Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2930/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 15 tháng 8 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN ĐIỀU TRA QUY MÔ ĐÀN VẬT NUÔI TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê ngày 12 tháng 11 năm 2021;

Căn cứ Thông tư số 18/2023/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi.

Căn cứ Quyết định số 4647/QĐ-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2023 của UBND tỉnh Bình Định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024;

Thực hiện Công văn số 5903/UBND-TH ngày 04/8/2024 của UBND tỉnh về chủ trương giao thực hiện điều điều tra, khảo sát, thu thập thông tin thống kê phục vụ chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh;

Xét đề nghị của Cục Thống kê tỉnh tại Văn bản số số 813/TTr-CTK ngày 11/8/2024 và ý kiến tham gia góp ý của các sở, ngành có liên quan.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án Điều tra quy mô đàn vật nuôi tỉnh Bình Định.

Điều 2. Giao Cục Thống kê tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện điều tra theo đúng Phương án Điều tra đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tuấn Thanh

 

PHƯƠNG ÁN

ĐIỀU TRA QUY MÔ ĐÀN VẬT NUÔI TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2930/QĐ-UBND ngày 15/8/2024 của UBND tỉnh Bình Định)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU ĐIỀU TRA

1. Mục đích điều tra

Điều tra quy mô đàn vật nuôi tỉnh Bình Định được thực hiện nhằm mục đích thu thập thông tin về tình hình sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm, yến trên phạm vi tỉnh Bình Định phục vụ tính toán chỉ tiêu thống kê quy mô đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh phân theo cấp huyện, cấp xã, nhằm đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đáp ứng yêu cầu quản lý, lập kế hoạch, quy hoạch, hoạch định các chính sách phát triển sản xuất chăn nuôi của các cấp, các ngành và nhu cầu thông tin của các đối tượng dùng tin khác.

2. Yêu cầu điều tra

- Công tác tổ chức, thu thập thông tin, xử lý số liệu, tổng hợp, công bố và lưu trữ dữ liệu cuộc điều tra phải được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định của Phương án điều tra.

- Đảm bảo thông tin điều tra đầy đủ, kịp thời, chính xác, phù hợp với điều kiện thực tế và có tính khả thi.

- Bảo mật thông tin thu thập từ các đối tượng điều tra theo quy định của Luật Thống kê.

- Quản lý và sử dụng kinh phí cuộc điều tra bảo đảm đúng chế độ hiện hành.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, ĐƠN VỊ ĐIỀU TRA

1. Phạm vi điều tra

Điều tra quy mô đàn vật nuôi được tiến hành điều tra năm 2024, thực hiện tại 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Định thuộc loại hình kinh tế cá thể.

2. Đối tượng điều tra

Đối tượng điều tra là trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, yến.

3. Đơn vị điều tra: Điều tra tất cả các hộ có chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, yến trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Hộ bao gồm một người ăn riêng, ở riêng hoặc một nhóm người ăn chung và ở chung. Đối với hộ có từ 02 người trở lên, các thành viên trong hộ có thể có hay không có quỹ thu chi chung; có hoặc không có mối quan hệ ruột thịt, hôn nhân hay nuôi dưỡng; hoặc kết hợp cả hai.

III. LOẠI ĐIỀU TRA

1. Điều tra toàn bộ

Điều tra toàn bộ các hộ chăn nuôi: trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng và các hộ thu hoạch tổ yến.

Toàn tỉnh điều tra 3.394 địa bàn với 434.379 hộ; trong đó: khu vực thành thị: 1.016 địa bàn - 135.870 hộ; khu vực nông thôn: 2.378 địa bàn - 298.509 hộ.

IV. THỜI ĐIỂM, THỜI GIAN VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA

1. Thời điểm điều tra

Thời điểm điều tra là 0h ngày 01/01 năm điều tra.

2. Thời kỳ thu thập thông tin

 (1) Đối với thông tin về trâu, bò, lợn và gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng)

- Số liệu thời điểm: Tại thời điểm 0h ngày 01/01 năm điều tra.

 (2) Đối với thông tin về yến

- Số liệu thời điểm: Tại thời điểm 0h ngày 01/01 năm điều tra.

- Số liệu thời kỳ: Số phát sinh thực tế trong 12 tháng trước thời điểm điều tra (từ ngày 01/01 đến 31/12 năm trước năm điều tra).

3. Thời gian điều tra

Thời gian thu thập thông tin là 15 ngày, bắt đầu từ thời điểm điều tra.

4. Phương pháp điều tra

Điều tra áp dụng phương pháp điều tra trực tiếp thu thập thông tin: Điều tra viên đến từng hộ điều tra, thực hiện phỏng vấn trực tiếp người nắm được thông tin về chăn nuôi của hộ và điền thông tin vào phiếu điều tra điện tử (CAPI).

V. NỘI DUNG, PHIẾU ĐIỀU TRA

1. Nội dung điều tra

Cuộc điều tra thu thập thông tin sau:

- Số lượng vật nuôi tại thời điểm 01/01 của năm điều tra.

- Kết quả hoạt động thu hoạch tổ yến.

2. Phiếu điều tra

Có 01 loại phiếu điều tra được sử dụng trong cuộc điều tra này, bao gồm: Phiếu số 01/HO-CN: Phiếu thu thập thông tin về hoạt động chăn nuôi của hộ.

VI. PHÂN LOẠI THỐNG KÊ SỬ DỤNG TRONG ĐIỀU TRA

Danh mục và bảng phân loại được áp dụng trong cuộc điều tra này gồm:

(1) Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành theo Quyết định số 27/2018/QĐ- TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

(2) Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam ban hành theo Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 01/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

(3) Danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam ban hành theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ và được cập nhật đến 31/12 năm trước năm điều tra.

VII. QUY TRÌNH XỬ LÝ VÀ BIỂU ĐẦU RA CỦA ĐIỀU TRA

1. Quy trình xử lý thông tin

1.1. Hoàn thành dữ liệu phiếu điều tra

Phiếu điều tra điện tử: Áp dụng mẫu phiếu điều tra số 01/HO-CN “Phiếu thu thập thông tin hộ có chăn nuôi gia súc, gia cầm, yến - Thời điểm 01/01 năm điều tra”.

Trong quá trình điều tra thực địa, thông tin trên phiếu điện tử được điều tra viên hoàn thành và gửi về máy chủ của Cục Thống kê tỉnh Bình Định. Tại đây, dữ liệu điều tra được công chức thống kê cấp tỉnh, cấp huyện kiểm tra, duyệt và nghiệm thu số liệu.

Sau khi điều tra viên/người cung cấp thông tin hoàn thành điền thông tin trên máy tính, thông tin trên phiếu được lưu trữ trên máy chủ của Cục Thống kê tỉnh Bình Định. Dữ liệu điều tra sẽ được công chức thống kê cấp tỉnh, cấp huyện kiểm tra, duyệt, nghiệm thu.

1.2. Tích hợp vào dữ liệu chung

Dữ liệu điều tra phiếu điều tra điện tử được làm sạch, xử lý và tổng hợp kết quả điều tra chung của toàn tỉnh.

2. Tổng hợp kết quả điều tra

Tổng hợp kết quả điều tra toàn bộ

- Tổng hợp số lượng vật nuôi đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo từng loại vật nuôi: trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng.

- Tổng hợp diện tích sàn và sản lượng thu hoạch yến.

3. Biểu đầu ra kết quả điều tra

Kết quả điều tra được tổng hợp thành các biểu số liệu, trình bày kết quả điều tra chăn nuôi theo thời điểm điều tra và các biểu tổng hợp phục vụ báo cáo kết quả hoạt động chăn nuôi trên địa bàn cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, bao gồm:

- Biểu kết quả về số lượng vật nuôi tại thời điểm điều tra.

- Biểu kết quả về hoạt động thu hoạch tổ yến.

VIII. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA

Điều tra quy mô đàn vật nuôi được thực hiện theo kế hoạch sau:

STT

Nội dung thực hiện

Thời gian thực hiện

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

1

Xây dựng Phương án, các tài liệu điều tra

Tháng 04 - 05/2024

CTK

Các đơn vị liên quan

2

Trình Tổng cục Thống kê thẩm định Phương án điều tra

Tháng 06/2024

UBND tỉnh Bình Định

Các đơn vị liên quan

3

Ban hành Quyết định và Phương án điều tra

Tháng 08/2024

UBND tỉnh Bình Định

CTK

4

Rà soát địa bàn điều tra

Trước thời điểm điều tra 15 ngày

CTK

CCTK

5

Cập nhật bảng kê hộ

Trước thời điểm điều tra 15 ngày

CTK

CCTK

6

Xây dựng các chương trình phần mềm điều tra: CAPI; Trang Web điều hành

Trước thời điểm điều tra 10 ngày

CTK

Các đơn vị liên quan

7

In ấn tài liệu phục vụ tập huấn tại địa phương

Tháng 12 năm trước năm báo cáo

CTK

CCTK

8

Tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên và giám sát viên cấp tỉnh và cấp huyện

Tháng 12 năm trước năm báo cáo

CTK

CCTK. GSV, ĐTV

9

Lập dự toán kinh phí điều tra gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt

Tháng 9 của năm trước năm điều tra

CTK

Sở Tài chính Bình Định

10

Thu thập thông tin phiếu điều tra

Từ 01/01 - 15/01 năm điều tra

CCTK

GSV, ĐTV

11

Kiểm tra và duyệt dữ liệu điều tra

20 ngày sau khi kết thúc thu thập thông tin

CTK

CCTK

12

Xử lý số liệu điều tra

20 ngày sau khi kết thúc thu thập thông tin

CTK

CCTK

13

Nghiệm thu phiếu điều tra

21/02 - 29/02 năm điều tra

CTK

CCTK

14

Phúc tra điều tra

01/3 - 10/3 năm điều tra

CTK

CCTK

15

Tổng hợp, phân tích và Công bố kết quả điều tra

Tháng 04 năm báo cáo

CTK

CCTK, Sở NN và PTNT Bình Định

IX. TỔ CHỨC ĐIỀU TRA

1. Công tác chuẩn bị

1.1. Cập nhật danh sách đơn vị điều tra

* Lập danh sách đơn vị điều tra: Cục Thống kê tỉnh Bình Định chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, cập nhật đơn vị điều tra phục vụ công tác thu thập thông tin.

Danh sách đơn vị điều tra được lập dựa vào các nguồn sau:

- Danh sách địa bàn điều tra từ kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

- Danh sách các hộ chăn nuôi từ kết quả Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn giữa kỳ năm 2020.

* Rà soát danh sách hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, yến: Cục Thống kê tiến hành rà soát hộ chăn nuôi trong năm điều tra trên địa bàn tỉnh Bình Định.

1.2. Tuyển chọn giám sát viên (GSV) và điều tra viên thống kê (ĐTV)

Để bảo đảm yêu cầu chất lượng thông tin và ổn định lực lượng thu thập thông tin, yêu cầu ĐTV là những người có kinh nghiệm điều tra thống kê, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình và có sức khỏe, nắm đầy đủ và chính xác thông tin hộ có chăn nuôi gia súc, gia cầm và yến trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

GSV là lực lượng thực hiện công việc giám sát các hoạt động của mạng lưới ĐTV và hỗ trợ chuyên môn cho GSV cấp dưới và các ĐTV trong quá trình điều tra thực địa. Có 2 cấp GSV: cấp tỉnh và cấp huyện. Cục Thống kê tuyển chọn GSV cấp tỉnh; CCTK cấp huyện chủ động tuyển chọn và phân công GSV cấp huyện tại địa phương đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát.

1.3. Tạo tài khoản cho giám sát viên và điều tra viên

Chi cục Thống kê cấp huyện dùng tài khoản quản trị do cấp tỉnh cung cấp để tiến hành tạo tài khoản giám sát viên và điều tra viên cấp huyện.

1.4. Trách nhiệm của Giám sát viên (GSV) và Điều tra viên thống kê (ĐTV)

- Điều tra viên có trách nhiệm hoàn thiện phiếu điều tra của các hộ được phân công thực hiện. Điều tra viên đến từng hộ có trong danh sách thực hiện phỏng vấn trực tiếp người nắm được thông tin về chăn nuôi của hộ và điền vào phiếu điều tra.

- Giám sát viên có 2 cấp: GSV cấp tỉnh và cấp huyện.

Giám sát viên có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc tiến độ điều tra của điều tra viên, kiểm tra đầy đủ thông tin phiếu điều tra.

1.5. Tập huấn nghiệp vụ

Cục Thống kê tổ chức 01 hội nghị tập huấn cấp tỉnh về nghiệp vụ và công nghệ thông tin. Hội nghị tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn ghi phiếu thời gian: 01 ngày cho lực lượng tham gia điều tra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, gồm: Lãnh đạo Cục, giám sát viên cấp tỉnh, lãnh đạo Chi cục, giám sát viên cấp huyện và điều tra viên.

Nội dung tập huấn: Quán triệt kế hoạch thực hiện tại tỉnh, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phỏng vấn, cách cài đặt trang thông tin và các phiếu điện tử vào thiết bị thông minh, cách điền thông tin vào các phiếu điện tử, cách đồng bộ dữ liệu, kiểm tra, nghiệm thu dữ liệu trực tuyến và các chức năng khác liên quan.

1.6. Tài liệu điều tra

Cục Thống kê sẽ chuyển tài liệu cho các Chi cục Thống kê Khu vực/huyện/thị xã/thành phố đúng thời gian quy định, để Chi cục in ấn tài liệu phục vụ Hội nghị tập huấn.

1.7. Chương trình phần mềm

Chương trình phần mềm sử dụng trong điều tra bao gồm: chương trình điều tra trên CAPI, các chương trình quản lý giám sát, kiểm tra logic, báo cáo tiến độ, kiểm tra và duyệt phiếu điện tử, chương trình tổng hợp kết quả điều tra.

2. Công tác kiểm tra, giám sát

Nhằm bảo đảm chất lượng của cuộc điều tra, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện ở tất cả các khâu của cuộc điều tra quy mô đàn vật nuôi tỉnh Bình Định.

Nội dung kiểm tra, giám sát: Kiểm tra, giám sát việc tổ chức và thực hiện các quy trình điều tra, thực hiện quy định đến phỏng vấn đúng hộ đã phân công, cách phỏng vấn và điền phiếu, chất lượng phiếu điều tra, việc chấp hành các quy định điều tra bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp.

Giám sát viên cấp huyện kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện điều tra của các điều tra viên theo đúng kế hoạch, kiểm tra thông tin phiếu điều tra đã hoàn thành, hỗ trợ ĐTV chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng liên quan đến các phiếu điều tra. Giám sát viên cấp Huyện phải làm báo cáo tiến độ hàng tuần từng xã, phường, thị trấn và gửi về Cục Thống kê tỉnh Bình Định (qua Phòng Thu thập thông tin Thống kê).

Giám sát viên cấp tỉnh kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện điều tra của các Chi cục Thống kê theo đúng kế hoạch, kiểm tra thông tin của các đơn vị điều tra đã được giám sát viên cấp huyện xác nhận nghiệm thu, hỗ trợ ĐTV và giám sát viên cấp huyện về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng liên quan đến các phiếu điều tra và thực hiện báo cáo tiến độ hàng tuần từng địa bàn, từng xã, huyện, thị xã, thành phố.

Hình thức kiểm tra, giám sát: Kiểm tra, giám sát trực tiếp kết hợp trực tuyến công tác thu thập thông tin tại địa bàn điều tra.

Để đảm bảo chất lượng thu thập thông tin, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng phiếu điều tra được thực hiện ngay trong quá trình thu thập thông tin, Giám sát viên huyện thường xuyên kiểm tra dữ liệu sau khi điều tra viên hoàn thành phiếu điều tra.

4. Công tác phúc tra

Cục Thống kê Bình Định chọn ngẫu nhiên 3% số hộ đã phỏng vấn để phúc tra nhằm đánh giá chất lượng cuộc điều tra. Để bảo đảm chất lượng của phúc tra, Cục Thống kê cần lựa chọn người có kinh nghiệm, nắm vững nghiệp vụ, sử dụng thành thạo các phiếu điều tra, có trách nhiệm cao, trực tiếp tới hộ được chọn để phúc tra. Có thể sử dụng ĐTV đã thu thập thông tin tại địa bàn được chọn làm phúc tra viên nhưng không phân công người này phúc tra những hộ do chính họ đã điều tra để bảo đảm tính khách quan. Trong quá trình thực hiện, phúc tra viên tuyệt đối không để lộ thông tin của hộ khảo sát, ngay cả đối với chính quyền địa phương.

Thời gian thực hiện: Từ ngày 01/3 - 10/3 năm điều tra.

5. Công tác thanh tra

Cục Thống kê chủ trì và giao cho bộ phận Thanh tra Cục Thống kê phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiên quyết xử lý theo Luật Thống kê đối với những đơn vị, cá nhân cố tình không chấp hành quy định Phương án điều tra, không cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác, gây ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả điều tra.

Thời gian thực hiện: Từ ngày 15/3 - 30/3 năm điều tra.

6. Nghiệm thu và bàn giao tài liệu

Cục Thống kê chủ trì việc nghiệm thu dữ liệu điều tra trên phạm vi tỉnh.

- Chi cục Thống kê tổ chức nghiệm thu phiếu điều tra đối với cấp xã: Từ ngày 15/02 - 20/02 năm điều tra.

- Cục Thống kê tổ chức nghiệm thu phiếu điều tra đối với Chi cục Thống kê trực tiếp từng CCTK: Từ ngày 21/02 - 29/02 năm điều tra.

Quy trình nghiệm thu như sau:

(1) Giám sát viên cấp huyện nghiệm thu và xác nhận từng phiếu điều tra điện tử đã hoàn thành của các ĐTV; kiểm tra và nghiệm thu dữ liệu khảo sát của tất cả các địa bàn điều tra.

(2) Giám sát viên cấp Tỉnh kiểm tra và nghiệm thu dữ liệu điều tra cấp huyện.

7. Xử lý thông tin và công bố kết quả điều tra

7.1. Xử lý thông tin

Cục Thống kê chủ trì phối hợp với Chi cục Thống kê thực hiện kiểm tra, làm sạch và hoàn thiện cơ sở dữ liệu điều tra; phối hợp với Cục TTDL - TCTK thực hiện tổng hợp kết quả đầu ra theo yêu cầu; tổng hợp và phân tích kết quả điều tra.

7.2. Công bố kết quả điều tra

Kết quả điều tra quy mô đàn vật nuôi được công bố vào tháng 4 năm điều tra.

8. Chỉ đạo thực hiện

8.1. Ủy ban nhân dân tỉnh: Chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện phối hợp Cục Thống kê thực hiện điều tra; công bố kết quả cuộc điều tra của tỉnh.

8.2. Cục Thống kê: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai điều tra quy mô đàn vật nuôi gồm: Xây dựng Phương án điều tra; thiết lập chương trình phần mềm điều tra CAPI (bao gồm việc yêu cầu xây dựng chương trình và kiểm thử phần mềm); biên soạn các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra và hướng dẫn sử dụng phần mềm; tổ chức tập huấn; kiểm tra, giám sát, phúc tra; nghiệm thu dữ liệu điều tra; thiết kế mẫu biểu sử dụng chung và tổng hợp kết quả điều tra.

Sau khi hoàn thành tổng hợp và công bố kết quả quy mô đàn vật nuôi toàn tỉnh, Cục Thống kê có trách nhiệm chuyển toàn bộ cơ sở dữ liệu điều tra cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

8.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với Cục Thống kê Bình Định tổ chức triển khai điều tra quy mô đàn vật nuôi; kiểm tra, giám sát, phúc tra, nghiệm thu dữ liệu điều tra. Trên cơ sở dữ liệu về đàn vật nuôi đã được tổng hợp và công bố kết quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu, tổ chức thực hiện việc cập nhật dữ liệu các cơ sở chăn nuôi, trong đó có quy mô chăn nuôi, kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Thông tư số 18/2023/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2019/TT- BNNPTNT ngày 30 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi.

8.4. Sở Tài chính: Tổng hợp, tham mưu cơ quan có thẩm quyền bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương thực hiện theo Phương án của cuộc điều tra.

8.5. Ủy ban nhân dân cấp huyện: Chịu trách nhiệm triển khai thực hiện điều tra, thực hiện công tác tuyên truyền đối với cuộc điều tra trên phạm vi cấp huyện.

8.6. Chi cục Thống kê cấp huyện: Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn/Phòng Kinh tế/Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện tổ chức, chỉ đạo toàn diện cuộc điều tra quy mô đàn vật nuôi trên địa bàn huyện từ khâu rà soát cập nhật đơn vị điều tra; tuyển chọn và tập huấn cho ĐTV, GSV; thu thập thông tin; giám sát, kiểm tra; phúc tra; nghiệm thu phiếu điều tra.

X. KINH PHÍ VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN VẬT CHẤT CHO ĐIỀU TRA

Kinh phí Điều tra quy mô đàn vật nuôi do Ngân sách Nhà nước địa phương bảo đảm trong phạm vi dự toán nguồn kinh phí được cấp có thẩm quyền giao. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được thực hiện theo quy định Luật Ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan khác (nếu có).

Cục Thống kê có trách nhiệm căn cứ các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính hiện hành, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, tổ chức thực hiện chi trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, không trùng lắp với nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương và thanh quyết toán kinh phí ngân sách địa phương hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật.

Trong phạm vi dự toán được giao, Thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt cuộc Điều tra quy mô đàn vật nuôi theo đúng nội dung của Phương án điều tra, văn bản hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và các chế độ tài chính hiện hành./.

 

PHỤ LỤC:

GIẢI THÍCH NỘI DUNG VÀ HƯỚNG DẪN GHI PHIẾU PHIẾU SỐ 01/HO-CN: PHIẾU THU THẬP THÔNG TIN HỘ CÓ CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM, YẾN - THỜI ĐIỂM 01/01 NĂM ĐIỀU TRA

Điều tra hộ có chăn nuôi gia súc, gia cầm, yến dựa trên bảng kê hộ theo Danh sách địa bàn điều tra kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và danh sách các hộ chăn nuôi từ kết quả Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn giữa kỳ năm 2020, để điều tra viên tiến hành thu thập thông tin số lượng từng vật nuôi gia súc, gia cầm, yến.

1. Thông tin định danh

Các thông tin định danh huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh; xã/phường/thị trấn; địa chỉ thôn/khu phố, địa bàn điều tra được hiển thị tự động. Điều tra viên kiểm tra các thông tin trên phiếu, trường hợp bị sai, sửa lại thông tin cho đúng.

2. Thông tin của hộ

Cột A, B, C, D, Cột 23: Điều tra viên căn cứ vào danh sách hộ có sẵn trong phiếu điều tra để thực hiện thu thập thông tin lần lượt của từng hộ.

Nếu thông tin của chủ hộ bị sai hoặc đổi chủ hộ khác thì điều tra viên sửa lại cho đúng thực tế.

Trường hợp hộ còn ở địa bàn thì hỏi có chăn nuôi hay không. Nếu “Có”, đánh số 1 và hỏi thông tin từ Cột 1 đến Cột 16; nếu “Không”, đánh số 2 và chuyển đến hộ tiếp theo.

Trường hợp hộ đã chuyển đi thì ghi vào cột “Ghi chú” (cột 23) thông tin “Chuyển khỏi địa bàn” và điều tra hộ tiếp theo.

Trường hợp hộ phát sinh ngoài danh sách thì điều tra viên tiến hành bổ sung hộ vào cuối danh sách và tiến hành điều tra như các bước ở trên.

Cột 1: Ghi toàn bộ số lượng trâu của hộ có tại thời điểm 0h ngày 01/01 năm điều tra.

Cột 2: Ghi toàn bộ số lượng bò của hộ có tại thời điểm 0h ngày 01/01 năm điều tra.

Cột 3: Ghi số lượng bò cái sữa của hộ có tại thời điểm 0h ngày 01/01 năm điều tra.

Bò cái sữa là bò sữa đã sinh sản được 01 lứa trở lên, cho thu hoạch sữa tươi.

Cột 4: Ghi toàn bộ số lượng lợn của hộ có tại thời điểm 0h ngày 01/01 năm điều tra.

Cột 5, 6, 7, 8, 9: Ghi toàn bộ số lượng lợn thịt, lợn nái, lợn nái đẻ, lợn đực giống, lợn con chưa tách mẹ của hộ có tại thời điểm 0h ngày 01/01 năm điều tra.

Lợn thịt: Là số lợn nuôi với mục đích giết thịt (gồm tiêu dùng và bán), không bao gồm lợn con đang nuôi cùng lợn nái mẹ.

Lợn nái: Là số lợn cái được chọn lọc để nuôi với mục đích sinh sản và những con nái đã đẻ từ một lứa trở lên.

Lợn nái đẻ: Là số con lợn nái đã đẻ từ một lứa trở lên.

Lợn đực giống: Là số lợn đực được chọn lọc để nuôi với mục đích phối giống và những con đực đã sử dụng để phối giống hoặc khai thác tinh.

Lợn con chưa tách mẹ: Là số lợn con vẫn còn đang bú mẹ, chưa được tách ra để nuôi riêng.

Cột 10: Ghi số lượng gà của hộ (không bao gồm gà con dưới 7 ngày tuổi) có tại thời điểm 0h ngày 01/01 năm điều tra.

Cột 11: Ghi số lượng gà thịt có tại thời điểm 0h ngày 01/01 năm điều tra.

Cột 12: Ghi số lượng gà công nghiệp chuyên lấy thịt trong số gà thịt có tại thời điểm 0h ngày 01/01 năm điều tra.

Gà công nghiệp: Quy ước chỉ tính là gà công nghiệp nếu thỏa mãn đồng thời hai điều kiện sau:

- Điều kiện 1: Gà có nguồn gốc từ các giống nhập ngoại được nuôi với mục đích để chuyên lấy thịt (gà chuyên thịt) hoặc chuyên lấy trứng (gà chuyên trứng).

- Điều kiện 2: Gà được nuôi theo một quy trình khép kín và sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp.

Cột 13: Ghi số lượng gà đẻ trứng của hộ có tại thời điểm 0h ngày 01/01 năm điều tra.

Gà đẻ trứng: Là số gà mái nuôi đã đẻ trứng.

Cột 14: Ghi số lượng gà công nghiệp đẻ trứng trong số gà đẻ trứng có tại thời điểm 0h ngày 01/01 năm điều tra.

Gà công nghiệp đẻ trứng: Là số gà mái đã đẻ trứng có nguồn gốc từ các giống nhập ngoại được nuôi để chuyên lấy trứng nên có năng suất trứng cao (gà chuyên trứng) và được nuôi theo một quy trình khép kín, sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp.

Cột 15: Ghi số lượng vịt của hộ (không bao gồm vịt con dưới 7 ngày tuổi) có tại thời điểm 0h ngày 01/01 năm điều tra.

Cột 16: Ghi số lượng vịt đẻ trứng của hộ có tại thời điểm 0h ngày 01/01 năm điều tra.

Vịt đẻ trứng: Là số vịt mái nuôi đã đẻ trứng.

Cột 17: Ghi số lượng ngan (vịt xiêm) của hộ (không bao gồm ngan con dưới 7 ngày tuổi) có tại thời điểm 0h ngày 01/01 năm điều tra.

Cột 18: Ghi số lượng ngan đẻ trứng của hộ có tại thời điểm 0h ngày 01/01 năm điều tra.

Ngan đẻ trứng: Là số ngan mái nuôi đã đẻ trứng.

Cột 19: Ghi số lượng ngỗng của hộ có tại thời điểm 0h ngày 01/01 năm điều tra.

Cột 20: Ghi số lượng ngỗng đẻ trứng của hộ có tại thời điểm 0h ngày 01/01 năm điều tra.

Ngỗng đẻ trứng: Là số ngỗng mái nuôi đã đẻ trứng.

Cột 21: Diện tích sàn xây dựng cho thu hoạch tổ yến (m2): Là tổng số diện tích sàn hộ đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác với mục đích thu hút chim yến về ở làm tổ và thực tế đã có sản phẩm thu hoạch tổ yến.

Cột 22: Sản lượng tổ yến cơ sở thu hoạch trong 12 tháng qua (kg): Là tổng sản lượng thực tế hộ đã thu hoạch trong 12 tháng qua, tính từ 01/01 đến 31/12 năm trước năm điều tra./.