Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2011/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 29 tháng 09 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ BÁN ĐẤU GIÁ CÂY ĐỨNG TRONG KHAI THÁC GỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03/6/2008;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008; Luật Thuế tài nguyên năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản; Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính quy định thực hiện một số nội dung của Nghị định 52/2009/NĐ-CP; Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định 17/2010/NĐ-CP; Thông tư số 137/2010/TT-BTC ngày 15/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc xác định giá trị khởi điểm của tài sản nhà nước bán đấu giá và chế độ tài chính của Hội đồng bán đấu giá tài sản;

Căn cứ Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015; Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-BNN-BKH ngày 26/6/2008 của Liên tịch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg;

Căn cứ Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 2908/SNN-KHTC ngày 07/9/2011, kèm Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 720/BC-STP ngày 30/8/2011,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế bán đấu giá cây đứng trong khai thác gỗ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Cục Kiểm soát TTHC - văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Tổng cục Lâm nghiệp;
- TTr Tỉnh ủy, TTr HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ban Pháp chế, Ban KTNS - HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các PVP UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh;
- Lưu: VT, KSTT, TH, NL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Đình Sơn

 

QUY CHẾ

BÁN ĐẤU GIÁ CÂY ĐỨNG TRONG KHAI THÁC GỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 30/2011/QĐ-UBND ngày 29/9/2011 của UBND tỉnh Hà Tĩnh

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi áp dụng: Rừng thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (bao gồm: rừng tự nhiên, rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc đầu tư từ ngân sách) được phép khai thác phải tiến hành đấu giá bán cây đứng. Trong trường hợp đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định không qua bán đấu giá cây đứng.

2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh có chức năng khai thác gỗ.

Điều 2. Mục đích

1. Đảm bảo tính minh bạch, công bằng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất kinh doanh gỗ.

2. Nâng cao hiệu quả trong khai thác gỗ, tăng nguồn thu cho Ngân sách nhà nước để đầu tư trở lại cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

3. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của chủ rừng, các ngành, các cấp và đơn vị liên quan trong quản lý, bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng.

Điều 3. Nguyên tắc

1. Các lô rừng đưa ra đấu giá phải có hồ sơ thiết kế và giá khởi điểm được cấp thẩm quyền phê duyệt.

2. Việc tổ chức bán đấu giá cây đứng thực hiện đảm bảo công khai, khách quan, trung thực, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia và đúng trình tự quy định của pháp luật.

3. Quá trình khai thác gỗ phải thực hiện đúng quy trình, quy phạm.

4. Chủ rừng phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong quá trình khai thác và công tác quản lý, bảo vệ rừng trên diện tích rừng được giao (xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng).

Điều 4. Điều kiện tổ chức đấu giá

1. Có Hồ sơ thiết kế khai thác theo đúng quy định hiện hành được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và cấp phép khai thác.

2. Có quyết định phê duyệt giá khởi điểm.

3. Có phương án bán đấu giá được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

4. Có quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá của Ủy ban nhân dân tỉnh.

5. Các đơn vị tham dự đấu giá nộp đầy đủ hồ sơ tham dự đấu giá và tiền đặt trước.

6. Có ít nhất hai đơn vị đủ điều kiện theo quy định tại Điều 8 Quy chế này tham gia đấu giá.

Điều 5. Giá khởi điểm bán cây đứng

1. Giá khởi điểm bán cây đứng được xác định trên cơ sở phải đảm bảo tối thiểu bao gồm: thuế tài nguyên, các chi phí cần phân bổ và khoản thu để tái đầu tư trở lại cho bảo vệ và phát triển rừng. Các chi phí cần phân bổ được cấp có thẩm quyền thẩm tra gồm: tiền thiết kế phí, tiền thẩm tra, thẩm định thiết kế, chi phí bán đấu giá, chi phí nghiệm thu, giao nhận hiện trường, chi phí khấu hao và các chi phí hợp lý có liên quan. Ngoài ra khi xác định giá khởi điểm cần tham khảo giá bán gỗ cùng loại trên thị trường tại thời điểm bán đấu giá và trong 3 năm liền kề, để đảm bảo giá khởi điểm sát với giá thị trường.

2. Căn cứ hồ sơ thiết kế khai thác, phương án bán đấu giá chủ rừng xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt và quy định tại khoản 1 Điều này; Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan thành lập Hội đồng xác định giá khởi điểm, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 6. Quản lý, sử dụng tiền bán cây đứng

1. Đơn vị trúng đấu giá nộp tiền mua cây đứng vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính tại Kho bạc Nhà nước tỉnh.

2. Toàn bộ số tiền bán gỗ sau khi nộp thuế tài nguyên, chi trả các khoản chi phí hợp lý theo quy định, số còn lại được xử lý như sau:

Nộp vào ngân sách tỉnh (Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh - khi chưa thành lập quỹ thì tiếp tục để lại tài khoản tạm giữ); Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét để đầu tư cơ bản cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên cơ sở dự án hoặc phương án và dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trước hết ưu tiên cho chủ rừng quản lý rừng được phép khai thác).

Chương 2.

QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI HỘI ĐỒNG ĐẤU GIÁ VÀ ĐƠN VỊ THAM DỰ ĐẤU GIÁ

Điều 7. Hội đồng bán đấu giá

1. Hội đồng bán đấu giá được thành lập trong các trường hợp sau:

a) Trường hợp chủ rừng (có gỗ bán đấu giá) có tư cách pháp nhân khai thác gỗ tham gia đấu giá, thành phần Hội đồng gồm:

- Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chủ tịch Hội đồng;

- Đại diện Sở Tài chính - Thành viên;

- Đại diện Sở Tư pháp - Thành viên;

- Đại diện Ủy ban nhân dân cấp huyện sở tại - Thành viên;

- Các thành phần khác (nếu cần thiết).

b) Trường hợp chủ rừng (có gỗ bán đấu giá) không có tư cách pháp nhân khai thác gỗ, thành phần Hội đồng gồm:

- Chủ rừng - Chủ tịch Hội đồng;

- Đại diện Sở Tài chính - Thành viên;

- Đại diện Sở Tư pháp - Thành viên;

- Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thành viên;

- Đại diện Ủy ban nhân dân cấp huyện sở tại - Thành viên;

- Các thành phần khác (nếu cần thiết).

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính, chính quyền địa phương và Chủ rừng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng bán đấu giá theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Hội đồng bán đấu giá có trách nhiệm kiểm tra, soát xét các thủ tục có liên quan đến việc mở cửa rừng cho khai thác, thực hiện các thủ tục mời đấu giá, thẩm định năng lực và điều kiện liên quan của các đơn vị tham dự đấu giá; thành lập tổ giúp việc; xây dựng nội quy đấu giá; xác định bước giá trước khi tổ chức đấu giá theo quy định của quy chế và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Điều kiện đối với đơn vị tham dự đấu giá

1. Các tổ chức, đơn vị có chức năng khai thác gỗ được nộp hồ sơ tham gia đấu giá.

2. Nộp Hồ sơ dự đấu giá đảm bảo đầy đủ yêu cầu và đặt trước một khoản tiền hoặc có bảo lãnh tham dự đấu giá của một ngân hàng thương mại trong tỉnh nộp cho hội đồng bán đấu giá theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Quy chế này.

3. Mỗi tổ chức, đơn vị chỉ được tham gia với một tư cách pháp nhân duy nhất đại diện cho đơn vị mình trong từng lượt đấu giá.

4. Phải có bản cam kết về bảo vệ rừng và chấp hành quy trình, quy phạm trong khai thác rừng.

Điều 9. Thủ tục hồ sơ và trình tự thực hiện

1. Hồ sơ dự đấu giá:

a) Đơn dự đấu giá do thủ trưởng đơn vị ký;

b) Bản sao (có chứng thực) giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Bản chính giấy ủy quyền người đại diện đơn vị tham dự đấu giá do thủ trưởng đơn vị ký (nếu thủ trưởng không trực tiếp tham dự đấu giá);

d) Hồ sơ năng lực về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm của đơn vị tham dự đấu giá.

2. Tổ chức, đơn vị tham gia dự đấu giá lập 01 bộ hồ sơ dự đấu giá gửi trực tiếp đến cơ quan được giao làm Chủ tịch hội đồng bán đấu giá theo đúng thời hạn nhận hồ sơ ghi trong thông báo bán đấu giá.

Điều 10. Hiệu lực đơn dự đấu giá và tiền đặt trước dự đấu giá

1. Đơn dự đấu giá chỉ được chấp nhận sau khi đã nộp đầy đủ hồ sơ dự đấu giá và tiền đặt trước để dự đấu giá theo thời hạn quy định. Khoản tiền đặt trước dự đấu giá bằng 15% tổng giá trị khởi điểm bán cây đứng đã ghi trong thông báo bán đấu giá. Đơn vị trúng đấu giá được trừ tiền đặt trước vào tiền mua cây đứng, nếu không trúng đấu giá mà không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2 điều này thì được hoàn trả lại tiền đặt trước sau khi kết thúc phiên đấu giá.

2. Những trường hợp vi phạm sau đây không được lấy lại tiền đặt trước và bị thu hồi nộp vào ngân sách Nhà nước:

a) Đơn vị đã đăng ký nhưng không tham gia đấu giá;

b) Đơn vị tham gia đấu giá vi phạm nội quy, quy chế đấu giá;

c) Đơn vị trúng đấu giá nhưng từ chối ký hợp đồng.

Chương 3.

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, PHƯƠNG PHÁP ĐẤU GIÁ

Điều 11. Thông báo bán đấu giá và hồ sơ mời dự đấu giá

1. Thông báo bán đấu giá phải thể hiện những nội dung cơ bản sau:

a) Khái quát tình hình tài nguyên trong khu vực rừng đưa ra đấu giá: vị trí, phạm vi, diện tích, khối lượng chủng loại gỗ, điều kiện khai thác, vận xuất, vận chuyển, địa điểm bãi tập trung và các vấn đề khác có liên quan.

b) Giá khởi điểm mời đấu giá cây đứng (giá tối thiểu) theo từng lô hoặc nhóm lô rừng (gọi là gói tài sản).

c) Địa điểm tổ chức đấu giá.

d) Thời gian bán, nhận Hồ sơ dự đấu giá, thời hạn nộp tiền đặt trước để dự đấu giá.

đ) Thời gian đăng ký, tổ chức cho các đơn vị dự đấu giá đi xem thực tế hiện trường trước khi tổ chức đấu giá (chi phí do đơn vị đăng ký chi trả).

e) Lệ phí tham dự đấu giá theo quy định hiện hành.

f) Thời hạn tổ chức đấu giá tối đa là 15 ngày làm việc kể từ khi hết hạn nhận hồ sơ theo thông báo bán đấu giá và đã tổ chức cho các đơn vị tham dự đấu giá đi xem thực tế hiện trường.

Thông báo bán đấu giá phải được công bố rộng rãi ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày trên một trong các phương tiện thông tin đại chúng sau: Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh, Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh … và niêm yết công khai tại trụ sở của cơ quan được giao làm Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá ngay sau khi ban hành.

2. Hồ sơ mời dự đấu giá gồm: Bản sao đầy đủ hồ sơ thiết kế khai thác, giấy phép khai thác được phê duyệt của từng lô rừng đưa ra đấu giá, bản sao Thông báo bán đấu giá.

Điều 12. Trình tự, thủ tục, phương pháp tiến hành đấu giá

1. Thủ tục mở phiên đấu giá:

a) Giới thiệu thành viên tham dự phiên đấu giá, người điều hành và thành viên Tổ giúp việc.

b) Điểm danh người đã đăng ký tham gia đấu giá, công bố đơn vị có đủ điều kiện tham gia đấu giá.

c) Người điều hành phổ biến Quy chế và Nội quy phiên đấu giá. Nhắc lại giá khởi điểm và thông báo bước giá.

d) Giới thiệu toàn bộ thông tin có liên quan đến tài sản bán đấu giá, giải đáp thắc mắc (nếu có) của người tham gia đấu giá.

2. Hình thức, phương pháp tiến hành đấu giá:

a) Hình thức đấu giá: Đấu giá công khai trực tiếp bằng lời nói.

b) Phương pháp đấu giá:

- Tại phiên đấu giá, người tham gia đấu giá bốc thăm thứ tự trả giá; người trả giá đầu tiên của vòng 1 phải trả giá tối thiểu bằng giá khởi điểm; người trả tiếp theo phải trả cao hơn người trả trước đó ít nhất bằng một bước giá. Trường hợp ở vòng 01 người đầu tiên trả từ 02 bước giá trở lên hoặc khi đã có từ 02 người trở lên trả giá thì người tiếp theo mới có quyền từ chối.

- Đấu giá được tiến hành liên tục (không nghỉ giải lao). Người tham gia đấu giá trả giá trực tiếp bằng lời liên tục cho đến khi không còn người yêu cầu đấu giá tiếp.

- Người điều hành đấu giá nhắc lại 03 lần mức giá đã trả cao nhất, mỗi lần cách nhau khoảng 30 giây. Người trúng đấu giá là người có mức giá trả cao nhất.

- Thư ký cuộc bán đấu giá ghi rõ kết quả đấu giá vào biên bản đấu giá có đủ chữ ký của người điều hành phiên đấu giá, người trúng đấu giá, người giám sát và người chứng kiến theo quy định hiện hành của pháp luật. Nếu người trúng đấu giá không nhận kết quả trúng đấu giá, thì người đó vi phạm Nội quy đấu giá và không được trả lại tiền đặt trước.

Điều 13. Xử lý trường hợp bán đấu giá không thành

1. Trong trường hợp nếu cuộc bán đấu giá không thành thì Hội đồng bán đấu giá tổ chức bán đấu giá lại theo quy định, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trường hợp đã hết hạn đăng ký đấu giá mà không có đơn vị đăng ký hoặc chỉ có một đơn vị đăng ký tham gia cuộc đấu giá hoặc có nhiều đơn vị đăng ký tham dự đấu giá nhưng chỉ có một đơn vị tham gia phiên đấu giá thì được coi là phiên đấu giá không thành. Hội đồng bán đấu giá báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 14. Ký kết hợp đồng và nộp tiền mua cây đứng

1. Ngay sau khi phiên đấu giá kết thúc, tiến hành ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá giữa đơn vị trúng đấu giá với Hội đồng bán đấu giá. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá, đơn vị trúng đấu giá nộp 100% số tiền mua cây đứng (số tiền đặt trước được trừ vào giá trúng đấu giá).

2. Nội dung hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá thực hiện theo Điều 35 Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ.

Chương 4.

MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ CÁC VI PHẠM

Điều 15. Đơn vị trúng đấu giá mua cây đứng

1. Khi khai thác nếu vi phạm quy trình, quy phạm trong khai thác, vi phạm các quy định quản lý bảo vệ rừng, vi phạm hợp đồng thì bị xử lý theo các quy định hiện hành và có thể bị tước quyền khai thác mà không được hoàn trả lại khoản tiền mua cây đứng và chi trả các khoản chi phí liên quan.

2. Không được bán, sang nhượng quyền khai thác mua gỗ cây đứng cho các đơn vị khác. Trường hợp đặc biệt cần phải sang nhượng cho các đơn vị khác phải được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh trên cơ sở đề nghị của Chủ rừng, Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu đơn vị trúng đấu giá bán, sang nhượng trái phép thì bị tước quyền khai thác, không được hoàn trả tiền mua cây đứng.

Điều 16. Đơn vị thiết kế khai thác

Đơn vị thiết kế nếu lập hồ sơ thiết kế khai thác có những sai sót khi xác định diện tích, ranh giới và đối tượng rừng, đối tượng cây bài, chủng loại gỗ, khối lượng gỗ vượt quá giới hạn sai số cho phép hoặc có những sai sót khác gây hậu quả, thiệt hại đến tài nguyên rừng và quyền lợi đơn vị trúng đấu giá thì đơn vị thiết kế chịu trách nhiệm bồi thường cho Nhà nước hoặc cho đơn vị trúng đấu giá về những thiệt hại do hậu quả việc làm sai sót của mình gây ra, đồng thời bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Các thành phần khác liên quan

Các thành viên tham gia đấu giá, chủ rừng và tổ chức, cá nhân có liên quan nếu có hành vi thiếu trung thực, vi phạm Quy chế đấu giá, vi phạm các quy định của pháp luật, thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Trách nhiệm của Chủ rừng và các sở, ngành liên quan

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định, phê duyệt Hồ sơ thiết kế khai thác và cấp phép khai thác cho chủ rừng; tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng bán đấu giá; theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, tổng hợp và báo cáo tình hình thực hiện bán đấu giá.

2. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thành lập Hội đồng xác định khởi điểm bán cây đứng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra giám sát chủ rừng các nội dung liên quan đến quản lý tài sản nhà nước, hướng dẫn xử lý tài chính theo quy định.

3. Đơn vị chủ rừng: Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 2 và khoản 1, khoản 3 Điều 4 Quy chế này để kịp thời tổ chức bán đấu giá; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc khai thác gỗ và tổ chức quản lý, bảo vệ rừng theo đúng quy định hiện hành. Báo cáo kịp thời bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Tư pháp về tình hình thực hiện việc bán đấu giá và những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện (nếu có).

Điều 19. Điều khoản thi hành

Những nội dung chưa đề cập tại quy định của Quy chế này thì thực hiện theo quy định Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các quy định hiện hành của pháp luật.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh, các cơ quan, đơn vị, cá nhân phản ánh kịp thời bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 30/2011/QĐ-UBND về Quy chế bán đấu giá cây đứng trong khai thác gỗ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành

  • Số hiệu: 30/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/09/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Lê Đình Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/10/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 11/12/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản