Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 281/QĐ-UBND | An Giang, ngày 25 tháng 02 năm 2014 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 2163/QĐ-UBND ngày 29/11/2012 của UBND tỉnh An Giang về Ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 68/TTr-SKHĐT ngày 20/02/2014 và Tờ trình số 18/TTr-SNN&;PTNT, ngày 14/02/2014 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030,
QUYẾT ĐỊNH:
1. Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/6/2012 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh An Giang ban hành kế hoạch cụ thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, cơ bản đến năm 2020 hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, nâng cao năng suất và phẩm chất, tăng thu nhập cho nông dân.
2. Quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng, theo hướng sản xuất hàng hóa. Phát huy nội lực và sử dụng tốt mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển nông nghiệp theo hướng xuất khẩu, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp với nhu cầu và khả năng tiêu thụ, tăng năng suất đi đôi với nâng cao chất lượng.
3. Xây dựng những chính sách đồng bộ, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu với triển khai ứng dụng thực tế. Chú trọng công tác thị trường, sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường; Xây dựng mối quan hệ sản xuất tiên tiến trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
4. Làm cơ sở để triển khai chi tiết Quy hoạch vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo xu hướng được phép bổ sung, điều chỉnh theo định kỳ hàng năm nếu có phát sinh.
1. Mục tiêu tổng quát:
a) Phát triển và ứng dụng rộng rãi, hiệu quả các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất lúa, liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời đảm bảo an ninh lương thực và tăng thu nhập cho nông dân. Khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai và điều kiện tự nhiên trong việc sản xuất lúa.
b) Phát triển sản xuất lúa theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người sản xuất góp phần xóa đói giảm nghèo. Nâng cao kiến thức, kỹ năng (quản lý) thay đổi tập quán canh tác của nông dân góp phần giúp nông dân vững tin trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Ứng dụng tổng hợp các tiến bộ kỹ thuật theo hướng công nghệ cao trong sản xuất lúa để đến năm 2020:
- Tăng năng suất 0,3 - 0,4 tấn/ha so với không ứng dụng công nghệ cao;
- Giảm giá thành sản xuất từ 15 - 20 % so với không tham gia mô hình;
- Nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu;
- Mỗi huyện hình thành ít nhất 01 - 03 vùng sản xuất lúa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật theo hướng công nghệ cao với quy mô tập trung: 80-100ha/vùng, liên kết 4 nhà góp phần giải quyết hạ giá thành sản xuất, bảo đảm đầu ra ổn định.
b) Định hướng đến năm 2030 mỗi huyện có khoảng 3-5 vùng sản xuất lúa theo hướng công nghệ cao với quy mô tập trung: 100 - 200 ha, bảo đảm đầu ra ổn định.
Để đáp ứng yêu cầu mục tiêu đề ra cần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, hướng về xuất khẩu, có năng suất ổn định, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đầu tư tập trung, tăng cường liên kết giữa các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Tại các vùng sản xuất chuyên canh lúa, phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển các cụm trọng điểm (kho, bãi, nơi sơ chế sản phẩm).
Ở mỗi vùng quy hoạch, có các tổ hợp tác liên kết nông nghiệp, tổ sản xuất giống nguyên chủng và xác nhận, cơ sở thu mua và sơ chế biến nông sản, đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp, văn phòng tư vấn dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp,... áp dụng công nghệ, tiêu chuẩn tiên tiến, khép kín xử lý chất thải như rơm, trấu để tái tạo năng lượng phục vụ cho sản xuất thông qua các hình thức kết hợp trồng nấm rơm, sử dụng nấm trichoderma xử lý rơm rạ và ủ rơm thành dạng phân hữu cơ, ép trấu dạng than, sử dụng trấu sấy lúa,... Xung quanh các tổ, cơ sở này là các vùng cung cấp nguyên liệu đồng bộ sản xuất 1 - 3 loại giống lúa, liên kết bằng hợp đồng với công ty, doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra, cho sản phẩm đồng thời đáp ứng được nhu cầu thị trường.
1. Sản xuất lúa giống:
a) Bố trí thời vụ của vùng sản xuất lúa giống: Trên cơ sở lịch thời vụ chung của cả khu vực; quy hoạch chọn tiểu vùng để sản xuất lúa giống ở mỗi huyện, thị, thành có lịch xuống giống sớm hơn lịch thời vụ phổ biến của vùng 5-10 ngày để khi thu hoạch đảm bảo cung cấp giống cho vùng quy hoạch sản xuất lúa hàng hóa. Tập trung nâng chất các cơ sở sản xuất lúa giống tại mỗi huyện, thị (ít nhất 01 cơ sở/huyện): đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác sản xuất lúa giống; đăng ký kiểm định - kiểm nghiệm để chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn hạt giống; lúa giống được đóng bao, có nhãn mác (đăng ký kinh doanh).
b) Gắn kết các cơ sở sản xuất lúa giống vào vùng nguyên liệu cánh đồng mẫu lớn để cung ứng giống; Chọn giống để nhân: tập trung nhân các giống lúa trong cơ cấu giống chủ lực của tỉnh (3-5 giống, tùy vùng), vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp về chủng loại giống.
c) Tổng diện tích quy hoạch sản xuất lúa giống là 2.870 ha
- Giai đoạn 2013 - 2015, quy hoạch diện tích sản xuất lúa giống: 1.654 ha;
- Giai đoạn 2016 - 2020, quy hoạch diện tích sản xuất lúa giống: 2.806 ha;
- Định hướng 2030 sản xuất lúa giống: 2.870 ha ở 11 huyện, thị, thành.
2. Sản xuất lúa theo GlobalGAP:
a) Trên cơ sở các vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP đã hình thành từ năm 2010 tiếp tục duy trì hoạt động và đảm bảo các điều kiện để tái chứng nhận đạt yêu cầu. Ưu tiên tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm lúa theo tiêu chuẩn Global GAP. Tổ hợp tác, Hợp tác xã nông nghiệp "liên kết ngang" với các công ty cung ứng giống, vật tư nông nghiệp đến cuối vụ cho những nông hộ có nhu cầu, đồng thời Tổ hợp tác, Hợp tác xã nông nghiệp đảm bảo việc kiểm soát đầu vào, đầu ra sản phẩm
b) Đơn vị quản lý hệ thống chất lượng xây dựng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn Global GAP từ khâu chuẩn bị đất, xuống giống đến thu hoạch. Yêu cầu nông dân tuyệt đối tuân thủ việc mua, bảo quản, sử dụng vật tư nông nghiệp, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và bảo vệ nghiêm ngặt môi trường đồng ruộng. Mô hình đòi hỏi tính tập thể cao và vai trò có tính quyết định của tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc quản lý, kiểm soát dư lượng thuốc hóa học, ghi chép nhật ký sản xuất và đại diện ký hợp đồng hợp tổ chức tiêu thụ sản phẩm, nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và hướng đến phát triển bền vững cho ngành hàng lúa gạo xuất khẩu trong tương lai.
c) Tổng diện tích quy hoạch sản xuất lúa theo Global GAP là 1.200 ha
- Giai đoạn 2013 - 2015 ổn định sản xuất lúa theo GlobalGAP 100 ha;
- Giai đoạn 2016 - 2020 sản xuất lúa theo GlobalGAP 600 ha;
- Định hướng 2030 sản xuất lúa theo GlobalGAP 1.200 ha.
3. Sản xuất lúa thơm đặc sản:
a) Cần phải đảm bảo chỉ gieo sạ một vài giống chủ lực, có phẩm cấp gần nhau, sản lượng lớn, chất lượng cao để đáp ứng công tác xây dựng thương hiệu đối với sản xuất lúa thơm cũng như nếp đặc sản. Thực hiện áp dụng quy trình sản xuất theo "1 phải 5 giảm", diện tích thu hoạch bằng máy đạt 97% diện tích xuống giống. Hệ thống sấy đủ sức đáp ứng nhu cầu.
b) Tổng diện tích quy hoạch sản xuất lúa thơm đặc sản là 4.378 ha
- Giai đoạn 2013 - 2015 sản xuất lúa thơm đặc sản 2.428,5 ha ở 4/11 huyện, thị thành (Long Xuyên, Châu Phú, Tri Tôn và Tịnh Biên);
- Giai đoạn 2016 - 2020 sản xuất lúa thơm đặc sản 3.688 ha ở 4/11 huyện, thị thành (Long Xuyên, Châu Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn);
- Định hướng 2030 sản xuất lúa thơm đặc sản 4.378 ha ở 4/11 huyện, thị thành (Long Xuyên, Châu Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn).
4. Sản xuất lúa chất lượng cao theo dạng cánh đồng lớn:
a) Thực hiện liên kết, các cơ quan quản lý nông nghiệp của tỉnh đã làm cầu nối để các doanh nghiệp kinh doanh lương thực và các doanh nghiệp cung ứng đầu vào gặp nhau thông qua hợp đồng cụ thể. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giới thiệu doanh nghiệp kinh doanh lương thực trao đổi trực tiếp chính quyền địa phương huyện, xã, các Hợp tác xã và một số nông dân giỏi về hợp đồng tiêu thụ trước khi xuống thảo luận trực tiếp với nông dân để tiến đến ký hợp đồng tiêu thụ.
b) Liên kết với Doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá đại lý cấp I cung ứng cho nông dân đến cuối vụ không tính lãi. Doanh nghiệp tiêu thụ thu mua theo giá thị trường có thưởng cho nông dân từ 100-300 đồng/kg nếu lúa đạt yêu cầu về độ lẫn, tạp chất.v.v… Trên các cánh đồng mẫu lớn nông dân chỉ trồng 1 - 2 loại giống đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thường tập trung vào các giống chính như: Jasmine 85, OM 4218, OM 6976, Nếp CK92, CK 2003....
c) Tổng diện tích quy hoạch sản xuất lúa chất lượng cao theo dạng cánh đồng lớn là 90.932 ha.
- Giai đoạn 2013 - 2015: Sản xuất lúa, nếp chất lượng cao theo dạng cánh đồng lớn: 18.034 ha ở 10/11 huyện, thị xã, thành phố;
- Giai đoạn 2016 - 2020: Sản xuất lúa, nếp chất lượng cao theo dạng cánh đồng lớn: 71.793 ha ở 10/11 huyện, thị thành;
- Định hướng 2030: Sản xuất lúa, nếp chất lượng cao theo dạng cánh đồng lớn: 90.932 ha ở 10/11 huyện, thị xã, thành phố.
5. Sản xuất lúa Nhật:
a) Nông dân phải liên kết với nhau theo các tổ hợp tác để tận dụng ưu thế sản xuất theo quy mô (như bơm nước tưới tiêu, xuống giống đồng loạt, gia cố đê bao, chia sẻ kinh nghiệm...), để giảm chi phí chăm sóc và thu hoạch. Nông dân được Công ty ký hợp đồng cung ứng giống, vật tư nông nghiệp đến cuối vụ và tiêu sản phẩm lúa với giá cố định từ đầu vụ nên tránh được rủi ro biển động giá, yên tâm sản xuất. Công ty Angimex - Kitoku chủ động được vùng nguyên liệu lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
b) Tổng diện tích quy hoạch sản xuất lúa Nhật là 860 ha.
- Giai đoạn 2013 - 2015: Sản xuất lúa nhật: 480 ha tại thành phố Long Xuyên và huyện Châu Phú;
- Giai đoạn 2016 - 2020: Sản xuất lúa nhật: 510 ha tại TP. Long Xuyên và huyện Châu Phú;
- Định hướng 2030: Sản xuất lúa nhật: 860 ha tại TP. Long Xuyên và huyện Châu Phú.
6. Sản xuất lúa Nàng nhen hữu cơ:
a) Trên cơ sở các vùng sản xuất lúa Nàng nhen của huyện Tri Tôn trong thời gian qua tiếp tục duy trì hoạt động và nâng lên một bước mới sản xuất theo hướng hữu cơ đảm bảo gạo đặc sản sạch. Nông dân cần phải liên kết với nhau theo các tổ hợp tác để tận dụng ưu thế sản xuất theo quy mô (như bơm nước tưới tiêu, xuống giống đồng loạt, gia cố đê bao, chia sẻ kinh nghiệm...), để giảm chi phí chăm sóc và thu hoạch cũng như xây dựng thương hiệu đối với sản xuất lúa Nàng nhen hữu cơ cũng như nếp đặc sản.
b) Tổng diện tích quy hoạch sản xuất lúa Nàng Nhen hữu cơ là 700 ha.
- Giai đoạn 2013 - 2015: Sản xuất lúa Nàng nhen: 5 ha ở Tịnh Biên;
- Giai đoạn 2016 - 2020: Sản xuất lúa Nàng nhen hữu cơ: 500 ha ở Tri Tôn; Sản xuất lúa Nàng nhen: 160 ha ở Tịnh Biên (xã Văn Giáo 30 ha; TT Tịnh Biên 30 ha, An Hảo 100 ha tại Xà Nu xã An Hảo).
- Định hướng 2030: Sản xuất lúa Nàng nhen hữu cơ: 500 ha ở Tri Tôn; Sản xuất lúa Nàng nhen: 200ha ở Tịnh Biên (xã Văn Giáo 30ha; TT Tịnh Biên 30 ha, An Hảo 140 ha tại Xà Nu xã An Hảo).
7. Sản xuất lúa mùa nổi:
a) Bảo tồn 100 ha vào năm 2016 và mở rộng lên 500 ha vào năm 2030 để khôi phục mô hình canh tác lúa đặc sản của vùng Bảy Núi, sản xuất loại gạo sạch. Việc khôi phục bảo tồn cây lúa mùa nổi còn với mục đích tận dụng rơm rạ để phát triển cây màu, tăng vòng quay cho vùng đất Bảy Núi lên 1 vụ lúa - 1 vụ màu/năm. Xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ sạch cung cấp cho thị trường và phát triển du lịch sinh thái vào mùa nước nổi. Nghiên cứu phân bón hữu cơ trên lúa mùa nổi để qua đó tác động cho độ dẻo, thơm của hạt gạo làm ra và tăng năng suất.
b) Tổng diện tích quy hoạch sản xuất lúa mùa nổi là 500 ha.
- Giai đoạn 2016 - 2020: Sản xuất lúa mùa nổi: 200 ha ở xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn;
- Định hướng 2030: Sản xuất lúa mùa nổi: 500 ha ở xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn.
IV. Một số giải pháp thực hiện quy hoạch:
1. Giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư:
Tranh thủ các nguồn kinh phí từ các dự án của Tỉnh, Trung ương; cần thực hiện tốt việc xã hội hóa tạo được nguồn kinh phí thực hiện ngoài nguồn kinh phí của ngành Nông nghiệp còn có sự hỗ trợ kinh phí của các doanh nghiệp, địa phương; Tạo mối liên kết và lòng tin với các tổ chức quốc tế, Viện lúa IRRI để hỗ trợ, trao đổi về kỹ thuật và kinh phí; Tranh thủ khai thác các nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ cho việc thúc đẩy phát triển sản xuất thân thiện môi trường; Mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Các ngân hàng và tổ chức tín dụng cho vay sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với lãi suất ưu đãi.
2. Giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật
Đầu tư nâng cấp các hệ thống tưới tiêu bảo đảm đáp ứng kịp thời cho diện tích canh tác. Tu bổ đê điều phòng chống thiên tai bảo vệ sản xuất. Rà soát điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện mạng lưới trạm bơm. Thực hiện nâng cấp các trạm bơm, cổng tưới tiêu, bảo đảm tưới chủ động cho diện tích canh tác; Phát triển hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhằm tạo sự gắn kết liên hoàn, thông suốt với mạng lưới giao thông huyện, làm cầu nối các vùng nguyên liệu với nơi tiêu thụ, đảm bảo thuận tiện cho các phương tiện cơ giới hóa nông nghiệp đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện trong cả mùa khô và mùa mưa. Tập trung cải tạo mặt bằng đồng ruộng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng theo yêu cầu của các vùng quy hoạch. Tiếp tục việc đầu tư nâng cấp hệ thống đê bao kiểm soát lũ tháng tám và các vùng có đê bao kiểm soát lũ triệt để. Đầu tư phát triển trạm bơm điện theo tiêu chí nông thôn mới đến 2020, việc đầu tư sẽ giúp chuyển bơm dầu thành bơm điện ở những vùng có điều kiện, nhất là những tiểu vùng đê bao kiểm soát lũ triệt để, nhằm chủ động tưới tiêu phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu sản xuất.
3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề:
Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ trong lĩnh vực trồng trọt và từng bước xã hội hóa đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đặc biệt là công nghệ sinh học. Tăng cường công tác đào tạo chuyên môn về sản xuất lúa theo hướng công nghệ cao nhằm nâng cao trình độ năng lực cán bộ kỹ thuật để đảm bảo công tác điều hành, tiếp nhận và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ. Đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện về sản xuất lúa cho nông dân, giúp nâng cao kỹ năng sản xuất, đạt hiệu quả cao. Liên kết với các trung tâm nghiên cứu thực nghiệm trong và ngoài tỉnh có kinh nghiệm trong công tác sản xuất nông nghiệp, tham quan học tập đúc kết kinh nghiệm và ứng dụng thực tiễn. Đào tạo cán bộ chuyên môn thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ. Khuyến khích, có chính sách hỗ trợ cán bộ công chức, viên chức nghiên cứu luận án thạc sĩ, tiến sĩ thuộc lĩnh vực sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao.
4. Giải pháp phát triển doanh nghiệp, nông dân phát triển sản xuất:
Có sự liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, thu mua và chế biến lúa gạo đảm bảo chất lượng, an toàn sinh học để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và tiến tới xuất khẩu. Có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp về vốn, quỹ đất, thuế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng công nghệ cao hoặc kho chứa phục vụ việc sản xuất. Tổ chức cho nông dân tham quan các mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả. Tăng cường cơ chế chính sách đầu tư cho nông dân (vốn vay, lãi suất ưu đãi,....) để hỗ trợ khuyến khích nông dân trang bị máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thí điểm xây dựng mô hình hệ thống cung ứng phân bón từ công ty sản xuất đến đầu mối là Liên hiệp HTX, từ đó giao đến nông dân thông qua tổ hợp tác, đặc biệt là các vùng dự án GlobalGAP, VietGAP... Tập trung cho các vùng quy hoạch lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, rau, màu... Trên cơ sở đó, phát triển mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng.
5. Giải pháp tổ chức thị trường:
Thông tin và dự báo thị trường; Tổ chức mạng lưới lưu thông và tiêu thụ sản phẩm; Tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu sản phẩm; Giới thiệu trên phương tiện truyền thông đại chúng (truyền thanh, truyền hình, trang web,..); Đa dạng hóa các mô hình tiêu thụ theo hình thức phù hợp từng địa bàn; Thực hiện việc kinh doanh có địa chỉ, tiến tới có thương hiệu, có bao bì đóng gói, giá cả hợp lý, đảm bảo lợi ích của cả người sản xuất cũng như tiêu dùng. Xây dựng thương hiệu nông sản để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của nông sản. Yếu tố quan trọng để hình thành thương hiệu là sản phẩm phải có chất lượng cao và ổn định, có doanh nghiệp chế biến liên kết tiêu thụ sản phẩm.
6. Giải pháp khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường:
Thực hiện tốt lịch thời vụ xuống giống và xuống giống tập trung từng đợt né rầy; vùng đê bao kiểm soát lũ trồng được 3 vụ lúa trong năm thực hiện đúng quy định "3 năm 8 vụ" của UBND tỉnh. Nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến (công nghệ sinh học, cơ giới hóa, các tiến bộ kỹ thuật,...) trong nước và thế giới để đầu tư phát triển sản xuất lúa theo quy trình ứng dụng công nghệ cao phù hợp điều kiện sản xuất của từng vùng, từng địa phương với hiệu quả cao và bền vững. Trong đó tập trung áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quy trình canh tác: về giống; Củng cố, nâng cao chất lượng chương trình 3 giảm 3 tăng trên diện rộng, đồng thời triển khai nhân rộng chương trình 1 phải 5 giảm; Ứng dụng xử lý rơm rạ và phân hữu cơ, sinh học; Ứng dụng cơ giới hóa; Thủy lợi; Khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.
7. Giải pháp hợp tác với các đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh:
Phối hợp UBND huyện, thị nơi có vùng quy hoạch chỉ đạo thực hiện; Phối hợp với Viện, Trường huấn luyện và tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào trong sản xuất; Phối hợp với các công ty sản xuất kinh doanh lúa gạo, để gắn kết tìm đầu ra cho sản phẩm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; Phối hợp với Sở tài nguyên và môi trường thực hiện vệ sinh môi trường trong sản xuất lúa; Phối hợp với các tổ chức như: ngân hàng, quỹ tín dụng hỗ trợ vay vốn đầu tư (lãi suất và thủ tục). Có chính sách gắn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông dược, lương thực và thực phẩm trên địa bàn phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu trên cơ sở liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã và tổ chức thu mua thông qua hợp đồng nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm trồng trọt đồng thời tích cực tham gia trong việc bảo vệ môi trường hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
V. Danh mục các dự án đầu tư ưu tiên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
1. Dự án khảo nghiệm, tuyển chọn, nhân và phục tráng giống theo hướng công nghệ cao; dự kiến kinh phí thực hiện: 10 tỷ đồng;
2. Các dự án liên kết sản xuất lúa ứng dụng công nghệ, kinh phí dự kiến thực hiện: 95 tỷ đồng;
3. Các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống kênh mương, trạm bơm để chủ động tưới, tiêu cho vùng sản xuất lúa công nghệ cao.
Điều 2. Sau khi Quy hoạch được phê duyệt Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục điều chỉnh, bổ sung theo ý kiến đóng góp của các Sở, ban ngành và UBND huyện thị xã, thành phố trong tỉnh về nội dung quy hoạch hoặc có góp ý của các chuyên gia từ các dự án hợp tác trong và ngoài nước, các chuyên gia tình nguyện viên quốc tế đúng chuyên ngành và có thời gian làm việc với Chương trình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Khi có phát sinh, điều chỉnh có báo cáo bằng văn bản việc điều chỉnh về Sở Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 415/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại Nghệ An
- 2Quyết định 1737/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Kế hoạch đấu thầu gói thầu: Mua nguyên vật liệu phục vụ dự án "Nghiên cứu, lựa chọn giống lúa có năng suất và chất lượng bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, phục vụ xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa của tỉnh Bắc Giang"
- 3Quyết định 1351/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa (lúa, rau màu, thủy sản) tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 4Kế hoạch 262/KH-UBND năm 2018 thực hiện Dự án Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025 do tỉnh Tiền Giang ban hành
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Quyết định 2163/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 5Quyết định 415/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại Nghệ An
- 6Quyết định 1737/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Kế hoạch đấu thầu gói thầu: Mua nguyên vật liệu phục vụ dự án "Nghiên cứu, lựa chọn giống lúa có năng suất và chất lượng bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, phục vụ xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa của tỉnh Bắc Giang"
- 7Quyết định 1351/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa (lúa, rau màu, thủy sản) tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 8Kế hoạch 262/KH-UBND năm 2018 thực hiện Dự án Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025 do tỉnh Tiền Giang ban hành
Quyết định 281/QĐ-UBND năm 2014 về phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- Số hiệu: 281/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 25/02/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
- Người ký: Huỳnh Thế Năng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/02/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra