Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2007/QĐ-UBND | Đà Nẵng, ngày 05 tháng 6 năm 2007 |
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 126/2004//NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà;
Căn cứ Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về Quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 441/TTr-SXD ngày 25 tháng 4 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng trong quá trình thi công xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2. Giám đốc Sở Xây dựng chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định do UBND thành phố ban hành trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Công nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Thương mại, Nội vụ, Tài chính, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, chủ tịch UBND các quận, huyện, xã, phường, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị các quận, huyện; Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đà Nẵng; Công ty Cấp nước Đà Nẵng; các chủ đầu tư và các Ban quản lý các dự án đô thị, các cơ quan đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ TRÁCH NHIỆM VÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG TRONG VIỆC XỬ LÝ VI PHẠM TRẬT TỰ XÂY DỰNG TRONG QUÁ TRÌNH THI CÔNG XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2007/QĐ-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2007 của UBND thành phố Đà Nẵng)
Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
1. Phạm vi áp dụng: Văn bản này quy định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng trong quá trình thi công xây dựng các công trình (sau đây gọi tắt là vi phạm về trật tự xây dựng) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
2. Đối tượng điều chỉnh:
a) Các Sở: Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Công nghiệp, Nội vụ, Thương mại, Kế hoạch đầu tư, Tài chính, Công an thành phố; Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đà Nẵng, công ty Cấp nước Đà Nẵng và các Sở, ngành có liên quan đến công tác quản lý, cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố;
b) UBND, Chủ tịch UBND các quận, huyện, xã, phường của thành phố Đà Nẵng;
c) Chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án khu đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
d) Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
1. Mọi vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện kịp thời và phải đình chỉ ngay để xử lý. Việc xử lý phải được tiến hành nhanh chóng, kịp thời nhằm hạn chế tối đa việc đập phá, tháo dỡ công trình sai phạm; đảm bảo nghiêm minh, triệt để theo đúng quy định của pháp luật.
2. Người có thẩm quyền xử lý mà dung túng, bao che không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng với hành vi sai phạm, không đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền thì tuỳ theo tính chất, mức độ sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành.
3. Các cơ quan, đơn vị có liên quan khi nhận được văn bản yêu cầu phối hợp của cơ quan xử lý trật tự xây dựng thì trong phạm vi thẩm quyền được giao có trách nhiệm phối hợp kịp thời theo quy định của văn bản này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
TRÁCH NHIỆM, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ QUY CHẾ PHỐI HỢP XỬ LÝ VI PHẠM TRẬT TỰ XÂY DỰNG
Điều 3. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, phường
1. Chủ tịch UBND xã, phường có nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức kiểm tra hoặc thành lập Tổ kiểm tra quy tắc đô thị xã, phường, kiểm tra hoạt động xây dựng của tất cả các công trình đang thi công xây dựng trên địa bàn kể cả kiểm tra việc chấp hành các quy định về xây dựng của công trình, nhà ở riêng lẻ nằm trong khu quy hoạch được miễn cấp phép xây dựng.
2. Chịu trách nhiệm chính trước Chủ tịch UBND quận, huyện trong việc phát hiện và đình chỉ ngay các hành vi vi phạm trật tự xây dựng trong thời hạn 24 giờ kể từ lúc phát sinh hành vi vi phạm.
3. Có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự xây dựng hoặc phối hợp với Đội Kiểm tra quy tắc quận, huyện, Thanh tra Sở Xây dựng lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự xây dựng và đình chỉ ngay hành vi vi phạm đối với toàn bộ công trình vi phạm thuộc địa bàn quản lý.
4. Chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện đình chỉ xây dựng theo nội dung biên bản đã lập.
Trường hợp chủ đầu tư, đơn vị thi công không chấp hành việc đình chỉ, phải áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tịch thu vật tư, dụng cụ, thiết bị hành nghề của chủ nhà, nhà thầu, người trực tiếp xây dựng và lập thủ tục cưỡng chế tháo dỡ ngay phần công trình tiếp tục vi phạm theo quy định pháp luật.
Chủ tịch UBND xã, phường chịu trách nhiệm cá nhân về việc không áp dụng kịp thời các biện pháp ngăn chặn để công trình vi phạm được tiếp tục xây dựng, gây lãng phí, tốn kém trong công tác cưỡng chế tháo dỡ sau này.
5. Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng thẩm quyền đã được quy định tại Điều 43 Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về Xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà (sau đây gọi tắt Nghị định số 126/2004/NĐ-CP).
Thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không quá 05 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đối với công trình vi phạm không lấy ý kiến cơ quan cấp phép xây dựng; không quá 10 ngày đối với các công trình vi phạm còn lại.
Đối với hành vi vi phạm mà vượt quá thẩm quyền quy định thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ lúc lập biên bản vi phạm, phải báo cáo và phối hợp với Đội Kiểm tra quy tắc quận, huyện, Thanh tra Sở Xây dựng xử lý theo quy định.
6. Trong quá trình xử lý vi phạm, Chủ tịch UBND xã, phường có thể lấy ý kiến của cơ quan cấp phép xây dựng được quy định tại Điều 31 Quyết định số 19/2006/QĐ-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2006 của UBND thành phố Đà Nẵng (sau đây gọi tắt Quyết định 19/2006/QĐ-UBND) đảm bảo việc áp dụng khung tiền phạt theo đúng quy định của Nghị định số 126/2004/NĐ-CP.
7. Xem xét, ban hành quyết định đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng của mình không đúng theo quy định tại Nghị định số 126/2004/NĐ-CP khi có yêu cầu.
8. Chủ tịch UBND xã, phường chịu trách nhiệm cá nhân về việc ban hành quyết định xử phạt không đúng thẩm quyền, không đúng với hành vi vi phạm theo quy định của Nghị định số 126/2004/NĐ-CP.
9.Thời hạn để người vi phạm chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt. Quá thời hạn trên phải ra quyết định cưỡng chế hành chính thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
10. Kiến nghị với cơ quan cấp phép xây dựng được quy định tại Điều 31 Quyết định số 19/2006/QĐ-UBND hoặc Chủ tịch UBND quận, huyện đối với công trình vi phạm là nhà ở riêng lẻ trong khu quy hoạch được miễn cấp phép xây dựng có văn bản thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền không cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp điện, nước, các hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác theo quy định tại khoản 5, điều 67 Luật Xây dựng đối với công trình vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý
11. Tổ chức thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính của mình.
Trường hợp không đủ điều kiện về lực lượng, phương tiện để tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thì phải có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND quận, huyện ra quyết định cưỡng chế theo quy định tại khoản 2 điều 5 Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về Quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
12. Thông báo số điện thoại Văn phòng cơ quan và khuyến khích nhân dân phát hiện, thông báo kịp thời các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; đưa việc phát hiện, thông báo kịp thời các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng làm tiêu chí để xét bình chọn các danh hiệu thi đua ở khu vực và tổ dân phố.
13. Tổ chức hoà giải; giải quyết theo thẩm quyền hoặc phối hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo các vụ việc phát sinh trong quá trình thi công các công trình thuộc địa bàn quản lý.
14. Quản lý đảm bảo trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình theo quy định UBND thành phố.
15. Tổng hợp tình hình xử lý trật tự xây dựng trên địa bàn, báo cáo về Đội Kiểm tra quy tắc quận, huyện theo định kỳ tháng, quí, năm và đột xuất khi có yêu cầu. Biểu mẫu báo cáo theo hướng dẫn tại Thông tư 01/2005/TT-BXD ngày 21 tháng 01 năm 2005 của Bộ Xây dựng.
16. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND quận, huyện giao.
Điều 4. Trách nhiệm của Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận, huyện
1. Cử cán bộ phụ trách theo dõi địa bàn nhằm phối hợp kịp thời với UBND xã, phường kiểm tra, phát hiện, lập biên bản đình chỉ ngay hành vi vi phạm trật tự xây dựng trong thời hạn 24 giờ kể từ lúc phát sinh hành vi vi phạm.
2. Chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện đình chỉ xây dựng theo nội dung biên bản đã lập đối với công trình vi phạm thuộc địa bàn.
Trường hợp chủ đầu tư, đơn vị thi công không chấp hành việc đình chỉ, phải tham mưu cho Chủ tịch UBND quận, huyện áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tịch thu vật tư, dụng cụ, thiết bị hành nghề của chủ nhà, nhà thầu, người trực tiếp xây dựng; đồng thời ban hành quyết định xử phạt hành chính, cưỡng chế tháo dỡ ngay phần công trình tiếp tục vi phạm.
Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận, huyện chịu trách nhiệm cá nhân về việc không tham mưu kịp thời các biện pháp ngăn chặn để công trình vi phạm được tiếp tục xây dựng, gây lãng phí, tốn kém trong công tác cưỡng chế tháo dỡ sau này.
3. Kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng thuộc địa bàn quản lý theo đề nghị của Đội Thanh tra cơ động trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng; thông báo quá trình xử lý cho Đội Thanh tra cơ động trong thời hạn 5 ngày đối với công trình không lấy ý kiến của cơ quan cấp phép, 10 ngày đối với công trình còn lại tính từ ngày nhận được văn bản đề nghị.
4. Kiểm tra, đôn đốc Chủ tịch UBND xã, phường xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND xã, phường. Quá thời hạn quy định tại điều 3 Quy định này mà Chủ tịch UBND xã, phường không ban hành quyết định xử phạt hoặc không tổ chức các biện pháp thi hành quyết định xử phạt thì trực tiếp xử lý đồng thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND quận, huyện xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, phường.
5. Tham mưu cho Chủ tịch UBND quận, huyện chỉ đạo Chủ tịch UBND xã, phường xem xét, đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng của Chủ tịch UBND xã, phường không đúng theo quy định tại Nghị định số 126/2004/NĐ-CP. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản chỉ đạo mà Chủ tịch UBND xã, phường không thực hiện, phải báo cáo Chủ tịch UBND quận, huyện xem xét, chỉ đạo xử lý theo quy định .
6. Lập hồ sơ vi phạm, đề xuất khung tiền phạt và trình Chủ tịch UBND quận, huyện xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã, phường.
7. Trong quá trình tham mưu xử lý vi phạm, có thể lấy ý kiến của cơ quan cấp phép xây dựng được quy định tại Điều 31 Quyết định số 19/2006/QĐ-UBND đảm bảo việc áp dụng khung tiền phạt theo đúng quy định của Nghị định số 126/2004/NĐ-CP.
8. Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận, huyện chịu trách nhiệm cá nhân về việc tham mưu cho Chủ tịch UBND quận, huyện ban hành quyết định xử phạt không đúng thẩm quyền, không đúng với hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 126/2004/NĐ-CP.
9. Trình Chủ tịch UBND quận, huyện ký ban hành quyết định xử phạt hành chính trong thời hạn không quá 05 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm đối với công trình vi phạm không lấy ý kiến cơ quan cấp phép xây dựng, không quá 10 ngày đối với các công trình vi phạm còn lại.
10. Kiểm tra, theo dõi việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND quận, huyện đối với người vi phạm. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND quận, huyện thì lập thủ tục trình Chủ tịch UBND quận, huyện ban hành quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
11. Tham mưu cho Chủ tịch UBND quận huyện có văn bản thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền không cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp điện, nước, các hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác theo quy định tại khoản 5, điều 67 Luật Xây dựng đối với toàn bộ công trình vi phạm trên địa bàn, trừ công trình của tổ chức, công trình đã được Sở Xây dựng cấp phép
12. Tổ chức thực hiện việc cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng và các công trình giải toả, giải phóng mặt bằng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận, huyện.
13. Thông báo số điện thoại Văn phòng Đội Kiểm tra quy tắc quận, huyện và khuyến khích nhân dân phát hiện, thông báo các trường hợp xây dựng trái phép.
14. Tổ chức tiếp dân và tham mưu cho Chủ tịch UBND quận, huyện giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc xây dựng công trình trên địa bàn quận, huyện trừ công trình của tổ chức, công trình đã được Sở Xây dựng cấp phép
15. Tham mưu cho chủ tịch UBND quận, huyện tổng hợp tình hình xử lý trật tự xây dựng trên địa bàn, báo cáo về Thanh tra Sở Xây dựng theo định kỳ tháng, quí, năm và đột xuất khi có yêu cầu. Biểu mẫu báo cáo theo hướng dẫn tại Thông tư 01/2005/TT-BXD ngày 21 tháng 01 năm 2005 của Bộ Xây dựng.
16. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND quận, huyện giao.
Điều 5. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, huyện
1. Chỉ đạo, điều hành, đôn đốc Chủ tịch UBND xã, phường, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận, huyện, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo điều 3 và điều 4 Quy định này.
2. Thực hiện theo đúng thẩm quyền xử phạt hành chính đã được quy định tại Điều 44 Nghị định số 126/2004/NĐ-CP.
3. Xem xét, ban hành quyết định đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng của mình không đúng theo quy định tại Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ; của Chủ tịch UBND xã, phường trong trường hợp Chủ tịch UBND xã, phường không thực hiện theo yêu cầu quy định tại khoản 5 điều 4 của quy định này, đồng thời xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, phường theo quy định của pháp luật.
4. Thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền không hoặc tạm ngừng cung cấp điện, nước, các hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác theo quy định tại khoản 5, điều 67 Luật Xây dựng đối với toàn bộ công trình vi phạm trừ công trình của tổ chức, công trình đã được Sở Xây dựng cấp phép
5. Ban hành và tổ chức thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính của mình và của cấp dưới khi có yêu cầu theo quy định pháp luật.
6. Trước khi cấp Giấy chứng nhận liên quan đến Quyền sở hữu nhà ở, đối với nhà ở có sửa chữa cải tạo theo quy định phải cấp phép xây dựng hoặc xây dựng mới thì phải có hồ sơ hoàn công công trình được cơ quan cấp phép xây dựng theo quy định tại điều 31 Quyết định số 19/2006/QĐ-UB ký xác nhận. Đối với công trình nhà ở riêng lẻ trong khu quy hoạch thuộc diện miễn cấp phép thì Chủ tịch UBND quận, huyện ký xác nhận hoàn công trên cơ sở quy định về quản lý xây dựng đã được ban hành.
7. Không cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã cấp đối với cá nhân là chủ đầu tư hoạt động sản suất kinh doanh tại vị trí công trình vi phạm; Yêu cầu cá nhân phải chuyển đến địa điểm khác phù hợp quy định pháp luật nếu thuê địa điểm sản xuất kinh doanh tại vị trí công trình vi phạm khi có văn bản yêu cầu của cơ quan cấp phép xây dựng theo quy định tại khoản 5 điều 67 Luật Xây dựng.
8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ thuộc diện do UBND quận, huyện cấp phép, công trình xây dựng không phép, công trình nhà ở riêng lẻ trong khu quy hoạch thuộc diện miễn cấp phép xây dựng.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND thành phố giao.
Điều 6. Trách nhiệm của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng
1. Chỉ đạo, điều hành Đội Thanh tra cơ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Quyết định số 3083/QĐ-UB ngày 17 tháng 5 năm 2006 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc thành lập Đội Thanh tra cơ động trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng.
2. Hướng dẫn về mặt chuyên môn; tổ chức kiểm tra, đề nghị và giám sát Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận, huyện, Chủ tịch UBND xã, phường xử lý theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng thuộc địa bàn quản lý.
3. Chủ trì, phối hợp với Đội Kiểm tra quy tắc quận, huyện, UBND xã, phường xử lý công trình xây dựng không đúng với giấy phép do Sở Xây dựng cấp.
4. Xử phạt hành chính theo thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 46 Nghị định số 126/2004/NĐ-CP .
5. Quá thời hạn quy định mà người vi phạm không chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra Sở, Chánh Thanh tra Sở phải ra quyết định cưỡng chế hành chính thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đồng thời tham mưu cho Giám đốc Sở có văn bản thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền không cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp điện, nước, các hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác.
6. Chủ trì, phối hợp với lực lượng cảnh sát nhân dân, y tế, chính quyền địa phương… tổ chức thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính của mình.
Đối với công trình vi phạm có mức độ phức tạp, nhạy cảm, công trình của tổ chức tôn giáo…Chánh Thanh tra Sở lập hồ sơ trình Chủ tịch UBND thành phố xử phạt hành chính, ban hành và tổ chức cưỡng chế theo quy định.
7. Tham mưu cho Giám đốc Sở Xây dựng đề nghị Chủ tịch UBND quận, huyện xem xét, đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng của Chủ tịch UBND quận, huyện không đúng theo quy định tại Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ; trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị mà Chủ tịch UBND quận, huyện không có văn bản xử lý, phải báo cáo Giám đốc Sở kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố xem xét, chỉ đạo xử lý theo quy định.
8. Chỉ đạo, điều hành Thanh tra Sở Xây dựng thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành theo điều 16, điều 17 Nghị định số 46/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động Thanh tra Xây dựng.
9. Tổ chức tiếp dân và tham mưu cho Giám đốc Sở giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc xây dựng công trình của tổ chức, công trình đã được Sở Xây dựng cấp phép .
10. Tổng hợp tình hình xử lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, báo cáo về Thanh tra thành phố, Thanh tra Bộ Xây dựng theo định kỳ tháng, quí, năm và đột xuất khi có yêu cầu.
11. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Xây dựng giao.
Điều 7. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Xây dựng
Tham mưu giúp Chủ tịch UBND thành phố điều hành chung công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố; chịu trách nhiệm về tình hình xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với công trình của tổ chức, công trình đã được Sở Xây dựng cấp phép; bao gồm:
1. Chủ trì, tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng.
2. Chỉ đạo Chánh Thanh tra Sở xây dựng thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại điều 6 của quy định này và theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
3. Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc Chủ tịch UBND các quận, huyện thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực xây dựng theo thẩm quyền.
4. Thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền không cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp điện, nước, các hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác theo quy định tại khoản 5, điều 67 Luật Xây dựng đối với công trình vi phạm đã được Sở Xây dựng cấp phép, công trình do tổ chức làm chủ đầu tư.
5. Báo cáo Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Chủ tịch UBND quận, huyện xem xét, đình chỉ việc thi hành hoặc huỷ bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng của Chủ tịch UBND quận, huyện không đúng với hình thức xử phạt theo quy định tại Nghị định số 126/2004/NĐ-CP trong trường hợp Chủ tịch UBND quận, huyện không thực hiện theo đề nghị tại Khoản 7 Điều 6 của Quy định này.
6. Tổ chức tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc xây dựng công trình đã được Sở cấp phép, công trình của tổ chức làm chủ đầu tư.
7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND thành phố giao.
Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan cấp phép xây dựng
Khi nhận được văn bản yêu cầu phối hợp của cơ quan xử lý trật tự xây dựng, cơ quan cấp phép xây dựng phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 5 ngày kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu. Quá thời hạn trên mà không có văn bản trả lời, cơ quan xử lý trật tự xây dựng sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Mọi thiệt hại xảy ra do việc không trả lời hoặc trả lời chậm trể, cơ quan cấp phép xây dựng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan
1. Chủ đầu tư, Ban quản lý các dự án khu đô thị:
a) Bàn giao mốc xây dựng, hướng dẫn cho các chủ xây dựng nắm rõ các quy định về quản lý xây dựng trong khu vực dự án nhất là công trình thuộc diện miễn cấp phép xây dựng.
b) Có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và báo cáo kịp thời với UBND xã, phường, Đội Kiểm tra quy tắc quận, huyện các trường hợp xây dựng sai với quy định về quản lý xây dựng đã được ban hành.
c) Cung cấp đầy đủ, kịp thời các hồ sơ có liên quan cho cơ quan quản lý trật tự xây dựng khi có yêu cầu.
2. Công ty Cấp nước Đà Nẵng:
Phối hợp kịp thời với cơ quan cấp phép xây dựng thực hiện việc cắt, đóng nước đối với công trình vi phạm theo yêu cầu của cơ quan cấp phép xây dựng theo quy định tại điều 11 của Quy định này.
3. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đà Nẵng:
a) Phối hợp với cơ quan xử lý trật tự xây dựng kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn cao áp.
b) Thực hiện việc cắt, đóng điện đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng theo yêu cầu của cơ quan cấp phép xây dựng theo quy định tại điều 11 của Quy định này.
4. Sở Công nghiệp có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo công ty TNHH một thành viên Điện lực Đà Nẵng thực hiện theo quy định tại khoản 3 của điều này.
b) Phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý các trường hợp xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn cao áp.
5. Sở Kế hoạch đầu tư có trách nhiệm:
Không cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức là chủ đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh tại vị trí công trình vi phạm; Yêu cầu tổ chức phải chuyển đến địa điểm khác phù hợp quy định pháp luật nếu thuê địa điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vị trí công trình vi phạm khi có văn bản yêu cầu của cơ quan cấp phép xây dựng theo quy định tại khoản 5 điều 67 Luật Xây dựng.
6. Sở Nội vụ có trách nhiệm:
a) Không cấp hoặc thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện đối với tổ chức, cá nhân trong nước là chủ đầu tư đặt văn phòng đại diện tại vị trí công trình vi phạm; Yêu cầu tổ chức, cá nhân phải chuyển đến địa điểm khác phù hợp quy định pháp luật nếu thuê địa điểm đặt văn phòng đại diện tại vị trí công trình vi phạm khi có văn bản yêu cầu của cơ quan cấp phép xây dựng theo quy định tại khoản 5 điều 67 Luật Xây dựng.
b) Phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện xây dựng lực lượng, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý trật tự xây dựng xã, phường, Đội kiểm tra quy tắc quận, huyện và Thanh tra Sở Xây dựng đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác quản lý trật tự xây dựng trên toàn thành phố.
7. Sở Thương mại có trách nhiệm:
Không cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cá nhân là thương nhân nước ngoài là chủ đầu tư tại vị trí công trình vi phạm; Yêu cầu tổ chức, cá nhân, thương nhân nước ngoài phải chuyển đến địa điểm khác phù hợp quy định pháp luật nếu thuê địa điểm tại vị trí công trình vi phạm khi có văn bản yêu cầu của cơ quan cấp phép xây dựng theo quy định tại khoản 5 điều 67 Luật Xây dựng.
8. Sở Tài nguyên Môi trường
Trước khi cấp Giấy chứng nhận liên quan đến Quyền sở hữu công trình của tổ chức, đối với công trình có sửa chữa, cải tạo theo quy định phải cấp phép xây dựng hoặc xây dựng mới thì phải có hồ sơ hoàn công công trình được Sở Xây dựng ký xác nhận.
9. Công an thành phố có trách nhiệm:
Chỉ đạo lực lượng cảnh sát phối hợp kịp thời với Thanh tra Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, xã, phường, các cơ quan có liên quan nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
10. Các sở, ban, ngành khác có trách nhiệm:
Các sở, ban, ngành khác trong phạm vi thẩm quyền được giao có trách nhiệm phối hợp với cơ quan xử lý vi phạm trật tự xây dựng xử lý kịp thời các vi phạm về trật tự xây dựng theo quy định pháp luật.
Điều 10. Áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính thi hành quyết định xử phạt hành chính
1.Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà người vi phạm không chấp hành việc tự tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm thì tuỳ theo tình hình, đặc điểm của công trình vi phạm, cơ quan xử lý vi phạm phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm; thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền không cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp các dịch vụ điện nước, các hoạt động kinh doanh và các hoạt động dịch vụ khác đảm bảo thực hiện nghiêm quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành.
2.Việc cưỡng chế hành chính tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm thực hiện theo Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về Quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính.
3.Việc thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền không cung cấp các dịch vụ điện nước, các hoạt động kinh doanh và các hoạt động dịch vụ khác đối với công trình vi phạm được thực hiện theo quy định tại điều 11 của Quy định này.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà người vi phạm không chấp hành việc tự tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm, cơ quan cấp phép xây dựng phải thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền không cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước, các hoạt động kinh doanh và các hoạt động dịch vụ khác đối với công trình vi phạm.. Quy trình giải quyết được thực hiện như sau:
1. Cơ quan cấp phép xây dựng gửi văn bản kèm hồ sơ vi phạm đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu không cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước, các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ khác đối với công trình vi phạm đồng thời thông báo cho người vi phạm biết.
2. Trong thời hạn 05 ngày kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện xong việc không cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước, các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ khác; thông báo bằng văn bản kết quả thực hiện cho cơ quan xử lý vi phạm.
3. Sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt, người vi phạm có văn bản đề nghị cơ quan xử lý vi phạm yêu cầu cung cấp lại các dịch vụ điện, nước, các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ khác. Mọi chi phí liên quan đến việc đóng, cắt điện, nước và các dịch vụ khác, người vi phạm có trách nhiệm chi trả theo quy định.
4. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của người vi phạm, cơ quan xử lý vi phạm phải tổ chức kiểm tra và thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền, người vi phạm về việc cung cấp lại điện, nước và các dịch vụ khác.
5. Trong thời hạn 24 giờ kể từ lúc người vi phạm thanh toán xong các chi phí liên quan đến việc đóng, ngắt điện, nước, Điện lực Đà Nẵng, Công ty Cấp nước Đà Nẵng phải thực hiện xong việc cung cấp điện, nước đồng thời thông báo cho cơ quan xử lý vi phạm biết. Riêng về hoạt động kinh doanh và các dịch vụ khác theo quy định của UBND thành phố.
6. Đối với công trình vi phạm phải tổ chức cưỡng chế tháo dỡ, ngoài việc thanh toán các chi phí liên quan đến việc đóng, ngắt điện, nước, người vi phạm còn phải thanh toán chi phí liên quan đến việc cưỡng chế tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm cho cơ quan xử lý trật tự xây dựng trước khi thực hiện việc cung cấp điện, nước theo quy định tại khoản 5 của điều này.
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
1. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt hành chính có quyền khiếu nại; mọi công dân có quyền tố cáo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Trong thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo, tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn phải thi hành quyết định xử phạt hành chính của cơ quan xử lý vi phạm.
2. Trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo và thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Điều 13. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Cá nhân, tổ chức có thành tích tốt trong công tác quản lý, phát hiện, thông báo và xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố được khen thưởng theo quy định pháp luật về khen thưởng.
2. Cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của Quyết định này và các quy định pháp luật khác có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.
2. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Sở Y tế và các cơ quan có liên quan khác soạn thảo, trình UBND thành phố ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan có chức năng trong việc thi hành quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính đảm bảo trật tự, an toàn trong quá trình thực hiện cưỡng chế.
Điều 15. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, các ngành, đơn vị phản ánh về Sở Xây dựng tổng hợp trình Chủ tịch UBND thành phố xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp ./.
- 1Quyết định 33/2008/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 29/2007/QĐ-UBND và 64/2007/QĐ-UBND do Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- 2Quyết định 64/2007/QĐ-UBND sửa đổi Quy định về trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng trong quá trình thi công xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng kèm theo Quyết định 29/2007/QĐ-UBND do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- 1Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Luật xây dựng 2003
- 4Nghị định 126/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà
- 5Thông tư 01/2005/TT-BXD hướng dẫn thi hành Nghị định 126/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà do Bộ Xây dựng ban hành
- 6Nghị định 37/2005/NĐ-CP quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- 7Nghị định 46/2005/NĐ-CP về việc tổ chức và hoạt động của Thanh tra xây dựng
- 8Quyết định 19/2006/QĐ-UBND về quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- 9Quyết định 57/2013/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Quyết định 29/2007/QĐ-UBND ban hành Quy định về trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng trong quá trình thi công xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- Số hiệu: 29/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 05/06/2007
- Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
- Người ký: Trần Văn Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra