Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2870/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 14 tháng 08 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH THAM GIA GIỮ GÌN TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG GIAI ĐOẠN 2013 - 2017

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ - CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;

Căn cứ Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

Căn cứ Quyết định 2051/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2012 - 2017;

Căn cứ Chương trình hành động số 35CTr/TU ngày 8/01/2013 của BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”;

Căn cứ Chỉ thị số 23/CT-UBND ngày 25/7/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;

Căn cứ Công văn số 47/TWĐTN, ngày 11/01/2013 của Trung ương Đoàn “về triển khai Đề án Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2012- 2017”;

Xét đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2013 - 2017 với các nội dung chính sau đây:

1. Mục tiêu chung: Nâng cao hiểu biết, tạo ý thức tự giác chấp hành pháp luật, xây dựng nét văn hoá trong thanh thiếu nhi khi tham gia giao thông. Phát huy vai trò xung kích của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhằm góp phần giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông. Xây dựng các mô hình thanh niên xung kích tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông bền vững tại cơ sở từ đó hình thành những hạt nhân nòng cốt trong tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông trong nhà trường và cộng đồng. Thông qua hoạt động của các mô hình góp phần tích cực giữ gìn trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.

2. Mục tiêu cụ thể: Đề án được triển khai từ năm 2013 đến hết năm 2017 phấn đấu đạt:

- 100% cơ sở Đoàn đưa nội dung phổ biến pháp luật về giao thông vào các kỳ sinh hoạt định kỳ hàng tháng, quý và năm. Xác định nội dung Đoàn tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông là tiêu chí thi đua hàng năm của các cấp bộ Đoàn; hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của đoàn viên được đưa vào đánh giá phân loại đoàn viên hàng năm. Đoàn xã, phường, thị trấn có giải pháp để quản lý, giáo dục đối với thanh thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông khi nhận được thông báo vi phạm của cơ quan Công an.

- 100% đoàn cấp huyện xây dựng tiêu chí văn hóa giao thông trong thanh niên; ký cam kết 100% đơn vị không có đoàn viên, thanh niên chưa đủ tuổi (dưới 18 tuổi) hoặc không có giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn chất lượng khi đi mô tô, xe gắn máy hoặc ngồi sau mô tô, xe gắn máy.

- 100% cơ sở Đoàn ký cam kết không có đoàn viên tham gia cổ vũ đua xe, đua xe trái phép gây mất trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông; không sử dụng rượu, bia, ma túy và những chất kích thích khác mà pháp luật cấm trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

- 100% các huyện, thị, thành đoàn và Đoàn trực thuộc, hàng năm có ít nhất 01 mô hình, đội hình thanh niên, công trình, phần việc tham gia bảo đảm an toàn giao thông. 100% Đoàn xã, phường, thị trấn có mô hình, đội hình thanh niên, công trình, phần việc tham gia bảo đảm an toàn giao thông.

- 100% liên đội có các hoạt động tuyên truyền về văn hóa giao thông; mỗi liên đội thành lập ít nhất 01 đội tuyên truyền măng non về an toàn giao thông.

- 100% đoàn các trường Trung học phổ thông, Trung cấp chuyên nghiệp, Dạy nghề, Cao đẳng, Đại học xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”; thành lập ít nhất 1 đội thanh niên tình nguyện đảm bảo an toàn giao thông tại cổng trường vào các giờ cao điểm.

- Đoàn Thanh niên các huyện, thị xã, thành phố nằm trên tuyến Quốc lộ 1A (Thị xã Bỉm Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Thành phố Thanh Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia) thành lập các đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông.

- Đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ thành phố đi Tĩnh Gia tại dự án đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 giai đoạn 2013 - 2016.

II. Các giải pháp thực hiện

1. Công tác tuyên truyền, giáo dục

- Tổ chức các lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ tuyên truyền viên về văn hóa giao thông.

- Biên tập và phát hành tài liệu phục vụ tuyên truyền quy định của pháp luật về giao thông.

- Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn và các trường học phối hợp xây dựng chuyên mục trên hệ thống truyền thanh cơ sở.

- Xây dựng chiến dịch truyền thông về an toàn giao thông bằng các chương trình văn hóa nghệ thuật để nâng cao nhận thức của người dân và thanh thiếu niên, nhi đồng, Giáo dục trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cho các đối tượng thanh niên lái xe ô tô khách, taxi, xe tải ở các cơ quan, doanh nghiệp địa phương.

- Xây dựng chiến dịch tuyên truyền an toàn giao thông theo chủ đề cho đối tượng học sinh, sinh viên; thanh niên khu vực đô thị, thanh niên lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Xây dựng chiến dịch tuyên truyền an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa theo nhiều chủ đề khác nhau.

- Xây dựng nội dung hoạt động hỗ trợ các liên đội trong trường học có chương trình giáo dục về giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

- Vận động 100% đoàn viên, thanh thiếu niên, nhi đồng đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn chất lượng khi đi mô tô, xe gắn máy hoặc ngồi sau mô tô, xe gắn máy.

- Các cơ sở Đoàn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên ký cam kết không điều khiển xe lạng lách, đánh võng, đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông; không sử dụng rượu, bia ma túy và những chất kích thích khác mà pháp luật cấm trước khi điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

- Các cơ sở Đoàn xây dựng quy chế hoặc hình thức kiểm điểm, giáo dục nghiêm túc đối với đoàn viên vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông khi nhận được thông báo vi phạm của cơ quan Công an.

2. Giải pháp về đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông” và xây dựng các kỹ năng cho thanh thiếu niên khi tham gia giao thông

- Vận động thanh niên thực hiện các hành vi văn hóa khi tham gia giao thông thông qua tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo chuyên đề, giao lưu tại cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Các cơ sở Đoàn đưa nội dung phổ biến pháp luật về giao thông và xây dựng văn hóa giao thông vào các kỳ sinh hoạt định kỳ hàng tháng, quý và năm. Xác định nội dung Đoàn tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông là tiêu chí thi đua hàng năm của các cấp bộ Đoàn; hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của đoàn viên được đưa vào đánh giá phân loại đoàn viên hàng năm.

- Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo chuyên đề, giao lưu để thanh thiếu nhi phản ánh, đề xuất những tiêu chí văn hóa của thanh thiếu nhi khi tham gia giao thông.

- Tổ chức các chương trình truyền thông thực tế về văn hóa giao thông tại cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về cuộc vận động trên các báo, truyền hình của tỉnh và Đoàn thanh niên.

- Tổ chức các cuộc thi ảnh, thi sáng tác ca khúc, các tiểu phẩm về văn hóa giao thông.

- Tổ chức "Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông" ở các cấp, trong đó tập trung trong dịp Tết Nguyên đán, tháng Thanh niên (tháng 3), Tháng An toàn giao thông (tháng 9).

- Phối hợp tổ chức các hoạt động giúp thanh niên hoàn thiện các kỹ năng khi tham gia giao thông như: Kỹ năng lái xe khoa học và an toàn; cách lựa chọn và sử dụng mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng quy định; nâng cao khả năng phán đoán và xử lý các tình huống có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông; tổ chức các khóa phổ cập bơi lội cho thiếu nhi vùng sông nước; phối hợp tổ chức học và thi nhận giấy phép lái xe hạng A1 cho thanh niên khi đủ 18 tuổi.

3. Giải pháp về nhân rộng các mô hình, công trình, phần việc của thanh thiếu niên tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông

- Nâng cao hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các cổng trường học.

- Nâng cao hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các bến đò ngang địa phương.

- Nâng cao hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các đường ngang, dân sinh qua đường sắt.

- Nâng cao hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp, kinh tế tập trung.

- Đẩy  mạnh  hoạt  động  của  các  đội  thanh  niên  xung kích,  thanh  niên  tình nguyện tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông tại khu đông dân cư.

- Đăng ký đảm nhận nhiệm vụ tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý giao thông trong thanh niên nông thôn.

III. Kinh phí thực hiện

- Nguồn kinh phí thực hiện Đề án: Thực hiện theo Quyết định số 2051/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2012 - 2017.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

a) Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh:

- Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan xây dựng dự toán thực hiện Đề án Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hóa tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2013-2017 gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

- Phối hợp với các Ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

- Chỉ đạo các huyện, thị, thành đoàn, đoàn trực thuộc thực hiện các nội dung của Đề án.

- Vận động các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án.

- Phân công nhiệm vụ cho, các Ban, đơn vị, tổ chức Hội của Tỉnh Đoàn thực hiện nội dung của Đề án.

- Kết thúc Đề án, tiến hành đánh giá, lựa chọn các giải pháp tiêu biểu và có tính bền vững để tiếp tục chỉ đạo thực hiện.

b) Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông Vận tải:

Phối hợp với Tỉnh đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện.

c) Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan thẩm định dự toán thực hiện Đề án Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hóa tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2013-2017 tổng hợp trình UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt.

d) Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, cơ quan liên quan:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Tỉnh đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể nêu trong Đề án theo thẩm quyền được phân công.

đ) Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố:

- Hàng năm, bố trí kinh phí nguồn ngân sách cho các huyện, thị, thành đoàn thực hiện Đề án;

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp triển khai thực hiện Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hồi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2870/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2013 - 2017 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

  • Số hiệu: 2870/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/08/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Hồi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/08/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản