Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 30/2008/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 08 tháng 7 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT, KINH DOANH MỘT SỐ NGÀNH NGHỀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;
Căn cứ Thông tư số 02/TT-BTS ngày 20/3/2006 của của Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;
Theo đề nghị của Giám Đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tại Tờ trình số 118/TTr-SNN  ngày  27/6/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Mọi Quy định trước đây trái với Quyết định này không còn hiệu lực./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Danh

 

QUY ĐỊNH

VỀ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT, KINH DOANH MỘT SỐ NGÀNH NGHỀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

(Ban hành kèm theo Quyết định số 30/2008/QĐ-UBND ngày 08/7/2008 của UBND tỉnh)

Chương I.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Quy định này quy định điều kiện đối với một số ngành nghề sản xuất, kinh doanh thủy sản không cần giấy phép.

2. Điều kiện hành nghề thú y thủy sản thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thú y và Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh có hoạt động sản xuất, kinh doanh một số ngành, nghề thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước phải tuân theo quy định của Quy định này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.

Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với Quy định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

2. Hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, kinh doanh thủy sản tươi sống, thủy sản đã qua chế biến có quy mô nhỏ, theo phương pháp thủ công (theo quy định của Bộ Thủy sản); khai thác thủy sản bằng tàu cá có trọng tải dưới 0.5 tấn hoặc không sử dụng tàu cá thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quy định này.

Chương II.

NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ KHAI THÁC THỦY SẢN

Điều 3. Những hoạt động khai thác thủy sản bị cấm

1. Các hoạt động khai thác thủy sản sử dụng chất nổ, điện, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện, hóa chất hoặc chất độc.

2. Không được sử dụng ngư cụ khai thác thủy sản có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định tại Phụ lục 1 của Quy định này.

3. Khai thác các loài thủy sản bị cấm; khai thác trong các vùng cấm (các khu bảo tồn nội địa; các khu vực cấm khai thác có thời hạn trong năm); khai thác các loài thủy sản thuộc danh mục các loài thủy sản mà Bộ Thủy sản đã công bố trữ lượng nguồn lợi của các loài này đang bị suy giảm nghiêm trọng có nguy cơ bị tuyệt chủng được quy định tại Phụ lục 2 của Quy định này.

4. Không được khai thác các loài thủy sản có kích cỡ nhỏ hơn quy định tại phụ lục 3 của Quy định này.

Điều 4. Sản xuất, kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản

1. Không được sản xuất, kinh doanh ngư cụ khai thác thủy sản có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định tại Phụ lục 1 của Quy định này.

2. Không được sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ, kíp nổ, dây cháy chậm, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện.

Chương III.

NGÀNH NGHỀ SẢN XUẤT, KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN

Điều 5. Những ngành nghề sản xuất, kinh doanh thủy sản không cần giấy phép

Những ngành nghề sản xuất, kinh doanh thủy sản sau đây không cần giấy phép, nhưng phải đảm bảo các điều kiện của pháp luật quy định: Sản xuất, kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản; sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; nuôi trồng thủy sản; sản xuất, kinh doanh thức ăn nuôi thủy sản; chế biến thủy sản; kinh doanh nguyên liệu thủy sản dùng cho chế biến thực phẩm.

Điều 6. Sản xuất, kinh doanh ngư cụ (bao gồm cả nguyên vật liệu chế tạo ngư cụ) và trang thiết bị khai thác thủy sản phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về ngành nghề sản xuất hoặc kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản do Sở Kế hoạch & Đầu tư hoặc Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã cấp theo thẩm quyền.

2. Có cửa hàng, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng.

3. Nhà xưởng, kho chứa, trang thiết bị, hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn và khí thải của cơ sở sản xuất phải đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Cơ sở sản xuất phải có ít nhất một kỹ thuật viên có bằng trung cấp trở lên về chuyên ngành khai thác hoặc cơ khí thủy sản.

5. Phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa đã công bố; thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

6. Chỉ được sản xuất, kinh doanh các loại ngư cụ, trang thiết bị, khai thác thủy sản không thuộc danh mục cấm sử dụng do Bộ Thủy sản quy định hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh quy định bổ sung.

Điều 7. Sản xuất, kinh doanh giống thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả dịch vụ lưu giữ) giống thủy sản phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về giống thủy sản do Sở Kế hoạch & Đầu tư cấp hoặc Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã cấp theo thẩm quyền.

b) Địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản phải theo quy hoạch của địa phương.

c) Cơ sở vật chất kỹ thuật và các trang thiết bị kỹ thuật, hệ thống cấp và thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, phương tiện vận chuyển, lưu trữ của cơ sở phải đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh từng đối tượng và phẩm cấp giống thủy sản, phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

d) Cơ sở sản xuất, kinh doanh đàn giống thương phẩm phải có nhân viên kỹ thuật có chứng chỉ đã được đào tạo về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản.

e) Có hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất, kinh doanh giống.

g) Thực hiện quy trình kỹ thuật bắt buộc đối với sản xuất giống thủy sản theo quy định của Bộ Thủy sản.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đực giống, cái giống, tinh đực giống, trứng giống và ấu trùng động vật thủy sản phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Các điều kiện quy định tại các Điểm a, b, c, e, g, Khoản 1 Điều này.

b) Có nhân viên kỹ thuật đã được cấp giấy chứng chỉ đào tạo về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi, về kỹ thuật ấp trứng, công nghệ nhân giống thủy sản.

c) Thực hiện quy chế quản lý khai thác, sử dụng tinh, phôi và môi trường bảo quản, pha chế tinh, phôi theo quy định của Bộ Thủy sản;

d) Đực giống, cái giống thủy sản phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch thú y.

đ) Thực hiện quy chế quản lý khai thác, sử dụng đực giống, cái giống thủy sản, trứng giống, ấu trùng thủy sản theo quy định của Bộ Thủy sản.

Điều 8. Nuôi trồng thủy sản

Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về nuôi trồng thủy sản do Sở Kế hoạch & Đầu tư hoặc Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã cấp theo thẩm quyền.

2. Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản phải theo quy hoạch của địa phương.

3. Cơ sở phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản

Tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn nuôi thủy sản phải có đủ điều kiện sau đây:

1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về sản xuất thức ăn nuôi thủy sản do Sở Kế hoạch & Đầu tư hoặc Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã cấp theo thẩm quyền.

2. Nhà xưởng, kho chứa, trang thiết bị, hệ thống xử lý chất thải phải đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thú y thủy sản, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Có nhân viên kỹ thuật có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành chế biến thực phẩm, hóa thực phẩm hoặc nuôi trồng thủy sản.

4. Sử dụng các loại thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Kinh doanh thức ăn nuôi thủy sản

Tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn nuôi thủy sản phải có đủ điều các kiện sau đây:

1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thức ăn nuôi thủy sản do Sở Kế hoạch & Đầu tư hoặc Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã cấp theo thẩm quyền.

2. Có cửa hàng, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng.

3. Nơi bảo quản, nơi bày bán đáp ứng các yêu cầu đảm bảo chất lượng và vệ sinh thú y theo quy định của pháp luật.

4. Người quản lý hoặc nhân viên bán hàng có chứng chỉ đã được tập huấn về thức ăn chăn nuôi thủy sản hoặc có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành nuôi trồng thủy sản.

5. Chỉ được kinh doanh các loại thức ăn nuôi thủy sản đã được công bố tiêu chuẩn chất lượng và bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y thủy sản, có nhãn hàng hóa đúng quy định của pháp luật, thuộc danh mục được phép sử dụng thông thường theo quy định của Bộ Thủy sản.

Điều 11. Chế biến thủy sản

Tổ chức, cá nhân chế biến thủy sản phải có đủ điều các kiện sau đây:

1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về chế biến thủy sản do Sở Kế hoạch & Đầu tư hoặc Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã cấp theo thẩm quyền.

2. Địa điểm xây dựng cơ sở chế biến thủy sản phải theo quy hoạch của địa phương.

3. Nhà xưởng, kho chứa, trang thiết bị, dụng cụ chế biến, dụng cụ vệ sinh, hệ thống xử lý nước, hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn và khí thải, trang thiết bị kiểm tra chất lượng sản phẩm phải đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Đối với cơ sở chế biến thủy sản làm thực phẩm (theo quy định của Bộ Thủy sản) xây dựng mới, trước khi đưa vào hoạt động sản xuất 15 ngày, phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để được kiểm tra, công nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

5. Cơ sở chế biến thủy sản theo phương thức công nghiệp phải có ít nhất một cán bộ hoặc nhân viên kỹ thuật có trình độ đại học về một trong các chuyên ngành công nghệ thực phẩm, chế biến thủy sản, sinh học, hóa sinh.

6. Người lao động trực tiếp trong các cơ sở chế biến thủy sản phải đảm bảo các tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định và phải được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết.

Điều 12. Kinh doanh nguyên liệu thủy sản dùng cho chế  biến thực phẩm

Tổ chức, cá nhân kinh doanh nguyên liệu thủy sản dùng cho chế biến thực phẩm phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về ngành, nghề đăng ký hoạt động do Sở Kế hoạch & Đầu tư hoặc Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã cấp theo thẩm quyền.

2. Có cửa hàng, biển hiệu địa chỉ rõ ràng.

3. Nhà xưởng, kho chứa, phương tiện thu mua, bảo quản, vận chuyển thủy sản chuyên dùng phải đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

4. Chỉ được sử dụng các loại phụ gia thực phẩm, hóa chất trong danh mục được phép sử dụng, lưu hành tại Việt Nam và phải sử dụng đúng liều lượng, giới hạn quy định để bảo quản thủy sản theo quy định của pháp luật.

5. Cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và vệ sinh thú y theo quy định của pháp luật.

Chương IV.

THANH TRA, KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT KINH DOANH; KHIẾU NẠI, TỐ CÁO; KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 13. Thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành, nghề thủy sản

1. Sở Nông nghiệp & PTNT chịu trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh các ngành, nghề thủy sản và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

2. Nội dung thanh tra, kiểm tra bao gồm việc chấp hành Quy định này và việc thực hiện các cam kết với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi đăng ký kinh doanh.

3. Việc tiến hành thanh tra, kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh các ngành, nghề thủy sản được thực hiện theo các quy định của pháp luật.

Điều 14. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy định này sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

2. Mọi hành vi vi phạm Quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với Quy định này và các quy định khác của pháp luật khác có liên quan, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương V.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15.

Mọi Quy định trước đây trái với Quy định này đều không còn hiệu lực.

Sở Nông nghiệp & PTNT có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quy định này.

 

PHỤ LỤC 1

QUY ĐỊNH KÍCH THƯỚC MẮT LƯỚI NHỎ NHẤT TẠI BỘ PHẬN ẬP TRUNG CÁ CỦA NGƯ CỤ KHAI THÁC THỦY SẢN NƯỚC NGỌT

STT

Các loại ngư cụ

Kích thước mắt lưới 2a (mm), không nhỏ hơn

1

Lưới vây (lưới giựt, bao cá…)

18

2

Lưới kéo (thủ công, cơ giới)

20

3

Lưới kéo cá cơm

10

4

Lưới rê (lưới bén…)

40

 

Lưới rê (cá cơm)

10

 

Lưới rê (cá linh)

15

5

Vó (càng, gạt)

20

6

Chài các loại

15

7

Đăng

18

8

Đáy

18

9

Lưới kéo cá dùng cho thuyền thủ công và tàu lắp máy dưới 90 cv

28

 

PHỤ LỤC 2

NHỮNG ĐỐI TƯỢNG BỊ CẤM KHAI THÁC CÓ THỜI HẠN TRONG NĂM

STT

Tên Việt Nam

Tên khoa học

Thời gian cấm khai thác

 

Tôm, cá nước ngọt

 

 

1

Cá lóc

Channa striata

Từ 1/4 -1/6

2

Cá lóc bông

Channa micropeltes

nt

3

Tôm càng xanh

Macrobracchium rosenbergii

Từ 1/4 - 30/6

4

Cá sặc rằn

Trichogaster pectoralis

Từ 1/3 - 1/6

5

Cá rô đồng

Anabas testudineus

nt

6

Cá trê vàng

Clarias macrocephalus

nt

7

Cá thát lát

Notopterrus notopterrus

Từ 1/4 -1/6

8

Cá linh

Cirrhinus jullieni

nt

 

PHỤ LỤC 3

KÍCH THƯỚC TỐI THIỂU CỦA CÁC LOÀI THỦY SẢN KINH TẾ SỐNG TRONG CÁC VÙNG NƯỚC TỰ NHIÊN ĐƯỢC PHÉP KHAI THÁC

* Cá nước ngọt (Tính từ mõm đến chẽ vây đuôi)

STT

Tên Việt Nam

Tên khoa học

Chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác (mm)

1

Cá chép

Cyprinus carpio

150

2

Cá trôi

Cirrhina molitorella

220

3

Cá trắm đen

Mylopharyngodon idellus

470

4

Cá trắm cỏ

Ctenopharyngodon idellus

550

5

Cá mè trắng

Hypophthalmichthý molitrix

230

6

Lươn

Monopterrus albus

360

7

Cá thiên

Bagarius rutilus

450

8

Cá tra

Pangasius hypophthalmus

300

9

Cá lóc bông

Channa micropeltes

380

10

Cá trê vàng

Clarias macrocephalus

200

11

Cá trê trắng

Clarias batrachus

200

12

Cá sặc rằn

Trichogaster pectoralis

100

13

Cá he vàng

Barbonymus altus

100

14

Cá chày mắt đỏ

Squaliobalbus curiculus

170

15

Cá ngựa nam

Mampala macrolepidota

180

16

Cá rô đồng

Anabas testudineus

80

17

Cá chạch sông

Mastacembelus armatus

200

18

Cá lóc (cá quả)

Channa striata

220

19

Cá linh ống

Henicorhynchus siamesis

50

20

Cá mè vinh

Barbonymus gonionotus

100

21

Cá thát lát

Notipterus notopterus

200

22

Cá lăng nha

Mytus wyckiosdes

560

23

Cá lăng đen

Mytus pluriradiatus

500

24

Cá chình

Anguilla marmorata

500

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 30/2008/QĐ-UBND về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành

  • Số hiệu: 30/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/07/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Bùi Văn Danh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản