Công ty Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro), Công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (Petec), Công ty chế biến và kinh doanh sản phẩm dầu mỏ (PDC)… đã kéo một số cửa hàng xăng dầu của các doanh nghiệp tư nhân tại Khánh Hòa không còn làm đại lý cho Công ty xăng dầu Phú Khánh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh lân cận hệ thống mạng lưới phân phối của Công ty Xăng dầu Quân Đội ngày càng phát triển nhanh. Do vậy, hình thành xu thế thị trường xăng dầu trên địa bàn Khánh Hòa sẽ được cung ứng thuận lợi hơn, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cung ứng ngày càng quyết liệt, nhưng cũng đặt ra yêu cầu quản lý về chất lượng, cân đong và quản lý giá cả phức tạp hơn.

Trong số 148 cửa hàng và tàu dầu, tỷ trọng của các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh xăng dầu bao gồm:

- Doanh nghiệp Nhà nước có 32 cửa hàng, chiếm 21,62%

- Công ty Cổ phần có 11 cửa hàng, chiếm 7,43%

- Công ty Trách nhiệm hữu hạn có 24 cửa hàng, chiếm 16,21%

- Doanh nghiệp tư nhân có 79 cửa hàng, chiếm 53,37%

- Hợp Tác xã có 02 cửa hàng, chiếm 1,35%

3.3. Về năng suất bán hàng

Số lượng xăng dầu của các cửa hàng bán ra không đồng đều, vì các nguyên nhân: Quy mô, trang thiết bị cửa hàng, mật độ cửa hàng, vị trí khu vực kinh doanh của cửa hàng; qua thống kê:

- Có 95 cửa hàng đạt sản lượng từ 50m3 đến 120m3/tháng;

- Có 46 cửa hàng đạt sản lượng từ 121m3 đến 300m3/tháng;

- Có 7 cửa hàng đạt sản lượng trên 300m3/tháng.

Sản lượng bình quân 01 cửa hàng là 140m3/tháng tương ứng 4,7m3/ngày.

3.4. Về dung tích chứa (phân cấp cửa hàng theo TCVN 4530:1998):

Trong 148 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động, có:

- 21 cửa hàng cấp 1 (dung tích chứa trên 61m3)

- 105 cửa hàng cấp 2 (dung tích chứa từ 16m3 - dưới 61m3)

- 22 cửa hàng cấp 3 (dung tích chứa dưới 16m3), chủ yếu là các tàu bán dầu.

3.5. Về diện tích đất sử dụng cho một cửa hàng

Theo TCVN 4530:1998 không quy định diện tích đất cho xây dựng cửa hàng là bao nhiêu, mà chỉ quy định khoảng cách an toàn giữa các hạng mục trong từng cấp loại cửa hàng, do đó diện tích đất của các cửa hàng xăng dầu cũng rất khác nhau. Hiện nay, có:

- 04 cửa hàng có diện tích đất dưới 100m2, chiếm 3,17%, đây là các cửa hàng bán dầu diesel dọc các cửa sông, biển phục vụ đánh bắt thủy sản.

- 35 cửa hàng diện tích đất 101- 400m2, chiếm 27,77%, đây là loại cửa hàng nhỏ trong nội thị và dọc các tuyến đường liên xã.

- 41 cửa hàng có diện tích đất từ 401m2 đến 1.000m2, chiếm 32,53%, đây là cửa hàng thuộc loại trung bình, các cửa hàng này chủ yếu nằm trên các tuyến quốc lộ.

- 46 cửa hàng có diện tích đất trên 1.000m2, chiếm 36,5%, đây là cửa hàng thuộc loại lớn, chủ yếu tập trung ở Quốc lộ 1A.

3.6. Về quy mô bán hàng

- Có 13 cửa hàng có quy mô lớn trên 6 cột bơm, các cửa hàng này phần lớn nằm ở QL1A và cửa ngõ vào thành phố;

- Có 83 cửa hàng có 4 - 6 cột bơm;

- Có 31 cửa hàng có 2 - 3 cột bơm;

- Có 21 cửa hàng là các tàu bán dầu có từ 1 - 2 cột bơm.

Hầu hết cửa hàng sử dụng các loại cột bơm điện tử của Nhật, Mỹ, Italia hoặc lắp ráp trong nước, tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp tư nhân còn tận dụng các cột bơm cũ sản xuất trước năm 1990 cải tạo lại.

3.7. Về an toàn phòng cháy chữa cháy

Hầu hết cửa hàng xăng dầu đều được thiết kế và trang bị đầy đủ các phương tiện phòng cháy chữa cháy theo quy định, đa số nhân viên bán hàng đã qua lớp nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, đa số các cửa hàng có trang bị cột thu lôi chống sét, số còn lại hiện nay theo yêu cầu của Công an Phòng cháy chữa cháy phải thiết lập trước ngày 31 tháng 3 năm 2008.

3.8. Về vệ sinh môi trường

Các khu bể đều có lắp đặt van thở, hạn chế đáng kể hơi xăng dầu thoát ra môi trường. Tuy nhiên do một số ít cửa hàng có diện tích đất quá hạn hẹp, ở liền kề với nhà dân xung quanh nên lượng hơi xăng dầu thoát ra lúc nhập hàng có nguy cơ về cháy nổ và ô nhiễm môi trường cho các hộ dân ở kề cận.

Đối với nước thải, do đa số các cửa hàng xây dựng từ trước không có hệ thống thoát nước phía trước cửa hàng theo như quy định tại tiêu chuẩn TCVN 4530:1998, chỉ có hệ thống mương thoát nước ở hai bên cửa hàng và hố lắng lọc.

3.9. Về chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu

- Tất cả cửa hàng xăng dầu được phép hoạt động đều có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

- Qua các đợt kiểm tra của Chi cục Quản lý thị trường, Đoàn kiểm tra liên ngành... chưa phát hiện tình trạng các doanh nghiệp bán sai giá, hoặc đầu cơ tạo khan hiếm giả tạo.

Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, một số doanh nghiệp không duy trì theo đúng theo các yêu cầu về điều kiện kinh doanh xăng dầu. Qua kiểm tra cũng đã phát hiện một số doanh nghiệp mua bán xăng dầu ngoài sổ sách, hoặc nhập xăng dầu từ các nguồn ngoài hệ thống đại lý, hoặc có cơ sở kinh doanh xăng dầu nhưng không có giấy phép kinh doanh và không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

3.10. Về công tác quản lý Nhà nước

Với vai trò quản lý Nhà nước Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương và các sở ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, khan hiếm giả tạo, không gây ra những bất ổn về giá bán xăng dầu, vẫn duy trì được nguồn và cung cấp đủ hàng cho sản xuất và tiêu dùng, không tạo nên những xáo trộn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và các hoạt động của tỉnh.

Trước nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua tỉnh đã mở ra cho nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia kinh doanh xăng dầu. Từ đó đã tạo nên một sự canh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, không có tình trạng tranh mua, tranh bán gây xáo trộn thị trường, chất lượng hàng hóa và quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo.

Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định số 12/2004/QĐ-UB ngày 05 tháng 02 năm 2004 “Phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2010” đã cơ bản sắp xếp mạng lưới cửa hàng xăng dầu đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng hợp lý hơn trước đây.

Bên cạnh những mặt tích cực chủ yếu trên, công tác quản lý hành chính Nhà nước cũng còn một số mặt hạn chế tồn tại chủ yếu như: Công tác hậu kiểm chưa thường xuyên, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng trong việc uốn nắn sai sót, xử lý đối với các vi phạm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Phần thứ hai

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CỬA HÀNG XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ NGUYÊN TẮC QUY HOẠCH

1. Quan điểm quy hoạch

1.1. Quy hoạch mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, đảm bảo các yêu cầu về môi trường, an toàn, hiện đại và văn minh thương mại.

1.2. Đối với những cửa hàng xăng dầu đã xây dựng và cấp giấy phép xây dựng trước thời điểm ban hành quy hoạch này nếu phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo đủ các điều kiện kinh doanh xăng dầu thì vẫn giữ nguyên. Trường hợp những cửa hàng xăng dầu phù hợp với quy hoạch nhưng chưa đáp ứng các yêu cầu về diện tích mặt bằng, khoảng cách lộ giới theo quy định, thì phải bổ sung hoàn thiện theo thời hạn từ nay đến ngày 31 tháng 12 năm 2012. Sau thời hạn này, nếu các cửa hàng vẫn không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên thì Sở Công Thương thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu và kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh loại ra khỏi quy hoạch.

1.3. Không cấp giấy phép xây dựng mới các cửa hàng xăng dầu trên tuyến đường Quốc lộ 1A; đường Trần Phú - thành phố Nha Trang; các phường nội thành thuộc địa bàn thành phố Nha Trang bao gồm các phường Lộc Thọ, Phước Hải, Phước Long, Phước Tân, Phước Tiến, Phương Sài, Phương Sơn, Tân Lập, Vạn Thạnh, Vạn Thắng, Vĩnh Hải, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Xương Huân.

1.4. Loại ra khỏi quy hoạch đối với những vị trí xây dựng cửa hàng xăng dầu đã đuợc Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung sau Quyết định số 12/2004/QĐ-UB ngày 05 tháng 02 năm 2004 nhưng đến nay chưa xây dựng và các vị trí này không còn đủ điều kiện để xây dựng cửa hàng xăng dầu.

1.5. Giai đoạn 2015 - 2020

1.5.1. Hạn chế mở thêm các cửa hàng kinh doanh xăng dầu mới trên cơ sở mở rộng và tăng công suất kinh doanh đối với các cửa hàng hiện có.

1.5.2. Giảm bớt số lượng cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên các tuyến quốc lộ thay bằng việc triển khai các trạm dừng chân có kết hợp kinh doanh xăng dầu trên các tuyến đường này.

1.5.3. Bổ sung các cửa hàng xăng dầu tại khu dân cư, đô thị mới xây dựng trong thời kỳ 2015 - 2020.

2. Mục tiêu quy hoạch

Quy hoạch mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương, phát triển một cách hợp lý, có hệ thống, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, đảm bảo các yêu cầu về môi trường, an toàn, hiện đại và văn minh thương mại.

3. Nguyên tắc quy hoạch

3.1. Tính pháp lý

Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu là cơ sở pháp lý để phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh doanh, đầu tư xây dựng hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà. Đồng thời để các nhà đầu tư và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tuân thủ trong quá trình đầu tư xây dựng các cửa hàng xăng dầu.

3.2. Tính đồng bộ và nhất quán

Phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch khác của tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Phải tuân thủ theo Luật Thương mại, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng cháy chữa cháy và các quy định khác.

Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu còn phải đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa việc bố trí hệ thống cửa hàng xăng dầu với điều kiện sinh hoạt của dân cư, tiết kiệm chi phí xã hội.

3.3. Tính khoa học

Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu phải có tính khoa học và tính khả thi. Phải có hiệu quả kinh tế thiết thực cho xã hội và cho các nhà đầu tư.

3.4. Tính kế thừa

Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu có tính kế thừa Quyết định số 12/2004/QĐ-UB ngày 05 tháng 02 năm 2004 và không gây xáo trộn lớn làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong đó cần quan tâm đến việc cải tạo, nâng cấp hoặc mở rộng các cửa hàng hiện có.

II. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CỬA HÀNG XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN KHÁNH HOÀ

1. Số lượng cửa hàng xăng dầu cần phát triển

Số lượng cửa hàng xăng dầu cần phát triển thêm qua các năm được tính toán dựa theo các căn cứ sau:

1.1. Căn cứ tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn tỉnh

Trên cơ sở lượng tiêu thụ xăng dầu tăng qua các năm từ 2004 – 2006 (Theo số liệu khảo sát từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh trong đợt khảo sát vào thời điểm tháng 4 năm 2007) để dự ước nhu cầu tiêu thụ xăng dầu theo từng năm từ nay đến 2015: Xăng các loại tăng 8%; Diesel tăng 6%; dầu lửa giảm 1% mỗi năm.

Qua đó, dự ước lượng tiêu thụ xăng dầu qua các năm như sau:

Đơn vị: m3

Năm

Xăng

Diezel

Dầu lửa

Tổng số

Năm 2006

84.750

145.280

12.100

242.130

Năm 2007

91.530

153.990

11.980

257.500

Năm 2008

98.850

163.230

11.860

273.940

Năm 2010

115.301

206.080

11.630

333.011

Năm 2012

134.490

231.550

11.395

377.435

Năm 2015

169.415

275.780

11.060

456.255

Trên cơ sở dự ước lượng tiêu thụ xăng dầu, dự ước số lượng cửa hàng xăng dầu cần có trong giai đoạn từ nay đến 2012 và giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015, theo công thức:

Số CHXD cần có năm T =

Số CHXD của năm hiện tại x Lượng tiêu thụ xăng dầu năm T

Lượng tiêu thụ xăng dầu năm hiện tại x k

Trong đó k là hệ số tính đến khả năng tăng sản lượng (do mở rộng, cải tiến trang thiết bị để tăng công suất bán hàng) của các cửa hàng để dáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng hàng năm. Giả thuyết sản lượng của mỗi cửa hàng tăng trung bình giai đoạn từ nay đến năm 2012 là 2%/ năm, giai đoạn từ 2013 đến 2015 là 1%/năm. Lấy năm gốc là 2008 với k = 1 thì các năm sau hệ số k sẽ là: năm 2010: k = 1,04, năm 2012 là 1,082, năm 2015: k = 1,11

Theo công thức trên: cuối năm 2008 có 148 cửa hàng kinh doanh xăng dầu (trong đó 126 cửa hàng trên đất liền và 22 tàu dầu) đang hoạt động kinh doanh, thì:

Đến năm 2012 có 188 cửa hàng doanh xăng dầu (kể cả tàu bán dầu), tăng 40 cửa hàng so với năm 2008, trong đó chủ yếu cửa hàng xăng dầu trên đất liền, vì nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cho các phương tiện giao thông và sản xuất công nông nghiệp tăng nhanh hơn nhu cầu xăng dầu cho đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Đến năm 2015 có 222 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tăng 74 cửa hàng so với năm 2008.

1.2. Căn cứ theo đề xuất của các Ủy ban nhân dân cấp huyện và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của từng vùng, cụm dân cư, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Theo căn cứ này thì mật độ cửa hàng xăng dầu trong nội thành, nội thị dày hơn ở vùng ngoại ô, nông thôn và tỉnh lộ. Cần bố trí các cửa hàng xăng dầu cho các khu công nghiệp, khu dân cư, các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ mới hình thành.

Phối hợp các căn cứ trên, đồng thời có tính đến việc xây dựng cửa hàng xăng dầu còn phụ thuộc vào khả năng quỹ đất và diễn biến thực tế về giao thông đô thị, dự tính số cửa hàng xăng dầu cần có đến năm 2012, 2015 phân bố trên các địa phương, như sau:

STT

Tên huyện, thị xã, thành phố

Số lượng cửa hàng đến 31/12/2008

Số lượng cửa hàng phát triển thêm từ nay đến hết năm 2012

Số lượng cửa hàng phát triển thêm từ 2013 đến 2015

Trên đất liền

Tàu bán dầu

Trên đất liền

Tàu bán dầu

Trên đất liền

Tàu bán dầu

1

Nha Trang

34

18

05

03

05

 

2

Cam Ranh

20

04

05

01

03

01

3

Cam Lâm

14

 

05

 

03

 

4

Diên Khánh

15

 

03

 

06

 

5

Ninh Hòa

20

 

06

 

10

 

6

Vạn Ninh

19

 

04

02

07

01

7

Khánh Sơn

01

 

02

 

01

 

8

Khánh Vĩnh

03

 

01

 

02

 

 

Cộng

126

22

31

06

37

02

2. Các yêu cầu phải đảm bảo đối với vị trí xây dựng mới cửa hàng xăng dầu trên đất liền

2.1. Địa điểm xây dựng phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu và các quy hoạch khác của tỉnh.

2.2. Phải thỏa mãn những quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4530 - 1998 - Cửa hàng xăng dầu - Yêu cầu thiết kế.

2.3. Phải thỏa mãn những quy định tại Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD, ngày 03 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành: “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng”.

2.4. Các cửa hàng xăng dầu trên các tuyến quốc lộ là các cửa hàng có quy mô loại 1, đủ điều kiện về mặt bằng cho các loại xe tải ra vào an toàn.

2.5. Về khoảng cách giữa hai cửa hàng xăng dầu:

2.5.1. Đối với cửa hàng xăng dầu xây dựng mới dọc đường quốc lộ

Phải phù hợp với các quy định của của Bộ Giao thông Vận tải tại văn bản số 2241/BGTVT-VT ngày 24 tháng 4 năm 2006, cụ thể:

Trong đô thị: Không nhỏ hơn 2 km đối với một bên đường.

Ngoài đô thị: Không nhỏ hơn 12 km đối với một bên đường.

2.5.2. Đối với cửa hàng xăng dầu xây dựng mới dọc đường tỉnh

Phải phù hợp với quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Quyết định số 85/2007/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2007, cụ thể: Đối với khu vực ngoài thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ: Khoảng cách giữa hai cửa hàng xăng dầu: Không nhỏ hơn 5 km đối với một bên đường.

2.5.3. Đối với cửa hàng xăng xây dựng mới trong đô thị (không nằm dọc đường quốc lộ, đường tỉnh)

Phải phù hợp với Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03 tháng 4 năm 2008 của Bộ Trưởng Bộ Xây dựng.

2.6. Yêu cầu diện tích đất tối thiểu cho cửa hàng xăng dầu trên đất liền:

Chỉ tiêu

Cửa hàng

Loại 1

Cửa hàng

Loại 2

Cửa hàng

Loại 3

Chiều rộng mặt tiền (m)

Từ 50m trở lên

Từ 30m trở lên

Từ 20m trở lên

Chiều sâu (m)

Từ 40m trở lên

Từ 30m trở lên

Từ 20m trở lên

Tổng diện tích chiếm đất (m2)

Tối thiểu 2.000m2

900m2

400m2

3. Các yêu cầu đối với tàu bán dầu diezel

3.1. Địa điểm neo đậu và kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu và các quy hoạch khác của tỉnh.

3.2. Được cấp thẩm quyền cấp phép vùng hoạt động của tàu.

3.3. Có cấp thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa

3.4. Đạt yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa.

3.5. Đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy.

Phần thứ ba

QUẢN LÝ QUY HOẠCH VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Về quản lý quy hoạch

1.1. Không cho xây dựng mới các cửa hàng xăng dầu ngoài quy hoạch. Đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với các cửa hàng xăng dầu hiện tồn tại nhưng không nằm trong quy hoạch.

1.2. Các cửa hàng xăng dầu xây dựng mới phải đảm bảo các quy định của pháp luật về xây dựng, giao thông, an toàn phòng cháy, vệ sinh môi trường…

1.3. Đối với các cửa hàng xăng dầu hiện có, nằm trong quy hoạch, nhưng chưa đảm bảo các yêu cầu về trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông theo các quy định hiện hành thì phải có biện pháp cải tạo nâng cấp, đổi mới, bổ sung trang thiết bị, di dời, mở rộng diện tích kinh doanh… nhằm đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

1.4. Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu cần được theo dõi, bám sát quy hoạch kinh tế - xã hội để có sự điều chỉnh kịp thời nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu, đồng thời giúp cho các nhà đầu tư có thể thực hiện được các mục tiêu kinh doanh.

2. Trách nhiệm của các Sở ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện

2.1. Sở Công thương:

2.1.1. Chủ trì, phối hợp với các sở ngành chức năng và Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý và triển khai Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn từ nay đến 2015 và định hướng đến năm 2020.

2.1.2. Hướng dẫn và quản lý nhà nước về phát triển mạng lưới cửa hàng xăng dầu phù hợp với Quyết định này.

2.1.3. Căn cứ Quy hoạch này để xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu cho các cơ sở kinh doanh xăng dầu. Không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với những cơ sở không nằm trong quy hoạch và những cơ sở kinh doanh xăng dầu tuy còn nằm trong quy hoạch nhưng không đảm bảo các điều kiện về xây dựng, thiết kế, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và các quy định khác của pháp luật.

2.1.4. Chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

2.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Hướng dẫn và quản lý về đăng ký kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp theo quy định.

2.3. Sở Xây dựng

Hướng dẫn và quản lý về cấp phép xây dựng và hướng dẫn việc xây dựng cửa hàng xăng dầu trên đất liền đối với các cửa hàng nằm trong quy hoạch theo quy định hiện hành.

2.4. Sở Giao thông Vận tải

Hướng dẫn và quản lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về an toàn giao thông và đấu nối cửa hàng xăng dầu với các tuyến đường bộ. Xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa đối với các tàu bán dầu.

2.5. Sở Tài nguyên và Môi trường

Hướng dẫn và quản lý về sử dụng đất và bảo vệ môi trường đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu theo quy định pháp luật.

2.6. Sở Khoa học và Công nghệ

Hướng dẫn và quản lý về chất lượng và đo lường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

2.7. Công an tỉnh: Có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc

2.7.1. Thẩm duyệt thiết kế và các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu. Nghiệm thu và xác nhận điều kiện phòng cháy chữa cháy để làm cơ sở xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu.

2.7.2. Thực hiện chức năng về cấp Giấy đủ điều kiện an ninh trật tự đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu

2.7.3. Hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu đối với việc chấp hành các quy định về an toàn phòng, chống cháy nổ và an ninh trật tự.

2.8. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

2.8.1. Chủ trì, phối hợp cùng các sở ngành chức năng (Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy) xác định địa điểm đầu tư (có ý kiến bằng văn bản của các Sở ngành) để làm cơ sở cấp giấy thỏa thuận địa điểm đầu tư đối với các cửa hàng xăng dầu trên đất liền xây dựng mới phù hợp với quy hoạch .

2.8.2. Phối hợp với Sở Công Thương và các sở ngành chức năng thường xuyên quản lý kiểm tra, kiểm soát tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn theo quy định.

2.9. Phối hợp thực hiện

Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện kinh doanh xăng dầu, triển khai thực hiện quy hoạch này nhằm đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ./.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3070/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020

  • Số hiệu: 3070/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/11/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Võ Lâm Phi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/12/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản