Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2894/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 18 tháng 12 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/06/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Văn bản số 128/BTĐD-KBT ngày 10/8/2018 của Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học - Tổng cục Môi trường về việc góp ý đối với Báo cáo Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 393/QĐ-UBND ngày 28/02/2017 của UBND tỉnh phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 08/12/2018 của HĐND tỉnh Nam Định khóa XVIII, kỳ họp thứ bảy về việc thông qua Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 417/TTr-SKH&ĐT ngày 26/11/2018; Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 3392/TTr-STNMT ngày 21/11/2018,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tên quy hoạch: Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

2. Quan điểm xây dựng Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học

- Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch môi trường, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế - xã hội; phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan.

- Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học phải mang tính hệ thống, bao gồm bảo tồn các hệ sinh thái, loài, nguồn gen; chú trọng duy trì, bảo vệ phát triển chức năng và các khả năng chịu tải của hệ sinh thái, ưu tiên chú trọng các hệ sinh thái đặc trưng, dễ bị tổn thương, nhạy cảm đã bị suy thoái.

- Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học phải gắn kết sử dụng khoa học, hợp lý, bền vững tài nguyên đa dạng sinh học; đảm bảo thích ứng với BĐKH toàn cầu, vận dụng các quan điểm, chiến lược mới về bảo tồn; phải có sự gắn kết, hòa nhập với bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam, bảo tồn đa dạng sinh học khu vực và quốc tế; phải dựa trên cơ sở phát huy tối đa vai trò cộng đồng, có sự quản lý chặt chẽ của tỉnh.

- Xây dựng quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học cần áp dụng tối đa các phương pháp quy hoạch, khoa học công nghệ tiên tiến, thích hợp.

- Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học, duy trì và phát triển các dịch vụ sinh thái, bảo vệ môi trường, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.

- Duy trì tính ổn định, tính hệ thống các khu bảo tồn hiện có.

- Bảo đảm an toàn đa dạng sinh học, giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Huy động mọi nguồn lực, kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học; bảo đảm các nguyên tắc về chia sẻ công bằng, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan;

- Tăng cường hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học,...

3. Mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học

3.1. Mục tiêu chung: Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Nam Định là cơ sở pháp lý nhằm bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ các hệ sinh thái, các loài động thực vật quý hiếm, nguồn gen phong phú và đặc hữu của tỉnh, đảm bảo đến mức cao nhất an ninh sinh thái, góp phần thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Đa dạng sinh học, phục vụ sự nghiệp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế xã hội Nam Định và đất nước, thực hiện các điều ước quốc tế liên quan.

3.2. Mục tiêu cụ thể

- Thành lập hệ thống khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn: Thành lập hệ thống khu bảo tồn (bao gồm: Vườn quốc gia Xuân Thủy; khu bảo vệ cảnh quan hệ thống hồ thành phố Nam Định) và 05 cơ sở bảo tồn.

- Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái: Bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái rừng ngập mặn, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng, vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy; bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ở khu vực đồi núi của các huyện Ý Yên, Vụ Bản; giữ nguyên số lượng và diện tích hồ khu vực nội thành; giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng nước, cải thiện hệ thống tiêu thoát nước để giảm ngập úng trong mùa mưa và cải thiện môi trường; ưu tiên trồng các loài cây bản địa có giá trị kinh tế, cảnh quan và cải tạo môi trường cao.

- Bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm: Củng cố và tăng cường các khu vực bảo tồn chuyển chỗ và tại chỗ các loài nguy cấp, quý hiếm (vườn cây thuốc, các giống cây trồng vật nuôi bản địa,...); bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm như Cò thìa, Rẽ mỏ thìa hay một số loài thủy sinh quý hiếm như Cá bống bóp, Cá lăng chẩm,...; kiểm soát chặt chẽ, giảm triệt để nạn buôn bán và tiêu thụ các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm hại và có biện pháp tích cực để kịp thời phòng ngừa.

- Bảo tồn nguồn gen: Bảo tồn kết hợp với sử dụng bền vững nguồn gen góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen được thực hiện trên cơ sở mạng lưới quỹ gen thống nhất toàn quốc. Đối với tỉnh Nam Định, cần ưu tiên bảo vệ và phát triển các nguồn gen quý hiếm, các loài cây trồng vật nuôi đặc sản của tỉnh như: Dự hương, Tám Xuân Đài, Tám xoan Hải Hậu, Nep cái hoa vàng, Dưa chuột nếp, ớt cay chỉ thiên, Cà chua bi, Khoai lang Lim,... Các loài vật nuôi như: Ong Hoa, Cá Diêu Hồng, Cá Lóc Bông, Cá Bống Bóp, Tôm thẻ chân trắng, Cá Lăng, Cá Chình, Cá Chày mắt đỏ,... các loài thủy sinh có giá trị kinh tế đã bị suy giảm như Rươi, các loài ngao bản địa,... Củng cố và phát triển các khu vực bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ các nguồn gen quý hiếm, các loài cây trồng vật nuôi đặc sản thông qua các dự án, các mô hình xã hội hóa bảo tồn đa dạng sinh học của cộng đồng.

4. Tầm nhìn bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030

- Bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế theo Công ước Ramsar.

- Bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên bãi bồi vùng cửa sông, đặc biệt là khu ven biển thuộc huyện Nghĩa Hưng và Giao Thủy.

- Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng trên cạn vùng bán sơn địa Ý Yên, Vụ Bản là hệ sinh thái đặc thù của tỉnh Nam Định, gắn với một vùng văn hóa tâm linh rất linh thiêng của tỉnh.

- Phát triển và khôi phục những nguồn gen quý hiếm đã bị mất hoặc nguy cơ mất.

- Đưa vào hoạt động các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm, nguồn gen phong phú và đặc hữu của tỉnh, đảm bảo cân bằng sinh thái, mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định và cả nước.

5. Nội dung chủ yếu Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

5.1. Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn

5.1.1. Vườn Quốc gia Xuân Thủy: Diện tích Vườn Quốc gia Xuân Thủy được quy hoạch gồm: 7.100 ha diện tích vùng lõi và 8.000 ha diện tích vùng đệm tại huyện Giao Thủy (theo Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 02/01/2003, Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030).

5.1.2. Khu bảo vệ cảnh quan hệ thống hồ: Tổng diện tích 45,62 ha, bao gồm hồ Vị Xuyên, diện tích 6,57 ha; hồ Truyền Thống, diện tích 15,3 ha; hồ Lộc Vượng (Đầm Bét, Đầm Đọ), diện tích 21,09 ha; hồ Vị Hoàng, diện tích 2,66 ha.

5.1.3. Bảo tồn các điểm cảnh quan: Khu vực núi Ngăm, Phủ Dầy, chùa Cổ Lễ, đền Trần, chùa Keo Hành Thiện.

5.2. Quy hoạch bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái

5.2.1. Hệ sinh thái rừng ngập mặn

- Phân bố: Hệ sinh thái rừng ngập mặn toàn tỉnh có diện tích 3.045 ha, chiếm khoảng 1,8% diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó có 1.044,5 ha diện tích hệ sinh thái đã được quy hoạch trong Vườn quốc gia Xuân Thủy; còn lại 2.000,5 ha nằm rải rác tại 3 huyện ven biển được quản lý, bảo vệ phù hợp với yêu cầu bảo tồn, phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

- Chức năng bảo tồn: Bảo vệ rừng ngập mặn ven biển nhằm bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007, Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006; Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, bao gồm: Các loài chim (Cò mỏ thìa Châu Âu, Cò trắng Trung Quốc, Cò lạo Án Độ, Choắt lớn mỏ vàng, Bồ nông chân xám, Mòng bể mỏ ngắn, Đuôi cụt bụng đỏ, Cò quăm đầu đen, Vịt đầu đen, Ưng Nhật Bản, Ưng mày trắng, Ưng lưng đen, Diều mào, Diều Ấn Độ, Diều Nhật Bản, Cú lợn lưng xám); các loài bò sát (Rắn cạp nong, Rắn ráo thường, Rắn ráo trâu, Rắn hổ mang, Vích, Rắn sọc dưa, Rắn cạp nia bắc); các loài cá (Cá bống bớp, Cá mòi cờ hoa, Cá mòi cờ chấm).

5.2.2. Quy hoạch bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên trên các vùng đất ngập nước tự nhiên, vùng đất chưa sử dụng không thuộc hệ sinh thái rừng

a) Hệ sinh thái trảng cỏ, cây bụi

- Phân bố: Hệ sinh thái trảng cỏ, cây bụi toàn tỉnh có tổng diện tích 1.972 ha, chiếm khoảng 1,18% diện tích tự nhiên của tỉnh. Phân bố chủ yếu tại khu vực đồi núi sót thuộc xã Yên Lợi, huyện Ý Yên và rải rác ở các bãi ven sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đào, tại một số khu vực đất trống.

- Chức năng bảo tồn: Bảo tồn hệ sinh thái trảng cỏ cây bụi tại Nam Định nhằm bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007, Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ bao gồm: 03 loài thực vật bậc cao (Găng nghèo, Hoàng thảo, Sâm cau); 02 loài thú (Cầy nhông, cầy hương); các loài chim (dù dì, cú lợn lưng nâu, ưng xám, ưng Nhật Bản, ưng mày trắng, ưng lưng đen, dù dì phương đông, cú lợn lưng xám, chích chòe lửa, yểng, nhồng); các loài bò sát (Rồng đất, Rắn roi xanh, Rắn sọc khoanh, Trăn đất, Trăn gấm, Rắn hổ chúa, Rắn sọc dưa, Rắn ráo thường, Rắn ráo trâu, Rắn cạp nong, Rắn cạp nia bắc, Rắn hổ mang, Rắn lục mép trắng); 02 loài lưỡng cư (Chàng andecson, Ếch gai).

b) Hệ sinh thái đất ngập nước

- Phân bố: Tổng diện tích hệ sinh thái đất ngập nước hiện có của Nam Định là 24.872,7 ha, chiếm 14,91% diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó có 45,62 ha diện tích hệ sinh thái đã được quy hoạch trong các khu bảo tồn bảo vệ cảnh quan hệ thống hồ, bao gồm: Hồ Vị Xuyên (6,57 ha), hồ Truyền Thống (15,3 ha), Đầm Bét, Đầm Đọ (21,09 ha), hồ Vị Hoàng (2,66 ha); còn lại 24.827,08 ha được tiếp tục quản lý, bảo vệ và quy hoạch sử dụng theo quy định.

- Chức năng bảo tồn: Bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên của các vùng đất ngập nước của tỉnh Nam Định nhằm bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các giống loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học cao, bảo đảm cân bằng sinh thái, giữ gìn đa dạng sinh học các vùng nước nội địa. Ngoài ra bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên của các vùng đất ngập nước còn có ý nghĩa về du lịch, nghiên cứu, giáo dục, bảo vệ môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu, nâng cao chất lượng sống của dân cư.

5.3. Quy hoạch cơ sở bảo tồn

- Cơ sở bảo tồn động vật gồm 03 cơ sở: Trung tâm giống gia súc, gia cầm; Trung tâm giống thủy sản đặc sản; Trung tâm giống Hải Sản.

- Cơ sở bảo tồn thực vật gồm 02 cơ sở: Trung tâm giống cây trồng Nam Định; Công viên Điện Biên (Dàn Leo, Vườn cảnh, Vườn thiếu nhi, Vườn đài liệt sĩ).

6. Danh mục các Chương trình, dự án ưu tiên thực hiện

Trong phạm vi Quy hoạch đề xuất 10 nhóm với 17 chương trình, dự án ưu tiên thực hiện. Dự kiến tổng kinh phí 38.200 triệu đồng, trong đó giai đoạn 2020 - 2025 là 20.700 triệu đồng; giai đoạn 2025 - 2030 là 13.500 triệu đồng.

7. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

7.1. Giải pháp tuyên truyền: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích và trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn đa dạng sinh học đặc biệt là cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn.

7.2. Giải pháp về vốn: Huy động các nguồn lực tài chính để triển khai các chương trình dự án bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Nam Định, bao gồm ngân sách Nhà nước, nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

7.3. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực: Đảm bảo đủ số lượng, xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý của đội ngũ làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học từ các cấp, các ngành của địa phương.

7.4. Giải pháp về khoa học công nghệ: Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học trong các khu bảo tồn.

7.5. Giải pháp về cơ chế chính sách: Nghiên cứu, điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý bảo tồn đa dạng sinh học. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn đa dạng sinh học.

7.6. Giải pháp về hợp tác quốc tế: Tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, hợp tác quốc tế nhằm thu hút các nguồn tài trợ về tài chính và kỹ thuật để điều tra, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ; mở rộng việc trao đổi, hợp tác khoa học với các nước. Kêu gọi vốn đầu tư, tài trợ từ các tổ chức quốc tế như: IUCN, WWF, vốn ODA,...

7.7. Giải pháp sinh kế bền vững cho người dân sinh sống trong vùng đệm các khu bảo tồn

- Tổ chức nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy và các khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh như: Trồng nấm, nuôi ong, nuôi giun quế,...

- Giải pháp phát triển du lịch sinh thái, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại một số khu du lịch sinh thái tiềm năng của tỉnh; huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư thực hiện các dịch vụ du lịch và quản lý bảo vệ cảnh quan sinh thái khu vực du lịch.

- Nghiên cứu triển khai Mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng.

7.8. Giải pháp quản lý và sử dụng đất đai trong khu bảo tồn

Quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các vi phạm sau:

(1) Săn bắt, đánh bắt, khai thác loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ việc vì mục đích nghiên cứu khoa học.

(2) Lấn chiếm đất đai, phá hoại cảnh quan, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, nuôi trồng các loài ngoại lai xâm hại trong khu bảo tồn.

(3) Xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn.

(4) Điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản khi chưa được sự cho phép của cấp có thẩm quyền.

(5) Chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp.

(6) Cư trú trái phép, gây ô nhiễm môi trường trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn.

(7) Chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất trong khu bảo tồn.

(8) Các vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

Là cơ quan thường trực, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thực hiện và giám sát thực hiện Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học; báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động liên quan đến hoàn thiện cơ cấu tổ chức về quản lý bảo vệ các khu bảo tồn theo quy định của Luật Đa dạng sinh học; phục hồi, phát triển và quản lý rừng ngập mặn bền vững; xác định và bảo vệ các loài nguy cấp, các đối tượng đa dạng sinh học đặc biệt cần được bảo vệ; thực hiện hệ thống bảo tồn chuyển vị đa dạng sinh học; bảo vệ đa dạng sinh học cây trồng và vật nuôi nông nghiệp có giá trị kinh tế; thực hiện các dự án về tài nguyên rừng ngập mặn và lâm sản ngoài gỗ; ngăn chặn và kiểm soát các sinh vật lạ xâm lấn, sinh vật biến đổi gen.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành liên quan thẩm định, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các chương trình, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học có sử dụng nguồn vốn đầu tư công theo các chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh; tham mưu nội dung bố trí vốn trung hạn và hàng năm cho các chương trình, dự án theo khả năng cân đối các nguồn vốn, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và đảm bảo đúng với các quy định hiện hành.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong bảo tồn, khai thác nguồn gen sinh vật; thực hiện chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế các phương pháp trong nghiên cứu bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen; lồng ghép các hoạt động khoa học và công nghệ về bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen, đánh giá di truyền nguồn gen với các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

5. Các Sở, ngành liên quan

Theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai các công việc liên quan để thực hiện Quy hoạch này.

6. UBND các huyện, thành phố

Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn; thực hiện lồng ghép các nội dung về bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án ưu tiên; phối hợp thực hiện công tác nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký;

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành của tỉnh; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT HĐND tỉnh;
- Chi cục Bảo vệ môi trường;
- Công báo tỉnh;
- Website tỉnh, Website VPUBND tỉnh;
- Lưu: VP1, VP3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Phùng Hoan

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2894/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 2894/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/12/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định
  • Người ký: Nguyễn Phùng Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/12/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản