Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 281/QĐ-UBND | Phủ Lý, ngày 28 tháng 02 năm 2007 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “QUY HOẠCH VÀ QUẢN LÝ QUY HOẠCH CÁC ĐIỂM DÂN CƯ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM”
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XVII và Chương trình hành động của Uỷ ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội ban hành kèm theo Quyết định số 167/CTr-UBND ngày 27 tháng 02 năm 2006;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Quy hoạch và quản lý quy hoạch các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam”.
Điều 2. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, các xã, thị trấn và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
" QUY HOẠCH VÀ QUẢN LÝ QUY HOẠCH CÁC ĐIỂM DÂN CƯ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM"
(Ban hành kèm theo Quyết định số 281/QĐ-UBND ngày 28 tháng 02 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam)
THỰC TRẠNG CÁC ĐIỂM DÂN CƯ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. Thực trạng:
- Tỉnh Hà Nam ở phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên 859 km2, dân số 82 vạn người (năm 2005), có 6 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó thị xã Phủ Lý là trung tâm tỉnh lỵ và 5 huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm; 116 đơn vị hành chính cấp xã.
- Trong những năm qua, tình hình các điểm dân cư nông thôn trong toàn tỉnh như sau:
+ Phát triển tự phát do không có quy hoạch xây dựng dẫn đến cơ cấu sử dụng đất, tổ chức không gian, phân khu chức năng bất hợp lý, mất cân đối.
+ Công trình kiến trúc lộn xộn, manh mún, sao chép kiến trúc thành thị, làm mất dần bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc.
+ Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhỏ bé, lạc hậu, không tạo tiền đề cho sự phát triển hiện đại. Sử dụng đất lãng phí, khai thác tài nguyên không theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường.
2. Nguyên nhân:
- Hệ thống các văn bản pháp quy về quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn chưa được hoàn chỉnh thiếu hướng dẫn cụ thể và đồng bộ.
- Công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng tại các điểm dân cư nông thôn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; công tác quản lý xây dựng thiếu cơ sở pháp lý; thiếu kinh phí để lập quy hoạch.
- Cơ quan quản lý quy hoạch các cấp chưa được hoàn thiện, lực lượng cán bộ chuyên môn còn mỏng so với yêu cầu phát triển.
- Phân công, phân cấp, quản lý còn chồng chéo; ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao; hiệu lực quản lý kém làm ảnh hưởng đến công tác đầu tư và quản lý quy hoạch xây dựng.
MỤC TIÊU, NỘI DUNG, GIẢI PHÁP QUY HOẠCH VÀ QUẢN LÝ QUY HOẠCH ĐIỂM DÂN CƯ NÔNG THÔN HOẶC TRUNG TÂM XÃ
(gọi chung là điểm dân cư nông thôn)
1. Mục tiêu chung: Hình thành mạng lưới thị trấn, thị tứ, trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn có cơ sở kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; có môi trường sống đảm bảo, phát triển kinh tế, xã hội bền vững, ổn định trật tự xã hội an ninh quốc phòng, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.
2. Mục tiêu cụ thể:
Từ năm 2007 đến năm 2008 toàn bộ các xã trong tỉnh phải có quy hoạch xây dựng mạng lưới các điểm dân cư nông thôn được duyệt (riêng các xã thuộc thị xã Phủ Lý và các xã thuộc chuỗi đô thị Đồng Văn- Yên Lệnh gắn với quy hoạch đô thị). Căn cứ quy hoạch xây dựng mạng lưới các điểm dân cư nông thôn được duyệt, các xã tiến hành lập quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn trong phạm vi ranh giới hành chính xã theo nhu cầu của từng xã.
Trong đó:
- Năm 2007: Tổ chức lập và xét duyệt quy hoạch xây dựng mạng lưới các điểm dân cư nông thôn các xã có vị trí giáp Quốc lộ và các khu vực tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng, các khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
- Năm 2008: Thực hiện quy hoạch xây dựng mạng lưới các điểm dân cư nông thôn các xã còn lại.
II. Nội dung quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn:
Quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn bao gồm hai nội dung: Quy hoạch xây dựng mạng lưới các điểm dân cư nông thôn và Quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn trong phạm vi ranh giới hành chính xã.
1. Yêu cầu:
Phát triển hệ thống điểm dân cư nông thôn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của huyện và các quy hoạch ngành có liên quan như quy hoạch sử đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch thuỷ lợi, quy hoạch điện v.v…phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương, các quy định của pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn của Nhà nước có liên quan.
2. Nội dung quy hoạch mạng lưới các điểm dân cư nông thôn:
Xác định ranh giới, quy mô đất xây dựng, dự báo quy mô dân số trên địa bàn xã, và của các điểm dân cư theo từng giai đoạn quy hoạch; các yêu cầu về bố trí mạng lưới điểm dân cư; mạng lưới các công trình công cộng, công trình phục vụ sản xuất; Các yêu cầu quy hoạch mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối các điểm dân cư với nhau, yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường trong điểm dân cư.
3. Nội dung quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn hoặc trung tâm xã:
Xác định ranh giới, vị trí, nội dung cần cải tạo, chỉnh trang trong trung tâm xã hoặc các điểm dân cư như: các khu ở, các công trình phục vụ công cộng, phục vụ sản xuất; các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu về đất đai xây dựng và hạ tầng kỹ thuật; yêu cầu mở rộng đất đai xây dựng; yêu cầu về quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp với quy hoạch mạng lưới các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn xã.
1. Giải pháp về kinh phí:
a) Nguyên tắc:
Kinh phí được huy động từ ngân sách Nhà nước, đóng góp của các tổ chức xã hội, nhân dân.
Trong đó:
- Tỉnh hỗ trợ mỗi xã phần kinh phí quy hoạch và công bố quy hoạch xây dựng mạng lưới các điểm dân cư nông thôn trong địa bàn xã.
- Ngân sách xã bố trí cho quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn trong phạm vi ranh giới hành chính xã từ các nguồn: Kinh phí đấu giá quyền sử dụng đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, từ kinh phí cấp đất giãn dân, từ tiết kiệm ngân sách xã.
- Vốn huy động đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân để thực hiện dự án.
b) Tổng kinh phí thực hiện Đề án:
- Tỉnh hỗ trợ cho các xã kinh phí lập và công bố quy hoạch mạng lưới các điểm dân cư nông thôn. Trong đó:
Kinh phí lập và công bố quy hoạch mạng lưới các điểm dân cư nông thôn cho 01 xã: 30.000.000 đồng.
+ Kinh phí giai đoạn I:
Trong năm 2007: 45 xã x 30.000.000 đồng = 1.350.000.000 đồng.
+ Kinh phí giai đoạn II:
Trong năm 2008: 41 xã x 30.000.000 đồng = 1.230.000.000 đồng.
Tổng kinh phí: 2.580.000.000 đồng.
- Kinh phí quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn trong phạm vi ranh giới hành chính xã do các xã huy động từ các nguồn theo cơ chế được tỉnh quy định.
2. Giải pháp về nhân lực:
- Tổ chức tập huấn, đào tạo cho cán bộ chuyên môn các huyện kết hợp với các đơn vị tư vấn trong tỉnh lập đồ án quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn.
- Uỷ ban nhân dân xã phân công cán bộ theo dõi quản lý quy hoạch lâu dài, tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn, trình độ quản lý xây dựng cho cán bộ chuyên trách.
- Tổ chức tập huấn cho Tổ trưởng các thôn xóm, cán bộ phụ trách đoàn thể về thực hiện quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt.
- Tuyên truyền, phổ biến để người dân biết quy hoạch xây dựng của địa phương và các văn bản pháp luật của Nhà nước về quản lý xây dựng để chấp hành thực hiện theo quy hoạch.
3. Giải pháp hành chính:
- Tăng cường, củng cố bộ máy quản lý và trực tiếp thực hiện chương trình xây dựng và quản lý quy hoạch các điểm dân cư nông thôn tại địa phương.
- Hướng dẫn nội dung, phương pháp lập, xét duyệt quy hoạch.
- Tổ chức thực hiện chương trình xây dựng và quản lý quy hoạch các điểm dân cư nông thôn.
1. Tránh nhiệm của các đơn vị:
a) Uỷ ban nhân dân các xã:
- Tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch các điểm dân cư nông thôn, trình Hội đồng nhân dân xã thông qua bằng nghị quyết, trình Uỷ ban nhân dân huyện phê duyệt. Quản lý quy hoạch theo quy định của Nhà nước và của tỉnh.
- Tổ chức cắm mốc và quản lý, bảo vệ các mốc chỉ giới, lộ giới trên địa bàn xã; tuyên truyền, phổ biến các văn bản về quy hoạch xây dựng, các đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt.
- Tổ chức cấp giấy phép xây dựng theo quy hoạch tại những khu vực phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Uỷ ban nhân dân huyện.
- Kiểm tra các công trình xây dựng không phép, sai giấy phép; xử lý, đề nghị xử lý theo thẩm quyền những vi phạm hành chính trong xây dựng.
b) Uỷ ban nhân dân các huyện: Lập kế hoạch thực hiện; hướng dẫn, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã tổ chức lập quy hoạch mạng lưới điểm dân cư nông thôn, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch điểm dân cư nông thôn do Uỷ ban nhân dân xã trình duyệt sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện.
c) Sở Xây dựng:
- Dự thảo Quy định về quản lý quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn trong toàn tỉnh làm cơ sở để UBND xã thực hiện.
- Hướng dẫn các cơ quan chuyên môn cấp huyện về công tác lập, thẩm định, xét duyệt và quản lý xây dựng theo quy hoạch điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì thực hiện 03 đồ án quy hoạch xã và điểm dân cư nông thôn làm thí điểm, sau đó tổ chức sơ kết, tập huấn, rút kinh nghiệm để triển khai trên toàn tỉnh.
d) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Xây dựng cơ chế hỗ trợ, huy động vốn cho công tác quy hoạch điểm dân cư nông thôn, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Hằng năm theo tiến độ cân đối vốn ngân sách hỗ trợ cho các xã theo Quyết định của tỉnh.
đ) Sở Tài chính: Hướng dẫn và chỉ đạo việc cấp phát, quản lý, thanh quyết toán vốn ngân sách Nhà nước đối với các dự án quy hoạch điểm dân cư nông thôn.
e) Các Sở, ngành có liên quan trong tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiến hành nghiên cứu các chính sách, lập kế hoạch đầu tư phát triển ngành trên địa bàn nông thôn, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các huyện xã thực hiện quy hoạch điểm dân cư nông thôn đảm bảo thống nhất và đồng bộ.
2. Tiến độ thực hiện:
TT | Tên huyện | Giai đoạn I năm 2007 | Giai đoạn II năm 2008 |
1 | Duy Tiên | Hoàng Đông; Duy Minh; Bạch Thượng; Đọi Sơn; Châu Sơn; Mộc Nam; Mộc Bắc. | Tiên Phong; Duy Hải; Trác Văn; Tiên Hải; Tiên Nội; Tiên Ngoại. |
2 | Kim Bảng | Ngọc Sơn; Thi Sơn; Liên Sơn; Thanh Sơn, Khả Phong; Nhật Tân; Nhật Tựu. | Thụy Lôi; Tân Sơn; Tượng Lĩnh; Lê Hồ; Hoàng Tây; Văn Xá; Đại Cương; Nguyễn Uý. |
3 | Thanh Liêm | Thanh Hà; Thanh Tuyền; Thanh Phong; Thanh Nguyên; Thanh Hải; Thanh Nghị; Thanh Tân; Thanh Thuỷ. | Thanh Lưu; Liêm Thuận; Liêm Tiết; Liêm Sơn; Thanh Tâm; Thanh Bình; Liêm Phong; Liêm Cần; Liêm Túc; Liêm Tuyền. |
4 | Bình Lục | An Đổ; Bồ Đề; Vũ Bản; Đinh Xá; Tràng An; Tiêu Động; Ngọc Lũ, Trung Lương; Đồng Du; An Lão; Đồn Xá. | Bối Cầu; Mỹ Thọ; La Sơn; Hưng Công; Trịnh Xá; An Mỹ; An Nội; An Ninh. |
5 | Lý Nhân | Chân Lý; Bắc Lý; Nhân Đạo; Chính Lý; Hoà Hậu; Đồng Lý; Xuân Khê; Nhân Nghĩa; Nhân Bình; Hợp Lý; Văn Lý; Nhân Hưng. | Nhân Khang; Đạo Lý; Đức Lý; Nhân Thịnh; Nguyên Lý; Nhân Chính; Phú Phúc; Tiến Thắng; Công Lý. |
Phần Kết luận
Xây dựng và quản lý quy hoạch các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Đề án được thực hiện sẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng của nhân dân theo phương châm xây dựng nông thôn mới phát triển hài hoà, bền vững, phục vụ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn./.
- 1Quyết định 48/2006/QĐ-UB về phân cấp thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2Quyết định 93/2008/QĐ-UBND về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Quyết định 497/QĐ-UBND năm 2009 về phê duyệt quy hoạch xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai
- 4Quyết định 4230/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án nông thôn mới xã Hưng Long, huyện Bình Chánh giai đoạn 2013 - 2015 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng
- 3Quyết định 48/2006/QĐ-UB về phân cấp thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 4Quyết định 93/2008/QĐ-UBND về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 5Quyết định 497/QĐ-UBND năm 2009 về phê duyệt quy hoạch xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai
- 6Quyết định 4230/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án nông thôn mới xã Hưng Long, huyện Bình Chánh giai đoạn 2013 - 2015 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Quyết định 281/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt đề án quy hoạch và quản lý quy hoạch các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- Số hiệu: 281/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/02/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
- Người ký: Trần Xuân Lộc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra