THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 282/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2018 |
PHÊ DUYỆT ĐIỀU LỆ HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Hoạt động Chữ thập đỏ ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Xét đề nghị của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tại Tờ trình số 17/TTr-TƯHCTĐ, ngày 26 tháng 01 năm 2018 về việc phê duyệt Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nhiệm kỳ 2017 - 2022 thông qua ngày 16 tháng 8 năm 2017. Điều lệ này thay thế Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nhiệm kỳ 2012 - 2017 thông qua ngày 04 tháng 7 năm 2012.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1348/QĐ-BNV ngày 19 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện các hoạt động nhân đạo, hoạt động chữ thập đỏ theo quy định tại Điều lệ này và quy định của pháp luật.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành các nội dung được quy định tại Điều lệ này./.
| THỦ TƯỚNG |
HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 282/QĐ-TTg ngày 08 tháng 03 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ)
LỜI MỞ ĐẦU
Nhân đạo, sẻ chia, tương thân, tương ái là một trong những giá trị văn hóa, đạo lý truyền thống của con người Việt Nam, thấm sâu trong các gia đình, dòng họ, xóm làng, cộng đồng xã hội từ thế hệ này đến thế hệ khác. Tinh thần “Nhiễu Điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, “thương người như thể thương thân” luôn là một sức mạnh to lớn trong nhân dân ta, đoàn kết, gắn bó để cùng nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn, thiên tai. Những bản sắc tốt đẹp và nhân văn sâu sắc này được chúng ta gìn giữ và phát huy mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh ngày nay.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được thành lập ngày 23 tháng 11 năm 1946, có vinh dự, tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đặt nền móng, sáng lập và chính Người là Chủ tịch danh dự đầu tiên, liên tục trong 23 năm (1946-1969). Người dạy cán bộ, hội viên của Hội: “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp Phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”. Hơn 70 năm qua, Hội Chữ thập đỏ đã bám sát chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ Mục đích, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao trong sự nghiệp nhân đạo cao cả, góp Phần tích cực cùng hệ thống chính trị thực hiện công tác bảo đảm an sinh xã hội và tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua hơn 70 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, hội viên, thanh niên, thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Việt Nam luôn chung sức, đồng lòng, xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng vững mạnh, chuyên nghiệp, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thiên tai, thảm họa, Hội luôn là một trong các lực lượng có mặt sớm nhất, kịp thời trợ giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai và cũng là một trong các lực lượng gắn bó bền bỉ, lâu dài với nhân dân, tham gia hỗ trợ sinh kế, giúp người dân vùng thiên tai phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Các phong trào xã hội nhân đạo, các Chương trình khám chữa bệnh nhân đạo, vận động hiến máu tình nguyện, xây dựng mô hình cộng đồng an toàn, tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; hướng về biển đảo, trợ giúp ngư dân nghèo vươn khơi bám biển; cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lũ... là những hoạt động rất thiết thực, những nghĩa cử cao đẹp, có tính nhân văn sâu sắc, thấm đẫm tình người trong xã hội. Đồng thời, hợp tác quốc tế về hoạt động nhân đạo được mở rộng. Hội có nhiều hoạt động đóng góp tích cực cho Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và hoạt động nhân đạo tại các nước bạn. Những kết quả quan trọng mà Hội đạt được đã góp Phần tích cực vào việc thực hiện các Mục tiêu giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và chăm lo ổn định cuộc sống người dân.
Bước vào thời kỳ mới, với hệ thống tổ chức 4 cấp, hoạt động trong phạm vi cả nước, tổ chức Hội tiếp tục phát huy bản chất tốt đẹp của tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, không ngừng đổi mới, nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện vai trò nòng cốt, cầu nối, Điều phối trong sự nghiệp nhân đạo của đất nước, hết lòng vì lợi ích của những người có hoàn cảnh khó khăn, những người dễ bị tổn thương trong xã hội, vì Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có Điều kiện phát triển toàn diện”; tích cực đóng góp cho Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Điều 1. Tên gọi, trụ sở, phạm vi hoạt động
1. Tên gọi:
a) Tên tiếng Việt: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
b) Tên tiếng Anh: Vietnam Red Cross Society (viết tắt là: VNRC).
2. Trụ sở của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đặt tại Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hoạt động trong phạm vi cả nước.
Điều 2. Tôn chỉ, Mục đích, địa vị pháp lý
1. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (sau đây viết tắt là Hội) là tổ chức xã hội hoạt động nhân đạo; tập hợp mọi người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, không phân biệt thành Phần, dân tộc, tôn giáo, giới tính để làm nhân đạo.
2. Mục đích cao cả của Hội là nhân đạo, hòa bình, hữu nghị, góp Phần xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
3. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là Hội Chữ thập đỏ quốc gia duy nhất tại Việt Nam; hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ. Hội có tư cách pháp nhân, con dấu, tài Khoản và biểu trưng riêng.
Điều 3. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động
1. Hội được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc: hiệp thương dân chủ, thống nhất hành động; tự nguyện, không vụ lợi; công khai, minh bạch, đúng Mục đích, đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả; không phân biệt đối xử, phù hợp với truyền thống nhân ái của dân tộc; sử dụng Biểu tượng chữ thập đỏ; không được lợi dụng hoạt động Hội làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
2. Quyền quyết định cao nhất của mỗi cấp Hội là đại hội Hội cấp đó; quyết định theo đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức.
3. Hội tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và Điều lệ Hội, các Công ước Giơ-ne-vơ 1949, các Nghị định thư bổ sung năm 1977, các Điều ước quốc tế về nhân đạo mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; 7 Nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế: Nhân đạo, Vô tư, Trung lập, Độc lập, Tự nguyện, Thống nhất, Toàn cầu.
1. Tổ chức của Hội gồm:
a) Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam;
b) Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh);
c) Hội Chữ thập đỏ huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh và tương đương (gọi chung là cấp huyện);
d) Hội Chữ thập đỏ xã, phường, thị trấn và tương đương (gọi chung là cấp xã).
Việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đối với tổ chức Hội được thực hiện theo quy định của pháp luật,
2. Các loại hình tổ chức Hội khác:
a) Hội được thành lập các chi hội trực thuộc, hội đồng hoặc ban bảo trợ hoạt động Chữ thập đỏ, các đội ứng phó thảm họa, đội sơ cấp cứu Chữ thập đỏ, đội khám chữa bệnh Chữ thập đỏ lưu động, các câu lạc bộ và các loại hình hoạt động nhân đạo khác theo quy định của pháp luật.
b) Các loại hình tổ chức Hội quy định tại điểm a Khoản 2 Điều này do cấp Hội thành lập, trực tiếp quản lý theo đúng tôn chỉ, Mục đích của Hội và quy định của pháp luật.
c) Ban Thường vụ Trung ương Hội hướng dẫn việc thành lập và tổ chức hoạt động của các loại hình tổ chức Hội quy định tại điểm a Khoản 2 Điều này.
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA HỘI
Điều 5. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội
1. Chức năng của Hội:
a) Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội và cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ.
b) Nghiên cứu, tham mưu cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nhân đạo; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội.
2. Nhiệm vụ của Hội:
a) Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hoạt động chữ thập đỏ, hoạt động nhân đạo và các văn bản pháp luật có liên quan; phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin, tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ.
b) Vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước tham gia hoạt động chữ thập đỏ về cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa; chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng; sơ cấp cứu ban đầu; vận động hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa; tuyên truyền các giá trị nhân đạo.
c) Tham gia giám sát và phản biện xã hội các vấn đề liên quan đến hoạt động nhân đạo.
d) Tham mưu trình Chính phủ vận động, trợ giúp nhân dân nước khác khi thiên tai, thảm họa xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng; tham gia cứu trợ quốc tế.
đ) Thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác do Nhà nước giao.
3. Quyền hạn của Hội:
a) Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan đến nhân đạo.
b) Tham gia thực hiện một số dịch vụ công thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.
c) Tham gia xây dựng và thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện xã hội các chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội; tiếp nhận tài trợ, tổ chức các hoạt động gây quỹ theo quy định của pháp luật; được cấp kinh phí hoạt động và kinh phí đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ do Nhà nước giao.
d) Được gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật.
đ) Tập hợp, nghiên cứu ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ gửi tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết và tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Điều 6. Cơ quan lãnh đạo và bộ máy chuyên trách của Hội
1. Cơ quan lãnh đạo Hội gồm:
a) Đại hội Hội.
b) Ban Chấp hành Hội.
c) Ban Thường vụ Hội.
2. Bộ máy chuyên trách của Hội gồm:
a) Văn phòng và các ban, đơn vị chuyên môn.
b) Tổ chức, nhân sự bộ máy chuyên trách của Hội do cấp có thẩm quyền quy định để bảo đảm Hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Hội.
c) Hội được thành lập Hội đồng Tư vấn gồm các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, những người hoạt động thực tiễn, các cán bộ có kinh nghiệm, tâm huyết, có đủ phẩm chất, năng lực về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Hội. Quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng Tư vấn do Ban Thường vụ Hội quy định.
d) Các pháp nhân trực thuộc.
Điều 7. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
1. Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, được tổ chức theo nhiệm kỳ 05 năm một lần hoặc bất thường. Ban Chấp hành đương nhiệm triệu tập và quyết định thành Phần, số lượng đại biểu tham dự, thời gian và địa điểm tổ chức Đại hội.
2. Đại hội đại biểu bất thường được Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triệu tập khi ít nhất có 2/3 (hai Phần ba) số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hoặc quá 1/2 (một Phần hai) số tỉnh, thành Hội đề nghị.
3. Đại hội được tổ chức dưới hình thức đại hội đại biểu và chỉ được tổ chức khi có trên 2/3 (hai Phần ba) số đại biểu chính thức có mặt.
4. Nhiệm vụ chính của Đại hội:
a) Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Hội nhiệm kỳ vừa qua và quyết định phương hướng, nhiệm vụ của Hội nhiệm kỳ tới;
b) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội;
c) Bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội;
d) Thông qua Nghị quyết Đại hội.
5. Nguyên tắc biểu quyết tại Đại hội
a) Đại hội thực hiện biểu quyết bằng hình thức giơ tay.
b) Việc biểu quyết thông qua các quyết định của đại hội phải được trên 1/2 (một Phần hai) đại biểu chính thức có mặt tán thành.
Điều 8. Đại hội Hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và tương đương
1. Đại hội Hội cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương được tổ chức 5 năm một lần dưới hình thức đại hội đại biểu; đại hội Hội cấp xã và tương đương được tổ chức 5 năm một lần dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu. Đại hội chi hội và tổ chức Hội trong trường học do Ban Thường vụ Trung ương Hội quy định.
2. Đại hội bất thường Hội Chữ thập đỏ các cấp được triệu tập khi ít nhất 2/3 (hai Phần ba) số ủy viên Ban Chấp hành Hội cấp đó hoặc quá 1/2 (một Phần hai) số tổ chức Hội trực thuộc đề nghị và được Ban Thường vụ Hội cấp trên trực tiếp đồng ý.
3. Đại hội Hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và tương đương chỉ được tổ chức khi có trên 2/3 (hai Phần ba) số đại biểu chính thức có mặt.
4. Đại hội Hội các cấp có nhiệm vụ:
a) Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của cấp Hội nhiệm kỳ qua và quyết định phương hướng, nhiệm vụ của cấp Hội nhiệm kỳ tới;
b) Bầu Ban Chấp hành Hội;
c) Góp ý cho các văn kiện đại hội Hội cấp trên (nếu có) và bầu đại biểu đi dự đại hội Hội cấp trên;
d) Thông qua Nghị quyết Đại hội.
5. Nguyên tắc biểu quyết tại đại hội: thực hiện theo Khoản 5 Điều 7 Điều lệ này.
Điều 9. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực các cấp Hội
1. Ban Chấp hành cấp Hội:
a) Là cơ quan lãnh đạo cao nhất của cấp Hội giữa hai kỳ đại hội; do đại hội cấp đó bầu ra; Điều hành công việc ngay sau khi được bầu và được công nhận chính thức khi có quyết định chuẩn y của Hội cấp trên trực tiếp.
b) Số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn ủy viên Ban Chấp hành cấp nào do đại hội cấp đó quyết định. Khi khuyết ủy viên Ban Chấp hành thì được bầu bổ sung nhưng không được quá 1/3 (một Phần ba) số ủy viên do Đại hội quyết định và phải được Ban Thường vụ Hội cấp trên trực tiếp công nhận. Ban Chấp hành cùng cấp khi cần thiết được bầu thêm ủy viên Ban Chấp hành nhưng không quá 10% (mười Phần trăm) số ủy viên Ban Chấp hành do đại hội cấp đó quyết định.
c) Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành là 05 (năm) năm.
2. Ban Thường vụ cấp Hội là cơ quan lãnh đạo của Hội giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, do Ban Chấp hành cấp đó bầu ra. Cơ cấu, số lượng ủy viên Ban Thường vụ cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó quyết định, nhưng không quá 1/3 (một Phần ba) số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp.
3. Thường trực Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các cấp Hội:
a) Ở Trung ương Hội: Chủ tịch, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, các Phó Chủ tịch là Thường trực của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội. Số lượng Phó Chủ tịch do Ban Chấp hành quyết định thông qua đề án nhân sự nhiệm kỳ.
b) Ở cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương: Chủ tịch, Phó Chủ tịch là bộ phận thường trực của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội cùng cấp.
c) Ở cấp xã và tương đương: Chủ tịch, Phó chủ tịch là bộ phận thường trực của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội cùng cấp. Ban Chấp hành chi hội bầu Chi Hội trưởng, Chi Hội phó. Tổ hội bầu Tổ hội trưởng, Tổ hội phó.
Điều 10. Chủ tịch danh dự của Hội
1. Các cấp Hội được mời Chủ tịch danh dự.
2. Việc mời Chủ tịch danh dự cấp nào do Đại hội hoặc Ban Chấp hành cấp đó quyết định trong nhiệm kỳ Đại hội của cấp đó.
Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Hội
1. Lãnh đạo toàn Hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc, tham mưu với Đảng và Nhà nước lãnh đạo, quản lý công tác nhân đạo và hoạt động của Hội; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân trong hoạt động nhân đạo.
2. Đánh giá kết quả công tác hàng năm và quyết định Chương trình công tác năm tới của toàn Hội.
3. Bầu Ban Thường vụ Trung ương Hội; bầu Chủ tịch, các Phó chủ tịch trong số ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội.
4. Bầu Ban Kiểm tra Trung ương Hội và kiện toàn trong trường hợp khuyết Trưởng ban, Phó trưởng ban hay ủy viên Ban Kiểm tra.
5. Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thường vụ, Thường trực Trung ương Hội.
6. Ban Chấp hành hoạt động theo Quy chế làm việc của Ban chấp hành, họp định kỳ ít nhất 01 lần trong năm. Nếu quá 2/3 (hai Phần ba) số ủy viên Ban Chấp hành đề nghị thì Ban Thường vụ triệu tập hội nghị Ban Chấp hành bất thường. Các cuộc họp của Ban Chấp hành hợp lệ khi có trên 2/3 (hai Phần ba) số Ủy viên Ban Chấp hành tham dự. Quyết định, Nghị quyết của Ban Chấp hành được thông qua khi có trên 2/3 (hai Phần ba) số Ủy viên Ban Chấp hành tham dự biểu quyết tán thành. Trong trường hợp ý kiến tán thành và không tán thành bằng nhau thì quyết định thuộc về bên có ý kiến của Chủ tịch Hội.
Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Ban Thường vụ Trung ương Hội
1. Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội lãnh đạo mọi mặt công tác của Hội giữa hai kỳ hội nghị Ban Chấp hành.
2. Quyết định các chủ trương, biện pháp và tổ chức thực hiện nghị quyết, chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Hội.
3. Quy định việc đóng và sử dụng hội phí.
4. Tổng kết mô hình, chuyên đề và các hoạt động của Hội.
5. Quy định công tác Thi đua - Khen thưởng của Hội.
6. Ban Thường vụ Trung ương Hội họp định kỳ ít nhất 6 tháng một lần; có thể họp bất thường theo yêu cầu của Chủ tịch hoặc của trên 2/3 (hai Phần ba) số ủy viên Ban Thường vụ. Các cuộc họp, hội nghị của Ban Thường vụ hợp lệ khi có trên 2/3 (hai Phần ba) số ủy viên Ban Thường vụ tham dự. Quyết định của Ban Thường vụ được thông qua khi có trên 2/3 (hai Phần ba) số ủy viên Ban Thường vụ tham dự biểu quyết tán thành. Trong trường hợp ý kiến tán thành và không tán thành bằng nhau thì quyết định thuộc về bên có ý kiến của Chủ tịch Hội.
7. Khi khuyết ủy viên Ban Thường vụ thì được bầu bổ sung nhưng không được quá 1/3 (một Phần ba) số ủy viên do Đại hội quyết định.
Điều 13. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thường trực Trung ương Hội
1. Thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Hội chỉ đạo, Điều hành, giải quyết mọi công việc của Hội giữa hai kỳ họp của Ban Thường vụ và báo cáo kết quả công việc với Ban Thường vụ trong kỳ họp gần nhất.
2. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chủ trương công tác của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội.
3. Quyết định các biện pháp để kịp thời vận động, trợ giúp đồng bào trong nước và nhân dân các nước khác khi thiên tai, thảm họa xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng.
4. Chỉ đạo tiếp nhận, quản lý, phân phối và sử dụng nguồn cứu trợ, viện trợ.
5. Thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Hội quy định hiện vật khen thưởng và quyết định các hình thức khen thưởng của Hội.
6. Giữ mối liên hệ và đại diện cho Hội trong các quan hệ đối nội và đối ngoại.
7. Lãnh đạo, quản lý, Điều hành cơ quan Trung ương Hội; xây dựng cơ quan Trung ương Hội vững mạnh.
8. Tùy theo nhu cầu, Thường trực Trung ương Hội lập các ban, đơn vị và trung tâm trực thuộc.
Điều 14. Chủ tịch, các Phó chủ tịch Trung ương Hội
1. Chủ tịch Hội
a) Chủ tịch Trung ương Hội là người "đứng đầu, đại diện pháp luật của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ về hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; là Thủ trưởng và là Chủ tài Khoản Cơ quan Trung ương Hội; chỉ đạo, Điều hành toàn diện các mặt công tác của Hội theo Nghị quyết Đại hội, Nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội, Luật hoạt động Chữ thập đỏ; thay mặt Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các quan hệ đối nội và đối ngoại của Hội;
b) Chỉ đạo việc chuẩn bị và chủ trì các kỳ họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Trung ương Hội;
c) Phối hợp với các tỉnh, thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ;
d) Chỉ đạo triển khai, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quyết định, kết luận và các Chương trình công tác của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Trung ương Hội;
đ) Thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác thuộc thẩm quyền được giao.
2. Các phó Chủ tịch Trung ương Hội giúp việc Chủ tịch và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch và trước pháp luật về các công việc được Chủ tịch phân công phụ trách hoặc được Chủ tịch ủy quyền thực hiện.
3. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Chủ tịch nêu tại Khoản 2 Điều này còn có trách nhiệm giúp Chủ tịch Điều phối hoạt động của các ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội; chủ trì việc chuẩn bị nội dung các kỳ họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Trung ương Hội; xây dựng kế hoạch, Chương trình công tác của Thường trực Trung ương Hội và Điều hành, phối hợp công tác giữa các ủy viên Thường trực Trung ương Hội.
Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương
1. Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương bầu Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch trong số ủy viên Ban Thường vụ. Số lượng Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Thường vụ cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó quyết định.
2. Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh được lập các ban, đơn vị và trung tâm trực thuộc.
3. Bầu và kiện toàn Ban Kiểm tra Hội cùng cấp trong trường hợp khuyết Trưởng ban, Phó trưởng ban hay Ủy viên Ban Kiểm tra.
4. Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương có nhiệm vụ:
a) Lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra cấp dưới thực hiện Nghị quyết Đại hội cấp mình và các chủ trương công tác của Hội cấp trên;
b) Đánh giá kết quả công tác theo định kỳ và quyết định Chương trình công tác tới;
c) Thông qua việc thu, chi, tiếp nhận, phân phối, sử dụng hàng, tiền cứu trợ, viện trợ (nếu có);
d) Chỉ đạo xây dựng quỹ Hội, thu và sử dụng hội phí;
đ) Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của thường trực cấp Hội cùng cấp.
5. Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương họp định kỳ ít nhất 6 tháng một lần.
Điều 16. Hội Chữ thập đỏ cấp xã và tương đương
1. Hội Chữ thập đỏ cấp xã và tương đương là nền tảng cơ sở của Hội.
2. Ban Chấp hành Hội cấp xã có nhiệm vụ:
a) Tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội cấp mình và các chủ trương công tác của Ban chấp hành Hội cấp trên.
b) Liên hệ mật thiết, động viên, khuyến khích và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ.
c) Xây dựng quỹ hội, phát triển hội viên, tình nguyện viên và xây dựng tổ chức Hội cơ sở vững mạnh.
3. Ban Chấp hành Hội cấp xã họp định kỳ ít nhất 3 tháng một lần.
4. Ban Chấp hành Hội cấp xã được lập các phi hội, tổ hội trực thuộc. Chi hội được bầu Chi Hội trưởng, Chi Hội phó; tổ hội bầu Tổ hội trưởng, Tổ hội phó.
CÁN BỘ, HỘI VIÊN, TÌNH NGUYỆN VIÊN, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN CHỮ THẬP ĐỎ
1. Cán bộ Hội là những người do đại hội cấp Hội bầu ra hoặc được cấp có thẩm quyền Điều động, luân chuyển, phân công, tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ Hội, được giao nhiệm vụ thường xuyên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội.
2. Cán bộ Hội gồm cán bộ chuyên trách và cán bộ không chuyên trách.
a) Cán bộ Hội chuyên trách là người đảm nhiệm công việc thường xuyên trong tổ chức Hội, được đại hội cấp Hội bầu ra hoặc được cấp có thẩm quyền của Hội tuyển dụng, bổ nhiệm; được hưởng mọi quyền lợi theo quy định của Nhà nước và của Hội; có nhiệm vụ hoàn thành công việc được giao, thực hiện nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Hội.
b) Cán bộ Hội không chuyên trách là người làm việc kiêm nhiệm, được đại hội cấp Hội bầu ra nhưng không đảm nhiệm công việc thường xuyên trong tổ chức Hội; được cấp Hội có thẩm quyền công nhận hoặc chỉ định.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cán bộ Hội thuộc quyền quản lý của cấp nào thì do cấp đó quy định.
4. Việc tiếp nhận, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định pháp luật và của Hội về công tác cán bộ.
1. Hội viên của Hội gồm: hội viên cá nhân và hội viên tập thể.
a) Hội viên cá nhân: là những người Việt Nam đủ 16 tuổi trở lên, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội, đóng hội phí, tham gia sinh hoạt trong tổ chức của Hội, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của hội viên cá nhân thì được công nhận là hội viên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
b) Hội viên tập thể: là tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài nước tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội, đóng hội phí, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của hội viên tập thể, tham gia sinh hoạt trong tổ chức của Hội được công nhận là hội viên tập thể của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
2. Các cấp Hội được mời những người có uy tín, tâm huyết, có Điều kiện tham gia công tác nhân đạo làm hội viên danh dự của Hội. Hội viên danh dự không phải đóng hội phí và không tham gia biểu quyết các vấn đề của Hội.
Điều 19. Nhiệm vụ và quyền hạn của hội viên
1. Hội viên có các nhiệm vụ sau:
a) Chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuân thủ Điều lệ và các nghị quyết của Hội; tuyên truyền tôn chỉ, Mục đích của Hội.
b) Tham gia tích cực các hoạt động của Hội; giúp đỡ và vận động giúp đỡ những người khó khăn; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn.
c) Tham gia xây dựng Hội vững mạnh và đóng hội phí theo quy định.
2. Hội viên cá nhân có các quyền sau:
a) Được ứng cử, đề cử vào ban lãnh đạo Hội.
b) Được đề xuất, thảo luận, biểu quyết và giám sát các công việc của Hội.
c) Được sinh hoạt, hoạt động, được cung cấp thông tin về Hội.
d) Được Hội bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp và giúp đỡ khi gặp khó khăn; được khen thưởng theo quy định của Hội và của Nhà nước.
đ) Trong khi tham gia hoạt động Chữ thập đỏ, hội viên bị thiệt hại về tài sản, tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì được Hội đề nghị giải quyết chính sách theo quy định của pháp luật.
e) Được thôi không là hội viên khi không đủ Điều kiện tham gia.
3. Hội viên tập thể có các quyền sau:
a) Được bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp khi tham gia các hoạt động nhân đạo của Hội; được khen thưởng theo quy định của Hội và của Nhà nước.
b) Được sử dụng logo của tổ chức, đơn vị mình trong một số hoạt động Chữ thập đỏ mà tổ chức, đơn vị có đóng góp.
c) Được thôi không là hội viên khi không đủ Điều kiện tham gia
4. Đối với hội viên được công nhận hội viên hạng Bạch kim, hạng Vàng và hạng Bạc, ngoài quyền lợi và nghĩa vụ như hội viên hoạt động còn có các quyền sau:
a) Hội viên hạng Bạch kim được tham gia ứng cử vào Ban chấp hành Hội các cấp; được sử dụng logo của tổ chức/doanh nghiệp trong các hoạt động Chữ thập đỏ mà hội viên trực tiếp tham gia; được tham gia đóng góp ý kiến cho chiến lược phát triển chung của Hội; được xem xét tham gia các sự kiện do Trung ương Hội tổ chức.
b) Hội viên hạng Vàng được tham gia ứng cử vào Ban chấp hành Hội cấp tỉnh; được tham gia đóng góp ý kiến cho chiến lược phát triển chung của Hội ở địa phương và tham dự các sự kiện lớn của tỉnh, thành Hội.
c) Hội viên hạng Bạc được tham gia ứng cử vào Ban chấp hành Hội cấp huyện; được tham gia đóng góp ý kiến cho kế hoạch phát triển chung của Hội ở địa phương và tham dự các sự kiện lớn của Hội cấp huyện.
5. Ban Thường vụ Trung ương Hội quy định việc công nhận danh hiệu hội viên, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của hội viên; tôn vinh, khen thưởng và phân cấp quản lý hội viên.
Điều 20. Tình nguyện viên Chữ thập đỏ
1. Tình nguyện viên Chữ thập đỏ là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi, tuân thủ Điều lệ Hội, các nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và các quy định tại Quy chế tình nguyện viên Chữ thập đỏ Việt Nam; có khả năng và Điều kiện tham gia các hoạt động nhân đạo do Hội tổ chức.
2. Tình nguyện viên Chữ thập đỏ có các danh hiệu: tình nguyện viên cấp một, tình nguyện viên cấp 2, tình nguyện viên cấp 3 và tình nguyện viên hoạt động1. Việc công nhận danh hiệu tình nguyện viên được căn cứ theo thâm niên hoạt động và những đóng góp của tình nguyện viên đối với hoạt động Hội.
3. Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tự nguyện đăng ký tham gia thực hiện các hoạt động chữ thập đỏ phù hợp với khả năng, Điều kiện của bản thân và đáp ứng các nhiệm vụ cụ thể của cấp Hội nơi tình nguyện viên Chữ thập đỏ sinh sống, công tác. Tình nguyện viên Chữ thập đỏ không phải đóng hội phí và không tham gia biểu quyết các vấn đề của Hội.
4. Ban Thường vụ Trung ương Hội quy định việc công nhận danh hiệu tình nguyện viên, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của tình nguyện viên Chữ thập đỏ; tôn vinh, khen thưởng và phân cấp quản lý tình nguyện viên.
Điều 21. Thanh niên Chữ thập đỏ
1. Thanh niên Chữ thập đỏ là công dân Việt Nam từ đủ 16 đến 30 tuổi tích cực tham gia các hoạt động của Hội, có Điều kiện, kỹ năng và tự nguyện tham gia hoạt động thanh niên Chữ thập đỏ. Thanh niên Chữ thập đỏ không phải đóng hội phí và không tham gia biểu quyết các vấn đề của Hội.
2. Các cấp Hội phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan tập hợp thanh niên tham gia các hoạt động nhân đạo nhằm giáo dục lòng nhân ái cho thanh niên và xây dựng Hội vững mạnh.
3. Ban Thường vụ Hội quy định nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của thanh niên Chữ thập đỏ.
Điều 22. Thiếu niên Chữ thập đỏ
1. Thiếu niên Chữ thập đỏ là thiếu niên Việt Nam, từ đủ 9 đến 16 tuổi; tự nguyện và có Điều kiện, khả năng tham gia hoạt động Chữ thập đỏ.
2. Tổ chức và hoạt động, quyền và nghĩa vụ của thiếu niên Chữ thập đỏ do Ban Thường vụ Hội phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan hướng dẫn cụ thể.
BIỂU TRƯNG, BÀI HÁT, ĐỒNG PHỤC CỦA HỘI
1. Hội có Biểu trưng riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
2. Biểu trưng của Hội do Ban Chấp hành Hội quyết định.
3. Biểu trưng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được đăng ký mẫu tại Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế; các cơ quan nhà nước, có thẩm quyền của Việt Nam; được thông báo tới Hội Chữ thập đỏ, Hội Trăng lưỡi liềm đỏ, Hội Pha lê đỏ các nước, vùng lãnh thổ và các tổ chức liên quan khác ở trong và ngoài nước.
4. Mọi vi phạm trong việc sử dụng Biểu trưng Hội đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 24. Bài hát truyền thống của Hội
1. Bài hát “Sức mạnh của nhân đạo”, nhạc và lời của nhạc sỹ Phạm Tuyên là bài hát chính thức của Hội.
2. Ban Thường vụ Trung ương Hội hướng dẫn sử dụng bài hát chính thức trong các nghi lễ, sinh hoạt, hoạt động của Hội.
Điều 25. Đồng phục và thẻ hội viên, thẻ tình nguyện viên Chữ thập đỏ
1. Hội sử dụng đồng phục, thẻ hội viên, thẻ tình nguyện viên Chữ thập đỏ thống nhất trong toàn quốc.
2. Ban Thường vụ Trung ương Hội quy định về đồng phục và thẻ hội viên, thẻ tình nguyện viên Chữ thập đỏ.
Điều 26. Ban Kiểm tra các cấp của Hội
1. Ban Kiểm tra của Hội được Ban chấp hành bầu, Ban Kiểm tra mỗi cấp gồm Trưởng ban là ủy viên Ban Thường vụ, một số ủy viên Ban Chấp hành và một số ủy viên không là ủy viên Ban Chấp hành. Việc kiện toàn Ban Kiểm tra khi khuyết ủy viên do Ban Chấp hành cùng cấp quyết định. Nhiệm kỳ của Ban Kiểm tra theo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành cùng cấp.
2. Ban Kiểm tra các cấp có nhiệm vụ:
a) Kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Hội; việc thu và sử dụng hội phí; các hoạt động kinh tế, tài chính; việc tiếp nhận, phân phối, sử dụng tiền, hàng cứu trợ, viện trợ; phát hiện những điển hình tiên tiến, mô hình tốt để nhân ra diện rộng.
b) Tham mưu cho cấp Hội (mà trực tiếp là Chủ tịch Hội) cùng cấp về công tác kiểm tra của Hội và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ.
c) Kiểm tra việc thi hành kỷ luật của tổ chức Hội cấp dưới.
d) Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ.
Điều 27. Nguyên tắc, lề lối làm việc của Ban Kiểm tra
1. Ban Kiểm tra các cấp làm việc theo chế độ tập thể.
2. Thẩm quyền quyết định kỷ luật đối với Ban Kiểm tra được áp dụng như đối với tổ chức Hội cùng cấp.
3. Thẩm quyền quyết định kỷ luật đối với ủy viên Ban Kiểm tra được áp dụng như đối với ủy viên Ban Chấp hành Hội cùng cấp.
1. Kinh phí hoạt động của Hội các cấp được hình thành từ các nguồn sau:
a) Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước với nhiệm vụ được nhà nước giao;
b) Hội phí của hội viên;
c) Kinh phí được cấp khi thực hiện các Chương trình, dự án, đề tài, đề án;
d) Thu nhập từ hoạt động kinh tế, dịch vụ mà pháp luật không cấm;
đ) Ủng hộ của các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài;
e) Các nguồn thu hợp pháp khác.
2. Các Khoản chi:
a) Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các công ước, Điều ước quốc tế về nhân đạo mà Việt Nam là thành viên; các nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế;
b) Phát triển hội viên, xây dựng hội vững mạnh; tổ chức các cuộc vận động, phong trào do Hội phát động;
c) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ;
d) Tổ chức các hoạt động chăm lo cho cán bộ, nhân viên của Hội; chi khen thưởng trong Hội;
đ) Trả lương, phụ cấp cán bộ chuyên trách, người lao động; trả phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ hội không chuyên trách;
e) Chi phí quản lý hành chính và các Khoản chi hợp lệ khác.
3. Kinh phí của Hội cấp nào do cấp đó quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật và của nhà tài trợ (đối với kinh phí, Chương trình, dự án được tài trợ).
4. Việc lập dự toán, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động của Hội thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Tài sản của Hội các cấp bao gồm:
1. Tài sản Nhà nước giao.
2. Tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài tặng, cho.
3. Tài sản từ các nguồn hợp pháp khác.
4. Việc quản lý, sử dụng tài sản, cơ sở vật chất của Hội được thực hiện theo quy định của Nhà nước, của Trung ương Hội và nhà tài trợ.
Điều 30. Quỹ hoạt động chữ thập đỏ
1. Hội được thành lập Quỹ hoạt động chữ thập đỏ theo quy định của pháp luật để phục vụ hoạt động nhân đạo, bao gồm: Quỹ cứu trợ khẩn cấp chữ thập đỏ; Quỹ trợ giúp nhân đạo chữ thập đỏ; Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và các quỹ thành Phần chữ thập đỏ khác.
2. Quỹ hoạt động chữ thập đỏ hình thành từ các nguồn sau:
a) Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;
b) Đóng góp tự nguyện, tài trợ của tổ chức, cá nhân; viện trợ nhân đạo của tổ chức quốc tế, chính phủ nước ngoài;
c) Các nguồn hợp pháp khác.
3. Việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý các quỹ hoạt động chữ thập đỏ được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC, HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI
Điều 31. Quan hệ giữa các cấp Hội
1. Quan hệ giữa Hội cấp trên với Hội cấp dưới là quan hệ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, hợp tác, phối hợp hành động.
2. Hội cấp dưới thực hiện chủ trương, nghị quyết, kế hoạch, Chương trình hành động của Hội cấp trên; thực hiện chế độ báo cáo với Hội cấp trên; kiến nghị với Hội cấp trên về các vấn đề có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hội.
3. Các cấp Hội chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp với nhau trong hoạt động.
Điều 32. Quan hệ giữa Hội với các cơ quan Đảng
1. Cấp Hội có trách nhiệm tham mưu với cấp ủy Đảng cùng cấp chủ trương, biện pháp về công tác nhân đạo.
2. Tham mưu với cấp ủy Đảng cùng cấp lãnh đạo cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân tại địa phương tham gia công tác nhân đạo; tham mưu Điều phối hoạt động nhân đạo, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng.
Điều 33. Quan hệ giữa Hội với các cơ quan nhà nước
1. Cấp Hội chủ động đề xuất, tham gia đóng góp ý kiến và giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách của chính quyền cùng cấp về công tác nhân đạo.
2. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật, Nhà nước bảo đảm về kinh phí để Hội thực hiện tốt những nhiệm vụ do Nhà nước giao và có cơ chế, chính sách phát huy vai trò của Hội trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, tham gia xóa đói, giảm nghèo, tổ chức hoạt động kinh tế, dịch vụ vì Mục tiêu nhân đạo. Hội chi trả thêm cho cán bộ bằng nguồn tự chủ bảo đảm tương ứng với chế độ phụ cấp của các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định.
3. Các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp có trách nhiệm thực hiện hoặc phối hợp với Hội thực hiện pháp luật về hoạt động chữ thập đỏ; tạo Điều kiện để Hội thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Các cơ quan thông tin đại chúng tích cực tuyên truyền, cổ vũ cho các hoạt động nhân đạo và hoạt động của Hội.
Điều 34. Quan hệ giữa Hội với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên
1. Quan hệ giữa Hội với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là quan hệ hợp tác bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau, phối hợp và thống nhất hành động trong thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và Chương trình liên quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
2. Hội chủ trì cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát thực hiện Quy chế phối hợp trong hoạt động nhân đạo.
Điều 35. Quan hệ của Hội với các tổ chức quốc tế
1. Hội có quan hệ với Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, các Hội quốc gia và các tổ chức quốc tế khác trong hoạt động nhân đạo trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, quy định của pháp luật Việt Nam, Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, pháp luật nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế.
2. Không lợi dụng hoạt động nhân đạo làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT CỦA HỘI
1. Tổ chức Hội và cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ thì được Hội khen thưởng hoặc đề nghị Nhà nước, các cấp chính quyền và các tổ chức liên quan khác khen thưởng theo quy định của pháp luật.
2. Ban Thường vụ Trung ương Hội quy định về thi đua - khen thưởng của Hội.
1. Cán bộ, hội viên và tổ chức Hội vi phạm pháp luật, Điều lệ Hội, làm tổn hại đến danh dự, uy tín của Hội thì tùy mức độ, tính chất vi phạm mà áp dụng một trong các hình thức kỷ luật:
a) Đối với cán bộ: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ ra khỏi Hội;
b) Đối với hội viên: khiển trách, cảnh cáo, khai trừ ra khỏi Hội;
c) Đối với tổ chức Hội: khiển trách, cảnh cáo, đề nghị cấp có thẩm quyền giải tán tổ chức đó.
2. Ban Thường vụ Trung ương Hội quy định về kỷ luật của Hội và hình thức kỷ luật đối với tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ.
ĐIỀU KHOẢN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
Điều 38. Chấp hành Điều lệ Hội
Tổ chức Hội, cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên chữ thập đỏ có trách nhiệm thi hành Điều lệ này.
Điều 39. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội
Chỉ Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội có quyền sửa đổi, bổ sung và được thông qua khi có 2/3 (hai Phần ba) tổng số đại biểu chính thức tham dự tán thành Điều lệ Hội. Điều lệ Hội và các nội dung sửa đổi được thông báo cho Hiệp Hội và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế.
1. Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gồm 09 (chín) Chương, 40 (Bốn mươi) Điều, được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nhiệm kỳ 2017 - 2022 thông qua ngày 15 tháng 8 năm 2017 và có hiệu lực kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; được áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống Hội.
2. Ban Thường vụ Trung ương Hội chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Điều lệ này trong hệ thống Hội./.
- 1Quyết định 1348/QĐ-BNV năm 2012 phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 2Quyết định 162/QĐ-BNV năm 2011 phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Đông y Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 3Quyết định 728/QĐ-BGDĐT Điều lệ Giải Bóng đá Hội khỏe Phù Đổng học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở toàn quốc Cúp Milo lần thứ XV - 2017 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 4Quyết định 347/QĐ-TTg năm 2017 phê chuẩn Điều lệ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 972/QĐ-BNV năm 2017 phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Người cao tuổi Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 6Chỉ thị 47-CT/TW năm 2020 về lãnh đạo đại hội hội chữ thập đỏ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 7Quyết định 1685/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 895/QĐ-TTg năm 2023 về Kế hoạch thực hiện Kết luận 44-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Luật hoạt động chữ thập đỏ 2008
- 2Hiến pháp 2013
- 3Luật ngân sách nhà nước 2015
- 4Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 5Quyết định 162/QĐ-BNV năm 2011 phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Đông y Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 6Quyết định 728/QĐ-BGDĐT Điều lệ Giải Bóng đá Hội khỏe Phù Đổng học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở toàn quốc Cúp Milo lần thứ XV - 2017 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 7Quyết định 347/QĐ-TTg năm 2017 phê chuẩn Điều lệ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 972/QĐ-BNV năm 2017 phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Người cao tuổi Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 9Chỉ thị 47-CT/TW năm 2020 về lãnh đạo đại hội hội chữ thập đỏ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 10Quyết định 1685/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 895/QĐ-TTg năm 2023 về Kế hoạch thực hiện Kết luận 44-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 282/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 282/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/03/2018
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/03/2018
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực