Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2994/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

RÀ SOÁT LẦN THỨ NHẤT VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ MỘT SỐ SẢN PHẨM NHÔM CÓ XUẤT XỨ TỪ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại;

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại;

Căn cứ Quyết định số 3752/QĐ-BCT ngày 02 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phòng vệ thương mại;

Căn cứ Quyết định số 2942/QĐ-BCT ngày 28 tháng 9 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tiến hành rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình, đã được đùn ép, đã hoặc chưa xử lý bề mặt, đã hoặc chưa được gia công thêm nhập khẩu vào Việt Nam và được phân loại theo mà HS 7604.10.10, 7604.10.90, 7604.21.90, 7604.29.10, 7604.29.90 có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (mã vụ việc AR01, AD05) với nội dung chi tiết nêu tại Thông báo kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Trình tự, thủ tục điều tra rà soát thực hiện theo quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam.

Điều 3. Việc tiến hành các thủ tục liên quan đến quá trình rà soát không được gây cản trở việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đang có hiệu lực.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại và Thủ trưởng các đơn vị, các Bên liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TC, NG, TTTT;
- Các Website: Chính phủ, Bộ Công Thương;
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng;
- Tổng cục Hải quan;
- Các Cục: CN, XNK;
- Cốc Vụ: AP, DB, PC;
- Văn phòng BCĐLNHNQT về kinh tế;
- Lưu: VT, PVTM (06).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Khánh

 

THÔNG BÁO

RÀ SOÁT LẦN THỨ NHẤT VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ MỘT SỐ SẢN PHẨM NHÔM CÓ XUẤT XỨ TỪ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA
(Kèm theo Quyết định số 2994/QĐ-BCT ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

1. Thông tin cơ bản

Ngày 28 tháng 9 năm 2019, Bộ Còng Thương ban hành Quyết định số 2942/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm nhôm có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).

Ngày 29 tháng 7 năm 2020, Bộ Công Thương thông báo nhận hồ sơ yêu cầu rà soát lần thứ nhất của vụ việc.

2. Hàng hóa thuộc đối tượng rà soát

- Mô tả: hàng hóa thuộc đối tượng rà soát là nhôm và các sản phẩm bằng nhôm; hợp kim hoặc không hợp kim; ở dạng thanh, que và hình, đã được đùn ép, đã hoặc chưa xử lý bề mặt, đã hoặc chưa được gia công thêm. Các sản phẩm này có một dạng thù hình, có mạng lập phương, có thể thiết kế theo nhiều hình dạng và mặt cắt khác nhau, có thể tạo ra nhiều màu sắc khác nhau trên bề mặt, có thể tái chế lại.

- Phân loại theo mã số hàng hóa (Mã HS):7604.10.10; 7604.10.90: 7604.21.90; 7604.29.10; 7604.29.90

- Mức thuế chống bán phá giá hiện hành: Từ 2,49% tới 35,58% tùy thuộc tên nhà sản xuất/xuất khẩu. Mức thuế cụ thể được công bố trên website của Cục Phòng vệ thương mại.

3. Cơ sở và phạm vi rà soát

Các bên yêu cầu là nhóm 03 công ty sản xuất trong nước yêu cầu Cơ quan điều tra rà soát lại mức thuế chống bán phá giá áp dụng với 02 nhóm công ty sản xuất, xuất khẩu Trung Quốc là nhóm công ty Xingfa (bao gồm công ty Guangdong Xingfa Aluminium Co., Ltd và các công ty liên kết) và nhóm công ty JMA (bao gồm công ty Guangdong JMA Aluminium Profile Factory (Group) Co., Ltd và các công ty liên kết).

Bên yêu cầu là công ty Bazhou Jinwoshengdi Aluminum Products Co., Ltd (Jinwoshengdi) yêu cầu Cơ quan điều tra rà soát lại mức thuế chống bán phá giá áp dụng đối với công ty.

Bên yêu cầu là công ty Fujian Zhangzhou Antai Aluminium Co., Ltd (Antai) yêu cầu Cơ quan điều tra rà soát lại mức thuế chống bán phá giá áp dụng đối với công ty.

Bên yêu cầu là công ty Guangdong Weiye Aluminum Factory Group Co., Ltd (\Veiye) yêu cầu Cơ quan điều tra rà soát lại mức thuế chống bán phá giá áp dụng đối với công ty.

Căn cứ hồ sơ và bằng chứng cung cấp ban đầu về các yêu cầu rà soát nêu trên, theo Điều 82 Luật Quản lý ngoại thương, Cơ quan điều tra tiến hành rà soát và đưa ra kết luận cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá áp dụng đối với nhóm công ty Xingfa, nhóm công ty JMA, công ty Jinwoshengdi, công ty Antai và công ty Weiye.

4. Thời kỳ rà soát

Từ ngày 01 tháng 10 năm 2019 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2020.

5. Quy trình và thủ tục rà soát

Cơ quan điều tra tiến hành các thủ tục điều tra, rà soát như sau:

5.1. Đăng ký bên liên quan

a) Căn cứ Điều 6 Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại (sau đây gọi là Thông tư 37/2019/TT-BCT), tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 74 Luật Quản lý ngoại thương có thể đăng ký làm bên liên quan trong vụ việc rà soát với Cơ quan điều tra để tiếp cận thông tin lưu hành công khai trong quá trình tiến hành rà soát, gửi các ý kiến bình luận, thông tin và bằng chứng liên quan đến nội dung rà soát được nêu tại Mục 3 Thông báo này.

b) Tổ chức, cá nhân đăng ký bên liên quan theo mẫu Đơn đăng ký bên liên quan ban hành tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 37/2019/TT-BCT và gửi tới Cơ quan điều tra theo địa chỉ nêu tại Thông báo này trong thời hạn sáu mươi (60) ngày làm việc kể từ ngày có hiệu lực của quyết định tiến hành rà soát bằng cách gửi công văn chính thức kèm theo Đơn đăng ký bên liên quan theo một trong hai phương thức sau: (i) bưu điện hoặc (ii) thư điện tử.

c) Bên liên quan theo quy định tại Điều 74 Luật Quản lý ngoại thương thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định 10/2018/NĐ-CP).

5.2. Bản câu hỏi rà soát

Căn cứ Điều 57 Nghị định 10/2018/NĐ-CP:

a) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định rà soát, Cơ quan điều tra gửi bản câu hỏi điều tra cho các đối tượng sau đây:

- Bên nộp hồ sơ yêu cầu rà soát;

- Bên bị đề nghị rà soát (nếu có); và

- Các bên liên quan khác mà Cơ quan điều tra cho là cần thiết.

b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản câu hỏi điều tra rà soát, bên nhận được bản câu hỏi phải gửi bản trả lời đầy đủ cho Cơ quan điều tra. Thời hạn này có thể được Cơ quan điều tra xem xét, gia hạn một lần với thời hạn tối đa không quá 30 ngày trên cơ sở văn bản đề nghị gia hạn của bên đề nghị gia hạn.

- Bản câu hỏi điều tra được coi là nhận được sau 07 ngày làm việc kể từ ngày Cơ quan điều tra gửi đi.

5.3. Điều tra tại chỗ

a) Căn cứ khoản 3 Điều 75 Luật Quản lý ngoại thương, trong trường hợp cần thiết, Cơ quan điều tra có quyền tiến hành việc điều tra tại chỗ, bao gồm cả việc điều tra tại nước ngoài nhằm xác minh tính xác thực của thông tin, tài liệu do bên liên quan cung cấp hoặc thu thập thêm thông tin, tài liệu cần thiết để giải quyết vụ việc phòng vệ thương mại.

b) Quy trình, thủ tục điều tra tại chỗ được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định 10/2018/NĐ-CP.

5.4. Tiếng nói và chữ viết trong quá trình rà soát

a) Tiếng nói và chữ viết dùng trong quá trình rà soát là tiếng Việt. Bên liên quan có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này phải có phiên dịch.

b) Các thông tin, tài liệu không phải bằng tiếng Việt do bên liên quan cung cấp phải được dịch ra tiếng Việt. Bên liên quan phải đảm bảo tính trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung được dịch thuật.

5.5. Bảo mật thông tin

Cơ quan điều tra thực hiện việc bảo mật thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật Quản lý ngoại thươngĐiều 11 Nghị định 10/2018/NĐ-CP.

5.6. Hợp tác trong quá trình rà soát

Căn cứ Điều 10 Nghị định 10/2018/NĐ-CP:

a) Bất kỳ bên liên quan nào từ chối tham gia vụ việc hoặc không cung cấp chứng cứ cần thiết hoặc gây cản trở đáng kể tới việc hoàn thành việc rà soát thì kết luận rà soát đối với bên liên quan đó sẽ dựa trên các cơ sở thông tin sẵn có.

b) Bất kỳ bên liên quan nào cung cấp các chứng cứ không chính xác hoặc gây nhầm lẫn thì các chứng cứ đó sẽ không được xem xét và kết luận rà soát đối với bên liên quan đó sẽ dựa trên cơ sở các thông tin sẵn có.

Cơ quan điều tra khuyến nghị các Bên liên quan tham gia hợp tác đầy đủ trong quá trình vụ việc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

5.7. Thời hạn rà soát

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 82 Luật Quản lý ngoại thương, thời hạn rà soát không quá 06 tháng kể từ ngày có quyết định rà soát, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn một lần nhưng không quá 03 tháng.

6. Thông tin liên hệ

Mọi thông tin đề nghị gửi về:

Phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp

Cục phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương

Địa chỉ: 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam

Điện thoại: 84.24.7303.7898 (112) (Cán bộ điều tra Trần Hoàng Mai)

Thư điện tử: maitrh@moit.gov.vn

7. Truy cập thông tin

Quyết định và Thông báo tiến hành rà soát cuối kỳ có thể truy cập tại trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương: www.moit.gov.vn; hoặc Cục Phòng vệ thương mại: www.trav.gov.vn hoặc www.pvtm.gov.vn.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2994/QĐ-BCT năm 2020 về rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Hoa do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 2994/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/11/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Trần Quốc Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản