Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NỘI VỤ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/QĐ-BNV | Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2009 |
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA VỤ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Vụ Chính quyền địa phương là tổ chức của Bộ Nội vụ, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về tổ chức chính quyền địa phương và địa giới hành chính.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Về công tác tổ chức chính quyền địa phương
a) Tham mưu, giúp Bộ trưởng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân; về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và bầu cử thành viên Uỷ ban nhân dân các cấp để trình cấp có thẩm quyền quyết định;
b) Xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo thẩm quyền để Bộ trưởng trình Chính phủ xem xét, quyết định hoặc ban hành theo thẩm quyền.
c) Hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của các địa phương; tổng hợp kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân để Bộ trưởng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tham gia hướng dẫn, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội;
d) Thẩm định về nhân sự đối với các chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trình cấp có thẩm quyền xem xét, giới thiệu để bầu cử theo quy định của pháp luật; thẩm định để Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn đối với chức danh Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ viên Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;
đ) Hướng dẫn và kiểm tra hoạt động của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật;
e) Tham dự các phiên họp định kỳ của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, khi cần thiết tham dự các cuộc họp của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bàn về xây dựng chính quyền, quản lý địa giới hành chính và chương trình làm việc toàn khoá, hàng năm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.
g) Thống kê số lượng, chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, thành viên Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; số lượng đơn vị hành chính các cấp.
2. Về công tác địa giới hành chính và đô thị:
a) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thành lập mới, sáp nhập, chia, tách, điều chỉnh địa giới hành chính; về quản lý, khai thác, sử dụng, lưu trữ hồ sơ địa giới hành chính; về đổi tên, phân loại đơn vị hành chính các cấp để Bộ trưởng trình Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra thực hiện đề án về thống nhất tên gọi, đặt tên mới, đổi tên các đối tượng địa lý trên đất liền, biển để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền quyết định;
c) Hướng dẫn, kiểm tra chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, phân vạch, điều chỉnh địa giới hành chính; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết địa giới hành chính cấp tỉnh khi còn có ý kiến khác nhau để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng đề án thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thành lập mới, đổi tên, sáp nhập, chia tách hoặc giải thể đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trực thuộc Trung ương để Bộ trưởng trình Chính phủ xem xét;
đ) Thẩm định hồ sơ, thủ tục đề nghị thành lập mới, sáp nhập, chia, tách, điều chỉnh địa giới hành chính, đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để Bộ trưởng trình Chính phủ;
e) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính do địa phương lập, sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền về thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới để trình Bộ trưởng quyết định đưa vào sử dụng và lưu trữ;
g) Thẩm định đề án nâng cấp về cấp quản lý hành chính đô thị thuộc tỉnh để Bộ trưởng trình Chính phủ quyết định;
h) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định hồ sơ, thủ tục để Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh; thẩm định hồ sơ, thủ tục để Bộ trưởng quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp huyện; giúp Bộ trưởng hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phân loại đơn vị hành chính cấp xã;
i) Quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp.
3. Về công tác xây dựng chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã; cán bộ không chuyên trách cấp xã, cán bộ thôn, tổ dân phố:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, văn bản hướng dẫn về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã; cán bộ không chuyên trách cấp xã, cán bộ thôn, tổ dân phố theo phân công để Bộ trưởng trình Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền;
b) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố để Bộ trưởng trình Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền; hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện các văn bản sau khi được ban hành;
c) Chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã khi được Bộ trưởng phân công;
d) Chủ trì theo dõi số lượng, chất lượng và phối hợp với Vụ Công chức, viên chức để tổng hợp số liệu về cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ không chuyên trách cấp xã, cán bộ thôn, tổ dân phố, báo cáo lãnh đạo Bộ theo định kỳ;
đ) Tham gia phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các đề án về đào tạo, bồi dưỡng đối với đại biểu Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và thực hiện khi được Bộ trưởng phân công; về tổ chức các hội nghị chuyên đề, tập huấn hướng dẫn nội dung có liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức cấp xã.
4. Về công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở, dân vận của chính quyền:
a) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; ở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước; ở doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước trên 51%, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công tác dân vận của chính quyền để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc ban hành theo thẩm quyền;
b) Kiểm tra việc thực hiện và tổng hợp kết quả thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; ở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước; ở doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước trên 51%, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công tác dân vận của chính quyền theo thẩm quyền của Bộ.
5. Các nhiệm vụ khác:
b) Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về lĩnh vực thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ;
c) Chủ trì, hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế về các lĩnh vực công tác được giao theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng;
d) Tham mưu, giúp Bộ trưởng tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công;
đ) Thực hiện công tác thông kê, tổng hợp, xây dựng về tổ chức chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính để báo cáo lãnh đạo Bộ theo định kỳ;
e) Áp dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ; phối hợp với Trung tâm Thông tin ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu thông tin thuộc lĩnh vực tổ chức chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính để phục vụ quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ;
g) Chuẩn bị, chủ trì chuẩn bị các văn bản trả lời chất vấn của cử tri, đại biểu Quốc hội và giải quyết đơn, thư kiến nghị, khiếu nại liên quan đến các lĩnh vực công tác được phân công theo chỉ đạo của Bộ trưởng và phân cấp của Bộ;
h) Phối hợp hoạt động với Cơ quan đại diện của Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ;
i) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong Bộ để giải quyết những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ;
k) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng.
Điều 3. Tổ chức và chế độ làm việc
1. Lãnh đạo Vụ:
Vụ có Vụ trưởng, các Phó Vụ trưởng và công chức, Vụ trưởng, các Phó Vụ trưởng do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.
a) Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về tổ chức thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Điều 2 và có các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như sau:
- Tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của Vụ và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về mọi mặt công tác của Vụ;
- Phân công nhiệm vụ, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các Phó Vụ trưởng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và công chức trong Vụ;
- Quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể và quy chế làm việc của các Phòng thuộc Vụ;
- Ký thừa lệnh Bộ trưởng để trả lời, giải đáp, hướng dẫn nghiệp vụ và yêu cầu cung cấp thông tin về các vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ;
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ;
- Thực hiện công tác thông tin cho công chức trong Vụ theo quy chế làm việc của Bộ;
- Quyết định các nội dung báo cáo, sơ kết, tổng kết, kiến nghị với Bộ trưởng các chủ trương giải pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Vụ;
- Tổ chức thực hiện các quy định của Bộ trưởng; quản lý công chức và tài sản được giao theo phân cấp của Bộ trưởng;
b) Phó Vụ trưởng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và giúp Vụ trưởng phụ trách về một số mặt công tác theo phân công của Vụ trưởng; chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng về nhiệm vụ được phân công. Trong trường hợp lãnh đạo Bộ làm việc trực tiếp với Phó Vụ trưởng thì Phó Vụ trưởng thi hành ý kiến của lãnh đạo Bộ và sau đó báo cáo với Vụ trưởng;
Khi Vụ trưởng vắng mặt, một Phó Vụ trưởng được Vụ trưởng uỷ nhiệm quản lý, điều hành hoạt động của Vụ theo quy định.
c) Công chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn do Vụ trưởng phân công và chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng về thực hiện những nhiệm vụ đó. Trong trường hợp Lãnh đạo Bộ làm việc trực tiếp với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, chuyên viên thì Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, chuyên viên có trách nhiệm thi hành ý kiến của Lãnh đạo Bộ và sau đó báo cáo lại với Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng được phân công phụ trách;
2. Tổ chức của Vụ:
Tổ chức của Vụ gồm có các Phòng:
Phòng có Trưởng phòng, các Phó Trưởng phòng và cán bộ, công chức; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.
Trưởng phòng chịu trách nhiệm trực tiếp trước Vụ trưởng về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Phòng và nhiệm vụ chuyên môn được Vụ trưởng phân công, Phó Trưởng phòng giúp Trưởng phòng và chịu trách nhiệm trực tiếp về lĩnh vực phụ trách và nhiệm vụ chuyên môn được phân công;
3. Chế độ làm việc của Vụ và phòng
a) Vụ và Phòng làm việc theo chế độ chuyên viên kết hợp với chế độ thủ trưởng;
Công chức thuộc phòng thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn do Trưởng Phòng phân công và chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng; đối với nhiệm vụ do Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng trực tiếp phân công, thì chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng về thực hiện những nhiệm vụ đó, đồng thời phải báo cáo Trưởng phòng;
b) Vụ quản lý về chuyên môn và hành chính thông qua nhiệm vụ công tác được phân công đối với từng chuyên viên trong Vụ; Chuyên viên được làm trực tuyến với lãnh đạo Vụ trong việc xử lý công việc chuyên môn; bảo đảm sự quản lý của phòng theo quy định;
c) Phòng quản lý trực tiếp về chuyên môn và hành chính đối với các chuyên viên trong phòng; Trưởng phòng có ý kiến đối với các văn bản soạn thảo trước khi chuyên viên trình Vụ trưởng.
Điều 4. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 77/2003/QĐ-BNV ngày 12/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Vụ Chính quyền địa phương.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 826/QĐ-BNV năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Chính quyền địa phương do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 2Quyết định 68/QĐ-BNV năm 2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Chính quyền địa phương do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 1Nghị định 178/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ
- 2Nghị định 48/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ
- 3Quyết định 68/QĐ-BNV năm 2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Chính quyền địa phương do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
Quyết định 28/QĐ-BNV năm 2009 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Vụ Chính quyền địa phương do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 28/QĐ-BNV
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/01/2009
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Trần Văn Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/01/2009
- Ngày hết hiệu lực: 16/07/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra