Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3001/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 23 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA 02 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NỘI BỘ LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TỈNH BẾN TRE

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025;

Căn cứ Quyết định số 2540/QĐ-UBND ngày 02 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Bến Tre;

Căn cứ Quyết định số 2790/QĐ-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc công bố 02 thủ tục hành chính nội bộ lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 3232/TTr-SGD&ĐT ngày 13 tháng 12 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt phương án đơn giản hóa 02 thủ tục hành chính nội bộ lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh Bến Tre (Phụ lục kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu dự thảo văn bản thực thi phương án đơn giản hóa, sáng kiến cải cách thủ tục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết sau khi được Bộ giáo dục và Đào tạo thông qua.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Cục Kiểm soát TTHC - VPCP;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh, các PCVP UBND tỉnh;
- Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Phòng KSTT, KG-VX, TTPVHCC;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TNBV.

CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Tam

 

PHỤ LỤC

PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA 02 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NỘI BỘ LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TỈNH BẾN TRE
(Kèm theo Quyết định số 3001/QĐ-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

1. Nhóm thủ tục hành chính:

- Lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

- Điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

1.1. Nội dung đơn giản hóa

a) Về trình tự thực hiện: Lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Lý do: Tăng cường vai trò quyết định lựa chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục cho phù hợp với điều kiện của địa phương.

b) Về thời hạn giải quyết: Đề nghị bổ sung quy định thời hạn giải quyết của từng cơ quan, đơn vị đối với thủ tục này.

Lý do: Tại Điều 8 Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Bộ Giáo dục và đào tạo chưa quy định thời hạn giải quyết của từng cơ quan, đơn vị.

1.2. Kiến nghị thực thi

Kiến nghị Bộ Giáo dục và đào tạo xem xét sửa đổi, bổ sung:

+ Điều 4, Điều 5 Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Bộ Giáo dục và đào tạo:

“1. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông (sau đây gọi tắt là Hội đồng) do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (sau đây gọi chung là người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông) thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập 01 (một) Hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 01 (một) Hội đồng.

2. Số lượng, cơ cấu thành viên Hội đồng

a) Hội đồng bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn (sau đây gọi chung tô là tổ chuyên môn), đại diện giáo viên, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông, số lượng thành viên Hội đồng là sổ lẻ, tối thiểu là 11 (mười một) người. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông có quy mô dưới 10 (mười) lớp, số lượng thành viên Hội đồng tối thiểu là 05 (năm) người;

b) Cơ cấu Hội đồng bao gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các thành viên Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông; trong trường hợp người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông không được tham gia Hội đồng và các trường hợp phải vắng mặt vì lý do bất khả kháng thì Chủ tịch Hội đồng là cấp phó của người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông. Phó Chủ tịch Hội đồng là cấp phó của người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông. Thư ký Hội đồng được chọn trong số các thành viên Hội đồng.

3. Người đã tham gia Biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa và người làm việc ở các nhà xuất bản, các tổ chức có sách giáo khoa không được tham gia Hội đồng. ”

+ Điều 8, Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Bộ Giáo dục và đào tạo (nội dung quy trình lựa chọn sách giáo khoa, thẩm định hồ sơ, phê duyệt):

Quy trình lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và thẩm định hồ sơ, phê duyệt kết quả lựa chọn

“1. Hội đồng xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng.

2. Tổ chức lựa chọn sách giáo khoa:

a) Căn cứ vào kế hoạch của Hội đồng và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, tổ trưởng chuyên môn xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa cho từng môn học được cơ cấu trong tổ chuyên môn, báo cáo người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trước khi thực hiện;

b) Tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học của cơ sở giáo dục phổ thông (bao gồm giáo viên biên chế, hợp đồng, biệt phái, thỉnh giảng, dạy liên trường) tham gia lựa chọn sách giáo khoa của môn học đó;

c) Trước phiên họp đầu tiên của tổ chuyên môn, Tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên môn học nghiên cứu các sách giáo khoa của môn học, viết phiếu nhận xét, đánh giá các sách giáo khoa môn học theo các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa;

d) Tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức họp với các giáo viên môn học để thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn 01 (một) sách giáo khoa cho môn học đó:

- Sách giáo khoa được lựa chọn bảo đảm có từ 2 (một phần hai) số giáo viên trở lên bỏ phiếu lựa chọn;

- Trường hợp không có sách giáo khoa nào đạt trên 2 (một phần hai) số giáo viên bỏ phiếu lựa chọn thì tổ chuyên môn phải thảo luận, phân tích các sách giáo khoa với các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa và bỏ phiếu lựa chọn lại. Sách giáo khoa được lựa chọn bảo đảm có từ 2 (một phần hai) số giáo viên trở lên bỏ phiếu lựa chọn;

- Sau lần bỏ phiếu thứ hai, nếu vẫn không có sách giáo khoa nào được trên 2 (một phần hai) số giáo viên bỏ phiếu đồng ý lựa chọn thì tổ chuyên môn quyết định lựa chọn sách giáo khoa có số phiếu lựa chọn cao nhất trong hai lần bỏ phiếu;

Tổ chuyên môn lập biên bản các cuộc họp có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và người được phân công lập biên bản;

đ) Tổ trưởng tổ chuyên môn tổng hợp kết quả, lập danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và người được phân công lập danh mục lựa chọn sách giáo khoa.

3. Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn; thẩm định biên bản họp của tổ chuyên môn, các phiếu nhận xét, đánh giá sách giáo khoa của giáo viên theo quy định tại khoản 2 Điều này; tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn thành biên bản (gồm các nội dung nhận xét, đánh giá về việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn; biên bản lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn; các phiếu nhận xét, đánh giá sách giáo khoa của giáo viên; danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn), biên bản có chữ ký của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng.

4. Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa đã được các tổ chuyên môn lựa chọn đúng theo quy định tại Thông tư này.

5. Cơ sở giáo dục phổ thông lập hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở), Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông). Hồ sơ gồm: Quyết định thành lập Hội đồng của cơ sở giáo dục phổ thông; Biên bản họp Hội đồng; Danh mục lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông.

6. Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp hồ sơ (Quyết định thành lập Hội đồng của cơ sở giáo dục phổ thông; Biên bản họp Hội đồng; Danh mục lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông) cơ sở giáo dục phổ thông thuộc phạm vi quản lý.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.

8. Căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương.

9. Thời gian giải quyết thực hiện lựa chọn sách giáo khoa: 120 ngày.”

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3001/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt phương án đơn giản hóa 02 thủ tục hành chính nội bộ lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh Bến Tre

  • Số hiệu: 3001/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/12/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Trần Ngọc Tam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản