Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2958/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 12 tháng 09 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG XÉT CÔNG NHẬN NGHỀ TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG, TỈNH THANH HÓA

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 2949/QĐ-UBND ngày 11/9/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thành lập Hội đồng Xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tỉnh Thanh Hóa;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Công văn số 1578/SNN&PTNT-PTNT ngày 28/8/2012, của Sở Tư pháp tại Công văn số ván bản số 919/STP-XDVB ngày 13/8/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, tỉnh Thanh Hóa.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Chủ tịch Hội đồng Xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, tỉnh Thanh Hóa; Giám đốc các sở, ngành, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để báo cáo);
- T.Trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh (để báo cáo);
- Như Điều 3 QĐ;
- Lưu: VT, Pg NN.

CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Chiến

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG XÉT CÔNG NHẬN NGHỀ TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG, TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2958/QĐ-UBND ngày 12/9/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

Chương 1.

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 1. Chức năng của Hội đồng Xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, tỉnh Thanh Hóa

Hội đồng Xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, tỉnh Thanh Hóa (sau đây gọi tắt là Hội đồng) có chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo các quy định của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

Điều 2. Nhiệm vụ của Hội đồng

1. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống hàng năm của tỉnh.

2. Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố (UBND cấp huyện) triển khai thực hiện các thủ tục, hồ sơ đề nghị xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các quy định khác của pháp luật.

3. Tổ chức xét duyệt hồ sơ đề nghị xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, lựa chọn đối tượng đủ tiêu chuẩn đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định và cấp giấy công nhận.

Điều 3. Quyền hạn, trách nhiệm cua Hội đồng

1. Được đảm bảo các điều kiện cần thiết và các chế độ quy định để thực hiện tốt nhiệm vụ của Hội đồng.

2. Chủ tịch Hội đồng sử dụng con dấu của UBND tỉnh, Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng sử dụng con dấu của Sở, ngành mình trong việc hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ, chỉ đạo kiểm tra đánh giá việc thực hiện các tiêu chí xét duyệt, tiêu chuẩn đánh giá đối với nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo chức năng của từng đơn vị.

3. Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện việc xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và tổ chức điều hành các hoạt động theo quy chế. Phó Chủ tịch, các thành viên và thư ký Hội đồng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Chương 2.

TỔ CHỨC CỦA HỘI ĐỒNG

Điều 4. Thành phần của Hội đồng và cơ quan Thường trực Hội đồng

1. Thành phần của Hội đồng gồm có:

- Chủ tịch Hội đồng;

- Phó Chủ tịch Hội đồng;

- Các Ủy viên Hội đồng;

- Tổ thư ký Hội đồng.

2. Cơ quan Thường trực Hội đồng là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa (Sở NN&PTNT), có nhiệm vụ:

- Đề xuất cơ cấu các thành phần tham gia Hội đồng Xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tỉnh Thanh Hóa, trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định;

- Chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hàng năm của Hội đồng; hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; chuẩn bị nội dung và chương trình làm việc tại các kỳ họp của Hội đồng;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng.

Điều 5. Chủ tịch Hội đồng

1. Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực công tác có liên quan giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng.

2. Chủ tịch Hội đồng có nhiệm vụ:

- Chỉ đạo, điều hành hoạt động của Hội đồng theo các quy định của Quy chế này;

- Chỉ đạo cơ quan thường trực Hội đồng chuẩn bị các tài liệu cần thiết về các vấn đề sẽ đưa ra thảo luận tại các kỳ họp Hội đồng;

- Thực hiện các chế độ quy định và đảm bảo các điều kiện cho hoạt động của Hội đồng;

- Triệu tập và chủ trì các kỳ họp, phiên họp của toàn thể Hội đồng;

- Phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng.

Điều 6. Phó Chủ tịch Hội đồng

1. Giám đốc Sở NN&PTNT cử 01 Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực công tác có liên quan làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

2. Phó Chủ tịch Hội đồng có nhiệm vụ:

- Chỉ đạo tổ thư ký Hội đồng chuẩn bị nội dung, chương trình, điều kiện tổ chức các kỳ họp của cơ quan thường trực Hội đồng và Hội đồng;

- Sử dụng bộ máy của Sở NN&PTNT và các đơn vị trực thuộc Sở để tham mưu, phục vụ cho hoạt động của Hội đồng;

- Thực hiện các nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng giao.

Điều 7. Ủy viên Hội đồng

1. Nhiệm vụ:

- Tham gia đầy đủ các kỳ họp và các hoạt động của Hội đồng;

- Nghiên cứu tài liệu, tham gia ý kiến về những vấn đề đưa ra thảo luận tại các kỳ họp của Hội đồng.

2. Quyền hạn:

- Được cung cấp những thông tin cần thiết về các vấn đề có liên quan tới các kỳ họp và các hoạt động của Hội đồng;

- Kiến nghị, thảo luận, bỏ phiếu, biểu quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ của Hội đồng.

Điều 8. Tổ thư ký Hội đồng có nhiệm vụ

1. Ghi biên bản cuộc họp Hội đồng và hoàn chỉnh hồ sơ cuộc họp;

2. Chuẩn bị tài liệu phục vụ cho các phiên họp của Hội đồng;

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng giao.

Chương 3.

PHƯƠNG THỨC VÀ NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC CỦA HỒI ĐỒNG

Điều 9. Hoạt động của thành viên Hội đồng

Các thành viên của Hội đồng hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch Hội đồng về ý kiến của mình.

Điều 10. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng

1. Phiên họp xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống của Hội đồng phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng tham dự, trong đó phải có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng (nếu được ủy quyền). Thành viên vắng mặt phải có ý kiến đóng góp bằng văn bản gửi đến Hội đồng (ý kiến của các thành viên vắng mặt chỉ có giá trị tham khảo).

2. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thảo luận công khai và quyết định theo đa số bằng hình thức biểu quyết. Với kết quả từ 2/3 số thành viên Hội đồng có mặt đồng ý sẽ được đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Kinh phí triển khai thực hiện xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống

1. Kinh phí chi cho công tác triển khai thực hiện xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được lấy từ ngân sách tỉnh và phân bổ vào dự toán chi hàng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

2. Nội dung chi gồm:

- Phần thưởng cho các danh hiệu (nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống) được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận;

- In ấn giấy công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống (bao gồm cả làm khung, kính);

- Chi cho việc chuẩn bị tài liệu, tư liệu, in ấn tài liệu, văn phòng phẩm phục vụ hoạt động của Hội đồng;

- Chỉ đạo, kiểm tra, khảo sát thực tế theo nội dung, kế hoạch hoạt động của Hội đồng;

- Chi cho các phiên họp của Hội đồng;

- Các chi phí khác có liên quan đến hoạt động của Hội đồng.

3. Các nội dung chi, mức chi thực hiện theo các quy định hiện hành của nhà nước.

4. Sở NN&PTNT lập dự toán kinh phí, Sở Tài chính thẩm định trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện.

Điều 12. Thu hồi danh hiệu.

Nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận sau 03 năm không đạt các tiêu chí quy định sẽ bị thu hồi giấy công nhận.

UBND xã (phường, thị trấn) báo cáo UBND cấp huyện danh sách nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống không đảm bảo các tiêu chí quy định. UBND cấp huyện tổng hợp báo cáo Hội đồng tỉnh (gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) để trình UBND tỉnh xem xét thu hồi.

Điều 13. Điều khoản thi hành và bổ sung, sửa đổi Quy chế

1. Các thành viên Hội đồng và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

2. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế do Chủ tịch Hội đồng đề xuất (hoặc ủy quyền cho Sở NN&PTN đề xuất), trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2958/QĐ-UBND năm 2012 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 2958/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/09/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Trịnh Văn Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/09/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 07/10/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản